Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

6/6 NHỚ ĐẠT LINH / VẮNG MỘT NỤ CƯỜI

VẮNG MỘT NỤ CƯỜI
Huệ Khải
Giờ Dậu, tối thứ Sáu 09-01-2009 (14 tháng Chạp Mậu Tý), tại thánh thất Bàu Sen, họ đạo và thân hữu truy điệu anh Đạt Linh. Trước linh cữu, kéo anh Đạt Truyền đứng kế bên cho đủ bạn, lòng dặn lòng cố gắng đừng bi lụy, vậy mà mới đọc hai, ba dòng, tới câu “Thời gian mười năm qua, ba anh em Đạt Linh, Đạt Truyền và Huệ Khải tình thân như thủ túc” thì tôi quá đỗi nghẹn ngào…
Những ngày cuối của anh Đạt Linh, thâm tâm tôi vẫn tin là anh sẽ vượt qua như mấy lần trước. Có dịp gặp nhau, tôi hay nói với anh, trước mặt anh Đạt Truyền: Không sao đâu! Huynh chưa “đi” nổi đâu. Gì gì thì cũng phải đợi bộ sách Các thánh sở Cao Đài in xong hết đã. Chẳng lẽ để tụi tôi mỗi lần in sách phải … đốt cho huynh một cuốn!
Anh Đạt Truyền cười hồn nhiên. Đạt Linh cũng cười tươi, lạc quan.
Tháng 12-2008 in xong cuốn đầu: Các thánh sở Cao Đài tỉnh Long An. Sách chở về thánh thất Bàu Sen xong, chúng tôi liền dâng thánh lễ giờ Ngọ để sớm trình Ơn Trên và tạ ơn. Anh Đạt Linh nâng niu cuốn sách trắng đẹp, vui lắm. Nhưng bản tánh điềm đạm, ít nói, anh chỉ bộc lộ nhiều qua nét mặt.
Niềm vui đó cũng giống như năm 2005, khi chúng tôi vừa làm xong bản thảo của năm quyển: tỉnh Kiên Giang; tỉnh Tiền Giang; tỉnh Vĩnh Long; thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang; miền Bắc (Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa). Dẫu mới chỉ là năm bản photocopy để trình Cơ quan Phổ thông Giáo lý.
Mùa tu Đông chí Mậu Tý, tôi gởi bản thảo Các thánh sở Cao Đài tỉnh Bến Tre ra Hà Nội, mong sẽ sớm có giấy phép để đưa đi in. Trên giường bệnh, anh vui khi nghe báo tin. Nhưng rốt cuộc anh không đợi thêm được. Trước tết nguyên đán, tôi cầm giấy phép in cuốn Bến Tre trên tay, lòng bùi ngùi tiếc nhớ anh biết mấy!
Chính quá trình làm bộ sách Các thánh sở Cao Đài đã thắt chặt tình thân thiết, gắn bó giữa ba anh em chúng tôi. Ban đầu là với anh Đạt Truyền từ khoảng cuối năm 1998 trở đi. Không lâu sau đó là thêm anh Đạt Linh.
Trước kia tôi chỉ biết tên thánh thất Bàu Sen khi đọc thánh giáo, và chưa một lần đặt chân tới. Tánh tôi vốn lười đi đó đi đây, trót quen ru rú ở nhà đọc và viết. Khi cùng làm việc chung với anh rồi cũng vậy. Hiểu tôi, anh không mời mỗi khi Bàu Sen tổ chức lễ trọng thể mừng Giáng sinh hàng năm. Bàn bạc việc gì thì hai anh Đạt Truyền, Đạt Linh cùng ghé tôi, thường dành trọn buổi sáng. Tôi chủ động giúp Bàu Sen thực hiện các tập sách photocopy làm quà tặng phổ biến nội bộ và liên giao (như Thánh thất Bàu Sen xưa và nay, Lời vàng sen trắng, Một mùa sao sáng, Khai xuân tâm đạo…) thì cũng chỉ họp bàn ở nhà tôi, chia việc với hai anh những công đoạn cần thiết.
Cả hai anh Đạt Truyền, Đạt Linh đều luôn nhiệt tình, thật hồn hậu, giàu lòng hy sinh, rất đạo hạnh. Cả hai hạp tánh tôi ở chỗ tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Ba anh em vì thế mà ăn ý nhau suốt ngần ấy năm. Những tháng những ngày định ra lịch làm việc chung hàng tuần ở nhà tôi để duyệt ảnh từng thánh sở, kiểm tra danh sách thánh sở theo từng tỉnh là những kỷ niệm đầm ấm không quên. Thỉnh thoảng, tôi dặn hai anh ghé sớm, đừng ăn sáng. Thế là hiền nội của tôi có dịp “phục vụ” ba ông “đạo hữu” rất chu đáo. Những lúc ăn sáng bên nhau như thế cũng là lúc thư giãn, tâm tình. Qua đó tôi hiểu thêm nguyện vọng của anh Đạt Linh trong cương vị chánh hội trưởng, lúc nào cũng đau đáu muốn nâng tầm họ đạo lên. Tôi biết thêm những nỗi niềm của anh trong hoàn cảnh hành đạo mà tôi hay ví von là “chén dĩa cùng úp chung một rổ, khó bề khỏi va chạm, khua lanh canh, khờn mẻ”.
Tôi chưa từng một lần thấy anh Đạt Linh nổi sân. Nhắc lại những phiền muộn trong lúc hành đạo anh đều nói nhẹ nhàng, vắn tắt. Tôi cảm nhận trong anh không có lòng trách oán.
Những buổi tôi phụ trách đạo đàm, thuyết minh giáo lý, hay giảng bài trong chương trình Bồi dưỡng Giáo lý cấp một tại Cơ quan Phổ thông Giáo lý, anh dự đầy đủ. Cả khi căn bệnh tái phát, hoành hành, anh vẫn gượng đi. Nên hôm nào thấy thiếu anh là tôi đâm lo. Cuối buổi trình bày hay lúc nghỉ giải lao, liền tìm anh Năm Hạnh (em ruột anh) để hỏi thì quả nhiên biết rằng mình đoán đúng: Anh “bết” quá, gượng không nổi!
Các bài nói chuyện ở Cơ quan Phổ thông Giáo lý (quận 1), thánh tịnh Ngọc Điện Huỳnh Hà (quận 2), thánh tịnh Ngọc Minh Đài (quận 4), và Vĩnh Nguyên Tự (Long An) tôi đều làm thành sách nhỏ (khổ A5) để biếu đạo hữu. Tôi luôn photocopy nhiều, phát ra còn dư thì trao hết cho Đạt Linh. Về sau tôi biết anh lẳng lặng sao chụp thêm nhiều lần nữa, để dùng cho nội bộ Bàu Sen, để tặng khi đi liên giao hành đạo các nơi, khi cùng anh Đạt Truyền điền dã chụp ảnh thánh sở.
Tôi còn nhớ buổi sáng Chủ nhật nọ. Hôm ấy tôi phụ trách đạo đàm, trình bày một số trải nghiệm trong việc đọc thánh giáo Cao Đài, xử lý vấn đề từ ngữ, điển cố trong văn bản… Hôm ấy tôi không nghĩ là anh sẽ đến dự vì biết mấy ngày qua anh bị căn bệnh “vật” anh dữ dội. (“Vật” là cách anh nói về những lần bị hành xác.) Nhưng vừa từ phòng hiền huynh Đạt Chánh bước ra, không ngờ lại thấy anh trờ tới trước mặt, tà áo đạo trắng tinh tươm. Anh nói nhỏ: Hôm nay em phải ra đây để “giao cảm” với đạo huynh chớ. Rồi mỉm cười tươi tắn.
Tôi cảm động. “Giao cảm” là hai chữ tôi quen dùng khi viết lời mở đầu cho vài cuốn sách tôi viết. Cũng là hai chữ tôi dùng khi dẫn vào từng cuốn trong bộ sách Các thánh sở Cao Đài.
Tôi nào biết rằng đó là lần cuối cùng anh Đạt Linh đến ủng hộ buổi nói chuyện của tôi.
*
Cuối năm 2007, sau nhiều năm tạm ngưng việc in sách, tôi gởi bản thảo Đất Nam Kỳ - tiền đề văn hóa mở đạo Cao Đài ra Hà Nội xin xuất bản. Trong lúc còn chờ giấy phép, tôi không khỏi nhớ đến những trải nghiệm ngậm ngùi vào hai năm 1995, 1996 khi bản thân tự bỏ vốn in sách; hoặc ba năm 1999, 2000, 2005 khi trót giao bản thảo cho người khác in sách. Những “lắt léo” đã thành “truyền thống” của ngành phát hành sách trong nước vẫn cứ mãi là một trở ngại nản lòng mà dường như ít tác giả nào có thể vượt qua nếu mình tự in sách. Còn giao sách cho “bá tánh” in, thì tôi hay ví von chua chát là giống như… đem con gái gả Đài Loan!
Bài học cay đắng còn đó. Tôi nghiền ngẫm rồi vụt đi tới một quyết định: Ấn tống! Lúc ấy, tôi để dành được chừng chục triệu. Nhẩm tính các khoản, tôi tin đủ in chừng một ngàn cuốn. Bụng bảo dạ, cứ tạm như thế đã.
Sinh thời cụ Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) hay bảo tôi ghé nhà riêng ở số 12/3C đường Kỳ Đồng (quận 3) chơi. Một già một trẻ chuyện trò. Có lần nghe tôi nói xong thì cụ bật cười, và hỏi: “Cháu có thấy là cháu mystique không?” Tôi không chối. Vậy đừng lạ tại sao tôi tin quyết định ấn tống của mình vào cuối năm 2007 là đúng, là có thần minh ám thị.
