Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

20. ĐẠI LA THIÊN ĐẾ XUỐNG PHÀM CŨNG PHẢI TU MỚI VỀ NGÔI XƯA VỊ CŨ ĐƯỢC

 

Chúng tôi kính mong quý đạo hữu, đạo tâm hoan hỷ đọc giúp bản thảo để chỉ cho chúng tôi các chỗ cần sửa chữa hay bổ túc. Chúng tôi vô cùng biết ơn. Khi phản hồi, để khỏi bị sót, kính đề nghị quý đạo hữu, đạo tâm dùng "Tin nhắn" của FB Dũng Lê hay gởi email về: daidaovanuyen@gmail.com.

20. ĐẠI LA THIÊN ĐẾ XUỐNG PHÀM CŨNG PHẢI TU MỚI VỀ NGÔI XƯA VỊ CŨ ĐƯỢC

Tý thời, ngày 05-3 Đinh Dậu (Thứ Năm 04-4-1957)

THI

NGÔ đàn ([1]) ban lệnh mở kỳ thi

CAO sĩ ([2]) ôn tu để ứng ([3]) kỳ

TIÊN Phật lần này thâu kết quả

GIÁNG phàm tận độ ([4]) khách ([5]) quy y.

Thầy mừng các đệ tử.

Hôm nay ([6]) là ngày Thầy vui sướng. Ngày mà Thầy vẹt sạch muôn trùng u ám thấy tận gần xa. Thầy được trở về hiệp một cùng khối bao la trong ơn Từ Phụ. Thầy vượt lên trên tất cả mọi chướng ngại mà từ lâu đã bao phủ ép bức thân Thầy. 

Thầy lại được quy phục ([7]) các nghiệp căn,([8]) làm chủ các thức duyên đương xoay quanh nhơn loại. Ngày mà Thầy thành chánh đẳng chánh giác ([9]) là ngày chúng sanh có một đường trở về với Đạo. Chúng sanh lên khỏi bể khổ trần ai. Chúng sanh ra được khám tù vô minh bốn tường ([10]) vây kín. Ngày mà các đệ tử được cùng Thầy nối kết trong tràng hạt từ bi. Ngọn suối thiêng liêng đã chảy đến cho người khao khát để được mát lòng. Ngọn suối sẽ làm sạch cho chúng sanh, ai là người muốn gội. Các đệ tử thừa kế sự nghiệp nầy. 

Sống trong một chuỗi hồng ân phải thấy cho tận cùng cội rễ. Nếu không tu không chứng, sao am tường diệu lý pháp môn? Nếu không học không hành, sao tỏ được là người nối chí? Vì vậy hôm nay Thầy đến đây lấy tư cách Thầy trò trong nội bộ mà bày tỏ tâm tình, để các đệ tử cảm thông ý Trời (...).

Đã nói ngày này là ngày kỷ niệm thành đạo của Thầy thì cũng nên để chút tâm tư mà suy gẫm. Thành đạo là thành cái gì? Làm sao để được thành đạo? Thầy đã nói là dòng máu thiêng chảy đến, khối Thái Cực phân lưỡng nghi ([11]) thì còn nói thành nói chứng chi nữa? 

Song ai đã đến cõi đời nầy phải chịu trong sự công lệ ([12]) của thế gian. Khi chịu một hình thể, chúng sanh không khỏi mang thân tứ đại, thì dầu một bậc Đại La Thiên Đế xuống phàm cũng phải tu mới về ngôi xưa vị cũ được.([13]) Vậy, Thầy đây cũng phải tu. Tu để chứng. Không riêng chứng cho mình mà chứng cho cả chúng sanh. Không riêng thành đạo cho chúng sanh mà hoàn thành cho cơ mầu vũ trụ. Nên Thầy mở đường giáo hóa lập pháp kỳ nầy.

