Thứ Tư, 14 tháng 8, 2024

6. PHẢI CÓ PHÁP MÔN CỨU MÌNH

 

6. PHẢI CÓ PHÁP MÔN CỨU MÌNH

Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng)

Ngày 28-8 Bính Thân (Thứ Ba 02-10-1956)

TÁI CẦU

Nhẹ bước đường thông đến cõi trần

Xe Tiên đi lại sẵn kim thân ([1])

Chơn truyền nếu được Thầy ban đặt

Thì chốn Bồng Lai ([2]) cũng quá gần. 

NGÔ CAO TIÊN

Chào chư hiền đồ. Đại tịnh nghe dạy. 

Nơi đây được tiếp kỳ Thánh ân, khai kỳ pháp đạo nên chư hiền đồ được nhiều phước huệ. Thật ít người được hân hạnh ấy. Nhưng thế thường hễ càng thương thì lại cũng thấy những sự uốn éo, chả chớt.([3]) Đứa con kia được cha mẹ nuông chiều, thế là trở nên hư hỏng. 

Hôm nay nơi Trung Tông đã gặp kỳ khai cơ giáo pháp. Để trọn đức Thánh ân, Thầy ra lệnh cho các hàng đẳng Thiên sắc vào nhập tịnh để tồn dưỡng thân tâm hầu có đủ sức khỏe và sáng suốt ra hành pháp trị đạo, nhưng xét vì chư hiền đồ nơi đây chưa thấy phần trọng yếu của đạo pháp nên chưa trọn lòng hạ thủ ([4]) công phu.

Chư hiền muốn cứu đời ra ngoài đau khổ, lánh thân nơi cõi trầm luân ([5]) thì chư hiền phải có pháp môn cứu mình. Cứu được mình mới mong cứu lấy người. Cứu người là mình không còn lặn hụp. Chính mình đang ở trong biển khổ, dù có to tiếng kêu gọi mọi người vượt ra ngoài biển khổ để khỏi trầm luân thì có ai tin nghe. Chư hiền đồ phải đi, đi cho đến nơi rồi trở lại dắt người, mới khỏi lạc lầm sai quấy.

Hôm nay các hiền đồ đã vào một cánh rừng rậm bao la, không biết lối nào là lối nào. Không phải không có người chỉ dẫn nhưng thật ra chư hiền còn thiếu tin tưởng nên lòng vòng chưa tìm ra manh mối. 

Hôm nay Bần Đạo đến đây nhứt định cho chư hiền đồ một con đường thẳng tới. Đường này là phương ôn dưỡng.([6]) Ôn dưỡng, mộc dục ([7]) nghĩa là tứ thời công phu theo lối thiền định, tĩnh tọa, không theo lối luyện khí vận thần như trước.

Chư hiền có một con đường ôn dưỡng để làm cho thân thể khỏe mạnh, làm cho tâm thân sáng láng. Muốn cho thân tâm được toàn vẹn thì phải đặt nặng những giờ công phu. Mỗi giờ phải ngồi thiền để cho thần khí ngưng tụ nơi tâm. Bình tĩnh đặt vấn đề rồi trầm tư mặc tưởng. Phải luôn luôn tư duy thường trụ cho sáng tỏ tâm linh.

Tịnh cho say sưa, cho duy nhứt ý chí, không còn một mảy trần duyên móng hiện để xét qua yếu lý cơ mầu. Tịnh được vậy thì điển quang sẽ ngưng giáng. Xong rồi định cho lâu. Đừng nghe, đừng ngó, đừng nói. Được vậy thần sẽ gom, khí sẽ tụ, các cơ quan trong cơ thể ngưng tịnh lại, gân guốc buông thả nhẹ nhàng. Tịnh như thế, định như thế thì sẽ thấy kết quả.

Mỗi ngày mười giờ. Ngoài giờ công phu cúng nước quỳ hương thì phòng ai nấy ở. Không một tiếng nói, một kẻ cử động làm cho người khác chú ý.

Trừ ra sau giờ ăn cơm. Người nào hay đi lại, vô ra thì để chỗ nằm một nơi khác. Trong phòng sắp xếp cho vén khéo sạch sẽ, trật tự phân minh khoa học. Không được treo áo quần và để đồ đạc bừa bãi. Việc này Ban Giám Thị gắng lo. 

