Thứ Năm, 13 tháng 6, 2024

CẨN TỪ / NGÔI LỜI XUỐNG THẾ

 

CẨN TỪ

NGÔ thị Ngôi Lời xuống thế gian

ĐẠI đồng lập pháp dựng Nam bang

TIÊN phàm ai biết làm sao biện

GIÁNG giáng thăng thăng Phước Huệ Đàn.([1])

Trên đây là bài thánh thi xưng danh của Đức Tôn Sư Ngô Đại Tiên lâm phàm mở cơ giáo pháp tại Trung Tông Đạo trong sứ mệnh trung hưng.([2])

Ngôi Lời là một tên của Chúa cứu thế Giê-su, nguyên ngữ Hy Lạp là Logos, có nghĩa là Lời Nói (the Word). Phúc Âm theo Thánh Gio-an chép (1:3): “Ban đầu có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, và chẳng vật chi làm nên mà không bởi Ngài.”

Ngôi Lời là Ngôi Pháp, Ngôi Hai. Ngôi dùng Lời Nói (ngôn ngữ) để tuyên pháp dạy đạo, cũng gọi là Ngôi Thầy. Chính Ngôi Thầy đã lãnh mệnh xuống thế gian, khai cơ giáo đạo, trao truyền pháp nhiệm tận độ nhân sinh trở về Nước Trời.

NGÔI LỜI XUỐNG THẾ kết tập thánh giáo của Đức Ngôi Lời thay mặt Đức Chí Tôn, thực thi giáo huấn của Đại Từ Phụ là “dìu dắt cả môn đệ Ta vào đường đạo đức đến buổi chúng nó lập thành . . .” ([3])

*

Tất cả chúng ta đều là môn sinh của Thầy. Ai ai cũng có dòng máu Cao Đài trong huyết quản; thế nên chết sống vì Đạo vì Thầy, hành đạo không quản gian lao khổ nhọc. Chúng ta đã làm và làm rất nhiều, nhưng những việc chúng ta làm thường có tính cách giải quyết sự việc theo hoàn cảnh mỗi nơi, mà nơi nầy lại không giống nơi khác. Do đó, chưa đi vào cái chung của Giáo Hội, của nền Tân Pháp Cao Đài hiện nay, mặc dù cái chung rất là cấp thiết.

Cái chung rất cấp thiết đó là gì?

Chơn truyền chánh pháp của Thầy đang phân tán, không chỗ trụ. Biết trụ vào đâu để xây dựng Giáo Hội duy nhất?

Danh nghĩa, danh dự Giáo Hội chưa tỏ sáng cho một thời pháp đặc biệt trong vận hội mới.

Tôn chỉ, mục đích chánh pháp Đại Đạo Kỳ Ba còn bị che khuất bởi vì có sự phân hóa, sai biệt, bất nhất hiện nay.

Xét hiện tình cơ Đạo mỗi nơi, thì thấy Trời và người cách biệt, chưa hợp nhất, chưa đủ uy lực đưa bước nhân sinh hội hiệp cùng Thầy.

Noel 1925, trong bước đầu còn quá sơ khai của con đường công truyền, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát giáo Đạo Nam Phương tuyên ngôn lần thứ nhứt:

Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền

Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên

Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế

Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.

Nhưng con cái của Thầy không giữ được trọn biên, mà chạy theo diễn biến của lòng người, khiến cho nền Đạo sớm bị phân hóa. Năm 1932, khi ban bửu kinh Đại Thừa Chơn Giáo dẫn lối vào tâm truyền, Thầy tuyên ngôn lần thứ hai:

Muôn kiếp các con chịu lạc đường

Thấy vầy Thầy luống động lòng thương

Nên đoan thệ với hàng Tiên Phật

Lập Đạo không thành chịu tội ương.([4])

Cũng nên biết lập Đạo thành” nghĩa là gì? Trong Thánh Truyền Trung Hưng, Thầy thường dạy rằng Đạo thành là khi nào chúng sinh hiểu hết thánh ý và làm đúng theo thánh ý.

