Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

6/6 NHỚ ĐẠT LINH / VẮNG MỘT NỤ CƯỜI

VẮNG MỘT NỤ CƯỜI
Huệ Khải
Giờ Dậu, tối thứ Sáu 09-01-2009 (14 tháng Chạp Mậu Tý), tại thánh thất Bàu Sen, họ đạo và thân hữu truy điệu anh Đạt Linh. Trước linh cữu, kéo anh Đạt Truyền đứng kế bên cho đủ bạn, lòng dặn lòng cố gắng đừng bi lụy, vậy mà mới đọc hai, ba dòng, tới câu “Thời gian mười năm qua, ba anh em Đạt Linh, Đạt Truyền và Huệ Khải tình thân như thủ túc” thì tôi quá đỗi nghẹn ngào…
Những ngày cuối của anh Đạt Linh, thâm tâm tôi vẫn tin là anh sẽ vượt qua như mấy lần trước. Có dịp gặp nhau, tôi hay nói với anh, trước mặt anh Đạt Truyền: Không sao đâu! Huynh chưa “đi” nổi đâu. Gì gì thì cũng phải đợi bộ sách Các thánh sở Cao Đài in xong hết đã. Chẳng lẽ để tụi tôi mỗi lần in sách phải … đốt cho huynh một cuốn!
Anh Đạt Truyền cười hồn nhiên. Đạt Linh cũng cười tươi, lạc quan.
Tháng 12-2008 in xong cuốn đầu: Các thánh sở Cao Đài tỉnh Long An. Sách chở về thánh thất Bàu Sen xong, chúng tôi liền dâng thánh lễ giờ Ngọ để sớm trình Ơn Trên và tạ ơn. Anh Đạt Linh nâng niu cuốn sách trắng đẹp, vui lắm. Nhưng bản tánh điềm đạm, ít nói, anh chỉ bộc lộ nhiều qua nét mặt.
Niềm vui đó cũng giống như năm 2005, khi chúng tôi vừa làm xong bản thảo của năm quyển: tỉnh Kiên Giang; tỉnh Tiền Giang; tỉnh Vĩnh Long; thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang; miền Bắc (Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa). Dẫu mới chỉ là năm bản photocopy để trình Cơ quan Phổ thông Giáo lý.
Mùa tu Đông chí Mậu Tý, tôi gởi bản thảo Các thánh sở Cao Đài tỉnh Bến Tre ra Hà Nội, mong sẽ sớm có giấy phép để đưa đi in. Trên giường bệnh, anh vui khi nghe báo tin. Nhưng rốt cuộc anh không đợi thêm được. Trước tết nguyên đán, tôi cầm giấy phép in cuốn Bến Tre trên tay, lòng bùi ngùi tiếc nhớ anh biết mấy!
Chính quá trình làm bộ sách Các thánh sở Cao Đài đã thắt chặt tình thân thiết, gắn bó giữa ba anh em chúng tôi. Ban đầu là với anh Đạt Truyền từ khoảng cuối năm 1998 trở đi. Không lâu sau đó là thêm anh Đạt Linh.
Trước kia tôi chỉ biết tên thánh thất Bàu Sen khi đọc thánh giáo, và chưa một lần đặt chân tới. Tánh tôi vốn lười đi đó đi đây, trót quen ru rú ở nhà đọc và viết. Khi cùng làm việc chung với anh rồi cũng vậy. Hiểu tôi, anh không mời mỗi khi Bàu Sen tổ chức lễ trọng thể mừng Giáng sinh hàng năm. Bàn bạc việc gì thì hai anh Đạt Truyền, Đạt Linh cùng ghé tôi, thường dành trọn buổi sáng. Tôi chủ động giúp Bàu Sen thực hiện các tập sách photocopy làm quà tặng phổ biến nội bộ và liên giao (như Thánh thất Bàu Sen xưa và nay, Lời vàng sen trắng, Một mùa sao sáng, Khai xuân tâm đạo…) thì cũng chỉ họp bàn ở nhà tôi, chia việc với hai anh những công đoạn cần thiết.
