Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

11. VUN TƯỚI CỘI XUÂN TÂM / Diệu Nguyên

 


11. VUN TƯỚI CỘI XUÂN TÂM

Chỉ còn ít ngày nữa là năm cũ kết thúc, nhường chỗ cho một năm mới bắt đầu. Có lẽ ai ai cũng đều cảm nhận được mùa xuân đang đến rất gần khi ngoài phố, các ngả đường được giăng đèn kết hoa, nhà nhà sơn cửa quét vôi mới, các gian hàng trong chợ hay siêu thị đầy ắp các loại bánh mứt rượu trà và đặc biệt là các khu vườn bán cây kiểng có đủ loại hoa xinh kiểng đẹp chờ mọi người mua về trang hoàng nhà cửa trong mấy ngày tết. Cứ mỗi lần xuân đến như vậy, mua một chậu hoa mai, hoa cúc về nhà, tưới nước, chăm sóc, nâng niu, tôi lại nhớ đến lời dạy năm xưa của Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ:

Đại khái xuân đời, cảnh vật có chi các con! Cành hoa chớm nở tươi xinh, các con nâng niu cành lá, vun tưới gốc cây, ngửi mùi thơm trong nhụy. Sao các con không vun tưới cội lành Đạo cả,([1]) nâng niu sang sửa chơn tâm cho thật tươi nhuận sáng suốt để rồi ngửi lấy đạo vị nhiệm mầu tự lòng con khai phát? ([2])

Lời dạy của Thầy gồm có hai phần:

Phần thứ nhất, Thầy nhắc đến tâm lý phần đông thế nhân thường yêu thích xuân cảnh ngắn ngủi bên ngoài: Cành hoa chớm nở tươi xinh, các con nâng niu cành lá, vun tưới gốc cây, ngửi mùi thơm trong nhụy.

Ngày tết, ai cũng thích mua các chậu hoa xuân về trang hoàng nhà cửa. Có lẽ không một ai trong chúng ta, hoặc giả nếu có thì chắc cũng rất ít người, làm được điều mà Đức Ngô Minh Chiêu, vị môn đệ đầu tiên của Đức Cao Đài đã làm, đó là ngày 30 tết, đi chợ trưa, gặp người bán hoa ế ẩm, mặt mũi ủ dột, Đức Ngô đã bỏ tiền ra mua cả một bó hoa lớn, vừa xấu lại vừa mắc. Con Ngài có ý phàn nàn, Ngài giải thích rằng vì muốn giúp người bán hoa chút tiền để họ kịp dọn về lo cúng rước ông bà.

Còn phần đông chúng ta mua hoa thì chọn hoa tươi hoa đẹp, lại trả giá sao cho được lợi, được rẻ. Tuy nhiên, cho dù chúng ta mua hoa có xinh tươi thế nào thì cũng chỉ mấy ngày tết. Rồi hoa cũng sẽ héo úa tàn tạ, xuân cũng sẽ qua đi. Chưa nói đến chuyện dù cho xuân cảnh có đẹp đến đâu, nhà cửa có trang hoàng lộng lẫy đến đâu trong mấy ngày xuân mà lòng người chất chứa nhiều điều phiền muộn lo âu thì hoa xinh hoa đẹp cũng trở thành vô nghĩa, bởi lẽ, như nhà thơ Nguyễn Du đã bảo:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Do đó, Đức Đông Phương Chưởng Quản nhắc nhở chúng ta:

Ý nghĩa chân thật của hai tiếng thưởng xuân phải ngấm ngầm bộc lộ từ nội tâm mới thật là đúng nghĩa.([3])

Đức Mẹ cũng dạy:

(C)ác con hưởng xuân, vui xuân, chúc xuân, không cứ là một mùa xuân ngắn ngủi hạn định như cánh mai kia, mà để nhắc nhở khêu gợi cho các con một tấm lòng xuân trường cửu của đạo lý([4])

Xuân cảnh bên ngoài trôi qua thật là chóng vánh để nhường chỗ cho mùa hạ oi ả nóng bức, mùa thu ảm đạm thê lương và mùa đông băng giá lạnh lùng. Do đó, các Đấng luôn khuyên dạy người tu chúng ta hãy ý thức tự tạo cho mình một xuân tâm trường cửu trong lòng.