Thật vậy. Tôi không bao giờ quên buổi sáng ấy. Bảy, tám giờ sáng, tôi đang chăm chỉ gõ phím trước computer thì điện thoại đổ chuông. Bất ngờ quá! Chính là một mạnh thường quân ước chừng mười năm qua tôi không gặp hay liên lạc. Năm 1995, tôi tái bản cuốn sách đầu tay Giải mã truyện Tây du, anh từ phương xa biết được, gởi tiền về để nhận lại một số lớn sách mang biếu các nơi. Anh vốn là tín đồ Hội thánh Truyền giáo, cũng là một nhà khoa học danh tiếng ở xứ người. Với giọng nhiệt thành, sang sảng, anh cho biết suốt buổi tối không ngủ, mải đọc các bài tôi viết, và nghe các bài tôi nói đang tải trên Internet. Đó là lý do anh quay số gọi tôi, tràng giang đại hải cả giờ đồng hồ, xong rồi chỉ hỏi một câu: Anh Dũng đang tính làm gì đó?
Tôi đáp: Ấn tống! Và trình bày rõ việc sắp làm. Anh tán thành liền, hỏi tôi phí tổn bao nhiêu. Nghe nói chừng mười triệu, anh mau mắn bảo hãy dành chỗ tiền đó cho anh công quả, nhưng chớ tiết lộ họ tên của anh. Lại bảo coi như anh “mở hàng” cho tôi làm vốn, có trớn rồi thì tự khắc ấn tống sẽ nuôi ấn tống. (Sau này, thực tiễn qua năm lần họp mặt phát hành sách ấn tống tại thánh thất Bàu Sen đã chứng minh rằng anh bạn ở Hội thánh Truyền giáo “tiên tri” quá đúng.)
Buổi điện đàm sáng thứ Bảy hôm đó (22-3-2008) đúng ngày rằm tháng Hai Mậu Tý, lễ vía Đức Thái Thượng Đạo tổ. Tôi thầm tạ ơn Đức Đạo tổ, tin rằng mình vừa được ban lộc.
Tháng 4-2008 có giấy phép in sách, tôi liền gặp hai anh Đạt Truyền, Đạt Linh mời cả hai giúp sức cùng khởi xướng chương trình Chung tay ấn tống kinh sách Cao Đài. Xin anh Đạt Linh chấp thuận đặt địa chỉ ấn tống tại thánh thất Bàu Sen. Với kinh nghiệm liên giao hành đạo của hai anh, việc gởi thơ mời đạo hữu các nơi rất dễ dàng. Với mặt bằng khang trang, khá rộng rãi, việc họp mặt ấn tống hoàn toàn thuận tiện. (Tất cả việc chuẩn bị thơ mời, chương trình họp mặt, mọi công đoạn giao dịch với nhà xuất bản, nhà in, v.v… thì tôi xin nhận lãnh hết để hai anh khỏi mệt trí.)
Ngày thứ Sáu 06-6-2008, anh Đạt Linh huy động bổn đạo Bàu Sen tổ chức rất thành công buổi ra mắt cuốn sách đầu tiên của chương trình ấn tống. Với hơn chín triệu rưỡi đồng làm vốn của vị mạnh thường quân ẩn danh, trong buổi sáng “khai trương” đạo hữu đóng góp được hơn sáu mươi triệu. Sách được các đạo hữu tình nguyện mang đi các tỉnh, cả vùng sâu vùng xa. Tôi tin chắc không có một hệ thống phát hành nào ở Việt Nam, khi ăn 50-60% huê hồng phát hành sách lại có thể hoạt động hiệu quả như thế.
Thứ Bảy 02-8-2008, họp mặt ấn tống lần thứ hai.
Thứ Bảy 28-8-2008, họp lần thứ ba.
Thứ Sáu 24-10-2008, họp lần thứ tư.
Thứ Năm 01-01-2009, họp lần thứ năm.
Trước mỗi đợt họp mặt, chúng tôi đều tổ chức thánh lễ giờ Ngọ để dâng sớ trình Thầy Mẹ và các Đấng sách mới in và phương danh quý vị mạnh thường quân cùng tổng số tiền công quả của mỗi đợt, đồng thời khẩn nguyện hồi hướng công quả pháp thí về các thánh sở, nhất là về cửu huyền thất tổ của quý vị mạnh thường quân. Anh Đạt Linh quỳ đội sớ, suốt buổi lưng thẳng tắp, thân hình vững vàng như pho tượng. Tôi quỳ bên dưới, nhìn anh, cảm nhận rằng chỉ có bậc chơn tu đạo hạnh mới đủ thần lực làm trọn bổn phận một chánh hội trưởng như thế, dẫu thân xác đang đeo mang trọng bệnh.
Tổng kết chương trình ấn tống trong sáu tháng cuối năm 2008, tính ra in được chín đầu sách mới và tái bản một. Mỗi bản in thường là 3-4.000 cuốn. Ít nhất thì in 1.000 cuốn. (Đạo hữu tại hải ngoại rất tán thưởng loạt sách này, đến nay có vị đã xin phép in lại bốn nhan đề, mỗi cuốn ấn tống hàng ngàn bản.) Có những vị mạnh thường quân xin công quả in trọn một, hai đầu sách. Có vị ở xa, nhờ truy cập Internet biết đến chương trình ấn tống đã nhiệt thành gởi tiền công quả qua bưu điện. Một số linh mục, Ki tô hữu ở Huế, Nam Định, Bảo Lộc, một vài dòng tu Công giáo ở Thành phố, v.v… qua thông tin đăng trên tuần báo Công giáo và Dân tộc đã viết thư hay đích thân cử người đến thỉnh sách ấn tống.
Bàu Sen càng rộn rịp hẳn lên thì công việc dồn lên tấm thân mảnh khảnh của anh Đạt Linh càng nhiều. Nhưng anh không hề than thở. Anh thật sự rất vui trong gánh đạo nhọc nhằn và rất có trách nhiệm. Hễ tôi gợi ý hay bàn bất kỳ chi tiết gì nhằm kiện toàn guồng máy ấn tống thì anh đích thân thực hiện ngay, không chút trì hoãn.
Chưa có kho sách, anh nhường ngay một diện tích lớn trong gian phòng nhỏ hẹp sau lưng Bát quái đài, là phòng riêng của anh (vì anh hầu như đã là người xuất gia từ khi lãnh nhiệm vụ chánh hội trưởng).
Một đêm mưa lớn, nước bắt đầu tràn vào thánh thất. Dẫu đang bệnh, anh tất tả chuyển số sách tạm để ở tầng trệt lên cao, chỉ sợ ướt mấy ngàn cuốn sách chưa kịp đóng kệ tồn trữ. Sách nhờ thế không hư lấy một cuốn.
Lắm khi đạo hữu ở tỉnh xa tìm đến Bàu Sen thỉnh kinh sách bất kể giờ giấc, anh vẫn nhẫn nại tiếp đón ân cần. Tôi hiểu tấm lòng của anh, nhưng càng ái ngại hơn vì đó cũng là những lúc anh bị bào mòn thêm sức khỏe.
Thánh thất Bàu Sen nằm lọt thỏm trong khu bình dân lao động. Đi vào từ đường Trần Phú hay đường An Dương Vương đều dễ thấy rõ ở đầu mỗi con hẻm một cổng cao cao với tấm bảng màu xanh dương kẻ chữ trắng trang trọng: Thánh thất Bàu Sen – Cao Đài giáo lý. Từ lúc làm chánh hội trưởng, anh Đạt Linh đã cho sửa sang hai tấm bảng. Xưa, vị tiền bối sáng lập thánh thất là Phan Thanh (1898-1952) đã lập ra Cao Đài giáo lý viện (Thủ Đức, 1942). Viện giáo lý không còn sau khi tiền nhân quy thiên, nhưng anh Đạt Linh trân trọng giữ lại bốn chữ Cao Đài giáo lý, trong âm thầm, anh nguyện biến đổi Bàu Sen, thay vì chỉ là nơi cúng bái sẽ trở nên một điểm đến tin cậy cho bất cứ ai cần tìm hiểu giáo lý Cao Đài.
Đó là lý do anh quên mình khi mau mắn nhận lời tôi, đưa Bàu Sen làm địa chỉ ấn tống, phục hoạt lại một truyền thống cao quý của các tiền bối đã sớm có từ thời mới mở đạo Cao Đài.
Anh đã tin tôi trọn vẹn kể từ buổi sơ giao.
Con người ấy, nhân cách và đạo hạnh ấy, tôi làm sao quên được.
*
Tối Chủ Nhật 28-12, tôi ghé nhà thăm anh vì nghe anh Đạt Truyền lo lắng cho biết nhiều ngày qua anh không ăn được tí gì cả. Trên chiếc trường kỷ kết hợp làm giường đặt ở ngay phòng khách, anh nằm đắp chăn quá ngực. Ngoài hai em thanh niên ở thánh thất, có mẹ anh, vợ anh, và chị Nguyễn Thị Son (Phó cai quản). Cũng như mọi người, tôi ngồi bệt luôn xuống nền gạch hoa, sát bên chỗ anh nằm. Nhìn vẻ nhọc mệt trên gương mặt anh, hai tròng mắt vàng quạch, tôi ái ngại nắm bàn tay gầy guộc của anh, nhưng chẳng dám hỏi han nhiều tới sức khỏe, bệnh tình, mà nói lảng qua vài việc về cuộc họp mặt ấn tống mừng năm mới 2009.
Thể hình tiều tụy, giọng nói đuối sức, thế mà nghe nói đến ấn tống thì dường như anh chợt khá thêm lên. Đã chuẩn bị xong phần diễn từ khai mạc theo thông lệ, nhưng anh buồn buồn nói rằng sẽ không thể đảm đương nổi, cũng không thể quỳ dâng sớ trình cáo Thầy Mẹ việc ấn tống.
Tôi an ủi, dặn anh yên lòng, gắng dưỡng sức. Mọi việc hãy nhờ hai vị phó cai quản thay thế.
Sáng hôm sau, 29-12, gia đình đưa anh vào bệnh viện Chợ Rẫy.
