Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019

HỌ, HỌ ĐẠO


HUỆ KHẢI
Phần đông đại chúng và ngay cả tín đồ Cao Đài thường hay nghĩ rằng đạo Cao Đài chủ yếu kết tinh, tổng hợp Tam Giáo (Nho, Lão, Phật). Thật ra, trong đạo Cao Đài còn có yếu tố đạo Chúa để hợp với Tam Giáo mà thành Tứ Giáo, một thuật ngữ xuất hiện kể từ khi có đạo Cao Đài; và thay vì nói theo truyền thống xa xưa là Tam Giáo đồng nguyên, thì đạo Cao Đài xác định rằng Tứ Giáo đồng nguyên nền tảng của giáo pháp Cao Đài.([1])
Yếu tố Tứ Giáo dễ dàng nhìn thấy qua ảnh thờ trên Thiên bàn của đạo Cao Đài, hay tấm diềm trước Thiên bàn ở một số thánh thất thuộc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh (xem hình 1 và 2); nhưng dường như yếu tố Tứ Giáo không dễ nhận thấy về mặt ngôn ngữ nếu không chú ý tìm hiểu và có đôi chút hiểu biết về đạo Chúa.


Trong chiều hướng khảo sát yếu tố Tứ Giáo về phương diện ngôn ngữ, bài viết này trình bày ý nghĩa hai thuật ngữ họ, họ đạo trong đạo Cao Đài vốn có nguồn gốc từ đạo Chúa. Bài viết này còn nhằm bổ di cho tập sách nhỏ của tôi nhan đề: Sơ Khảo Thuật Ngữ Đạo Chúa Trong Đạo Cao Đài / A Preliminary Survey of Some Christian Terms Used in Caodaism (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, tháng 01-2019, 104 trang.)
Để xác định hai thuật ngữ họ, họ đạo có nguồn gốc từ đạo Chúa, tôi trích dẫn năm quyển từ điển cổ xưa của ba học giả Công Giáo (J.M.J., Petrus Ký, và Paulus Của) và hai giáo sĩ Công Giáo (Vallot, và Génibrel) đã xuất bản trước khi đạo Cao Đài ra đời (1926) từ hai mươi năm (Génibrel 1906) tới ba mươi chín năm (với J.M.J. 1877).
(Xem hình 3a, 3b.)


Ngoài ra, tôi còn tham khảo hai quyển từ điển Công Giáo xuất bản gần đây. Để cho gọn, nhan đề bảy quyển từ điển này được viết tắt như sau (xếp theo thứ tự năm xuất bản):
J.M.J. 1877: Tự Vị An Nam – Pha Lang Sa / Dictionnaire annamite-français. Tân Định: Imprimerie de la Mission, 1877 (916 trang).
Petrus Ký 1884: Petrus Jean Baptiste Trương Vĩnh Ký, Petit dictionnaire français-annamite. Sài Gòn: Imprimerie de la Mission, à Tân Định, 1884 (1.192 trang).
Paulus Của 1895: Huình Tịnh Paulus Của, 大南國音字彙 / Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Tome I. Sài Gòn: Imprimerie Rey, Curiol & Cie, 1895 (608 trang).
Vallot 1904: P. G. [Pierre Gabriel] Vallot, Missionnaire au Tonkin, Petit Dictionnaire annamite-français, composé sur le plan des dictionnaires de l’Évèque d’Adran (éditions de Mgr. Tabert et de Mgr. Theurel) et à l’aide du dictionnaire franco-tonkinois. Hà Nội: Imprimeur-éditeur F.-H. Schneider, 1904, 2e édition (291 trang).
Génibrel 1906: J.-F.-M. Génibrel, Missionnaire apostolique, 南語釋西總約 / Nam Ngữ Thích Tây Tổng Ước / Petit Dictionnaire annamite-français. Sài Gòn: Imprimerie de la Mission, à Tân Định, 1906, 2e édition (812 trang).
TĐCG 2011: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Ban Từ Vựng Công Giáo), Từ Điển Công Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011 (536 trang).
TĐCG 2016: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Ban Từ Vựng Công Giáo), Từ Điển Công Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2016 (1.218 trang).
