Thứ Tư, 19 tháng 6, 2024

1. ĐỨC CAO HÓA ĐỘ CỨU MUÔN TRÙNG

 Chúng tôi kính mong quý đạo hữu, đạo tâm hoan hỷ đọc giúp bản thảo để chỉ cho chúng tôi các chỗ cần sửa chữa hay bổ túc. Chúng tôi vô cùng biết ơn. Khi phản hồi, để khỏi bị sót, kính đề nghị quý đạo hữu, đạo tâm dùng "Tin nhắn" của FB Dũng Lê hay gởi email về: daidaovanuyen@gmail.com.

1. ĐỨC CAO HÓA ĐỘ CỨU MUÔN TRÙNG

Kim Quang Minh Đài (Phù Cát, Bình Định)

Ngày 11-12 Ất Mùi (Thứ Hai 23-01-1956)

 THI

ĐẠI giác ([1]) năng tu,([2]) chuyển pháp luân ([3])

ĐỨC cao hóa độ ([4]) cứu muôn trùng ([5])

MINH tâm kiến tánh,([6]) chơn thường ([7]) tịch ([8])

CHIÊU tập ([9]) càn khôn ([10]) ngộ nhứt trung.([11])

Chào chư hiền đồ. Đại tịnh nghiêm đàn. Thành tâm thính pháp.

Nơi đây mới tiếp đón Bần Đạo lần đầu nên phần điển quang chưa hòa nhập để thành một khối viên minh ([12]) mà đạt cơ tận thức.([13])

THI

Mười phương ([14]) Tiên Phật xuống ta bà

Rảo ([15]) khắp càn khôn mở Hội Ba ([16])

Tỉnh giấc Nam Kha ([17]) cho thấy Đạo

Độ về cực lạc dự Long Hoa.

PHÚ

Long Hoa mở, độ toàn cơ tận diệt,

Cửa Đạo khai, giải quyết cuộc đời tàn.

Ai còn mơ chi cảnh tục, chưa tỉnh giấc mơ màng,

Không tỉnh ngộ, sớm lên đàng để kịp khoa tràng ([18]) vào tranh công lập vị.([19])

Đạo đức báu trọng thay mà sao người chưa biết quý?

Cứ lợi danh mà không nghĩ điều phải trái hầu ([20]) lập chí tu hành.

Cuộc trần gian tài sắc ([21]) là bả ([22]) hôi tanh,

Thoạt có thoạt không mà cứ xâu xé tranh giành, chết mê trong vũng khổ.

Thần Tiên thấy giả trò lừa phỉnh mà thương hại đời, hạt châu ([23]) chan đổ.

Buổi hạ nguơn, cơ tận diệt, đường giác ngộ sớm hồi đầu.([24])

Tỉnh giấc hòe ([25]) thì nhớ lại có gì đâu,

Nào được nào thua, diễn lại bầu tang thương, vân cẩu.([26])

Ớ nầy ai là chí, noi đường lành mà thoát vòng chiến đấu.

Sớm chiều lo công phu, công quả mà tìm thấu cõi thật đời đời.

Luyện bảo châu ([27]) để chế ngự dục vọng nơi người,

Diệt phiền não,([28]) phá vô minh để ta với Trời hòa chung một thể.

Luyện mãi mãi thì tâm thần phát tuệ,

Thông lẽ đời mà khế ứng máy huyền vi.

Ai là người quyết chí tu trì,

Sẵn pháp sẵn cơ,([29]) đường Đại Đạo lên đi, có Thần Tiên dẫn bước.

Chừ ([30]) ở thế phải lập tâm hành công tạo phước,

Lo sửa mình cho được, sám hối thường bằng cúng nước với quỳ nhang.

Lo độ mình thoát ra khỏi ảo vọng mơ màng,

Ra khỏi đám hý tràng,([31]) sớm toan y hành đạo pháp.

Việc giáo hóa có tài năng, thành tâm chung góp,

Hoặc nhà tu, trường học, trong phước thiện cầu duyên.([32])

Đó là xây các cấp thiêng liêng,

Phải sớm xa tục thế mà thọ truyền ([33]) cơ giải thoát.

