CỬU VẠN TRÊN NÚI
Nhà văn hiện đại PHÙNG KÝ TÀI 馮驥才 sinh năm 1942
tại Thiên Tân, nguyên quán huyện Từ Khê, tỉnh Chiết Giang. Từ thuở nhỏ ông đã
yêu thích mỹ thuật, văn học, âm nhạc, hoạt động thể thao. Năm 1960, tốt nghiệp
Cao Trung xong, ông công tác tại Hội Nghiên Cứu Hội Họa Truyền Thống Trung Quốc
tại Thiên Tân. Đối với nghệ thuật dân gian và phong tục địa phương, ông có tình
cảm rất sâu đậm. Năm 1974, ông điều hành Xưởng Mỹ Thuật Công Nghệ ở Thiên Tân.
Năm 1978, ông điều hành Phòng Sáng Tác Và Bình Luận (thuộc Cục Văn Hóa Thiên
Tân); sau đó làm chủ tịch Hội Liên Hiệp Văn Học Thiên Tân, chủ tịch Hiệp Hội
Văn Nghệ Dân Gian Trung Quốc, hội trưởng Hội Tiểu Thuyết Học Trung Quốc, v.v...
Tác phẩm của
ông gồm có: Nghĩa Hòa Đoàn (viết chung với Lý Định Hưng, hoàn tất năm 1977); Phô Hoa Đích Kỳ Lộ (Lối Rẽ Trải
Hoa, 1979); A! (1979); Điêu Hoa Yên Đẩu (Ống Tẩu Khảm Hoa, 1979); Ý Đại Lợi Tiểu Đề Cầm (Cây Đàn Vĩ Cầm
Ý); Vụ
Trung Nhân (Người Trong Sương Mù); Cao Nữ Nhân Hòa Tha Đích Ải Trượng
Phu (Người Đàn Bà Cao Và Ông Chồng Lùn, 1982); Nhất Bách Cá Nhân Đích Thập Niên (Mười Năm Của
Trăm Người); Thần Đăng (Đèn Thần); Ngã Tâm Trung Đích Văn Học (Văn Học Trong
Tim Tôi); v.v... Nhiều tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức,
Nhật, Nga.
Phùng
Ký Tài viết Cửu Vạn Trên Núi (Khiêu Sơn Công) nhân dịp
lên núi Thái Sơn (1983). Truyện được trao giải thưởng văn xuôi xuất sắc toàn
quốc năm 1983. Tác giả kinh ngạc trước công việc nặng nhọc và khâm phục tinh
thần nhẫn nại của những người sơn cước làm nghề gánh hàng lên núi. Trong
truyện, lời giải thích của tay cửu vạn vì sao gánh nặng lên núi lại đi nhanh
hơn kẻ thong dong nhàn tản là cả một triết lý sâu sắc về nghệ thuật sống và lao
động, nhất là lao động sáng tạo.
Trên núi Thái Sơn, đâu đâu cũng gặp cửu vạn. Trên vai
họ là chiếc đòn gánh trơn bóng. Hai đầu đòn gánh có vài sợi dây máng vật nặng.
khi lên núi, một tay họ giữ lấy đòn gánh, một tay đánh đòng xa để giữ thân mình
thăng bằng. Đường đi của họ theo đường gấp khúc.
Lúc đầu khởi bước từ bên trái của bậc thềm, họ đi
xiên lên trên. Lên được bảy tám bậc đến bên phải bậc thềm thì họ xoay người.
Mỗi lần xoay người, họ chuyển đòn gánh từ bờ vai này sang bờ vai kia. Họ đi lên
theo đường gấp khúc như vậy để cho vật nặng treo ở một đầu đòn gánh không va
vào bậc thềm, lại còn bớt được khí lực. Nếu gánh vật nặng mà đi giống như du
khách thông thường, tức là đi thẳng lên trên hay thẳng xuống núi, thì đầu gối
sẽ không chịu nổi. Nhưng đi theo đường gấp khúc thì đường đi sẽ dài thêm ra.
Mỗi lần lên núi, đường đi của cửu vạn dài gần gấp đôi đường đi của du khách.
Điều kỳ lạ là tốc độ cửu vạn di chuyển không chậm hơn
du khách. Khi bạn thong dong đi ngang qua họ, bạn nghĩ bạn sẽ bỏ xa họ sau
lưng. Khi bạn dừng ở một chỗ nào đấy ngắm nhìn phong cảnh xinh đẹp, hoặc đứng
ven đường đọc những câu thơ của cổ nhân được tạc trên vách núi, hoặc dừng lại
rửa mặt rửa chân bên khe suối róc rách thì họ lặng lẽ đi ngang qua bạn, rồi đi
trước bạn. Đến khi bạn phát hiện, bạn hẳn kêu ồ lên một tiếng kinh ngạc, ngỡ
rằng họ là những vị tiên cưỡi mây đạp gió lên trước bạn.