Thế nên, trong phần thứ hai, Đức Chí Tôn dạy:

Sao các con không vun tưới cội lành Đạo cả, nâng niu sang sửa chơn tâm cho thật tươi nhuận sáng suốt để rồi ngửi lấy đạo vị nhiệm mầu tự lòng con khai phát?

Đức Đại Từ Phụ khuyên chúng ta mỗi khi nâng niu, vun tưới, chăm sóc các chậu hoa xuân thì cũng đừng quên rằng trong nội tâm chúng ta, ai ai cũng đều có một cội cây mà Thầy gọi là cội lành Đạo cả. Nếu chúng ta biết vun tưới, nâng niu, chăm sóc thì đó chính là cội xuân tâm muôn thuở luôn mãi tỏa ngát hương thơm.

Cội lành Đạo cả mà Thầy nói nơi đây chính là căn lành tánh thiện, là Phật tính hay Thượng Đế tính, là chơn tâm mà Thầy đã ban cho mỗi người từ lúc bước chân vào cõi nhân gian. Thánh nhân xưa đã từng bảo rằng Nhân chi sơ tánh bổn thiện. Phần đông con người lúc mới sinh ra và còn nhỏ dại thì tánh hồn nhiên, vô tư, chất phác, nhân hậu. Câu chuyện sau đây cho thấy cái chơn tâm trong sáng còn nguyên vẹn của trẻ thơ.

Chuyện kể rằng, tại một ngôi trường tiểu học ở thành phố Luân Đôn, tỉnh Ontaria, Canada, để mừng lễ Chúa giáng sinh, các em học sinh lớp hai được giao nhiệm vụ thực hiện một hoạt cảnh diễn tả lúc ông Giu-se đưa bà Ma-ri-a sắp sinh Chúa Giê-su trở về quê theo lệnh điều tra dân số của vua La Mã lúc bấy giờ. Tất cả các quán trọ đều chật ních người nên ông bà bị từ chối khi tìm chỗ trú ngụ. Một em bé tên Ralph được giao đóng vai người chủ quán trọ.

Đêm văn nghệ của trường chật ních khán giả. Ai cũng háo hức muốn xem con cháu nhà mình trổ tài trên sân khấu cuối năm.

Hoạt cảnh diễn ra suôn sẻ từ đầu vì bọn trẻ được tập luyện rất nhuần nhuyễn. Thế rồi đến cảnh ông Giu-se chậm chạp, mệt mỏi dìu bà Ma-ri-a đến cánh cửa quán trọ đóng im ỉm. Ông gõ cửa.

Ralph chỉ chờ có thế. Cháu đẩy tung cánh cửa ra, hùng hùng hổ hổ quát:

- Mấy người muốn gì?

- Chúng tôi tìm chỗ trọ qua đêm.

- Chật hết rồi. Đi chỗ khác đi!

- Xin ông làm ơn. Chúng tôi đã hỏi hết các nơi khác nhưng đều bị từ chối. Chúng tôi đi đường xa, mệt mỏi.

- Không còn phòng nào hết!

- Xin ông mở lòng lành. Đây là vợ tôi, sắp đến ngày sanh nở. Vợ tôi rất cần được nghỉ ngơi đêm nay. Xin ông cho một xó xỉnh nhỏ hẹp nào cũng được.

Ralph nhìn bà Ma-ri-a, rồi đứng ì ra khá lâu. Cả hội trường im phăng phắc, bối rối trước thái độ của Ralph.

Nấp sau cánh gà, cô giáo nhắc tuồng:

- Không, xéo đi!

Ralph vẫn đứng như phỗng đá.

Cô nhắc đến lần thứ ba. Mỗi lúc một lớn giọng hơn. Các cháu đóng vai thiên thần ở hậu trường cũng sốt ruột, lo ngại không kém mọi người.