Cả hai anh Đạt Truyền, Đạt Linh đều luôn nhiệt tình, thật hồn hậu, giàu lòng hy sinh, rất đạo hạnh. Cả hai hạp tánh tôi ở chỗ tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Ba anh em vì thế mà ăn ý nhau suốt ngần ấy năm. Những tháng những ngày định ra lịch làm việc chung hàng tuần ở nhà tôi để duyệt ảnh từng thánh sở, kiểm tra danh sách thánh sở theo từng tỉnh là những kỷ niệm đầm ấm không quên. Thỉnh thoảng, tôi dặn hai anh ghé sớm, đừng ăn sáng. Thế là hiền nội của tôi có dịp “phục vụ” ba ông “đạo hữu” rất chu đáo. Những lúc ăn sáng bên nhau như thế cũng là lúc thư giãn, tâm tình. Qua đó tôi hiểu thêm nguyện vọng của anh Đạt Linh trong cương vị chánh hội trưởng, lúc nào cũng đau đáu muốn nâng tầm họ đạo lên. Tôi biết thêm những nỗi niềm của anh trong hoàn cảnh hành đạo mà tôi hay ví von là “chén dĩa cùng úp chung một rổ, khó bề khỏi va chạm, khua lanh canh, khờn mẻ”.
Tôi chưa từng một lần thấy anh Đạt Linh nổi sân. Nhắc lại những phiền muộn trong lúc hành đạo anh đều nói nhẹ nhàng, vắn tắt. Tôi cảm nhận trong anh không có lòng trách oán.
Những buổi tôi phụ trách đạo đàm, thuyết minh giáo lý, hay giảng bài trong chương trình Bồi dưỡng Giáo lý cấp một tại Cơ quan Phổ thông Giáo lý, anh dự đầy đủ. Cả khi căn bệnh tái phát, hoành hành, anh vẫn gượng đi. Nên hôm nào thấy thiếu anh là tôi đâm lo. Cuối buổi trình bày hay lúc nghỉ giải lao, liền tìm anh Năm Hạnh (em ruột anh) để hỏi thì quả nhiên biết rằng mình đoán đúng: Anh “bết” quá, gượng không nổi!
Các bài nói chuyện ở Cơ quan Phổ thông Giáo lý (quận 1), thánh tịnh Ngọc Điện Huỳnh Hà (quận 2), thánh tịnh Ngọc Minh Đài (quận 4), và Vĩnh Nguyên Tự (Long An) tôi đều làm thành sách nhỏ (khổ A5) để biếu đạo hữu. Tôi luôn photocopy nhiều, phát ra còn dư thì trao hết cho Đạt Linh. Về sau tôi biết anh lẳng lặng sao chụp thêm nhiều lần nữa, để dùng cho nội bộ Bàu Sen, để tặng khi đi liên giao hành đạo các nơi, khi cùng anh Đạt Truyền điền dã chụp ảnh thánh sở.
Tôi còn nhớ buổi sáng Chủ nhật nọ. Hôm ấy tôi phụ trách đạo đàm, trình bày một số trải nghiệm trong việc đọc thánh giáo Cao Đài, xử lý vấn đề từ ngữ, điển cố trong văn bản… Hôm ấy tôi không nghĩ là anh sẽ đến dự vì biết mấy ngày qua anh bị căn bệnh “vật” anh dữ dội. (“Vật” là cách anh nói về những lần bị hành xác.) Nhưng vừa từ phòng hiền huynh Đạt Chánh bước ra, không ngờ lại thấy anh trờ tới trước mặt, tà áo đạo trắng tinh tươm. Anh nói nhỏ: Hôm nay em phải ra đây để “giao cảm” với đạo huynh chớ. Rồi mỉm cười tươi tắn.
Tôi cảm động. “Giao cảm” là hai chữ tôi quen dùng khi viết lời mở đầu cho vài cuốn sách tôi viết. Cũng là hai chữ tôi dùng khi dẫn vào từng cuốn trong bộ sách Các thánh sở Cao Đài.
Tôi nào biết rằng đó là lần cuối cùng anh Đạt Linh đến ủng hộ buổi nói chuyện của tôi.
