Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

LỄ VÍA TRỜI MÙA XUÂN / Đơn Tâm


LỄ VÍA TRỜI MÙA XUÂN

1. Trời là thủy tổ
Nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, Hoàng Trọng Miên tóm tắt quan niệm về Trời của dân Việt như sau:
“Trời là một bậc quyền phép vô song ở trên cao, làm ra tất cả.
Trời có con mắt, thấy tất cả, biết hết mọi sự xảy ra ở thế gian. Trời là cha đẻ muôn loài, xét đến muôn việc, thưởng phạt không bỏ ai. Do đó mà con người tin có Đạo Trời, thờ Trời, cho là Trời sinh, Trời dưỡng, và đến khi chết thì về chầu Trời.
Trời vô hình, không nói, nhưng người ta tin là ở đâu đâu cũng có mặt của Trời, không một ai tránh khỏi lưới Trời…” ([1])
Người Trung Hoa cổ xưa quan niệm Trời là thủy tổ. Quan niệm này có thể tìm thấy trong Kinh Thi qua câu: “Thiên sinh chưng dân…” Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê cho rằng chữ dân ấy tức là chữ nhân.([2]) Như vậy, Thiên sinh chưng dân tức là Trời sinh ra con người.
Đổng Trọng Thư đời Hán cho rằng Trời là thủy tổ của con người, nên viết trong sách Xuân Thu Phồn Lộ như sau: “Thiên diệc nhân chi tằng, tổ, phụ dã.” (Trời cũng là cụ, là ông, là cha con người.)
Ngày nay, khi cúng thời vào các giờ Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu, người đạo Cao Đài đọc bài xưng tán Đức Chí Tôn: Đại La Thiên Đế / Thái Cực Thánh Hoàng / Hóa dục quần sanh / Thống ngự vạn vật… Như thế, đã tin rằng Trời sinh hóa và dưỡng nuôi vạn loại, trong đó có con người.
Từ quan niệm Trời là thủy tổ con người mà có lễ tế Giao, hay tế Nam Giao, tức là lễ tế Trời.
2. Lễ tế Trời
Theo Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Kinh Lễ giải thích ý nghĩa lễ tế Trời (tế Giao) như sau: “Tế Giao để trả ơn Trời, muôn vật sinh ra bởi Trời, người ta sinh ra bởi tổ.” ([3])
Theo đạo hiếu, trong nhà con cháu giữ cúng giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Trời cũng là cha của người, nhưng ngày xưa dân chúng không được phép thờ cúng Trời mà phải nhường đặc quyền này cho Thiên tử (con Trời, vua). Kinh Lễ chép quy ước này như sau: “Vua thánh [vua giỏi, hiền minh] mới hay tế Đức Thượng Đế, con thảo mới hay tế cha mẹ.” ([4])
Qua tài liệu dẫn trên, chúng ta thấy khi Đức Thượng Đế mở đạo Cao Đài thì tất cả mọi người đều được thờ Trời là Cha của mình, không còn phải “nhường” cho vua nữa.
Dưới triều Nguyễn nước ta, các vua chọn một địa điểm ở phía nam kinh thành để làm lễ tế Trời. Nơi này gọi là Giao, là một gò đất tròn dựa theo quan niệm xưa trời tròn đất vuông (thiên viên địa phương). Kinh Dịch có câu: “Những khí dương trong sạch, nhẹ nhàng, nổi lên trên, bao trùm khắp cả trái đất làm thành hình tròn là trời. Những khí âm vẩn đục, nặng đặc, lắng xuống dưới, thu gọn trong bầu trời làm thành hình vuông là đất.” ([5])
Như vậy, tế đất thì chọn gò đất vuông, nằm về phía bắc kinh thành. Tế Trời vì thế gọi là tế Nam Giao, và tế đất gọi là tế Bắc Giao.
Tự điển Khang Hy giải thích: “Đông Chí tự Thiên vu Nam Giao. Hạ Chí tự địa vu Bắc Giao. Cố vị tự Thiên địa vi Giao.” Nghĩa là: Ngày Đông Chí tế Trời ở gò phía nam. Ngày Hạ Chí tế đất ở gò phía bắc. Cho nên tế Trời đất gọi là Giao.([6])
Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề viết: “Các đế vương ngày xưa đặt ra lễ tế Giao để tế Trời đất, lấy nghĩa vua thay Trời trị dân vỗ yên trăm họ, vua là con Trời nên phải tế Trời cũng như con phải nuôi cha mẹ. Hàng năm vua tế Trời là giữ lễ làm con, khi khởi binh cáo với Trời là giữ đạo làm con. Trời là Đấng Chí Tôn, giữ gìn vận mệnh và ban hạnh phúc cho muôn dân, nên khi tế Trời, đích thân vua là chủ tế.” ([7])
Lễ tế Trời có ở Trung Quốc từ đời thượng cổ, với vua Thuấn. Đến thế kỷ 12 truyền vào Việt Nam, từ đời vua Lý Anh Tông (1138-1175). Vậy, trước vua Lý Anh Tông, triều đình Việt Nam không giữ độc quyền được tế Trời.
Đời vua Hùng Vương thứ sáu, người con thứ mười tám là Tiết Liệu được truyền ngôi nhờ tìm ra cách làm bánh dầy hình tròn và bánh chưng hình vuông để cúng trong dịp đầu xuân. Bánh dầy tượng trưng cho trời tròn, bánh chưng tượng trưng cho đất vuông. Vậy, vào thời Hồng Bàng, tục cúng trời đất không dành riêng cho ai.
