Thứ Hai, 5 tháng 8, 2024

4. PHẢI PHÁT TÂM THỀ NGUYỀN VỚI THẦY

 

4. PHẢI PHÁT TÂM THỀ NGUYỀN VỚI THẦY

Ngày 27-7 Bính Thân (Thứ Sáu 31-8-1956)

THI

NGÔ Đạo ([1]) truyền trao cứu vạn linh

MINH tâm kiến tánh ([2]) đáo ([3]) trung đình

CHIÊU thiên hiển hiện cơ mầu nhiệm

GIÁNG hổ thăng long nhật trình

Bần Đạo chào chư Thiên ân, hướng đạo, và toàn thể môn sinh. 

Chư hiền đồ! Hôm nay lễ bái mạng thọ ân. Kể ra cũng trễ nhiều. vậy mà Đông Phương Lão Tổ phải giảm đi ba mươi sáu ngày mới kịp kỳ khai cơ giáo pháp, nhưng chế giảm thì pháp đạo chưa tinh, cũng như sắc thuốc chưa đúng phân lượng thì người bệnh chậm lành. Nhưng đó cũng bởi nghiệp duyên nơi nầy còn nặng nên có lắm sự ngẫu kỳ.([4])

Mặc dù ngày giờ ít, công việc nhiều, mà mỗi hiền đồ gắng công dốc chí ([5]) còn hơn là thời gian rộng không quyết chí thì việc cũng khó thành.

Bần Đạo được lệnh Phụ Hoàng chủ trì trong đợt tịnh này. Nếu hiền đồ nào tin nơi Ta thì lo gì không thành tựu.

Về phần khẩu khuyết,([6]) Bần Đạo ra lịnh Liên Hoa phải tâm truyền, không nên nghi ngờ mà trái mạng.([7])

Mỗi hiền đồ phải phát tâm thề nguyền với Thầy mới mong kết quả. 

Việc nhập tịnh sẽ dạy kỹ trong các kỳ đàn, cần được lý hội tập thành.([8]) Nhưng có điều phải có nguyện lực,([9]) phải trọn đức tin. Không trọn tin không bao giờ đắc pháp. Không nguyện lực không mấy thuở thành công.

Bần Đạo ước mong lòng giác ngộ của chư hiền quyết tu, việc phải trái không lo. Lo là lo lòng mình còn nuôi phải trái. Từ xưa đến nay trên lịch sử tiến hóa, hễ ai có ý thức nào thì sự ứng hiện tùy theo mình. Tâm giả gặp giả, tâm chơn gặp chơn. Chư hiền đồ chớ ngại.

Bần Đạo buộc phải làm những việc như sau

1. Phải họp nhau mà làm bài Hồng Thệ, xưng tụng hằng ngày theo bốn điểm Bần Đạo đã dạy. 

2. Phải tụng kinh Thông Minh, Nhụy Châu, và xưng tụng công đức Chí Tôn. 

3. Phải kiểm điểm mình mỗi buổi ([10]) trước mặt Thầy bằng kinh Cảm Ứng. 

4. Phải đạo y. 

5. Ăn đúng bữa, tu đúng giờ. 

6. Sửa cải tính tình bằng nét mặt, giọng cười. Khi ngồi, lúc đi cho ra hình Tiên Phật. Nghĩa là tinh tiến, dõng mãnh, hoan hỷ Bồ Tát. Các hiền đồ có đồng ý chăng? 

7. Không lậu Thiên cơ. 

Làm được bảy điểm ấy không

Cứ tin nơi Bần Đạo. 

Còn về chơn truyền, có sửa cải chi thì việc ấy để tự Bần Đạo cùng Tam Giáo. Vì chánh pháp trước ngày vào đợt tịnh này Bần Đạo đã lập thành, nội luật dâng lên Tam Thanh Điện chấp y. Nhưng nơi đây Bần Đạo cũng chế giảm nhiều rồi vì muốn cho Hội Thánh Truyền Giáo có một quyền pháp uy nghi. Chớ nếu tín đồ thì phải y, không một ai được trái luật. Vì vậy mà trong thời kỳ nhập tịnh chế bớt ba bài Tam Giáo, ngoài ra thời y. Kỳ xuất tịnh tùy chư hiền đồ. 

