Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

13. MINH CHƠN DIỆU PHÁP TÂM THƯỜNG TRỤ

Chúng tôi kính mong quý đạo hữu, đạo tâm hoan hỷ đọc giúp bản thảo để chỉ cho chúng tôi các chỗ cần sửa chữa hay bổ túc. Chúng tôi vô cùng biết ơn. Khi phản hồi, để khỏi bị sót, kính đề nghị quý đạo hữu, đạo tâm dùng "Tin nhắn" của FB Dũng Lê hay gởi email về: daidaovanuyen@gmail.com.

13. MINH CHƠN DIỆU PHÁP TÂM THƯỜNG TRỤ

Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng)

Tý thi, ngày 30-11 Bính Thân (Thứ Hai 31-12-1956) 

CAO hạnh nhờ công học hỏi nhiều

TIÊN phàm dầu cách chẳng bao nhiêu

MINH chơn diệu pháp tâm thường trụ ([1])

CHIÊU tập ([2]) nguyên nhơn ([3]) kết Thập Điều.([4])

Bần Đạo chào chư Thánh ân Thiên sắc. 

Giờ này Bần Đạo phụng Thánh chỉ giá hạc lâm đàn ([5]) để lời chúc mừng chư Thiên ân Thiên sắc trong mùa nhập tịnh tầng ba.

Chư hiền đồ đã trải qua tầng công phu mười sáu ngày, nay bước sang tầng thứ ba. Bần Đạo rất vui mừng nhận thấy chư hiền đồ có lòng ưu tư với pháp đạo tu hành, có nhiệt tâm hành trì pháp giới, nên hôm nay Bần Đạo ghé lại để góp ý kiến về pháp môn công phu tầng này. 

Pháp Tứ Bửu: Nói chung, chư hiền đều hành trì nhưng làm chưa đúng theo Thánh truyền là phù, chú, ấn, quyết chưa tinh, còn lộn xộn chậm chạp, chưa được thuần thục, và chưa được đều. Vậy chư hiền gắng thêm, sửa đổi đôi chút, và luyện đến ngày 10 Bần Đạo sẽ đổi theo phương thức tâm linh. 

Về công phu: Đợt này được chu đáo hơn đợt trước, nghĩa là tịnh viên biết tuân theo nội quy, chương trình nhưng chưa phải trọn vẹn. Có kẻ gắng, người không; kẻ ham, người ít mộ.([6])

Tầng ba sắp tới nên gia thêm ([7]) công phu tu học để bồi dưỡng linh căn.

Phần tâm pháp: Chư hiền đồ ôn luyện còn sai nhiều, nghĩa là chưa theo lời chỉ trong pháp tu, chưa trọn hơi thở, chưa hợp bản năng, chưa tinh thông pháp, v.v... Tầng ba rán mà làm cho được.

Pháp môn trao tặng cho chư hiền cũng gọi là tạm đủ. Nếu hiền nào có chí tu học thì sắp đặt phần tâm thể, thân tướng vào tu nhị chuyển, tam chuyển (mật khẩu tâm truyền), v.v... 

Phần phát tâm thệ nguyện của chư hiền: Bần Đạo lấy làm vui sướng và nói qua đôi chút. Đã phát tâm tu công giải khổ thì ta phải làm tròn theo lời của tâm dạy bảo. Phải gìn giữ đúng đắn, phải hằng nhớ hằng lo, phải bền công cố chí. Thầy sẽ tùy duyên tùy nguyện mà dẫn dắt, phò trợ cho những con đã phát tâm trọn vẹn đến đích cuối cùng là con đường siêu phàm nhập Thánh. 

Tầng ba y theo công phu tầng hai mà làm. Đến ngày 10 tháng 12 Đại Đạo 31,([8]) Bần Đạo sẽ chỉ phần tâm pháp và tiếp tục điểm danh. 

Phần Hội Thánh: Việc đi các tỉnh theo chư hiền đã định, Bần Đạo nhận thấy khó giải quyết; mà theo lịnh Thầy thì Ban Giám Thị không được thay đổi. Nếu Hội Thánh có người thì sẽ đi, nhưng đi chưa chắc là kết quả. Hiện nay công việc Hội Thánh còn ứ đọng rất nhiều. Về công tác Phổ Tế: Theo ý Tổng Lý thì không chỉ bấy nhiêu mà phải tận tâm làm việc mới xong tài liệu để nối tiếp tân xuân Khai Cơ Giáo Pháp. Việc Hội Thánh bao nhiêu đó, cố gắng tuân hành. 