Ở đời còn bước tới thì còn ngả nghiêng, lầm lạc,

Còn sa mê tạo chác, còn hình phạt mãi A Tỳ.([34])

Sao cho bằng sớm tỉnh ngộ quy y,

Thờ Thượng Đế vô vi, sống an bình trong lằn quang điển.

Sống chở che dưới bao điều thiện,

Được đỡ nâng theo đại nguyện bác ái, công bình.

Sống thư nhàn, chế luyện tâm linh,

Xa lục dục, thất tình thì thân hình nhẹ như không khí.

Thông được phép siêu hình thì chi hơn là thú vị.

Ngày nay tu để ngày mai thấy trong cõi lòng chung thủy nó vô hạn bao la.

Phép luyện châu mỗi bữa cần mẫn,([35]) thiết tha,([36])

Có luyện được mới xua quỷ đuổi ma đi khỏi ta: nó không còn quẩn quanh cám rủ.([37])

Luyện châu được thì tam huê quy tụ,([38])

Luyện châu rồi mới thú, sống trong tục mà Tiên.

Luyện châu rồi mới thấy trước kia mình là đứa khờ điên,

Say sắc đắm tài, sống không yên, giờ phút nào cũng khổ đau phiền não.

Châu luyện được thì mới rõ thông pháp đạo,

Luyện châu cần ([39]) thì cơ Tạo nắm vào tay.

Luyện để mình tỉnh táo đừng say,

Luyện để sống những ngày học tu không chướng ngại.

Luyện để mở ngũ quan ([40]) trông xem ngoài thế giới,

Thấy đau thương cho bác ái hiện lên mau.

Luyện châu là cái bước đầu,

Bước đầu làm được là cầu bước sang.

Giờ nầy Bần Đạo ghé đây giúp lời, trợ điển để các hiền đồ, ai là kẻ có tiền duyên ([41]) sớm lo hành đạo, thọ pháp, và nhất là việc tu hành lúc nầy phải theo một quy trình ([42]) của Hội Thánh mới thành đạo. Nghĩa là cả tịnh luyện, hành đạo.

Nơi Trung Tông năm tới phải kiện toàn bộ phận Hội Thánh. Về cơ giáo hóa, phải đào tạo một số người cốt cán ([43]) lãnh đạo, hành đạo. 

Các chức sắc, chức việc nói chung, một năm phải được bốn tháng hành đạo, bốn tháng học tập, bốn tháng tồn dưỡng tịnh luyện. Nên chi,([44]) Hội Thánh phải có một trường học luôn luôn đào tạo mới có người hướng đạo sau nầy, mới đủ bảo đảm chơn truyền đạo pháp, mới thông đường lối tận độ quy nguyên mà Hội Thánh cần cấp ([45]) xây dựng.

Đường lối ấy chia làm hai phần:

1. Phần thường xuyên: Có một chương trình với thời gian hai năm, thi ra giáo sĩ truyền đạo hoặc các phần chuyên môn.

2. Phần nữa là chương trình mười lăm ngày, bốn mươi lăm ngày, ba tháng cho các nhân viên hành chánh, giáo hóa vừa được lập công vừa học hỏi thêm yếu lý.([46])

Các hiền đồ gắng lên, và cố xây dựng Cơ Quan Phước Thiện để toàn đạo thực hiện tôn chỉ bác ái, công bình cũng như để cho đạo hữu ([47]) được lập công tu đức mà giải oan, tiêu nghiệp hầu nhẹ bước giải thoát mê đời.

Nếu đạo hữu không phát bồ đề tâm,([48]) không tu Bồ Tát hạnh ([49]) thì không sao thành quả mà thoát được trầm luân.([50]) Nên chi, kẻ lập công hành thiện nhiều là kẻ ấy có đủ cơ duyên đắc đạo, mà người khuyên bảo cho kẻ khác được giác ngộ cũng là cơ duyên để giải khổ, tăng trưởng sự giác ngộ của mình và đôi bên cùng được giải khổ.