*
Cuối năm 2007, sau nhiều năm tạm ngưng việc in sách, tôi gởi bản thảo Đất Nam Kỳ - tiền đề văn hóa mở đạo Cao Đài ra Hà Nội xin xuất bản. Trong lúc còn chờ giấy phép, tôi không khỏi nhớ đến những trải nghiệm ngậm ngùi vào hai năm 1995, 1996 khi bản thân tự bỏ vốn in sách; hoặc ba năm 1999, 2000, 2005 khi trót giao bản thảo cho người khác in sách. Những “lắt léo” đã thành “truyền thống” của ngành phát hành sách trong nước vẫn cứ mãi là một trở ngại nản lòng mà dường như ít tác giả nào có thể vượt qua nếu mình tự in sách. Còn giao sách cho “bá tánh” in, thì tôi hay ví von chua chát là giống như… đem con gái gả Đài Loan!
Bài học cay đắng còn đó. Tôi nghiền ngẫm rồi vụt đi tới một quyết định: Ấn tống! Lúc ấy, tôi để dành được chừng chục triệu. Nhẩm tính các khoản, tôi tin đủ in chừng một ngàn cuốn. Bụng bảo dạ, cứ tạm như thế đã.
Sinh thời cụ Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) hay bảo tôi ghé nhà riêng ở số 12/3C đường Kỳ Đồng (quận 3) chơi. Một già một trẻ chuyện trò. Có lần nghe tôi nói xong thì cụ bật cười, và hỏi: “Cháu có thấy là cháu mystique không?” Tôi không chối. Vậy đừng lạ tại sao tôi tin quyết định ấn tống của mình vào cuối năm 2007 là đúng, là có thần minh ám thị.
Thật vậy. Tôi không bao giờ quên buổi sáng ấy. Bảy, tám giờ sáng, tôi đang chăm chỉ gõ phím trước computer thì điện thoại đổ chuông. Bất ngờ quá! Chính là một mạnh thường quân ước chừng mười năm qua tôi không gặp hay liên lạc. Năm 1995, tôi tái bản cuốn sách đầu tay Giải mã truyện Tây du, anh từ phương xa biết được, gởi tiền về để nhận lại một số lớn sách mang biếu các nơi. Anh vốn là tín đồ Hội thánh Truyền giáo, cũng là một nhà khoa học danh tiếng ở xứ người. Với giọng nhiệt thành, sang sảng, anh cho biết suốt buổi tối không ngủ, mải đọc các bài tôi viết, và nghe các bài tôi nói đang tải trên Internet. Đó là lý do anh quay số gọi tôi, tràng giang đại hải cả giờ đồng hồ, xong rồi chỉ hỏi một câu: Anh Dũng đang tính làm gì đó?
Tôi đáp: Ấn tống! Và trình bày rõ việc sắp làm. Anh tán thành liền, hỏi tôi phí tổn bao nhiêu. Nghe nói chừng mười triệu, anh mau mắn bảo hãy dành chỗ tiền đó cho anh công quả, nhưng chớ tiết lộ họ tên của anh. Lại bảo coi như anh “mở hàng” cho tôi làm vốn, có trớn rồi thì tự khắc ấn tống sẽ nuôi ấn tống. (Sau này, thực tiễn qua năm lần họp mặt phát hành sách ấn tống tại thánh thất Bàu Sen đã chứng minh rằng anh bạn ở Hội thánh Truyền giáo “tiên tri” quá đúng.)
Buổi điện đàm sáng thứ Bảy hôm đó (22-3-2008) đúng ngày rằm tháng Hai Mậu Tý, lễ vía Đức Thái Thượng Đạo tổ. Tôi thầm tạ ơn Đức Đạo tổ, tin rằng mình vừa được ban lộc.
Tháng 4-2008 có giấy phép in sách, tôi liền gặp hai anh Đạt Truyền, Đạt Linh mời cả hai giúp sức cùng khởi xướng chương trình Chung tay ấn tống kinh sách Cao Đài. Xin anh Đạt Linh chấp thuận đặt địa chỉ ấn tống tại thánh thất Bàu Sen. Với kinh nghiệm liên giao hành đạo của hai anh, việc gởi thơ mời đạo hữu các nơi rất dễ dàng. Với mặt bằng khang trang, khá rộng rãi, việc họp mặt ấn tống hoàn toàn thuận tiện. (Tất cả việc chuẩn bị thơ mời, chương trình họp mặt, mọi công đoạn giao dịch với nhà xuất bản, nhà in, v.v… thì tôi xin nhận lãnh hết để hai anh khỏi mệt trí.)
