Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

3. MINH TÂM KIẾN TÁNH THỊ CHƠN NHƯ

 

3. MINH TÂM KIẾN TÁNH THỊ CHƠN NHƯ

Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng)

Ngày 04-4 Bính Thân (Chủ Nhật 13-5-1956)

THI

NGÔ Đạo ([1]) thành công phát ([2]) đại từ ([3])

MINH tâm kiến tánh ([4]) thị ([5]) chơn như ([6])

CHIÊU nhiên,([7]) tự tại ([8]) du ([9]) thiên thượng ([10])

GIÁNG giáng thăng thăng lập đảnh lư.([11])

Bần Đạo chào chư hiền đệ. Bần Đạo miễn lễ.

Từ xưa nhẫn nay,([12]) chư Thánh Quân đại đức, chư hiền sĩ triết môn được thành công trên đường tu học, sáng danh hiển đạo, nhơn thế cảm đức phục thiện, hướng theo một mục đích lập chí tu thân, không ai ngoài pháp môn giải thoát.

Pháp môn nầy trước đây bị lu mờ, ít người hữu duyên thọ chứng vì cuộc đời mỗi ngày mỗi khác. Nhơn tâm vì đó đổi thay, chuộng danh lợi, xa nghĩa nhơn, gần sắc tài, quên đạo đức. Tâm ấy không còn, pháp ấy không hiện. Đạo ấy ẩn khuất vào trong hư vô thanh tịnh, nên không mấy ai được Đạo.

Ôi! Đấng Tạo Hóa đã ban cho mỗi người một tự tánh ([13]) hằng hữu,([14]) đủ đầy sự linh ứng, toàn năng,([15]) toàn thiện;([16]) người lại làm cho che khuất đi, ngày một đen tối vô minh, sống khổ sống đau, chịu cho tình ý, dục vọng lung lạc. Con người mãi giam hãm trong bốn bức tường,([17]) khó thoát ra biển mê, trầm luân ([18]) vô tận.

Bần Đạo thương xót không ngần,([19]) mong được hồng ân của Đấng Cha Lành bố điển quang ([20]) chuyển hóa cho cảnh đời, nhơn sanh mau hồi đầu ([21]) hướng thiện. Nhơn sanh đã triền miên trong bể dục, khốn khổ mãi chốn A Tỳ.([22]) Bởi vô minh, vì vô minh gây thành tội lỗi. Nhơn loại hôm nay sở dĩ thù ghét lẫn nhau, bốn phương khói lửa, tranh lấn chống báng nhau, tâm cảnh dị đồng,([23]) ý tình bất nhứt ([24]) cũng bởi vô minh, đã tạo nên một cuộc đời khốc liệt, tàn tạ. Nhưng chưa rồi, còn phải xương đắp máu tô, phe phái đã đành mà thảm thảm cho cái họa nồi da xáo thịt!([25])

Thế gian đã vậy, người trong thế gian là vậy. Nên Tam Kỳ Phổ Độ ra đời, không phải ngẫu nhiên mà là tiền định.([26]) Đã nói tiền định trong Thiên điều pháp luật là có Thiên thơ sứ mệnh độ đời.

Thầy đến Lần Ba ([27]) cùng nhơn sanh hòa sự sống, chan bủa tình thương yêu trong thế gian. Thầy đến cõi trần nầy thị hiện ([28]) một pháp thể bằng Thiên điều pháp luật; hình thành đủ cơ cấu trong Thánh hình; lập Hội Thánh, trao giáo quyền; lấy nhơn sanh, cứu nhơn sanh; mượn thế để giác thế.

Người đứng ra giác thế phải thế nào? Phải có đủ pháp đủ quyền. Người ấy tự giác. Có tự giác mới giác tha. Có được ân mới ban ân cho thiên hạ. Nên người có trách nhiệm trong Giáo Hội phải xả thân hành đạo. Xả thân không phải bỏ thân đi đâu. Không bỏ mà bỏ. Bỏ là bỏ cái thân phàm phu dục vọng.

