(Hà Nội: Nxb Hồng Đức, tháng 02-2020, in 1.200 bản.)
VẦY DUYÊN
Sao lại là Vầy Duyên?
Duyên đây là duyên thơ, duyên đời, duyên
đạo. Vầy duyên là tạo sự sum họp, quây quần nhau trong đoàn tụ, chung cùng
duyên đời, duyên đạo, duyên thơ.
Tôi, Phạm Văn Liêm, quê ở Bình Định;
Nguyễn Quốc Huân quê Quảng Nam; cùng lưu lạc vào sinh sống ở Bà Rịa – Vũng Tàu,
và là huynh đệ đồng đạo Cao Đài. Thân sinh của Quốc Huân là cụ Nguyễn Quốc Tín,
người làng Đại Bình, Quảng Nam .
Cụ là chức sắc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài; tôi đã từng sinh hoạt tu học cùng
cụ tại Trung Hưng Bửu Tòa ở Đà Nẵng.
Tôi biết Quốc Huân khi tình cờ đọc bài
thơ Về Mỹ Sơn đăng trong tạp chí Văn Nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu số 83 (tháng
10-2006) với bút danh Nguyễn Đại Bường. Đại Bường tức Đại Bình, tên làng quê
Quế Sơn, Quảng Nam. Làng này có khu vườn nhà cụ Quốc Tín nổi tiếng một thời
nhiều cây trái sum sê thạnh mậu.
Tôi đã cố tình tìm gặp Đại Bường (Quốc
Huân) để vầy duyên thơ, duyên đạo, đồng thời đưa duyên với Dũ Lan (Huệ Khải) ─
người hoài bão gầy dựng con đường văn học Cao Đài, và vui làm sao, nay đã quần
tụ được vần điệu của những “nòi tình” nhà đạo Trung Hưng: Trần Dã Sơn, Huỳnh
Văn Mười, Nguyễn Quốc Huân…
Năm đó, buổi sơ giao Quốc Huân tặng tôi
tập thơ đầu tay Người Trồng Cỏ Bên Đường
(Nxb Hội Nhà Văn, 2007) để rồi “ngọn cỏ
từng ngày lên non xanh” trên mảnh vườn văn Đại Đạo, tức Đạo Uyển hiện giờ.
Và hôm nay, Quốc Huân (Đại Bường) trao
tôi bản thảo tập thơ Viết Trước Hiên Nhà,
nhờ viết mấy lời.
Vui rất nhiều và rung cảm rất nhiều khi
được ngâm ngợi những dòng tình của Quốc Huân. Đây là thứ tình lòng trong cuộc
nhân sinh được nhả ra bằng ngôn vần ngữ điệu.
Trước tiên tôi lật tìm bài thơ chủ của
thi phẩm Viết Trước Hiên Nhà.
Tôi cảm nhận rằng người thơ đã rong chơi,
hay đã đó đây cho cuộc sống và rồi bây giờ:
Ừ
thôi, về trước hiên nhà
Nghe
mùa đông lá se qua lòng mình
Và ở đó:
Với
chum tương, với vại cà
Xếp
hàng đứng đợi mẹ ra vỗ về
. . .
Ừ thôi
lay giấc chiêm bao
Khẽ
khàng thưa gửi lên màu tóc mây
Đường
xa thênh nhẹ dạn dầy
Thì
như con nít mà ngây ngô rằng...
Rằng thế nào?
Rằng:
Áo cơm
mặc kệ hai màu tóc
Dâu bể nề chi mấy hướng trời
Bến cũ yên bình khe khẽ gọi
Cùng quê thắp lại nắng xuân
tươi.
Trước hiên nhà, nằm trên cánh võng, đung
đưa lên tiếng hát với tuổi sáu mươi:
Tự
nhiên, bỗng tuổi sáu mươi
Trẻ
thì hết trẻ, chỉ... hơi hơi già
. . .
Áo cơm
mấy bận cơ cầu
Loáng
một cái, thấy bể dâu cũng thường
. . .
Tóc
sương càng nhuốm tuổi đời
Càng
thương cái thuở quần đùi tắm mưa.
Dấu chân và hồn thơ đời đạo Quốc Huân đã
in đậm trên từng lối non sông đất nước, qua từng tháng năm, qua từng trạng
huống.
