6. LÀM SỐNG LẠI
TINH THẦN ĐẠO ĐỨC BẤT BIẾN
Hằng năm, Ban Cai Quản cùng bổn đạo thánh
tịnh Ngọc Điện Huỳnh Hà đều trân trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập thánh
tịnh đồng thời kỷ niệm ngày xuất thế ([1]) của Đức Hiệp Thiên
Đại Đế Quan Thánh Đế Quân – Tam Trấn Oai Nghiêm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.([2])
Đức Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân
– Tam Trấn Oai Nghiêm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ngày nay chính là Quan Vũ hay
Quan Vân Trường, một dũng tướng tài ba, trung liệt trong lịch sử Trung Hoa thời
Tam Quốc phân tranh vào thế kỷ thứ hai và thứ ba. Uy linh hiển hách của Ngài,
trải qua hơn một ngàn tám trăm năm, vẫn luôn được người dân Trung Hoa, Đài
Loan, Việt
Thuở xa xưa, Quan Vân Trường được xem là
một tấm gương đạo đức hoàn toàn với đủ đầy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung,
dũng, thì ngày nay, trở lại thế gian qua ngọn linh cơ với cương vị của Tam Trấn
Oai Nghiêm Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Quan Thánh cũng dạy hàng tín hữu Cao Đài
hãy luôn chú tâm vào việc minh minh đức
nghĩa là làm sáng cái đức sáng tự hữu trong chính mình, hay là làm sống lại tinh thần đạo đức bất biến
để trở thành một hiền nhân quân tử, một tín đồ Đại Đạo thuần thành đạo đức hầu
góp phần vào công cuộc cải tạo xã hội, cứu độ quần sinh.
Làm sống
lại tinh thần đạo đức bất biến vừa nói tới trên đây chính
là lời dạy của Đức Quan Thánh Đế Quân trong một lần giáng đàn như sau:
QUAN
THÁNH ĐẾ QUÂN
Chào
chư Thiên sắc, chư nhu, chư muội. Bần Đạo đến hôm nay để chứng lòng thành của
các đạo tâm nam nữ nơi Ngọc Điện Huỳnh Hà, cũng như chư hiền sứ mạng. (. . .)
Hằng
năm, đến ngày nầy chư hiền đều thiết lễ kỷ niệm ngày thành lập thánh tịnh Ngọc
Điện Huỳnh Hà, cũng là ngày xuất thế của Bần Đạo.
Ôi!
Trải qua biết bao lần tang thương biến đổi mà cảnh vật vẫn được những tấm can
trường thiết thạch đạo tâm gìn giữ gầy dựng cho đến ngày nay. Bần Đạo rất cảm
kích và ngợi khen.
Hỡi
chư nhu, chư muội! Các Đấng thiêng liêng chỉ đến với tâm thành của chúng sanh,
chớ không đến với cảnh nguy nga đầy lễ vật, vì thế nên mới có đàn cơ hôm nay.
Bần Đạo
dạy đoạn nầy gọi là chứng tri và phủ dụ: Người sanh trong cõi thế đều có sẵn
tánh của Thượng Đế phát ban, nên biết phân tách điều tội phước, biết chọn lựa
việc nên hư, biết nhận giả chơn, biết tránh chốn bùn nhơ tìm nơi trong sạch, biết
sợ chốn tối tăm địa ngục mà mong đến cảnh Thiên Đàng, thì lương tri, lương năng
là hai kiện tướng của chủ nhơn ông, điều khiển một cơ cấu tứ đại.([3]) Nếu cứ thế tuần tự luân chuyển thì trời
không thay xác, đất chẳng đổi hình, nhơn loại không lâm vào thảm cảnh trạng huống
như ngày nay.
Bần Đạo
khuyên toàn đạo nơi Ngọc Điện Huỳnh Hà hãy hiểu hết lời Bần Đạo dạy hôm nay. Tự
mình làm sống lại tinh thần đạo đức bất biến hầu ứng
phó với mọi viễn cảnh để làm tròn bổn phận tín đồ của Đại Đạo.([4])
Qua thánh giáo dẫn trên, Đức Quan Thánh Đế
Quân kêu gọi hàng môn đệ Cao Đài hãy tự
mình làm sống lại tinh thần đạo đức bất biến hầu có thể ứng phó với mọi
hoàn cảnh đổi thay để làm tròn bổn phận
của người tín đồ Đại Đạo. Bổn phận này gồm có hai phần là giữ đạo và truyền đạo (hay tự độ và
độ tha, mà cũng là chánh kỷ và hóa nhơn). Có sửa mình cho ngay chánh, thuần chơn đạo đức rồi thì mới
có thể chuyển hóa hay hóa độ người khác.
