Thứ Hai, 9 tháng 5, 2022

SỰ THƯƠNG YÊU CỦA TÍN HỮU CAO ĐÀI

 


THAM LUN 4

SỰ THƯƠNG YÊU CỦA TÍN HỮU CAO ĐÀI

Lễ Sanh THÁI MƯỜI THANH

Thầy đến thế gian này bằng sự thương yêu. Thầy mở cơ tận độ Kỳ Ba nhằm cứu vớt vạn linh ra khỏi mê tân, khổ hải, đưa về lại ngôi xưa vị cũ. Thầy dạy:

“Than ôi! Chính mình Thầy đến khua chuông cảnh tỉnh, đánh trống giác mê, gay thuyền bát nhã, phất cờ quy nguyên, lấy câu nhẫn nại và tình thương mà làm hướng đạo để quy tụ các con đem về một mối.” ([1])

Thượng Đế là tình thương và sự sống. Tình thương là nguồn dinh dưỡng, là chất liệu để dưỡng nuôi sự sống, và sự sống là chồi nhánh, là hoa thơm quả ngọt được kết tinh từ sự thương yêu. Hai yếu tố này (tình thương và sự sống) hòa quyện cùng nhau, không tách rời. Mỗi một môn đệ của Đức Chí Tôn phải có sứ mạng mang hạt giống thương yêu này gieo rải khắp thế gian và mỗi người cũng là một chủng tử của Thượng Đế để rao truyền và thu hái kết quả như là phẩm vật khấu trình.

Sự yêu thương chính là thực hiện tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) của Phật gia.

Ý nghĩa và công năng của sự thương yêu được trình bày qua các đề mục sau đây:

1. Sự yêu thương tạo nên hòa ái

Hòa nhập với cộng đồng trên cơ sở bình đẳng về nhân phẩm mà không đánh mất bản sắc riêng, không tự cao, tự đại, không còn cái ta riêng tư.

Có hòa ái Giáo Hội mới vững mạnh. Đức Trường Sanh Phật Địa dạy:

Ngày xuân vui một chữ hòa

Có hòa mới vững nghiệp nhà dài lâu.([2])

Có hòa ái mới được siêu thăng cõi trời.

Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:

Chung nhau trọn giữ chữ hòa

Hòa rồi mới được vào ra cửa Trời.([3])

Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:

“Hôm nay Thầy đến cùng các con cũng phải nương cơ hòa hiệp mà đến, rồi giải cứu cho các con thoát khỏi tai kiếp mạt đời, thoát vòng sanh tử luân hồi; cũng phải lấy chữ hòa làm pháp môn tận độ. Các con muốn gần Thầy và có Thầy luôn luôn ngự đến là phải xây đắp một cơ sở lấy hòa hiệp mà dựng nên. Thầy ngự mãi ở chỗ hòa. Các con có hòa mới mong thành đạo.” ([4])

Hòa ái là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh.

Hòa là một món báu linh

Là chìa khóa mở Ngọc Kinh bước vào.([5])

– Hòa ái để rèn luyện tính cách con người theo chữ lễ trong Tứ Đại Điều Quy. Tân Luật (Đạo Pháp, Chương V, Điều Thứ Hai Mươi Hai) quy định:

“Lấy lễ hòa người. (...) Đối với trên, dưới đừng lờn dể. Trên dạy dưới lấy lễ. Dưới gián trên đừng thất khiêm cung. Trước mặt sau lưng, cũng đồng một bực, đừng kỉnh trước rồi khi sau. Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi mà xem không để lời hòa giải.” 

Thực hiện “lục hòa” ([6]) trong giáo lý Phật gia. Đức Bảo Thọ Thánh Nương dạy:

“Bản Nương khuyên chị em đã ở chung trong một nhà tu tất cả là bạn đồng tu với nhau, phải noi theo lục hòa mà ăn ở. Không nên có lòng chia rẽ có dạ riêng tư.” ([7])

2. Sự yêu thương tạo nên con người khoan dung, cảm thông, sẻ chia, tha thứ, và nhẫn nhịn

Sự khoan dung thể hiện tâm từ bi, là một đức tính quý báu của con người, là nguồn sức mạnh tiềm ẩn giúp con người vượt qua trở ngại của cuộc sống. Khi tâm hồn tĩnh lặng thì sẽ có chỗ cho sự khoan dung. Vì vậy biết chấp nhận sai sót của người khác là một nét văn hóa ứng xử cao cả, là một phẩm chất của con người.

Sự cảm thông và sẻ chia là biết rung cảm trước những vui buồn và san sẻ những trạng thái tình cảm, tâm hồn của người khác thì sẽ thấy hạnh phúc. Đó là kết tinh giá trị nhân văn cao quý. Tha thứ là chuyển đổi sự giận dữ và nỗi đau thành sự hàn gắn và yên bình, giúp con người vượt qua khủng hoảng, lo lắng, phẫn nộ và những mâu thuẫn khác.

Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy:

Lòng bác ái mau mau khích lệ

Thương yêu nhau cải tệ cho nhau

Không phân giai cấp nghèo giàu

Một Cha Tạo Hóa, một màu thiện lương.([8])

Thầy dạy:

“Thầy chẳng buổi nào chấp trách các con, bởi lòng thương yêu hơn chấp trách rầt nhiều.” ([9])

3. Sự yêu thương là thực hiện thuần chơn vô ngã

Ngã mạn là nguồn gốc của rẽ chia, ngăn cách; nó dẫn đến sự tan rã.

Đức Lý Thái Bạch dạy:

Nên cũng ta mà hỏng cũng ta

Chính ta là Phật, cũng là ma

Thử đem vứt cái ta đi quách

Thế sự lo chi chẳng thuận hòa.([10])

4. Sự thương yêu giúp người tu thanh cao, trong sạch, vị tha, giảm trừ phiền não

Nguyên nhân của sự phiền não là tham, sân, si. Khi con người có đủ tình thương, lòng từ bi bác ái luôn hiện diện, biết sẻ chia, hy sinh, không còn tranh đoạt hơn thua, hờn giận, một người vì mọi người, vô cố, vô cầu, vô dục thì tâm thanh tịnh; đấy chính là con đường đạo đức đi đến giải trừ phiền não.

Đức Lý Thái Bạch dạy:

“Đạo đức, đạo đức là phương thuốc tận thiện tận mỹ để làm cho phiền não trở ra bồ đề, đời khổ não trở nên hạnh phúc, thế giới bi quan trở nên lạc quan.” ([11])

5. Sự thương yêu chính là thực hiện tinh thần của hai mươi bốn điều Thế Luật (trong Tân Luật Cao Đài)

Thực hiện sự thương yêu cũng là tùng theo quyền pháp, vì quyền pháp chính là sự thương yêu. Tinh thần cốt lõi của hai mươi bốn điều Thế Luật là sự thương yêu. Đơn cử, Điều Thứ Nhứt chỉ rõ: “Hễ thọ giáo với một Thầy thì tỷ như con một Cha. Phải thương yêu nhau, liên lạc nhau, giúp đỡ nhau, lấy lòng thành thật mà đối đãi nhau, dìu dắt nhau trong đường đạo và đường đời.”

6. Sự thương yêu giúp con người phản tỉnh nội cầu

Phản tỉnh nội cầu là tìm kiếm chân lý đạo đức ở trong tâm mình, bởi vì đạo pháp chính ở trong tâm. Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:

Hễ một niệm khơi màu trần tục

Tham, sân, si giây phút dấy loàn

Đậy che một ánh linh quang

Che mờ chơn tánh lớp màn vô minh.([12])

Tạm kết, xin trích bài Sự Thương Yêu do Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy (trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển):

“Thầy là Cha Cả của sự thương yêu. Do bởi sự thương yêu mới tạo thành càn khôn thế giới, và sản sanh các con.

(…)

Sự thương yêu là giềng bảo sanh của càn khôn thế giới. Bởi thương yêu mà vạn loại hòa bình, càn khôn an tịnh. Đặng an tịnh mới không thù nghịch lẫn nhau. Không thù nghịch lẫn nhau mới không tàn hại lẫn nhau. Không tàn hại nhau mới giữ bền cơ sanh hóa.

(...)

Vậy Thầy cấm các con từ đây, ví không đủ sức thương yêu nhau thì cũng chẳng đặng phép ghét nhau. Nghe à!”

Lễ Sanh THÁI MƯỜI THANH

Họ đạo Nam Trung Hòa



([1]) Thánh tịnh Đại Thanh, ngày 24-7 Giáp Tuất (02-9-1934).

([2]) Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 01-01 Tân Sửu (15-02-1961).

([3]) Tịnh Đường, ngày 23-01 Ất Tỵ (24-02-1965).

([4]) Thánh thất Từ Quang, ngày 03-7 Ất Mùi (20-8-1955).

([5]) Đại Thừa Chơn Giáo, đàn 03-8 Bính Tý (1936), bài Hòa Hiệp.

([6]) Lục hòa là sáu nguyên tắc hòa hiệp của người tu học trong một tập thể, gồm: 1/ Thân hòa cộng trú (hòa hiệp trong sinh hoạt để sống chung với nhau); 2/ Khẩu hòa vô tranh (hòa hiệp trong lời nói để không tranh cãi); 3/ Ý hòa đồng sự (hòa hiệp trong tâm ý để hợp tác với nhau); 4/ Giới hòa đồng tu (hòa hiệp trong giới luật để cùng tu với nhau); 5/ Kiến hòa đồng giải (hòa hiệp trong khi trình bày ý kiến); 6/ Lợi hòa đồng quân (hòa hiệp trong sự chia đều lợi ích).

([7]) Tịnh Đường, ngày 23-12 Ất Tỵ (14-01-1966).

([8]) Thánh thất Trung An, ngày 18-4 Ất Mùi (08-6-1955).

([9]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 2, đàn 09-9 Bính Dần (15-10-1926).

([10]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, ngày 04-3 Quý Mão (28-3-1963).

([11]) Thánh thất Trung Thành, ngày 15-10 Canh Thìn (14-11-1940).

([12]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 13-8 Kỷ Mùi (03-10-1979).