NỘI QUÁN KỲ TÂM
Đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao
Đài Giáo Việt Nam vào giờ Tuất, ngày 15-6 Bính Thìn (11-7-1976), Đức Đông
Phương Lão Tổ dạy: Hãy nhớ câu: “Nội quán kỳ tâm, tâm vô kỳ tâm. Ngoại quán
kỳ thân, thân vô kỳ thân. Viễn quán kỳ vật, vật vô kỳ vật. Không vô sở không,
vô vô diệc vô.” Kính nhờ Gió Bốn Phương giải
hộ. – Đạo hữu Lê Thị Ngọc Vân (hỏi qua FB, ngày
24-12-2022).
HK phúc đáp:
1. Bốn câu này viết chữ Nho như sau: 內 觀 其 心, 心 無 其 心. 外 觀 其 身, 身 無 其 身. 遠 觀 其 物, 物 無 其 物. 空 無 所 空, 無 無 亦 無. Có vài chữ cần giải thích cho
dễ hiểu. (Tôi thêm tiếng Anh để quý bạn biết tiếng Anh khỏi rối rắm vì các từ
Hán-Việt đồng âm khác nghĩa.)
1.1. Nói “Nội
quán kỳ tâm” thì “kỳ tâm” là tâm của mình (one’s mind). Nói “tâm vô kỳ tâm” thì “kỳ tâm” là tâm của nó (its mind), và “nó” đây là “tâm”. “Vô” là động từ, nghĩa là chẳng có
(not having; lacking).
1.2. Nói “Ngoại quán kỳ
thân” thì “kỳ thân” là thân của mình (one’s body). Nói “thân vô kỳ
thân” thì “kỳ thân” là thân của nó (its
body), và “nó” đây là “thân”. “Vô” là động từ, nghĩa là chẳng có (not having; lacking).
1.3. Nói “Viễn
quán kỳ vật” thì
“kỳ vật” là các vật của nó (its things), và “nó” đây là ngoại
giới (the external world). Nói “vật
vô kỳ vật”
thì “kỳ vật” là các vật của chúng (their things), và “chúng”
đây là các vật của ngoại giới. “Vô” là động từ, nghĩa là chẳng có (not having; lacking).
1.4. Nói “Không vô sở
không” thì chữ “không” đầu tiên là danh từ, nghĩa là “trống không; rỗng rang” (emptiness), có thể dịch là “cái-không”. Chữ
“vô” là động từ, nghĩa là chẳng có (not
having; lacking). “Sở không” có nghĩa “cái-vốn-là-không” (that which is empty).
1.5. Nói “Vô vô diệc
vô” thì chữ “vô” thứ nhất và chữ “vô” thứ ba đều là động từ, nghĩa là chẳng có
(not having; lacking). Chữ “vô” thứ
hai là danh từ, nghĩa là “cái-chẳng-có” (not-havingness).
“Diệc” là trạng từ, nghĩa là “cũng” (also;
too).
2. Bốn câu chữ Nho
này nói về một người tu luyện (hành giả) đạt được thanh tĩnh (thanh tịnh) vì
không còn bị lục dục thất tình và tam độc (tham, sân, si) chi phối, quấy nhiễu
nữa. Nhờ thế, người ấy có thể xem xét và thấy được như sau:
2.1. Nội
quán kỳ tâm, tâm vô kỳ tâm. (Nhìn vào trong mà xét tâm của mình, thì thấy
tâm mình không có tâm. / When observing
inward onto his mind, he finds his mind mindless.) Đạo gia bàn rằng niệm 念 (thinking)
do tâm sanh; nay tâm không có thì niệm không sanh, thế là vô niệm.
2.2. Ngoại
quán kỳ thân, thân vô kỳ thân. (Nhìn bên ngoài mà xét thân của mình, thì
thấy thân mình không có thân. / When observing outward onto his
body, he finds his body bodiless.) Đạo gia bàn rằng bởi thấy có
thân mà chấp ngã, vị ngã (vì mình), ôm chặt cái ta (cái tôi; bản ngã: ego); nay không thấy có thân thì đạt
được vong ngã, vô ngã.
2.3. Viễn
quán kỳ vật, vật vô kỳ vật. (Nhìn xa mà xét các vật của ngoại giới, thì
thấy vật chẳng có vật. / When distantly observing
external things, he finds them non-existent.) Đạo
gia bàn rằng khi thấy vạn vật đều chẳng có thì té ra thế gian muôn màu muôn vẻ,
thiên hình vạn trạng rốt lại đều hư ảo, huyễn hoặc; nếu thế thì còn miệt mài đeo
bám, bấu víu những cái giả dối ấy làm chi nữa.
2.4. Không
vô sở không, vô vô diệc vô. (Cái-không chẳng có cái-vốn-là-không; chẳng có cái-chẳng-có
cũng chẳng có. / Emptiness lacks that
which is empty; lacking not-havingness does not exist, too.) Đạo gia bàn
rằng nói cái-không và cái-chẳng-có (cái-vô) đều chẳng có là để giúp người tu
luyện (hành giả) khỏi chấp không hay chấp vô, vì nếu thoát khỏi chấp hữu (như
ba câu 2.1; 2.2; 2.3) mà lại vướng víu vào chấp không hay chấp vô thì khác chi lời
dân gian vẫn bảo: “Tránh
vỏ dưa gặp vỏ dừa; chạy ô mồ mắc ô mả.”
3. XUẤT XỨ: Câu “Nội quán kỳ tâm, tâm vô kỳ tâm. Ngoại quán kỳ thân, thân vô kỳ thân. Viễn quán kỳ vật, vật vô kỳ vật. Không vô sở không, vô vô diệc vô.” vốn được Đức Đông Phương Lão Tổ trích dẫn từ Thanh Tĩnh Kinh 清靜經và Ngài đổi chữ “hình” 形 trong kinh thành chữ “thân” 身. Nguyên văn trong Thanh Tĩnh Kinh như sau (trích):
(...) 能 遣 之 者, 內 觀 其 心, 心 無 其 心; 外 觀 其 形, 形 無 其 形; 遠 觀 其 物, 物 無 其 物. 三 者 既 無, 唯 見 於 空.
觀 空 亦 空, 空 無 所 空. 所 空 既 無, 無 無 亦 無.
(...) Năng khiển chi giả, nội quán kỳ tâm, tâm vô kỳ tâm; ngoại quán kỳ hình, hình vô kỳ
hình; viễn quán kỳ vật, vật vô kỳ vật. Tam giả ký vô, duy kiến ư không.
Quán
không diệc không, không vô sở không. Sở không ký vô, vô vô diệc vô.
Quý đạo hữu có thể tham khảo bản dịch và
chú Thanh Tĩnh Kinh của Lê Anh Minh
trong: Triết Giáo Hợp Tuyển (Hà Nội:
Nxb Hồng Đức 2022, tr. 237-244); quyển 146-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo.
*