Đêm 30 Tết Bính Dần (Thứ Sáu 12-02-1926) vào giờ giao thừa, Đức Chí Tôn dạy:

Chư đệ tử nghe!

Chiêu buổi trước hứa lời truyền Đạo cứu vớt chúng sanh, nay phải y lời mà làm chủ, dìu dắt cả môn đệ Ta vào đường đạo đức đến buổi chúng nó lập thành, chẳng nên tháo trút.([5]) Phải thay mặt Ta mà dạy dỗ chúng nó.

Buổi chúng nó lập thành chính là buổi chánh pháp trung hưng được thể hiện. Chánh pháp trung hưng là chánh pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để: trung vạn pháp, hưng vạn giáo, hòa vạn chủng, thân vạn loại, siêu vạn linh.

Nhứt vạn giáo mà trung vạn pháp

Hòa vạn dân, tổng hợp vạn thù

Quy nguyên Gia, Lão, Thích, Nhu

Cậy tay nhân thế vận trù thi công.([6])

Tính chất cốt lõi của chánh pháp trung hưng là: “Bất nệ ư kim, bất thiên ư cổ, phi cổ nhi cổ, phi kim nhi kim, phi cổ phi kim, nhi cổ nhi kim, trung nhất thị Cao Đài.” 不泥於今, 不偏於 古, 非古而古, 非今而今, 非古非今, 而古而今, 中一是高臺.([7]) Nghĩa là: Không nệ nay, không thiên xưa, không xưa mà xưa, không nay mà nay, không xưa không nay, mà xưa mà nay, trung nhất là Cao Đài.

Chánh pháp nầy được Đức Chí Tôn chọn nước Việt Nam làm nước thánh, dân Việt Nam làm dân thánh; dùng điển quang khai giáo cứu vớt sanh linh trong thời mạt tận.

Chánh pháp Cao Đài được thiết lập với hai khoa giáo:

1. Nội giáo tâm truyền là khoa tâm pháp vô vi Tam Thanh.

2. Ngoại giáo công truyền là khoa tướng pháp hữu vi Tam Giáo.

Thầy dạy:

Thầy nhứt định đến, chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập chánh thể, có lớn có nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng Đảo.([8])

Lời dạy nầy nêu rõ hai khoa tâm pháp vô vi (chính mình Thầy đỗ rỗi) và tướng pháp hữu vi (lập chánh thể) là giáo pháp đưa đến Đạo thành. Đạo thành là con đường quy nhứt tướng-tâm hay công-tâm duy nhất. Nghĩa là công truyền và tâm pháp đồng thời phải tu. Đó chính là con đường hành đạo và tịnh luyện đi đôi của cơ Đạo miền Trung với hồng ân tận độ.([9])

Khi đưa Đạo về Trung, Đức Thượng Đế đã ban Ngọc Chỉ: “Thượng cờ quy nhứt minh Chơn Đạo” ([10]) để “Trung từ đây đắp xây chánh đạo” (12) bằng cách thực thi hai giai đoạn Chỉnh Cơ Lập Pháp và Khai Cơ Giáo Pháp rồi tiến sang Khai Cơ Thành Đạo.

Vào năm Ất Mùi (1955), tuy chưa khánh thành Trung Hưng Bửu Tòa, Đức Cao Đài Thượng Đế đã mở đường cho môn sanh bước chân vào tâm pháp:

Thầy muốn sao cho các con ngay bây giờ nhập diệu,([11]) chứng viên minh ([12]) để phân phàm lựa thánh. Đừng nghe lý trí.([13]) Chớ thấy mưu quyền ([14]) mà rối loạn tâm linh, khó mong thành Đạo.

Đạo ở tâm; tâm là Đạo. Tâm có chơn có vọng; Đạo có thực có hư. Bỏ vọng bỏ hư; lấy chơn lấy thực. Phải dụng công hàm dưỡng,([15]) ngưng thần tụ khí mà trụ định lấy tâm chơn như thanh tịnh thì chơn giác khai minh. Con có chí; Thầy có công giúp con thành Đạo. Chưa được như thế, đừng lấy lý trí đoán xét mà đưa con cái của Thầy vào hư cảnh rồi phải tội tình không nhỏ.([16])

Thầy giao cho Đức Lý Giáo Tông và Đức Ngô Tôn Sư chăm lo cơ Đạo Trung Tông nầy.([17])

Đức Giáo Tông minh định:

Đây là cái bước đường chung

Đường chung ai cũng phải cùng mà đi

Đường chung có ở tiên tri

Đường chung nam bắc, Tam Kỳ ([18]) đoàn viên.

