Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

4/6 NHỚ ĐẠT LINH / GƯƠNG SÁNG NGƯỜI TU

GƯƠNG SÁNG NGƯỜI TU
Thanh Tùng
Khi chọn con đường tu giải thoát để không còn luân hồi sanh tử thì người tu chẳng thể tránh khỏi bị nhồi quả, nghĩa là bao nhiêu nghiệp chướng phải trả hết ngay kiếp này. Những hình thức trả nghiệp thật đa dạng, tùy theo duyên nghiệp của mỗi người. Trả nghiệp thân thường khủng khiếp nhất, đặc biệt là trường hợp nhồi quả, người tu phải chịu mọi đau đớn của thể xác. Tuy nhiên vẫn có sự ban ơn của Ơn Trên đối với những người có tâm chí thành hành đạo.
Thường, ghê gớm nhất là bệnh ung thư. Nó đã cướp đi cuộc sống nhiều đạo hữu thân thương của chúng ta như hiền tỷ Lê Ngọc Thuận ở tuổi bảy mươi, giáo sĩ Lập Hạnh (Lê Tuy Phượng) ở tuổi sáu mươi và vừa mới đây là hiền huynh Đạt Linh (Nguyễn Văn Tài) mới năm mươi sáu tuổi, đang trong giai đoạn hành đạo thật hăng say.
Ba người này mất đi để lại trong tôi một nỗi buồn vô hạn, cùng với lòng khâm phục. Tôi phục sự chịu đựng trả nghiệp, gương tu thân hành đạo của các vị ấy cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Hiền huynh Đạt Linh Nguyễn Văn Tài là bổn đạo thánh thất Bàu sen, và cũng là nhân viên Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại đạo. Từ năm 2000 hiền huynh thường xuyên cùng với hiền huynh Đạt Truyền (Hà Văn Phủ) đi khắp mọi miền đất nước bằng xe Honda, để chụp ảnh tất cả các thánh sở Cao Đài, không phân biệt chi phái. Không quản ngại gian lao khổ cực, mưa nắng, cả hai đến với từng thánh sở, ở những tỉnh, thành lớn lẫn các xã, huyện nghèo nàn thiếu thốn mọi mặt. Cho đến năm 2008 khi kết thúc công quả này, hai hiền huynh đã chụp ảnh được tổng cộng một ngàn ba trăm thánh sở.
Để dễ dàng tiếp xúc với từng thánh sở, hai hiền huynh Đạt Linh, Đạt Truyền đã mang theo nhiều kinh sách Cao Đài để tặng. Việc làm này được mọi người hoan nghinh vì tình trạng thiếu kinh sách gần như rất phổ biến ở mọi nơi.
Trong quá trình thực hiện công quả này, có hai lần hiền huynh Đạt Linh ngã bệnh dọc đường, cứ tưởng đâu do cơ thể suy nhược vì điều kiện ăn uống không đầy đủ và thiếu nghỉ ngơi. Đến lúc người nhà đưa hiền huynh đi bệnh viện cấp cứu lần đầu tiên thì mới biết bệnh viêm gan siêu vi C đang hủy hoại dần lá gan của huynh. Đó là năm 2004.
Cái tin hiền huynh Đạt Linh bị viêm gan siêu vi C đe dọa tính mạng làm mọi người sững sờ và đau lòng. Bấy lâu hiền huynh luôn được cảm tình của nhiều người, ở thánh thất Bàu sen cũng như ở Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại đạo. Huynh đã đoàn kết tương trợ, sống rất hòa ái với mọi người. Ngoài ra ai cũng nhận thấy tinh thần tu thân hành đạo hăng say của huynh, không bỏ sót một công quả nào. Tôi vẫn nhớ đến việc hiền huynh tình nguyện nhận đem cây mai của Cơ quan về thánh thất Bàu Sen chăm sóc hằng năm nhằm giúp tôi không còn phải chở cây mai của Cơ quan về nhà, tìm người khệ nệ khiêng lên sân thượng ở tận lầu bốn để chăm dưỡng.
Rất nhiều người đã sốt sắng tìm cách giúp hiền huynh chống chọi căn bệnh quái ác. Nào bác sĩ giỏi, nào thuốc đặc trị, nào bài thuốc dân gian... Nhưng mọi cách đều không hy vọng giành lại cho huynh sự sống.
Chính trong giai đoạn này mọi người thấy rõ sự phấn đấu không ngừng nghỉ của hiền huynh. Tôi còn nhớ thái độ bình thản đón nhận tin dữ khi đến thăm huynh ở bệnh viện. Huynh còn kể cho nghe là đã chuẩn bị đón hung tin ngay sau khi đọc được đoạn thánh giáo của Đức Quan Âm Bồ tát mà huynh đã “hái lộc” tại Cơ quan nhân dịp tết nguyên đán năm 2004.
Theo lời dạy trong đoạn thánh giáo ấy thì huynh phải cố tu mau kẻo trễ, thời gian không đợi chờ. Tuy nhiên hiền huynh cũng không ngờ sự việc đến nhanh như thế. Hiền huynh thấy được con đường mình phải đi, chấp nhận trả nghiệp và tích cực tu thân hành đạo để được về với Thầy Mẹ sau khi thoát xác.