Còn việc đạo sẽ dạy vào đàn xuân. Bây giờ còn hai đàn. Một là đàn truyền pháp có Di Đà dạy riêng. Nhưng xét ngày 16 chưa đủ các Giáo Hữu và Giáo Sư, nên phải định một ngày nào đó rồi cầu Người đến dạy, mà nhứt là Sơ ([51]) phải được dứt khoát công tác để lãnh pháp đặng hàm dưỡng tinh thần. Ngày ấy Hội Thánh giúp Sơ lo bồi bổ sức lực. Liên Hoa ([52]) thủ cơ đàn ấy phải thanh cao và đại tịnh.

Ngày 23 các giáo sĩ, các chức sắc sẽ hội về Đền Thánh để Trần Tổng Lý kiểm điểm công tác và đề đạt sự tiến hành. Liên Hoa phải tròn phận sự với cặp phò loan cho kịp ngày đi các tỉnh. 

Thôi, Bần Đạo ban ơn và sẽ bố thần vào châu.

Trấn rượu.

Lấy bông rải ba lần nơi các chuỗi châu và đưa chung để bố Thần. Mỗi lần rảy, đều dùng một rảy hay ba rảy mà không được hai rảy. 

Các chuỗi châu cũng chưa đúng theo đạo pháp, nhưng tạm thời luyện để có pháp tu vô úy ([53]) mà giao cảm cùng Thầy cho dễ, chớ ([54]) còn màu mè và chưa bảo đảm. Nó là pháp đời đời truyền thụ cho nhau, mà sau thời lập pháp làm chi có được. Vậy các hiền đồ phải biết giá trị của pháp mà tôn trọng cho lắm. Khi các hiền đồ chứng ngộ pháp đó mới thấy sự giá trị sẽ không chi bằng được.

Vậy Bần Đạo để lời khuyên các đạo hữu toàn Trung Tông hãy lo tu công lập hạnh. Có duyên lắm mới được ngộ ([55]) kỳ lập pháp dựng trung hưng.([56])

Bần Đạo ban ơn. 

*

([1]) đại giác : 1/ (Nghĩa thông thường) bậc hoàn toàn giác ngộ (như Phật). 2/ (Nghĩa trong bài) tỉnh ngộ nhiều; rất thức tỉnh; hiểu biết rằng cuộc đời là giả tạm, không còn mải mê theo đời.

([2]) năng tu 能修: Có thể tu hành.

([3]) chuyển pháp luân 轉法輪: Quay bánh xe pháp; hành thiền; sự mở Đạo, truyền dạy chánh pháp. Pháp luân là bánh xe pháp (tiếng Phạn: dharma-cakra); trong đó, “cakra” là bánh xe chiến xa của Ấn Độ thời xưa. Bánh xe chiến xa lăn nhanh tới thì có thể nghiền nát quân giặc. Truyền dạy chánh pháp giống như quay bánh xe chiến xa để diệt giặc vô minh (sự mê mờ, u tối) của chúng sanh, giúp chúng sanh giác ngộ.


([4]) hóa độ 化度: Dẫn dắt người khác tu hành.

([5]) muôn trùng: Vô số 無數.

([6]) minh tâm kiến tánh 明心見性: Sáng lòng (không còn bị phiền não che lấp) thì thấy được bổn tánh, tức là đắc đạo, thành Phật thành Tiên. Nhà Phật nói “kiến tánh thành Phật”見性成佛 (thấy tánh thành Phật).

([7]) chơn thường 真常: Vĩnh cửu chơn thực; bền vững thực thụ; lâu dài đích thực; trái nghĩa với vô thường 無常.

([8]) tịch : Không phiền não; vắng lặng.

([9]) chiêu tập 招集: Mời gọi quy tụ lại; kêu gọi tụ họp lại.

([10]) càn khôn 乾坤: Trời đất; vũ trụ; âm dương. Bên ngoài thân người là đại vũ trụ, có âm dương vận hành. Mảnh thân con người là tiểu vũ trụ, cũng có bộ máy âm dương vận hành, nhờ đó con người có thể tu hành đắc đạo.

([11]) ngộ nhứt trung 悟一中: Có lẽ là hiểu được cái lý “một trong tất cả, và tất cả trong một”.

([12]) viên minh 圓明: Hoàn toàn sáng suốt, sáng tỏ.

([13]) tận thức 盡識: Hiểu biết rất rộng.