Đã nói tận độ quần linh ([14]) thì cũng tùy căn cơ ([15]) mà khải thị.([16]) Nên có kẻ tại gia tu chứng, người xuất tục được thành. Bất cứ hạng người nào, quan tu cũng chứng, dân tu cũng chứng. Có vợ chồng mà biết tu cũng chứng. Làm ăn trong danh lợi cũng thành. Nói tóm lại một lời: Trăm vẻ, vẻ nào cũng nên. Muôn hạnh, hạnh nào cũng thành. Mưa móc chứa chan khắp bầu quả đất, đất không một chỗ nào bị khô, không một cây cỏ nào chẳng thấm. Sở dĩ không tươi là vì cây ấy gốc rễ không còn. Cũng có kẻ nói cải tử hoàn sanh, (...) làm cho tái phục. Ôi! Hoa trên bình khó giữ màu sắc được bền. Cây trụ, cây nêu làm sao sống lại? Không sống lại cũng vì chúng sanh đó từ vô thỉ đến nay phế bỏ bản thể của mình, đã tạo nhiều tội ác, đầy đất chật trời, nên linh hồn khó khăn đến thế. 

Đây Thầy nhắc lại: Đường tu các đệ tử cũng thể theo Thánh ý mà tu, mà chứng, mà học, mà hành. Không nên chấp nhứt, thiên ngã một bên mà tâm không trùm được trên bầu quả đất. 

Hôm nay Từ Phụ đến trần mở Đạo quyết cứu độ muôn loài. Trong muôn loài tánh tình có muôn vẻ khác nhau. Ăn ở đã riêng, mà hạnh duyên đều chẳng giống. Song hạnh nào hạnh nào, vẻ nào vẻ nào mà được quy hướng về một bản thể, sống trong hồng ân thì được độ. 

Nên các đệ tử chấp hành giáo pháp, lòng phải viên dung.([17]) Không một điều ác nhỏ nào mà chẳng tránh. Không một điều lành nhỏ nào mà chẳng làm. Mình làm hay bạn làm, hoặc trời đất làm, cũng hoàn thành cơ cứu rỗi. 

Không nên ganh tỵ, xiên xẹo với lòng mình. Không nên tham cầu trèo cao mà té nặng. Kẻ tại gia giữ Đạo tu trì, kẻ ấy cho mình là phải thì trò cũng nên nhận đó là phải của người. Kẻ xuất tục tu hành, kẻ ấy nói mình đúng hơn, cũng nhận là đúng hơn của người xuất tục. Phận làm đệ tử, không nên đứng một phía mà mối Đạo phải chinh nghiêng. Giữ được thăng bằng thì tôn chỉ mới thành muôn thuở.

Nên nhớ: Nhiều người noi bởi nơi Thầy mà tu, nghe bạn mà tu, tu cho y hệt thì mới chứng thành, bằng ([18]) cải canh khó về với Đạo.

Như Thầy sao được? Thầy là nguyên Thánh hiện thân, một lỗi không làm. Nếu rủi phạm nhất thời liền cải đổi. Chớ còn các đệ tử đã mang phàm thể, nghiệp chướng muôn trùng, thấy điều thiện nhác tu, gây việc lỗi lầm ít hay chừa bỏ thì phải gấp bội.

Tu nhiều khổ hạnh, không nghĩ thân, giải thoát hoàn toàn thì nghiệp thức ([19]) quy hàng, huệ tâm hiện đến.

Phải năng khắc phục lỗi lầm. Phải gắng hòa thân trong các giới. Phải nương ơn điển mà tu. Phải làm hết các phương tiện mà nhập môn. Phải tùy khả năng đem sự chứng thành mà phổ truyền chánh pháp.

Đừng cột mình một chỗ mà thân không thoát hóa siêu thăng. Đừng lệ thuộc cho một người mà mãi bị ngăn che con đường giác ngộ.

Song bảo đừng cải ([20]) cũng để ngừa người còn phàm ý vô minh. Nếu vọng thức ([21]) còn cao, ỷ tài khôn trí giỏi, lấy chơn truyền làm của, để bước lên ông Tổ người Thầy. Nên Thầy đã nói ra cho người được đắc truyền, song kẻ đắc truyền mà không đắc pháp thì sao hiểu biết được lời nói của Thầy. Vì thế mà đạo Phật từ nhất Tổ cho đến ba mươi bốn Tổ cũng đều giữ một hệ. Song có Tổ huy hoàng, xiển minh giáo pháp; có Tổ thì bị các hệ phái loạn kinh. Cũng như Đạo Gia từ Hoàng Đế, Quảng Thành Tử tiếp tục, các đệ tử cùng nhau nối giữ chơn truyền; song chơn truyền cho đến Lão Từ mới sáng, Trang Châu mới tỏ thì sao lại không tỏ luôn, không sáng mãi mà sáng có lúc có hồi? Cười... Cười... Có phải sự sáng nhiều là chứng, không còn chút lòng vị ngã ái thiên ([22]) không các đệ?