Năm 2005 họ đạo thánh thất Bàu Sen công cử hiền huynh Nguyễn Văn Tài vào Ban cai quản, giữ nhiệm vụ Chánh hội trưởng. Bạn bè gần xa rất vui mừng khi nhận được tin này. Mừng cho thánh thất Bàu Sen có một chánh hội trưởng năng nổ và đạo đức, và mừng cho hiền huynh có thêm điều kiện tô bồi âm chất trong giai đoạn cuối của cuộc đời.
Bản thân hiền huynh rất hạnh phúc nhưng cũng rất lo âu khi nhậm chức chánh hội trưởng. Hạnh phúc vì được Ơn Trên tạo điều kiện cho hiền huynh lập công bồi đức. Lo âu vì không biết sức khỏe có cho phép hiền huynh chu toàn sứ mạng đến nơi đến chốn không, hay sẽ phải gãy gánh giữa đường.
Với vai trò chánh hội trưởng, hiền huynh đã làm được rất nhiều việc, theo lời kể của bổn đạo Bàu Sen. Huynh đã bỏ công sức lẫn tiền của dồn hết vào cho thánh thất Bàu Sen, đưa mọi việc đi dần vào nền nếp. Khách quan mà nói, thánh thất Bàu Sen đổi mới từng ngày, từ hình thức đến nội dung, mọi người thầm mong cho huynh được sống đến mãn nhiệm kỳ.
Ngoài ra hiền huynh còn công quả ở Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại đạo, đã từng là nhân viên Ban Nghi lễ, rồi làm phó ban Thông tin Báo chí (đều thuộc Nội chánh vụ) sau khi được ban thánh danh. Về phần công trình, hiền huynh không ngừng phấn đấu tu học, theo hết lớp Bồi dưỡng Giáo lý cấp một. Đến lớp Bồi dưỡng Giáo lý cấp hai thì dang dở vì bệnh. Phải nói là phấn đấu vì bệnh viêm gan siêu vi C dần dần chuyển sang ung thư, bắt đầu di căn, hành hạ thân xác huynh.
Tuy bệnh ngày càng nặng nhưng hiền huynh không xao lãng việc đạo. Ăn ngủ không được làm cho hiền huynh thường xuyên nhọc mệt. Tuy nhiên hiền huynh không đầu hàng bệnh tật, vẫn tiếp tục thực hiện công quả đi chụp ảnh các thánh sở Cao Đài cho đến khi không còn sức đi được nữa...
Hằng ngày huynh vẫn làm việc và cúng tịnh, tuy đau đớn thể xác nhưng không bỏ công phu, khi ở thánh thất Bàu Sen khi ở Cơ quan Phổ thông Giáo lý. Mệt thì nằm nghỉ, vừa khỏe một chút lại tiếp tục làm việc, từ việc nhỏ đến việc lớn.
Bệnh nặng như thế mà năm nào tết đến cũng đứng lặt lá mai, nhất là rất quan tâm đến cây mai của Cơ quan. Năm nào mai không đơm nụ thì huynh ngược xuôi tìm một cây khác thế vào, thật nhiều bông. Ít ai biết được hằng năm Cơ quan Phổ thông Giáo lý có được một cây mai chưng tết sai bông, sắc vàng rực rỡ là nhờ công sức của hiền huynh.
Nhiều lần người nhà phải đưa hiền huynh vào bệnh viện cấp cứu. Khi hay tin, chúng tôi đã toan đi thăm, nhưng chưa kịp đi thì đã thấy hiền huynh có mặt cúng tịnh tại Cơ quan. Thì ra vừa mới khỏe, hiền huynh liền về với môi trường đạo. Nhìn sắc diện bên ngoài của huynh lúc ấy, không ai ngờ huynh đang ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư.
Hiền huynh còn tham gia công quả ở các thánh thất, thánh tịnh khác. Ai nhờ cũng làm, đơn vị nào thiếu tiền thì huynh công quả hậu hỹ.
Ngày hiền huynh thọ nhận thánh danh Đạt Linh cũng là ngày huynh hạnh phúc nhất vì biết được Ơn Trên đã chứng chiếu tâm thành. Huynh càng an tâm và càng hăng say công quả, công phu hơn dù sức lực ngày càng suy kiệt dần.
Huynh biết ngày ra đi của mình gần kề, nhưng vẫn cầu nguyện Ơn Trên cho sống đến lúc có thể hoàn tất việc sửa chữa mái của thánh thất Bàu Sen vì nó đã dột nát mà điều kiện tài chánh của thánh thất cũng như của gia đình huynh chưa cho phép thực hiện. Nhất là bộ sách Các thánh sở Cao Đài chưa kết tập xong, thì huynh ra đi không yên tâm vì đó là công trình điền dã của hai hiền huynh Đạt Truyền và Đạt Linh trong ròng rã mười năm.
