Bạn trao vào tay tôi hiệp tuyển Thơ Người Áo Trắng.[1] Tên thơ giản dị, bìa cũng thật khiêm tốn, chỉ vài nhành cây mảnh mai điểm những đọt non be bé đơn sơ. Thoạt trông, lòng đã có cảm giác nhẹ nhàng.
Buổi sáng hơi se lạnh, tôi nhẩn nha nhắp ngụm cà phê nóng, ngắm dòng kênh xa xa còn phủ chút mù sương, nhìn những dòng xe cứ lần lượt ào tới rồi lướt đi trước mắt, âm thanh mỗi lúc một hối hả ồn ào hơn. Chung quanh tôi là một không gian động, rất động, nhưng tập thơ của những người áo trắng lại mang đến cho tôi cảm giác tĩnh lặng đến lạ thường.
Có thể mỗi người có một cách riêng để thưởng thức thơ. Phần tôi, không mong tìm những câu thơ “tân kỳ”, những cấu trúc lạ (có khi chúng chỉ làm tôi thêm hoang mang về trình độ thưởng thức thơ của mình!), tôi chỉ đi tìm điều ẩn chứa sau những câu những chữ của bài thơ, tôi tìm hồn thơ! Và tôi đã gặp được những hồn thơ tưởng chừng rất quen, như đã từng nhiều lần chạm mặt thuở còn thong thả đạp xe trên những con đường thênh thang chưa thấy mấy ai vội vã.
Lạ sao giữa xã hội náo động hôm nay lại có những câu thơ rất đỗi thong dong “trăng đèn, gió quạt…, trà nhắp, thơ ngâm…”; hóa ra sự thong dong phát xuất từ một hồn thơ đã trải nghiệm đủ để nhận ra hư thực của đời sống:
Có có không không tuồng thế sự
Thua thua được được chuyện trần gian.
(Chữ Nhàn – Đạt Đức)
Không chấp vào tuồng thế sự, chuyện trần gian nên có nhà thơ xem đời nhẹ tựa cơn gió thoảng:
Tay không ta đến giữa đời
Buồn vui, mất được, khóc cười… hư không
Một mai cánh gió phiêu bồng
Tay không ta lại thong dong trở về.
(Thuyền Thơ Lục Bát – Kim Anh).
Nhưng không phải ai cũng có được cái tâm an ấy ngay từ buổi đầu tiên nên người đọc vẫn tìm thấy những vần thơ đầy băn khoăn dằn vặt trước khi tìm được đường về với đạo:
Gối tay ngủ dưới bầu trời
Đất buồn đất trách: Lòng người đa đoan
Trái oan chồng chất trái oan
Đã không chịu trả còn toan xuống đò.
(Giữa Cõi Thực Hư – Trần Dã Sơn)
Trót vương vào lối trần tù
Sợi thê sợi tử rối mù quấn quanh
Tại mình, nào trách Cao Xanh
Bình tâm ngồi gỡ mối manh buộc ràng.
(Một Thoáng Bụi Phàm – Huyền Chơn)
Chưa rảnh rỗi ta vẫn về tự hỏi
Ta là ai trong vạn kiếp phù sinh?
Đường thiên lý loanh quanh chùn chân bước
Phút tâm an ta chợt gặp chính mình…
(Hỏi – Nguyễn Quốc Huân)
Có ung dung tự tại, có khắc khoải giằng co, nhưng trên hết vẫn là cái hồn đạo trong thơ, khiến cho Thơ Người Áo Trắng mang một nét đặc trưng riêng, từ ái, nhẹ nhàng của những hồn thơ thấm đạo, như tác giả Huệ Khải đã “nghiệm ra”, đạo không phải là điều gì xa vời cao siêu ở ngoài ta hay trên ta, đạo thấm đẫm trong ta để toát ra bằng hành vi cử chỉ nghĩ suy của người chơn đạo:
Từ độ người đi tôi nghiệm ra
Đạo không chi cả, chẳng gần xa
Nhưng trong cuộc sống người chơn đạo
Đạo hiện nên hình qua chính ta.
(Nhớ Bác Chơn Thiện Minh – Huệ Khải)
Cái “chơn đạo” ấy, người đọc nhìn thấy bàng bạc suốt những bài thơ trong hiệp tuyển dù không có lời kinh tiếng kệ đi kèm.
