Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

13. MINH CHƠN DIỆU PHÁP TÂM THƯỜNG TRỤ

Chúng tôi kính mong quý đạo hữu, đạo tâm hoan hỷ đọc giúp bản thảo để chỉ cho chúng tôi các chỗ cần sửa chữa hay bổ túc. Chúng tôi vô cùng biết ơn. Khi phản hồi, để khỏi bị sót, kính đề nghị quý đạo hữu, đạo tâm dùng "Tin nhắn" của FB Dũng Lê hay gởi email về: daidaovanuyen@gmail.com.

13. MINH CHƠN DIỆU PHÁP TÂM THƯỜNG TRỤ

Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng)

Tý thi, ngày 30-11 Bính Thân (Thứ Hai 31-12-1956) 

CAO hạnh nhờ công học hỏi nhiều

TIÊN phàm dầu cách chẳng bao nhiêu

MINH chơn diệu pháp tâm thường trụ ([1])

CHIÊU tập ([2]) nguyên nhơn ([3]) kết Thập Điều.([4])

Bần Đạo chào chư Thánh ân Thiên sắc. 

Giờ này Bần Đạo phụng Thánh chỉ giá hạc lâm đàn ([5]) để lời chúc mừng chư Thiên ân Thiên sắc trong mùa nhập tịnh tầng ba.

Chư hiền đồ đã trải qua tầng công phu mười sáu ngày, nay bước sang tầng thứ ba. Bần Đạo rất vui mừng nhận thấy chư hiền đồ có lòng ưu tư với pháp đạo tu hành, có nhiệt tâm hành trì pháp giới, nên hôm nay Bần Đạo ghé lại để góp ý kiến về pháp môn công phu tầng này. 

Pháp Tứ Bửu: Nói chung, chư hiền đều hành trì nhưng làm chưa đúng theo Thánh truyền là phù, chú, ấn, quyết chưa tinh, còn lộn xộn chậm chạp, chưa được thuần thục, và chưa được đều. Vậy chư hiền gắng thêm, sửa đổi đôi chút, và luyện đến ngày 10 Bần Đạo sẽ đổi theo phương thức tâm linh. 

Về công phu: Đợt này được chu đáo hơn đợt trước, nghĩa là tịnh viên biết tuân theo nội quy, chương trình nhưng chưa phải trọn vẹn. Có kẻ gắng, người không; kẻ ham, người ít mộ.([6])

Tầng ba sắp tới nên gia thêm ([7]) công phu tu học để bồi dưỡng linh căn.

Phần tâm pháp: Chư hiền đồ ôn luyện còn sai nhiều, nghĩa là chưa theo lời chỉ trong pháp tu, chưa trọn hơi thở, chưa hợp bản năng, chưa tinh thông pháp, v.v... Tầng ba rán mà làm cho được.

Pháp môn trao tặng cho chư hiền cũng gọi là tạm đủ. Nếu hiền nào có chí tu học thì sắp đặt phần tâm thể, thân tướng vào tu nhị chuyển, tam chuyển (mật khẩu tâm truyền), v.v... 

Phần phát tâm thệ nguyện của chư hiền: Bần Đạo lấy làm vui sướng và nói qua đôi chút. Đã phát tâm tu công giải khổ thì ta phải làm tròn theo lời của tâm dạy bảo. Phải gìn giữ đúng đắn, phải hằng nhớ hằng lo, phải bền công cố chí. Thầy sẽ tùy duyên tùy nguyện mà dẫn dắt, phò trợ cho những con đã phát tâm trọn vẹn đến đích cuối cùng là con đường siêu phàm nhập Thánh. 

Tầng ba y theo công phu tầng hai mà làm. Đến ngày 10 tháng 12 Đại Đạo 31,([8]) Bần Đạo sẽ chỉ phần tâm pháp và tiếp tục điểm danh. 

Phần Hội Thánh: Việc đi các tỉnh theo chư hiền đã định, Bần Đạo nhận thấy khó giải quyết; mà theo lịnh Thầy thì Ban Giám Thị không được thay đổi. Nếu Hội Thánh có người thì sẽ đi, nhưng đi chưa chắc là kết quả. Hiện nay công việc Hội Thánh còn ứ đọng rất nhiều. Về công tác Phổ Tế: Theo ý Tổng Lý thì không chỉ bấy nhiêu mà phải tận tâm làm việc mới xong tài liệu để nối tiếp tân xuân Khai Cơ Giáo Pháp. Việc Hội Thánh bao nhiêu đó, cố gắng tuân hành. 