Cuối cùng Ralph cũng mở miệng như cái máy, hết cả giọng hung hăng:

- Không, xéo đi!

Ông Giu-se buồn bã, thất thểu dìu bà Ma-ri-a bước đi. Tay chủ quán không quay vào đóng sập cánh cửa lại như đã tập dượt thuần thục hàng chục lần. Y đứng sững đó, dõi mắt thẫn thờ nhìn theo ông bà Giu-se. Y chau mày, vẻ mặt khổ sở, bờ môi y run run cố nén cơn cảm xúc, và kìa, hai tròng mắt y đã ướt sũng tự lúc nào!

Đột ngột, phần chót của hoạt cảnh đã bị thay đổi khác hẳn kịch bản. Ralph gào lên:

- Đừng đi, Giu-se! Đưa Ma-ri-a quay lại đây!

Tay chủ quán dang rộng hai cánh tay, miệng cười rạng rỡ:

- Mời ông bà ngủ lại trong phòng của tôi.

Cô giáo bật khóc. Các cháu nhỏ thủ vai thiên thần ùa cả ra sân khấu trong lúc khúc nhạc mừng Giáng Sinh trỗi lên rộn rã.([5])

Câu chuyện đã cho thấy tấm lòng trẻ nhỏ quả là trong sáng, nhân hậu biết bao! Do đó, Đức Chúa Giê-su từng dạy các môn đồ: Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu. (Ma-thi-ơ 18:3)

Thế nhưng, khi lớn lên thì cội cây thiện tánh trong mỗi con người lại bị sâu cầy cắn phá khiến cho cây bị khô cằn xơ xác. Sâu cầy đó chính là tham sân si, là thất tình lục dục, là lòng ích kỷ, ghét ganh, oán hận, v.v…

Khi tâm con người chứa đầy tham sân si dục, ích kỷ, ghét ganh, oán hận… thì lòng tràn đầy phiền não. Cho dù mùa xuân thiên nhiên của đất trời trở về với nhân thế nhưng người hay sân giận thì mặt mày lúc nào cũng cau có, tâm vẫn cứ nóng bức khô khan như nắng cháy mùa hạ.

Người hay ganh ghét oán hận không biết khoan dung tha thứ thì tâm luôn ảm đạm thê lương như mưa gió mùa thu. Thiền Sư Sayadaw U Jotika ([6]) trong bài thuyết pháp về Sự Tha Thứ Và Lòng Khoan Dung đã nói:

“Không tha thứ là một loại ngục tù. Một người nào đó phạm tội, luật pháp bắt giữ anh ta và giam trong tù. Chúng ta cũng vậy, chúng ta giam giữ rất nhiều người trong tâm của mình khi không thể tha thứ được những lỗi lầm của họ, không thể quên được những lời nói, những hành động của họ đã làm cho chúng ta đau khổ. Vì vậy, không tha thứ là một nhà tù. Bạn nhốt người khác vào trong ngục tù phiền não của tâm mình, nhưng chính trong quá trình ấy, bạn cũng tự nhốt chính mình bởi vì bạn là người giữ chìa khóa và canh cửa. Có người đã từng nói rằng những cảm xúc phiền não thường sẽ nặng nề nhất đối với những người không thể hoặc không chịu tha thứ. Chúng ta tự làm cho chính mình đau khổ. Tự đối xử tàn nhẫn với chính mình; bằng cách không tha thứ, chúng ta đau đớn vì điều đó.”

Thế nên, lúc Chúa Giê-su còn tại thế, có lần vị môn đồ trưởng của Chúa là Phê-rô đến hỏi Ngài: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?

Đức Giê-su đáp: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. (Mát-thêu 18:21-22)

Tha thứ đến bảy mươi lần bảy có nghĩa là tha thứ hoài, tha thứ vô hạn.

Mọi sự vật đều biến đổi theo thời gian. Con người cũng vậy. Một kẻ tội đồ ngày hôm qua vẫn có thể trở thành một bậc Thánh ngày hôm sau. Do đó, Thánh Augustine (354-430) nói: Không vị thánh nào không có quá khứ và không tội nhân nào không có tương lai.([7]) Vì thế, chúng ta không nên phán xét người khác hoặc cứ mãi nhìn người khác với những lỗi lầm của họ. Mẹ Tê-rê-sa Calcutta (1910-1997) bảo:

Nếu bạn phán xét con người, bạn không có thời gian để yêu thương họ.

