Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

22. NGÔ KHAI TÂM PHÁP ĐỘ QUẦN MÊ

 

22. NGÔ KHAI TÂM PHÁP ĐỘ QUẦN MÊ

Tý thời, ngày 16-4 Đinh Dậu (Thứ Tư 15-5-1957)

NGÔ khai tâm pháp ([1]) độ quần mê ([2])

CAO hạ trần ai nguyện được về

TIÊN Phật muốn thành, công quả lập 

GIÁNG thăng pháp đạo luyện đơn khuê.([3])

Bần Đạo chào chư Thiên ân, chư hiền sĩ.

Giờ này Bần Đạo đến đây điểm qua thời gian thất nhựt tu tịnh cơ bản của chư hiền sĩ trong khóa mười tám ngày. 

Chư hiền sĩ bước tu tịnh còn ngờ nghệch lắm! Chưa dứt sạch lòng phàm tục, tâm còn xao động, công hạnh chưa viên.([4]) Bên cạnh số khá còn có một số ít thiếu cố gắng. Lần nhập tịnh này lần đầu tiên trong bước nhập môn nên Bần Đạo cũng vui mà trao ban quyền pháp cho, để chư hiền sĩ độ mình, độ người trong kỳ mạt tận.

Chư hiền sĩ đã được vào tịnh đường tức là vào nơi cải tạo, ví như sắt vào lò để rèn đúc. Vào tịnh thất tức vào nơi huyền mật khuyết để được khải thị ([5]) thì Bần Đạo cũng nói qua cho chư tịnh chúng được biết: Người tu học đã nhập môn cầu đạo mà không được khẩu khuyết ([6]) trao truyền thì làm sao rõ thông đường siêu nẻo đọa.

Mỗi người vào mật thất ([7]) được trao khẩu khuyết để khai tâm. Truyền khẩu khuyết là truyền cái gì? Truyền cái yếu nhiệm then chốt của cơ Tạo Hóa để tạo Tiên tác Phật. Có làm được Tiên Phật mới độ dẫn được chúng sanh.

Các hiền đây là người Lễ Sanh Đầu Họ, người được Hội Thánh chia cắt coi giữ một địa hạt, trông nom một số đạo đồ. Người Đầu Họ là người rất quan trọng, được Thầy ban quyền ban pháp, chăm nom trực tiếp đàn chiên.([8]) Quyền hành ấy rất là trọng hệ; phải có pháp để độ mình, độ người. Pháp đó phải nương nơi quyền; quyền được tỏ sáng là bởi ở tâm hạnh mà ra. 

Tâm hạnh muốn được nảy nở tươi xanh phải lập trụ ở phần trúc ([9]) khẩu khuyết. Mà pháp đã trao là cơ bí mật tự nhiên hé lần, cũng như tấm màn được cuốn.([10])

Vậy hôm nay Bần Đạo trao cho khẩu khuyết yếu ước ([11]) pháp môn để bảo toàn thân tâm Tứ Bửu. Sự trao quyền pháp này không vì cá nhân mà vì một số lớn nhơn sanh đang núp dưới quyền pháp. Người môn đồ đạt mầu nhiệm phải được tâm hạnh viên dung.([12]) Sự trao đây cũng như trao cái chìa khóa mở các kho tàng mầu nhiệm của Tạo Hóa. Nhưng trao cho không phải trao cái chìa cho người tịnh viên nắm giữ, mà trao bằng khẩu khuyết, chỉ để nhớ là đủ.

Nghĩa khóa này không chìa mà khóa này khóa bằng số, hay khóa chữ. Khóa chữ thì truyền chữ để mở. Khóa số có ba bánh xe ghép lại mới thành mà mỗi bánh gồm đủ chín số; mỗi số vị trí không nhất định vì pháp đạo thường hành, hàm tàng biến hóa.

Không thường trụ ([13]) tự tại.([14]) Không thường trụ mà trụ. Trụ mà không trụ là cơ mầu nhiệm của nó. Biết được nó thì phải được truyền mới biết mà thôi.

Người được truyền là người đã được lòng tin cậy của kẻ trao truyền. Kẻ được trao truyền mà tiết lộ cho người gian xảo biết thì mất mát đồ dùng, báu vật trong kho tàng ấy sao? 

Người được truyền mà lòng còn gian tham cũng như bè lũ với đám gian tham thì có truyền cho rồi cũng thành dụng. Vì sao? Vì khóa không chìa, muốn mở phải dùng bằng số, dù ai đã biết số rồi mà người chủ cái kho tàng đó thấy không đủ tin cậy, hay bị mất mát thì tức khắc đổi thay số khác, làm cho kẻ gian không hề biết được sự mầu nhiệm. Vậy, các hiền cần thật lòng mình cho lắm. Nghĩa là còn tham dục thì tức khắc bánh xe chữ quay liền, khiếu quan ([15]) lấp lại, cửa Huyền Quan ([16]) không còn tự do cho ý tình lui tới. Vậy ý nghĩa của sự khẩu truyền là thế.

