Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

8. NOI GƯƠNG NGƯỜI XƯA / Diệu Nguyên

 


8. NOI GƯƠNG NGƯỜI XƯA

Hằng năm, vào ngày 24-6 âm lịch, Ban Cai Quản cùng bổn đạo thánh tịnh Ngọc Điện Huỳnh Hà đều trân trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập thánh tịnh và cũng là lễ kỷ niệm ngày xuất thế của Đức Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân, Tam Trấn Oai Nghiêm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đây cũng nên là dịp chúng ta ôn học thánh giáo để noi gương người xưa.

Bảo rằng noi gương người xưa bởi lẽ người xưa ấy đã sống cách xa chúng ta hơn một ngàn tám trăm năm trước; thế nhưng tấm gương trung hiếu tiết nghĩa của Ngài vẫn còn mãi lưu truyền cho hậu thế tôn thờ và noi theo. Đó chính là tấm gương của Ngài Quan Vũ hay cũng gọi là Quan Vân Trường, một kiếp giáng sinh làm người của Đức Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân vào thời Tam Quốc bên Trung Hoa (cuối thế kỷ thứ 2 và đầu thế kỷ thứ 3).

Đền thờ Đức Quan Thánh các nơi thường treo các câu đối xưng tán Ngài như:

Chí tại Xuân Thu, công tại Hán,

Trung đồng nhật nguyệt, nghĩa đồng thiên.

(Chí hướng noi theo kinh Xuân Thu, lập công với nhà Hán,

Lòng trung sáng như mặt trời mặt trăng, đức nghĩa sánh ngang trời đất.)

Chính vì lòng trung hiếu tiết nghĩa của Ngài sáng như nhật nguyệt, lớn ngang cùng trời đất thế nên Ngài được hậu thế tôn xưng là Quan Phu Tử.

Phu Tử là một tôn hiệu cao quý dành cho người nam nhi anh hùng lỗi lạc, xuất chúng, bậc làm thầy thiên hạ hoặc là bậc hiền nhân thánh triết. Do đó danh hiệu cao quý này không phải ai cũng có thể được tôn xưng một cách dễ dàng. Thế nên cũng có câu đối về Ngài như sau:

Anh hùng kỷ kiến xưng Phu Tử,

Hào kiệt như tư nãi Thánh Nhân.

(Anh hùng mấy ai được thấy gọi là Phu Tử,

Hào kiệt như Ngài quả thực là Thánh Nhân.)

Trong lịch sử Trung Hoa, có hai vị Phu Tử được muôn đời sùng kính, đó là Khổng Phu Tử và Quan Phu Tử như trong câu đối sau đây:

Khổng Phu Tử, Quan Phu Tử, vạn thế lưỡng Phu Tử,

Tu Xuân Thu, độc Xuân Thu, thiên cổ nhất Xuân Thu.

(Khổng Phu Tử, Quan Phu Tử, muôn đời có hai vị Phu Tử,

Tu sửa theo kinh Xuân Thu, đọc kinh Xuân Thu, ngàn đời chỉ một bộ Xuân Thu.)

Các câu đối treo tại các đền thờ Đức Quan Thánh thường nhắc đến việc Quan Vũ đọc kinh Xuân Thu và tu sửa, lập chí theo kinh Xuân Thu. Tranh tượng Quan Thánh cũng thường vẽ Ngài ngồi giữa hổ trướng tay cầm quyển kinh Xuân Thu. Ngày nay, biểu tượng Tam Giáo của đạo Cao Đài gồm có cây phất chủ (tượng trưng cho đạo Tiên), bình bát vu (tượng trưng cho đạo Phật) và kinh Xuân Thu (tượng trưng cho đạo Nho). Vậy, kinh Xuân Thu là kinh gì?

Kinh Xuân Thu là bộ sử do Đức Khổng Tử biên soạn, ghi chép lại các sự kiện lịch sử trong mười hai đời vua nước Lỗ từ Lỗ Ẩn Công đến Lỗ Ai Công (từ năm 722 đến năm 481 trước Công Nguyên). Thời Xuân Thu là thời kỳ loạn lạc nhất trong lịch sử Trung Hoa và Đức Khổng Tử ghi chép lại thời kỳ lịch sử đầy những bi kịch như con giết cha, tôi giết vua để kêu gọi thực hành thuyết chính danh định phận (vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con…). Thế nên Xuân Thu được xem là quyển kinh để răn dạy, cảnh tỉnh người đời, khuyến thiện trừng ác, và làm cho loạn thần tặc tử phải kinh sợ. Do đó, kinh Xuân Thu được xem là biểu tượng của đạo Nho.