Đường chung có Phật, Thánh, Tiên

Đường chung có bát nhã thuyền đưa sang

Đường chung không sợ lầm than

Đường chung không phải nói càn nơi đâu

Trung Tông có pháp nhiệm mầu

Có Thầy dẫn lối có đầu có đuôi.([19])

Ta hiểu rằng đầu là hai khoa tướng pháp (phổ độ) và tâm pháp (tuyển độ); còn đuôitướng-tâm hiệp một (tận độ).([20]) Như thế là Đạo thành.

Đức Ngô Tôn Sư dạy rõ:

Cơ Đạo vận chuyển đến do cơ duyên tốt đẹp của chư hiền nơi này thọ kỳ Giáo Pháp. Thánh ý cho biết sự chuyển vận đến đây đã giáp một cuộc tuần hoàn, cơ Đạo lại phục sinh. Chư hiền được may mắn tiếp kỳ thánh ân, thọ kỳ bí pháp. Kể từ năm Bần Đạo thọ pháp cùng Thầy, khai nguyên Đại Đạo cơ mật truyền rồi được hoằng dương huy hoàng là Tòa Thánh Tây Ninh, chuyển đến Tiên Thiên, Minh Chơn Lý, Minh Chơn Đạo, Liên Hòa Tổng Hội, rồi đến cơ hỗn hợp thống nhất còn gồm đủ bảy chi là một cuộc tuần hoàn từ quẻ Càn đến quẻ Khôn. Nay, nơi này là tượng hình quẻ Phục, thì ta lấy đó mà suy tiền đồ vận mệnh,([21]) thành bại suy hưng. Suy gẫm quẻ Phục là tượng khí nhứt dương sơ động, cũng còn đen tối lạnh lùng, kinh cụ lắm. Từ Đông Chí tiếp khí để chuyển qua một giai đoạn vô cùng cố gắng đến Đại, Tiểu Hàn còn phải gặp giá tuyết lạnh lùng mới bước đến ngày xuân ấm áp.([22])

Khi “bước đường chung bị sóng dồi gió dập, Đức Lý Giáo Tông ban lời sách tấn:

Lão rất buồn. Buồn cho đa số chúng sanh bị ở trong vòng đen tối, bị sự trói buộc chưa ngõ thoát ra. Nhưng cũng rất mừng. Mừng được thấy một số đạo đồ có duyên lành quả tốt, sớm giác ngộ theo con đường chánh pháp, biết tìm lấy lẽ sống hằng còn. Thật là một ân phước của Kỳ Ba tận độ, đã đi trúng con đường về cùng Thầy một cách chắc chắn. Kẻ nào không bước qua con đường đạo pháp này thì khó mong về cùng Thầy được. Nhưng con đường này phải trải qua đôi đoạn chông gai trắc trở, phải có sự cố gắng mới đi đến chỗ thành công.

Thành công ở nơi lòng kiên nhẫn

Bước đường trời ([23]) tinh tấn vượt qua

Đường này có ở đâu xa

Ở tâm thanh tịnh giao hòa âm dương.

Đường này cốt tình thương, lẽ thật

Cả sanh linh vạn vật đều chung

Đường này mầu nhiệm vô cùng

Người đầy duyên phước mới cùng bước đi.

Bước đi đến vô vi đạo pháp

Mới là nơi hội hợp cùng Thầy

Kiền kiền ([24]) giữ mãi chớ khuây ([25])

Pháp luân thường chuyển ([26]) mới đầy mới viên.([27])

Chi chi cũng tịnh yên là gốc

Cốt ở nơi tam độc ([28]) trừ xong

Để cho thần, khí lắng trong

Tam huê tụ đảnh ([29]) mới mong đắc thành.