Đây, về phần tu tịnh: Chư hiền nên nghiên cứu những pháp tu của mình để tìm yếu lý các bài kinh cúng tứ thời: Chí Tôn Bửu Cáo, Nhụy Châu, Hồng Thệ, Cảm Ứng, Thông Minh, và Quan Âm Cứu Khổ. Phần này thảo luận chung và riêng. Chung trong giờ đã định. 

Chư hiền còn thắc mắc gì không? 

[Hậu bạch ...] 

Bài Hồng Thệ sửa lại. Đọc.

Sửa lại: “Thương đời Thầy đến bảo tồn căn nguyên.”

Thôi, chư đệ coi lại mà sửa chữa đoạn sau. 

[Liên Hoa bạch ...] 

Tâm thường trụ là định. Minh chơn diệu pháp là thiền. Hai phương tiện cùng một thể thức tu luyện. Thường trụ tại tâm. 

Thôi, hôm nay cảnh giới xao động nên khó chỉ nhiều. Cần hơn là chư hiền vào tu nên cố gắng; còn việc chứng đạt thì cũng theo thân tâm tình ý của mình. Tâm thanh ngộ thanh; tâm tịnh ngộ tịnh. Khi xuất tịnh ra hành đạo thì các hiền sẽ thấy kết quả của mùa tu. 

[Liên Hoa bạch ...] 

Theo tinh thần của chư hiền thì nhập tịnh là cứu khổ tâm linh thân thể; nhập tịnh để tìm lỗi trong người. Vậy phải luận bài Cứu Khổ xong đến Cảm Ứng, v.v... 

Thôi, Bần Đạo chí thành cầu nguyện Chí Tôn ban ơn cho mỗi hiền. Bần Đạo thăng. 

*


([1]) thường trụ 常住: Gọi tắt là “thường”; trái nghĩa với “vô thường. Trải dài suốt ba đời quá khứ 過去, hiện tại 現在, vị lai 未來 (tương lai 將來); hằng thường tồn tại 恆常存在; vĩnh viễn 永遠; không sinh diệt biến dịch 不生滅變易. Minh chơn diệu pháp tâm thường trụ: 明真妙法心常住: Cuối Thánh giáo này, Đức Ngô dạy: “Tâm thường trụ là định. Minh chơn diệu pháp là thiền. Hai phương tiện cùng một thể thức tu luyện. Thường trụ tại tâm.”

([2]) chiêu tập 招集: Mời gọi quy tụ lại; kêu gọi tụ họp lại.

([3]) nguyên nhơn 原人: Là linh căn 靈根 có nguồn gốc từ cõi trời, nhận lãnh sứ mạng xuống thế gian độ đời; khác với hóa nhơn 化人 là người vốn từ cầm thú tiến hóa lên.

([4]) Thập Điều 到條: Có lẽ là “Thập Thanh Điều do Đức Ngô ban cho môn sanh Chiếu Minh, gồm có: Một khuyên giảm khẩu bớ con / Hai khuyên chánh kỷ cho tròn hóa nhơn / Ba khuyên giảm tánh giận hờn / Bốn khuyên giữ lễ chớ lờn oai Tiên / Năm khuyên kính mến người hiền / Sáu khuyên đậy mắt lánh miền thị phi / Bảy khuyên học chữ từ bi / Tám khuyên hành đạo kịp thì Long Hoa / Chín khuyên suy xét gần xa / Mười khuyên lập nết ôn hòa độ dân.

([5]) giá hạc lâm đàn 駕鶴臨: Cỡi chim hạc bay đến đàn cơ.

([6]) mộ : Hâm mộ 歆慕; ngưỡng mộ 仰慕; yêu mến.

([7]) gia thêm: Tăng thêm.

([8]) Ngày 10-12 Bính Thân (Thứ Năm 10-01-1957).

 

Phạm Văn Liêm kết tập

Huệ Khải & Lê Anh Minh hiệp chú

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2024

12. MINH GIÁO TRUYỀN BAN PHÁP ĐỘ SANH

Chúng tôi kính mong quý đạo hữu, đạo tâm hoan hỷ đọc giúp bản thảo để chỉ cho chúng tôi các chỗ cần sửa chữa hay bổ túc. Chúng tôi vô cùng biết ơn. Khi phản hồi, để khỏi bị sót, kính đề nghị quý đạo hữu, đạo tâm dùng "Tin nhắn" của FB Dũng Lê hay gởi email về: daidaovanuyen@gmail.com.