Điều này cũng lý giải cho chúng ta hiểu vì sao ngày nay trong đạo Cao Đài, Đức Văn Tuyên Khổng Thánh là giáo chủ Nho Giáo được thờ kính trong hàng Tam Giáo Đạo Tổ và Đức Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân được Đức Chí Tôn giao trọng trách Tam Trấn Oai Nghiêm đại diện cho đạo Nho, đồng đẳng với Nhứt Trấn Oai Nghiêm Lý Thái Bạch đại diện cho đạo Tiên, và Nhị Trấn Oai Nghiêm Quan Âm Như Lai đại diện cho đạo Phật.

Thường xuyên đọc kinh Xuân Thu để lập chí tu thân sửa mình nên cuộc đời của Đức Quan Thánh thuở bình sinh là cả một tấm gương sáng chói về lòng trung nghĩa.

Vạn cổ tinh trung chiếu nhật nguyệt,

Thiên thu nghĩa dũng trấn sơn hà.

(Lòng trung ngàn xưa sáng soi như nhật nguyệt,

Nghĩa dũng muôn đời bảo vệ nước non nhà.)

Nói về lòng trung, sự tích kể rằng khi ba anh em Đào Viên kết nghĩa Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi bị ly tán, Quan Vũ bị quân Tào Tháo vây hãm và dụ hàng. Quan Vũ khẳng khái nói:

- Quan Vũ này tuy thế đã cùng, nhưng cái chết ta coi như không vậy.

Trương Liêu (thuộc tướng của Tào Tháo) hỏi:

- Không sợ thiên hạ cười à?

Quan Vũ hỏi lại:

- Ta vì trung nghĩa mà chết, sao lại cười?

Trương Liêu nói rằng nếu Quan Vũ chết lúc này thì có ba điều đáng cười: 1/ Phụ lời thề kết nghĩa vườn đào. 2/ Phụ lời Lưu Bị phó thác gởi gắm hai chị dâu. 3/ Phụ lòng tin cậy của Lưu Bị.

Rốt cuộc, Quan Vũ bỏ ý định liều chết, chấp nhận tạm về với Tào Tháo. Tuy nhiên, Quan Vũ ra ba điều kiện với Tào Tháo, trong đó có hai điều kiện thể hiện lòng trung của Ngài: 1/ Hàng Hán chứ không hàng Tào. 2/ Khi biết được Lưu Bị ở đâu thì sẽ lên đường tìm đến.

Tào Tháo đồng ý các điều kiện của Quan Vũ và quý trọng Ngài đến nỗi “tam nhật tiểu yến, thất nhật đại yến” (ba ngày mở một tiệc nhỏ, bảy ngày mở một tiệc lớn để chiêu đãi), rồi ban tặng vàng bạc châu báu, ngựa Xích Thố, cùng tước vị Hán Thọ Đình Hầu. Nhưng cuối cùng Ngài vẫn bỏ họ Tào, và bỏ lại tất cả vàng bạc, tước vị để đi tìm người anh kết nghĩa họ Lưu.

Về nghĩa khí, tích xưa kể rằng khi Tào Tháo thua trận Xích Bích, thế cùng lực kiệt chạy đến Hoa Dung thì gặp Quan Vũ đang đón ở đó chờ bắt giữ.

Trước khi Quan Vũ xin đi bắt Tào Tháo, Ngài đã viết quân lệnh trạng với quân sư Gia Cát Lượng, thề sẽ chịu xử chết theo quân lệnh nếu thả giặc Tào. Thế nhưng Quan Vũ vốn là người trọng nghĩa, nhớ đến tình nghĩa khi xưa Tào Tháo đãi mình rất hậu nên khi nghe Tào hạ mình xin tha chết, Quan Vũ không khỏi động lòng mà tha mạng ông ta:

Chỉ vì tình nghĩa còn ghi tạc,

Nên để rồng tù thoát xuống sông.

Quan Vũ đã chấp nhận hy sinh mạng sống của mình để giữ tròn chữ nghĩa.

Chính do lòng trung nghĩa ấy mà khi lìa trần, Ngài đã hiển thánh, báo mộng ban kinh Minh Thánh cho vị sư tại chùa Ngọc Tuyền (ở núi Ngọc Tuyền, huyện Đương Dương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).

Trong kinh Minh Thánh, Đức Quan Thánh đã tự thuật về cuộc đời của mình lúc sinh tiền như sau:

Ta thường đọc kinh Xuân Thu, ấu thơ xem sách của Khổng Tử và Mạnh Tử, chỉ lấy hiếu đễ làm đầu, lấy sửa mình giúp nước làm gốc. (…) Hơn mười năm, áo giáp chẳng rời mình, đao Thanh Long không hồi sạch máu. Đêm ngủ, ba canh không yên giấc, ngày ăn, không một bữa cơm no. Đánh đông dẹp tây, trải trăm trận giang san mới yên định, tóc râu đều bạc trắng như sương. Sức mòn ngựa mỏi, đao cùn lụt.