I. HAI THUẬT NGỮ HỌ, NGƯỜI LÀM ĐẦU TRONG HỌ ĐƯỢC DÙNG TRONG ĐẠO CAO ĐÀI TỪ KHI NÀO?
Hai thuật ngữ họ, và người làm đầu trong họ được dùng trong đạo Cao Đài kể từ đầu năm 1927, cùng với sự ra đời của Tân Luật. Luật này được hình thành tại thánh thất Từ Lâm với quá trình gồm mấy nét chánh tóm tắt như sau:
Hòa Thượng Như Nhãn tức Thích Từ Phong, thế danh Nguyễn Văn Tường (1864-1939), cho cất tại Gò Kén một ngôi chùa tên là Thiền Lâm Tự 禪林寺, theo giấy phép ngày Thứ Tư 15-7-1925 của chủ tỉnh Tây Ninh.([2]) Chùa Thiền Lâm hiện nay nằm bên quốc lộ 22B, ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách thành phố Tây Ninh khoảng 6 cây số (xem hình 4a).
Cuối tháng 8-1926, Hòa Thượng Như Nhãn đã bằng lòng cho các tiền khai Cao Đài mượn chùa Thiền Lâm (xây dựng chưa xong) để làm thánh thất Thiền Lâm, cũng gọi thánh thất Gò Kén.([3]) Ngày Thứ Tư 23-3-1927 chùa Thiền Lâm được trả lại cho Hòa Thượng Như Nhãn.([4])
Đêm Thứ Bảy 20-11-1926, trong đàn cơ tại chánh điện thánh thất Thiền Lâm (xem hình 5), Đức Chí Tôn (Cao Đài Thượng Đế) ban Pháp Chánh Truyền, quy định tám phẩm chức sắc Cửu Trùng Đài, từ phẩm cao nhất là Giáo Tông cho tới phẩm thứ tám là Lễ Sanh. Đêm sau, Đức Chí Tôn quy định về việc công cử chức sắc từ phẩm Lễ Sanh lên tới Giáo Tông.([5])


Dựa trên Pháp Chánh Truyền các tiền khai Cao Đài đã tiến hành soạn Tân Luật; các bản dự thảo được hình thành dần dần kể từ tháng 11-1926.([6])
Ngày Thứ Hai 07-3-1927, Tân Luật của đạo Cao Đài được Đức Chí Tôn phê chuẩn. Tân Luật được in lần đầu tiên tại nhà in Commerciale C. Ardin, Sài Gòn, 14 trang (15x24cm) và phát hành từ đầu tháng 6-1927 (xem hình 4b).([7])
Trong Tân Luật, có mười sáu lần dùng thuật ngữ họ. Cụ thể như sau:
* Phần Ðạo Pháp, Chương II, quy định:

1. Điều Thứ Chín (trích): Muốn xin nhập môn phải có hai người đạo đức tiến dẫn đến người làm đầu trong họ.
2. Điều Thứ Mười Một: Người làm đầu trong họ hay là chức sắc thay mặt cho mình phải đến làm lễ cúng khai đàn trấn thần an vị cho người mới vào Đạo.
* Phần Ðạo Pháp, Chương III, quy định:
3. Điều Thứ Mười Sáu: Nơi nào có đông tín đồ được chừng năm trăm người sấp lên, thì được lập riêng một họ, đặt riêng một thánh thất, có một chức sắc làm đầu cai trị.
4. Điều Thứ Mười Bảy: Sự lập họ phải có phép Đức Giáo Tông và phải do nơi quyền Người.
5-6. Điều Thứ Mười Tám: Bổn đạo trong họ phải tuân mạng lịnh của chức sắc làm đầu trong họ, nhứt nhứt phải do nơi người, chẳng đặng tự chuyên mà trái đạo.
7. Điều Thứ Hai Mươi Sáu: Trong bổn đạo ai có phạm luật pháp về mấy điều khoản nhẹ, thì về quyền người làm đầu trong họ phân xử (...).
8. Điều Thứ Hai Mươi Tám: Về đường đời bổn đạo có xích mích nhau, cũng phải đến cho người làm đầu trong họ phân giải.
