Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

2. NGÔ TÂM TỊNH ĐỊNH, ĐẠO TÂM KHAI

 

2. NGÔ TÂM TỊNH ĐỊNH, ĐẠO TÂM KHAI

Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng)

Ngày 23-01 Bính Thân (Thứ Hai 05-3-1956)

THI

NGÔ tâm ([1]) tịnh định, đạo tâm khai

MINH triết tọa vong ([2]) yểu yểu ([3]) đài ([4])

CHIÊU khách ([5]) nguyên căn ([6]) truyền thánh đức

GIÁNG long ([7]) phục hổ ([8]) luyện chơn thai.([9])

Bần Đạo chào chư môn đệ.

Bần Đạo đến giờ nầy để lời bí quyết ([10]) cho chư hiền đồ công phu học đạo hầu ([11]) rèn luyện con người trở thành một Chơn Tiên có đủ Thánh Linh ([12]) để ra độ đời cứu chúng trong ngày tới đây.

Ngày tới đây là một ngày đen tối. Nhơn loại sắp bước vào quãng đường âm u. Nếu những Thánh môn đệ tử ([13]) mà không có một thánh thể viên minh,([14]) một thánh tâm linh giác để làm ngọn đuốc đưa đường cho lúc ban đêm mờ mịt, nếu ta không được tâm ấy, thân ấy thì có khác gì kẻ kia cùng nhau u ám. Vậy nên người hướng đạo ([15]) ngay bây giờ phải hạ th([16]) công phu để rèn luyện cái tâm thể cho được thanh tịnh, thanh cao hầu tiếp lấy Thánh Linh, thông công ([17]) cùng vũ trụ.

Mà muốn có Thánh Linh, muốn thông công cơ Tạo Hóa thì phải tịnh dưỡng thường xuyên, diệt phiền trừ dục ([18]) mới giao tiếp cùng lằn điển vô trần ([19]) đương vận chuyển khắp bầu trời bao la vô tận. Nên chi,([20]) Thầy hằng khuyên nhắc mỗi đệ tử trong Thánh môn phải tự nâng mình được xứng đáng ngang với quyền pháp đã ban trao thì giá trị cao trọng mới được thế gian tôn kính.

Mà ai được quyền pháp xứng đáng kia? Chỉ có người trọn vẹn đầy đủ đức tin. Người có đức tin là người thời thường cầu nguyện, người đã không còn đặt mình vào nơi nào mà phải được Thầy chỉ định.

Nếu ta đứng chỗ đông người mà muốn cho mọi người trông thấy, nghe tiếng nói của ta thì không có ai trong đám thấy và nghe bao giờ? Vì vậy ta tìm chỗ vắng vẻ mà đến, mọi người được trông; nói trong đồng trống mà mọi người được nghe.

Tên ta bốn biển ca ngợi, vì ta là khâm sai ([21]) của Thầy. Ta hằng ca ngợi Thầy, niệm tưởng danh Thầy thì danh ta cũng được thế gian niệm tụng.

Nên người hướng đạo, hay là cả môn sinh, phải sống liền cùng Thượng Đế. Không một cành hoa nào tách rời thân cây mà còn tươi đẹp và kết quả, nên chư hiền đồ phải dính liền với Thượng Đế.([22])

Được Thượng Đế điều khiển mà không thối thác, không từ nan, không sợ khổ sợ nguy, và có chịu đựng được thì mình được cứu một cách xứng đáng. Nghĩa là uống được chén đau khổ ([23]) cho đời thì đời mới hết đau khổ, mà mình cũng không còn khổ đau.

Nếu kẻ nào lo cứu mình mà không nghĩ lo cứu đời thì kẻ ấy không khi nào được cứu. Vì là lòng ích kỷ nhỏ hẹp thì sự cứu rỗi không trông tới được, mà phải có lòng bác ái vô biên. Lòng ấy là tâm linh của vũ trụ.

Tâm linh ở đâu thì sự sống hằng có, và giống lành cũng do đấy mà nứt nở, nên phải có lòng ấy. Muốn có lòng ấy phải quên thân mình. Thân mình được quên thì thân Bồ Tát lại hiện. Muốn có tâm Bồ Tát phải làm bao nhiêu điều cần yếu:

1. Đức tin hồi hướng về Thượng Đế.

2. Ngôn ngữ, cử chỉ, hành động đều để cúng dường cho Thượng Đế.

3. Thân phận được hiến trọn cho quyền năng Thượng Đế.

4. Vô vọng, vô dục mà tiếp giao, liên kết cùng Thượng Đế.

BÀI

Cửa Trời mở chín tầng mây

Điển quang xán lạn Đông Tây ngập tràn.

