Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

Phạm Văn Liêm, Lá Thư Giao Cảm.

 


LÁ THƯ GIAO CẢM

Phạm Văn Liêm, Đạo Áo Trắng.

Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2010, tr. 46-52

Hoàng huynh thân mến,

Mấy hôm nay trời mưa nhiều, những cơn mưa đầu thu cứ ào ào như thác đổ. Ở miền Nam nầy không có mùa thu với mưa ngâu rả rích phất phơ, mà cuối hạ đầu thu là trọng điểm của mùa mưa. Mưa phải nhiều cho ngập sông đầy rạch, cho thấm nhuần đồi núi, tươi màu ruộng đồng nương rẫy, phải chứa đầy các tầng thủy cấp, lạch ngầm để tích lũy cho mùa nắng chang năm đến.

Mưa miền Nam thật hiền và đáng yêu vì không cuồng nộ, cũng không triền miên dầm dề.

Đêm nay nằm nghe mưa, một câu thơ nào đó chợt về trong trí

Mưa sáng đêm, mưa tối trời

Cuốn trôi những mặt nạ đời, mưa ơi!

làm đệ nhớ đến câu nói của huynh trong đêm tâm sự giữa hai anh em mình. Huynh bảo rằng Thầy đã dạy “Cùng nhau một Đạo tức một Cha”, thế mà những người con cùng Cha vẫn còn nhìn nhau qua chiếc mặt nạ... Đệ hiểu huynh muốn nói đến sự thiếu thành thật và tình thương yêu của một số huynh đệ.

Thời gian mới đó mà đã bốn năm rồi huynh nhỉ? Sau đúng mười hai tháng khánh thành hoa viên Đền Thánh Trung Hưng, đệ và một số huynh khác cũng về Hội Thánh dự lễ Khai Đạo Rằm tháng Mười và cũng để tán thưởng công trình làm đẹp nhà thánh của giới trẻ. Ngày đầu về, dạo khắp vườn hoa và đêm ấy nằm chung phòng với huynh, đệ đã nhận xét và giới thiệu tám câu thơ Đường luật mà chắc Hoàng huynh còn nhớ.

Hoa Viên Đền Thánh

Chung góp cùng nhau dựng hoa viên,

Nay về vừa đúng một chu niên.

Đền xưa sáng đẹp màu vôi mới,

Vườn cũ tươi xinh ánh nắng hiền.

Đây ngọn giả sơn ngâm nước tục,

Kia ao thất bửu nở hoa tiên.

Khóm hoa, lối cỏ, lan, tùng, cúc...

Giữa chốn phồn hoa dậy nét thiền.

12-10 Tân Mùi

Hoàng huynh đã tỏ ra thích thú cặp luận của bài thơ:

Đây ngọn giả sơn ngâm nước tục,

Kia ao thất bửu nở hoa tiên.

Huynh cho rằng một đối xứng đáng là hay ho. Cái giả thì ở trong nước tục. Nước tục bởi vì nước có bùn đất rong rêu. Nhưng từ trong nước tục lại sừng sững một cội bồ đề (bên ngọn giả sơn có cội bồ đề). Phiền não sinh bồ đề là tượng trưng ở bên nầy. Còn bên kia là ao thất bửu nở hoa giải thoát vàng ươm, biểu trưng cho Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh.

Hoàng huynh đã kể cho đệ nghe những tấm lòng và những giọt mồ hôi góp sức cho công trình, đồng thời cũng than phiền về một vài huynh không tinh thần chẳng vật chất, chỉ đóng góp bằng những phê phán nặng nề.

Chẳng hạn như cái đỉnh đặt phía trong cột phướn. Họ bảo rằng không có ý nghĩa gì cả, thế mà phải tốn công đi tham quan, tham khảo từ Huế đến Hội An, nơi nầy nơi nọ, rồi rước thợ chuyên môn về thực hiện rất tốn kém. Thêm vào đó còn đắp bốn chữ Chánh Vị Ngưng Mạng. Ai chánh vị? Và sao mạng lại ngưng? Tu hành mà ngưng mạng thì làm sao chuyển hóa? Đạo pháp làm sao trường lưu?

Có lẽ qua một ngày nắng hanh, đêm đến trời mưa bù, cho nên càng về khuya mưa càng nặng hạt. Giọng huynh trầm trầm hòa trong tiếng rào rào của mưa đêm làm đệ thiu thiu lần rồi không còn đóng góp với huynh chung quanh vấn đề nầy nữa mà đã để hồn chìm hẳn vào giấc ngủ sâu.

