Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

3. ĐÀO LÝ BẤT NGÔN HẠ TỰ THÀNH KHÊ / Diệu Nguyên


 

3. ĐÀO LÝ BẤT NGÔN

HẠ TỰ THÀNH KHÊ

Đào lý bất ngôn, hạ tự thành khê là lời dạy của cổ nhân được lưu truyền từ rất lâu đời và cũng có thể được xem là tục ngữ nói lên một triết lý sống ở đời. Ngày nay, trong thánh giáo Cao Đài, Ơn Trên có lần nhắc đến triết lý này.

Đào: Cây đào, trái đào. : Cây mận, trái mận. Bất ngôn: Không nói lời nào. Hạ: Bên dưới. Tự thành: Tự nhiên hình thành. Khê: Lối đi nhỏ hẹp.

Vậy, câu này nghĩa là: Cây đào, cây mận chẳng nói năng gì, nhưng bên dưới tàn cây tự nhiên hình thành lối đi nhỏ.

Từ Hán Việt thường ngắn gọn, súc tích. Chúng ta có thể diễn giải câu nói trên như sau: Cây đào, cây mận mặc dù không nói lời nào nhưng vì chúng trổ hoa rất đẹp và kết thành những quả đào, quả mận ngọt ngon tỏa hương thơm ngát nên mọi người đổ xô tìm tới hái ăn; bàn chân của khách thập phương cứ giẫm tới giẫm lui mãi, lâu ngày mà tự nhiên tạo thành một con đường mòn nho nhỏ dẫn tới cây đào, cây mận.

Bậc hiền tài nhân đức cũng thế. Những người có thực tài thực đức thì thường khiêm tốn hạ mình, không khoa trương hay khoe khoang đánh bóng cho mình nhưng tài năng và đạo đức của họ khiến mọi người mến mộ, kính nể, tôn trọng và luôn có lực hấp dẫn người khác vô cùng mạnh mẽ. Còn ai hay gióng trống khua chiêng tự ca ngợi mình thì thường là kẻ khoác lác, hữu danh vô thực như thành ngữ Thùng rỗng kêu to; lúc đầu họ có thể lừa dối được một số người nhưng lâu ngày rồi họ cũng lộ nguyên chân tướng và bị mọi người khinh thường, xa lánh.

Tương truyền rằng nhà danh họa người Ý, Leonardo da Vinci (1452-1519) từng nói: Một chút tri thức ít ỏi khiến người ta kiêu ngạo, tri thức phong phú khiến người ta khiêm tốn. Do đó những bông lúa lép thường cao ngạo mà chĩa thẳng đầu lên trời, còn những bông lúa chắc hạt thường cúi đầu xuống đất.

Trong giới tu hành cũng thế. Xưa nay, các bậc chơn tu đạo hạnh thường âm thầm phụng sự giúp ích cho đời mà không màng ai biết tới mình, chẳng cần thế gian trọng vọng, ngưỡng mộ… như câu ca dao:

Xin như cây quế giữa rừng

Cay không ai biết, ngọt đừng ai hay.

Chẳng khác nào cành hoa lan mọc giữa rừng sâu, nhưng vì hoa có một vẻ đẹp thanh cao và một hương thơm thuần khiết nên mặc dù ở giữa rừng sâu mà vẫn thu hút khách thập phương đến chiêm ngưỡng. Bậc chơn tu đạo hạnh có đức độ sâu dày cũng thế, dù khiêm tốn ẩn mình vẫn được thiên hạ biết đến mà thành tâm cảm phục, kính ngưỡng.

Như vậy, chúng ta thấy câu Đào lý bất ngôn, hạ tự thành khê cho chúng ta hai bài học:

1. Đào lý bất ngôn là bài học khiêm tốn hạ mình, không tự đề cao hay khoe khoang về mình.

Người Á Đông vốn dĩ trọng sự khiêm tốn và tế nhị. Các vua chúa ngày xưa thường xưng mình là quả nhân (người ít đức) hay cô gia (người cô thế).

Những chữ như bỉ nhân (kẻ hèn này), bần đạo (ông đạo nghèo này), ty chức (người có chức vụ thấp thỏi), v.v… là những tiếng người xưa tự xưng mình với ngụ ý tự ty, tự hạ.

Đức Khổng Tử vì thế không bao giờ lớn tiếng xưng mình là Thánh Nhân.