Điều đặc biệt là Thiền Sư Sayadaw U Jotika bảo rằng chúng ta không chỉ học cách tha thứ cho người khác mà còn phải biết tha thứ cho chính mình. Nhiều người lỡ phạm lỗi và cứ tiếp tục sống cả cuộc đời trong mặc cảm tội lỗi. Ông bảo tâm lý mặc cảm tội lỗi được coi là bất thiện, không lành mạnh. Đó cũng là một loại bệnh của tâm. Vì vậy, sau khi nhận biết lỗi lầm và cải sửa thì hãy tự tha thứ cho bản thân mình, đó cũng là điều rất quan trọng. Trách móc, oán hận người khác hay tự trách móc chính mình là một loại sâu cầy cắn phá khiến cho cội xuân tâm của chúng ta héo tàn như lá úa mùa thu.

Người tham lam ích kỷ chỉ biết nghĩ cho riêng mình thì tâm luôn băng giá lạnh lùng như sương tuyết mùa đông, hững hờ trước bao nỗi bất hạnh khổ đau của tha nhân. Oscar Wilde (1854-1900) là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Ái Nhĩ Lan đã viết một truyện ngắn đầy ý nghĩa với nhan đề Gã Khổng Lồ Ích Kỷ (The Selfish Giant).

Chuyện kể rằng gã khổng lồ có một khu vườn rộng lớn vô cùng xinh đẹp với thảm cỏ xanh mịn. Đây đó trên bãi cỏ rải rác những bông hoa trông như các vì sao trên trời. Trong vườn có mười hai cây đào. Vào mùa xuân cây phủ đầy những đóa hoa duyên dáng màu hồng phớt và trắng ngà. Đến mùa thu cây kết đầy trái ngon ngọt. Lũ chim đậu trên cành hót líu lo. Gã khổng lồ vắng nhà trong một thời gian dài và những đứa trẻ trong vùng rất thích được đến chơi trong khu vườn ấy sau khi tan học.

Tuy nhiên, khi trở về, nhìn thấy đám trẻ nô đùa trong vườn nhà mình, gã khổng lồ ích kỷ bảo: “Đây là vườn của ta. Không ai được vào đây.” Rồi gã lập tức xây một bức tường cao bao bọc cả khu vườn.

Mùa xuân đến, nhưng trong khu vườn của gã khổng lồ, cây cối vẫn phủ đầy băng giá, không có hoa nở, cũng chẳng có tiếng chim ca, gió bấc rít từng hồi và mưa đá đổ ầm ầm trên mái lâu đài. Mùa đông ngự trị quanh năm trong khu vườn của gã khổng lồ ích kỷ. Gã rất buồn bã.

Thế rồi một hôm, bọn trẻ tìm thấy một lỗ hổng ở chân bức tường rào. Chúng chui vào vườn nô đùa. Gã khổng lồ nghe thấy tiếng trẻ con và cả tiếng chim hót. Gã nhìn ra vườn và thấy một cảnh tượng nhiệm mầu: Băng giá đã tan biến, cây cối đâm cành nở hoa và muôn chim bay về hót líu lo. Gã khổng lồ vui mừng và chợt hiểu ra vì lòng ích kỷ của mình mà mùa đông đã ngự trị quanh năm và mùa xuân không chịu đến với khu vườn của gã. Gã vội vàng chạy ra vườn và nói với lũ trẻ: “Kể từ hôm nay, khu vườn này là của các con.” Bọn trẻ vô cùng vui thích và gã khổng lồ cũng cảm thấy mùa xuân rộn rã trong lòng.