12. MINH GIÁO TRUYỀN BAN PHÁP ĐỘ SANH

Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng)

Tuất thời, ngày 11-11 Bính Thân (Thứ Tư 12-12-1956)

MINH giáo ([1]) truyền ban pháp độ sanh

CHIÊU nhiên ([2]) hiển hiện đạo căn lành

ĐẠI thừa thượng học Thầy đưa nẻo

TIÊN Phật chín tầng cứu vạn linh

Bần Đạo chào chư hiền đồ.

Giờ này Bần Đạo giáng bút tỏ đôi lời về đợt tịnh. 

Chung chung chư hiền trong đợt tịnh có lòng quyết lo, tuy chưa thập phần ([3]) trọn vẹn chớ bên cạnh điều đáng chê cũng có đôi điều đáng khen. Chê là chư hiền đồ chưa làm theo quy luật hướng dẫn, nghĩa là chưa hồi hướng về Thượng Đế trọn vẹn. Những lúc đi đứng nằm ngồi bản thân còn nặng nề. Tâm còn đen tối, bị ma lục dục kéo lôi, quỷ thất tình cám dỗ. Trong lúc tu học còn vẩn vơ những ý nghĩ không hay, những tư tưởng ô trược.

Phần đông làm chưa đúng pháp môn, vì sự hiểu biết của cá nhân mình án che sự hiểu biết của nguơn thần. Trong giờ hành lễ chưa được chí thành. Trong lúc công phu, hành trì ([4]) chưa thiện.([5]) Mỗi vị tuy có chí nhưng chưa thấu triệt ([6]) những yếu ước ([7]) pháp môn, chưa cảm thông luật lệ. Còn nhiều nói, còn nhiều nghe, còn vọng tâm, còn lơ lửng. Tu học còn sơ sài. Luyện tâm châu, trì pháp, chú chưa đều. Ngồi, đứng xen vào nhiều vọng niệm. 

Ban Giám Thị thì công việc bày vẽ,([8]) lơ là, trao tặng yếu quyết ([9]) hành trì chưa đặt nặng trên phương châm tu luyện. 

Vậy chư hiền đồ hãy chỉnh đốn cho hoàn toàn để tròn phận sự. 

Đợt hai cũng luyện pháp Tứ Bửu nhưng ít. Luyện trong một giờ tùy định, thêm vào giờ vận hành hỏa dược.([10]) Luyện pháp ấy phải đúng một giờ mười hai phút. Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu đều tu. Tý, Ngọ tấn dương hỏa thối âm phù.([11]) Mẹo, Dậu ôn dưỡng,([12]) mộc dục.([13]) Tịnh cho khá, định cho bền. Thường xuyên mắt để nơi khí huyệt. Định thì để nơi tâm. Ý phải gom lại Huỳnh Đình, đừng cho chạy lạc. Dẫn hơi thở cho đều, dùng tư tưởng dẫn lửa lên Linh Sơn xuống Đơn Điền. Xuống Đơn Điền rồi phải dùng tư tưởng dẫn lên Nê Huờn. Khi dẫn đến Vĩ Lư dùng ý đưa ngay lên khiếu Thần Thất cho mạnh rồi từ từ theo đốt xương sống mà dẫn lên. Khi đến Giáp Tích phải dẫn mạnh cho qua. Điều cần yếu là khi dẫn hơi xuống phải lấy nước miếng mà nuốt vào cho đi theo. Chọn đường không cho hơi thở trở lại. 

Pháp chiết Khảm điền Ly phải làm cho thường xuyên, nghĩa là phải lấy bớt lân tinh nơi căn huyết mà bổ cho Linh Sơn. Ngồi tu phải thận trọng, lễ phép, không được coi thường, vì giờ ấy có Thần Tiên phò hộ ở đó. Nếu ta vô ý thì mang lỗi vô cùng. Trước mặt cấm người đi, sau lưng không người nói. Rán mà làm cho y. Pháp thì nhờ Liên Hoa khẩu truyền cho. Nữ phái thì tu theo pháp môn của Hà Tiên Cô. 

Thôi, vì đàn nay thiếu chí thành và các hiền cũng uể oải nên tạm thôi. Nếu xảy ra thắc mắc thì sẽ lập đàn.

Bần Đạo chào và ban ơn.

*



([1]) minh giáo : Chánh giáo 正教.

([2]) chiêu nhiên 昭然: Minh minh bạch bạch 明明白白 (minh bạch; rõ ràng; công khai); hiển nhi dị kiến 顯而易見 (hiển nhiên dễ thấy).

([3]) thập phần 十分: Hoàn toàn.