Chúng ta cũng thấy rằng khi đạo Cao Đài đưa tín ngưỡng thờ Trời vào quảng đại quần chúng là phục hồi truyền thống văn hóa dân tộc.
Nên lưu ý, người Trung Quốc tế Trời vào ngày Đông Chí, nhưng tại Việt Nam lễ vía Trời của đạo Cao Đài và tục cúng bánh dầy, bánh chưng lại tổ chức vào đầu xuân.
Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề cho biết ngày xưa tế Trời ở nước ta như sau:
- Đời Lý: một năm làm tiểu lễ, hai năm làm trung lễ, ba năm làm đại lễ.
- Đời Trần: không tế Trời.
- Đời Lê: tế Trời vào tháng Giêng.
- Đời Nguyễn: tế Trời vào tháng Hai. Đời Thành Thái, vua ấn định ba năm tế một lần.
2. Lễ Vía Trời
Đạo Cao Đài lấy ngày mùng 9 tháng Giêng làm lễ vía Trời. Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của giải thích ngày vía là ngày sinh, và dẫn lại câu nói trong dân gian: Mồng 9 vía Trời, mồng 10 vía đất. Tự điển này in tại Sài Gòn năm 1896, như vậy lễ vía Trời là tục lệ có từ xa xưa của người Việt. Nói cách khác, lễ vía Trời trong đạo Cao Đài là tiếp nối truyền thống lâu đời của dân tộc.
a. Tại sao chọn mùa xuân làm lễ vía Trời?
* Về phương diện âm dương, ngũ hành, mùa xuân ứng với phương Đông. Mặt trời mọc ở phương Đông báo hiệu khởi đầu một ngày, một chu kỳ hoạt động. Lễ vía Trời vào mùa xuân ứng với phương Đông ngụ ý Tạo Hóa khởi phát cho vạn vật sự sống.
Mùa xuân ứng với hành Mộc, màu xanh. Xuân là mùa cây cối tuôn tràn nhựa sống, đâm chồi nảy lộc, sinh sôi nảy nở. Lễ vía Trời vào mùa xuân ngụ ý Tạo Hóa dưỡng dục quần sinh tăng trưởng.
* Về lý Dịch, mùa xuân ứng với đức Nguyên của đạo Kiền (Càn). Nguyên là đầu tiên, to tát, bao trùm mọi điều thiện. Lễ vía Trời vào mùa xuân ngụ ý Thượng Đế là nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ, chí đại, chí thiện.
Nguyên cũng ứng với đức nhân. Lễ vía Trời vào mùa xuân ngụ ý Thượng Đế là đấng háo sanh, là tình thương.
* Về mặt văn minh nông nghiệp, trong Hồng Phạm có hai chữ giá sắc nghĩa là gieo gặt. Gieo giống vào mùa xuân và gặt hái vào mùa thu. Lễ vía Trời vào mùa xuân ngụ ý con người cần khởi đầu gieo giống lành, hành thiện để tiến lên đường đạo đức, tiến hóa. Qua mùa thu có lễ Hội Yến Bàn Đào do Đức Mẹ Diêu Trì ban thưởng cho những con đã gặt hái được công quả xứng đáng kể từ đợt gieo gặt đầu xuân. Nói khác đi, đạo Cao Đài có lễ vía Trời mùa xuân và lễ Hội Yến Bàn Đào mùa thu là để hoàn thành chu trình giá sắc (gieo gặt) của người tu.
b. Tại sao chọn tháng Giêng làm lễ vía Trời?
Theo lịch nhà Hạ tháng Giêng là tháng Dần. Có câu Thiên khai ư Tý, địa tịch ư Sửu, nhân sinh ư Dần. (Trời khai mở ở Tý, đất lập thành ở Sửu, người sinh ra ở Dần.) Lễ vía Trời vào tháng Giêng là nhắm tới con người, ngụ ý thờ Trời thì nhớ phụng sự người. Đó là tư tưởng nhân bản của Cao Đài, như lời Chư Tiền Khai Đại Đạo dạy:
“Thượng Đế không kêu gọi con người phụng sự cho Thượng Đế mà con người hãy cải tạo để xây dựng Thiên Đàng cho con người và thế giới ở tương lai…” ([8])
Tháng Giêng ứng với quẻ Địa Thiên Thái, gọi tắt là quẻ Thái, gồm nội quái hay hạ quái là quẻ Càn, tượng trưng cho trời; ngoại quái hay thượng quái là quẻ Khôn, tượng trưng cho đất. Lời thoán quẻ Thái viết: “Thiên địa giao nhi vạn vật thông dã…” (Trời đất giao cảm nhau mà muôn vật thông suốt…). Chúc lành nhau đầu năm, người đời có câu Tam dương khai thái, là mượn hình tượng nội quái của quẻ Thái (là quẻ Càn, gồm ba hào dương) để cầu mong mọi việc suôn sẻ, hanh thông.
Quẻ Thái tượng trưng cho sự tốt đẹp, vì trời đất đề huề, vạn vật sinh sôi nảy nở. Lễ vía Trời vào tháng Giêng, ứng với quẻ Thái, ngụ ý Thượng Đế ban cho vũ trụ vạn vật (trong đó có con người) mọi điều tốt lành và trưởng dưỡng tất cả.
c. Tại sao chọn ngày mùng 9 làm lễ vía Trời?
Về Dịch lý, trong mười con số có năm số âm là 2, 4, 6, 8, 10; và có năm số dương là 1, 3, 5, 7, 9.
Lấy năm con số theo ngũ hành, ta có:


