ĐỂ HIỂU
THÁNH THI CAO ĐÀI
Thái Lễ Sanh HUỲNH VĂN MƯỜI
Phần đông tín hữu Cao Đài hằng ngày tiếp xúc thánh
ngôn, thánh giáo, trong đó các Đấng thiêng liêng thường dùng thi (thơ) làm
phương tiện dạy đạo. Thi (thơ) dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Tuy nhiên, từ chỗ
rung cảm với vần điệu, ngôn từ tới chỗ lãnh hội thấu đáo nội dung và diễn giải
một bài thánh thi thường có một khoảng cách, tức là không phải lúc nào cũng dễ
dàng. Trong công tác Phổ Tế, việc lãnh hội và diễn giải thánh thi phụ thuộc vào
các yếu tố như: trình độ học vấn, năng khiếu cảm thụ văn học, vốn liếng giáo
lý, bề dày tu học, v.v...
Để góp phần nhỏ bé của mình vào công tác Phổ Tế của
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, tệ đệ xin chia sẻ sau đây một ít trải nghiệm cảm
thụ thánh thi Cao Đài từ góc độ một người làm thơ. Tệ đệ xin loại trừ các yếu
tố về trình độ học vấn, năng khiếu cảm thụ văn học, vốn liếng giáo lý, bề dày
tu học, v.v… mà chỉ nêu ra các yếu tố kỹ thuật cần thiết ([1]) ngõ hầu giúp người đọc thánh thi dễ dàng hiểu đúng nội
dung bài thơ, không “vuột mất” ý tứ được Ơn Trên gởi gắm qua từng chữ từng câu,
từng thanh bằng thanh trắc, từng vần từng điệu.
Phần lớn thánh thi Cao Đài được diễn bày qua thể thơ
lục bát, song thất lục bát, thất ngôn (theo luật thơ Đường). Những thể thơ này có
một số nguyên tắc bắt buộc về niêm, luật, vần, điệu. Ngoài ra còn nhiều yếu tố
bất thành văn khác.
Ví dụ: Một bài
thơ lục bát thường rất dễ sáng tác, hầu như phần đông đều có thể viết ra một
bài lục bát đúng luật, nhưng thực chất nó không phải là một bài thơ, vì không toát
ra một chút “hơi hướm” thơ nào cả, người ta gọi nó là hò vè. Ranh giới giữa một
bài thơ lục bát và một bài vè rất mong manh.
Ví dụ khác: Bởi không nắm được thi pháp, có người đọc
xuôi từ đầu tới cuối câu thánh thi “Thầy
trao pháp mượn tay khờ khạo” ([2]) rồi giải nghĩa rằng Thầy chỉ trao pháp cho những người
khù khờ, ít học, ít hiểu biết, còn những kẻ học cao, biết nhiều thì Thầy sẽ
không trao. Nói vậy thì e là ngộ nhận, giảng nghĩa sai.
I. Vài
nguyên tắc cơ bản của một bài thơ
1. Hình thức bài thơ
Hình thức (cấu trúc) chứa đựng nội dung bài thơ. Hình
thức gồm có thể thơ và luật thơ. Thánh thi Cao Đài hầu hết theo thể thơ lục
bát, song thất lục bát, và thất ngôn (tứ tuyệt hay bát cú); dĩ nhiên, vẫn còn
một số thể loại khác nữa.
2. Một vài thi pháp hay gặp
Là phương pháp sắp đặt câu chữ trong một bài thơ để
diễn tả ý muốn, mong cầu, cảm hứng. Thông thường tác giả sử dụng các phương
pháp sau:
2.1. Ẩn dụ
Là cách nói bóng gió, so sánh sự việc này với sự việc
khác, vật này với vật khác. Ví dụ:
– Cuộc
dâu bể nay dời mai đổi
Mảnh
thân sanh bảy nổi ba chìm
Xoay
vần trên cõi Phù Diêm
Thạnh
suy mấy lúc, cổ kim mấy lần.([3])
– Đạo đời hai nẻo lại qua
Người
tu khuyên khá tìm ra cội nguồn
Trần ai ngây ngất khói un
Nhơn tình chôn đắm vào khuôn khổ đời.([4])
– Thân cá chậu khôn bề lặn lội
Phận chim lồng khó nỗi nghinh ngang
Lỡ làng sanh phận hồng nhan
Cam bề dưới trướng trong màn tối tăm.([5])
2.2. So sánh
Thường đi đôi với
phương pháp ẩn dụ, dùng để so sánh sự vật này với sự vật khác. Ví dụ:
– Tánh thì thiện như trăng tỏ rạng
Tánh ấy là Thiên mạng ban cho
Tánh đâu lại có vạy vò
Tánh lành thông suốt rán mò kiếm ra.