Lần Ba ([24]) Thầy mở màn đạo pháp

Đem chúng sanh quy hợp một nhà

Bốn phương trong cõi ta bà

Hưởng cơ tận độ Long Hoa dự kỳ.

Muốn nên Tiên, vô vi thanh tịnh

Muốn về Thầy, nhứt lịnh tưởng tin

Muốn tha, sớm tối cầu xin

Muốn thành Bồ Tát, muôn nghìn công phu.

Đạo muốn thành phải tu tánh mạng

Luyện thân tâm để gạn Thánh phàm

Phàm tâm danh lợi còn tham

Sắc tài còn luyến sao làm được Tiên?

Tiên Phật không ưa quyền muốn tước

Tâm thương đời là phước trường sanh

Ngày mai Giáo Hội hoàn thành

Ngày nay phải có pháp lành được trao.

Trao cho người thanh cao Bồ Tát

Luyện thuốc lành cứu các nguyên căn

Bịnh đời trăm chứng khó khăn

Thuốc linh mới thể ([25]) trừ căn bịnh tình.

Vậy, Sơ ([26]) hiền đồ bắt đầu hạ thủ công phu bằng cách ngồi trong mật thất,([27]) để tâm hồi hướng về Thượng Đế mà diệt phiền trừ dục bằng tâm niệm danh hiệu Chí Tôn, lần phăng tràng hạt để quán tưởng,([28]) tâm thể duy nhứt.([29]) 

Giờ Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu ngồi bán già. Bàn chân trái gác chồng trên chân mặt. Hai bàn chân gác tréo nhau thành chữ thập . Hai tay ôm tròn hình quả đạo để ngay trước ngực. Mắt nhìn một ngọn đèn lu, phản chiếu lại nơi đơn điền. Lưng ngay, đầu thẳng. Tay chơn đánh nhịp cho theo danh hiệu, từng tiếng một. Hơi thở hít vào từ từ mà cho đi ngược về Côn Đảnh. Gót chân mặt ấn vào cửa Địa Quan (Tử Hộ) để cho luồng điển chạy tròn theo bánh pháp đừng tẩu lậu ra ngoại giới. Vì thế phải dùng cảm quan (tư tưởng) mà đưa đường cho âm dương giao hiệp. 

Vậy đợt đầu mười lăm ngày phải làm nhiêu đó. Có hiểu chưa? Các đợt khác sẽ liên tiếp dạy và truyền sau. Bắt đầu ngày nào vào nhập tịnh? 

[Sơ bạch: ...] 

Sẽ có Liên Hoa ([30]) chấp bút. 

[Sơ bạch: ...

Không đi. Toàn, Phủ, Huệ Linh, Huệ Thành làm việc theo thánh lịnh. Khi nào có lịnh phải về gấp. Cần mà phải đi thì sẽ cho Liên Hoa đến một địa điểm nào, bất cứ trong thời gian nào sẽ có lịnh cho nó. Lúc ở nhà chờ lịnh chuẩn bị đi Nam Việt ([31]) có nhiều sự cần yếu và lo giữ các cơ đàn thường kỳ và bất thường ở Bửu Tòa. 

[Sơ bạch: ...

Bảy ngày đầu không luyện mà tịnh liên miên. Trừ bữa ăn và giờ tắm bằng nước nóng sau giờ Mẹo, Dậu. Bữa ăn sau giờ tắm gội. 

[Sơ bạch: ...

Không thay đổi, nhưng phải dùng nhiều hoa quả và mỗi bữa sáng dậy dùng chè tàu vừa đậm thiệt nóng mà háp mắt,([32]) nhưng xa xa, cách năm phân tây. Ngủ nằm nghiêng bên phải theo hình ngọa thiền. Ngủ ngồi được tốt hơn, cho thủy hỏa giao tế. 

[Sơ bạch: ...

Cái đó sau ngày 05 tháng 02. Ngày 06 tháng 02 vào công phu phải có y pháp và theo tứ thời, không liên miên như đợt đầu. Có giờ nghỉ, giờ chơi, giờ đọc sách, cúng Thầy, tiếp khách, và du ngoạn gần gần ở đó. Thôi, nếu cần Bần Đạo sẽ truyền thần cho Liên Hoa hướng dẫn.

Hậu, Cư sắp xong sứ mạng vào Nam.

Trong lúc đi cũng như bắt tay vào công việc hành pháp, phải đặt mình trong đức Thánh Linh và phải tôn xưng công đức Thầy rồi sẽ làm mọi việc. Người truyền giáo phải đặt Thánh Linh trên hết mọi việc thì mọi việc được thành công. Phải tin tưởng trong lời nói, việc làm ở người của ta đều có Thánh Linh hằng ngự. Ta nhờ đức tin mà chuyển hóa chúng sanh. Cải tạo được người của ta thì mới cải tạo cho thế gian; nên muốn cứu thế gian phải bằng sự sống. 