Cuộc đời thì vô thường, thiên biến vạn
hóa khôn lường với muôn vàn cám dỗ rủ ren khiến cho con người phải chịu sa chân
vào vòng tội lỗi, đánh mất các giá trị đạo đức của mình. Thế nên, muốn tự cứu
mình và cứu người khác khỏi vòng đọa lạc luân hồi thì bản thân người tu cần phải
gìn giữ tinh thần đạo đức bất biến. Bất
biến nghĩa là không bao giờ thay đổi trước ngoại cảnh, trước mọi quyến rũ của
tình tiền danh lợi, sắc tài tửu khí…
Tinh thần đạo đức bất biến này được thể
hiện qua lời nói của Đức Mạnh Tử khi ngài mô tả phẩm hạnh của một bậc đại trượng
phu.
Đại
trượng phu tức là người có chí khí hiên ngang, lòng dạ thẳng thắn,
tinh thần bất khuất, người có tinh thần đạo đức bất biến. Đức Mạnh Tử bảo đại
trượng phu là người có ba đức tánh như sau: Phú
quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.
1. Phú quý bất năng dâm là gì?
Phú
(giàu) là nói của cải vật chất dồi dào. Quý (sang) là nói tới địa vị cao trọng trong xã hội. Cho nên
phú quý được hiểu là vừa giàu vừa
sang.
Bất năng là không có thể khiến cho, không có thể làm cho.
Dâm ở
đây có nghĩa là buông thả, là say mê chìm đắm.
Vậy, phú quý bất năng dâm nghĩa là dù đang trong cảnh sang giàu đến mấy đi nữa cũng không thể
khiến cho mình sống buông thả, say mê chìm đắm vào những thú vui nhục dục.
Một nhà
Nho nổi tiếng nước ta là Ngài Phan Thanh Giản (1796-1867). Ngài là người miền
Nam đầu tiên thi đậu tiến sĩ vào năm ba mươi tuổi. Sau đó Ngài Phan Thanh Giản
làm quan lớn trải qua ba triều vua liên tiếp là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Thời xưa
xã hội xem đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường. Thế nhưng quan đại
thần Phan Thanh Giản luôn luôn giữ đúng lời răn dạy của thầy Mạnh Tử: Phú quý bất năng dâm. Ngài sống rất
thanh đạm, chừng mực. Ngài làm quan phải sống xa nhà, vợ Ngài vẫn ở quê chồng.
Thế nhưng không vì hoàn cảnh vợ chồng cách biệt hai nơi mà Ngài cho phép mình sống
buông thả, phóng túng giống như một số quan lại hay nhà giàu thời xưa.
Năm
1865, vua Tự Đức cử Ngài giữ chức Kinh Lược Sứ ba tỉnh miền tây (Vĩnh Long, An
Giang, Hà Tiên). Do đó Ngài về trấn nhậm tại Vĩnh Long.
Quyển Phan Thanh Giản Truyện (Sài Gòn, 1927) của
Thái Hữu Võ chép (tr. 37):
Khi trấn
nhậm tại Vĩnh Long, Ngài Phan cho trồng bông quỳ (tức bông hướng dương) ở tư
dinh (chỗ ở) và công đường (trụ sở làm việc). Hoa quỳ luôn xoay về phía mặt trời,
tượng trưng cho người quân tử luôn hướng lòng mình về những điều đạo đức quang
minh chánh đại. Thế nên nhìn hoa có thể biết được đức tính của người chơi hoa.
Gần tư dinh của Ngài Phan là dinh quan tổng đốc tỉnh Vĩnh Long Trương Văn Uyển.
Ông Uyển có nhiều hầu thiếp. Một hôm ông Uyển qua dinh Ngài Phan chơi và hỏi: “Sao quan lớn không dùng hầu thiếp?” Ngài Phan trả lời: “Tôi không có đủ ngày giờ mà lo việc quốc gia,
có ngày giờ đâu mà lo việc hầu thiếp. Tôi có trồng bông quỳ quanh dinh nhiều
lắm. Khi nào làm việc mệt ra xem bông cũng đủ vui rồi, cần gì phải có hầu thiếp
cho cực lòng rộn trí.”