Trong số nhập tịnh đây còn có một đôi hiền làm cầu may và lấy lệ. Phải gắng lên! Còn tu không được thì xin bớt hai giờ hay bốn, sáu, tám giờ tùy ý, nhưng phải ở riêng. Tùy Ban Giám Thị. 

Nội quy hội ý mà vạch. Đợt mật truyền có kỳ đàn khác sẽ khải thị.

Ban Giám Thị không theo dõi được tinh thần từng cá nhân nhập tịnh. Nếu phần cá nhân nào không được thì tùy cơ duyên của người ấy. 

Chư chức sắc nhập tịnh bây giờ trở đi có bao nhiêu việc như sau:

1. Công phu: Thiền định. Tịnh tọa. Cúng nước, quỳ hương. 

2. Ôn đọc lời bí truyền trong các kỳ đàn pháp: Làm cho được lời của Lão Tổ dạy là y sỹ ([8]) và giáo sỹ. Thực hiện cho được bốn điều ([9]) Bần Đạo dạy. Tắm mỗi ngày một lần bằng nước nóng hay lạnh tùy ý. 

Còn pháp luyện đơn vận khí thì Bần Đạo tạm thâu, trừ vị nào có phát đại nguyện và đại thệ thì được truyền, nhưng không bằng cơ bút. (Cấm không tiết lậu Thiên cơ. Nếu ai phạm phải thì đọa tam đồ bất năng thoát tục.) 

Sự nhập tịnh này cũng như gà ấp trứng. Trứng có tượng hai khí, là một tròng đỏ, một tròng trắng. Trắng là khí; đỏ là lý. Khí để nuôi lý; lý nương khí mới thành hình. Lý, khí, hình là thể của Đạo. Lúc mới sơ sinh thì chỉ có khí ấy, lý ấy, là kỳ hỗn độn hồng mông chưa phân mà trong đó có Đạo thể. Có Đạo là có Thầy, mà Thầy là mầm sống của vạn hữu chúng sinh. Vì vậy thần khí phải nương nhau, trong ngoài đều tương trợ.

Trứng gà nhờ sự ôn dưỡng của thời gian ấp trộn mà khí huân chưng ([10]) đầm ấm làm cho khí trong trứng loãng vữa([11]) đi. Lúc này đỏ trắng hỗn độn, cơ cấu trong trứng biến đổi, chuyển vận. Chuyển cho đỏ hóa bầm, trắng hóa tím mà tượng nên hình thể. Hình thể nương hai khí ấy mà sống, nương hai khí ấy mà thành. Khí ấy đã tạo nên hình có đủ các cơ cấu hoạt động, có đủ trí giác khôn ngoan. Nhờ ôn dưỡng của sự ấp trộn mà nên hình. Đủ một châu thiên, nghĩa là một tháng thì gảy mỏ ([12]) mà chun ra.

Ôi, mầu nhiệm thay! Mà ai là người biết suy nghiệm? Đáng tiếc cho công phu ấp trộn của gà mẹ không chuyên cố cần mẫn nên có đôi trứng sát. Sát đây là trong lúc ấp không trộn hoặc không quán xuyến nên bị hư. Người tu luyện nên ân cần dè dặt. 

Bần Đạo chào chư hiền đồ. Bần Đạo thăng.



Huệ Khải chú thích:

([1]) kim thân 金身: Nhị xác thân; xác thân trường tồn của người đắc đạo; do đó còn gọi là kim thân bất hoại 金身不壞.

([2]) Bồng Lai 蓬萊: 1/ Một trong ba ngọn núi là nơi cư trú của các vị Tiên ở biển Bột Hải 渤海 (hai ngọn núi còn lại là Phương Trượng 方丈 và Doanh Châu 瀛洲. 2/ Nghĩa bóng là cảnh Tiên, cõi Tiên, cõi cực lạc, cõi thiên đàng.

([3]) uốn éo, chả chớt: Không nghiêm túc; không đứng đắn.

([4]) hạ thủ 下手: Bắt tay làm; ra tay làm; khởi sự làm.