Thân phàm phu còn bị tình cảm sai sử, bị ý thức câu thúc,([29]) bị ngũ quan điều động ([30]) mà hay vọng dục mống sanh,([31]) khiến cho lòng ghét thương, mừng giận. Lòng ấy là phàm, không giờ phút nào yên tịnh. Đã mất yên tịnh là mất công bình, minh chánh;([32]) linh năng,([33]) linh giác ([34]) bị lấp che. Không yên tịnh nên không được đón lấy điển quang, không tiếp thừa Thánh mạng. Lòng đã xao động, điên đảo thì huệ tâm đâu có, Thánh đức đâu nên.

Nên người Thiên phong phải nuôi lòng thanh tịnh. Có thanh tịnh thì trí tuệ viên thông,([35]) Thiên điều mới ngộ chứng.([36]) Lòng ấy làm cho ta an lạc vô cùng. Trước cảnh đời náo nhiệt ta như như bình đẳng, quán suốt càn khôn, không bị một chướng ngại lấp ngăn, không bị một vô minh che khuất.

Lòng ta tự do, thân ta yên ổn thì khí mãn thần đầy, tinh huyết trong người sung túc, trăm bịnh đều tiêu. Ngồi trước thế gian mà thấy những Bồng Lai hải đảo. Lưng ngay ngực thẳng, miệng ngậm tay xoa. Một hơi thở là một lần đưa chơn hồn dạo chơi khắp trong thế giới. Long thăng hổ giáng đưa rước từng giờ. Tứ Tổ chực chầu, khi đi khi ở.

Bần Đạo mong ước chư hiền luôn luôn làm được, tạo được thân Bồ Tát, diệt được thân phàm phu, kỉnh thiên hạ như kỉnh Trời, quên mình mà yên vui với Đạo.

Sơ,([37]) hiền coi đó mà nghiền ngẫm, suy luận để học đạo, hiểu đạo. Công việc tu hành trong thời kỳ nhập tịnh là thế. Hiền cần cầu nguyện mà làm cho được. Có được vậy chơn truyền mới mong sáng tỏ, đạo pháp mới được uy nghiêm. Việc khó khăn, hỏi đệ tử ta mà làm lần.

Bần Đạo chào và ban ơn.

*



([1]) Ngô Đạo 吾道: Đạo của Ta.

([2]) phát : Phát sinh; phát khởi.

([3]) đại từ 大慈: Lòng thương chúng sanh bao la.

([4]) minh tâm kiến tánh 明心見性: Sáng lòng (không còn bị dục vọng che lấp) thì thấy được bổn tánh, tức là đắc đạo, thành Phật thành Tiên. Nhà Phật nói là “kiến tánh thành Phật” 見性成佛 (thấy tánh thành Phật).

([5]) thị : Là. Bình thường tâm thị Đạo. 平常心是道. (Tâm bình thường là Đạo.)

([6]) chơn như 真如: Bản thể 本體 chơn thật tràn khắp vũ trụ; bản thể hay nguồn gốc của muôn vật và tất cả các pháp. (Chơn là thật, không hư dối; như là bất biến, không thay đổi.) Chơn như còn gọi là như như 如如, như thật (như thực) 如實, thật tướng (thực tướng) 實相, Như Lai tạng 如來藏, pháp thân 法身, Phật tánh , v.v...

([7]) chiêu nhiên 昭然: Minh minh bạch bạch 明明白白 (minh bạch; rõ ràng); hiển nhi dị kiến 顯而易見 (hiển nhiên dễ thấy).

([8]) tự tại 自在: Tự do; không bị ràng buộc (vì không còn bị phiền não, không còn bị lục dục, thất tình sai khiến).

([9]) du : Đi đó đi đây; đi từ nơi này sang nơi khác.