Vợ Ngài thấy Ngài làm quan ở xa nhà,
không người chăm sóc chu đáo nên đã bỏ tiền ra cưới một cô hầu thiếp trẻ ở quê
và đưa ra cho Ngài. Tuy nhiên, Ngài Phan Thanh Giản đã từ chối và cho tiền đưa
người hầu thiếp ấy trở về quê.
2. Bần
tiện bất năng di là gì?
Bần tiện là nghèo khó.
Bất năng là không thể
khiến cho, không thể làm cho.
Di
là biến đổi, thay đổi.
Vậy, bần tiện bất năng di nghĩa là cảnh nghèo túng không thể làm thay đổi đức tánh của mình.
Mình là người lương thiện, dù nghèo cũng không trở thành tham lam, trộm cướp.
Ngài
Phan Thanh Giản tuy làm quan đại thần suốt ba triều vua nhưng bởi rất thanh
liêm, không tham nhũng của công, không ăn của hối lộ nên gia cảnh rất thanh bần.
Quyển Vĩnh Long Nhơn Vật Chí (Sài Gòn, 1925) của
Nguyễn Văn Dần kể rằng sau khi Ngài Phan qua đời, tài sản để lại chỉ là một cái nhà tranh (. . .); ruộng vườn thì
không có một cao. Một cao là bao nhiêu? Đây là đơn vị đo ruộng thời
xưa. Một cao = 15 thước mộc = 15 x 0,425 mét = 6,425 mét. Tóm lại, nhà Ngài coi
như chẳng có ruộng vườn chi cả.([5])
Làm quan
lớn mà cảnh nhà thanh bạch, nhưng Ngài Phan vẫn trọn vẹn đức thanh liêm. Trong
quyển Phan Thanh Giản Truyện, ông
Thái Hữu Võ kể (tr. 25):
Ở tỉnh
Gia Định có ông nhà giàu là bá hộ Vân bị kết tội oan về một vụ án mạng. Khi
Ngài Phan tra xét lại thì biết bá hộ Vân bị oan nên xử cho ông được vô tội, trắng
án. Để cảm ơn Ngài, bá hộ Vân mua mười gói trà, trong mỗi gói bỏ một nén vàng
ròng. Một nén là mười lượng. Tất cả là một trăm lượng vàng giấu trong mười gói
trà. Bá hộ Vân xin vào gặp Ngài Phan, dâng trà tạ ơn và nói khéo: “Trà này quý lắm. Xin quan lớn dùng lấy thảo với
tôi.” Ngài Phan biết ý liền
đáp: “Trà của chú quý bằng
vàng mà tôi không quen dùng. Chú mang trà tới đây, tôi nhìn thấy tức là
coi như đã dùng rồi. Tôi cảm ơn. Chú phải mang về.” Bá hộ Vân đành phải vâng lời, mang một trăm
lượng vàng trở về nhà.
Câu chuyện
ấy đã minh chứng Ngài Phan Thanh Giản quả là bần tiện bất năng di, cảnh nghèo khó không làm cho tinh thần đạo đức
bị suy suyễn trước những cám dỗ về tiền tài vật chất.
3. Uy
vũ bất năng khuất là gì?
Uy vũ là sức mạnh khiến người ta phải nể sợ. Khuất là khuất phục, chịu đầu hàng. Uy vũ bất năng khuất là không khuất phục đầu hàng trước các thế lực mạnh mẽ.
Tấm gương trung nghĩa tiết liệt của Ngài
Quan Vân Trường thuở sinh tiền đã thể hiện được tinh thần uy vũ bất năng khuất.
Theo truyện Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của La Quán Trung (1330-1400), Quan Vũ hay
Quan Vân Trường kết nghĩa anh em với Lưu Bị và Trương Phi. Cả ba đã cùng thề với
trời đất rằng sẽ đồng tâm hiệp lực cứu người khốn, giúp kẻ nguy, báo đền nợ nước,
giúp đỡ chúng dân, và mặc dù không sinh cùng năm, cùng tháng, cùng ngày nhưng nguyện
ước được chết cùng ngày, cùng tháng, cùng năm.