Sáng thứ Năm 01-01-2009 chúng tôi tổ chức họp mặt đạo hữu lần thứ năm để phát hành ba cuốn sách mới vừa in xong: Bồi dưỡng đức tin (của Ngọc giáo hữu Bùi Văn Tâm, Hội thánh Ban Chỉnh Đạo), Lễ bổn (của tiền bối Cao Triều Phát, Hội thánh Minh Chơn Đạo), và Các thánh sở Cao Đài tỉnh Long An (của Đạt Linh, Đạt Truyền, và Huệ Khải). Ở trong bệnh viện, anh nằng nặc đòi về, gia đình phải khuyên mãi.
Khoảng chín giờ tối ngày 03-01-2009, sau khi cúng cầu giải bệnh cho anh (lần thứ ba) tôi từ thánh thất Bàu Sen vào thăm anh trên lầu 8, Khoa Gan mật, bệnh viện Chợ Rẫy. Muốn ngồi lâu bên anh mà khỏi đả động tới bệnh tình đang xấu hẳn đi, tôi cố ý nói lảng qua những kết quả tốt đẹp trong buổi họp mặt ấn tống hôm tết dương lịch. Vợ anh đứng cạnh giường nói: Mấy hôm rày ảnh cứ buồn buồn, chỉ có huynh Huệ Khải vô nói chuyện ảnh mới cười nổi.
Tôi hiểu chị nói thật, không phải lời xã giao. Anh đi rồi, có lần gặp tại Bàu Sen, chị cho tôi biết: Ảnh quý huynh Huệ Khải lắm. Đang ăn cơm mà huynh gọi điện tới nhờ tìm tài liệu, hình ảnh gì là ảnh bỏ đũa đi tìm ngay cho bằng được.
Thấy quá muộn, anh Đạt Linh giục tôi về. Không ngờ đó là dịp sau cùng còn được trò chuyện với anh. Chiều hai hôm sau tôi trở vào, anh đã được chuyển sang phòng cấp cứu kế bên, đang hôn mê sâu. Vậy mà khi giở tấm chăn lên, tôi thấy bàn tay trái buông thõng bên sườn vẫn nắm chặt, bắt ấn Tý.
Bảy giờ sáng thứ Tư 07-01-2009, bác Ba (mẹ anh) gọi điện nói tôi vào thánh thất gấp, Đạt Linh có lẽ chưa chịu ra đi vì chưa gặp đủ mấy anh em chí cốt. Bác cũng đã gọi hai anh Huệ Ý và Đạt Truyền rồi.
Chúng tôi vây quanh chiếc ghế vải anh nằm. Đọc kinh siêu độ, an ủi dặn dò và hứa hẹn, rồi lại đọc kinh riết cho tới lúc anh trút hơi thở sau cùng, 8g45 sáng.
Tôi ra phòng ngoài, vội soạn cáo phó, chạy nhanh đến tờ tuần báo Công giáo và Dân tộc thân quen, cậy đăng giúp trên số báo sẽ phát hành sáng hôm sau (vì nhiều tín đồ Cao Đài thường xuyên đọc báo này). Tôi cũng tải luôn cáo phó lên Internet.
Sáng rằm tháng Chạp, tôi không thể tiễn anh về nơi an nghỉ ở đất riêng của Liên Hoa Cửu Cung tại Thủ Đức vì còn phụ trách buổi nói chuyện tất niên tại Cơ quan Phổ thông Giáo lý.
*
Anh Đạt Linh đi rồi, những ngày sau đó tôi năng ghé thánh thất Bàu Sen. Để bàn bạc với Ban cai quản những việc tồn đọng, những gì cần xúc tiến liên quan tới chương trình Chung tay ấn tống kinh sách Cao Đài. Bác Ba, thân mẫu anh Đạt Linh, mỗi lần thấy bóng tôi thấp thoáng ở cửa thánh thất (nhìn xéo qua cửa nhà bác, chỉ cách cái hẻm hẹp) thì thế nào cũng bước sang. Gặp lúc tiện bữa cơm, các chị trong thánh thất cầm tôi lại ăn chung với hai, ba bạn đạo ở bộ ván phía sau trù phòng, thì bác liền trở về nhà rồi mang qua dĩa trái cây tráng miệng. Bác hiền lành, ít nói. Anh Đạt Linh đi rồi, bác càng trầm lặng hơn.
Tối thứ Năm, ngày 15-01-2009, sau khi cúng cửu đầu tiên của anh Đạt Linh tại Bàu Sen, Ban cai quản và gia đình anh mời anh Đạt Truyền và tôi nán lại để trao ba mươi triệu đồng chẵn bổ sung ngân quỹ của chương trình Chung tay ấn tống kinh sách Cao Đài. Số tiền này trích từ tổng số tiền phúng điếu hơn năm mươi lăm triệu. Còn lại bao nhiêu được chia ra hai phần: một phần hơn mười hai triệu dành tặng các cụ ở nhà dưỡng lão tại Tòa thánh Tây Ninh; kỳ dư chia ra ủng hộ công tác từ thiện ở Liên Hoa Cửu Cung (Thủ Đức), thánh thất Thái Hòa (quận 1), Phòng thuốc Phước thiện tại Cơ quan Phổ thông Giáo lý (quận 1), và đặc biệt là giúp các đồng nhi của họ đạo Bàu Sen, những người mà sinh thời Chánh hội trưởng Đạt Linh rất thương mến, luôn quan tâm chăm sóc.
Nghĩa cử tiết kiệm chi phí tang lễ, dành trọn tiền phúng điếu để làm từ thiện và làm pháp thí (ấn tống kinh sách) chính là di ý của anh Đạt Linh. Nhiều người rất cảm kích, tự nguyện theo gương. Không lâu sau đó, đạo tỷ Nguyễn Thị Hồng (Sáu Hồng, tín đồ thuộc họ đạo Bàu Sen) quy thiên. Tang lễ tổ chức tại thánh thất Bàu Sen xong, tối ngày thứ Hai, 02-02-2009, gia đình đạo tỷ Sáu Hồng cũng trích một phần lớn trong tổng số tiền phúng điếu để trao Ban cai quản đóng góp vào quỹ ấn tống, ngoài ra thì dùng làm việc từ thiện.
Sáng thứ Sáu, ngày 16-01-2009, gia đình anh Đạt Linh cùng họ đạo Bàu Sen đem hơn mười hai triệu trích từ tiền phúng điếu đi Tây Ninh, để thăm và tặng quà các đạo hữu hiến thân hành đạo tại Tòa thánh Tây Ninh, hiện nay già bệnh đang nương náu tại nhà dưỡng lão. Trên đường về, xe vòng qua ngả Thủ Đức để thăm mộ anh Đạt Linh tại nghĩa trang riêng của Liên Hoa Cửu Cung.
Chiều hôm đó, tôi ghé thánh thất, đang thơ thẩn trong sân một chốc thì mẹ anh Đạt Linh bước sang. Tôi hỏi bác ăn cơm chưa, muộn rồi. Bác nói còn chờ anh Năm Hạnh. Hôm ấy anh ghé bác rất trễ. Bác nhỏ nhẹ giải thích có lẽ anh “bết quá rồi” vì cả ngày đã đi Tây Ninh rồi còn quày về Thủ Đức.
Tôi nhẹ nhàng nắm tay bác, dìu thân hình nhỏ nhắn ấy ngồi xuống chiếc băng đá. Nắng đã tắt từ lâu. Tàn cây sa kê xanh thẫm trên đầu. Tôi bâng khuâng nhớ Đạt Linh. Hễ khi sa kê chín, anh đều cho hái xuống và tự tay lựa hai trái mang tặng tôi. Giọng bác chậm rãi bên tai: Mỗi lần thấy hiền đệ, tôi nhớ Đạt Linh quá!
Tôi chạnh lòng. Cháu cũng nhớ ảnh, bác ơi! Nhớ những lần gặp nhau, anh thường ít nói mà chỉ cười nụ nhẹ nhàng để nhường lời cho kẻ có tật nói nhiều. Nụ cười hiền hậu, tự nhiên khiến cho gương mặt vốn sạm hẳn đi vì căn bệnh mãn tính vụt tươi sáng hẳn lên.
Nhớ những lần ghé thánh thất, tôi ngồi ở bàn ghi tiền hành hương kê nơi chân cầu thang. Lát sau, anh chậm rãi từ tầng trên bước xuống. Bộ bà ba trắng. Chưa đi hết mấy nấc thang chót anh đã nở sẵn nụ cười.
Những ngày này bước vào thánh thất, tôi quen đưa mắt nhìn về cầu thang dẫn lên bửu điện.
Không còn nữa, ôi nụ cười thân thương ấy!
HUỆ KHẢI
(Dũ Lan Lê Anh Dũng)
Phú Nhuận, 15-02-2009


5/6 NHỚ ĐẠT LINH / NĂM NĂM ĐI TÌM THÁNH SỞ CAO ĐÀI VỚI ĐẠT LINH

NĂM NĂM ĐI TÌM THÁNH SỞ CAO ĐÀI VỚI ĐẠT LINH
Đạt Truyền
Buổi ban sơ
Năm 1998 tôi vào Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại đạo với quyết tâm tu học theo đạo Cao Đài. Trước hết tôi liên tục thu thập các kinh sách Cao Đài để tìm hiểu và học hỏi, sau đó tôi sẵn sàng giúp các bạn khác những kinh sách cần thiết.
Tôi lần lượt đọc các sách được bày bán trong một tủ nhỏ ở quán chay Định Ý như: Tìm hiểu tôn giáo Cao Đài (Cơ Quan PTGL); Cao Đài khái yếu (Đạt Đức); Tìm hiểu đạo Cao Đài (Đỗ Vạn Lý), Lịch sử đạo Cao Đài phần vô vi, phần phổ độ (Đồng Tân); Nói chuyện Cao Đài (Thiên Vương Tinh); Tìm hiểu kinh cúng tứ thời, Quan Thánh xưa và nay, Lịch sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926 (Lê Anh Dũng)...