Đây, Thầy bắt đầu khải mông,([23]) khải thị cho các đệ nắm phăng lấy mối chơn truyền. Một dịp hồng ân, gắng công mà tu. Tu là công phu, lật tìm từ ([24]) trang sách. Trang sách có nhiều chuyện quý, lời lành. Sách có nhiều trang. Những trang sách này từ lâu bị xếp lại thì đâu thấy phương tu pháp dạy làm phương tiện lập công, chỉ dạy người giải thoát. Sách ấy là chơn tâm bản thể của mỗi người thì đâu phải học ngoài sự tu, đâu phải thấy ngoài sự chứng, đâu phải nói ngoài sự nghe, ngoài sự gián tiếp nghe lầm, mà phải nói lên chỗ mình làm được, lòng mình chứng chi. Đâu phải học sách nói xa thực tế, nói lại chuyện người. Nên không tu, không thấy chứng, không thể độ dẫn người đời. Phải tu trước, hành đạo sau. Chứng sau là nhờ công phu hồi minh khử ám ([25]) trước. Hồi minh khử ám là nhờ ơn Cao Xanh ([26]) điểm đạo vô hình. Trước chưa được điểm đạo là cái mịt mờ, là cái lòng còn bị sóng vọng nghiệp kéo lôi mịt mờ, gây điều ám muội.

Thôi, Thầy cũng đến ban ân điển lành mà giúp sức cho các trò tu tiến, qua khỏi nơi mờ mịt.

Các trò nghe nói ban lệnh mở kỳ thi đã để lòng lo sợ. Sao lại sợ? Không sợ thì không bao giờ bị lạc đề. Kẻ hay lo là bị tâm hồn rối loạn. Vậy Thầy sẽ điểm hóa lần từ đoạn để các trò thấy được con người sử mạng trung hưng, con đường vô vi trung đạo. 

Thầy chào các đệ tử.

*



([1]) Ngô đàn : Đàn cơ Ta giáng dạy. (Đọc quán thủ thì họ Ngô viết là .)

([2]) Cao sĩ : Học trò Cao Đài; môn sanh Cao Đài.

([3]) ứng: Ứng thí 應試; đi thi.

([4]) tận độ : Cứu độ hết tất cả.

([5]) khách : Khách trần; người thế gian.

([6]) hôm nay: Là ngày 05-3 âm lịch, cũng là ngày kỷ niệm Đức Ngô đắc đạo. Tham khảo: “Thứ Năm 03-4-1930 (05-3 Canh Ngọ), Ngô tiền bối vẫn đang ở Sài Gòn (110 Bonard), nhưng đàn cơ giờ Ngọ tại Hiệp Minh Đàn (Cái Khế, Cần Thơ) lại tiếp được một bài thơ thất ngôn bát cú do tiền bối và Tiên Ông Vân Trung Tử cùng giáng cơ ban cho.

“Sự kiện này chứng minh Ngô tiền bối đã đắc đạo tại thế. Hàng năm, môn sanh Chiếu Minh lấy ngày mùng 5 tháng 3 âm lịch làm lễ kỷ niệm ngày tiền bối Ngô Văn Chiêu hiển đạo tại thế.” (Huệ Khải, Ngô Văn Chiêu: Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên / Ngô Văn Chiêu: the First Caodai Disciple. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 35.)

([7]) quy phục 歸服: Thâu phục 收復, bắt phải thuận tùng theo mình.

([8]) nghiệp căn 業根: Cội rễ của nghiệp, nguyên nhân gây ra tội lỗi.