Lòng trung nghĩa sáng như nhật nguyệt tinh, tiết tháo lớn sánh cùng trời đất. Trời sập, ta mới sập. Đất lở, ta mới lở. (...) Lòng trung xông thẳng trời, nghĩa khí trùm vũ trụ. Mặt đỏ lòng càng đỏ. Râu dài nghĩa thêm dài.

Kinh Minh Thánh của Đức Quan Thánh Đế Quân còn khuyên dạy nhơn sanh những điều về trung hiếu liêm tiết của đạo làm người như:

- Về đức trung, Ngài dạy:

Bậc trung lương, hết lòng ra sức phò vua giúp nước. Lòng hiếu thuận không thay đổi, tính thanh liêm không loạn tâm điền, tiết nghĩa trong lúc lâm nguy vẫn không bại.

- Về hạnh hiếu, Đức Quan Thánh dạy:

Bổn phận làm con cái phải lấy chữ hiếu làm đầu. Hai chữ hiếu thuận tương quan mật thiết với nhau. Chớ làm cha mẹ giận, thường lo cho song thân được vui lòng, ăn no mặc ấm không đói rét, gặp lúc bệnh hoạn sắc thuốc thang, luôn luôn chực hầu cạnh cha mẹ. Người hiếu sinh con cũng hiếu tử.

Sinh thời không phụng dưỡng, một khi cha mẹ mất rồi dù có cúng tế cũng vô ích. Làm con bất hiếu gặp họa tai, hổ vồ rắn cắn, mang bịnh hoạn, quan hình lao ngục với tù đày, nước lửa tai kiếp thật thương hại

Con bất hiếu, khổ trăm bề. Hãy mau sửa đổi chớ chần chừ. Trên đời mấy ai không có lỗi, có lỗi biết sửa tức là Thánh Hiền. Người không lỗi lại càng phải gắng sức trau dồi đức hạnh, làm tròn đạo hiếu.

- Về đức liêm, Đức Quan Thánh dạy:

Nếu giữ được thân tâm trong sạch, mọi người đều có thể trở thành Thánh thành Hiền, vì một người làm tròn tấm lòng liêm khiết này chính là Thánh Hiền vậy. Đã sinh làm người, lòng phải trong sạch như ngọc không vết nhơ. Lập chí thì vững bền như sắt đá, không vì hoàn cảnh mà thay lòng.

Làm quan chỉ giữ lấy bổng lộc của mình, chớ sinh lòng tham, nếu hại người ích kỷ con cháu sau này sẽ mắc oan. Nguyên Hiến khước từ bổng lộc mà được tiếng khiết. Dương Chấn không nhận vàng nên để tiếng liêm. Nữ sắc trên mình không sinh lòng tà là Liễu Hạ Huệ. Đóng cửa không mở là Lỗ Trọng Liên.

Trong lời dạy trên, Đức Quan Thánh đã nhắc đến các tấm gương về đức liêm khiết:

Nguyên Hiến: Học trò của Đức Khổng Tử. Thời gian Đức Khổng Tử giữ chức tư khấu ở nước Lỗ, Nguyên Hiến cùng ra giúp việc và được cấp cho chín trăm đấu gạo, Nguyên Hiến không nhận. Đức Khổng Tử nói: “Con không nhận thì đem tặng cho dân làng để dân tiếp nhận ân huệ của quân vương.” Khi Đức Khổng Tử mất, Nguyên Hiến ở trong một khu phố nghèo. Một hôm Tử Cống đi ngang qua, thấy Nguyên Hiến ăn mặc rách rưới, tỏ vẻ thương hại mà hỏi: “Anh bịnh chăng?” Nguyên Hiến đáp: “Hiến nghe Thầy nói người nghèo gọi là bần, người học đạo mà không thực hành được Đạo thì mới gọi là bịnh. Hiến đây chỉ nghèo mà thôi, chớ không có bịnh.”