Là một trong thất thập nhị hiền (bảy mươi hai vị môn đồ xuất sắc của Đức Khổng), có lần Tử Cống thưa với Ngài: “Thầy là bậc Thánh rồi chứ gì!” Đức Khổng đáp: “Ta chẳng dám nhận là Thánh! Nhưng làm lành, học đạo mà không chán, dạy đời mà không mệt, ta chỉ được như vậy thôi.” ([1])

Đó cũng là đường lối sau này Đức Mạnh Tử đã theo: Khi Công Tôn Sửu muốn xưng tụng Đức Mạnh Tử là một vị Thánh Nhân thì Đức Mạnh Tử liền gạt đi và lảng sang chuyện khác. (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu Thượng, 2)

Thế nên xưa nay, các bậc Hiền Nhân, Thánh Nhân, các bậc tài đức thường sống và phụng sự cho đời, mang lại cho đời nhiều lợi lạc nhưng chẳng bao giờ lớn tiếng khoe khoang tài đức hay công lao của mình.

Mỗi ngày, hàng môn đệ Cao Đài cúng tứ thời đều đọc bài Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo xưng tụng Đức Chí Tôn, trong đó có hai câu này:

- Nhược thiệt nhược hư, bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa.

Nhược thiệt nhược hư: Như thực như hư, như có như không, không thể lường biết được. Bất ngôn: Im lặng, không nói năng chi. Nhi: Nhưng mà. Mặc tuyên: Lẳng lặng phô bày ra. Đại hóa: Sự sinh hóa to lớn, ám chỉ toàn thể sự vận hành trong vũ trụ không có lúc nào ngừng nghỉ.

Câu kinh này có ý nói tuy Trời im lặng không nói lời nào, như hư như thật, nhưng lại phô bày ra cả đại cuộc vận hành sinh sôi nảy nở của vũ trụ.

Đức Khổng Tử cũng đã nói: Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên, bách vật sanh yên. Thiên hà ngôn tai! (Trời nào có nói gì đâu thế mà bốn mùa thay đổi, muôn vật sinh thành. Trời nào có nói gì đâu!)([2])

- Thị không thị sắc, vô vi nhi dịch sử quần linh.

Thị không thị sắc: Là không là sắc, có hình tướng và không có hình tướng. Vô vi: Làm mà không để ai thấy hoặc biết việc mình làm. Nhi dịch sử quần linh: Nhưng mà điều hành vạn linh.

Câu kinh này có ý nói Trời rất thần diệu, không ai nhìn thấy hoặc biết được việc Ngài làm, nhưng tất cả vạn linh đều do Ngài sai sử.

Đọc đến hai câu kinh Nhược thiệt nhược hư, bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa/ Thị không thị sắc, vô vi nhi dịch sử quần linh, chúng ta tự nhắc mình hãy noi theo gương của Trời: Làm việc, mang lại phúc lợi cho vạn vật chúng sanh mà nào có kể công chi. Mỗi khi chúng ta làm được công quả gì, giúp ích được cho ai, chúng ta cũng đừng khoe khoang, kể lể công lao của mình. Đó chính là làm công quả trong tinh thần vô tư, vô công, vô cầu, vô kỷ, vô danh. Bởi thế, Đức Giê-su dạy (Mát-thêu 6:3): Khi các anh bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.

 Đức Tôn Sư Đông Phương Chưởng Quản có lần dạy hàng nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam như sau:

(C)hư hiền đệ muội đừng (. . .) mong vọng những gì kết quả đem lại tiếng khen cho cá nhơn hoặc cho Cơ Quan mình, mà nên phóng tầm cao vọng cho phần kết quả của đại cuộc. Cứ gieo giống tốt, cứ nói lời nói lựa chọn, cứ làm những việc kiểu mẫu đạo đức để cho đời nhìn thấy hoặc lấy kiểu mẫu đó làm của riêng mà không biết ơn nghĩa gì với Cơ Quan cũng không hề gì, mà đó lại là sự ước vọng của Cơ Quan. Nếu mỗi địa phương làm riêng cho mình theo một khuôn mẫu ấy, lại càng tốt, vì kết quả là kết quả chung cho đại cuộc, cho đạo lý, cho nhơn loại là đủ rồi.

Nếu mình còn mong vọng được tiếng khen, thì ắt sợ điều chê. Mong vọng được thành công sớm thì buồn những khi trở lực. Mong vọng cái được, ắt buồn những khi nó mất, vô tình không tự mình làm chủ lấy mình, bị ngoại cảnh chi phối. Làm thì cứ việc làm, gieo giống thì cứ việc gieo giống. Dầu muốn dầu không, rồi giống nào cũng lên giống nấy, nhân nào rồi cũng kết quả nấy.