Thế nên, khi Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ dạy chúng ta hãy vun tưới cội lành Đạo cả, nâng niu sang sửa chơn tâm cho thật tươi nhuận sáng suốt để rồi ngửi lấy đạo vị nhiệm mầu tự lòng con khai phát, đó chính là Thầy bảo chúng ta hãy vun tưới cội xuân tâm muôn thuở mà Thầy gọi là mùa xuân miên viễn, không hạn định, không hủy bỏ theo thời gian. Vậy, chúng ta vun tưới như thế nào? Nâng niu sang sửa như thế nào?

Trong nông nghiệp, ông bà ta đã đúc kết thành một kinh nghiệm để thành công, đó là: Nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Hạt giống Đạo tự hữu thì ai ai cũng có trong tâm.

Điều quan trọng là phải chuyên cần tưới nước, vun phân và chuyên cần bắt bỏ sâu cầy cắn phá.

Sâu cầy ấy chính là tham sân si, thất tình lục dục, ích kỷ, ghét ganh, oán hận, v.v… Muốn trừ khử chúng thì phải luôn cẩn thận quán xét tâm mình. Kinh sách xưa từng dạy: Đạo bất khả tu du ly dã. (Không được xa rời Đạo dù chỉ trong khoảnh khắc.) Thầy Tăng Tử bảo:

Mỗi ngày tôi tự xét ba việc: Làm việc gì cho ai, có hết lòng không? Giao thiệp với bạn bè, có thành tín không? Thầy dạy cho điều gì, có học tập đủ không? ([8])

Ngày nay, hàng môn đệ Cao Đài chúng ta, nếu không thể tự kiểm bản thân từng giây từng phút, từng giờ hay ba việc mỗi ngày thì chí ít cũng cố gắng thực hành lời Thầy dạy:

Phải thường hỏi lấy mình khi đem mình vào lạy Thầy buổi tối, coi phận sự ngày ấy đã xong chưa mà lương tâm có điều chi cắn rứt chăng? Nếu phận còn nét chưa rồi, lương tâm chưa đặng yên tịnh, thì phải biết cải quá, ráng sức chuộc lấy lỗi đã làm, thì các con có lo chi chẳng bì bực chí thánh.([9])

Việc kiểm điểm nội tâm cần phải được thực hành một cách cẩn thận vô tư. Nhiều loại sâu có màu sắc tiệp với màu lá, nếu không quan sát kỹ càng sẽ khó phát hiện. Con người thường hay biện hộ cho các thói hư tật xấu của mình, đôi khi lý lẽ biện hộ nghe qua có vẻ rất hợp đạo lý, nào ngờ đó lại là một loại sâu tiệp với màu lá đang cắn phá cội cây chơn tâm của mình. Đức Bác Nhã Thiền Sư cho chúng ta một ví dụ về lý lẽ dối gạt của phàm tâm như sau:

Tới giờ cúng thời, hoặc đến giờ tham thiền hành pháp, bên trong đưa ra các lý do như buồn ngủ hoặc ngày nay làm việc nhiều uể oải, thông qua một thời này thời sau tịnh lại có sao đâu, vì đường tu hành còn dài mà… ([10])

Bên cạnh việc quán xét nội tâm, còn phải nghiêm trì giới luật và thành tâm sám hối khi đã lỡ lâm vấp lỗi lầm vì như lời Đức Mẹ dạy:

Còn dạy dỗ, biết ăn năn sám hối chừa lỗi, còn nên thánh thiện.([11])

Chuyên cần tưới nước vun phân chính là siêng năng đọc thánh kinh hiền truyện, thực hành công quả giúp đời, thiền định công phu. Đọc thánh kinh hiền truyện và thực hành công quả giúp đời là để trau dồi thêm các đức tánh của chơn tâm là từ bi hỷ xả, đạo hạnh, hiền hòa, khiêm cung, nhẫn nại, cộng với nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm âm chất căn cơ.([12]) Bởi lẽ chỉ khi thực hành được các đức tánh này tâm ta mới được tươi nhuận, thơ thới, an vui như lời Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:

(T)hưởng xuân trong vòng đạo lý là kiểm điểm, ôn cố ([13]) phần đạo đức hành thiện của mình trong một năm qua. Khi thấy được phần tiến triển với lòng bác ái, vị tha trên phương diện tam công, lòng hân hoan cởi mở, bát ngát tình thương, động lòng trắc ẩn ([14]) đối với kẻ bạc phước gối đất màn sương. Với tinh thần hân hoan ngấm ngầm và bộc phát từ nội tâm, rồi ngồi lại với chén trà đạm bạc, bánh mứt thô sơ, nhưng cõi lòng được nhẹ nhàng và chứa chan niềm hy vọng, tràn đầy đức tin ở phần hộ trì của các Đấng.([15])

Thiền định công phu là để tâm được an định thanh tịnh. Tâm có an định thanh tịnh thì chơn tâm mới bừng sáng như lời Đức Mẹ dạy:

Đóng sáu cửa trong ngoài vắng lặng

Tâm vô tâm bừng sáng chơn tâm.([16])

Đức Quán Pháp Chơn Tiên dạy:

Chơn tâm vốn bởi tâm thanh tịnh.([17])

Có thanh tịnh thì chơn tâm mới hiển lộ. Thanh tịnh đến mức nào?

Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:

Thanh tịnh cho đến khi nào cảm nhận thấy các thứ sân si, kỳ thị, độc tôn, vị kỷ, dị biệt và bất nhứt không còn có chỗ xuất hiện thì mọi việc sẽ an bài ổn định, từ cá nhân cho đến tập thể, vì các thứ ấy là nguồn gốc cho bản ngã. Diệt các thứ đó rồi thì bản ngã không còn, vô minh chẳng có, trí huệ phát sanh...([18])

Một khi chơn tâm đã được tươi nhuận sáng suốt, cội xuân tâm đã được sum suê sung mãn trong mọi thời gian và không gian thì Đức Mẹ bảo chúng ta hãy thể theo mùa xuân vĩnh cửu mà hành đạo độ đời. Mẹ dạy: Các con xem mình là mùa xuân, là Đạo chan hòa khắp cả thế nhân mà không còn thấy có mình nữa.([19]) Lúc bấy giờ, chính chúng ta là mùa xuân và sẽ là người mang mùa xuân đến cho tha nhân như lời Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn Huỳnh Ngọc Trác dạy: Có xuân tâm, con người mới giải thoát, vô ngã, vô chấp, khoan dung, tha thứ. Có xuân tâm, con người mới có tình thương ở tự đáy lòng, đem ra chan hòa cho muôn người, cho vạn vật.([20])

*

Thực hành lời Thầy dạy, chúng ta ráng chuyên cần vun tưới cội xuân tâm trong lòng mình cho thật tươi nhuận, sum suê cành lá để rồi chúng ta mang đến mùa xuân cho mọi người. Thật ra, mang lại mùa xuân cho người khác không cần điều chi lớn lao.

Mùa xuân mà ta mang lại cho người khác có thể chỉ là một nụ cười tươi tắn đầy sự thân thiện, cảm thông hay khích lệ. Mẹ Tê-rê-sa Calcutta bảo:

- Chúng ta hãy gặp nhau với nụ cười, vì nụ cười là khởi đầu của tình yêu.

- Mỗi khi bạn cười với ai, đó là một hành động của yêu thương, một món quà, một điều đẹp đẽ.

Mùa xuân mà ta mang lại cho tha nhân cũng có thể chỉ là một sự giúp đỡ nhỏ nhặt nhưng đầy tình yêu thương. Một buổi tối tháng Chạp, vào khoảng 10 giờ rưỡi đêm, khi đang chạy xe ngoài đường, tôi chợt nhìn thấy một bà cụ già đầu tóc bạc phơ đang loay hoay bên vệ đường với chiếc xe đạp cũ kỹ chất đầy những bao ny lông ve chai. Tôi chạy lố một quãng nên quành xe lại và nhìn thấy một đôi thanh niên nam nữ cũng đang quành xe lại đến với bà lão. Bạn nam thanh niên tặng cho bà một hộp thực phẩm rồi ngồi thụp xuống vệ đường sửa cho bà lão chiếc xe đạp đang bị hư chi đó ở bánh trước. Trong cái không khí se lạnh của buổi tối tháng Chạp, tôi bỗng dưng cảm thấy ấm áp cả cõi lòng. Nhìn khuôn mặt vui mừng của bà lão, tôi đoán chắc bà cũng có cùng một cảm nhận y như thế. Quả thật, hai bạn thanh niên ấy đã mang lại cho bà lão một mùa xuân ấm áp giữa cái không khí se lạnh của buổi cuối đông. Thế nên, Mẹ Tê-rê-sa nói:

Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại.