Nói vậy các hiền cũng chưa rõ. Để rõ hơn, là yếu khuyết vào tịnh hôm nay có hai phần: phần tâm pháp và phần tướng pháp. Tướng mà tâm là Tứ Bửu đã trao cho người chức sắc có quyền từ Giáo Hữu trở lên mà đặc biệt là người làm đầu trong họ, coi một thánh thất.

Người làm Đầu Họ thánh thất có đủ bốn pháp. Bốn pháp đã nói rõ tên ấy có hai phần công dụng: một là pháp thể, hai là pháp dụng. Như thế nào sẽ có khẩu truyền. 

Bây giờ Bần Đạo nói qua nhiệm vụ của người Đầu Họ có sứ mạng trong giai đoạn hoàn thành chỉnh cơ lập pháp.

Để tiếp ân Khai Giáo Pháp, người Đầu Họ cầm giữ bộ đạo, bộ đời thì cái hồn nhơn sanh đã gởi vào tay quyền pháp của người chức sắc có sứ mạng. Người chức sắc ấy được hồng ân Thiên sứ,([17]) quyền pháp tối linh là Tứ Bửu.

Hội Thánh đã chia quyền chăm nom, sửa trị nền đạo một nơi thì nhơn sinh còn mất, vui khổ bởi người. Toàn đạo đều núp dưới ân oai quyền pháp của người. Đạo hữu chết, người có quyền cầu xin siêu độ. Sanh đau, già khổ đều do người thay Thầy Hội Thánh mà cứu. Đạo hữu trong họ thuộc trọn quyền người xin tha xin phạt. Nếu đau, người cho phép chữa bịnh. Tai nạn, nghiệp chướng người cho phép giải oan. Lầm lỗi, người tẩy tịnh. Khờ dại, người khai đàn. Biết tùy sự, tùy khả năng mà phân công an vị. Giáo hóa giác ngộ là trấn thần. Cứu đói trợ nghèo, chia đau sớt buồn, xây dựng quyền sống thế gian là chẩn bạt.([18]) Chẩn bạt cho phần hồn mới liễu kiếp.([19])

Nên quyền pháp người Đầu Họ trở nên quan trọng. Đầu Họ mới có quyền thay cho Hội Thánh, mà quyền ấy lại có bốn pháp hay cứu hay độ được người. Nếu có phép, có quyền mà không lo an dưỡng tu học thì trái lại rất nguy hiểm. Đã đành hư thân phạm vào tam khổ,([20]) mà còn làm cho bao nhiêu người bị xa lìa pháp đạo, đọa lạc trầm luân.

Chuồng chiên ([21]) đã giao cho chăn giữ, không nên nhốt chiên mãi trong chuồng, bỏ tù phạt đói (nỗi sợ mất đạo) hoặc thả đi rông cương, không theo coi chừng, chăm sóc, hướng dẫn nơi ăn chỗ núp (phó mặc đạo hữu). Cũng như các con chiên bị bịnh, không đi ăn được mà không cỏ nuôi thân (chẩn tế). Nhiều con bị ghẻ chốc lở lói, không kiếm thuốc đắp đặt cho lành (trị bịnh). Đám chiên nhơ bẩn bùn lầy, không lo tắm rửa (tẩy tịnh) thì nào khác chi đạo hữu trong họ nhiều kẻ nhơ bẩn, phạm phải quy giới, đạo pháp mà không làm các pháp trên để cứu độ về phần hồn cũng như đời sống. Dù có làm các pháp ấy đi nữa cũng chỉ làm cái mộng ([22]) mê tín chứ không làm được cái đức tin quyền pháp, cái lực lượng cứu thế trong quyền pháp giữa mọi người cùng Thượng Đế. Vậy các hiền trong khóa tịnh này nên ghi nhớ lời Bần Đạo để được cứu.

Ngày gần đây các đệ cũng như mọi người cùng trong cảnh khổ. Nhưng cái khổ của thế gian có kết quả trầm mê,([23]) chứ cái khổ của người trong quyền pháp nó vui tươi, không thể ai thấy. Vậy danh lợi chi mà cầu xin? Của cải chi mà ham muốn? Vợ con, nhà cửa, bạn bè đều là nghiệp oan dính dáng. Vui sướng là mưu chước phỉnh phờ; khổ đau là phương hình phạt.

Nhiều người chức sắc còn quá luyến mến gia đình. Rủi con chết, vợ chết lòng sinh đảo điên, không chủ được tâm thanh tịnh nên không làm gương hướng đạo cho toàn thể tín đồ.

Các hiền đệ kỳ này gắng đạt lấy tiêu đề mà Bần Đạo đã dặn dò. Nếu được thì đợt hai sẽ khẩu truyền bí pháp nữa.

Bây giờ đây đã sáng rồi. Bần Đạo ra lệnh cho Liên Hoa ([24]) coi lại bài thánh giáo trước để khẩu truyền Tam Bảo Hoàn Châu và coi lại các pháp môn Tứ Bửu, rồi có dịp sẽ dạy thêm.

Tối nay Thanh ([25]) tiếp bài điểm danh các tịnh viên. Giờ này được nghỉ.