Ngày thứ Sáu 06-6-2008, anh Đạt Linh huy động bổn đạo Bàu Sen tổ chức rất thành công buổi ra mắt cuốn sách đầu tiên của chương trình ấn tống. Với hơn chín triệu rưỡi đồng làm vốn của vị mạnh thường quân ẩn danh, trong buổi sáng “khai trương” đạo hữu đóng góp được hơn sáu mươi triệu. Sách được các đạo hữu tình nguyện mang đi các tỉnh, cả vùng sâu vùng xa. Tôi tin chắc không có một hệ thống phát hành nào ở Việt Nam, khi ăn 50-60% huê hồng phát hành sách lại có thể hoạt động hiệu quả như thế.
Thứ Bảy 02-8-2008, họp mặt ấn tống lần thứ hai.
Thứ Bảy 28-8-2008, họp lần thứ ba.
Thứ Sáu 24-10-2008, họp lần thứ tư.
Thứ Năm 01-01-2009, họp lần thứ năm.
Trước mỗi đợt họp mặt, chúng tôi đều tổ chức thánh lễ giờ Ngọ để dâng sớ trình Thầy Mẹ và các Đấng sách mới in và phương danh quý vị mạnh thường quân cùng tổng số tiền công quả của mỗi đợt, đồng thời khẩn nguyện hồi hướng công quả pháp thí về các thánh sở, nhất là về cửu huyền thất tổ của quý vị mạnh thường quân. Anh Đạt Linh quỳ đội sớ, suốt buổi lưng thẳng tắp, thân hình vững vàng như pho tượng. Tôi quỳ bên dưới, nhìn anh, cảm nhận rằng chỉ có bậc chơn tu đạo hạnh mới đủ thần lực làm trọn bổn phận một chánh hội trưởng như thế, dẫu thân xác đang đeo mang trọng bệnh.
Tổng kết chương trình ấn tống trong sáu tháng cuối năm 2008, tính ra in được chín đầu sách mới và tái bản một. Mỗi bản in thường là 3-4.000 cuốn. Ít nhất thì in 1.000 cuốn. (Đạo hữu tại hải ngoại rất tán thưởng loạt sách này, đến nay có vị đã xin phép in lại bốn nhan đề, mỗi cuốn ấn tống hàng ngàn bản.) Có những vị mạnh thường quân xin công quả in trọn một, hai đầu sách. Có vị ở xa, nhờ truy cập Internet biết đến chương trình ấn tống đã nhiệt thành gởi tiền công quả qua bưu điện. Một số linh mục, Ki tô hữu ở Huế, Nam Định, Bảo Lộc, một vài dòng tu Công giáo ở Thành phố, v.v… qua thông tin đăng trên tuần báo Công giáo và Dân tộc đã viết thư hay đích thân cử người đến thỉnh sách ấn tống.
Bàu Sen càng rộn rịp hẳn lên thì công việc dồn lên tấm thân mảnh khảnh của anh Đạt Linh càng nhiều. Nhưng anh không hề than thở. Anh thật sự rất vui trong gánh đạo nhọc nhằn và rất có trách nhiệm. Hễ tôi gợi ý hay bàn bất kỳ chi tiết gì nhằm kiện toàn guồng máy ấn tống thì anh đích thân thực hiện ngay, không chút trì hoãn.
Chưa có kho sách, anh nhường ngay một diện tích lớn trong gian phòng nhỏ hẹp sau lưng Bát quái đài, là phòng riêng của anh (vì anh hầu như đã là người xuất gia từ khi lãnh nhiệm vụ chánh hội trưởng).
Một đêm mưa lớn, nước bắt đầu tràn vào thánh thất. Dẫu đang bệnh, anh tất tả chuyển số sách tạm để ở tầng trệt lên cao, chỉ sợ ướt mấy ngàn cuốn sách chưa kịp đóng kệ tồn trữ. Sách nhờ thế không hư lấy một cuốn.