Vốn người “đồng khí” với nhau, nên đọc
thơ Quốc Huân, sự “tương cầu” khiến “Chợt
nghe hơi ấm từ ai sang mình”. Thứ hơi ấm của tình Hưng Đức, chan hòa màu áo
trắng:
Tháng
Sáu nầy anh có về Hưng Đức
Mùa
Hạnh Đường lộc nõn đã lên xanh
Nắng
Đà Nẵng trắng ươm tình áo trắng
Bửu
Tòa rung chuông gọi đã ngân vang
Thứ tình thiêng Chơn Nhơn với từng ngọn
cỏ mềm ươm vào tình đất lành linh khí:
Đất
lành nhuộm máu tim hồng
Hòa chan mây trắng ung dung
bốn mùa
Còn nghe hơi thở người xưa
Tay châu, tay sách như vừa đâu
đây
Còn nghe danh niệm Cao Đài
Vượt
qua sinh tử, tháng ngày, nước non
Thứ tình từ ái cõi Âm Quang chảy về giữa
mùa trăng tháng Tám:
Con về
lại giữa vầng trăng tháng Tám
Vành
vạnh soi dâu bể bước đăng trình
Vòng
tay Mẹ bao dung và vô hạn
Vỗ về
con trong chuyển kiếp hóa sinh
. . .
Mẹ
trong con để con là như Mẹ
Duyên
thiên từng mầm lá mãi xanh non
Thứ tình trong lời ru của mẹ thế gian:
Lần
theo câu hát à ơi
Con tìm về với quãng đời mẹ ru
. . .
Dòng
sữa mẹ vẫn ngọt ngào
Băng qua đất cỗi ngấm vào đời
con
. . .
Lời ru
không tuổi không tên
Đã
thành sợi tóc bồng bềnh trắng mây
Đến tình tưởng vọng ngọn sóng về nguyên:
Mây
vẫn trôi soi ngọn sóng Tiền
Thong
dong rồng đã trẩy về nguyên
. . .
Mắt
Trời năm ấy còn minh chiếu
Hằng
tại nhất tâm chấp bút Tiên
Và nhiều tình lắm, tình Bữa (bữa nọ, bữa
nay, bữa sau):
Bữa nọ
dật dờ chơi đếm lá
. . .
Bữa
nay oải quá không chơi nữa
. . .
Bữa
sau còn có thu qua đó
Xin
hãy theo về đêm tĩnh yên
Cơn mơ
trải giấc dài năm tháng
Có
tiếng reo xa vạt lá mềm
Tình Cái Lu:
Tự
nhiên ngồi nhớ cái lu
Mùa
đông hứng nước, mùa thu đựng đường
Mùa
xuân để mẹ ủ tương
Mùa hạ
để chị giú buồng chuối xanh
Tình Hoa, tình Cảnh:
Mải mơ
níu giữ màu hoa cũ
Tím
nhuộm khoảng trời nay vắng tênh
Và rất đậm với tình quê hương đất Quảng,
xứ sở của những bước chân sứ vụ Cao Đài đã nằm gai nếm mật thuở đưa Đạo về
Trung:
Một
sớm dậy bồi hồi trông dáng núi
Thấy
mây bay thơ thẩn rất vô tình
Và ta
nữa cũng vô tình tự hỏi
Buồn
vui chi sỏi đá cứ làm thinh
. . .
Nơi ấy
núi đồi yên giấc ngủ
Mùa
xuân êm ả một Thu Bồn
Bàn
chân người trước còn in dấu
Tí,
Sé, Dùi Chiêng hoa cỏ thơm
Đọc hết tập thơ, dòng tình mượt mà vần
điệu của Quốc Huân đã chảy vào trong tôi thật thơm ngọt. Tôi xin trân trọng ghi
mấy lời thâm cảm trao đến quý thiện hữu đồng hội đồng thuyền để cùng nhau vầy
duyên tao ngộ.
Tịnh thất Thanh Châu
Bà
Rịa – Vũng Tàu
Ngày
Đông Chí Kỷ Hợi (2019)
Thượng Giáo Sư PHẠM VĂN LIÊM
Phó
Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế
Hội
Thánh Truyền Giáo Cao Đài