Bốn số 1, 2, 3, 4 là số sinh, vì từ nó sẽ sinh ra các số khác: 1+5 → 6; 2+5 → 7; 3+5 → 8; 4+5 → 9. Bốn số 6, 7, 8, 9 là số thành, trong đó 9 là số thành lớn nhất. Mà 9 = 1+3+5, là số thành của ba số sinh dương.
Dịch lý gọi 9 là số lão dương, con số hoàn hảo. Thế nên dùng số 9 để chỉ cho ngôi cao tột bực. Ngôi vua vì vậy gọi là cửu trùng. Triết gia Hy Lạp là Pythagore (580-572 trước Công Nguyên) cho rằng 9 là số huyền vi bí diệu, nên bảo: Chín là số hoàn hảo, là bình phương của ba (3x3 = 9), một tam hợp hòa hài trọn vẹn. (Neuf est le nombre parfait en tant que carré de trois qu’est la trinité de l’harmonie complète).
Lễ vía Trời vào ngày mùng 9, vì 9 là dương, toàn thiện, hoàn hảo, ứng với ngôi Chí Tôn của càn khôn thế giới.
d. Tại sao chọn giờ Tý làm lễ vía Trời?
Trong mười hai giờ của một ngày, theo âm lịch, giờ Tý (từ 23 giờ) là lúc âm cực thịnh. Âm cực thì dương sinh. Đây là thời điểm một ngày mới bắt đầu manh nha, vũ trụ chìm trong tĩnh mịch, thâm u, thanh tịnh nhất. Giờ Tý ứng với quẻ Phục, nhất dương sinh (hào 1 hay hào sơ là vạch liền), mầm sống thiêng liêng khởi phát.
*
Mỗi dịp đầu xuân, khi thiết lễ vía Trời vào giờ Tý, ngày mùng 9 tháng Giêng, chúng ta nên nhớ đến những ý nghĩa biểu tượng của giờ, ngày và tháng. Mỗi lần hành lễ vía Trời chúng ta ý thức đây cũng là ghi dấu một khởi hành cho chúng ta trong năm mới trên đường tu học và hành đạo. Chúng ta cũng nhớ đến giá sắc. Đầu xuân chúng ta bắt đầu gieo trồng công quả, nhận lãnh việc đạo, sang thu ta hân hoan chầu lễ Đức Mẹ trong Hội Yến Bàn Đào, dâng trình Mẹ kết quả tu học của những đứa con áo trắng hiếu thảo Kỳ Ba.

Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý

23-02-1991

ĐƠN TÂM
Trích SỨ MNG ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PH ĐỘ
Nhà xuất bn TÔN GIÁO (Hà Nội 2012), tr. 43-49.
Quyển 40.2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tng Kinh Sách Đại Đạo
Kỷ nim bn năm hoằng pháp (tháng 6-2008 / tháng 6-2012)


([1]) Việt Nam Văn Học Toàn Thư. Quyển I. Sài Gòn: Nxb Tiếng Phương Đông, 1973, tr. 61.
([2]) Đại Cương Triết Học Trung Quốc. Quyển Hạ. Sài Gòn, Nxb Cảo Thơm, 1966, tr. 23.
([3]) Những Đại Lễ Và Vũ Khúc Của Vua Chúa Việt Nam. Sài Gòn: Nxb Hoa Lư, 1968, tr. 13.
([4]) Những Đại Lễ Và Vũ Khúc Của Vua Chúa Việt Nam. tr. 13.
([5]) Những Đại Lễ Và Vũ Khúc Của Vua Chúa Việt Nam. tr. 13.
([6]) Những Đại Lễ Và Vũ Khúc Của Vua Chúa Việt Nam. tr. 13.
([7]) Những Đại Lễ Và Vũ Khúc Của Vua Chúa Việt Nam. tr. 13.
([8]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-02 Giáp Dần (07-3-1974).

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2020

Phạm Văn Liêm / Vầy Duyên VIẾT TRƯỚC HIÊN NHÀ


(Hà Nội: Nxb Hồng Đức, tháng 02-2020, in 1.200 bản.)