Trời có xuân hạ thu đông, có mưa có nắng, đó là thiên lý, mà thiên lý thì vẫn luôn luôn lưu hành với lẽ đương nhiên. Không vì sự nhu cầu của một nơi cần nước mà không dám nắng, cũng không phải vì nhu cầu một nơi cần khô ráo mà chẳng dám mưa. Không vì một nơi thiếu áo mà không mùa đông rét mướt cắt thịt se da.

Thiên lý vẫn là thiên lý, sự vật vẫn là sự vật. Lẽ phải đạo lý và đường ngay lối thẳng của Cơ Quan thì Cơ Quan được tiến. Đó là định hướng bất di bất dịch trên bước thành công của cổ kim cho các giới.([3])

Bài học khiêm tốn nhún nhường thường rất dễ thực hành đối với những người có thân phận thấp bé trong xã hội hay trong một tổ chức, nhưng lại rất khó thực hành đối với những người có danh vị. Bởi lẽ, tâm lý của phần đông thế nhân là khi có chút danh vị, có chức có quyền thì cảm thấy mình ở trên thiên hạ, có quyền ưu tiên, ăn trên ngồi trước, khi thấy người khác không kính nể phục tùng mình thì tỏ ra bực bội, tức giận. Người đạo cũng thường mắc phải tâm lý này chứ không chỉ riêng người đời.

Thế nên, đã có lần Đức Giáo Tông Đại Đạo Lý Thái Bạch dạy các bậc Thiên ân sứ mạng được Ơn Trên ban trao quyền pháp hướng dẫn nhơn sanh như sau:

Quyền pháp được ban trao thì chư hiền phải ở v thế thấp hơn nhơn sanh. [Điều này] có vẻ ngược với những gì chư hiền thường nhận định phải không? Nếu chư hiền cao cao tại thượng thì làm sao nâng đỡ chúng sanh đặng. Phải hòa mình, phải hạ mình thì đức sáng của chư hiền càng sáng tỏ. Mình dưới thấp mà đức ở trên cao thì lo gì không thâu phục lòng người.([4])

Bài học hạ mình để phụng sự chúng sanh này đã được các Đấng dạy dỗ nhiều rồi. Thuở xưa, có lần đang đi đường với Đức Chúa Giê-su, các tông đồ tranh luận với nhau xem ai là người lớn hơn cả. Nghe vậy, Đức Giê-su dạy các môn đồ (Mác-cô 9:35): Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.

Trước khi bị phản đồ Giu-đa chỉ điểm cho quân dữ bắt, và sau khi ăn xong bữa tối cuối cùng với các tông đồ (bữa tiệc ly), Đức Giê-su đã làm gương cho môn đệ phải sống khiêm nhường, hạ mình bằng cách đích thân Đức Chúa ngồi xuống rửa chân cho từng môn đồ đang ngồi trên ghế, giống như nô lệ hầu hạ chủ nhân. Kinh Thánh (Gio-an 13:12-15) chép:

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”

 Ngày nay Đức Cao Đài dạy: Các con coi bậc Chí Tôn như Thầy mà hạ mình độ rỗi nhơn sanh là thế nào, phải xưng là một vị Tiên Ông và Bồ Tát, hai phẩm chót của Tiên, Phật. Ðáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối cao tối trọng; còn Thầy thì khiêm nhường là thế nào. Vì vậy mà nhiều kẻ môn đệ cho Thầy là nhỏ. Cười...

Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi đứa con, phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi thiên hạ đặng. Các con phải khiêm nhường sao cho bằng Thầy.([5])

Đức Ngô Minh Chiêu, vị môn đệ đầu tiên của Đức Cao Đài, cũng là Ngôi Hai Giáo Chủ. Ngài chính là tấm gương sáng về hạnh đức hòa mình, hạ mình để nâng đỡ, phụng sự nhơn sanh một cách âm thầm. Sử sách còn ghi lại rằng:

Ngài Ngô khi làm quan thường cải dạng thường dân (vi hành), đi vào các thôn xóm, chợ búa để tìm hiểu, quan sát cuộc sống người dân trong địa phận Ngài chịu trách nhiệm. Gặp ai khốn cùng, tai ương, Ngài kín đáo cứu giúp.