Lắm khi đạo hữu ở tỉnh xa tìm đến Bàu Sen thỉnh kinh sách bất kể giờ giấc, anh vẫn nhẫn nại tiếp đón ân cần. Tôi hiểu tấm lòng của anh, nhưng càng ái ngại hơn vì đó cũng là những lúc anh bị bào mòn thêm sức khỏe.
Thánh thất Bàu Sen nằm lọt thỏm trong khu bình dân lao động. Đi vào từ đường Trần Phú hay đường An Dương Vương đều dễ thấy rõ ở đầu mỗi con hẻm một cổng cao cao với tấm bảng màu xanh dương kẻ chữ trắng trang trọng: Thánh thất Bàu Sen – Cao Đài giáo lý. Từ lúc làm chánh hội trưởng, anh Đạt Linh đã cho sửa sang hai tấm bảng. Xưa, vị tiền bối sáng lập thánh thất là Phan Thanh (1898-1952) đã lập ra Cao Đài giáo lý viện (Thủ Đức, 1942). Viện giáo lý không còn sau khi tiền nhân quy thiên, nhưng anh Đạt Linh trân trọng giữ lại bốn chữ Cao Đài giáo lý, trong âm thầm, anh nguyện biến đổi Bàu Sen, thay vì chỉ là nơi cúng bái sẽ trở nên một điểm đến tin cậy cho bất cứ ai cần tìm hiểu giáo lý Cao Đài.
Đó là lý do anh quên mình khi mau mắn nhận lời tôi, đưa Bàu Sen làm địa chỉ ấn tống, phục hoạt lại một truyền thống cao quý của các tiền bối đã sớm có từ thời mới mở đạo Cao Đài.
Anh đã tin tôi trọn vẹn kể từ buổi sơ giao.
Con người ấy, nhân cách và đạo hạnh ấy, tôi làm sao quên được.
*
Tối Chủ Nhật 28-12, tôi ghé nhà thăm anh vì nghe anh Đạt Truyền lo lắng cho biết nhiều ngày qua anh không ăn được tí gì cả. Trên chiếc trường kỷ kết hợp làm giường đặt ở ngay phòng khách, anh nằm đắp chăn quá ngực. Ngoài hai em thanh niên ở thánh thất, có mẹ anh, vợ anh, và chị Nguyễn Thị Son (Phó cai quản). Cũng như mọi người, tôi ngồi bệt luôn xuống nền gạch hoa, sát bên chỗ anh nằm. Nhìn vẻ nhọc mệt trên gương mặt anh, hai tròng mắt vàng quạch, tôi ái ngại nắm bàn tay gầy guộc của anh, nhưng chẳng dám hỏi han nhiều tới sức khỏe, bệnh tình, mà nói lảng qua vài việc về cuộc họp mặt ấn tống mừng năm mới 2009.
Thể hình tiều tụy, giọng nói đuối sức, thế mà nghe nói đến ấn tống thì dường như anh chợt khá thêm lên. Đã chuẩn bị xong phần diễn từ khai mạc theo thông lệ, nhưng anh buồn buồn nói rằng sẽ không thể đảm đương nổi, cũng không thể quỳ dâng sớ trình cáo Thầy Mẹ việc ấn tống.
Tôi an ủi, dặn anh yên lòng, gắng dưỡng sức. Mọi việc hãy nhờ hai vị phó cai quản thay thế.
Sáng hôm sau, 29-12, gia đình đưa anh vào bệnh viện Chợ Rẫy.
Sáng thứ Năm 01-01-2009 chúng tôi tổ chức họp mặt đạo hữu lần thứ năm để phát hành ba cuốn sách mới vừa in xong: Bồi dưỡng đức tin (của Ngọc giáo hữu Bùi Văn Tâm, Hội thánh Ban Chỉnh Đạo), Lễ bổn (của tiền bối Cao Triều Phát, Hội thánh Minh Chơn Đạo), và Các thánh sở Cao Đài tỉnh Long An (của Đạt Linh, Đạt Truyền, và Huệ Khải). Ở trong bệnh viện, anh nằng nặc đòi về, gia đình phải khuyên mãi.