9. Điều Thứ Hai: Nhập đạo rồi thì phải quên những việc oán thù nhau khi trước; phải tránh việc ganh ghét tranh đua và kiện cáo; phải nhẫn nhịn và hòa thuận với nhau. Rủi có điều chi xích mích, phải vui nghe người làm đầu trong họ phân giải.
10-11. Điều Thứ Mười Bốn: Trong bổn đạo xảy có người mãn phần quy vị thì chư tín đồ trong họ phải chung cùng đến giúp và chia buồn với tang chủ.
Mỗi họ cũng nên lập một nghĩa địa riêng.
12-13. Điều Thứ Mười Lăm: Người làm đầu trong họ, khi tang chủ mời, phải đến hiệp với chư tín đồ trong họ, làm lễ cầu siêu cho vong linh theo Tân Luật và đưa xác đến mộ phần.
14. Điều Thứ Mười Chín: Một người trong đạo gặp tai nạn thình lình, thì bổn đạo trong họ hãy tùy hỷ chung nhau, tư trợ cho qua lúc ngặt nghèo.
15. Điều Thứ Hai Mươi Hai: Người nào trong đạo phạm một hay nhiều điều răn cấm trên đây, thì mấy người khác trong bổn đạo hay biết phải khuyên giải. Nếu chẳng nghe, phải đến tỏ cho người làm đầu trong họ hay, cho người để lời khuyến dạy.
16. Điều Thứ Hai Mươi Bốn: Hội Công Đồng có Đầu Sư một phái làm đầu và hai chức sắc hai phái kia nghị sự phán đoán về hình trục xuất theo lời của người làm đầu trong họ xin.
Các trích dẫn trên cho thấy Tân Luật có mười một lần dùng thuật ngữ làm đầu trong họ.
Như vậy, khởi sự từ Tân Luật (1927), đạo Cao Đài dùng thuật ngữ họ để gọi một cộng đồng tín đồ ở cùng một địa phương và số lượng ít nhất là năm trăm người. Vị chức sắc chịu trách nhiệm trông coi một họ được gọi là người làm đầu trong họ.
II. Ý NGHĨA VÀ NGUỒN GỐC THUẬT NGỮ HỌ
1. Họ trong tiếng Việt có nghĩa là gia đình, dòng họ.
1.1. J.M.J. 1877 (tr. 327, mục từ họ) giải thích họ famille.
1.2. Paulus Của 1895 (tr. 424a,([8]) mục từ họ) giải thích một họ là: Đồng một dòng dõi, bởi một kiến [sic] mà ra.
Ghi chú: Kiếng ở trong Nam nói đủ là kiếng họ, tức là một cánh hay nhánh của một dòng họ; và phủ thờ là ngôi nhà thờ lớn dành thờ cúng, làm lễ giỗ cho cả một kiếng họ.
1.4. Génibrel 1906 (tr. 216, mục từ họ) giải thích họ famille.
2. Ý nghĩa họ gia đình, dòng họ, rất phù hợp với thuật ngữ họ dùng trong đạo Cao Đài. Theo nghĩa này, các tín đồ trong một họanh chị em trong một gia đình (2.1.); thánh thất trong họ là nhà chung của các tín đồ (2.2.); Giáo Chủ (Đức Cao Đài, Thầy) là Cha; Giáo Tông thay mặt Thầy lãnh đạo Hội Thánh là Anh Cả của hết thảy tín đồ (2.3.). Thật vậy:
2.1. Trong Tân Luật, phần Thế Luật, Điều Thứ Nhứt, quy định:
Hễ thọ giáo với một Thầy thì tỷ như con mt cha, phải thương yêu nhau; liên lạc nhau, giúp đỡ nhau lấy lòng thành thật mà đối đãi nhau, dìu dắt nhau trong đường đạo và đường đời.
2.2. Sau khi mượn được chùa Thiền Lâm tạm làm thánh thất, vào ngày Thứ Bảy 18-9-1926 Đức Ngọc Hoàng Thượng Ðế (tức Cao Đài Giáo Chủ, cũng là Thầy) dạy các môn đệ:
Các con, Thầy đã lập thành thánh thất; nơi ấy là nhà chung của các con.([9])
2.3. Trong Tân Luật, phần Đạo Pháp, Chương I, Điều Thứ Nhứt, quy định (trích):
Trên hết có một phẩm Giáo Tông là Anh Cả có quyền thay mặt cho Thầy mà dìu dắt cả tín đồ trong đường đạo và đường đời.