Năm nay đệ về Hội Thánh để cùng lo với chư huynh về lớp giáo lý mùa hạ. Sau thánh lễ khai giảng tại bửu điện, đệ và huynh Navi được mời ghi một tấm hình kỷ niệm bên chiếc đỉnh. Nhớ lại vấn nạn năm xưa, nay có dịp, đệ ngắm nhìn chiếc đỉnh thật kỹ mới thấy sự cân phân về bố cục, sắc sảo về đường nét hoa văn khắc chạm, những đường cong nếp thẳng thật nhịp nhàng. Nhất là bốn chữ Chánh Vị Ngưng Mạng không biết đắp theo lối triện hay lệ gì đó mà thật hài hòa chung với toàn thể, như ẩn như hiện trong màu đen ngả xám.

Đứng dang ra xa để ngắm, đệ thấy lòng mình hưng phấn hẳn lên và buột miệng lẩm bẩm:

Biểu trưng thiền pháp là đây

Nhất tâm phanh nhậm đêm ngày kim đơn.

Đồng thời mấy điều tâm sự bỏ dở đêm mưa năm ấy cần được ví von với huynh trong thư nầy.

Nói về cái đỉnh thì Hoàng huynh đã biết rồi, nó là cái vạc, dưới có ba chân, trên có hai quai, là vật dụng để nấu. Thế vậy mà cái đỉnh lại tượng trưng cho sự quyền quý.

Vua Hạ Võ Trung Hoa khi gồm thâu thiên hạ, liền lấy vàng chín châu, đúc chín đỉnh. Mỗi đỉnh ghi núi sông, nhân vật của mỗi châu làm kỷ niệm. Chín đỉnh ấy gọi là cửu bảo.

Việt Nam ta thời nhà Nguyễn cũng đúc chín đỉnh, chép lại sự tích chín đời vua nhà Nguyễn, kể từ Nguyễn Tiên Hoàng, hiện nay còn bày ở đền Thái Miếu tại cố đô Huế.

Đối với Cao Đài Giáo hay Tiên gia thì cái đỉnh tượng trưng cho tịnh pháp hay thiền pháp. Thiền định hay tịnh luyện trong Cao Đài chính là công phu để nghịch chuyển pháp luân kết thánh thai gọi là phản bổn hoàn nguyên, hay chuyển hậu thiên thành tiên thiên, hoặc cũng gọi là chiết Khảm điền Ly.

Khi con người rời khỏi bụng mẹ, cất ba tiếng khóc oa oa, mang theo một đoạn rún, mắt, tai, mũi, miệng đầy đủ và cũng chính là quẻ Càn mất vạch dương (trung hào) mà thành quẻ Ly. Ly là lìa, lìa khỏi quê hương nguyên bổn tiên thiên. Quẻ Khôn được thay vào hào giữa mà ra Khảm. Một điểm chơn dương đã khảm (đính vào) hậu thiên đơn điền, biết bao giờ quay về chốn cũ được? Do đó mà:

Tam Kỳ Đạo chuyển tuần huờn

Châu nhi phục thỉ kết đơn trung điền.

(Đại Thừa Chơn Giáo)

Cái đỉnh tượng trưng cho lò nấu thuốc đặt tại đơn điền (hậu thiên). Người luyện đạo phải vận phép công phu theo cửu chuyển trở về thượng đơn điền (tiên thiên).

Người luyện đạo đừng sai thánh huấn

Mà để làm triệu chứng đơn kinh

Người tu trước phải dọn mình

Cho thanh bạch tượng, cho tinh sạch lòng.

Giữ ngoài rồi gìn trong đúng đắn

Để cho tâm an lặng không không

Ấy là thần khí giao thông

Càn Khôn thăng giáng, cọp rồng xuống lên.

Phép cửu chuyển là nền thanh khiết

Thoát luân hồi đoạn diệt oan khiên

Còn chi nghiệp quả nối chuyền

Tâm không đắc Phật thành Tiên tại trần.

(Đại Thừa Chơn Giáo)

Ở bàn hậu thiên tại bửu điện có đặt một đỉnh trầm. Người đạo hữu khi cúng kính luôn luôn đốt trầm, không những chỉ để xông cho thơm mà còn nhắc nhở thiền pháp nầy.

Cái đỉnh với bốn chữ Chánh Vị Ngưng Mạng là lấy ý trong quẻ Hỏa Phong Đỉnh của Kinh Dịch. Quẻ nầy gồm có Tốn hạ hay nội Tốn, Ly thượng hay ngoại Ly. Theo soán từ và soán truyện trong Kinh Dịch nhà Dịch học Phan Bội Châu đã giải, xin đại lược là:

Đỉnh có tài biến cách được vật, đổi sống thành chín, hóa cứng thành mềm. Nước lửa khác nhau mà chung nhau làm nên công dụng thuận lợi cho nhân sinh. Cái đỉnh nấu được đồ ăn, nuôi được người, nuôi được mình. Công dụng của đỉnh như vậy tất nhiên nguyên hanh. (Nguyên: sanh, đức lớn của trời đất; xuân. Hanh: thong thả, vui thích, đã phú cho sanh mạng, còn được thong dong vui thú; hạ.)