Tôi cũng sớm được đọc Lược sử thánh tịnh Ngọc Điện Huỳnh Hà, rồi Đôi nét về một số thánh sở tại thành phố và phụ cận (họ đạo Trung Minh). Tôi ao ước muốn tìm biết Đạo Thầy đã có bao nhiêu thánh thất, thánh tịnh? hiện ở đâu?
Không thỏa mãn với những tài liệu hiện có về các thánh sở Cao Đài, tôi quyết tâm tự đi tìm tài liệu. Trước tiên, khoảng cuối năm 1998 tôi gặp hiền huynh Lê Anh Dũng tại văn phòng Trung tâm Ngoại ngữ của huynh trong khuôn viên trường Đại học Kinh tế (đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3). Đây là lần đầu tiên chúng tôi biết nhau, và nhờ đó biết thêm rằng chúng tôi cùng xuất thân từ trường Quốc gia Thương mại (thời huynh Dũng đổi tên là Ban Thương mại, Phú Thọ).
Buổi sơ ngộ, tôi chỉ nói đơn giản, chung chung là đang muốn tìm công quả để dễ bề tu học. Hiền huynh Lê Anh Dũng không do dự, bàn ngay với tôi về việc sưu tầm hình ảnh, sử liệu các thánh sở Cao Đài trong toàn quốc để viết và in thành sách. Hiền huynh sốt sắng soạn ngay một thư ngỏ và ký tên với tư cách cá nhân, kèm theo mẫu hướng dẫn thu thập thông tin ban đầu về các thánh sở. Hiền huynh cũng tặng tôi các đầu sách do huynh viết về đạo Cao Đài để khi đi các nơi, tôi có món quà làm quen với đạo hữu gần xa.
Cái khó nhất ban đầu là làm sao có được sơ bộ danh sách các thánh thất, thánh tịnh của các hội thánh trong khi tôi chỉ là một nhân viên mới vừa bước chơn vô Cơ quan Phổ thông Giáo lý, chẳng những chưa quen thân với người trong Cơ quan, mà cũng chưa hề biết người nào trong các hội thánh. Những tổ chức đạo Cao Đài rất thiêng liêng đối với tôi. Tôi đến thánh thất Sài Gòn, đi Tây Ninh, rồi Bến Tre nhiều lần để làm quen, để tìm tài liệu. Tôi tham gia đi liên giao hành đạo các nơi cũng với mục đích trên.
May mắn đầu tiên là một hôm tôi nhận được điện thoại của hiền huynh Lê Anh Dũng mời vào ngay văn phòng của huynh, vì đang có hiền huynh Khai thế Nguyễn Văn Lãnh ở đó. (Văn phòng này từng là chỗ huynh Khai thế ghé vào mỗi khi từ Bến Tre lên Thành phố họp. Sau này cũng là chỗ tôi thường hay lui tới để bàn việc đạo.)
Nhà tôi khá gần trường Đại học Kinh tế. Tôi vội đến nơi. Sau khi được giới thiệu, tôi đặt ngay yêu cầu xin huynh Khai thế cung cấp danh sách các thánh sở Cao Đài của Ban Chỉnh Đạo. Không bao lâu sau, tôi được toại nguyện với danh sách ba trăm thánh sở của Hội thánh Ban Chỉnh Đạo.
Còn với Hội thánh Tây Ninh thì khó lòng có được. Thiết tha mong muốn, rất bền lòng chờ đợi, sau rốt, tôi được hiền huynh Lễ sanh Nguyễn Văn Thọ (Phó cai quản thánh thất Sài Gòn, nay là Thái giáo hữu cai quản thánh thất Sài Gòn) giúp cho chúng tôi danh sách các thánh thất Tây Ninh do hiền huynh tự thu thập lấy.
Vậy là bước đầu tôi đã có cái mốc để tiến hành điền dã.
Đầu năm 1999 tôi mang máy chụp ảnh nhỏ, một mình chạy Honda đi tìm từng thánh sở trong Thành phố rồi qua đến các tỉnh lân cận để chụp ảnh và thu thập tài liệu. Để biết phương hướng đi, tôi dùng các bản đồ của từng tỉnh riêng lẻ (nguyên là phụ bản của báo Sài Gòn Mới in năm 1959-1960 để tặng độc giả) hoặc các bản đồ khác. Khi tôi trao đổi với huynh Lê Anh Dũng về các bản đồ này, huynh liền nhờ tôi sao lại mỗi thứ một bản, vì bấy giờ huynh đang tham khảo tài liệu Cao Đài lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 (quận 1), nên cũng cần tìm hiểu các địa danh thời trước.
Mãi đến giữa năm 1999 tôi mới tình cờ gặp được tập bản đồ hành chánh của Bộ Thương binh Xã hội dùng để tính tiền trợ cấp các vùng sâu vùng xa nghèo khó. Nhờ vậy mà tôi có phương tiện tỉ mỉ hướng dẫn đường đi tốt hơn. (Vài năm sau tôi tìm thêm được Tập bản đồ hành chính Việt Nam in tại Hà Nội năm 2003, rất đẹp và chi tiết. Tôi vốn thích bản đồ từ thời đi học.)
Quen anh Ba Tài và biết thánh thất Bàu Sen
Khoảng gần cuối năm 1999, tôi nghe tiếng đồn ở thánh thất Bàu Sen (quận 5) có anh Nguyễn Văn Tài (Ba Tài), người rất tốt, luôn sốt sắng chăm lo công việc đạo. Tôi bèn ghé Bàu Sen làm quen và bàn với anh mời với một số anh em khác đi thăm một số thánh sở ở Tiền Giang.
Đầu năm 2000, mở màn với chuyến đi Tiền Giang. Cùng quý anh Ba Tài, anh Năm Hạnh (em anh Ba Tài), anh Hồ Văn Dẫu (Hai Dẫu), anh Nguyễn Quang Thoại, anh Nguyễn Văn Phát (Năm Phát), và anh Trần Văn Quang (Sáu Quang), tôi đi thăm trước nhứt là thánh thất Khổ Hiền Trang với mục đích đến ngọn núi Lan, ghé nơi Đức Phạm Hộ pháp cho đào lấy Long Tuyền kiếm, phá huyệt ếm của ngoại bang (vì họ không muốn cho nhân tài Việt Nam xuất hiện).
Chúng tôi cậy nhờ ông cai quản thánh thất Khổ Hiền Trang xin phép công an địa phương và hướng dẫn đi đến nơi, nhưng ông cai quản tỏ vẻ rất lo ngại và hứa sẽ xin phép sau. Rốt cuộc chúng tôi không đến được.
Kế tiếp, chúng tôi viếng Tòa thánh Cao Đài Việt Nam, Tòa thánh Chơn Lý, chùa Vĩnh Tràng. Lại xuống Gò Công thăm đền thờ Trương Công Định rồi qua Gò Công Đông, trở về Sài Gòn theo ngả phà Mỹ Lợi (cầu Nổi cũ).
Sau chuyến đi nầy, tinh thần anh em có phần phấn khởi, hứng thú. Tôi và anh Ba Tài dành thì giờ ưu tiên cho các chuyến đi tiếp về sau. Cứ khoảng một tuần lễ sau ngày trở về, chúng tôi cùng hẹn nhau trong một vài ngày là tiếp tục đi chuyến khác.
Ban đầu trong gia đình, người nhà hay hỏi chúng tôi đi đâu, chừng nào về. Chúng tôi không trả lời được vì địa chỉ thánh sở không rõ ràng, đường đi thì không biết rõ, không biết tên đường tên ấp, có nhiều thánh sở không biết tên và địa chỉ. Đa phần là các thánh sở nầy ở dạng đơn lập, không thuộc chi phái nào, hoặc ở nơi hẻo lánh. Nhiều lần trải qua tình trạng như vậy, cả hai gia đình tôi và anh Ba Tài không còn hỏi nữa và như vậy, khi đi, hai chúng tôi không hề liên lạc về nhà. Khi nào công việc xong thì mới về. Chúng tôi không liên lạc về nhà còn có lý do là không có thì giờ, và thường ở nơi hẻo lánh chưa có phương tiện liên lạc, chưa có điện thoại di động như ngày nay.
Điền dã
Mùa mưa, đi vùng cao; mùa khô nắng chúng tôi đi vùng đồng bằng. Cùng đèo nhau trên một chiếc xe Honda. Tỉnh gần thì cỡi Honda 50, còn nơi xa thì đi dùng xe Honda 100 phân khối của huynh Tài. Thông thường huynh Tài chạy xe, tôi ngồi phía sau dò bản đồ để định hướng, định nơi đến.
Chúng tôi nhắm hướng mà đi, tìm người mà hỏi thăm. Suốt năm năm trời, đi khắp từ Bắc chí Nam trên mọi nẻo đường, chúng tôi chấp nhận bị phạt về tội không đội nón bảo hiểm. Lý do là nón bảo hiểm quá cồng kềnh, không chỗ để, làm choán hết chỗ đựng kinh sách, lại làm tăng sự chú ý của người khác. Mầu nhiệm thay! Qua thời gian dài như vậy, dù gặp nhiều trạm kiểm soát cố định và lưu động của cảnh sát giao thông dọc con đường thiên lý, chúng tôi chưa hề bị… thổi còi lần nào.
Trước khi đi, chúng tôi vẽ trước một số điểm đến trên bản đồ tỉnh, sau đó tôi nối liên tiếp các điểm đến thành con đường phải đi. Vì vậy, con đường đi của chúng tôi sẽ không theo con đường cái, mà nó rất quanh co trên khắp nẻo đường đi tắt. Chúng tôi thường không đi trở về bằng con đường đã đi qua để giữ an toàn và rút ngắn đoạn đường.
Có một hôm trên đường đi tắt từ một xã nầy qua xã khác ở huyện Tam Bình, phải qua một cây cầu khỉ, tôi dẫn xe đi trước, anh Ba Tài đi sau, giữa cầu thình lình bánh xe trước lọt xuống cầu. Hai anh em chúng tôi cùng cố hết sức ghì phía sau xe lại, không thể nào khiêng xe lên nổi, cả hai cùng la lên khiến người hàng xóm chạy ra khiêng giúp xe vô mé bờ.