Do có lời thệ ước này nên sau khi bị thất
thủ ở thành Hạ Bì, Quan Vũ phải ẩn nhẫn phò hai chị dâu tá túc bên Tào Tháo
trong lúc chờ tin tức Lưu Bị và Trương Phi. Tào Tháo hết lòng trọng đãi Quan Vũ
để mong dụ hàng được bậc dũng tướng tài ba này: Cứ ba ngày Tào lại đãi Quan một
tiệc nhỏ, bảy ngày lại thết một tiệc to, rồi tặng ngựa Xích Thố, sai người lấy
gấm may túi cho Quan Vũ bọc râu, chu cấp vàng bạc châu báu thật hậu hĩnh và làm
biểu tâu lên triều đình phong Quan Vũ là Hán Thọ Đình Hầu sau khi Ngài chém được
Nhan Lương trong một lần đánh quân Viên Thiệu. Tuy nhiên, tất cả của cải vật chất
cùng danh vị ấy đều không mua chuộc được lòng trung nghĩa của Quan Vũ. Khi biết
được tin Lưu Bị, Quan Vũ liền đưa hai chị dâu về tìm và phàm những đồ kim ngân, châu báu gói hết cả lại bỏ vào trong kho, ấn
Hán Thọ Đình Hầu thì đem treo ở trên thềm,([6]) tất
cả trả lại cho Tào Tháo.
Qua đó, chúng ta có thể thấy được tinh thần
đạo đức bất biến của Quan Vân Trường: Uy
vũ bất năng khuất - sức mạnh không thể làm cho khuất phục. Ở đây không phải
là uy vũ hay sức mạnh của thể lực, của cơ bắp mà là uy vũ hay sức mạnh của tiền
tài vật chất. Quả thật, thực tế ngày nay, chúng ta có thể thấy đồng tiền có một
sức mạnh vạn năng, có thể sai khiến con người làm bất cứ điều gì, bất chấp các
quy tắc đạo đức và luân lý làm người.
Do đó, trong kinh Tam Nguơn Giác Thế của đạo Cao Đài, có ghi lời dạy của Đức Quan
Thánh:
Ta chẳng
chịu úy tử tham sanh, ham điều vinh hiển mà lỗi đạo quân thần, thất lời thệ ước,
cho nên khi Ta quy vị, Thiên Đình ban ơn khỏi luân hồi tái thế.
Về lòng trung nghĩa của Quan Vũ, kinh
Minh Thánh chép:
Như
ta đây: Lòng trung nghĩa sáng như nhật nguyệt tinh, tiết tháo lớn sánh cùng trời
đất. Trời sập, ta mới sập. Đất lở, ta mới lở. (. . .) Lòng trung xông thẳng trời,
nghĩa khí trùm vũ trụ. Mặt đỏ lòng càng đỏ. Râu dài nghĩa thêm dài.([7])
Hằng năm, mỗi khi môn sanh Cao Đài thiết
lễ tưởng niệm Đức Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân, thiển nghĩ không gì thiết
thực và ý nghĩa bằng việc noi gương đạo đức tiết nghĩa của Ngài thuở xa xưa và
thực hành lời Ngài dạy hôm nay: Tự mình làm sống lại tinh thần đạo đức bất biến.
Trong bối cảnh xã hội ngày nay, khi mà
làn sóng vật chất kim tiền đang nhấn chìm con người vào vòng tội lỗi và bóp chết
tinh thần đạo đức luân lý làm người, thì việc làm sống lại tinh thần đạo đức bất biến như lời Đức Quan Thánh dạy
là điều vô cùng cấp thiết. Bởi lẽ, có con người đạo đức thì mới có gia đình đạo
đức. Có gia đình đạo đức thì mới có xã hội đạo đức. Bất cứ xã hội nào, quốc gia
nào, thời đại nào cũng cần phải có tinh thần đạo đức bất biến để xã hội được an
bình, quốc gia được thạnh trị văn minh và nhân dân được hạnh phúc.
Để làm
sống lại tinh thần đạo đức bất biến, con người cần có bốn điều kiện:
1. Con người cần phải tin ở trời đất quỷ
thần, tin có luật nhân quả báo ứng và tin có luật Trời thưởng phạt công minh.
Con người làm điều tội lỗi có thể thoát khỏi sự trừng trị của luật pháp thế
gian nhưng không thể nào thoát khỏi sự trừng phạt của luật Trời chí công vô tư.