Phải diệt hết bả danh mồi lợi ([30])

Đường sắc tài chớ khởi niệm tâm

Hễ là mến Đạo huyền thâm

Con đường thế sự chớ cầm chớ vin.

Người nào còn giữ gìn vật chất

Thì pháp mầu Thầy cất chẳng cho

Chẳng cho, muôn kiếp sầu lo

Ở nơi hỏa ngục khó dò đường ra.

Ra khỏi trần mê ([31]) có khó gì

Con đường đạo pháp phải cùng đi

Mới mong về đến nơi Thiên Quốc

Thiên Quốc lên rồi mới hết nguy

Nguy hiểm cho người chẳng giác tâm

Lợi danh sớm tối mải (31bis) ôm cầm

Pháp mầu đạo đức coi khinh rẻ

Nên đọa đày thân mãi những năm.([32])

Đức Ngô Tôn Sư dạy rằng chánh pháp trung hưng là gồm cả tướng lẫn tâm:

“Đời đảo điên thì Đạo phải kịp thời chấn hưng chánh pháp,tôn giáo cứu cánh ([33]) của nhơn loại. Muốn cứu cánh([34]) vai tuồng,([35]) hướng đạo ([36]) phải làm gì? Nếu không tu tâm pháp, không hành chánh pháp thì làm sao đương vi sứ mạng trung hưng? Vì vậy Bần Đạo lãnh mệnh đến thế gian ban truyền cả hai: Tâm, Tướng

Về Tướng (hữu vi) là phần truyền giáo thực nghiệm. Về Tâm (vi) là đắc ngộ bí truyền.([37])

Trải qua bao nhiêu khó khăn thử thách để hiểu biết thánh ý và thực hiện đúng theo thánh ý, mới có thể tiến đến xây dựng được Tịnh Đường (Trung Tông Thánh Tịnh).

Trong giai đoạn tiến đến tâm pháp vô vi Tam Thanh, môn sanh được Ơn Trên ban truyền pháp tu châu để làm nền “trúc cơ” là cầu nối từ tướng pháp hữu vi. Hồi Hướng Linh Châu và Tướng Châu (hạ thừa), Tâm Châu (trung thừa), rồi đến Tam Bảo Hoàn Châu (thượng thừa) đều là pháp tu Chiếu Minh Vô Vi Tam Thanh.

Đức Ngô Minh Chiêu dạy:

Ta vâng mạng Cha Ta, lần này đến thế gian để tận cứu tất cả chúng sanh. Từ lâu Ta đã kêu gào đánh thức cho những ai có căn lành quả tốt đến với Ta để Ta trao truyền pháp nhiệm, để đặng hiệp vầy cùng Cha Ta. Thế mà trải qua bao nhiêu năm trời rồi mà chẳng có mấy kẻ chịu nghe lời Ta. Đã không chịu nghe lời mà còn phỉ mạ kích bác Ta nữa là khác. (...)

Ta nói thật, ngoài Ta ra thì không còn ai là người cứu độ nữa. Vì sứ mạng Lần Ba này Cha Ta đã giao cho Ta nên Ta có quyền cứu độ mà cũng có quyền xin Cha Ta để hành phạt. ([38])

Và Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:

Nơi Trung Tông hoàn thành cơ chỉ ([39])

Đạo pháp trao lập chí luyện tu

Nên Tiên cũng lắm công phu

Nên người Bồ Tát đương đầu khó khăn.([40])

Cơ chỉ chánh pháp đã hoàn thành tại Trung Tông Thánh Tịnh và Đức Ngô vâng ý Thầy chính thức làm chủ mối đạo dìu dắt nhân sanh vào đường đạo đức đến buổi chúng nó lập thành . . .” ([41])

Đạo được thành thì người tu mới thành đạo. Ta biết rằng Tân Luật quy định phương tu của nền tân pháp Cao Đài. Tân Luật có ba phần: Một là Đạo Pháp; hai là Thế Luật; ba là Tịnh Thất. Từ buổi đầu khai Đạo đến lúc phân chia chi phái, chưa có nơi nào lập Tịnh Thất. Khi chuyển Đạo ra Trung Kỳ, Ơn Trên chú giải Tân Luật.([42]) Thánh Tựa Tân Luật Chú Giải có lời Thầy dạy:

“Sự chi phái của các con chẳng khác gì cây kia ban đầu một gốc sanh ra muôn nhánh ngàn chồi. Trong nhánh chồi có nảy ra mụt mắt, kềnh càng mà chống chỏi nhau, khó có phương nào xếp lại một cho đặng. (...)