Rất nhiều phen chúng tôi chạy xe trên đường bờ ruộng để đến thánh thất. Một hôm trên bờ chạy đến thánh thất Long Phụng, trong lúc chạy gấp, gặp phải con mương được lấp đầy bằng bó rơm mà không biết, hai anh em chúng tôi vấp phải mé mương, té nhào xuống ruộng. Cả hai khắp mình mẩy đều dính đầy bùn. Đến vùng Bạc Liêu, Cà Mau, có nhiều lần hai chúng tôi đi bằng tắc ráng (loại xuồng nhỏ và dài). Năm 2003, chỉ để chụp được ảnh thánh tịnh Hắc Long Môn, chúng tôi phải thuê một chiếc tắc ráng với giá một trăm ngàn đồng cho lượt đi và lượt về.
Thường, buổi sáng chúng tôi bắt đầu đến một thánh sở ở xa nhứt rồi lần lượt quay về. Chúng tôi có chỉ tiêu mỗi ngày phải tìm được tối thiểu là mười thánh sở. Mỗi khi tìm gặp được một thánh sở Cao Đài. Chúng tôi rất sung sướng và vui mừng như thắng một trận, chiếm được một chiến lợi phẩm. Khi tìm được một thánh sở xong, chúng tôi lập tức lo chạy đi tìm thánh sở khác nên không có thì giờ nghỉ ngơi.
Chúng tôi gặp rất nhiều vị đầu họ đạo, hội trưởng, cai quản thánh sở, chủ đàn, thủ đàn. Có vị có tướng mạo tiên phong. Có vị có tâm từ bi quảng đại. Có vị tỏ rõ ý chí sắt son theo Thầy. Tất cả đã làm cho chúng tôi phải học tập, phải ghi nhớ.
Có vị nhận được quyển Đại thừa chơn giáo do chúng tôi mang theo biếu, mừng vô kể bèn lấy năm mươi ngàn đồng xin công quả. Có vị nói có mấy chậu kiểng, muốn lấy chậu nào cũng được. Có vị nhận kinh thiên đạo thế đạo mà rất mừng vì thánh thất không có.
Các thánh thất, thánh tịnh ở nơi xa rất thiếu thông tin, không biết nơi đâu có sách, không có thì giờ đi mua và nhất là yếu kinh tế, không phương tiện đi lại. Anh em chúng tôi đã có quyết tâm làm công quả, không hề nhận tiền của ai. Nỗi vui mừng của anh em chúng tôi nhiều hơn khi thấy sự vui mừng của các vị nhận kinh sách. Cứ như vậy mà suốt thời gian dài nhiều năm liên tiếp, hai anh em chúng tôi kiên trì điền dã trong nỗi vui mừng, không hề thấy cực khổ, gian nan.
Giờ làm việc để chụp hình là từ khi có ánh mặt trời đến khi mặt trời sắp lặn. Giờ đi và về thì chạy vào lúc trời tối. Có một lần đến 18 giờ tối mà chúng tôi mới vừa chụp hình xong một thánh thất ở huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh). Đến 22 giờ đêm, chúng tôi mới về gần đến Tân An. Thình lình có một anh (chắc là bệnh tâm thần) chạy băng qua đường, làm xe của chúng tôi quẹo cổ quăng cả hai anh em chúng tôi ra phía trước. Tưởng không còn mạng sống. Chúng tôi ráng chạy xe vô bệnh viện Long An xin cấp cứu. Nhưng được Ơn Trên hộ trì, anh Ba Tài chỉ chảy máu chút ít ở chân, còn tôi cũng bị một vết trầy xước trên vai. Hôm sau về Thành phố đi chụp hình mới biết tôi bị nứt xương bả vai.
Hư xe dọc đường
Xe Honda 100 phân khối của huynh Tài thì mới, không hư dọc đường, nhưng cũng bị bể hết vè trước, bể mặt trên ghi đông, trầy tróc khắp nơi, phải đi thay. Còn xe Honda 50 của tôi thì bị hư nhiều hơn, hư sên hư dĩa, carter.
Ngày 31-8-2002, tôi và huynh Tài chạy xe Honda 50 từ Huế qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng. Xe lên gần đến đỉnh đèo, máy nóng quá làm xe không còn nhúc nhích tới lui được. Hai anh em chúng tôi bèn kéo xe vô lề ngồi ngắm cảnh, vừa chờ cho máy xe nguội lại. Bỗng đâu có hai con chim nhỏ bay đuổi đánh nhau quyết liệt, đến nỗi một con bị quỵ mà con kia chưa chịu tha, khiến chúng tôi phải… “can thiệp”.
Tưởng máy xe bị kẹt piston hư luôn, không ngờ máy lại tiếp tục nổ và chúng tôi chạy về Đà Nẵng rồi leo xe đò lên Kontum. Từ đấy chạy xe trở xuống Pleiku, về Ban Mê Thuột.
Ngày 02-12-2004, buổi sáng trên đường đất nối liền thị trấn Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), chúng tôi xuống thị trấn Sông Đốc ở sát cửa biển. Bận về gặp trời tối lại bị mưa trái mùa, xe tôi chỉ chạy được số một và số hai vì đường rất trơn trợt, lầy lội. Khi huynh Tài mệt, bị té, tôi chạy thay. Người nào cũng mấy lần bị té.
Khi về gần đến thị trấn Trần Văn Thời, đường vẫn còn lầy lội, trời lại tối om, vỏ xe trước của tôi bị bể, bánh xe trước suýt rớt ra vì ốc bù loong đùm xe đã lỏng suýt rơi mất. Thêm phần vỏ bánh xe bị kẹt dính đầy đất, hai anh em chúng tôi cùng đẩy xe, dẫn bộ rất khó khăn. Rất may là chúng tôi tìm được chỗ rửa xe, sửa xe, vá xe gần đó.
Suốt hơn năm năm chạy xe khắp ba miền từ Nam ra Bắc, từ vùng biển lên cao nguyên, xe chúng tôi không bị hư đến nỗi phải nằm lại dọc đường lần nào. Lạ lùng là lần nào xe cũng chỉ “đợi” gần tới chỗ có thợ sửa xe mới chịu… hư. Chúng tôi vẫn thường nói riêng với nhau là mình đã được sự hộ trì rất lớn của chư thần trên đường đi, nên mọi trắc trở đều bình an vượt qua.
Tìm thánh sở
Ngày 08-6-2001 qua cù lao Tân Thới giữa sông Tiền. Trên đường đi tìm thánh tịnh Thanh Huệ Long thì bị trợt chân rớt dép. Ngay lúc đó, trước mặt không xa hiện ra thánh tịnh Vĩnh Thanh Quang mà không hay. Rất mừng vì chúng tôi vừa tìm thêm một thánh tịnh mới. Thánh tịnh Vĩnh Thanh Quang trước năm 1975 trực thuộc Cao Đài Thống nhứt. Vì không biết trước nên đó không phải là mục tiêu chúng tôi đi tìm. Còn nhiều trường hợp tình cờ tìm ra thánh sở như vậy, chúng tôi tin là nhờ có Thiêng liêng hộ trì.
Tìm người để hỏi cũng không phải dễ vì tính trung bình trong nước, số người theo đạo Cao Đài chỉ có khoảng bốn phần trăm dân số. Rất hiếm người biết thánh sở, biết cách chỉ đường. Thông thường người cho tin chỉ đúng sáu mươi phần trăm. Để hỏi thăm thánh sở, chúng tôi tìm người hỏi thăm theo “tiêu chí” như sau: người lớn tuổi, đàn ông, mặc áo trắng, có để râu (có vẻ là đạo hữu). Nếu không gặp đúng người như mong muốn thì chúng tôi hạ thấp tiêu chí xuống dần dần.
Như trường hợp đi tìm cơ sở đạo Nghệ An ở thành phố Vinh. Sau khi chạy đến bến xe, đứng một hồi quan sát, chúng tôi tìm thấy một người tốt nhứt theo tiêu chí. Chúng tôi chạy theo người ấy về đến tận nhà, khi vừa quẹo vào cổng, chúng tôi liền hỏi địa chỉ cơ sở đạo. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đi một mạch đến cơ sở đạo mà không phải tìm hỏi thêm người thứ hai.
Người chúng tôi muốn tìm, chúng tôi biết chắc là con của Thầy. Nhưng để con của Thầy nhận biết chúng tôi là cùng một Cha, cùng một Thầy, không phải bằng lời nói phút chốc mà được tin ngay. Chúng tôi phải chứng minh bằng cách tặng ngay một số kinh sách cần thiết mà người ấy có nhu cầu. Sau đó chúng tôi nói chuyện đến những người ở hội thánh mà người anh em ấy có quen biết. Từ đó chúng tôi thông cảm và hiểu nhau hơn.
Thần minh giúp sức
Ngày 27-3-2003 giữa vùng Đồng Tháp Mười không một bóng người ở, chỉ có rừng tràm mênh mông và đồng nước bao la, không còn biết phương hướng đi tìm thánh thất Phú Cường. Sau khi qua đò, đến ngã ba đường, không biết quẹo hướng nào, thì đột nhiên có người chạy ngang chỉ giúp. Ôi, mừng biết bao!
Ngày 29-5-2002, trên đường đi tìm thánh thất Thạnh Phú ở huyện Thạnh Hóa, xe chạy gần đến thánh tịnh Võ Ca Tràng chưa đầy năm phút, một chiếc xuồng chở lúa vừa cất hàng xong, liền chở giúp anh em chúng tôi đi khá xa, ra đến bên kia mé sông Vàm Cỏ Tây, đậu ngay trước thánh thất. Nơi nầy không có đường xe vào, người ta thường đi lại bằng xuồng. Quả thật may mắn!
Nhiều phen chúng tôi tìm được một thánh thất ở nơi rất hẻo lánh, đường sá khó khăn. Tưởng như tình cờ mà ngẫm ra chẳng tình cờ chút nào cả. Chúng tôi cảm nhận rõ là luôn có thần minh giúp sức để chỉ dẫn, và xui khiến có người đến giúp chúng tôi đúng lúc.