([4]) hành trì 行持: Thực hành 實行trì thủ 持守 (không buông bỏ; giữ chặt).

([5]) chưa thiện: Chưa giỏi; chưa khéo; chưa thuần thục.

([6]) thấu triệt 透徹: Thông suốt; hiểu rõ hết. (Thấutriệt cùng nghĩa.)

([7]) yếu ước 要約: Tóm tắt quan trọng.

([8]) bày vẽ: Thêm thắt cho rườm rà, phiền phức, mà vô ích.

([9]) yếu quyết 要訣: Khẩu quyết (khẩu khuyết) quan trọng.

([10]) hỏa dược 火藥: Động là hỏa; tĩnh là thủy. Động là tinh; tĩnh là khí. Lấy tinh luyện khí, uống vào thì bất tử nên gọi là dược. Lấy hỏa luyện dược mà thành đơn .

([11]) tấn dương hỏa 進陽火: Khi cảm nhận có khí ở Đơn Điền 丹田 thì lấy ý dẫn chơn khí 真氣 theo mạch Đốc 督脈 đến Nê Hoàn 泥丸. thối âm phù 退陰符: Lấy ý vận hành khí, khiến cho khí tồn ở Nê Hoàn theo mạch Nhâm 任脈 đi xuống, trở về Đơn Điền.

([12]) ôn dưỡng 溫養: Một bước cơ bản trong luyện dưỡng đơn dược 煉養丹藥 (thuốc). Chữ “ôn” (ấm áp) cho thấy rằng một lượng lửa (hỏa hậu 火候) nhứt định phải giữ liên tục trong quá trình luyện kim đơn, và không được để nó bị dập tắt. Nếu nó bị dập tắt, thuốc sẽ không được tinh chế thành công. Chữ “dưỡng” cho thấy rằng không thể dùng lửa mạnh (võ hỏa 武火) khi giữ lửa (hỏa hậu). Nếu lửa được thực hiện quá nhanh, nó sẽ làm cho âm dương tiến và lui mất trật tự. Điều này giống như phụ nữ lần đầu mang thai, cần có bổ sung dinh dưỡng phù hợp, nhưng không nên bổ sung nhiệt quá mức. Nếu bổ sung nhiệt quá mức, thai nhi thường bị ngộ độc sau sinh và dễ bị bệnh. Hành giả đạo Lão ví việc tu luyện kim đơn với việc phụ nữ mang thai; vì vậy họ thận trọng và coi sự ôn dưỡng là một bước quan trọng của quá trình giữ lửa (hỏa hậu). Điều này cũng có ý nghĩa của công phu 功夫. Có những yêu cầu công phu khác nhau ở các giai đoạn khác nhau. Khi hái “thuốc bên ngoài” (ngoại dược 外藥, tức là tinh khí hậu thiên hình thành ở bước cơ bản luyện tinh hóa khí 煉精化氣), thì sử dụng lửa nhỏ (văn hỏa 文火) ấm áp, và âm dương giảm một nửa. Khi ngoại dược được tinh luyện thành đơn thai 丹胎 thì cần tinh luyện thêm một bước. Hành giả đạo Lão gọi bước này là “hái thuốc bên trong” (nội dược 內藥, tức là nguyên tinh 元精), và đưa nó về Đơn Điền 丹田. Lúc này phải chú ý trừ khử tình dục, quên hình thể như ngu muội (không biết gì). Lấy tâm ý thuần chơn dung hợp hơi thở, đó là ôn dưỡng khi “hái nội dược”. Ở giai đoạn luyện thần huờn hư 煉神還虛 (luyện thần trở về hư không), sẽ cảm thấy “dương thần ra khỏi khiếu huyệt” (dương thần xuất khiếu 陽神出竅). Lúc này phải dứt tuyệt ý niệm và tư tưởng để thần ý về hư không (thần ý hoàn nhi vi hư 神意還而為虛). Đó cũng là một thứ công phu ôn dưỡng.

([13]) mộc dục 沐浴: Phương pháp ôn dưỡng của hành giả; chỉ khép mắt (bế mục 閉目) tọa thiền mà không luyện khí vận thần, không được dùng võ hỏa . Mộc dục ví như tạm nghỉ ngơi sau khi đi bộ mệt mỏi (如行步 疲乏而暫憩息: như hành bộ bì phạp nhi tạm khế tức). Tức là động hết mức thì tĩnh để hồi phục sức lực mà đi tiếp (動極而靜以復 原而運化: động cực nhi tĩnh dĩ phục nguyên nhi vận hóa).

Huệ Khải và Lê Anh Minh hiệp chú