3. Thuật ngữ họ dùng trong đạo Cao Đài vốn là thuật ngữ đạo Chúa. Thật vậy:
3.1. Petrus Ký 1884 (tr. 378, mục từ chrétienté) giải thích:
Chrétienté: Chỗ (nơi, xứ) có đạo. Họ (có đạo).
L’église de la chrétienté de Chợ Quán: Nhà thờ họ Chợ Quán.
Fonder une chrétienté: Lập họ.
Chef d’une chrétienté: Ông trùm họ.
Les notables d’une chrétienté: Các chức họ.
3.2. Paulus Của 1895 (tr. 424a, mục từ họ) giải thích một họ còn có nghĩa là: Một hội giáo hữu ở một chỗ.
Giáo hữu là gì? Là tín đồ đạo Chúa. Do đó:
- Paulus Của 1895 (tr. 460a, mục từ hữu) giải thích giáo hữu là: Anh em trong đạo Thiên Chúa, tiếng kêu chung các người theo đạo Thiên Chúa.
- Génibrel 1906 (tr. 181, mục từ giáo) giải thích các giáo hữu là: Les fidèles [các tín đồ], les Catholiques [các tín đồ Công Giáo].
3.3. Vallot 1904 (tr. 115, cột 2, mục từ họ) giải thích họ còn có nghĩa thứ hai là: une chrétienté.
3.4. Génibrel 1906 (tr. 216, mục từ họ) giải thích họ còn có nghĩa là: une chrétienté.
III. HỌ BIẾN THÀNH HỌ ĐẠO
1. Ban sơ họ đạo là từ dùng để gọi các đô tùy phục vụ khiêng linh cữu trong đám tang. Thật vậy:
1.1. Paulus Của 1895 (tr. 424a, cột 1, mục từ họ) giải thích họ đạo là: Bọn lãnh việc đi khiêng quan cữu (đám ma).
Hai giải thích sau đây tương tự như Paulus Của:
1.2. J.M.J. 1877 (tr. 328, mục từ họ) giải thích họ đạo là: Compagnie du service funèbre; les croque-morts
1.3. Génibrel 1906 (tr. 217, mục từ họ) giải thích họ đạo là: Compagnie des pompes funèbres; les croque-morts.
Có lẽ vì thế mà thoạt đầu, đạo Chúa và đạo Cao Đài chưa dùng thuật ngữ họ đạo. Sau Génibrel mười một năm, báo Nam Kỳ Địa Phận (số 418, ra ngày 08-02-1917) khi viết về bà nhứt ([10]) nhà mồ côi Tân Định vẫn chỉ dùng họ. Mẩu tin trên báo ấy viết:
“(B)à đã có công trong họ lâu năm, là lo nuôi dưỡng con mồ côi, và lập trường dạy đồng nhi nam nữ, (…).” ([11])
2. Nhưng dần dần về sau thì họ được gọi là họ đạo, và người làm đầu trong họ được gọi là đầu họ đạo, hay nói gọn là đầu họ. Tôi chưa đủ điều kiện để xác định được sự thay đổi ấy bắt đầu có từ bao giờ.
Tuy nhiên, riêng trong đạo Cao Đài, vào ngày Thứ Năm 25-8-1938 (01-7 nhuần Mậu Dần), qua bộ phận thông công của Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên (Tòa Thánh Châu Minh, thánh tịnh Bạch Long Cung Hoàng, và thánh tịnh Đại Thanh),([12]) khi chú giải Tân Luật, Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch hai mươi lần dùng các thuật ngữ họ đạo, đầu họ, đầu họ đạo. Cụ thể như sau:
* Phần Đạo Pháp:
2.1. Chú giải Chương I, Điều Thứ Bảy (trích): Lễ Sanh được làm đầu họ đạo thánh thất.
2.2. Chú giải Chương II, Điều Thứ Mười (trích): Họ đạo dạy bảo người mới vào đạo và Ban Cai Quản đem tên vào bộ nhập môn.