Bữa cơm ngon đặc biệt
Ngày 02-12-2003, sau khi lên Phú Thọ thăm Đền Hùng, anh em chúng tôi chạy về Bắc Ninh cũng vừa đúng ngọ. Hai anh em chúng tôi đến thăm chùa Tiêu (còn gọi chùa Thiên Tâm, nơi Đức Vạn Hạnh Thiền sư sáng lập và nuôi dạy Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ).
Chùa cất trên ngọn núi nhỏ, quanh phía dưới là con sông Tương (Tương Giang) thơ mộng. Trên ngọn núi có tượng lộ thiên rất to tạc hình Đức Thiền sư Vạn Hạnh. Dưới chân núi có nhiều tháp rất xưa của các sư trụ trì trong đó có tháp của Thiền sư Vạn Hạnh. Sau khi chúng tôi viếng chùa và chụp ảnh, ni sư trụ trì rất hiếu khách đã mời và thết đãi anh em chúng tôi bữa cơm chay rất ngon. Ngon vì tài khéo léo của người nấu ăn, vì quá đói sau mấy ngày liền không gặp nơi nào bán cơm chay dọc đường. Ni sư không cùng ăn mà sau rốt lại còn gởi tiền lì xì mỗi người mười ngàn đồng để kỷ niệm, mặc dù nhà chùa rất thanh bần.
Ngày 24-3-2004, trên đường từ Huế về, chiều tối đến Hội thánh Truyền giáo ở Đà Nẵng xin ngủ đêm để sáng hôm sau đi Kontum. Như người anh cả thân thương, Anh Lớn Truyền trạng Ngô Minh Chính mời chúng tôi ngủ cùng phòng, chăm sóc buổi ăn tối trọng hậu ở bên ngoài, và đặc biệt buổi ăn lúc bốn giờ sáng trước khi chúng tôi lên đường đi Kontum.
Trong chuyến đi lần nầy chúng tôi bị “ông tổ bản đồ” quở. Tôi thấy Kontum gần Đà Nẵng, thấy có đường nối liền hai nơi. Không ngờ, sau khi xe chạy một hồi lâu mới biết xe không đi thẳng mà lại chạy vòng vo xuống Quảng Ngãi, chạy luôn đến Bình Định. Từ đây qua Pleiku và từ Pleiku trở ngược lên Kontum. Khi đến nơi thì trời vừa hết nắng.
Ngủ nhà Thầy
Thông thường hai anh em chúng tôi không ngủ lại trong thánh thất, thánh tịnh mà tìm chỗ trọ ở ngoài để tránh làm phiền bổn đạo và cũng có phần tự do. Chỉ khi cần thiết lắm như ở thánh thất Thủ đô Hà Nội, vì cần tìm nhiều tài liệu, và vì chị Hai Hương Bình quá nhiệt tình. Anh em chúng tôi còn ngủ lại ở thánh thất Kontum, nhưng lại thức gần suốt đêm để nghe kể chuyện Thiêng liêng chữa bịnh và giữ chùa.
Trong chuyến đi thăm Đền Hùng bằng Honda, đi về đến Đà Nẵng gặp lúc tối, chúng tôi ghé vào Hội thánh Truyền giáo trong mùa tịnh mà không biết. Chúng tôi vô cùng ái ngại vì vô tình phá vỡ sự yên tĩnh tịnh trường của Hội thánh mà chúng tôi rất kính trọng. Nhưng quý anh lớn Phối sư Thượng Hậu Thanh, Thừa sử Nguyễn Thanh Giang, Truyền trạng Ngô Minh Chính rất vui vẻ, nồng hậu tiếp đãi, chuyện trò và mời chúng tôi ở lại ngủ đêm. Tình thương chân thật của quý anh lớn như thế, ngoài đời hiếm tìm thấy. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc được ngủ ở nhà Thầy với những người anh, ngưòi chị, người đồng đạo, cùng một lòng tôn kỉnh một Đấng Cha Trời chung. Thật là mừng vui, sung sướng biết bao!
Có rất nhiều trường hợp, anh em chúng tôi và con của Thầy chưa hề biết nhau, chưa hề gặp nhau, dù cách xa ngàn dặm mà rất cảm thông, rất quý mến, rất thân thương. Chỉ do một điều duy nhứt là cả hai bên đều là anh em, là con cùng một Thầy, một Đức Chí tôn Thượng phụ.
Ở tỉnh Trà Vinh, một hôm không tìm được nhà Thầy, phải ngủ đêm tại huyện Cầu Ngang, tìm hoài không thấy nhà trọ tốt, rốt cuộc cũng phải thuê một cái phòng có một giường bằng tre. Đêm nầy ngủ không được vì mùng rách, bị muổi cắn. Lại một đêm kế ngủ không được nữa vì thuê phải một phòng ngủ mà khách trọ phòng sát cạnh nhậu nhẹt, hò hát suốt đêm. Có đêm ngủ tại Hải Phòng mà phải thuê hai lần khách sạn. Tại khách sạn thứ nhứt, lấy phòng vào nghỉ lưng chưa được một tiếng đồng hồ, bỗng tiếng trống tiếng kèn trỗi lên điếc tai. Ra xem, mới hay rằng đang có đám tang trong khách sạn! Liền phải cuốn gói dọn đi tìm khách sạn khác.
Nhịn đói mà không thấy đói
Nhiều lần nhịn đói vì mải miết đi mà quên ăn cơm. Nhiều lần phải chờ đến nơi có bán cơm chay nên trễ giờ. Nhiều lần không có cơm thì ăn trái cây trừ cơm. Nhưng đặc biệt trên đường đi từ Bắc Ninh qua Hải Dương đến Vịnh Hạ Long, không tìm thấy chỗ bán thức ăn nào. Phần đường xa, phần trời tối, nên ráng chạy xe cho đến nơi, và đành phải nhịn đói suốt từ trưa tận đến 10 giờ đêm. Rốt lại được đền bồi bằng bữa ăn cháo đêm đặt nấu trong khách sạn tại Bãi Cháy, vịnh Hạ Long.
Bốn lần thay máy ảnh
Cả hai anh em chúng tôi đều thay bốn lần xác máy chụp ảnh. Máy ảnh của huynh Tài tốt hơn máy của tôi. Lúc nầy chưa có máy chụp hình kỹ thuật số. Chúng tôi chụp bằng phim màu. Cả hai đều có trên một trăm hai mươi album. Ảnh của tôi rửa khổ 9x12cm, còn huynh Tài rửa 10x15cm. Trong khi tôi hạn chế mỗi thánh thất chỉ chụp ba ảnh thì huynh Tài chụp không giới hạn. Ảnh của huynh Tài chất trong hai thùng to, còn album ảnh của tôi thì chỉ đầy một thùng.
Khi đến một thánh sở, tôi vào trước, tự giới thiệu, tặng kinh sách làm quen, sau đó xin vào lễ Đức Chí tôn. Huynh Tài đứng ngoài chụp ảnh trước rồi dẫn xe vào sau và cùng lên bửu điện đảnh lễ. Ở thánh sở thuận tiện thì còn thong thả nói chuyện và chụp ảnh. Nhưng có nhiều nơi phải chụp nhanh, rút lui lẹ, như thể kẻ làm việc ám muội, lén lút!
Ngày 06-11-2001, đến chụp ảnh thánh thất Hữu Đạo thì có người từ trong chùa đi ra hỏi làm gì; muốn tham quan chụp ảnh thì phải trình với công an để xin phép...
Ngày 27-2-2003 đến thánh thất Tân Hồng, cửa trước cửa sau đều đóng kín. Hai anh em chúng tôi đành đứng sát rào chụp ảnh. Một người đi ngang hỏi chúng tôi có xin phép chưa mà chụp.
Ngày 09-4-2003 đến thánh thất N.T.C. không thấy người coi giữ. Các em nhỏ dẫn chúng tôi vào thất, vừa chụp xong thì người thủ tự đến yêu cầu chúng tôi phải đến công an xin phép.
Những trường hợp khó khăn như trên chúng tôi phải chụp nhanh rồi lật đật rời khỏi, không kịp bảo quản máy ảnh. Đường lộ liên xã, liên huyện hầu hết đều gồ ghề, chưa tráng nhựa; đường đồng thì nhỏ, nhiều chỗ lầy lội, chưa được lót tấm “đan” xi măng. Máy ảnh có lúc bị rớt, bị dơ, bị hư nên buộc phải thay máy khác.
Thăm danh thắng, các vì vua và danh nhân đất nước
Trước khi đi đến một tỉnh nào, chúng tôi đều tham khảo quyển Hướng dẫn du lịch để biết qua các nơi đặc biệt. Hai anh em chúng tôi không bỏ cơ hội để đi thăm các danh thắng, lăng tẩm, nơi an nghỉ của các vì vua, và danh nhân đất nước.
Ngày 30-11-2003 chúng tôi đi thăm chùa Hương ở Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội.
Ngày 01-12-2003 trên đường thăm Đền Hùng, chúng tôi thăm đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh, nay trực thuộc thành phố Hà Nội.
Ngày 02-12-2003, chúng tôi đến Bắc Ninh thăm đền thờ Lý Bát Đế (thờ tám vì vua đời Lý), thăm khu mộ vua Lý Thái Tổ, khu mộ vua Lý Cao Tông, Lý Thánh Tông và Lý Thần Tông, mộ của nguyên phi Ỷ Lan, đền thờ Lý Chiêu Hoàng, thăm Đền Gióng, chùa Thiên Tâm (thờ Đức Vạn Hạnh Thiền sư).
Ngày 03-12-2003 ở Hải Dương, chúng tôi thăm chùa Côn Sơn (thờ Nguyễn Trãi), thăm đền Kiếp Bạc (thờ Đức Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, vợ và bốn con trai), rồi thăm lăng vua Trần Minh Tông và mộ các vua Trần ở An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh). Sau đó đi thăm vịnh Hạ Long.