Theo như hai thế giao quẻ, Tốn là Mộc, Ly là Hỏa. Tốn lại có ý nghĩa là vào, lấy mộc đưa vào lửa, lửa đốt mộc nấu chín được đồ ăn, là công việc thuộc về nấu nướng. Nấu nướng nghĩa là phanh nhậm. Người thường bảo nấu nướng là việc nhỏ nhen, nhưng trong Dịch lý thì phanh nhậm lại là hai việc lớn:

Một là hưởng tế thần Thượng Đế.

Hai là phụng dưỡng bậc Thánh Hiền.

Ở trên Tốn mộc có Ly hỏa, tượng là củi nhen lửa ở dưới đỉnh mà những đồ phanh nhậm ở trong đỉnh mới thành công. Đó là tượng quẻ Đỉnh.

Quân tử xem tượng ấy thấy được đỉnh có tượng nghiêm trọng đoan chính, thời công dụng nó mới nên. Quân tử mới lấy thân mình làm đỉnh trong đời, nghiêm trọng đoan chính ở vị mình. Kẻ trên nhắm xuống, kẻ dưới trông lên thời mệnh lệnh phát hành mới được thống nhất tề chỉnh. Đó là Chánh Vị Ngưng Mạng mà làm công dụng đỉnh của quân tử.

Vị nghĩa là ngôi tôn. Chánh Vị nghĩa như câu: “Cung kính chánh nam diện” trong Luận Ngữ, nghĩa là cung kính uy nghi ở giữa mình, mà chánh ngôi nam diện (ngôi vua ngàn xưa ngồi trở mặt về hướng nam: nam diện). Vị có nghiêm chỉnh thời mệnh lệnh mới được ngưng tụ. Nếu vị không chánh thì mệnh lệnh không ngưng, ví như đỉnh không nghiêm trọng thì công phanh nhậm không thành.

Xem như thế thì cái đỉnh đặt nghiêm trang vững chải trước Đền Thánh là một biểu trưng đáng được quý hóa trân trọng, phải không Hoàng huynh?

Thôi, cho qua việc chín người mười ý về cái đỉnh để tâm tình với Hoàng huynh trong việc tìm đến nhau bằng con người Cao Đài. Những nhân tố cần có để xây dựng Giáo Hội, đó là những con người thể hiện toàn nhân cách của chính mình, không kiến chấp, không vướng bận, không duyên theo, không cống cao ngã mạn. Tự thân học nghiệm, tu đức, sống đạo, đừng để bị lôi kéo, mê hoặc mà phải nhắm hướng Nguyên, Hanh tiến tới. Đó là những con người làm việc Giáo Hội, làm việc Hội Thánh.

Làm việc Hội Thánh là làm việc thánh hay làm việc người?

Trang Tử nói:

“Thánh nhân có cái hình của người mà không có cái tình của người. Có cái hình của người nên mới cùng một đàn với người. Không có cái tình của người nên thị phi mới không vào được cõi lòng, để riêng làm một với Trời.

“Cùng một đàn với người là việc nhỏ.

“Riêng làm một với Trời là việc lớn.”

Vậy thì ta có thể nói rằng làm việc Hội Thánh tức là cùng một đàn với người để riêng làm một với Trời. Nghĩa là hòa nhau chung một thể nhưng tự thánh hóa riêng mỗi cá nhân.

Có một ni sư bên nhà Phật không chịu cách giảng từ Phật tử là con Phật. Bà lý luận: “Nếu nói Khổng Tử là ông Khổng, Mạnh Tử là ông Mạnh, thiện nam tử là ông thiện nam, thì Phật tử phải nói là ông Phật.”

Đúng quá phải không Hoàng huynh? Khi một tín đồ quy y Phật, tất đã học lời Phật dạy rằng các ngươi là Phật sẽ thành, và trong mỗi chúng sanh đều có tính Phật. Như vậy Phật tử là ông Phật chứ còn gì nữa, nhưng là ông Phật chưa thành.

Còn chúng ta tu theo đạo Cao Đài, Đấng Giáo Chủ xưng là Tiên Ông và bảo chúng ta là học trò Tiên, vậy mỗi người tín đồ Cao Đài gọi là Tiên tử. Nghĩa là mỗi người nhập môn rồi thì phải lo tự thánh hóa mỗi cá nhân để riêng làm một với... ông Tiên. Vâng chúng ta là một ông Tiên sẽ thành.

Nói như thế không phải là đại ngôn mà là tự lập vị mình để lo lập hạnh, lập đức, lập ngôn, và lập công. Chắc Hoàng huynh không phản đối ý kiến của tệ đệ chứ. Vậy xin kết thư giao cảm bằng ý tưởng tự lập vị nầy.