Có một lần, tôi cùng vài bạn họa sĩ lên Thái Sơn để
vẽ ký họa, nên đã gặp tình huống ấy. Ở chân núi, chúng tôi mua gậy trúc để đi
lên núi thì gặp một tay cửu vạn, dáng người thâm thấp, mặt đen đen, chân mày
rậm, chừng bốn mươi tuổi là cùng. Chiếc áo ngoài rộng rãi màu cháo lòng lộ ra
chiếc áo chẽn màu đỏ bên trong. Một đầu đòn gánh là cái băng ghế gỗ, còn một
đầu là năm sáu quả dưa hấu xanh vỏ. Chúng tôi vượt qua anh ta rất nhanh. Đến
dốc Hồi Mã, chúng tôi mệt, bèn thoải mái nằm nghỉ trên phiến đá lớn vốn được
gió núi quét dọn sạch sẽ. Chúng tôi phát hiện anh chàng cửu vạn hồi nãy đang
ngồi trên bãi cỏ đối diện nghỉ chân và hút thuốc. Ngay sau đó chúng tôi và anh
ta gần như cùng lúc đi tiếp. Rất mau chóng, chúng tôi bỏ anh ta ở phía sau,
không thấy bóng anh ta đâu. Khi chúng tôi leo đến cái đình nghỉ mát Ngũ Tùng ở
lưng núi, thì chợt thấy bên cội tùng già dáng vẻ kỳ dị chính là anh ta, đang
sửa lại quang gánh. Chiếc áo ngoài rơi xuống, lộ rõ cái áo chẽn màu đỏ, bắp tay
ngâm đen rắn rỏi. Tôi rất kinh ngạc, bèn đến bên anh ta bắt chuyện. Người dân
sơn cước này nói chuyện rất hồn nhiên. Anh nói nhà anh ở chân núi, ngày ngày
gánh hàng lên núi. Công việc này tính ra đã gần hai mươi năm rồi. Mỗi năm bốn
mùa, mỗi ngày một lượt lên một lượt xuống. Anh ta nói: “Ông thấy tôi lùn thấp
phải không? Dân gánh thuê mà; đòn gánh đè vai mãi, nên vừa lùn vừa thô kệch.
Những người cao lớn như ông làm việc này không được đâu; lên đường là lắc lư
ngay.” Anh nhướng chân mày rậm, ngoác miệng cười lộ hai hàng răng rất trắng.
Dân sơn cước uống nước suối nên răng rất trắng.
Chuyện trò thoải mái, tôi không nén được thắc mắc nãy
giờ: “Tôi thấy các anh đi rất chậm, nhưng thoắt một cái thì các anh đi trước
chúng tôi. Các anh có đường tắt à?”
Anh ta nghe xong, khuôn mặt đen đen thoáng vẻ đắc ý,
ngẫm nghĩ rồi nói: “Có đường tắt nào đâu! Chẳng phải chúng tôi vẫn chung đường
với các ông sao? Các ông đi nhanh, nhưng trên đường đi cứ ngó đông ngó tây, nào
vui đùa, nào nghỉ chân. Chúng tôi thì khác. Chúng tôi không có sự cao hứng như
vậy. Bước đi mà không ra bước đi thì không được, dừng chân nghỉ ngơi hoài lại
càng không được. Nếu tùy tiện mà đi, hai ngày mới lên đỉnh núi. Cho nên chúng
tôi phải tiến lên mạnh mẽ. Đừng chê chúng tôi đi chậm; đi hồi lâu thì chúng tôi
vượt lên trước các ông đấy. Ông xem tôi nói thế có phải không?”
Tôi gật đầu thán phục, cảm thấy mấy lời chất phác của
anh chàng sơn cước này dường như hàm chứa một triết lý thâm sâu. Anh ta lại
quảy gánh bước đi. Trên đường, chúng tôi mấy lần đi ngang qua anh. Nhưng khi
cảnh sắc hữu tình níu chân chúng tôi lại thì anh lặng lẽ đi ngang qua chúng
tôi. Đến chỗ bán hàng trên đỉnh núi thì chúng tôi lại gặp anh đang giao hàng
cho người ta. Anh chàng nhìn chúng tôi mỉm cười hồn hậu, dường như muốn nói:
“Đấy, tôi lại đi trước các ông rồi!”
Từ Thái Sơn về nhà, tôi vẽ
một bức tranh. Trên con đường dốc núi hun hút có chàng cửu vạn mặc áo chẽn đỏ
vai quang gánh nặng vặn người bước đi. Anh ta từng bước, từng bước đi lên núi
cao. Bức tranh này tôi treo trước bàn làm việc. Nhiều năm qua vẫn không thay
đổi, vì tôi cần nó.
LÊ ANH MINH
Bản
tiếng Việt đăng
Người
Lao Động, ngày 03-6-2005.
Dịch từ Trung văn: Khiêu Sơn Công, 1983.