Vậy đến Trung Kỳ, Thầy quyết định chú giải rõ Tân Luật đặng cho các con thi hành, nghĩa là trở lại nơi gốc cây vậy.

Suy nghiệm chỗ nầy, ta hiểu được câu: Khai Đạo tại Nam, thành Đạo tại Trung.([43])

Tuần tự theo vận chuyển ứng hóa của Ơn Trên, Trung Tông Thánh Tịnh thành lập vào năm Tân Sửu (1961).

Đàn cơ ngày 29-6 rạng 01-7 Tân Sửu (Thứ Năm 10-8-1961), Đức Cao Đài Tiên Ông dạy:

“Nay Thầy đến đây chỉnh cơ lập pháp, ban sứ mạng trung hưng.

Về công truyền, Thầy dạy duy nhứt nội bộ ([44]) và kết hợp hết các pháp môn kim cổ Tứ Giáo.([45])

Về tâm truyền thì gồm các phương môn tận độ: Ban pháp phục sinh; ban pháp khai thế tạo thế; ban pháp bí tích.

Có nghĩa, tâm truyền tông đạo trung hưng là tu hẳn về Thầy; là tu cầu chứng ngộ cứu đời; là tu học các bí tích làm đầu họ và giáo sĩ; là tu cầu quyền pháp sống trong cơ tái tạo tại thế, v.v…

Vậy thì cơ tâm truyền gồm năm bậc để xây dựng một Tòa Thánh quyền pháp ngày mai. Ngày mai không còn nhiều chi phái như bây giờ mà chỉ có một Giáo Hội duy nhất chia làm hai đường: công truyền và tâm truyền.

Tuy chia phân ra làm hai chớ kỳ trung là một. Tâm truyền làm cơ chỉ nòng cốt cho Giáo Hội. Công truyền làm môi giới trợ đạo. Vì vậy, không qua thiên đạo ([46]) không thể chấp hành quyền pháp của Giáo Hội.

Bởi vậy, người chức sắc nào cũng tu ở Tịnh Đường, cũng thọ pháp. Giáo sĩ cũng tu ở Tịnh Đường, cũng thọ pháp. Nếu người giáo sĩ mà không đạt tâm pháp thì làm sao thông suốt lẽ đời?”

Ngày 02-01 Kỷ Dậu (Thứ Ba 18-02-1969) tại Tịnh Đường, Đức Chí Tôn giáng cơ, ban hiệu đàn cho Trung Tông Đạo:

“Hôm nay Thầy thấy các con nơi này chí tu đã vững, lòng đạo đủ đương lấy gánh nặng quyền pháp tự độ độ tha, thành kỷ thành nhân,([47]) hầu đem nhau lại hiệp một cùng Thầy. Thầy ban cho nơi này một hiệu đàn gọi là HUYỀN QUAN.([48]) Các con hướng vào đó mà tu, noi theo đó mà hành.

Trời đất không ngoài cái đó. Thành Tiên Phật bởi đó. Sự sống ở đó. Lẽ thật trong đó. Tình thương phát xuất do đó. Kiền khôn thế giới đứng vững nhờ đó. Các con đắc đạo là đắc cái đó. Mọi người mọi giống chung chạ mà không tiêu diệt lẫn nhau cũng bởi đó…

Huyền Quan chẳng những là một phương tiện đạo đức của người triết nhân, mà còn bao hàm một sức mạnh thiêng liêng. Các con nương đó làm gậy đỡ chân trên đường gồ ghề hiểm trở, để tìm những con chiên lạc đem lại một chuồng và cũng nương đó chống đỡ cơn phong ba, thẳng về với Thầy