(...)
Tánh như nước chảy dài là thiện
Tánh luyện đào phát triển tinh vi
Tánh là cách vật trí tri
Người người cần phải gắn ghi trau giồi.([6])
– Phận nữ phái đành thân bồ liễu
Nỗi thấp hèn ươn yếu lắm con
Văn minh sóng bủa đức mòn
Làm cho phụ nữ chẳng còn tinh hoa.([7])
– Đời con nay mực mai son
Đời con làm hại cho con mấy lần
Đời con như cuộc phù vân
Đời con như thế con cần hiểu chăng? ([8])
2.3. Hoán dụ
Dùng tên gọi của sự
vật này để chỉ sự vật khác. Ví dụ:
– Rồi đây nội bộ chia ba
Rồi đây mới thấy phụng gà đua tranh
Khuyên nhau giữ một lòng lành
Ẩn tu đừng có đua tranh rầy rà.([9])
– Cầu cho được minh châu hiển hiện
Cầu cho nhau cải tiến tu hành
Cầu sao sống dưới phước lành
Giáo quyền đứng vững, môn sanh vững vàng.([10])
– Khéo ngon ngọt chuốt lời giả dối
Dọn hàng buôn tráo đổi đủ bề
Thói đời bán chó treo dê
Giấu đâu cho kín vụng về lòng tham.([11])
2.4. Ngoa dụ
Là cách diễn đạt
cường điệu, làm nổi bật một ý bằng từ hay câu có nghĩa mạnh hơn nhiều. Ví dụ:
– Tội con như lá trong rừng
Mẹ thương cũng khó để lòng chở che.([12])
– Các con ôi! Thời kỳ khảo đảo
Nào văn minh đại náo biên thùy
Nạn đời khổ khắc lâm nguy
Bình Dương huyết úng, nhục bì rã tan.([13])
– Nhứt là nhơn dục tham sân
Ái tình cháy dậy rần rần biết bao
Sắc như sóng dậy ba đào
Chụp thuyền qua lại, anh hào vùi chôn. ([14])
2.5. Nghịch lý
Diễn tả với những yếu
tố trái ngược nhau. Ví dụ:
– Người tu giả dại giả câm
Giả đui giả điếc lo tầm Đạo cao.([15])
– Làm như dốt nát dại khờ
Đừng cho kẻ thế rằng ngờ mình tu.([16])
2.6. Điệp ngữ
Lặp đi, lặp lại
nhiều lần một từ, một cụm từ để tăng hiệu quả diễn đạt (có thể là để nhấn mạnh).
Ví dụ:
– Hỡi than ôi! Dân dân nước nước
Hỡi than ôi! Tước tước quyền quyền
Nỗi động địa, nỗi kinh thiên
Nhơn sanh ra đỗi, Thần Tiên giáng trần.([17])
– Sang hạ cảnh trời thêm nóng nảy
Xuân này xuân, xuân hãy mua vui
Xuân sang vật thảy đổi đời
Xuân chào Thánh Đạo ra đời Kỳ Ba.
Xuân tươi tốt, xuân đà đẹp đẽ
Xuân mở mang, xuân vẻ vang thay
Xuân đêm cũng sáng như ngày
Xuân trời cao vọi, đất dày tăm tăm.
Xuân vừa đến, hỏi thăm xuân thử
Xuân vừa qua, hỏi thử xuân gì?
Xuân nầy, xuân ở hay đi
Xuân ơi, xuân có ghét gì ai không?
Xuân là xuân, xuân đồng Tạo Hóa
Xuân là xuân, xuân chả riêng ai
Xuân ơi, xuân vắn hay dài
Xuân ơi, xuân có biết ai đợi kìa? ([18])
II. Một số vấn đề thường gặp
1. Biến âm
Đổi cách đọc một từ
để đúng âm vận (vần). Ví dụ:
– Giáp nơi nơi phô trương quảng đại
Ất con còn mắc
phải tai nàn
Thanh, Từ trổ mặt
Quang, Quang
Hiệp Thiên sớt
gánh chia đàng Bắc Trung.([19])
Câu 2: Tai nạn biến âm thành tai nàn để vần với Quang.
– Giữa thời cuộc nước non hiu quạnh
Đời thanh niên khôn tránh khổ nàn
Học đường là bước gian nan
Phải cơn đau khổ thử gan anh hùng.([20])
Câu 2: Khổ nạn biến âm thành khổ nàn để vần với gian nan.
2. Đảo ngữ
Đảo ngữ (hoán tự) là
thay đổi vị trí của hai chữ (từ ghép) để phù hợp luật Bằng Trắc hay hợp vận (ăn
vần) theo luật thơ. Ví dụ:
– Xuân, hạ qua, thu tàn lạnh tẻ
Năm tháng rồi con trẻ làm chi?