Chơn đạo là đây, những câu thơ dịu dàng đầy lòng từ ái:
Con xin như Mẹ
Thương con chim lạc đàn
Thương con nai ngơ ngác
Thương con hổ hung tàn
Con xin như Mẹ
Yêu cành liễu thướt tha
Yêu giọt sương trên lá
Yêu dòng suối chảy qua
…
(Giọt Tình Thương – Đơn Tâm)
là niềm mong ước thế giới đại đồng:
Chắp tay nguyện giữa thinh không
Từ bi hoa nở kết vòng yêu thương
Hẹn nhau chung một con đường
Đại đồng thế giới mười phương hòa bình.
(Tâm Ca Áo Trắng – Kim Anh)
là tâm rung cảm trước những phận người nhỏ nhoi:
Dòng người vẫn hàng ngày ngược xuôi hối hả
Có ai để ý bên đường
Một dáng ngồi chơ vơ nón lá
Chị nhuộm xanh mặt đất cho bầu trời trong hơn.
(Người Trồng Cỏ Bên Đường – Nguyễn Quốc Huân)
là cái tâm không phân biệt của người thấu lẽ Trời:
Tôi là cây cỏ
Người là hướng dương
Ai đâu thấu tỏ
Cỏ cũng như người.
(Không Đề – Cát Tường)
hay:
Không tâm không cảnh đâu trần cấu
Không ngã không nhân chẳng dị đồng.
(Chữ Không – Đạt Đức)
là ý niệm bình đẳng trong chuyến đò đời:
Không có vé hạng xoàng
Không có khoang hạng nhất
Sông rộng chung bờ xa tít
Bình đẳng thời gian
Bình đẳng nắng mưa.
(Qua Phà – Nguyễn Quốc Huân)
Ngay đến cả những câu thơ lãng mạn trong tuyển tập cũng mang theo đạo vị của người làm thơ.
Dịu dàng áo trắng chung chiêng
Em về thánh thất tịnh nhiên cõi lòng.
(Tâm Ca Áo Trắng – Kim Anh)
hay:
Chân mây nhuộm ánh hoàng hôn đỏ
Ai luyện lò cừ, ngún lửa thiêng?
(Chiều Vĩnh Nguyên – Hàn Ngọc)
Thử hỏi ngoài kẻ chơn tu, ai có thể nhìn thấy trong ánh hoàng hôn đỏ ngọn lửa thiêng của lò cừ?
Và rồi, đạo đã trở thành cứu cánh giúp người đạt đến tâm bằng an:
Tạ ơn Thầy âm thầm đưa con tới
Chiếc thuyền từ giữa bể khổ đầy vơi
Thân nghiệp chướng nếu không Thầy soi lối
Con làm sao thành thật biết ơn đời.
(Tạ Ơn – Huệ Khải)
Niệm đi ta niệm nhiều lần
Nghiệp duyên giũ sạch xa lần bến mê
Niệm đi niệm đến ngày về
Không còn oan trái não nề theo ta.
(Tịnh Niệm – Kim Liên)
Xuôi tay xác hóa thi ma
Ích gì ôm lấy cái ta muộn phiền
Chi bằng vun vén tâm điền
Gieo mầm từ huệ định yên thần hồn.
(Một Thoáng Bụi Phàm – Huyền Chơn)
Qua ghềnh thác vịn câu kinh
Qua năm tháng vịn công trình, công phu.
(Nơi Trọn Lành – Nguyễn Văn Sanh)
Ở về là lịnh Từ Bi
Ở lo quét dọn, về trì chân kinh.
(Dặn Lòng – Trần Dã Sơn)
Ngẫm lại, tâm đạo phát ra từ thơ đạo đã quý lại càng quý hơn trong thời đại đảo điên, lòng người dậy sóng, ít kẻ bình tâm phân biệt giác mê.
Tập thơ xếp lại, vẫn còn nghe lâng lâng thi vị lắng đọng êm ả của những ý thơ giàu cảm xúc đạo ngay giữa lòng đời. Người đọc như vừa được tưới gáo nước mát lành cho trôi tuột hết cái nắng bụi trần gian. Có phải nhờ vậy, nắng của buổi sáng nay như trong trẻo hơn, dịu dàng hơn mặc cho trên những con đường kia, nhiều người vẫn đang mướt mồ hôi bôn ba theo ảo vọng!
CAO KIM
30-12-2013
[1] Thơ Người Áo Trắng, hiệp tuyển. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013. Quyển 66-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Cao Kim (Sài Gòn)