Hôm nay Bần Đạo phụ cũng đã trái lệnh với Tam Giáo. Vì lệnh ngưng cơ, đáng ra chấp bút. Nhưng Bần Đạo cầu xin hồng ân được chế miễn. Hôm sau chư hiền đồ cẩn thận.

Về người sứ mạng, nếu cãi ý Trời thì bị Trời phế, dù việc nhỏ việc lớn cũng vậy. Nên kỳ chỉnh cơ lập pháp cốt là rèn luyện đức tin. Ngoài ra thì Thầy cũng miễn cả, vì không phải người tông đồ hành pháp. Cẩn thận cho lắm. Nhớ, nhớ lấy, chư hiền đồ

Đem y pháp trấn thần. Đốt hương. Đchâu lên trên. Trấn châu. 

Việc Hội Thánh thì cả hiền đồ y theo Thánh ý đã ra. Kỳ nầy toàn đạo nhập tịnh. Chư tín đồ tu công ([11]) cầu nguyện để tránh bớt tai họa của đời

Bần Đạo không muốn xây dựng một cơ sở nào bằng tâm dục vọng. Phải đứng trên đạo pháp mới trường tồn. Lời nói của người thiếu đạo hạnh dù hay cũng hay trong chốc lát; việc làm tài, cũng đứng vững trong chớp mắt mà thôi.

Nếu chư hiền đồ hạnh Bồ Tát,([12]) có tâm bồ đề,([13]) dù cả nửa thế giới công kích cũng vô ích. Có bao nhiêu kẻ phá hoại cũng chẳng đổ xô được. Vì vậy mà chư hiền đồ phải đi trên thuần chơn ngã,([14]) mặc ai tiếng thị lời phi. thị phi ó dậy ([15]) đi nữa, tai Bồ Tát nghe như lời tụng niệm kinh kệ, không thấy thù mà là bạn Linh Sơn cốt nhục.([16])

Đán,([17]) hiền đồ còn lịnh hai mươi sáu ngày nữa. Có đủ điều kiện thì vào Nam để biết qua tình hình điều chỉnh sự lệch lạc trong tình huynh đệ

Ngoài Hậu, Cư, Tín. Có việc bất trắc ([18]) thì được quyền đến Hiệp Thiên Đài cầu xin chấp bút. Nhưng không lo gì; các Thánh Tử Đạo đã hộ trì chế ngự. 

Việc ngoại giao, nội bộ sẽ do Huỳnh Chơn Nhơn lo trong đợt này. Chư hiền yên tâm mà tu học. 

Việc lập thất phải được hành sự sáu tháng mới ban lịnh và cho hiệu. Ngoài Giáo Tông, chư hiền trong Lưỡng Đài có quyền, nếu đúng luật. Lấy chữ “Trung” đặt đầu các hiệu thất.

Vậy, Bần Đạo mười sáu hôm sẽ đến một lần. Chư hiền làm xong bài Hồng Thệ rồi đến giờ Tý ngày mai vào công phu. Ngoài hai tháng mười ba ngày, muốn giữ hoặc tạm nghỉ cũng được, nhưng cấm lậu truyềnNgoài đợt nầy còn hiền đồ nào công phu tập sự cũng được.

Vậy đợt một thì ba, sáu, chín, mười hai. Liên Hoa y lệnh. 

Bần Đạo ban ơn. Bần Đạo thăng.

*



Huệ Khải chú thích:

([1]) Ngô Đạo 吾道: Đạo của Ta.

([2]) minh tâm kiến tánh 明心見性: Sáng lòng (không còn bị dục vọng che lấp) thì thấy được bổn tánh, tức là đắc đạo, thành Phật thành Tiên. Nhà Phật nói là “kiến tánh thành Phật” 見性成佛 (thấy tánh thành Phật).

([3]) đáo : Đến; tới.

([4]) ngẫu kỳ 偶奇: Ngẫu nhiên kỳ lạ; tình cờ khác thường.

([5]) dốc chí: Dồn hết tâm chí vào một việc.

([6]) khẩu khuyết: Khẩu quyết 口訣; lời truyền miệng để dạy riêng cho đệ tử một cách tu luyện.

([7]) trái mạng: Không làm đúng theo mệnh lệnh (mạng lịnh).