Hay là con cứ mải đi
Mảng lo cầu cúng, không vì nhơn sanh.([21])
Câu 1: Tẻ lạnh đảo ngữ thành lạnh tẻ để vần với con trẻ.
– Lời vàng trò khá nghiệm suy
Hiểu trong một tý mới thì tường thông
Mong ngày đến Hội
Hoa Long
Là ngày thế giới
đại đồng đó thôi.
Câu 3: Long Hoa
đảo ngữ thành Hoa Long để
vần với tường thông và đại đồng.
– Trên thiên không treo hình ngọc thố
Vẹt sạch mây ánh lộ
huy hoàng
Sáng soi khắp cả
trần gian
Biết con ngồi thở
đứng than một mình.([22])
Câu 2: Lộ ánh đảo ngữ thành ánh lộ để vần với ngọc thố.
– Ngọc quý dành cho đứa có công
Hoàng Thiên thương xót đám trần hồng
Thượng thừa thiếu đức quyền chưa đạt
Đế Đạo còn trong cảnh sắc không.
Câu 2: Hồng trần đảo ngữ thành trần hồng để vần với có công và sắc không.
– Cuộc dâu bể nay dời mai đổi
Mảnh thân sanh bảy nổi ba chìm
Xoay vần trên cõi Phù Diêm
Thạnh
suy mấy lúc, cổ kim mấy lần.([23])
Câu 3: Diêm Phù đảo ngữ thành Phù Diêm để vần với ba chìm và cổ kim.
– Mẹ đã cạn lắm lời cùng trẻ
Con chẳng đành chẳng lẽ làm ngơ
Liễu bồ một mảnh yếu thơ
Gặp cơn phong võ bất ngờ sao đây? ([24])
Câu 3: Thơ song thất
lục bát đòi hỏi các thanh Bằng (B), Trắc (T) trong câu 3 (câu lục) phải là OB OT
OB; do đó, bồ liễu phải đảo ngữ thành
liễu bồ cho đúng luật thơ là OB.
(Chữ O tức là không bắt buộc phải B hay T.)
2. Điển tích (điển cố)
Nhắc tên cổ nhân hay
sự tích xưa. Ví dụ:
– Đưa nhơn loại lên đàng thoát khổ
Dắt đồng bào đến chỗ tự do
Nước trời cơm đất ấm no
Thiên bang vạn quốc diễn trò Thuấn Nghiêu.([25])
Câu 4: Thuấn Nghiêu là vua Thuấn và vua Nghiêu.
– Vì sao kẻ trí không tri
Vì sao bạn tác có Kỳ không Nha? ([26])
Câu 4: Kỳ, Nha là Tử Kỳ và Bá Nha.
– Đem đạo đức sửa lòng nhơn loại
Vững đức tin cứng cỏi như đồng
Chim còn ngậm đá lấp sông
Trên đường đạo đức dắt cùng nhau lên.([27])
Câu 3: Nhắc tích con gái Viêm Đế là Nữ Oa chết đuối ở biển Đông, hóa thành
chim Tinh Vệ, thường ngậm đá ở núi Tây ra lấp biển Đông.
3. Bớt chữ
Lược bớt một, hai
chữ cho đúng số chữ quy định trong câu theo luật thơ. Ví dụ:
– Phận sự làm trai thế đã đành
Oằn vai xốc gánh nợ quần sanh
Băng rừng vượt rú thân bao quản
Miễn dắt nhơn sanh khỏi nghiệt thành.([28])
Câu 4: Miễn không có nghĩa là tha cho, không
buộc phải làm (miễn thuế, miễn tội, miễn
lễ). Nếu viết đủ chữ, câu 4 là: Miễn sao (miễn là) dắt được
nhân sanh ra khỏi nghiệt thành.
– Xem bả lợi mồi danh trước án
Ngó văn minh mà cảm con thơ
Lẽ nào trẻ lại quá khờ
Xa đường đạo đức khổ chờ bên con.([29])
Câu 2 viết đủ chữ: Ngó văn minh mà thương cảm con
thơ.
– Ngày sắp đến, năm châu chết chết
Ngày sắp đây, hết hết không còn
Dầu cho đại địa, núi non
Cũng tiêu cũng đổ cũng mòn, lựa thân.([30])
Câu 4: Lựa không phải là chọn lựa. Nói đủ chữ thì lựa
thân có nghĩa lựa là (lọ là, huống chi là) thân thể xác thịt.