Có lần thăm chợ trưa 30 tết, gặp người bán hoa ế ẩm, gương mặt ủ dột, Ngài bỏ tiền mua cả bó lớn hoa, vừa xấu lại mắc. Con Ngài có ý phàn nàn, Ngài giải thích rằng muốn giúp họ chút tiền để họ kịp dọn về lo cúng rước ông bà.

Ông Lang Phòng ở Tân An, là chỗ quen biết với Ngài, có hôm buồn, ra mé sông câu cá trong lúc mưa đêm rả rích. Ông lang đội nón lá sùm sụp, che kín mặt, trời lại tối. Ngài Ngô đi qua, chẳng nhận ra người thầy thuốc quen, ngỡ rằng người bần khổ phải dầm mưa đêm câu cá để kiếm miếng ăn, Ngài móc túi tặng đồng bạc, bảo mang về sáng đi chợ, đừng dầm mưa lạnh lẽo.

Ngài hay nhờ những người nghèo trong xóm đến làm giúp vài chuyện lặt vặt, rồi trả công hậu hỹ. Đó là cách giúp đỡ kẻ khác mà lại tế nhị, khéo léo che giấu sự trợ giúp của mình.

Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:

Bần Đạo cũng lặp lại đức khiêm tốn của người tu: Cần phải học nhiều, làm nhiều, tu nhiều. (. . .) Hễ đức khiêm tốn được thuần rồi, không có tác phong là một ông thánh sống ở thế gian, rung đùi ngâm thi đọc sám, ra vẻ tôn sư của người đời, mục hạ vô nhân; đó là kẽ hở để cho ma vương ác quỷ kéo xuống địa ngục A Tỳ, làm cho thân bại danh liệt và tiêu tan sự nghiệp đạo đức vậy.([6])

Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dặn dò tập thể Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam như sau:

Ngày nay, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý chư hiền đệ muội không kêu gọi thống hiệp ai hết mà đã tiến một bước đáng kể trong tinh thần quy hiệp. Tuy nhiên đừng mãn nguyện, không kiêu hãnh. Trái lại, càng phải nhiệt tâm, đức độ, thành tín, khiêm tốn thêm hơn để cảm hóa nhơn tâm. (. . .) Làm thế nào để thể hin đưc thc chất của Cơ Quan, chớ không phải cố gắng sơn phết bóng loáng những lớp sơn bên ngoài khúc gỗ mc, đó là điều căn bản vậy chư hiền.([7])

2. Hạ tự thành khê là hãy tự trau giồi và tu dưỡng bản thân để trở nên người thực sự có tài năng và đạo đức thì tự nhiên sẽ thu phục được nhơn tâm mà không cần phải rêu rao lớn tiếng về mình.

Ở phương Tây, một triết gia kiêm thi sĩ nổi tiếng người Mỹ là Ralph Waldo Emerson (1803-1882) từng nói một câu có nội dung tương tự như câu Đào lý bất ngôn, hạ tự thành khê. Ông bảo:

Nếu một người có thể viết một cuốn sách hay hơn, thuyết một bài giảng đạo tài hơn, hay làm được cái bẫy chuột tốt hơn những người hàng xóm, thì dầu cho người ấy có cất nhà ở trong rừng, thế gian cũng sẽ ùn ùn tìm đến tận cửa nhà anh ta mà tạo thành một con đường.([8])

Đó cũng chính là ý nghĩa của hai câu:

Hữu xạ tự nhiên hương,

Hà tất đương phong lập.

(Có xạ thời tất có hương,

Cần chi đầu gió, phô trương với người.)

Xạ: Chất xạ hương, được lấy từ tuyến xạ của hươu xạ, một loài động vật sống ở miền Nam Trung Quốc. Chất xạ của hươu xạ có mùi thơm đặc biệt, được dùng để sản xuất nước hoa hoặc dùng làm dược liệu.

Thành ngữ Hữu xạ tự nhiên hương có nghĩa bóng là những người thật sự tài năng, thật sự đạo đức thì tự nhiên tiếng lành đồn xa, chứ không cần phải khoe khoang, không cần phải nói ra.

Như vậy, con người cần phải có một quá trình tu tâm dưỡng tánh, rèn đức luyện tài thì mới sinh ra “xạ” để tỏa hương thơm.

Chất “xạ” nơi đây chính là tài năng, đức độ, là cái tốt, cái hay, cái đẹp thực sự nơi con người; dù ở đâu, không chóng thì chầy, không trước thì sau, phẩm hạnh này sẽ được ghi nhận, sẽ lan tỏa, sẽ hiển lộ, sẽ được nhiều nơi, nhiều người biết đến mà không cần bất kỳ một tuyên bố phô trương, ầm ỹ nào cả.