Khoảng chín giờ tối ngày 03-01-2009, sau khi cúng cầu giải bệnh cho anh (lần thứ ba) tôi từ thánh thất Bàu Sen vào thăm anh trên lầu 8, Khoa Gan mật, bệnh viện Chợ Rẫy. Muốn ngồi lâu bên anh mà khỏi đả động tới bệnh tình đang xấu hẳn đi, tôi cố ý nói lảng qua những kết quả tốt đẹp trong buổi họp mặt ấn tống hôm tết dương lịch. Vợ anh đứng cạnh giường nói: Mấy hôm rày ảnh cứ buồn buồn, chỉ có huynh Huệ Khải vô nói chuyện ảnh mới cười nổi.
Tôi hiểu chị nói thật, không phải lời xã giao. Anh đi rồi, có lần gặp tại Bàu Sen, chị cho tôi biết: Ảnh quý huynh Huệ Khải lắm. Đang ăn cơm mà huynh gọi điện tới nhờ tìm tài liệu, hình ảnh gì là ảnh bỏ đũa đi tìm ngay cho bằng được.
Thấy quá muộn, anh Đạt Linh giục tôi về. Không ngờ đó là dịp sau cùng còn được trò chuyện với anh. Chiều hai hôm sau tôi trở vào, anh đã được chuyển sang phòng cấp cứu kế bên, đang hôn mê sâu. Vậy mà khi giở tấm chăn lên, tôi thấy bàn tay trái buông thõng bên sườn vẫn nắm chặt, bắt ấn Tý.
Bảy giờ sáng thứ Tư 07-01-2009, bác Ba (mẹ anh) gọi điện nói tôi vào thánh thất gấp, Đạt Linh có lẽ chưa chịu ra đi vì chưa gặp đủ mấy anh em chí cốt. Bác cũng đã gọi hai anh Huệ Ý và Đạt Truyền rồi.
Chúng tôi vây quanh chiếc ghế vải anh nằm. Đọc kinh siêu độ, an ủi dặn dò và hứa hẹn, rồi lại đọc kinh riết cho tới lúc anh trút hơi thở sau cùng, 8g45 sáng.
Tôi ra phòng ngoài, vội soạn cáo phó, chạy nhanh đến tờ tuần báo Công giáo và Dân tộc thân quen, cậy đăng giúp trên số báo sẽ phát hành sáng hôm sau (vì nhiều tín đồ Cao Đài thường xuyên đọc báo này). Tôi cũng tải luôn cáo phó lên Internet.
Sáng rằm tháng Chạp, tôi không thể tiễn anh về nơi an nghỉ ở đất riêng của Liên Hoa Cửu Cung tại Thủ Đức vì còn phụ trách buổi nói chuyện tất niên tại Cơ quan Phổ thông Giáo lý.
*
Anh Đạt Linh đi rồi, những ngày sau đó tôi năng ghé thánh thất Bàu Sen. Để bàn bạc với Ban cai quản những việc tồn đọng, những gì cần xúc tiến liên quan tới chương trình Chung tay ấn tống kinh sách Cao Đài. Bác Ba, thân mẫu anh Đạt Linh, mỗi lần thấy bóng tôi thấp thoáng ở cửa thánh thất (nhìn xéo qua cửa nhà bác, chỉ cách cái hẻm hẹp) thì thế nào cũng bước sang. Gặp lúc tiện bữa cơm, các chị trong thánh thất cầm tôi lại ăn chung với hai, ba bạn đạo ở bộ ván phía sau trù phòng, thì bác liền trở về nhà rồi mang qua dĩa trái cây tráng miệng. Bác hiền lành, ít nói. Anh Đạt Linh đi rồi, bác càng trầm lặng hơn.
