MÁ ƠI!
“Má
ơi!” không chỉ là một tiếng gọi suông, nó có nhiều hàm nghĩa với những cách
phát âm và ngữ điệu khác nhau. Một người mẹ tinh tế và nhạy cảm như DEBORAH SHOUSE (sinh năm 1949) đã có
thể nhận thấy mỗi một thay đổi âm sắc là một “thông điệp” tương ứng với một
tình huống mà bé muốn gởi đến mẹ, dù trẻ chưa biết nói. Sau này, dẫu rằng đứa
con đã khôn lớn đến đâu, có mái ấm riêng tư hoặc thành đạt trong xã hội thế nào
chăng nữa, thì trong ánh mắt của mẹ, đứa con vẫn luôn luôn bé bỏng như thuở nào
mới biết gọi “Má ơi!”. Và rồi chính bản thân người mẹ, trong một tình huống nào
đấy cũng cần, rất cần, thốt lên hai tiếng thiêng liêng ấy như để tìm kiếm một
sự ủi an, sẻ chia, và khuyên bảo.
“Má ơi!” tiếng một bé gái vang lên trong cửa hàng đang bán mua tấp nập. Tôi quay
về hướng ấy. Những bà mẹ khác cũng làm thế. Thật ra tôi đi mua sắm một mình và
hai đứa con gái tôi đã lớn hơn cháu bé gọi mẹ vừa rồi. Nhưng hễ nghe hai tiếng “Má
ơi!” tôi luôn sẵn sàng ra tay, sẵn sàng cứu giúp.
Giống như Quốc Tế Ngữ (Esperanto),
Má có ý nghĩa phổ quát và cái âm ngắn gọn này lại hàm ngụ biết bao điều.
“Má ơi, má!” Tiếng
gọi gợn trong giấc ngủ của tôi. Jessica vừa làm rơi con gấu nhồi bông của cháu;
cái chăn vừa chệch khỏi tầm tay. Tôi lấp vấp đi vào phòng cháu, chèn con gấu
nhồi bông bên cạnh cháu, vuốt phẳng tấm chăn đắp trên người cháu, tựa vào lớp
lan can thành giường, hôn cháu và thầm thì nho nhỏ lời vỗ về, âu yếm. Khi hai
mắt cháu khép lại, tôi lần dò trở lại giường mình. Cũng chẳng cần bật đèn vì
quá quen thuộc lối đi.
Ngay cả sau khi tôi lái xe
ra khỏi cái nhà trẻ tốt nhất thành phố, tiếng gọi của cháu “Má ơi, má!” cứ
nhói lòng tôi. Tất cả giáo viên ở đây đều có trình độ đại học và tốt bụng thực
lòng. Phòng ốc sáng sủa, trẻ nhỏ thuộc nhiều thành phần, chia làm các nhóm nhỏ,
nội dung giáo dưỡng rất hào hứng và sôi nổi. Thế nhưng khi bước ra khỏi nơi ấy,
một điều gì đó trong tôi đã lên tiếng kêu thương, đau khóc.
Có lần từ văn phòng làm
việc, tôi gọi điện đến nhà trẻ, mong được nghe vẳng lại tiếng cháu khóc. Cô
giáo của cháu đã trấn an tôi: “Ồ, lúc chị đi khỏi, Jessica đã nín rồi.”
Má được các từ điển định nghĩa là “một phụ nữ có con”. Nhưng qua nhiều năm
tháng, các con tôi - bé đầu lòng Jessica và cô em Sarah nhỏ hơn bốn tuổi - đã dùng tiếng
ấy với nhiều ý nghĩa hàm ngụ hơn.
Hồi bốn tuổi, hễ Sarah
khóc “Ma-a-á!”, tôi biết ngay cháu đã
cài lộn nút áo hoặc dây khóa kéo bị kẹt.
Lúc bảy tuổi, Jessica kêu
thét lên “Ma-a-á má!”, giọng điệu trách móc. Ấy là cháu không tìm thấy chiếc vớ lẻ loi cho đủ
một đôi. Khi cháu lớn lên, giọng cũng thay đổi. Khi cháu uốn giọng gọi mẹ cho
ngọt ngào, tôi hiểu cháu muốn tôi ủi giúp chiếc áo đầm màu vàng.
Ở tuổi mười ba Sarah gọi lớn tiếng “Ma-á!”.
Vào buổi sáng, khi cháu đã trễ học rồi, thì tiếng gọi “Ma-á-a!” có nghĩa là: “Con muốn quần áo mới, chẳng thèm những thứ
cũ xì này nữa.”
Jessica lúc đến tuổi có
thể lái xe đi học mà vẫn gọi “Ma-á
há" khi nào quần áo của cháu không sạch, nhăn nhúm hay trông phát
chán. Chỉ đến bây giờ, tiếng gọi “Ma-á
há” của cháu có thể hiểu được là: “Má ơi, làm ơn cho con mặc ké cái áo lụa
mới của má nhé?”
Sarah gần mười bảy tuổi,
hiếm khi cháu mới gõ cửa phòng tôi vào buổi sáng. Nhưng khi nghe cháu gọi “Má-á?”, tôi vẫn nhận ra chút gì khổ sở
trong giọng nói. Tôi hỏi mà còn ngái ngủ: “Muốn nhờ mẹ đánh máy bài làm ở
trường phải không?”
Cháu gật đầu rồi oà khóc:
“Má ơi, anh John giận con. Không biết tại sao. Ảnh chẳng thèm nói chuyện với
con...”
Tôi choàng tay ôm lấy con
gái. Tôi pha trà, đưa cháu hộp khăn giấy và đợi cháu nói tiếp. Thâm tâm, một
phần tôi muốn chở che cháu trước cái quân dã man đã làm cháu khóc mướt, một
phần tôi biết rằng cháu đang gượng sức chống chỏi với nỗi đau.
“Má ơi, con phải làm sao
đây?”
Lời cháu khẩn nài như mũi
tên khoét vào tim tôi. Tôi ước gì câu trả lời vẫn còn đơn giản được như ngày
xưa khi cháu còn bé. Phải chi vẫn như xưa để tôi có thể tìm cho cháu chiếc bít
tất, cho cháu mượn chiếc áo và tôi khỏi phải đóng vai người hùng để cháu cầu
cứu lúc này.
Thế nhưng giờ đây chính
tôi cũng gặp khó khăn. Tôi oải quá rồi. Tôi cảm thấy
trách nhiệm đối với bản thân và đối với hai cô con gái bào mòn sức lực của
mình. Tôi ngấy phải làm một người lớn. Tôi thổ lộ với bạn bè và được họ cảm
thông. Tôi nói với anh tôi giúp giải quyết vấn đề. Tôi còn cần nhiều hơn nữa.
Thế là tôi
quay một số điện thoại quen thuộc mà tôi có lần đã gọi về từ trường đại học,
rồi từ chuyến xe ở Alabama ,
từ một căn nhà bên Đức, và từ vô số những nơi nghỉ chân xuyên suốt miền
trung-tây nước Mỹ.
“A-lô?” Giọng nói khàn khàn, do dự.
“Má?” Tôi gọi.
“Con đấy hả? Khỏe chứ con?” Má tôi hỏi.
Dù sao mặc
lòng, đó là tất cả những gì tôi muốn nghe.
LÊ ANH MINH
Bà
Chiểu, tháng 4-1998
Bản tiếng Việt đăng tạp chí Yêu Trẻ,
số 110, ngày 01-5-1998.
Dịch từ tiếng Anh: Mom’s the One, 1998.