Thứ Năm, 15 tháng 8, 2024

9. TIÊN PHẬT MUỐN NÊN DO CHÍ NGUYỆN

 9. TIÊN PHẬT MUỐN NÊN DO CHÍ NGUYỆN

Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng)

Tý thời, ngày 24-9 Bính Thân (Thứ Bảy 27-10-1956)

NGÔ đồng ([1]) rụng nhánh tươi xanh 

CAO đức nhờ công tập tự thành

TIÊN Phật muốn nên do chí nguyện

GIÁNG thăng pháp đạo hưởng ân lành

Bần Đạo chào chư sĩ.

Hôm nay chư sĩ lập tư đàn, Bần Đạo nhân dịp nói qua đôi phần khuyết điểm. 

Công phu tu luyện phải bền tâm lập chí nhiều ngày. Giờ phút nào cũng ân cần trau sửa tánh tình. Không nên lơ đễnh để ma dục nổi lên che án chơn thần, lấp ngăn tự tánh.([2])

Đức Chí Tôn đã ban cho một phần Thiên lý. Phần ấy ở nơi tự thể của Thầy chia ra, đầy đủ khôn ngoan, quyền pháp. Nhưng khi đến cõi này phải chịu mang thêm nhiều lớp tinh khí, càng đi xa lại càng bao bọc thêm những thể chất ở mỗi nơi mỗi cõi đặng có đủ sức mạnh đè xuống, buộc chơn tánh phải thuận tùng để vận dụng quyền năng của mình mà bồi đắp thêm nhiều công đức, trí tuệ. 

Hồn mang lấy xác thịt này là phần ô trược, khốn nạn.([3]) Có thức làm chủ, mà thức là công năng tụ tập các danh sắc ([4]) bên ngoài, nên thức gặp vật chất mới sanh vọng. Có vọng rồi thì ý của thức hiện ra, bị đụng chạm phần danh sắc kia mà hóa nên động. Vọng động nối tiếp mới sanh tình. Tình nương theo vọng động của ý thức rồi giao cảm cảnh sắc chung quanh có dục. Tình cảm dục vọng lúc nào trong người cũng đào độn,([5]) xô xát, nhồi nhả thân tâm, cấu kết thêm nhiều phiền não,([6]) tạo nên điều lành chẳng mấy mà gây thành nghiệp dữ quá nhiều. thế con người phải khốn khổ, lăn quay mãi theo bánh xe nghiệp thức,([7]) không biết mấy cho cùng.([8]) Kiếp kiếp trầm luân, sống chết mãi không thôi cũng vì vọng dục của ý tình mỗi phút, mỗi giờ. Ý tạo gây thêm tội ác, ngày tháng khổ đau. 

Hôm nay chư sĩ đã vào cửa tu, lãnh pháp đạo rồi thì phát tâm giải lấy nghiệp oan, ngự chế dục tình vọng cảm cho vô minh diệt tận, trí tuệ được khai.

Muốn có pháp đạo cao siêu, bản năng sáng tỏ thì phải chế tình ngự dục,([9]) làm chủ ý thức, không để cho ý thức ám ảnh tâm linh. Tu đây cũng như cách trồng cây.

Trồng cây phải chăm nom bón xới, phân nước chuyên cần. Muốn cây mau lớn mập, ngay thẳng phải uốn nắn và dựa chống cho nó. Những nhánh nhóc đáng để, ta còn nuôi dưỡng. Những nhánh nhóc không đáng để, lập tức bẻ gãy cho sức sống của cây khỏi bị chia phân ra nhiều mà phần trưởng thành chậm lại. Nhánh nhóc, chồi tược đó ví như tình dục, ý muốn của các hiền.

Các hiền còn thua sút về đường lập chí. Đôi lúc vui, vui lại quên lẽ phải. Đôi lúc buồn, buồn làm mất tự do. Khổ thì kêu, sướng lại ré, chưa theo luật thanh tịnh thiên nhiên.

Vui, ai bảo các hiền vui? Có phải tình dục, ý muốn không? Ai bảo các người buồn? Có phải nghiệp thức, hoàn cảnh không? Thế thì vui buồn đều bị hoàn cảnh, ý tình làm chủ điều khiển mà phần hồn chạy theo sẽ phải lệ nghiệp thức. 

Cây vươn mình trồi lên trong những lúc mưa dầm nắng xát. Nó không xàu úa trước cơn giá rét, nóng nồng; người sao không vươn mình để thắng bao hoàn cảnh? Vậy phải tự chủ đi để hưởng lấy tự do; phải lập chí đi để lập vị. Phát nguyện rồi mới phát bồ đề tâm. Chư đệ tu nên kiểm điểm lại.

Bần Đạo nói thẳng: Chư hiền còn bị ngoại cảnh lôi cuốn, còn bị nội giới lung lạc. Ngồi tịnh chưa yên, nhớ xa nhớ gần, tính lời tính lỗ, muốn xinh ưa đẹp, tình ý bao vây, bắt sống những ma cảnh làm đồ chơi thỏa thích. Chư hiền chưa kiêng luật pháp, chưa trọng quyền hành của mình.