VẦY DUYÊN


Sao lại là Vầy Duyên?
Duyên đây là duyên thơ, duyên đời, duyên đạo. Vầy duyên là tạo sự sum họp, quây quần nhau trong đoàn tụ, chung cùng duyên đời, duyên đạo, duyên thơ.
Tôi, Phạm Văn Liêm, quê ở Bình Định; Nguyễn Quốc Huân quê Quảng Nam; cùng lưu lạc vào sinh sống ở Bà Rịa – Vũng Tàu, và là huynh đệ đồng đạo Cao Đài. Thân sinh của Quốc Huân là cụ Nguyễn Quốc Tín, người làng Đại Bình, Quảng Nam. Cụ là chức sắc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài; tôi đã từng sinh hoạt tu học cùng cụ tại Trung Hưng Bửu Tòa ở Đà Nẵng.
Tôi biết Quốc Huân khi tình cờ đọc bài thơ Về Mỹ Sơn đăng trong tạp chí Văn Nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu số 83 (tháng 10-2006) với bút danh Nguyễn Đại Bường. Đại Bường tức Đại Bình, tên làng quê Quế Sơn, Quảng Nam. Làng này có khu vườn nhà cụ Quốc Tín nổi tiếng một thời nhiều cây trái sum sê thạnh mậu.
Tôi đã cố tình tìm gặp Đại Bường (Quốc Huân) để vầy duyên thơ, duyên đạo, đồng thời đưa duyên với Dũ Lan (Huệ Khải) người hoài bão gầy dựng con đường văn học Cao Đài, và vui làm sao, nay đã quần tụ được vần điệu của những “nòi tình” nhà đạo Trung Hưng: Trần Dã Sơn, Huỳnh Văn Mười, Nguyễn Quốc Huân…
Năm đó, buổi sơ giao Quốc Huân tặng tôi tập thơ đầu tay Người Trồng Cỏ Bên Đường (Nxb Hội Nhà Văn, 2007) để rồi “ngọn cỏ từng ngày lên non xanh” trên mảnh vườn văn Đại Đạo, tức Đạo Uyển hiện giờ.
Và hôm nay, Quốc Huân (Đại Bường) trao tôi bản thảo tập thơ Viết Trước Hiên Nhà, nhờ viết mấy lời.
Vui rất nhiều và rung cảm rất nhiều khi được ngâm ngợi những dòng tình của Quốc Huân. Đây là thứ tình lòng trong cuộc nhân sinh được nhả ra bằng ngôn vần ngữ điệu.
Trước tiên tôi lật tìm bài thơ chủ của thi phẩm Viết Trước Hiên Nhà.
Tôi cảm nhận rằng người thơ đã rong chơi, hay đã đó đây cho cuộc sống và rồi bây giờ:
Ừ thôi, về trước hiên nhà
Nghe mùa đông lá se qua lòng mình
Và ở đó:
Với chum tương, với vại cà
Xếp hàng đứng đợi mẹ ra vỗ về
. . .
Ừ thôi lay giấc chiêm bao
Khẽ khàng thưa gửi lên màu tóc mây
Đường xa thênh nhẹ dạn dầy
Thì như con nít mà ngây ngô rằng...
Rằng thế nào?
Rằng:
Áo cơm mặc kệ hai màu tóc
Dâu bể nề chi mấy hướng trời
Bến cũ yên bình khe khẽ gọi
Cùng quê thắp lại nắng xuân tươi.
Trước hiên nhà, nằm trên cánh võng, đung đưa lên tiếng hát với tuổi sáu mươi:
Tự nhiên, bỗng tuổi sáu mươi
Trẻ thì hết trẻ, chỉ... hơi hơi già
. . .
Áo cơm mấy bận cơ cầu
Loáng một cái, thấy bể dâu cũng thường
. . .
Tóc sương càng nhuốm tuổi đời
Càng thương cái thuở quần đùi tắm mưa.