([14]) mười phương (thập phương 十方): Gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, trên, dưới; nghĩa bóng là khắp nơi khắp xứ. Trong mười phương có vô số thế giới và cõi miền, được gọi là thập phương thế giới 十方世界, thập phương pháp giới 十方法界, thập phương tịnh độ 十方淨土, thập phương sát 十方剎 (sát là cõi miền). Các vị Tiên Phật và chúng sanh trong mười phương được gọi là thập phương Tiên Phật 十方仙佛, và thập phương chúng sanh 十方眾生.

([15]) rảo: Bước nhanh chân; bước lẹ làng.

([16]) Hội Ba: Kỳ Ba; Tam Kỳ 三期.

([17]) Nam Kha 南柯: Đời Đường (Trung Hoa), Thuần Vu Phần 淳于 say rượu, ngủ bên gốc cây hòe, và mộng thấy mình cưới công chúa nước Đại Hòe An 大槐安, làm quan coi quận Nam Kha. Vì đánh giặc thua trận, Vu Phần bị trị tội. Giật mình tỉnh dậy, Vu Phần thấy có tổ kiến trên cành hòe phía nam (nam kha: cành cây phía nam). Do tích này, văn học nói giấc Nam Kha, mộng Nam Kha (Nam Kha nhất mộng 南柯一梦) hay nói giấc hòe (hòe mộng 槐梦) để ám chỉ công danh, phú quý trên đời giống như giấc mộng, ngắn ngủi và không thật.

([18]) khoa tràng; khoa trường 科場: Trường thi, nơi tổ chức thi cử. Trong Kỳ Ba đại ân xá, thế gian là trường thi, và mỗi người tu là một thí sinh đang dự thi.

([19]) lập vị 立位: Tạo lập ngôi vị thiêng liêng trên cõi Trời.

([20]) hầu: Ngõ hầu; để mà; để.

([21]) tài sắc: Nói đủ là tửu, sắc, tài, khí 酒色財氣 (rượu, sắc dục, tiền bạc, và ma túy).

([22]) bả: Mồi độc để nhử (dụ) mà bắt lấy hay giết chết.

([23]) hạt châu: Giọt lệ; nước mắt.

([24]) hồi đầu 回頭: Quay đầu lại; tỉnh ngộ; thức tỉnh.

([25]) giấc hòe: Xem chú thích Nam Kha ở trước.

([26]) tang thương : Tức là tang điền [biến vi] thương hải [變為]蒼海 (ruộng dâu biến thành biển xanh); những sự thay đổi lớn lao ở đời. vân cẩu 雲狗: Tức là bạch vân thương cẩu 雲蒼狗 (mây trắng chó xanh). Mây trắng biến hình thành chó xanh; việc đời biến đổi khôn lường.

([27]) luyện bảo châu: Pháp môn luyện châu quý báu.

([28]) phiền não 煩惱: Những thứ làm cho tâm hồn rối loạn, buồn sầu, khổ não. Bất kỳ thứ gì tác động đến tâm hồn, làm trở ngại sự tu tập để đạt được tâm thanh tịnh hay sự giác ngộ đều là phiền não. Vì bị mê lầm (ảo tưởng hay huyễn tưởng) chi phối, vì muốn thỏa mãn ham muốn mà tâm hồn bị phiền não. Trái nghĩa với phiền não là thanh tịnh 清淨. Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán 大乘本生心地觀經 (quyển 7) nói tới bát vạn tứ thiên chư phiền não 八萬四千諸煩 (tám vạn bốn ngàn thứ phiền não). Suy ra, Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn để hóa giải tám vạn bốn ngàn thứ phiền não của chúng sanh.

([29]) : Cơ hội 機會; thi cơ 時機; dịp may; hoàn cảnh thun li.

([30]) chừ: Bây giờ; lúc này; nay.

([31]) hý tràng; hý trường 戲場: Rạp hát; cuộc đời; cõi nhân gian (vì trên đời có đủ tấn tuồng, giống như sân khấu một rạp hát).

([32]) cầu duyên 求緣: Tìm kiếm cơ hội, điều kiện thuận lợi.

([33]) thọ truyền 受傳: Thọ nhận sự truyền pháp (chỉ dạy pháp tu).