Tối thứ Năm, ngày 15-01-2009, sau khi cúng cửu đầu tiên của anh Đạt Linh tại Bàu Sen, Ban cai quản và gia đình anh mời anh Đạt Truyền và tôi nán lại để trao ba mươi triệu đồng chẵn bổ sung ngân quỹ của chương trình Chung tay ấn tống kinh sách Cao Đài. Số tiền này trích từ tổng số tiền phúng điếu hơn năm mươi lăm triệu. Còn lại bao nhiêu được chia ra hai phần: một phần hơn mười hai triệu dành tặng các cụ ở nhà dưỡng lão tại Tòa thánh Tây Ninh; kỳ dư chia ra ủng hộ công tác từ thiện ở Liên Hoa Cửu Cung (Thủ Đức), thánh thất Thái Hòa (quận 1), Phòng thuốc Phước thiện tại Cơ quan Phổ thông Giáo lý (quận 1), và đặc biệt là giúp các đồng nhi của họ đạo Bàu Sen, những người mà sinh thời Chánh hội trưởng Đạt Linh rất thương mến, luôn quan tâm chăm sóc.
Nghĩa cử tiết kiệm chi phí tang lễ, dành trọn tiền phúng điếu để làm từ thiện và làm pháp thí (ấn tống kinh sách) chính là di ý của anh Đạt Linh. Nhiều người rất cảm kích, tự nguyện theo gương. Không lâu sau đó, đạo tỷ Nguyễn Thị Hồng (Sáu Hồng, tín đồ thuộc họ đạo Bàu Sen) quy thiên. Tang lễ tổ chức tại thánh thất Bàu Sen xong, tối ngày thứ Hai, 02-02-2009, gia đình đạo tỷ Sáu Hồng cũng trích một phần lớn trong tổng số tiền phúng điếu để trao Ban cai quản đóng góp vào quỹ ấn tống, ngoài ra thì dùng làm việc từ thiện.
Sáng thứ Sáu, ngày 16-01-2009, gia đình anh Đạt Linh cùng họ đạo Bàu Sen đem hơn mười hai triệu trích từ tiền phúng điếu đi Tây Ninh, để thăm và tặng quà các đạo hữu hiến thân hành đạo tại Tòa thánh Tây Ninh, hiện nay già bệnh đang nương náu tại nhà dưỡng lão. Trên đường về, xe vòng qua ngả Thủ Đức để thăm mộ anh Đạt Linh tại nghĩa trang riêng của Liên Hoa Cửu Cung.
Chiều hôm đó, tôi ghé thánh thất, đang thơ thẩn trong sân một chốc thì mẹ anh Đạt Linh bước sang. Tôi hỏi bác ăn cơm chưa, muộn rồi. Bác nói còn chờ anh Năm Hạnh. Hôm ấy anh ghé bác rất trễ. Bác nhỏ nhẹ giải thích có lẽ anh “bết quá rồi” vì cả ngày đã đi Tây Ninh rồi còn quày về Thủ Đức.
Tôi nhẹ nhàng nắm tay bác, dìu thân hình nhỏ nhắn ấy ngồi xuống chiếc băng đá. Nắng đã tắt từ lâu. Tàn cây sa kê xanh thẫm trên đầu. Tôi bâng khuâng nhớ Đạt Linh. Hễ khi sa kê chín, anh đều cho hái xuống và tự tay lựa hai trái mang tặng tôi. Giọng bác chậm rãi bên tai: Mỗi lần thấy hiền đệ, tôi nhớ Đạt Linh quá!
Tôi chạnh lòng. Cháu cũng nhớ ảnh, bác ơi! Nhớ những lần gặp nhau, anh thường ít nói mà chỉ cười nụ nhẹ nhàng để nhường lời cho kẻ có tật nói nhiều. Nụ cười hiền hậu, tự nhiên khiến cho gương mặt vốn sạm hẳn đi vì căn bệnh mãn tính vụt tươi sáng hẳn lên.
Nhớ những lần ghé thánh thất, tôi ngồi ở bàn ghi tiền hành hương kê nơi chân cầu thang. Lát sau, anh chậm rãi từ tầng trên bước xuống. Bộ bà ba trắng. Chưa đi hết mấy nấc thang chót anh đã nở sẵn nụ cười.
Những ngày này bước vào thánh thất, tôi quen đưa mắt nhìn về cầu thang dẫn lên bửu điện.
Không còn nữa, ôi nụ cười thân thương ấy!
HUỆ KHẢI
(Dũ Lan Lê Anh Dũng)
Phú Nhuận, 15-02-2009