BÓNG DÁNG SAU LƯNG
CHU TỰ THANH 朱自清 tự là
Bội Huyền 佩弦, người làng Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang,
sinh năm 1898, bệnh mất tại Bắc Kinh (1948). Tốt nghiệp khoa Văn-Triết trường
Đại Học Bắc Kinh (1920), ông dạy văn chương tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, và
tại Dương Châu, tỉnh Giang Tô. Từ 1925 đến khi mất, dạy văn chương Trung Quốc
tại Đại Học Thanh Hoa. Những dịp nghỉ hè, ông sang châu Âu học tập. Tác phẩm
rất nhiều, đủ thể loại...
Trích
trong tập truyện Bối Ảnh
(xuất bản năm 1928), Bóng Dáng Sau Lưng
như có hơi hướm bức tranh thủy mặc Trung Hoa. Ở đó, chân dung người cha không
được vẽ lại với cái nhìn thẳng vào gương mặt, vậy mà tưởng như ta có thể nhìn
thấy diện mạo người cha ấy, ngờ ngợ như đã có lần gặp ông đâu rồi. Phải, cái
dáng dấp hơi thô kệch nhưng rất đỗi tỉ mỉ trong những cử chỉ dịu dàng khi chăm
chút cho đứa con.
Bố và tôi không gặp nhau đã hơn hai năm
nay. Không bao giờ tôi quên được dáng người của bố nhìn từ sau lưng.
Mùa đông năm ấy bà nội qua đời nhằm lúc bố mất việc.
Quả tình họa vô đơn chí. Từ Bắc Kinh tôi ghé Từ Châu, định bụng gặp bố để về
quê lo việc tang ma. Đến Từ Châu, nhìn sân nhà ngổn ngang đồ đạc, lại chạnh nhớ
bà, tôi không cầm được nước mắt. Bố bảo: “Chuyện đã đến thế cũng chẳng phải
buồn rầu. Còn may chưa đến nỗi cùng đường.”
Về quê nhà, cầm cố đồ đạc vẫn không đủ đâu vào đâu,
bố phải vay tiền mượn bạc lo liệu ma chay. Những ngày ấy, cảnh nhà thực ảm đạm,
phần vì tang tóc, phần vì bố mất việc.
Làm đám xong, bố đi Nam Kinh tìm kế mưu sinh, tôi về
Bắc Kinh tiếp tục học hành. Hai bố con đi cùng một chuyến. Tới Nam Kinh, bè bạn
tôi kéo đi chơi, cầm chân hết một ngày. Sáng hôm sau tôi qua sông đi Phố Khẩu,
chiều đáp tàu hỏa đi Bắc Kinh. Bố bận việc, bảo không tiễn chân được. Anh dọn
phòng của quán trọ vốn quen đường thuộc sá, bố nhờ đưa tôi đi. Bố dặn dò anh
hai ba lượt, chu đáo cặn kẽ. Rồi bố lại phân vân do dự hồi lâu, e rằng anh ta
thiếu cẩn trọng. Thực tình năm ấy tôi đã hai mươi tuổi đầu, từng lui tới Bắc
Kinh một đôi lần, bố đâu phải bận lòng quá như vậy. Băn khoăn hồi lâu, rốt cuộc
bố nhứt định đích thân đưa tôi lên đường. Tôi cản mãi, bất tất phải thế. Nhưng
bố bảo: “Không sao mà. Anh ấy đi thì chẳng tiện.”
Hai bố con qua sông đến ga. Tôi mua vé còn bố coi
hành lý. Đồ đạc nhiều, phải tốn chút ít tiền trà nước cho mấy người khuân vác.
Bố lại mất công kỳ kèo mặc cả với họ. Lúc ấy tôi cho rằng mình lanh lợi lắm mà
bố thì thiếu hoạt bát, ắt phải có tôi xen vô mới được. Nhưng rồi bố cũng ngã
giá xong và đưa tôi lên tàu. Bố chọn cho tôi một chỗ gần cửa sổ, căn dặn tôi
dọc đường phải cẩn trọng, ban đêm phải coi chừng, kẻo mà cảm lạnh. Bố còn gửi
gắm anh phục vụ trên toa chăm sóc, giúp đỡ tôi. Tôi nghĩ bụng sao mà bố lẩm cẩm
thế, mấy người phục vụ này chỉ biết có tiền, dặn họ cũng bằng thừa. Vả lại tôi
nay đã lớn, há không xoay xở một mình được ư? Chao ôi, bây giờ nhớ lại, sao hồi
ấy tôi “thông minh” đến thế!