Rồi cái ngày không ai mong muốn cũng phải đến. Lúc đang chịu những cơn đau tột cùng của bệnh ung thư, hiền huynh Đạt Linh vẫn ráng đọc cho hết diễn văn khai mạc nhân ngày lễ kỷ niệm Đức Chúa giáng sanh 2008. Rồi huynh phải về phòng riêng nằm nghỉ, sau đó lại vào bệnh viện.
Nằm ở bệnh viện, tuy đau đớn về thể xác nhưng tinh thần của huynh rất minh mẫn, nhớ rõ từng ngày và liên tục hỏi thăm những gì đã và đang xảy ra ở thánh thất. Nào là buổi họp mặt ấn tống có tốt đẹp không, bao nhiêu người tham dự, số tiền công quả ấn tống được bao nhiêu, v.v... Mọi người cũng hy vọng rằng hiền huynh sẽ khỏe lại như những lần trước. Nhưng hy vọng ấy tắt dần khi thấy hiền huynh ngày càng không còn sức để nói, da vàng, bụng chướng.
Ai vào thăm, huynh cũng khóc. Buồn vì không được sống đến mãn nhiệm kỳ của Ban cai quản. Buồn vì thánh thất việc còn bề bộn...
Một điều làm tôi xúc động là đến lúc gần lìa xa cõi trần mà hiền huynh vẫn không quên cây mai chưng tết cho Cơ quan Phổ thông Giáo lý. Khi tôi đến gần chào ra về, huynh cố nói, giọng đứt quãng: “Chị hỏi anh Bích …” Rồi im lặng vì quá mệt. Tôi hiểu. Anh Bích là bổn đạo Bàu Sen, làm chủ vườn mai, là người hằng năm cho hiền huynh mượn cây mai để chở về Cơ quan vào dịp tết. Sắp tết rồi mà! Trên giường bệnh nhưng hiền huynh hầu như không bỏ sót việc gì.
Thế rồi hiền huynh Đạt Linh cũng phải lìa bỏ cõi đời này theo định luật của Tạo hóa. Tuy nhiên, có lẽ vì quá bận lòng với bao nhiêu việc đạo dở dang, cho nên lúc hấp hối, đồng nhi đọc xong tất cả bài kinh độ tử mà huynh vẫn chưa chịu ra đi, tính từ chiều tối hôm trước cho đến sáng hôm sau. Dường như còn luyến tiếc điều gì, thỉnh thoảng hiền huynh lại mở mắt ra như tìm kiếm ai, rồi môi lại mấp máy như muốn nói điều chi...
Bác Ba, thân mẫu hiền huynh chợt nghĩ ra, bèn gọi điện thoại mời tất cả những bạn hữu thân thiết với hiền huynh đến thánh thất Bàu Sen, để chia tay lần cuối.
Thế là huynh Huệ Khải, Đạt Truyền lần lượt có mặt, mỗi người đều có đôi lời với bạn chí cốt Đạt Linh. Trước đó huynh Đạt Tịnh (Nguyễn Văn Phát, Phó hội trưởng) cũng an ủi Chánh hội trưởng nên thanh thản trở về với Thầy Mẹ, mọi việc của thánh thất Bàu Sen sẽ có Đạt Tịnh và họ đạo chung lo. Sau cùng hiền huynh Huệ Ý đã tới. Lại an ủi, khuyến nhủ…
Thế rồi hiền huynh Đạt Linh Nguyễn Văn Tài ra đi trong tiếng đọc kinh hòa lẫn nước mắt thương tiếc, ngậm ngùi của đồng đạo lưỡng phái đang đứng hai bên chỗ nằm.
Khi chuẩn bị khâm liệm, mọi người đều vui mừng chứng kiến nét mặt của hiền huynh tỏ vẻ thanh thản, nhẹ nở nụ cười, màu da tươi nhuận hơn màu vàng nghệ lúc hồn mới lìa khỏi xác. Con mắt trái mở ra, ấn chứng thiêng liêng của người Cao Đài chơn tu liễu đạo.
Lễ tang của hiền huynh Đạt Linh được tổ chức thật long trọng và ấm cúng, để tiễn đưa một chánh hội trưởng hết lòng vì Thầy, vì Đạo, đồng thời là một người con chí hiếu, một người chồng, người cha mẫu mực, và cũng là một người bạn đạo tốt của mọi người.
Nhiều vị chức sắc, đạo hữu, dẫu phẩm vị lớn hơn, tuổi đời cao hơn huynh Đạt Linh, đã khiêm tốn quỳ lạy thành kính trước linh cữu, chỉ vì rất quý trọng, khâm phục đạo đức và công hạnh của người quá cố.
Lúc 5 giờ sáng rằm tháng Chạp Mậu Tý, trời se lạnh, rất đông người đã đến thánh thất Bàu Sen đưa tiễn hiền huynh Đạt Linh Nguyễn Văn Tài về nơi an nghỉ cuối cùng trong phần đất riêng của Liên Hoa Cửu Cung (Thủ Đức).
THANH TÙNG
Gò Vấp, 07-02-2009