([9]) chánh đẳng chánh giác 正等正覺: 1/ Thường nói tắt là chánh giác, tức là sự giác ngộ chơn chánh. Còn có nghĩa là trí biết chơn chánh chứng ngộ hết thảy các pháp (chứng ngộ nhứt thiết chư pháp chi chơn chánh giác trí 證悟一切諸法之真正覺智); đây là trí chơn thực của Như Lai (Như Lai chi thật trí 如來之實智). Vì thế, thành Phật còn gọi là thành chánh giác 成正覺. (Theo Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典, mục từ “chính giác” 正覺, bản dịch của sa môn Thích Quảng Độ [1928-2020].) 2/ Đức Ngô dạy: “Ngày mà Thầy thành chánh đẳng chánh giác...Như thế, suy ra Đức Ngô là Phật. 3/ Theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (quyển Nhứt), đàn Thứ Hai, 04-10-1926 (28-8 Bính Dần), Đức Chí Tôn dạy: “Thầy giáng thế chọn đến: nhứt Phật, tam Tiên, tam thập lục Thánh, thất thập nhị Hiền, tam thiên đồ đệ.Lời dạy này được giảng giải như sau: Nhứt Phật là một phẩm Giáo Tông. Tam Tiên là ba vị Ðầu Sư cho ba phái (Thái, Thượng, Ngọc), mỗi phái một vị. Tam thập lục Thánh là ba mươi sáu vị Phối Sư cho ba phái, mỗi phái mười hai vị. Thất thập nhị Hiền là bảy mươi hai vị Giáo Sư cho ba phái, mỗi phái hai mươi bốn vị. Tam thiên đồ đệ là ba ngàn Giáo Hữu cho ba phái, mỗi phái một ngàn vị. Đây là lý do sâu xa vì sao khi được Đức Chí Tôn ban phẩm Giáo Tông, thì Đức Ngô lại từ tạ, vì Ngài quyết ưu tiên tu luyện cho “thành chánh đẳng chánh giác” ngõ hầu xứng với ngôi vị “Nhứt Phật” (là Giáo Tông).

([10]) bốn tường (tứ đổ; tứ đổ tường 四堵牆[]): Cũng gọi là “bốn vách”. Có bốn thứ giam hãm con người trong ham muốn và nghiện ngập, khiến con người mất tự do, giống như bị nhốt trong bốn vách (đổtường đều có nghĩa là vách tường). Chúng là tửu, sắc, tài, khí 酒色財氣 (rượu, sắc dục, tiền bạc, và ma túy).

([11]) lưỡng nghi 兩儀: Âm và dương. Dịch Kinh 易經 (Hệ Từ Thượng 繫辭上): “Dịch hữu Thái Cực, thị sanh lưỡng nghi.” 易有太極, 是生 兩儀. (Dịch có Thái Cực, Thái Cực sanh ra lưỡng nghi.)

([12]) công lệ 公例: Quy luật chung; thể lệ chung; cách thức chung.

([13]) Theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (quyển Nhứt), đàn Thứ Hai, 04-10-1926 (28-8 Bính Dần), Đức Chí Tôn dạy: “Thầy nói cho các con biết: Dầu một vị Ðại La Thiên Ðế xuống phàm mà không tu, cũng khó trở lại địa vị đặng. Các con nghe à! ”

([14]) quần linh 群靈: Các linh hồn; đồng nghĩa với quần sinh 群生, chúng sinh 眾生, vì mỗi người là một điểm linh quang chiết từ Thượng Đế (khối Đại Linh Quang).

([15]) căn cơ 根基: Nền tảng; căn bản; cơ sở; móng nền. 2. Cá tính; tính cách mỗi người.

([16]) khải thị 啟示: Soi sáng; hé lộ để hiểu biết.

([17]) viên dung 圓融: Hòa hài mọi khác biệt một cách hoàn hảo; hòa làm một thể không ngăn ngại. Bậc đạt đạo thấy được phiền não là bồ đề, sanh tử là niết bàn, trần gian là tịnh độ, thì đó là tâm viên dung.

([18]) bằng: Nếu. bằng không: Nếu không.

([19]) nghiệp thức 業識: Cũng gọi là tùy nghiệp thức 隨業識, là cái biết do duyên theo nghiệp mà phát sanh; nó nương theo vô minh mà dấy động bản tâm.

([20]) cải: Canh cải, sửa lại, thay đổi.

([21]) vọng thức 妄識: Cái biết sai trái.

([22]) vị ngã ái thiên 我愛偏: Vì bản thân (vị kỷ 為己), yêu chuộng một phía (thiên lệch).

([23]) khải mông 啟蒙: Dạy cho hết sự mông muội để hiểu biết; dạy từ lúc học trò còn ngu tối, chưa biết chút gì.

([24]) từ: Từng, mỗi một.

([25]) hồi minh khử ám 回明去暗: Lấy lại sáng suốt, trừ bỏ  u tối.

([26]) Cao Xanh: Trời, Thượng Đế.


Huệ Khải & Lê Anh Minh hiệp chú