ÁI HOA KHÔNG CÒN NỮA
Ngoài
công việc biên khảo và dịch thuật (Anh, Đức, và Trung văn) LÊ ANH MINH thỉnh thoảng ngẫu hứng cũng viết tản văn. Chưa đầy bảy
trăm từ, “Ái Hoa Không Còn Nữa” là một ngẫu hứng mang tới cho chúng ta ít nhiều
ý tứ nằm ngoài lời lẽ…
*
Cứ mỗi lần mở tủ sách, tôi thường liếc nhìn một cách
vô thức quyển truyện cũ nát được xếp ngay ngắn trong góc tủ. Đã bao nhiêu năm
qua, quyển sách chiếm cứ góc tủ ấy cũng như chiếm cứ cái vị trí mơ hồ trong
tiềm thức tôi, gợi cho tôi ít nhiều bâng khuâng tư lự.
Mười năm trước, dừng chân nơi một hiệu sách cũ vào
một chiều mưa lạnh, tôi chợt phát hiện nó. Đó chỉ là một cuốn truyện dịch tầm
thường, gáy đã sờn, bìa lưng đã mất và người bán sách đã dán một bìa tập học
trò thay vào đấy. Lật bâng quơ vài trang, tôi bỗng giật mình. Một hàng chữ viết
tháu bằng bút bi đỏ hiện trên một trang sách: “Ái Hoa không còn nữa!” Thế là tôi quyết định mua cuốn truyện ấy.
“Ái Hoa không còn
nữa!” - Hàng chữ này kể từ dạo ấy đã lảng vảng
trong tâm trí tôi như một lời cảnh tỉnh. Thỉnh thoảng mở cuốn truyện ra ngay
trang có hàng chữ này, tôi càng thêm hiếu kỳ. Nét chữ viết đàn ông rất tháu
bằng mực đỏ, nét bút hằn sâu trên trang giấy, nét mực bị đứt đoạn không đều hẳn
là được viết bằng cây bút sắp hết mực. Tôi đọc kỹ trang sách, thấy nội dung không
ăn nhập gì với hàng chữ ấy. Ái Hoa là ai đối với người viết? Vợ? Con gái? Em
gái? Tình nhân? Thật không thể nào đoán được. Nhưng qua nét bút, tôi nghĩ rằng
dường như trong lòng người viết có vô vàn những quyến luyến, yêu thương, giày
vò, đau đớn, ăn năn, hối tiếc.
Anh ta muốn đọc sách truyện gì đó để tìm một chút
khuây khỏa, nhưng hình ảnh nhân vật Ái Hoa lại hiện về, gợi bao nỗi thương tâm.
Và không dằn được, anh đã vớ một cây bút bất kỳ trong tầm tay - không biết đó là
cây bút đỏ gần hết mực - rồi nguệch ngoạc mấy chữ, nét bút
rất mạnh hằn sâu lên trang giấy, dường như anh ta muốn phóng phát những dồn nén
trong lòng.
Hạnh phúc là
những gì ta đang có mà ta không ý thức sự hiện hữu của chúng, chỉ khi mất đi
rồi mới luyến tiếc ăn năn. Một ánh mắt quan tâm, một cái nhìn trìu mến, một lời
nói dịu dàng, hay một cử chỉ lo lắng chăm sóc của những người thân yêu: có bao
giờ ta biết trân trọng? Công việc hàng ngày quá bề bộn và vội vã, cuộc mưu sinh
không dễ dàng, những giao tế thù tạc không thể tránh né? Hay vì ta nghĩ rằng
hạnh phúc là những gì quá cao siêu, rất đỗi phi phàm mà suốt đời người ta truy
cầu nhưng chẳng thấy? Cho nên ta không biết trân trọng những giây phút ngắn
ngủi hiếm hoi đầm ấm với người thân và ta quá lơ là lãnh đạm với những lời nói
hay cử chỉ dịu dàng trìu mến của họ.
Mỗi người trong gia đình dường như ngày càng xa cách
nhau thêm. Những giờ phút sum họp đầy đủ những thành viên trong gia đình trở
nên quá hiếm hoi dù chỉ là quây quần trong vài phút. Một hôm nhận ra người thân
yêu không còn nữa trên cõi đời này, ta chợt giật mình tỉnh ngộ. Hối tiếc phải
chi ta cư xử tốt hơn, khoan dung hơn, dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc
hơn. “Ái Hoa không còn nữa! Lẽ ra...,
phải chi..., ước gì..., giá mà..., nếu như...” Nghìn lời vạn tiếng giờ đây
cũng chỉ là không.
Mỗi người đều có một Ái Hoa, sớm hoặc muộn. “Ái Hoa không còn nữa!” - “Ái Hoa không còn nữa!” - “Ái Hoa không còn nữa!” - Mong rằng đó sẽ
chỉ là những lời thương nhớ xót xa hoài vọng, chứ không phải là những lời hối
tiếc ăn năn giày vò mãi mãi trong tâm khảm của ai đó trong chúng ta.
LÊ
ANH MINH
Bà Chiểu,
05-12-1998
Tuần san Sài
Gòn Thứ Bảy
số 410, ngày 12-12-1998.