Hàng môn đệ Cao Đài cũng thế. Muốn thực hiện được sứ mạng cứu độ nhơn sanh mà Đức Chí Tôn giao phó thì phải thực sự là những bậc chơn tu có đầy đủ đức hạnh như khiêm tốn, khoan dung, từ bi, hỷ xả, nhẫn nại, hy sinh, nhường nhịn, thương yêu, hòa ái với mọi người. Như vậy mới có thể cảm hóa được nhơn tâm hồi đầu hướng thiện, quay về cửa Đạo.

Trong thánh giáo Cao Đài, Ơn Trên dạy:

- Lấy đức phục chúng thì lo gì không thu phục được nhân tâm. “Đào lý bất ngôn hạ tự thành khê” là như vậy.

Cây đào, cây mận không nói một lời nhưng quả ngon, trái ngọt vẫn thu hút được người đến thưởng thức, hình thành lối mòn đó [chư hiền].([9])

- Người đo luôn luôn phải thể hin lòng trung thc đức đ khoan dung, lấy tình thương ban bố khắp mi người, dng đức khiêm tốn làm phương tin dìu dẫn người đời vào đường chân thin mỹ. Một khi đã mang chức vụ vào mình, hãy nhớ đó là một sự phân công trong trách nhiệm, chớ không thể lấy đó làm phương tiện lợi và quyền.([10])

- Tóm lại, bậc lãnh đạo tinh thần tôn giáo, khi cực khổ thì xung phong đảm nhận làm trước, lúc thụ hưởng phải đặt mình ở chót phía sau. Dầu trong lãnh vực nào cũng thế. Gương khiêm tốn, lòng nhẫn nại, đức hy sinh, công quán xuyến, làm nên cho người, kết quả của vấn đề là gây tình thương yêu hòa ái cho mọi người. Dù muốn dù không, cái phản ứng tốt đẹp sẽ hướng về cho nơi xuất phát. Nhân tâm là yếu tố làm đầu, tình thương là căn bản thành công cho mọi việc.([11])

Mỗi người môn đệ Cao Đài, khi hiểu được ý nghĩa của câu Đào lý bất ngôn, hạ tự thành khê, hãy tự nhủ rằng mình phải cố gắng tu sao cho rực rỡ, tu sao cho được đầy đủ tâm hạnh đức tài, bấy giờ tự nhiên nhơn sanh xứ xứ sẽ quy về cửa Đạo như lời Đức Giáo Tông Đại Đạo đã dạy:

Thảo mộc tốt rầy sâu quy tụ

Ruộng lúa lành quyến dụ chim trời

Đất lành hoa quả tốt tươi

Chùa linh, Đạo sáng, mọi người tin theo.([12])

Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo

29-10 Kỷ Hợi (Thứ Hai 25-11-2019)

DIỆU NGUYÊN



([1]) Tử viết: Nhược Thánh dữ nhân, tắc ngô khởi cảm ức vi chi bất yếm, hối nhân bất quyện, tắc khả vị vân nhĩ dĩ hỹ. (Đức Khổng Tử nói: Bảo ta là Thánh Nhân và nhân đức, ta không dám nhận. Ta học làm như thế không chán, dạy người không mỏi mệt mà thôi.Luận Ngữ, thiên Thuật Nhi, câu 33.

([2]) Luận Ngữ, thiên Dương Hóa, câu 19.

([3]) Thiên Lý Đàn, 15-12 Đinh Mùi (14-01-1968).

([4]) Thánh tịnh Nguyệt Thanh Quang, 18-12 Mậu Tuất (23-01-2019).

([5]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Quyển 1. Đàn ngày 11-9-1926.

([6]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-12 Canh Tuất (11-01-1971).

([7]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 22-4 Nhâm Tý (03-6-1972).

([8]) If a man can write a better book, preach a better sermon or make a better mouse trap than his neighbor, though he build his house in the woods, the world will make a beaten path to his door.

([9]) Đức Thiện Nhơn Tiểu Tiên, thánh tịnh Nguyệt Thanh Quang, 18-12 Mậu Tuất (23-01-2019).

([10]) Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh, thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-10 Kỷ Dậu (24-11-1969).

([11]) Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, Minh Lý Thánh Hội, 04-9 Quý Sửu (29-9-1973).

([12]) Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 19-02 Bính Dần (28-3-1986).