([8]) lý hội 理會: Lãnh hội 領會; hiểu rõ; hiểu thấu. tập thành 集成: Gom góp lại; kết tập lại.

([9]) nguyện lực 願力: Sức mạnh của lời thề nguyền. Người tu nhờ lập nguyện, phát nguyện mà thành đạo. Người xưa nói: Vô nguyện bất thành Phật dữ Tiên; Phật Tiên vô nguyện bất điều hiền. 無愿不成佛與仙; 佛仙無愿不調賢. (Người không lập nguyện chẳng thành Phật Tiên; Phật Tiên chẳng độ người không lập nguyện.) Sinh thời, ngài Ngô Minh Chiêu có dịch bốn lời đại nguyện của các bậc cổ đức thành lục bát như sau: Một là sanh chúng hằng hà / Dốc lòng cứu vớt, lòng ta thề nguyền / Hai là phiền não nối chuyền / Thề nguyền đoạn tuyệt như thuyền ra khơi / Ba là chí học chiều mơi / Phép mầu sâu nhiệm, thảnh thơi có ngày / Bốn là Phật Đạo công dày / Nguyện thành chánh quả kíp tày chí ta. (Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ/ Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn/ Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học/ Phật Đạo vô thượng, thệ nguyện thành. 眾生無邊誓願度 / 煩惱無盡誓願斷 / 法門無量誓願學 / 佛道無上誓 願成.)

([10]) mỗi buổi: Mỗi thời cúng.

([11]) tu công: Công phu, cúng nước, quỳ hương.

([12]) hạnh Bồ Tát: Bồ Tát hạnh 菩薩行; cũng gọi Bồ Tát đạo 菩薩道. Con đường tu tập của bậc Bồ Tát để thành Phật, đó là tự lợi lợi tha 自利利他 (làm lợi cho mình và cho người khác); vì thế, mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý niệm đều hướng về chúng sanh, vì lợi ích chúng sanh.

([13]) tâm bồ đề: Bồ đề tâm 菩提心; tâm đạo; tâm cầu mong thành Tiên thành Phật. Tâm bồ đề là ruộng tốt nuôi dưỡng hạt giống sinh ra Tiên Phật. Có phát tâm này thì mới ham tu hành. Tâm bồ đề là chỗ bắt đầu của thệ nguyện cầu đạo, tu hành.

([14]) thuần chơn vô ngã 純真無我: Thuần chơnhồn nhiên 渾然 và không ô nhiễm, tức là vô nhiễm 無染. Vô ngã là không có cái ta tư riêng; không có cái tôi.

([15]) ó dậy: Lớn tiếng cự cãi vang dội.

([16]) Linh Sơn 靈山: Núi Linh Thứu 靈鷲山 (thứu: chim kên kên). Trên núi này Đức Phật Thích Ca đã thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa 妙法蓮華經, gọi tắt là kinh Pháp Hoa 法華經. Những ai có mặt nghe pháp lúc ấy là những người dự hội Linh Sơn (Linh Sơn hội thượng nhân 靈山會上). Người tu thường gọi tình bạn đạo thân thiết là tình Linh Sơn cốt nhục. Cốt nhục 骨肉 là xương thịt, nghĩa bóng là tình máu mủ cùng cha cùng mẹ rất mực thân thiết. Khi người tu nói tới tình Linh Sơn cốt nhục, hoặc nói tắt là tình Linh Sơn, ngụ ý rằng chúng ta đâu phải mới gặp nhau, mới biết nhau kiếp này; đúng ra, xa xưa trong nhiều kiếp, chúng ta đã cùng dự hội Linh Sơn, cùng nghe Đức Thế Tôn giảng kinh Pháp Hoa. Sâu xa hơn, khi nhắc nhau tình Linh Sơn tức là ngụ ý hãy giữ cho tâm chúng ta gần gũi nhau trong đạo mạch thiêng liêng, vi diệu để cùng thương nhau, hiểu nhau, cảm thông nhau, bảo bọc nhau, quyết không để lòng phàm tánh tục chia cách đồng đạo chúng ta.

([17]) Như Sơ Nguyễn Đán (1905-1958).

([18]) bất trắc 不測: (Nói về sự rủi ro) không lường trước được, không ngờ được.