2. Con người cần phải nhìn cho kỹ thảm trạng
của xã hội nhân loại ngày nay với bao cảnh tang thương chết chóc: trong gia
đình thì con giết cha giết mẹ, vợ giết chồng hay chồng giết vợ, anh chị em sát
hại lẫn nhau vì tranh giành gia tài; ngoài xã hội thì luật pháp quốc gia bị xem
thường, các vụ án mạng thường xuyên xảy ra mà hung thủ là những người còn ở độ
tuổi vị thành niên; kẻ làm quan thì tham nhũng, hối lộ, buôn dân bán nước… Nhìn
cho tường tận những thảm trạng ấy để mà tỉnh thức, quay trở về lòng mình, tự mình làm sống lại tinh thần đạo đức bất
biến, làm sáng cái đức sáng, cái điểm Đạo tự hữu mà Thượng Đế đã phát ban
cho mỗi con người từ lúc rời cõi trời đi vào thế gian.
3. Hãy noi theo tấm gương cần mẫn tu sửa
bản thân của Đức Quan Thánh thuở xa xưa như lời Ngài đã dạy trong kinh Minh
Thánh:
Ngô tố
lãm Xuân Thu, ấu quan Khổng Mạnh. Duy dĩ hiếu đễ vi tiên, tu thân trị quốc vi bổn.
(Ta thường đọc kinh Xuân Thu, ấu thơ xem
sách của Khổng, Mạnh. Ta chỉ lấy hiếu đễ làm đầu, lấy sửa mình giúp nước làm gốc.)([8])
Ngài Quan Vân Trường từ thuở ấu thơ đã đọc
sách của Đức Khổng Tử và thầy Mạnh Tử là những sách dạy về luân lý đạo đức làm
người và luôn chăm chăm vào việc tu thân sửa mình, mọi việc làm đều đúng theo
ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín).
4. Thực hành phương pháp tu thân mà Đức
Quan Thánh đã giáng cơ dạy cho hàng môn đệ Cao Đài:
Đã là con người giữa sự
thiện ác, phải trái, nên hư, phước tội đều lẫn lộn trong nếp sống thường nhựt,
ví như dòng nước nơi khe suối nương rạch đang cuồn cuộn chảy, đục trong lẫn
lộn, cặn cáu hòa lẫn.
Vào Đạo tu thân, trước
hết là xem kinh đọc sách đạo, học tập thánh ngôn, thánh giáo để thanh lọc tư
tưởng, gội rửa tánh xấu, hầu xa lần những ngôn ngữ tổn đức thất nhân tâm, tránh
không làm những điều tội lỗi, tập làm những điều nhân việc thiện, ban đầu hơi
ngỡ ngàng đối với người đã quen tánh cũ, nhưng phải cố gắng bền chí thanh lọc
ngày ngày tháng tháng trong câu “Nhựt tụ nguyệt tăng” hay “Nhựt nhu ngoạt
nhiễm”. (. . .)
Người tu hành siêng năng
bền chí thanh lọc trau sửa bản tâm bản tánh lần hồi sẽ trở nên thuần lương
thánh thiện.
Phật Tiên Thần Thánh
ngày nay, ngày xưa được trọn tốt trọn lành đều phải trải qua những giai đoạn
thanh lọc ấy. Có nhiều bậc Phật Tiên Thánh Thần trước kia cũng mang thể xác làm
người, cũng lâm vấp những thói hư tật xấu như ai, nhờ biết khiêm tốn học hỏi,
biết phục thiện để chừa lỗi, chấp nhận lời lành, ý hay, lẽ tốt, để trau sửa bản
tâm, rèn luyện bản tánh mới có thể tiến hóa lần từ kiếp người đến hàng Thần
Thánh Tiên Phật.([9])
Xin nguyện cầu Đức Hiệp Thiên Đại Đế Quan
Thánh Đế Quân ban bố ân lành để tất cả huynh tỷ, đệ muội chúng ta có được đầy đủ
dũng khí như Ngài hầu có thể vượt qua mọi yếu hèn của bản thân và mọi thử thách
cám dỗ của ngoại cảnh để đạt được một tinh thần đạo đức bất biến hầu góp phần
vào việc xây dựng một xã hội an bình thánh đức cho muôn dân đều cộng hưởng.
Thánh
tịnh Ngọc Điện Huỳnh Hà
24-6 Mậu Tuất (Chủ Nhật
05-8-2018)
DIỆU NGUYÊN