Bần Đạo chào chư hiền.

*

([1]) Ngô khai tâm pháp : Ta bày ra (không giấu) tâm pháp. (Đọc quán thủ thì họ Ngô viết là .)

([2]) độ quần mê 群迷: Cứu độ những người mê muội.

([3]) đơn khuê 丹圭: Thuốc Tiên; ám chỉ tịnh luyện, công phu.

([4]) viên : Đầy đủ; trọn vẹn.

([5]) khải thị 啟示: Soi sáng; hé lộ để cho người khác hiểu biết.

([6]) khẩu khuyết: Khẩu quyết 口訣; lời truyền miệng để dạy riêng cho đệ tử một bí quyết tu luyện.

([7]) mật thất 密室: Phòng riêng để hành giả tịnh luyện.

([8]) chiên (cao dương 羔羊; miên dương 綿羊): Cừu; nghĩa bóng là tín đồ dưới quyền chức sắc hướng đạo (người chăn chiên).

([9]) trúc cơ 築基: Xây nền đắp móng; xây dựng nền tảng. Tiên Học Từ Điển 仙學辭典 của Đới Nguyên Trường 戴源長 giảng rằng tích lũy tinh khí là trúc cơ.

([10]) tấm màn được cuốn: Tức là mạc khải .

([11]) yếu ước 要約: Tóm tắt quan trọng.

([12]) tâm hạnh viên dung 心行圓融: Tâm hạnh có thể hòa hài mọi khác biệt một cách hoàn hảo, không bị ngăn ngại.

([13]) thường trụ 常住: Trái nghĩa với vô thường 無常.

([14]) tự tại 自在: 1/ Thong dong; thoải mái. 2/ Tự do; không bị ràng buộc vì không còn bị phiền não, không còn bị lục dục và thất tình sai khiến.

([15]) khiếu quan: Quan khiếu 關竅, là thuật ngữ tu đơn, để gọi những lỗ trống trong thân thể mà hành giả vận khí đi qua đó. Phép đạo dẫn 導引 cho rằng luyện tinh hóa khí, và khí phải đi qua quan  (trạm gác, cửa ải). Theo y học cổ truyền, trên mạch Nhâm và mạch Đốc  trong thân người có nhiều lỗ khí (khí huyệt 氣穴) và cũng có nhiều trạm gác (quan ). Hành giả tu đơn dẫn khí qua các trạm gác này để vận hành khí đi khắp toàn thân.

([16]) cửa Huyền Quan: Cũng gọiHuyền Quan Khiếu 玄關, Tổ Khiếu 祖竅, Thiên Môn 天門, Côn Lôn Đảnh 崑崙嵿. Nó ở trong não, phía dưới Nê Huờn Cung 泥環宮, ngang cặp lông mày, là cửa xuất nhập của chơn thần. Tây y gọi là Não Thất Ba (the Third Ventricle).

([17]) sứ 使: Sai khiến; sai làm; sai phái. Thiên sứ 天使: Trời sai làm.

([18]) chẩn bạt 賑拔: Chẩn là cứu tế, cứu trợ, cứu giúp. Bạt là kéo ra ngoài (thoát khỏi chỗ nguy hiểm hay nơi khổ đau).

([19]) mới liễu kiếp: Mới vừa chết. (liễu kiếp 了劫: Xong một kiếp.)

([20]) tam khổ 三苦: Ba loại khổ là: khổ khổ 苦苦 cái khổ vì chính nỗi khổ gây ra; hoại khổ 壞苦 cái khổ vì sự mất mát hay vì bị tước đoạt; hành khổ 行苦 cái khổ vì sự vô thường. Phân biệt với tam đồ khổ 三途苦: Cái khổ bị sa vào ba đường dữ là hỏa đồ (đường lửa); đao đồ 刀途 (đường dao kiếm), và huyết đồ 血途 (đường máu). Tam đồ cùng nghĩa với tam ác đạo 三惡道 (ba đường dữ)địa ngục 地獄, ngạ quỷ 餓鬼, và súc sanh 畜生. Đây là ba nơi hồn tội nhân phải tới để đền nợ gây tạo ba nghiệp ác về thân, khẩu, ý. 1/ Hỏa đồđịa ngục đạo 地獄道 (tội nhơn bị luộc trong dầu sôi, bị nướng trên lửa). 2/ Đao đồngạ quỷ đạo 餓鬼道 (tội nhân bị gươm đao đâm chém). 3. Huyết đồsúc sanh đạo 畜生道 (tội nhân ăn thịt uống máu lẫn nhau).

([21]) chuồng chiên: Chuồng nuôi giữ cừu. Nghĩa bóng là họ đạo.

([22]) mộng : Mộng mơ; ảo mộng, không thật.

([23]) trầm mê 沈迷: Chìm đắm say mê; mê luyến 迷恋.

([24]) Liên Hoa: Đàm Thi (1913-1998), là đồng tử.

([25]) Thanh: Phương danh một vị đồng tử.

Huệ Khải & Lê Anh Minh hiệp chú