Để xác tín và củng cố đường tu trung đạo, Đức Lý Thái Bạch dạy:

“Con đường duy nhứt, tâm tướng không hai, vô vi hữu hình là một, nên mới có thánh thất, tịnh thất để đưa toàn đạo từ tiệm giáo đến đốn giáo, từ phổ độ đến tuyển độ.” ([49])

Đạo Đức Kim Tiên dạy:

“Bước đạo nơi đây đương thời Phục khởi. Bước tu của mấy em qua khỏi thời Thái, bước sang thời Đại Tráng. Với tư cách là huynh trưởng, Bần Đạo thay mặt Thầy đến đây có mấy lời chỉ dạy. Các em thanh tịnh đón nghe.

Đã biết bước tu của mấy em đến thời Đại Tráng thì biết rằng không còn bao lâu nữa đến hào cửu ngũ là Long phi tại thiên đương hành sứ mạng.

(...)

Các em đã biết đường sứ mạng nơi đây lớn lao hệ trọng là dường nào, nên nó đòi hỏi các em phải tu chứng đạo quả trường sanh, liễu ngộ chơn như tự tánh thì mới đồng nhứt cùng Thầy mà khai đường tận độ. Đó là sự đòi hỏi của cơ Đạo và sự mong mỏi của Thầy.

Gánh đạo trung hưng bước vững vàng

Đây là ơn phước của Trời ban

Lập chí công phu cầu liễu ngộ

Thành Tiên chứng quả vạn bình an.([50])

*

Các thánh giáo kết tập lần nầy để làm tài liệu tu học tốt cho chư tịnh viên Trung Tông Thánh Tịnh Huyền Quan Đàn trong cơ giáo pháp tiến đến thành Đạo. Về hình thức:

Trích một câu văn hay đôi câu thánh thi trong mỗi bài thánh giáo để tạm mượn làm nhan đề.

Các chỗ lược bớt được chỉ rõ bằng ký hiệu (...).

Ngoài ra, với thiện ý muốn cho chư tịnh viên bớt đi được phần nào trở ngại về từ ngữ, hiền hữu Huệ Khải trợ giúp phần chú thích. Dĩ nhiên, các sai sót ắt khó tránh khỏi; chúng tôi luôn luôn mong ước có được tâm hỷ xả, lòng cảm thông, và lời chỉ giáo của các bậc hành giả cao minh, thông tuệ.

Rất lòng thành tín.

Trung Tông Thánh Tịnh

Huyền Quan Đàn

Quý Xuân Giáp Thìn (2024)

Môn sinh Phạm Văn Liêm cẩn bút



([1]) Phước Huệ Đàn, ngày 08-11 Kỷ Hợi (Thứ Hai 07-12-1959).

([2]) trung hưng 中興: Hồi phục lại; biến cải từ chỗ suy yếu, sứt mẻ trở thành vững mạnh, toàn vẹn.

([3]) Đàn cơ ngày 30-12 Ất Sửu (Thứ Sáu 12-02-1926).

([4]) Đàn cơ ngày 25 tháng 9 Bính Tý.

([5]) tháo trút: Né tránh, để cho người khác gánh vác trách nhiệm của mình.

([6]) Đức Trần Hưng Đạo, Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 09-01 Giáp Dần (Thứ Năm 31-01-1974).

([7]) Đức Trần Hưng Đạo Đại Vương, thánh tịnh Thanh Quang, 1939.

([8]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, 13-3 Bính Dần (Thứ Bảy 24-4-1926).

([9]) Xem: Phạm Văn Liêm, Hồng Ân Tận Độ. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2016. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)

([10]) Thánh tịnh Đại Thanh, 24-7 Giáp Tuất (Chủ Nhật 02-9-1934).

([11]) nhập diệu 入妙: Đạt tới cảnh giới thiêng liêng, huyền diệu (đạt đáo thần diệu chi cảnh 達到神妙之境).

([12]) viên minh 圓明: Hoàn toàn sáng suốt.

([13]) đừng nghe lý trí: Đừng tin tưởng vào óc khôn ngoan căn cứ theo lý trí thế gian. Trong Thư 1 Cô-rin-tô (3:18-19), Thánh tông đồ Phao-lô cảnh báo: Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa.