Ngày 04-12-2003, chúng tôi thăm đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Lý Học, thành phố Hải Phòng. Rồi xuống Nam Định thăm khu di tích Phủ Giầy thờ Bà Chúa Liễu Hạnh, đền thờ Lý Nam Đế và Hoàng hậu, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.
Ngày 06-12-2003 thăm đền thờ và lăng vua Lê Đại Hành và Thái hậu Dương Vân Nga, vua Lê Long Đỉnh. Sau đó đến tỉnh Quảng Trị thăm thánh địa Đức Mẹ La Vang.
Ngày 31-8-2002 thăm lăng vua Khải Định, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức, bà Từ Dũ, vua Kiến Phúc, vua Đồng Khánh, vua Gia Long.
Ở Quảng Nam thăm phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn. Vào Bình Định thăm lăng Võ Tánh, đền thờ vua Quang Trung.
Anh em chúng tôi viếng hầu hết các vị lãnh đạo danh nhân trong Nam, không bỏ sót vị nào. Đặc biệt là các vị tiền bối khai đạo Cao Đài.
Nơi ấn tượng nhất
Ấn tượng nhất là thăm động Thần Quang, sâu dưới chân núi, dưới chùa Thầy (thờ Từ Đạo Hạnh, ở Quốc Oai, Hà Nội). Trong đó có thờ cốt ba ngàn lính của tướng Lữ Gia bị quân Tàu bao vây, đã liều chết cố thủ trong động cách nay gần một ngàn năm.
Ghé chùa Đậu thăm tượng táng hai Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở Thường Tín (Hà Nội).
Tưởng khó mà dễ
Miền Trung vừa xa xôi vừa xa lạ phong tục tập quán, chúng tôi chưa hề quen biết một ai, nên có phần lo ngại. Nào ngờ, Hội thánh Truyền giáo đã nồng hậu tiếp đón chúng tôi và còn cho người chở đi từng thánh thất để giới thiệu trực tiếp. Kết quả rất tốt, công việc trở nên dễ dàng. Rút ngắn thời gian rất nhiều, chi phí không đáng kể.
Hội thánh Cầu Kho − Tam Quan cũng giống y trường hợp trên, rất hiếu khách, rất nồng hậu và cũng giúp chúng tôi đến từng thánh thất để giới thiệu, cung cấp tin tức và chụp ảnh.
Thánh thất Thủ đô Hà Nội, nơi cách xa nhứt cái rún đạo, cũng nồng nhiệt tiếp đón không kém, lại còn cho chúng tôi nhiều tin tức sử đạo và của các thánh thất có quan hệ.
Chuyến đi cuối cùng
Sau khi phát bệnh, hiền huynh Đạt Linh vẫn hành đạo tích cực. Lúc tạm khỏe, vẫn còn đi với tôi nhiều lần nữa đến nhiều thánh sở để chụp ảnh và tìm tài liệu bổ sung.
Bất kể lúc nào hiền huynh Huệ Khải hẹn đến nhà huynh họp để chọn lựa ảnh và kiểm tra danh sách các thánh sở, huynh Đạt Linh đều đến đúng giờ, mang theo các album ảnh cồng kềnh. Chẳng chút quản ngại.
Giữa năm 2008, khi cùng hiền huynh Huệ Khải duyệt lại bản thảo để chuẩn bị xin xuất bản quyển đầu tiên trong bộ sách là cuốn Các thánh sở Cao Đài tỉnh Long An, chúng tôi thấy cần thay một số ảnh cũ, bổ túc một số thông tin cần thiết. Nhưng thấy sức khỏe của hiền huynh Đạt Linh sút kém nhiều, nên tôi “lén” đi một mình, không dám cho Hiền Huynh hay trước.
Đến khi duyệt lại bản thảo quyển Các thánh sở Cao Đài tỉnh Bến Tre, do yêu cầu bổ sung ảnh và thông tin, tôi cũng định đi môt mình và chỉ rủ tu sinh Minh Trung, quê ở huyện Thạnh Phú (Bến Tre) cùng đi. Không ngờ hiền huynh Đạt Linh biết được và nhứt quyết cùng đi.
Ngày 14-8-2008, sau khi đến Bến Tre, chúng tôi chia nhau: Minh Trung chở hiền huynh Đạt Linh đi tách về huyện Thạnh Phú. Cao Hoàng Phong chở tôi đi huyện Mỏ Cày chụp hình. Hẹn nhau đến sáu giờ chiều hôm ấy, hai xe chúng tôi gặp lại tại Mỏ Cày rồi cùng trở về Sài Gòn.
Trời mưa suốt đường về. Đến chín giờ đêm chúng tôi mới tới nhà. Chúng tôi rất lo sức khỏe của hiền huynh Đạt Linh, nhưng may quá, không sao.
Những hình ảnh chụp ở huyện Thạnh Phú, in trong quyển Các thánh sở Cao Đài tỉnh Bến Tre, chính là những hình chụp sau cùng của hiền huynh Đạt Linh.
ĐẠT TRUYỀN
Tân Định, 14-02-2009

4/6 NHỚ ĐẠT LINH / GƯƠNG SÁNG NGƯỜI TU

GƯƠNG SÁNG NGƯỜI TU
Thanh Tùng
Khi chọn con đường tu giải thoát để không còn luân hồi sanh tử thì người tu chẳng thể tránh khỏi bị nhồi quả, nghĩa là bao nhiêu nghiệp chướng phải trả hết ngay kiếp này. Những hình thức trả nghiệp thật đa dạng, tùy theo duyên nghiệp của mỗi người. Trả nghiệp thân thường khủng khiếp nhất, đặc biệt là trường hợp nhồi quả, người tu phải chịu mọi đau đớn của thể xác. Tuy nhiên vẫn có sự ban ơn của Ơn Trên đối với những người có tâm chí thành hành đạo.
Thường, ghê gớm nhất là bệnh ung thư. Nó đã cướp đi cuộc sống nhiều đạo hữu thân thương của chúng ta như hiền tỷ Lê Ngọc Thuận ở tuổi bảy mươi, giáo sĩ Lập Hạnh (Lê Tuy Phượng) ở tuổi sáu mươi và vừa mới đây là hiền huynh Đạt Linh (Nguyễn Văn Tài) mới năm mươi sáu tuổi, đang trong giai đoạn hành đạo thật hăng say.
Ba người này mất đi để lại trong tôi một nỗi buồn vô hạn, cùng với lòng khâm phục. Tôi phục sự chịu đựng trả nghiệp, gương tu thân hành đạo của các vị ấy cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Hiền huynh Đạt Linh Nguyễn Văn Tài là bổn đạo thánh thất Bàu sen, và cũng là nhân viên Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại đạo. Từ năm 2000 hiền huynh thường xuyên cùng với hiền huynh Đạt Truyền (Hà Văn Phủ) đi khắp mọi miền đất nước bằng xe Honda, để chụp ảnh tất cả các thánh sở Cao Đài, không phân biệt chi phái. Không quản ngại gian lao khổ cực, mưa nắng, cả hai đến với từng thánh sở, ở những tỉnh, thành lớn lẫn các xã, huyện nghèo nàn thiếu thốn mọi mặt. Cho đến năm 2008 khi kết thúc công quả này, hai hiền huynh đã chụp ảnh được tổng cộng một ngàn ba trăm thánh sở.
Để dễ dàng tiếp xúc với từng thánh sở, hai hiền huynh Đạt Linh, Đạt Truyền đã mang theo nhiều kinh sách Cao Đài để tặng. Việc làm này được mọi người hoan nghinh vì tình trạng thiếu kinh sách gần như rất phổ biến ở mọi nơi.
Trong quá trình thực hiện công quả này, có hai lần hiền huynh Đạt Linh ngã bệnh dọc đường, cứ tưởng đâu do cơ thể suy nhược vì điều kiện ăn uống không đầy đủ và thiếu nghỉ ngơi. Đến lúc người nhà đưa hiền huynh đi bệnh viện cấp cứu lần đầu tiên thì mới biết bệnh viêm gan siêu vi C đang hủy hoại dần lá gan của huynh. Đó là năm 2004.
Cái tin hiền huynh Đạt Linh bị viêm gan siêu vi C đe dọa tính mạng làm mọi người sững sờ và đau lòng. Bấy lâu hiền huynh luôn được cảm tình của nhiều người, ở thánh thất Bàu sen cũng như ở Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại đạo. Huynh đã đoàn kết tương trợ, sống rất hòa ái với mọi người. Ngoài ra ai cũng nhận thấy tinh thần tu thân hành đạo hăng say của huynh, không bỏ sót một công quả nào. Tôi vẫn nhớ đến việc hiền huynh tình nguyện nhận đem cây mai của Cơ quan về thánh thất Bàu Sen chăm sóc hằng năm nhằm giúp tôi không còn phải chở cây mai của Cơ quan về nhà, tìm người khệ nệ khiêng lên sân thượng ở tận lầu bốn để chăm dưỡng.
Rất nhiều người đã sốt sắng tìm cách giúp hiền huynh chống chọi căn bệnh quái ác. Nào bác sĩ giỏi, nào thuốc đặc trị, nào bài thuốc dân gian... Nhưng mọi cách đều không hy vọng giành lại cho huynh sự sống.
Chính trong giai đoạn này mọi người thấy rõ sự phấn đấu không ngừng nghỉ của hiền huynh. Tôi còn nhớ thái độ bình thản đón nhận tin dữ khi đến thăm huynh ở bệnh viện. Huynh còn kể cho nghe là đã chuẩn bị đón hung tin ngay sau khi đọc được đoạn thánh giáo của Đức Quan Âm Bồ tát mà huynh đã “hái lộc” tại Cơ quan nhân dịp tết nguyên đán năm 2004.