Thế gian vì theo tà quyền, mà tà quyền là chúa sự chết, thì thế gian phải chết. Ta nhờ có Thánh Linh mà được phục sinh, tiếp liền cùng sự sống bằng đức tin dũng mãnh thì làm gì mà không thành công. 

Môi-se ([33]) nhờ đức tin mà thấy được quyền pháp cao tột đã hiện đến cây gậy trổ hoa và ra trái. Tốt đẹp thay! Cây gậy hóa thành khúc nhạc du dương hoặc mềm diệu uốn khúc như sợi dây.([34]) Cái đó có gì lạ mà sự thật đó. Các hiền rán lập công và tin tưởng.

Nơi này, Sinh phải bố trí một ban giảng giải, đặng sau mỗi ngày làm công quả của đạo hữu, hướng dẫn đọc thánh giáo, học giáo lý độ một giờ hay bao nhiêu tùy sức khỏe, để cho đạo hữu vừa làm vừa học. Thì giờ quý trọng. Ngày tháng không chờ ta. Nếu chậm trễ, ngày thị hiện của các Thánh đến nơi mà chúng ta chưa sống lại. Vậy phải lo.

Ban Tạo Tác ghi tuổi tên các đạo hữu lập công bằng các thứ cúng hiến cho Thầy trong dịp xây dựng Thánh Đền. Mỗi tháng thượng sớ và cầu nguyện cho đạo hữu được tiếp đón hồng ân và đệ tên về Hiệp Thiên Đài, cầu Thầy điểm danh cho đạo hữu, nhưng sẽ chuyển đồng ([35]) ở Nam Việt tiện hơn. 

Mỗi tháng hai kỳ đàn lệ. Nội vụ Liên Hoa tuân y.

*

 



([1]) ngô tâm 吾心: Lòng ta.

([2]) tọa vong 坐忘: Ngồi quên. Trạng thái khi hành giả ngồi thiền mà quên cả thân, tâm, và ngoại cảnh. Trang Tử 莊子 (Đại Tông Sư 大宗師) diễn tả “tọa vong” như sau: Huy chi thể, truất thông minh, ly hình khử trí, đồng vu đại thông, thử vị tọa vong. 墮支体, 黜聰明, 離形去智, 同于大通, 此謂坐忘. (Phế trừ [sự liên hệ với] thân mình và tứ chi, truất bỏ thông minh, lìa hình thể vật chất, bỏ tri thức, để đồng nhất với Đại Đạo. Đó gọi là phép tọa vong.) [Lê Anh Minh dịch]

([3]) yểu yểu 杳杳: Nói đủ là “yểu yểu minh minh” 杳杳冥冥; nói gọn là “yểu minh” 杳冥 (hỗn độn và mập mờ). Các từ gần đồng nghĩa: “hoảng hoảng hốt hốt” 恍恍惚惚, tức là “hoảng hốt” 恍惚 (mập mờ, khó biết đích xác); “hồn hồn ngạc ngạc” 渾渾噩噩; “hỗn hỗn độn độn” 混混沌沌), tức là “hỗn độn” 混沌 (mờ mịt, không phân biệt được); “mê mê hồ hồ” 迷迷糊糊 (mù mờ, mơ hồ, không rõ ràng). Các từ trái nghĩa: “thanh thanh sở sở” 清清楚楚; nói gọn là “thanh sở” 清楚 (minh bạch, rõ ràng); “minh minh bạch bạch” 明明白白, tức là “minh bạch” 明白; “thanh thanh sảng sảng” 清清 爽爽, tức là “thanh sảng” 清爽 (rõ ràng, sáng sủa). Đạo Học Chỉ Nam (Chương III: Đạo Pháp Nhứt Đơn; tiết 2; mục 2) nói: Giữa tâm động và bất động là hoảng hốt yểu minh.Cũng có nghĩa rằng giữa hai trạng thái “không” và “có” là “yểu minh”.

([4]) đài : Cái gì sừng sững (như tòa tháp). Có lẽ câu thánh thi nói rằng lúc hành giả tọa thiền tới trạng thái tọa vong và yểu minh thì thân hình bất động, vững chãi như tòa tháp.

([5]) chiêu khách 招客: Mời gọi khách.

([6]) nguyên căn : Đồng nghĩa nguyên khách 原客, nguyên nhơn 原人, tức là linh căn 靈根 có nguồn gốc trên trời, xưa kia nhận lãnh sứ mạng xuống thế gian độ đời; khác với hóa nhơn 化人 là người từ kim thạch, thảo mộc, cầm thú tiến hóa lên.