([14]) mưu quyền 謀權: Quyền lực 權力 trí trá.

([15]) hàm dưỡng 涵養: Trau dồi đức tính của mình; kiềm chế bản thân.

([16]) Thánh thất Thái Hòa, 14-4 Ất Mùi (Thứ Bảy 04-6-1955).

([17]) “Trung Tông Đạo” là dòng đạo miền Trung (Trung Kỳ) có sứ mệnh trung hưng chánh pháp. Thánh giáo dạy về cơ Đạo miền Trung với sứ mệnh trung hưng thường hay nói tới Trung Tông Đạo. Chẳng hạn: “Cơ Trời ứng hiệp, Đạo Thánh rộng khai, nơi Trung Tông Đạo ở vào xứ nầy, mà cũng năm nầy, Đức Chí Tôn đã chuẩn y cho Tam Giáo dựng Trung Hưng Bửu Tòa để xây đắp một Giáo Hội duy nhất, gọi là Giáo Hội Trung Hưng. Nói đến hai chữ Trung Hưng thì cũng mừng, mà cũng đau khổ cho những anh trước chị xưa không giữ đúng luật pháp chơn truyền, vì một lý do đen tối còn sót ở nơi lòng mà làm chia phái phân chi.” Đức Hưng Đạo Tổng Lý, Trung Hưng Bửu Tòa, 06-02 Bính Thân (Thứ Bảy 17-3-1956).

([18]) Tam Kỳ: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. [PVL chú]

([19]) Thánh Truyền Trung Hưng của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, trang 43, tập đánh máy (của Giáo Sư Ngọc Tín Thanh). Ghi chú: Những bài thánh giáo từ năm 1949 đến 1954 đa phần chưa kết tập, chỉ là các bản chép tay. [PVL chú]

([20]) Thầy cho Đức Lý Giáo Tông và Đức Ngô Tôn Sư chăm lo Trung Tông Đạo: 1/ “Hiện Tông Đạo các con Thầy quyết giao cho Giáo Tông Lý Thái Bạch chăm nom dẫn dắt.” Đàn cơ ngày 14-4 Ất Mùi (Thứ Bảy 04-6-1955) tại thánh thất Thái Hòa. 2/ Vì vậy Bần Đạo lãnh mệnh đến thế gian ban truyền cả hai: Tâm, Tướng.Đàn cơ ngày 14-3 Giáp Thìn (Thứ Bảy 25-4-1964). Bài 44 trong Ngôi Lời Xuống Thế.

([21]) tiền đồ 前途: Tương lai. vận mệnh 運命: Số mạng; định mạng.

([22]) Trung Hưng Bửu Tòa, 15-9 Bính Thân (Thứ Năm 18-10-1956). Bài 8 trong Ngôi Lời Xuống Thế.

([23]) đường trời: Con đường nội tu (tịnh luyện); thiên đạo 天道.

([24]) kiền : Kính thành. kiền kiền 虔虔: Rất kính thành. kiền kiền 乾乾: Tích cực và thận trọng. Tượng từ hào cửu tam của quẻ Càn nói: Quân tử chung nhật kiền kiền. 君子終日乾乾. Người quân tử suốt ngày tích cực và thận trọng giữ mình.

([25]) khuây: Xao lảng; quên mất; bỏ bê; không để ý đến.

([26]) pháp luân thường chuyển 法輪常轉: Luôn quay bánh xe đạo pháp; siêng năng hành thiền.

([27]) viên : Tròn trịa; tròn vẹn; đủ đầy.

([28]) tam độc 三毒: Ba món độc là tham, sân, si (tham lam; giận dữ; ngu si, mê muội).

([29]) tam huê 三花, 三華: Là ngọc hoa (tinh), kim hoa (khí), cửu hoa (thần). Có câu: Tinh viết ngọc hoa, khí viết kim hoa, thần viết cửu hoa. 精曰玉華氣曰金華神曰九華. (Tinh gọi là ngọc hoa, khí gọi là kim hoa, thần gọi là cửu hoa.) tam huê tụ đảnh 三花() 聚頂: Tu luyện cho thần huờn hư, tinh khí thần tụ hết về thượng đan điền.