([10]) thiên thượng 天上: Ở trên trời cao. Chiêu nhiên, tự tại du thiên thượng: Đường hoàng, tự do đi lại trên cõi trời.

([11]) đảnh lư (đỉnh lô 鼎爐): Cái vạc và bếp lò. Việc tịnh luyện còn gọi là luyện đơn nấu thuốc; do đó mượn hình ảnh vạc và bếp để ám chỉ. Khi ngồi tịnh thì đầu là đảnh, bụng là lư. Lúc vận hành chu thiên thì Đơn Điền là lư, Nê Hoàn là đảnh.

([12]) nhẫn nay: Đến nay; tới nay.

([13]) tự tánh 自性: Bản tánh tự nhiên Trời ban, có sẵn trong mỗi người (cùng nghĩa với Thiên chân 天眞).

([14]) hằng hữu 恆有: Còn mãi còn hoài; bất diệt 不滅.

([15]) toàn năng 全能: Chẳng gì chẳng làm được.

([16]) toàn thiện 全善: Hoàn hảo tuyệt đối.

([17]) bốn bức tường: Bốn vách; tứ đổ, tứ đổ tường 四堵牆(). Có bốn thứ giam hãm con người trong ham muốn và nghiện ngập, khiến con người mất tự do, giống như bị nhốt trong bốn vách (đổtường đều có nghĩa là vách tường). Chúng là Tửu, sắc, tài, khí 酒色財氣, tức là rượu, sắc dục, tiền bạc, và ma túy.

([18]) trầm luân 沉淪: Chìm đắm. (Trầmluân đồng nghĩa.)

([19]) không ngần: Vô ngần; vô cùng; không giới hạn.

([20]) điển quang 電光: Thiên điển 天電; ánh sáng thiêng liêng của Thượng Đế.

([21]) hồi đầu 回頭: Quay đầu lại; tỉnh ngộ; thức tỉnh.

([22]) A Tỳ 阿毘: Cũng gọi là Vô Gián Địa Ngục 無間地獄, là nơi tội nhân bị trừng phạt không hề gián đoạn và không có ngày được thoát khỏi tù.

([23]) dị đồng 異同: 1/ Những chỗ khác nhau và những chỗ giống nhau. 2/ (Nghĩa trong bài) khác nhau.

([24]) bất nhứt 不一: Hay thay đổi; lúc thế này, khi thế khác; không đồng nhứt; trước sau không như một.

([25]) nồi da xáo thịt: Bì oa chử nhục 皮鍋煮肉; chử đậu nhiên ky 煮 豆燃萁 (nấu đậu bằng dây đậu; củi đậu nấu đậu); cốt nhục tương tàn 骨肉相殘 (ruột thịt tàn hại nhau).

([26]) tiền định 前定: Đã sắp đặt sẵn; được định trước.

([27]) Lần Ba: Tam Kỳ 三期; Kỳ Ba.

([28]) thị hiện 示現: Bày ra; hiện rõ cho mọi người thấy.

([29]) câu thúc 拘束: Trói buộc; bó buộc; gò bó; làm mất tự do.

([30]) điều động 調動: Sai khiến.

([31]) mống sanh: Phát sanh mầm mống; mọc mầm mọc mống.

([32]) minh chánh 明正: Trong sáng và ngay thẳng.

([33]) linh năng 靈能: Cũng như linh giác; trí tuệ thông minh sẵn có.

([34]) linh giác 靈覺: Tánh sáng suốt sẵn có ở mỗi người, nhờ đó mà có thể hiểu biết sâu xa.

([35]) viên thông 圓通: Thông suốt tất cả; thấu suốt trọn vẹn bản chất của vạn vật.

([36]) ngộ chứng: Chứng ngộ 證悟.

([37]) Như Sơ Nguyễn Đán (1905-1958).

HUỆ KHẢI chú thích