Đây, về phần tu tịnh: Chư hiền nên nghiên cứu những pháp tu của mình để tìm yếu lý các bài kinh cúng tứ thời: Chí Tôn Bửu Cáo, Nhụy Châu, Hồng Thệ, Cảm Ứng, Thông Minh, và Quan Âm Cứu Khổ. Phần này thảo luận chung và riêng. Chung trong giờ đã định. 

Chư hiền còn thắc mắc gì không? 

[Hậu bạch ...] 

Bài Hồng Thệ sửa lại. Đọc.

Sửa lại: “Thương đời Thầy đến bảo tồn căn nguyên.”

Thôi, chư đệ coi lại mà sửa chữa đoạn sau. 

[Liên Hoa bạch ...] 

Tâm thường trụ là định. Minh chơn diệu pháp là thiền. Hai phương tiện cùng một thể thức tu luyện. Thường trụ tại tâm. 

Thôi, hôm nay cảnh giới xao động nên khó chỉ nhiều. Cần hơn là chư hiền vào tu nên cố gắng; còn việc chứng đạt thì cũng theo thân tâm tình ý của mình. Tâm thanh ngộ thanh; tâm tịnh ngộ tịnh. Khi xuất tịnh ra hành đạo thì các hiền sẽ thấy kết quả của mùa tu. 

[Liên Hoa bạch ...] 

Theo tinh thần của chư hiền thì nhập tịnh là cứu khổ tâm linh thân thể; nhập tịnh để tìm lỗi trong người. Vậy phải luận bài Cứu Khổ xong đến Cảm Ứng, v.v... 

Thôi, Bần Đạo chí thành cầu nguyện Chí Tôn ban ơn cho mỗi hiền. Bần Đạo thăng. 

*


([1]) thường trụ 常住: Gọi tắt là “thường”; trái nghĩa với “vô thường. Trải dài suốt ba đời quá khứ 過去, hiện tại 現在, vị lai 未來 (tương lai 將來); hằng thường tồn tại 恆常存在; vĩnh viễn 永遠; không sinh diệt biến dịch 不生滅變易. Minh chơn diệu pháp tâm thường trụ: 明真妙法心常住: Cuối Thánh giáo này, Đức Ngô dạy: “Tâm thường trụ là định. Minh chơn diệu pháp là thiền. Hai phương tiện cùng một thể thức tu luyện. Thường trụ tại tâm.”

([2]) chiêu tập 招集: Mời gọi quy tụ lại; kêu gọi tụ họp lại.

([3]) nguyên nhơn 原人: Là linh căn 靈根 có nguồn gốc từ cõi trời, nhận lãnh sứ mạng xuống thế gian độ đời; khác với hóa nhơn 化人 là người vốn từ cầm thú tiến hóa lên.

([4]) Thập Điều 到條: Có lẽ là “Thập Thanh Điều do Đức Ngô ban cho môn sanh Chiếu Minh, gồm có: Một khuyên giảm khẩu bớ con / Hai khuyên chánh kỷ cho tròn hóa nhơn / Ba khuyên giảm tánh giận hờn / Bốn khuyên giữ lễ chớ lờn oai Tiên / Năm khuyên kính mến người hiền / Sáu khuyên đậy mắt lánh miền thị phi / Bảy khuyên học chữ từ bi / Tám khuyên hành đạo kịp thì Long Hoa / Chín khuyên suy xét gần xa / Mười khuyên lập nết ôn hòa độ dân.

([5]) giá hạc lâm đàn 駕鶴臨: Cỡi chim hạc bay đến đàn cơ.

([6]) mộ : Hâm mộ 歆慕; ngưỡng mộ 仰慕; yêu mến.

([7]) gia thêm: Tăng thêm.

([8]) Ngày 10-12 Bính Thân (Thứ Năm 10-01-1957).

 

Phạm Văn Liêm kết tập

Huệ Khải & Lê Anh Minh hiệp chú