Mỗi lần xuân đến, chào đón và tận hưởng xuân cảnh thiên nhiên mà Tạo Hóa ban tặng, chúng ta không quên lời nhắc nhở của Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu:

Con ôi! Mỗi lần xuân đến là mỗi lần niềm hy vọng của Mẹ trông vào các con, vào vai tuồng hành hóa của các con nơi trần gian ảo ảnh. Các con cứ vui hưởng những ngày xuân còn lại đi, để rồi tiếp tục hướng về chân Mẹ, và nhớ là trong lúc các con hỷ hạ với trời xuân, thì ở những nơi nào đó, ở những thế giới nào đó đang có những người, những loài không hưởng được mùa xuân ngoài sự đau khổ giày vò.

Các con tạm vui với ngày xuân thế sự để quên những nỗi khổ, những điều lao nhọc của mình. Bên cạnh, các con lo vun bồi lòng xuân muôn thuở để sống dài với không gian vô tận trong lý đạo miên trường.([21])

Cầu xin Đức Đại Từ Phụ chan rưới ân lành cho cội xuân tâm trong lòng tất cả con cái của Ngài nơi cõi thế gian ngày càng tăng trưởng, xanh tươi, sum suê cành lá, đơm hoa kết quả và tỏa ngát hương thơm cho đời như lời Thầy dạy:

Xuân lòng con đượm sắc tươi

Hoa lòng con nở tỏa ngời vị hương

Tủa bay chan khắp tình thương

Muôn loài vạn vật nơi trường thế gian.([22])

Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo

15-12 Đinh Dậu (Thứ Năm 12-01-2017)

DIỆU NGUYÊN



([1]) cả: To tát. cội lành Đạo cả: Cái gốc Đạo to tát sẵn có ở mỗi người, do Đức Thượng Đế ban bố cho mỗi người.

([2]) Thánh thất Nam Thành, 01-01 Canh Tuất (06-02-1970).

([3]) Thiên Lý Đàn, 01-01 Kỷ Dậu (16-02-1969).

([4]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 01-01 Tân Hợi (27-01-1971).

([5]) Huệ Khải, Nhịp Cầu Tương Tri, truyện số 50: Một kịch bản hoàn hảo? Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 125. (Quyển 42-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)

([6]) Sinh ngày 05-8-1947, người Miến Điện (Myanmar).

([7]) There is no saint without a past, no sinner without a future.

([8]) Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: Vi nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ? (Luận Ngữ)

([9]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Quyển I. Đàn ngày 24-12-1926.

([10]) Minh Lý Thánh Hội, 02-10 Quý Sửu (27-10-1973).

([11]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 01-12 Bính Thìn (19-01-1977).

([12]) Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 15-4 Đinh Tỵ (01-6-1977).

([13]) ôn cố: Xem xét lại những việc cũ.

([14]) trắc ẩn: Cảm thấy đau đớn, xót xa trong lòng trước cảnh không may của người khác.

([15]) Thiên Lý Đàn, 01-01 Kỷ Dậu (16-02-1969).

([16]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 01-12 Bính Thìn (19-01-1977).

([17]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 17-6 Kỷ Tỵ (19-7-1989).

([18]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 12-7 Quý Hợi (20-8-1983).

([19]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 01-01 Tân Hợi (27-01-1971).

([20]) Thánh thất Bình Hòa, 26-12 Đinh Mùi (25-01-1968).

([21]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 01-01 Tân Hợi (27-01-1971).

([22]) Thánh thất Nam Thành, 01-01 Canh Tuất (06-02-1970).