2.3. Chú giải Chương III: Đây nói về việc lập họ, đặng chia trong mỗi đầu h giữ bao nhiêu tín đồ cho khỏi điều lộn xộn.
2.4. Chú giải Chương III, Điều Thứ Mười Sáu (trích): Trong thánh thất có một người chức sắc đầu h là Lễ Sanh vậy.
2.5. Chú giải Chương III, Điều Thứ Mười Tám (trích): Chư tín đồ trong họ mỗi việc gì can hệ với phần đạo phải cho người đầu h biết và do nơi người lấy luật đạo mà làm việc cùng tín đồ.
2.6. Chú giải Chương III, Điều Thứ Mười Chín (trích): (H)oặc [tín đồ có] việc gì phiền phức với đạo hay là biếng nhác không đi chầu lễ, chư chức sắc đầu họ phải đòi đến an ủi ba lần mới công bố.
2.7. Chú giải Chương VI, Điều Thứ Hai Mươi Ba (trích): Trường tiểu học nơi họ đạo tức thánh thất, (…).
2.8. Chú giải Chương VII, Điều Thứ Hai Mươi Sáu (trích): Đây nói về hàng tín đồ, nếu người nào phạm những điều tội nhẹ thì sẽ do nơi người đầu h phân xử (…).
2.9.-2.10. Chú giải Chương VII, Điều Thứ Hai Mươi Bảy (trích): Những tín đồ phạm tội nếu đầu h xử không nghe hay là tái phạm đến một lần, còn châm chế; ba lần thì đầu h phải đệ lên Tòa Công Đồng phán xét.
2.11. Chú giải Chương VII, Điều Thứ Hai Mươi Tám: Bổn đạo hoặc còn ở đường đời, ăn ở cùng nhau có điều chi xích mích phải đem đến cho người đầu h phân giải; không xong sẽ còn chỗ khác, chẳng đặng đem ra tòa đời.
* Phần Thế Luật:
2.12.-2.13. Chú giải Điều Thứ Bảy (trích): Trước chánh sính tám ngày, chủ hôn trai phải thưa với người đầu h mình biết, đặng xin phép cưới gả và yêu cầu vị đầu h dán tờ bố cáo nơi thánh thất mình và một tờ nơi thánh thất bên gái (…).
2.14. Chú giải Điều Thứ Mười Hai (trích): Đứa con nít từ một tháng trở lên, cha mẹ nó phải đem đến thánh thất sở tại mình mà thưa làm lễ tắm thánh, rồi thưa với người đầu h ghi tên vào sổ sanh (…).
2.15. Chú giải Thế Luật, Điều Thứ Mười Ba (trích): Con nít từ sáu tuổi đến mười hai tuổi thì cha mẹ phải đem đến trường học trong họ đạo mà học chữ hay học đạo, (…).
2.16.-2.17. Chú giải Điều Thứ Mười Tám (trích): Việc cầu siêu cho vong linh thì có cửu sơ, cửu chót, tiểu tường, và đại tường là lớn nhất, phải đến cầu nơi thánh thất thì người đầu họ phải cùng chư chức sắc đến làm lễ cầu siêu và dâng sớ cho người, song buộc rằng kẻ hiếu tử phải thưa trước cùng đầu h năm ngày (…).
2.18. Chú giải Điều Thứ Mười Chín (trích): Người trong họ đạo mà có gặp thủy tai, hỏa hoạn, gặp tai nạn thình lình, hoặc có người nào siêng năng, giỏi giắn mà lỡ vận thất thời thì trong bổn đạo giúp đỡ nhau lúc ngặt nghèo, (…).
2.19. Chú giải Điều Thứ Hai Mươi Hai (trích): Người trong đạo ai có lỗi thì phải khuyên lơn nhau, nếu nhiều lần mà không bỏ, tánh xấu vẫn còn thì người đầu h phải đòi đến mà khuyên dạy, (...).
2.20. Chú giải Điều Thứ Hai Mươi Bốn: Hội Công Đồng có Đầu Sư phái mình và hai chức sắc hai phái kia nghị án theo lời của người đầu h xin.