([30]) bả danh mồi lợi: Danh lợi chi nhĩ 名利之餌; danh lợi cám dỗ con người phạm lỗi, trái đạo lý, mất nhân phẩm, hủy hoại kiếp người nên danh lợi giống như miếng mồi tẩm độc để giết người.

([31]) trần mê: Cõi trần gian mê muội.

(31bis) mải: Mảng; cứ; một mực say mê, dồn hết tâm trí cho một việc, không để ý tới việc khác.

([32]) Tịnh Đường, 24-3 Giáp Thìn (Thứ Ba 05-5-1964).

([33]) cứu cánh 究竟: Phương tiện cứu nguy, sự cứu vớt.

([34]) cứu cánh: Cứu vớt, cứu vãn cho khỏi suy vong, không hư mất.

([35]) vai tuồng: Vai trò; phận sự trong một tổ chức.

([36]) hướng đạo: Hướng đạo giả 向導者, người dẫn dắt đạo hữu.

([37]) Đàn cơ ngày 14-3 Giáp Thìn (Thứ Bảy 25-4-1964). Xem bài 44 trong Ngôi Lời Xuống Thế.

([38]) Tịnh Đường, 05-3 Giáp Thìn (Thứ Năm 16-4-1964). Xem bài 43 trong Ngôi Lời Xuống Thế.

([39]) cơ chỉ 基趾: Nền móng; căn bản.

([40]) Trung Hưng Bửu Tòa, 01-01 Bính Thân (Chủ Nhựt 12-02-1956).

([41]) Ngọc Hoàng Thượng Đế, 30-12 Ất Sửu (Thứ Sáu 12-02-1926).

([42]) Đức Lý Giáo Tông chú giải. Thông công do Hiệp Thiên Đài Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên là Châu Minh, Bạch Long Cung Hoàng, và Đại Thanh trong đêm 01-7 nhuần Mậu Dần (Thứ Năm 25-8-1938).

([43]) Giới tu thiền (công phu, tịnh luyện) thường hiểu: Khai đạo tại Nam là khi công phu vận hỏa khởi từ Nam phương (Bính, Đinh, hỏa); thành đạo tại Trung là quy tam bửu hiệp ngũ hành tại trung ương (Mồ, Kỷ, thổ; tỳ thổ). Nhưng giới tu hành tại miền Trung nhiệm ý từ hai câu thánh thi của Đức Chí Tôn: “Trung từ đây đắp xây chánh đạo / Nam xướng lên kế hảo đoàn viên.” Thánh tịnh Đại Thanh, 24-7 Giáp Tuất (Chủ Nhật 02-9-1934). Khi chuyển Đạo về Trung, Ơn Trên cho phong thánh lần đầu tiên tại Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), đồng thời cơ đạo được khai triển tại Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài qua ba giai đoạn: chỉnh cơ lập pháp; khai cơ giáo pháp, và khai cơ thành đạo. [PVL chú]

([44]) duy nhứt nội bộ: Thống nhứt nội bộ (tôn giáo Cao Đài) thành một khối, không thể chia tách được.

([45]) Tứ Giáo 四教: Tam Giáo (Nho, Lão, Phật) và Công Giáo.

([46]) thiên đạo 天道: Con đường nội tu (tịnh luyện) để giải thoát, cũng gọi thiên đạo đại thừa, thiên đạo giải thoát.

([47]) thành kỷ thành nhân 成己成仁: Thành tựu cho mình (bản thân), và thành tựu đức nhân của mình. Trung Dung 25: Thành kỷ, nhân dã. 成己, 仁也. Thành tựu cho mình là đức nhân.

([48]) Huyền Quan 玄關: Cửa vào huyền diệu; nghĩa bóng là cửa Đạo.

([49]) Huyền Quan Đàn, 13-3 Mậu Ngọ (Thứ Tư 19-4-1978).

([50]) Huyền Quan Đàn, 01-6 nhuần Kỷ Mùi (Thứ Ba 24-7-1979).

Huệ Khải chú thích