([34]) A Tỳ 阿毘: Cũng gọi là Vô Gián Địa Ngục 無間地獄. Đây là nơi tội nhân bị trừng phạt không hề gián đoạn và không có ngày được thoát khỏi tù.

([35]) cần mẫn 勤敏: Siêng năng, chăm chỉ.

([36]) thiết tha 切磋: Hết sức mong mỏi được đáp ứng; gắn bó.

([37]) cám rủ: Cám dỗ và rủ ren.

([38]) tam hoa; tam huê 三花[]: Là ngọc hoa (tinh), kim hoa (khí), cửu hoa (thần). Có câu: Tinh viết ngọc hoa, khí viết kim hoa, thần viết cửu hoa. 精曰玉華, 氣曰金華, 神曰九華. (Tinh gọi là ngọc hoa, khí gọi là kim hoa, thần gọi là cửu hoa.) tam huê quy tụ  三花歸聚: Tu luyện cho tinh, khí, thần tụ hết về Thượng Đơn Điền, tức là tam huê tụ đảnh 三花聚頂.

([39]) cần : Chuyên cần; siêng chăm.

([40]) ngũ quan 五官: Năm giác quan, gồm thị giác 視覺 (mắt), thính giác 聽覺 (tai), khứu giác 嗅覺 (mũi), vị giác 味覺 (lưỡi), và xúc giác 觸覺 (da); chúng giúp con người nhận biết bên ngoài, bằng cách nhìn, nghe, ngửi, nếm, và sờ mó.

([41]) tiền duyên 前緣: Duyên trước; điều kiện thuận lợi tích chứa do nghiệp lành từ các kiếp trước để tạo cơ hội hay hoàn cảnh tốt cho kiếp này.

([42]) quy trình 規程: Các bước phải tuân theo khi làm việc gì.

([43]) cốt cán: Nòng cốt; chủ chốt.

([44]) nên chi: Vì vậy; vì thế.

([45]) cần cấp 勤急: Cần kíp; gấp rút; không chậm trễ.

([46]) yếu lý 要理: Lý lẽ quan trọng.

([47]) đạo hữu 道友: Tín hữu 信友; tín đồ 信徒.

([48]) bồ đề tâm 菩提心: Tâm bồ đề; tâm đạo; tâm cầu mong thành Tiên thành Phật. Tâm bồ đề là ruộng tốt nuôi dưỡng hạt giống sinh ra Tiên Phật. Có phát tâm này thì mới ham tu hành. Tâm bồ đề là chỗ bắt đầu của thệ nguyện cầu đạo, tu hành.

([49]) Bồ Tát hạnh 菩薩行: 1/ Cũng gọi Bồ Tát đạo 菩薩道: Con đường tu tập của bậc Bồ Tát để thành Phật, đó là tự lợi lợi tha 自利利他 (làm lợi cho mình và cho người khác); vì thế, mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý niệm đều hướng về chúng sinh, vì lợi ích chúng sinh. 2/ Tu Bồ Tát hạnh cũng là tu lục độ ba la mật. Lục độ ba la mật 六度波羅蜜 gồm có: bố thí 布施, trì giới 持戒, nhẫn nhục 忍辱, tinh tấn 精進, thiền định 闡定, trí huệ 智慧.

([50]) trầm luân 沉淪: Chìm đắm. (Trầmluân đồng nghĩa.)

([51]) : Như Sơ Nguyễn Đán (1905-1958).

([52]) Liên Hoa: Đàm Thi (1913-1998), là đồng tử.

([53]) vô úy 無畏: Không sợ hãi. pháp tu vô úy: Lần chuỗi châu đọc kệ chú để không sợ tà tâm dấy động. [Phạm Văn Liêm chú]

([54]) chớ: Chứ. (Ơn Trên lưu ý rằng các chuỗi châu còn màu mè, và không bền chắc; lẽ ra không được chọn chuỗi như thế.)

([55]) ngộ : Gặp gỡ.

([56]) trung hưng 中興: Hồi phục lại; biến cải từ chỗ suy yếu, sứt mẻ trở thành vững mạnh, toàn vẹn.

 

Huệ Khải & Lê Anh Minh hiệp chú