Theo lời dạy trong đoạn thánh giáo ấy thì huynh phải cố tu mau kẻo trễ, thời gian không đợi chờ. Tuy nhiên hiền huynh cũng không ngờ sự việc đến nhanh như thế. Hiền huynh thấy được con đường mình phải đi, chấp nhận trả nghiệp và tích cực tu thân hành đạo để được về với Thầy Mẹ sau khi thoát xác.
Năm 2005 họ đạo thánh thất Bàu Sen công cử hiền huynh Nguyễn Văn Tài vào Ban cai quản, giữ nhiệm vụ Chánh hội trưởng. Bạn bè gần xa rất vui mừng khi nhận được tin này. Mừng cho thánh thất Bàu Sen có một chánh hội trưởng năng nổ và đạo đức, và mừng cho hiền huynh có thêm điều kiện tô bồi âm chất trong giai đoạn cuối của cuộc đời.
Bản thân hiền huynh rất hạnh phúc nhưng cũng rất lo âu khi nhậm chức chánh hội trưởng. Hạnh phúc vì được Ơn Trên tạo điều kiện cho hiền huynh lập công bồi đức. Lo âu vì không biết sức khỏe có cho phép hiền huynh chu toàn sứ mạng đến nơi đến chốn không, hay sẽ phải gãy gánh giữa đường.
Với vai trò chánh hội trưởng, hiền huynh đã làm được rất nhiều việc, theo lời kể của bổn đạo Bàu Sen. Huynh đã bỏ công sức lẫn tiền của dồn hết vào cho thánh thất Bàu Sen, đưa mọi việc đi dần vào nền nếp. Khách quan mà nói, thánh thất Bàu Sen đổi mới từng ngày, từ hình thức đến nội dung, mọi người thầm mong cho huynh được sống đến mãn nhiệm kỳ.
Ngoài ra hiền huynh còn công quả ở Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại đạo, đã từng là nhân viên Ban Nghi lễ, rồi làm phó ban Thông tin Báo chí (đều thuộc Nội chánh vụ) sau khi được ban thánh danh. Về phần công trình, hiền huynh không ngừng phấn đấu tu học, theo hết lớp Bồi dưỡng Giáo lý cấp một. Đến lớp Bồi dưỡng Giáo lý cấp hai thì dang dở vì bệnh. Phải nói là phấn đấu vì bệnh viêm gan siêu vi C dần dần chuyển sang ung thư, bắt đầu di căn, hành hạ thân xác huynh.
Tuy bệnh ngày càng nặng nhưng hiền huynh không xao lãng việc đạo. Ăn ngủ không được làm cho hiền huynh thường xuyên nhọc mệt. Tuy nhiên hiền huynh không đầu hàng bệnh tật, vẫn tiếp tục thực hiện công quả đi chụp ảnh các thánh sở Cao Đài cho đến khi không còn sức đi được nữa...
Hằng ngày huynh vẫn làm việc và cúng tịnh, tuy đau đớn thể xác nhưng không bỏ công phu, khi ở thánh thất Bàu Sen khi ở Cơ quan Phổ thông Giáo lý. Mệt thì nằm nghỉ, vừa khỏe một chút lại tiếp tục làm việc, từ việc nhỏ đến việc lớn.
Bệnh nặng như thế mà năm nào tết đến cũng đứng lặt lá mai, nhất là rất quan tâm đến cây mai của Cơ quan. Năm nào mai không đơm nụ thì huynh ngược xuôi tìm một cây khác thế vào, thật nhiều bông. Ít ai biết được hằng năm Cơ quan Phổ thông Giáo lý có được một cây mai chưng tết sai bông, sắc vàng rực rỡ là nhờ công sức của hiền huynh.
Nhiều lần người nhà phải đưa hiền huynh vào bệnh viện cấp cứu. Khi hay tin, chúng tôi đã toan đi thăm, nhưng chưa kịp đi thì đã thấy hiền huynh có mặt cúng tịnh tại Cơ quan. Thì ra vừa mới khỏe, hiền huynh liền về với môi trường đạo. Nhìn sắc diện bên ngoài của huynh lúc ấy, không ai ngờ huynh đang ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư.
Hiền huynh còn tham gia công quả ở các thánh thất, thánh tịnh khác. Ai nhờ cũng làm, đơn vị nào thiếu tiền thì huynh công quả hậu hỹ.
Ngày hiền huynh thọ nhận thánh danh Đạt Linh cũng là ngày huynh hạnh phúc nhất vì biết được Ơn Trên đã chứng chiếu tâm thành. Huynh càng an tâm và càng hăng say công quả, công phu hơn dù sức lực ngày càng suy kiệt dần.
Huynh biết ngày ra đi của mình gần kề, nhưng vẫn cầu nguyện Ơn Trên cho sống đến lúc có thể hoàn tất việc sửa chữa mái của thánh thất Bàu Sen vì nó đã dột nát mà điều kiện tài chánh của thánh thất cũng như của gia đình huynh chưa cho phép thực hiện. Nhất là bộ sách Các thánh sở Cao Đài chưa kết tập xong, thì huynh ra đi không yên tâm vì đó là công trình điền dã của hai hiền huynh Đạt Truyền và Đạt Linh trong ròng rã mười năm.
Rồi cái ngày không ai mong muốn cũng phải đến. Lúc đang chịu những cơn đau tột cùng của bệnh ung thư, hiền huynh Đạt Linh vẫn ráng đọc cho hết diễn văn khai mạc nhân ngày lễ kỷ niệm Đức Chúa giáng sanh 2008. Rồi huynh phải về phòng riêng nằm nghỉ, sau đó lại vào bệnh viện.
Nằm ở bệnh viện, tuy đau đớn về thể xác nhưng tinh thần của huynh rất minh mẫn, nhớ rõ từng ngày và liên tục hỏi thăm những gì đã và đang xảy ra ở thánh thất. Nào là buổi họp mặt ấn tống có tốt đẹp không, bao nhiêu người tham dự, số tiền công quả ấn tống được bao nhiêu, v.v... Mọi người cũng hy vọng rằng hiền huynh sẽ khỏe lại như những lần trước. Nhưng hy vọng ấy tắt dần khi thấy hiền huynh ngày càng không còn sức để nói, da vàng, bụng chướng.
Ai vào thăm, huynh cũng khóc. Buồn vì không được sống đến mãn nhiệm kỳ của Ban cai quản. Buồn vì thánh thất việc còn bề bộn...
Một điều làm tôi xúc động là đến lúc gần lìa xa cõi trần mà hiền huynh vẫn không quên cây mai chưng tết cho Cơ quan Phổ thông Giáo lý. Khi tôi đến gần chào ra về, huynh cố nói, giọng đứt quãng: “Chị hỏi anh Bích …” Rồi im lặng vì quá mệt. Tôi hiểu. Anh Bích là bổn đạo Bàu Sen, làm chủ vườn mai, là người hằng năm cho hiền huynh mượn cây mai để chở về Cơ quan vào dịp tết. Sắp tết rồi mà! Trên giường bệnh nhưng hiền huynh hầu như không bỏ sót việc gì.
Thế rồi hiền huynh Đạt Linh cũng phải lìa bỏ cõi đời này theo định luật của Tạo hóa. Tuy nhiên, có lẽ vì quá bận lòng với bao nhiêu việc đạo dở dang, cho nên lúc hấp hối, đồng nhi đọc xong tất cả bài kinh độ tử mà huynh vẫn chưa chịu ra đi, tính từ chiều tối hôm trước cho đến sáng hôm sau. Dường như còn luyến tiếc điều gì, thỉnh thoảng hiền huynh lại mở mắt ra như tìm kiếm ai, rồi môi lại mấp máy như muốn nói điều chi...
Bác Ba, thân mẫu hiền huynh chợt nghĩ ra, bèn gọi điện thoại mời tất cả những bạn hữu thân thiết với hiền huynh đến thánh thất Bàu Sen, để chia tay lần cuối.
Thế là huynh Huệ Khải, Đạt Truyền lần lượt có mặt, mỗi người đều có đôi lời với bạn chí cốt Đạt Linh. Trước đó huynh Đạt Tịnh (Nguyễn Văn Phát, Phó hội trưởng) cũng an ủi Chánh hội trưởng nên thanh thản trở về với Thầy Mẹ, mọi việc của thánh thất Bàu Sen sẽ có Đạt Tịnh và họ đạo chung lo. Sau cùng hiền huynh Huệ Ý đã tới. Lại an ủi, khuyến nhủ…
Thế rồi hiền huynh Đạt Linh Nguyễn Văn Tài ra đi trong tiếng đọc kinh hòa lẫn nước mắt thương tiếc, ngậm ngùi của đồng đạo lưỡng phái đang đứng hai bên chỗ nằm.
Khi chuẩn bị khâm liệm, mọi người đều vui mừng chứng kiến nét mặt của hiền huynh tỏ vẻ thanh thản, nhẹ nở nụ cười, màu da tươi nhuận hơn màu vàng nghệ lúc hồn mới lìa khỏi xác. Con mắt trái mở ra, ấn chứng thiêng liêng của người Cao Đài chơn tu liễu đạo.
Lễ tang của hiền huynh Đạt Linh được tổ chức thật long trọng và ấm cúng, để tiễn đưa một chánh hội trưởng hết lòng vì Thầy, vì Đạo, đồng thời là một người con chí hiếu, một người chồng, người cha mẫu mực, và cũng là một người bạn đạo tốt của mọi người.
Nhiều vị chức sắc, đạo hữu, dẫu phẩm vị lớn hơn, tuổi đời cao hơn huynh Đạt Linh, đã khiêm tốn quỳ lạy thành kính trước linh cữu, chỉ vì rất quý trọng, khâm phục đạo đức và công hạnh của người quá cố.
Lúc 5 giờ sáng rằm tháng Chạp Mậu Tý, trời se lạnh, rất đông người đã đến thánh thất Bàu Sen đưa tiễn hiền huynh Đạt Linh Nguyễn Văn Tài về nơi an nghỉ cuối cùng trong phần đất riêng của Liên Hoa Cửu Cung (Thủ Đức).
THANH TÙNG
Gò Vấp, 07-02-2009