Tôi nói: “Bố ơi, bố về đi.” Bố nhác trông ra ngoài
toa, bảo: “Con ngồi đây, chớ đi đâu, để bố mua mấy trái quít.” Nhìn xa, bên
ngoài hàng rào chắn các bậc thềm lên xuống của sân ga, tôi thấy có mấy người
bán buôn vặt vãnh chi đó. Đến được chỗ họ phải băng qua đường ray, leo qua hàng
rào, rồi nhảy xuống. Bố người đẫy đà, tới được đó mà mua vài trái quít thì mệt
lắm. Tôi muốn đi thay nhưng bố không chịu, đành để bố đi vậy. Tôi thấy bố đội
cái nón vải đen nhỏ, mặc áo ngắn đen, choàng ra ngoài manh áo xanh đen vì đang
chịu tang bà tôi. Bố lom khom đi về phía đường ray. Bước qua đường ray rồi leo
qua rào cũng chẳng dễ gì. Bố bám vào phía trên hàng rào và đu người lên, tấm
thân đẫy đà nghiêng sang bên trái, vất vả làm sao. Nhìn dáng bố phía sau lưng,
mắt tôi bỗng nhòa lệ. Tôi vội vàng lau nước mắt, sợ bố và người ta bắt gặp. Khi
ngước nhìn qua cửa sổ toa tàu, tôi thấy bố cầm trong tay mấy trái quít chín đỏ.
Lúc sắp băng qua đường ray, bố để quít dưới chân hàng rào, rồi khó nhọc leo
qua, xong lại cầm mấy trái quít đi lên thềm ga. Bố sang đến bên này, tôi lật
đật xuống đón. Bố theo tôi leo lên toa, rũ bụi đất bám trên áo, nom ra vẻ bằng
lòng. Lát sau, bố bảo: “Thôi, bố về nhé. Tới nơi nhớ biên thư bố hay.” Bố đi,
tôi cũng xuống dõi mắt trông theo. Được mấy bước, quay lại thấy tôi còn đứng
đó, bố giục: “Lên toa ngồi đi con. Trển đâu có ai!”
Tôi vẫn đứng yên tại chỗ, đến khi bóng dáng bố đã
nhập nhòa vào đám đông tôi mới trở về toa, nước mắt lại trào ra.
Mấy năm gần đây hai bố con cứ phải bôn ba kiếm sống.
Cảnh nhà mỗi lúc một suy sụp hơn. Bố từ thuở nhỏ đã phải sớm tự lập mưu sinh và
cũng đã gầy dựng được chút sự nghiệp. Ngờ đâu đến buổi xế chiều lại khốn đốn
thế này. Bà qua đời, đã quẫn bách lại càng thêm quẫn bách, và bố không tự kềm
chế được. Tâm tư u uất, chuyện vặt vãnh trong nhà cũng đủ làm bố nổi giận. Lâu
ngày bố đối xử với tôi có khác hơn khi trước.
Nhưng mới hai năm nay không gặp lại nhau, bố đã quên
hết những chuyện chẳng hay ho gì đối với tôi, mà chỉ nhớ tôi, nhớ đám cháu nội.
Sau khi tôi về Bắc Kinh, bố viết thư bảo tôi rằng: “Bố trong người cũng khỏe,
hiềm hai vai nhức mỏi nhiều, cầm cái chén đôi đũa cũng khó khăn. Ngày đi chắc
cũng sắp rồi...” Đọc tới đó, nước mắt tôi bỗng tuôn trào. Qua màn lệ nhạt nhòa,
tôi hình dung bóng dáng sau lưng của bố, cái dáng đẫy đà trong chiếc áo khoác
ngoài xanh đen, đội cái nón đen. Hỡi ôi, biết đến bao giờ mới nhìn thấy bố nữa!
LÊ
ANH MINH
Bà Chiểu, 05-6-1994
Bản tiếng Việt đăng Người Lao Động (bộ mới),
số 58, ngày 21-02-1995.
Dịch từ Trung văn: Bối Ảnh, 1928.