IV. THAY LỜI KẾT
Ngày nay trong đạo Cao Đài, thuật ngữ họ đạo hoàn toàn thay thế cho họ; và thuật ngữ đầu họ hay đầu họ đạo hoàn toàn thay thế cho người làm đầu trong họ.
Trong đạo Chúa, hai quyển TĐCG 2011 (tr. 141), TĐCG 2016 (tr. 353) đều có mục từ giáo xứ thay cho mục từ họ đạo. Tuy nhiên hiện nay lại thấy lắm khi họ đạogiáo xứ vẫn được dùng song song. Chẳng hạn:
- Ngày Thứ Ba 09-8-2016, website giáo xứ Tân Định có bài Đôi Nét Về Giáo Xứ Tân Định mở đầu như sau:
Hình thành năm 1861, là một trong các họ đạo đầu của địa phận Tây Đàng Trong, giáo xứ Tân Định có diện tích rộng lớn để xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ cho các sinh hoạt tôn giáo như: nhà xứ, sân nhà thờ, nhà in.([13])
- Hoặc bản tin ngày Thứ Bảy, 23-01-2016, giới thiệu về Tờ Tin 421 của giáo xứ Tân Định, website Tổng Giáo Phận TpHCM mở đầu như sau:
Tờ tin giáo xứ Tân Định phát hành để gửi đến các hộ gia đình lương và giáo thuộc họ đạo Tân Định cũng như cho mọi khách vãng lai tham dự thánh lễ Chúa Nhật tại nhà thờ giáo xứ.([14])
Một bạn văn Kitô hữu thân thiết với tôi nhiều năm nay (làm việc ở báo Công Giáo Và Dân Tộc) nói rằng theo trải nghiệm của anh, nhiều người Công Giáo vẫn thích nói họ đạo hơn giáo xứ bởi lẽ chữ họ gợi lên ý nghĩa gia đình, dòng họ, và nghe ra chiều thân mật, có nét gần gũi giữa những người đồng đạo cùng chung đức tin.
Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn mình, vì như đã trình bày trên đây, hai chữ họ đạo trong Cao Đài hàm chứa ý nghĩa anh chị em có một nhà chung (là thánh thất), có một đấng Cha chung (là Thầy, Thượng Đế), có chung một người Anh Cả (là Giáo Tông).
Huệ Khải
Nhiêu Lộc, 21-01-2019



([1]) Phạm Văn Liêm, Sự Nghiệp Trung Hưng. Hà Nội: Nxb Hồng Đức 2018, tr. 251-252.
([2]) Huệ Nhẫn, Lịch Sử Đạo Cao Đài. Quyển I. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2005, tr. 439, chú thích 271.
([3]) Huệ Khải, Lược Sử Đạo Cao Đài: Khai Minh Đại Đạo 1926 / A Concise Caodai History: the 1926 Inauguration. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2015, tr. 21.
([4]) Huệ Khải, Lược Sử Đạo Cao Đài: Khai Minh Đại Đạo 1926, tr. 48.
([5]) Huệ Khải, Lược Sử Đạo Cao Đài: Khai Minh Đại Đạo 1926, tr. 32.
([6]) Huệ Khải, Lược Sử Đạo Cao Đài: Khai Minh Đại Đạo 1926, tr. 34.
([7]) Huệ Khải, Lược Sử Đạo Cao Đài: Khai Minh Đại Đạo 1926, tr. 38.
([8]) Khi trang sách chia làm hai cột, cột 1 gọi là a, cột 2 gọi là b.
([9]) Tòa Thánh Tây Ninh, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Bổn Thứ Nhứt. Sài Gòn: Imprimerie Tam Thanh, 1928, tr. 38.
([10]) bà nhứt: Nữ tu (sœur) đứng đầu một dòng tu nữ.
([11]) Trần Nhật Vy, Tuồng Joseph in trên tuần san Công Giáo Và Dân Tộc, Xuân Kỷ Hợi 2019, tr. 51.
([12]) Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển - Pháp Chánh Truyền - Tân Luật. Đà Nẵng: Xí nghiệp in quốc doanh Quảng Nam, tháng 02-1996, tr. 301.
([13]) https://www.giaoxutandinh.net/2016/08/09/doi-net-ve-giao-xu-tan-dinh/
([14]) http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20160123/33805