Dấu chân và hồn thơ đời đạo Quốc Huân đã in đậm trên từng lối non sông đất nước, qua từng tháng năm, qua từng trạng huống.
Vốn người “đồng khí” với nhau, nên đọc thơ Quốc Huân, sự “tương cầu” khiến “Chợt nghe hơi ấm từ ai sang mình”. Thứ hơi ấm của tình Hưng Đức, chan hòa màu áo trắng:
Tháng Sáu nầy anh có về Hưng Đức
Mùa Hạnh Đường lộc nõn đã lên xanh
Nắng Đà Nẵng trắng ươm tình áo trắng
Bửu Tòa rung chuông gọi đã ngân vang
Thứ tình thiêng Chơn Nhơn với từng ngọn cỏ mềm ươm vào tình đất lành linh khí:
Đất lành nhuộm máu tim hồng
Hòa chan mây trắng ung dung bốn mùa
Còn nghe hơi thở người xưa
Tay châu, tay sách như vừa đâu đây
Còn nghe danh niệm Cao Đài
Vượt qua sinh tử, tháng ngày, nước non
Thứ tình từ ái cõi Âm Quang chảy về giữa mùa trăng tháng Tám:
Con về lại giữa vầng trăng tháng Tám
Vành vạnh soi dâu bể bước đăng trình
Vòng tay Mẹ bao dung và vô hạn
Vỗ về con trong chuyển kiếp hóa sinh
. . .
Mẹ trong con để con là như Mẹ
Duyên thiên từng mầm lá mãi xanh non
Thứ tình trong lời ru của mẹ thế gian:
Lần theo câu hát à ơi
Con tìm về với quãng đời mẹ ru
. . .
Dòng sữa mẹ vẫn ngọt ngào
Băng qua đất cỗi ngấm vào đời con
. . .
Lời ru không tuổi không tên
Đã thành sợi tóc bồng bềnh trắng mây
Đến tình tưởng vọng ngọn sóng về nguyên:
Mây vẫn trôi soi ngọn sóng Tiền
Thong dong rồng đã trẩy về nguyên
. . .
Mắt Trời năm ấy còn minh chiếu
Hằng tại nhất tâm chấp bút Tiên
Và nhiều tình lắm, tình Bữa (bữa nọ, bữa nay, bữa sau):
Bữa nọ dật dờ chơi đếm lá
. . .
Bữa nay oải quá không chơi nữa
. . .
Bữa sau còn có thu qua đó
Xin hãy theo về đêm tĩnh yên
Cơn mơ trải giấc dài năm tháng
Có tiếng reo xa vạt lá mềm
Tình Cái Lu:
Tự nhiên ngồi nhớ cái lu
Mùa đông hứng nước, mùa thu đựng đường
Mùa xuân để mẹ ủ tương
Mùa hạ để chị giú buồng chuối xanh
Tình Hoa, tình Cảnh:
Mải mơ níu giữ màu hoa cũ
Tím nhuộm khoảng trời nay vắng tênh
Và rất đậm với tình quê hương đất Quảng, xứ sở của những bước chân sứ vụ Cao Đài đã nằm gai nếm mật thuở đưa Đạo về Trung:
Một sớm dậy bồi hồi trông dáng núi
Thấy mây bay thơ thẩn rất vô tình
Và ta nữa cũng vô tình tự hỏi
Buồn vui chi sỏi đá cứ làm thinh
. . .
Nơi ấy núi đồi yên giấc ngủ
Mùa xuân êm ả một Thu Bồn
Bàn chân người trước còn in dấu
Tí, Sé, Dùi Chiêng hoa cỏ thơm
Đọc hết tập thơ, dòng tình mượt mà vần điệu của Quốc Huân đã chảy vào trong tôi thật thơm ngọt. Tôi xin trân trọng ghi mấy lời thâm cảm trao đến quý thiện hữu đồng hội đồng thuyền để cùng nhau vầy duyên tao ngộ.
Tịnh thất Thanh Châu
Bà Rịa – Vũng Tàu
Ngày Đông Chí Kỷ Hợi (2019)
Thượng Giáo Sư PHẠM VĂN LIÊM
Phó Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài


Phạm Văn Liêm (ảnh: Dũ Lan)

Cao Kim / Hồn Đạo Trong THƠ NGƯỜI ÁO TRẮNG



Bạn trao vào tay tôi hiệp tuyển Thơ Người Áo Trắng.[1] Tên thơ giản dị, bìa cũng thật khiêm tốn, chỉ vài nhành cây mảnh mai điểm những đọt non be bé đơn sơ. Thoạt trông, lòng đã có cảm giác nhẹ nhàng.
Buổi sáng hơi se lạnh, tôi nhẩn nha nhắp ngụm cà phê nóng, ngắm dòng kênh xa xa còn phủ chút mù sương, nhìn những dòng xe cứ lần lượt ào tới rồi lướt đi trước mắt, âm thanh mỗi lúc một hối hả ồn ào hơn. Chung quanh tôi là một không gian động, rất động, nhưng tập thơ của những người áo trắng lại mang đến cho tôi cảm giác tĩnh lặng đến lạ thường.
Có thể mỗi người có một cách riêng để thưởng thức thơ. Phần tôi, không mong tìm những câu thơ “tân kỳ”, những cấu trúc lạ (có khi chúng chỉ làm tôi thêm hoang mang về trình độ thưởng thức thơ của mình!), tôi chỉ đi tìm điều ẩn chứa sau những câu những chữ của bài thơ, tôi tìm hồn thơ! Và tôi đã gặp được những hồn thơ tưởng chừng rất quen, như đã từng nhiều lần chạm mặt thuở còn thong thả đạp xe trên những con đường thênh thang chưa thấy mấy ai vội vã.
Lạ sao giữa xã hội náo động hôm nay lại có những câu thơ rất đỗi thong dong “trăng đèn, gió quạt…, trà nhắp, thơ ngâm…”; hóa ra sự thong dong phát xuất từ một hồn thơ đã trải nghiệm đủ để nhận ra hư thực của đời sống:
Có có không không tuồng thế sự
Thua thua được được chuyện trần gian.
(Chữ Nhàn – Đạt Đức)
Không chấp vào tuồng thế sự, chuyện trần gian nên có nhà thơ xem đời nhẹ tựa cơn gió thoảng:
Tay không ta đến giữa đời
Buồn vui, mất được, khóc cười… hư không
Một mai cánh gió phiêu bồng
Tay không ta lại thong dong trở về.
(Thuyền Thơ Lục Bát – Kim Anh).
Nhưng không phải ai cũng có được cái tâm an ấy ngay từ buổi đầu tiên nên người đọc vẫn tìm thấy những vần thơ đầy băn khoăn dằn vặt trước khi tìm được đường về với đạo:
Gối tay ngủ dưới bầu trời
Đất buồn đất trách: Lòng người đa đoan
Trái oan chồng chất trái oan
Đã không chịu trả còn toan xuống đò.
(Giữa Cõi Thực Hư – Trần Dã Sơn)
Trót vương vào lối trần tù
Sợi thê sợi tử rối mù quấn quanh
Tại mình, nào trách Cao Xanh
Bình tâm ngồi gỡ mối manh buộc ràng.
(Một Thoáng Bụi Phàm – Huyền Chơn)
Chưa rảnh rỗi ta vẫn về tự hỏi
Ta là ai trong vạn kiếp phù sinh?
Đường thiên lý loanh quanh chùn chân bước
Phút tâm an ta chợt gặp chính mình
(Hỏi – Nguyễn Quốc Huân)
Có ung dung tự tại, có khắc khoải giằng co, nhưng trên hết vẫn là cái hồn đạo trong thơ, khiến cho Thơ Người Áo Trắng mang một nét đặc trưng riêng, từ ái, nhẹ nhàng của những hồn thơ thấm đạo, như tác giả Huệ Khải đã “nghiệm ra”, đạo không phải là điều gì xa vời cao siêu ở ngoài ta hay trên ta, đạo thấm đẫm trong ta để toát ra bằng hành vi cử chỉ nghĩ suy của người chơn đạo:
Từ độ người đi tôi nghiệm ra
Đạo không chi cả, chẳng gần xa
Nhưng trong cuộc sống người chơn đạo
Đạo hiện nên hình qua chính ta.
(Nhớ Bác Chơn Thiện Minh – Huệ Khải)
Cái “chơn đạo” ấy, người đọc nhìn thấy bàng bạc suốt những bài thơ trong hiệp tuyển dù không có lời kinh tiếng kệ đi kèm.