Bần Đạo hỏi: Sóng gió nơi lòng đã yên chưa, hay còn vùn vụt, ồ ạt? Sáu trần khởi phát, lù kéo tới là tại sáu căn chiêu tập.([10]) Sao các hiền chưa đoạn cắt phần này để cầu lấy tự do, thanh tịnh? Sao chưa hội đủ được tình ý, và chưa hành trì pháp đạo theo bí khuyết ([11]) đã truyền? Biển lặng thì minh châu mới hiện. Biển đã lặng đâu mà thấy được minh châu? Vậy rán chế tình ngự dục, tôn trọng lấy sứ mạng nơi mình theo pháp lặng lòng tai lóng...

Tuy bây giờ gần mãn đợt, cũng còn thời gian quyết tâm cầu hồng ân ban thưởng. Ví như kẻ đua gần đến mức, nhờ rán mà cướp được giải đầu. 

Việc chẩn tế âm nhơn, chư hiền phải chia phiên. Ai cũng phải biết. Lễ Sanh biết, sao Giáo Hữu lại không? Mỗi buổi chẩn tế có lợi vô ngằn ([12]) cho chư đệ trong pháp tu tịnh.

Pháp bố thí để ngoại bàn Ngũ Lôi cho Hiệp Thiên Đài xem xét. Khi dâng lễ xong có người bưng vào cho chủ đàn làm phép. Làm phép xong, đọc Cứu Khổ ba biến nhỏ nhỏ, vì phải gìn giữ lấy nguơn khí. Bãi đàn đem ra bàn chẩn tế, chủ đàn lấy bông nhúng vào hồ lô, rải trước mặt để giải oan cho thập loại.([13])

Còn việc lập đàn hôm nay, Bần Đạo khen lòng tin, nhưng chỗ hồi quang đó chưa phải khí huyệt nằm ngoài Mạng Môn, nên ánh sáng của lá lách và thận xung chiếu. Hiền đệ ngó ngay vào Mạng Môn độ ba phân nữa và rán chế ngự vọng niệm để cầu thanh tịnh, sẽ thấy phần chơn khuyết hơn.

Phần tu hôm nay Bần Đạo thấy lơ đễnh lắm đó. Các hiền coi lại bài gà ấp trứng. 

[Thanh bạch ...

Mỗi một người công phu, dù người chỉ dẫn sai hay đúng chưa lấy làm quan trọng bằng đức tin của mình. Đức tin mất đi rồi thì chỉ dẫn đúng cũng vô ích, mà sai lại càng nguy hại. Bần Đạo đã chỉ rồi.

Còn Sơ lúc này cần tồn dưỡng theo pháp lặng lòng, tiếp lấy thanh tịnh điển quang, ngồi ngay vai đứng, tỉnh không mê, tịnh không động.

Bần Đạo ra lệnh ngày 01 tháng 10 lập tờ trình Tòa Tam Giáo về bộ phận đợt tịnh để điểm đạo, điểm công. 

Bần Đạo chào chư vị. 

*



([1]) ngô đồng 梧桐: Loại cây cảnh, lá đỏ, rụng lá vào mùa thu. Danh pháp khoa học là “Firmiana platanifolia”.

([2]) tự tánh 自性: Bản tánh tự nhiên Trời ban, có sẵn trong mỗi người (cùng nghĩa với Thiên chân 天眞).

([3]) khốn nạn 困難: Khốn khổ, đáng thương.

([4]) danh sắc 名色: 1/ Danh lợi 名利sắc tài (sắc dục và tiền của). 2/ Tên gọi (danh) và hình tướng (sắc), cả hai đều giả tạm. 3/ Tinh thần 精神 (danh) và vật chất 物質 (sắc).

([5]) đào độn: Tạm hiểu là nổi sóng dữ dội. (Sóng thần còn gọi là “đào độn”. Nó chồm lên cao vài thước rồi chụp mạnh xuống.)

([6]) phiền não 煩惱: Là những gì làm cho tâm hồn rối loạn, buồn sầu, khổ não. Bất kỳ thứ gì tác động đến tâm hồn, làm trở ngại sự tu tập để đạt được tâm thanh tịnh hay sự giác ngộ đều gọi là phiền não. Vì bị mê lầm (ảo tưởng hay huyễn tưởng) chi phối, vì muốn thỏa mãn ham muốn mà tâm hồn bị phiền não. Trái nghĩa với phiền não là thanh tịnh 清淨.

([7]) nghiệp thức 業識: Cũng gọi là tùy nghiệp thức 隨業識, là cái thức do duyên theo nghiệp mà phát sanh; nó nương theo vô minh mà dấy động bổn tâm.

([8]) cho cùng: Cho hết mức, cho cùng tận, cho dứt hẳn.

([9]) chế tình ngự dục: Chế ngự 制御 (khống chế) tình dục.

([10]) chiêu tập 招集: Mời gọi quy tụ lại; kêu gọi tụ họp lại.

([11]) bí khuyết: Bí quyết 祕訣.

([12]) vô ngằn: Vô ngần, không gì sánh được, vượt khỏi mức bình thường. (Ngằn: Chừng mực, mức độ.)

([13]) Tức là thập loại cô hồn đẳng chúng 十類孤魂等眾: Mười loại cô hồn. (Mười là con số phiếm định, nên hiểu là vô số. Bởi lẽ thế gian có bao nhiêu hạng người thì có bấy nhiêu loại cô hồn.)

 

Huệ Khải chú thích