III. Trình tự đọc để hiểu một bài thánh thi
1. Hiểu ý chánh bài thánh thi
Thông thường một bài
thánh thi có một ý chánh và có thể có một hoặc vài ý phụ để tô điểm cho bài thơ
nhưng mục đích vẫn là minh họa cho ý chánh. Chẳng hạn, trong bài thơ bốn câu, câu
đầu thường là tả tình, tả cảnh; hai câu giữa diễn tả chi tiết, sự việc; câu
cuối là kết lại ý chính. Ví dụ:
– Canh tàn giờ lụn mãi thì thôi
Liệu bảy lo ba cũng chửa rồi
Lo nỗi nhà xiêu, tường cột ngã
Gánh gồng nhiệm vụ đó ai ôi! ([31])
– Ai từng mà đợi, đợi mà trông
Đợi mãi rồi ra luống bận lòng
Lòng sắt dạ son vì nghĩa vụ
Có người lo đạo mến đời không? ([32])
– Phận sự làm trai thế đã đành
Oằn vai xốc gánh nợ quần sanh
Băng rừng vượt rú thân bao quản
Miễn dắt nhơn sanh khỏi nghiệt thành.([33])
2. Giải nghĩa một số từ (chữ), cụm từ khó hiểu
Gặp bài thánh thi áp
dụng cùng một lúc nhiều thi pháp, nhiều điển tích, nhiều từ lạ hay từ khó, v.v... thì cần tìm hiểu xem câu thơ, đoạn thơ
đó diễn tả điều gì. Nếu gặp các câu lược bớt chữ cho đúng luật thơ, nhưng người
giảng giải không nhận ra thì sẽ giảng giải sai ý. Ví dụ:
– Xuân, hạ qua, thu tàn lạnh tẻ
Năm tháng rồi con trẻ làm chi?
Hay là con cứ mải đi
Mảng lo cầu cúng, không vì nhơn sanh.([34])
Câu 2: Đức Diêu Trì Kim
Mẫu gọi chung tất cả các con gái (nữ
nhi) già trẻ, lớn bé của Đức Mẹ là con
trẻ. Ba chữ năm tháng rồi không
có nghĩa là năm rồi, tháng rồi (năm cũ tháng cũ, thời gian quá khứ). Năm tháng
cũng không có nghĩa là năm lần ba mươi ngày. Câu 2 có lược bớt chữ; do đó, nên hiểu
là: Năm tháng (ngày tháng, thời gian) trôi qua rồi, các con trở nên già yếu thì
còn biết làm chi được nữa?
Câu 3: Chữ mải (dấu hỏi) tức là mải miết, nghĩa là ham mê việc gì đến
mức không thèm chú ý gì đến mọi thứ khác, bỏ bê tất cả những việc lẽ ra phải
làm. Ca dao có câu: Ban ngày còn mải
đi chơi / Tối lặn mặt trời đổ thóc vào rang. Đừng lầm với chữ mãi (dấu ngã) nghĩa là luôn luôn, không
dứt. Tục ngữ có câu: Miếng ngon nhớ lâu,
lời đau nhớ mãi.
Câu 4: Chữ mảng (dấu hỏi) nghĩa là mải mê. Ca dao có câu: Tay cầm bầu rượu nắm nem / Mảng vui
quên hết lời em dặn dò. Truyện Kiều có
câu: Mảng vui rượu sớm cờ trưa /
Đào đà phai thắm sen vừa nẩy xanh.
Đừng lầm với mãng (dấu ngã) như mũ mãng, mãng xà. Cũng đừng lầm với mãn là xong rồi, kết thúc (mãn
tang, mãn khóa); là thời hạn lâu dài, không xác định (mãn đời, mãn kiếp). Cho nên, gặp thánh thi hay thánh giáo chép sai
chánh tả mà người đọc không đủ kiến thức để nhận ra lỗi sai thì sẽ không hiểu câu
thơ hoặc giảng sai ý.
3. Tổng kết toàn bài thánh thi
Sau khi thực hiện
các bước trên đây, về cơ bản coi như nắm bắt được nội dung bài thánh thi. Nếu
có thể được, người giảng nên tóm tắt ý chánh (đại ý) toàn bài thánh thi. Ngoài
ra, cần lưu ý giải nghĩa thánh thi tùy theo khả năng tiếp thụ (cảm thụ) của đạo
hữu. Điều này rất quan trọng và tùy thuộc óc tinh tế, nhạy bén của người giảng
giải thánh thi. Tín hữu trong các họ đạo (nhất là khu
vực nông thôn, người bình dân ở thành thị...) thường có trình độ học vấn khác
nhau, mức độ tiếp thụ (cảm thụ) cũng khác nhau. Người giảng giải thánh thi cần
cân nhắc, linh động, liệu lượng sao cho phù hợp, để tín hữu ngồi nghe khỏi
chán.
Thái Lễ Sanh HUỲNH VĂN MƯỜI
(Họ đạo Nam Trung Hòa)