Chơn đạo là đây, những câu thơ dịu dàng đầy lòng từ ái:
Con xin như Mẹ
Thương con chim lạc đàn
Thương con nai ngơ ngác
Thương con hổ hung tàn
Con xin như Mẹ
Yêu cành liễu thướt tha
Yêu giọt sương trên lá
Yêu dòng suối chảy qua
(Giọt Tình Thương – Đơn Tâm)
là niềm mong ước thế giới đại đồng:
Chắp tay nguyện giữa thinh không
Từ bi hoa nở kết vòng yêu thương
Hẹn nhau chung một con đường
Đại đồng thế giới mười phương hòa bình.
(Tâm Ca Áo Trắng – Kim Anh)
là tâm rung cảm trước những phận người nhỏ nhoi:
Dòng người vẫn hàng ngày ngược xuôi hối hả
Có ai để ý bên đường
Một dáng ngồi chơ vơ nón lá
Chị nhuộm xanh mặt đất cho bầu trời trong hơn.
(Người Trồng Cỏ Bên Đường – Nguyễn Quốc Huân)
là cái tâm không phân biệt của người thấu lẽ Trời:
Tôi là cây cỏ
Người là hướng dương
Ai đâu thấu tỏ
Cỏ cũng như người.
(Không Đề – Cát Tường)
hay:
Không tâm không cảnh đâu trần cấu
Không ngã không nhân chẳng dị đồng.
(Chữ Không – Đạt Đức)
là ý niệm bình đẳng trong chuyến đò đời:
Không có vé hạng xoàng
Không có khoang hạng nhất
Sông rộng chung bờ xa tít
Bình đẳng thời gian
Bình đẳng nắng mưa.
(Qua Phà – Nguyễn Quốc Huân)
Ngay đến cả những câu thơ lãng mạn trong tuyển tập cũng mang theo đạo vị của người làm thơ.
Dịu dàng áo trắng chung chiêng
Em về thánh thất tịnh nhiên cõi lòng.
(Tâm Ca Áo Trắng – Kim Anh)
hay:
Chân mây nhuộm ánh hoàng hôn đỏ
Ai luyện lò cừ, ngún lửa thiêng?
(Chiều Vĩnh Nguyên – Hàn Ngọc)
Thử hỏi ngoài kẻ chơn tu, ai có thể nhìn thấy trong ánh hoàng hôn đỏ ngọn lửa thiêng của lò cừ?
Và rồi, đạo đã trở thành cứu cánh giúp người đạt đến tâm bằng an:
Tạ ơn Thầy âm thầm đưa con tới
Chiếc thuyền từ giữa bể khổ đầy vơi
Thân nghiệp chướng nếu không Thầy soi lối
Con làm sao thành thật biết ơn đời.
(Tạ Ơn – Huệ Khải)
Niệm đi ta niệm nhiều lần
Nghiệp duyên giũ sạch xa lần bến mê
Niệm đi niệm đến ngày về
Không còn oan trái não nề theo ta.
(Tịnh Niệm – Kim Liên)
Xuôi tay xác hóa thi ma
Ích gì ôm lấy cái ta muộn phiền
Chi bằng vun vén tâm điền
Gieo mầm từ huệ định yên thần hồn.
(Một Thoáng Bụi Phàm – Huyền Chơn)
Qua ghềnh thác vịn câu kinh
Qua năm tháng vịn công trình, công phu.
(Nơi Trọn Lành – Nguyễn Văn Sanh)
Ở về là lịnh Từ Bi
Ở lo quét dọn, về trì chân kinh.
(Dặn Lòng – Trần Dã Sơn)
Ngẫm lại, tâm đạo phát ra từ thơ đạo đã quý lại càng quý hơn trong thời đại đảo điên, lòng người dậy sóng, ít kẻ bình tâm phân biệt giác mê.
Tập thơ xếp lại, vẫn còn nghe lâng lâng thi vị lắng đọng êm ả của những ý thơ giàu cảm xúc đạo ngay giữa lòng đời. Người đọc như vừa được tưới gáo nước mát lành cho trôi tuột hết cái nắng bụi trần gian. Có phải nhờ vậy, nắng của buổi sáng nay như trong trẻo hơn, dịu dàng hơn mặc cho trên những con đường kia, nhiều người vẫn đang mướt mồ hôi bôn ba theo ảo vọng!
CAO KIM
30-12-2013


[1] Thơ Người Áo Trắng, hiệp tuyển. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013. Quyển 66-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.


Cao Kim (Sài Gòn)