([5]) trầm luân 沉淪: Chìm đắm. (Trầmluân đồng nghĩa.)

([6]) phương ôn dưỡng (ôn dưỡng phương pháp 溫養方法). ôn dưỡng 溫養: Là thuật ngữ kim đơn 金丹 của đạo Lão; là một bước cơ bản trong luyện dưỡng đơn dược 煉養丹藥 (thuốc). Chữ “ôn” (ấm áp) cho thấy rằng một lượng lửa (hỏa hậu 火候) nhứt định phải giữ liên tục trong quá trình luyện kim đơn, và không được để nó bị dập tắt. Nếu nó bị dập tắt, thuốc sẽ không được tinh chế thành công. Chữ “dưỡng” cho thấy rằng không thể dùng lửa mạnh (võ hỏa 武火) khi giữ lửa (hỏa hậu). Nếu lửa được thực hiện quá nhanh, nó sẽ làm cho âm dương tiến và lui mất trật tự. Điều này giống như phụ nữ lần đầu mang thai, cần có bổ sung dinh dưỡng phù hợp, nhưng không nên bổ sung nhiệt quá mức. Nếu bổ sung nhiệt quá mức, thai nhi thường bị ngộ độc sau sinh và dễ bị bệnh. Đạo Lão ví việc tu luyện kim đơn với việc phụ nữ mang thai; vì vậy họ thận trọng và coi sự ôn dưỡng là một bước quan trọng của quá trình giữ lửa (hỏa hậu). Điều này cũng có ý nghĩa của công phu 功夫. Có những yêu cầu công phu khác nhau ở các giai đoạn khác nhau. Khi hái “thuốc bên ngoài” (ngoại dược 外藥, tức là tinh khí hậu thiên hình thành ở bước cơ bản luyện tinh hóa khí 煉精化氣), thì sử dụng lửa nhỏ (văn hỏa 文火) ấm áp, và âm dương giảm một nửa. Khi ngoại dược được tinh luyện thành đơn thai 丹胎 thì cần tinh luyện thêm một bước. Đạo Lão gọi bước này là “hái thuốc bên trong” (nội dược 內藥, tức là nguyên tinh 元精), và đưa nó về Đơn Điền 丹田. Lúc này phải chú ý trừ khử tình dục, quên hình thể như ngu không biết gì. Lấy tâm ý thuần chơn dung hợp hơi thở, đó là ôn dưỡng khi “hái nội dược”. Ở giai đoạn luyện thần huờn hư 煉神還虛 (luyện thần trở về hư không), sẽ cảm thấy “dương thần ra khỏi khiếu huyệt” (dương thần xuất khiếu 陽神出竅). Lúc này phải dứt tuyệt ý niệm và tư tưởng để thần ý về hư không (thần ý hoàn nhi vi hư 神意還 而為虛). Đó cũng là một thứ công phu ôn dưỡng. [Lê Anh Minh chú]

([7]) mộc dục 沐浴: 1/ Gội đầu (mộc) và tắm (dục). 2/ Phương pháp ôn dưỡng của hành giả; chỉ khép mắt (bế mục 閉目) tọa thiền mà không luyện khí vận thần, không được dùng võ hỏa 武 火. Mộc dục ví như tạm nghỉ ngơi sau khi đi bộ mệt mỏi (如行步 疲乏而暫憩息: như hành bộ bì phạp nhi tạm khế tức). Tức là động hết mức thì tĩnh để hồi phục sức lực mà đi tiếp (動極而靜以復 原而運化: động cực nhi tĩnh dĩ phục nguyên nhi vận hóa).

([8]) y sỹ 醫士: Thầy thuốc. Người tu thiền (tịnh luyện) là thầy thuốc tự chữa bịnh cho chính mình.

([9]) bốn điều: Thiền định, tịnh tọa, cúng nước, quỳ hương.

([10]) huân chưng 薰蒸: 1/ Xông hơi để chuyển hóa. 2/ Trong khi ôn dưỡng 沐浴mộc dục 溫養, dùng văn hỏa 文火 để xông hơi.

([11]) vữa: Rữa; không còn kết dính, bị phân rã ra và chảy nước.

([12]) gảy mỏ: Khảy mỏ.