([7]) giáng long 降龍: Chế ngự rồng, chế ngự hỏa trong tâm; luyện khí. Giáng long cũng là hàng long (chữ đọc là “giáng” hay “hàng”). Hỏa không còn bay lên, tức là rồng bị chế ngự, cũng là lúc thủ đắc được diên (nguyên khí).

([8]) phục hổ 伏 虎: Chế ngự cọp; luyện tinh.

([9]) chơn thai 眞胎: Thánh thai 聖胎. Sau mười tháng mang thánh thai (thập ngoạt hoài thai 十月懷胎) thì sinh ra anh nhi 嬰兒. Giáng long phục hổ luyện chơn thai: Luyện khí và luyện tinh tức là luyện thành thánh thai để tạo anh nhi.

([10]) bí quyết: Quan trọng hơn hết; rất mực quan trọng (vì ảnh hưởng tới sự thành công).

([11]) hầu: Ngõ hầu, để mà, để.

([12]) Thánh Linh 聖靈: 1/ Thiên điển của Đức Chí Tôn. 2/ Theo Công Giáo thì: Ngôi Một là Chúa Cha (Thượng Đế); Ngôi Hai là Chúa Con (Ngôi Lời); Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần (Thần Khí). Tin Lành gọi Thần Khí là Thánh Linh.

([13]) Thánh môn đệ tử 聖門弟子: Học trò nơi cửa Thánh.

([14]) viên minh 圓明: Hoàn toàn sáng suốt, sáng tỏ.

([15]) người hướng đạo: Hướng đạo giả 向導者; người dẫn dắt đạo hữu.

([16]) hạ thủ 下手: Bắt tay làm việc; ra tay làm việc; khởi sự làm.

([17]) thông công 通功: (thuật ngữ đạo Chúa) Liên lạc, tiếp xúc.

([18]) diệt phiền trừ dục 煩除欲: Diệt trừ phiền não và dục vọng.

([19]) vô trần : Không có bụi; trong sạch; thanh khiết.

([20]) nên chi: Vì vậy, vì thế.

([21]) khâm sai 欽差: Người do Thượng Đế (hay vua) sai đi.

([22]) Chúa dạy: “Thầy là cây nho; anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. (Gio-an 15:5-7)

([23]) chén đau khổ: Chén đắng. Trước khi bị quân dữ bắt và đóng đinh, trong vườn Cây Dầu (Ghết-sê-ma-ni) Đức Giê-su cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mát-thêu 26:39) Sau đó, Chúa cầu nguyện lần thứ hai: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.” (Mát-thêu 26:42) Rồi Chúa cầu nguyện lần thứ ba, cũng nói y như hai lần trước (Mát-thêu 26:44).

([24]) lần Ba: Kỳ Ba, Tam Kỳ 三期.

([25]) mới thể: Mới có thể, mới đủ sức.

([26]) Như Sơ Nguyễn Đán (1905-1958).

([27]) mật thất 密室: Phòng riêng.

([28]) quán tưởng 觀想: Tập trung tâm niệm 集中心念 vào một đối tượng duy nhứt nào đó để đối trị 對治 những vọng niệm 妄念 như tham dục 貪欲, v.v... Chẳng hạn, người tu thấy mình quá ham muốn dâm dục 婬欲 thì hãy quán tưởng thân bất tịnh 不淨, thân thể là túi da thúi (xú bì nang 臭皮囊).

([29]) tâm thể duy nhứt 心體唯一: Tâm và thân chỉ là một.

([30]) Đàm Thi (1913-1998) là đồng tử Liên Hoa.

([31]) Tức là miền Nam Việt Nam.

([32]) háp mắt: Xông hơi con mắt.

([33]) Môi-se (Moses): Vị ngôn sứ Do Thái đã dẫn dắt người Ít-ra-en (the Israelites) thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập và tại núi Xi-nai (Sinai), ông đã truyền đạt Luật Pháp (the Law) thiết lập giao ước (covenant) của Thiên Chúa với họ. Trong giao ước này có Mười Điều Răn (the Ten Commandments).

([34]) Chưa rõ tích này ở đâu. Theo Xuất Hành (Cựu Ước), Đức Chúa Trời làm phép biến cây gậy của Môi-se thành con rắn (4:2-3); nhờ phép mầu của Đức Chúa Trời, Môi-se đập gậy xuống sông Nile, nước sông biến thành máu (7:17); giơ gậy trên đất Ai Cập, châu chấu tràn vào dày đặc (10:13-14); chỉ gậy vào Biển Đỏ, nước biển rẽ ra tạo thành đường đi (14:21); đập gậy vào tảng đá, nước liền từ đá chảy ra (17:6); quân Amalek đến đánh Israel, mỗi lần Môi-se giơ gậy lên thì quân Israel chiến thắng (17:8-16).

([35]) đồng: Đồng tử.

HUỆ KHẢI chú thích