Dương Chấn: Một vị quan thanh liêm đời Hán. Năm ông lên đường đi nhậm chức thái thú quận Đông Lai, khi đi ngang qua đất Xương Ấp, quan huyện đất này là Vương Mật, người đã từng được ông tiến cử đề bạt, đem vàng bạc đến làm lễ yết kiến ông. Nhưng ông không nhận và nói với Vương Mật: “Tôi biết tài của ông nên mới tiến cử ông ra làm việc giúp nước, đó là lòng công chính của tôi. Nay ông đem vàng đến cho tôi là lòng tư riêng của ông, chẳng những ông bị mang tiếng là hối lộ cho tôi, tôi cũng bị tai tiếng là vì lòng tư riêng mà tiến cử cho ông nữa.” Vương Mật cố nài, và thưa: “Đây là lễ đáp ơn của tiểu quan. Hơn nữa, nơi đây cũng không ai hay biết, mong ngài chớ nên khước từ.” Dương Chấn đáp: “Trên có Trời biết, dưới có đất biết, giữa có ông và tôi biết, sao lại bảo là không ai biết?” Vương Mật nghe xong, hổ thẹn muôn phần, bèn lủi thủi đi ra.

Liễu Hạ Huệ: Người thời Xuân Thu, một lần độc hành gặp mưa, Liễu Hạ Huệ ngồi trên xe che dù. Một thiếu phụ xin quá giang để tránh mưa. Xe chật hẹp, dù lại nhỏ, thiếu phụ phải ngồi trong lòng Liễu Hạ Huệ. Tuy rằng chung quanh không người, nhưng Liễu Hạ Huệ vẫn không nổi lòng tà dâm.

Lỗ Trọng Liên: Người nước Tề thời Chiến Quốc, có tài biện luận hòa giải tranh chấp. Một lần chu du đến nước Triệu, gặp lúc nước Triệu bị quân Tần vây khốn. Vua Triệu sai sứ sang nước Ngụy cầu viện, tướng Ngụy sợ uy của Tần nên không giúp. Lỗ Trọng Liên đem tài hùng biện thuyết phục được vua tướng Ngụy đến giải vây. Tần vì thế mà lui binh. Vua Triệu muốn trọng dụng Lỗ Trọng Liên nhưng ông khước từ. Vua sai người đem vàng bạc châu báu đến tặng, Lỗ Trọng Liên đóng cửa lại mà không tiếp khách.

Đức Quan Thánh dạy tiếp:

Làm quan, bổng lộc chỉ đủ dùng trong vòng nghi lễ, chi tiêu trong gia đình cũng chỉ đủ qua tháng ngày. Nếu như có vác trăm gánh vật về nhà thì những vật đó ắt là vật thất tiết, hay tiền bạc chứa đầy rương thì những đồng tiền đó ắt cũng là của ám muội lấy từ hối lộ hay tham nhũng mà ra. Hình phạt đánh khảo, tù đày lưu biếm ai không sợ, khuyên người ngước đầu nhìn trời xanh.

Trên đây là một số lời dạy của Đức Quan Thánh Đế Quân về trung hiếu liêm tiết lược trích trong kinh Minh Thánh.

Chúng ta có thể thấy rằng Đức Quan Thánh lúc sinh thời là một bậc anh hùng cái thế, trung nghĩa tiết tháo vẹn toàn; đến khi lìa trần lại hiển thánh cứu dân hộ quốc, ban kinh khuyên dạy người đời về trung hiếu liêm tiết.

Do đó, nơi cõi thế gian, trải qua nhiều triều đại và thời đại, Ngài đã được tôn thánh, phụng thờ với nhiều tôn hiệu cao quý khác nhau như: Nhân Đức Thánh Quân, Trung Nghĩa Thần Vũ Quan Thánh Đế Quân, Trung Nghĩa Vũ Thần Đại Đế, Quan Phu Tử, v.v…

Nơi cõi thượng thiên, theo kinh Minh Thánh, vì là bậc anh hùng trung liệt nên Ngài được Đức Thượng Đế sắc phong là Phong Đô Đại Đế, có nhiệm vụ giáo hóa các âm hồn cõi U Minh. Kinh Minh Thánh chép:

Thượng Đế thương Ta lòng trung tỏ rạng, đọc sắc chỉ cho đi giáo hóa cõi U Minh. Lịnh cho Ta ban ngày tuần du các chốn, xem xét phân biệt người trung kẻ nịnh.

Lúc sinh thời, Ngài dày công chiến trận. Sau khi hiển thánh rồi, Ngài lại tiếp tục dụng thần oai trừ tà khử quái, tiêu diệt yêu ma. Do đó, theo kinh Minh Thánh, Ngài được tôn là Phục Ma Đại Đế, hay là Đại Thánh Phục Ma Đãng Khấu Cứu Khổ Cứu Nạn Đại Thiên Tôn.

Vì khi sinh thời cũng như khi về trời, uy linh Ngài trị an mọi nơi, nên Ngài được tôn là Thần Oai Viễn Trấn.

Ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch, theo kinh Minh Thánh, Ngài được ngọc sắc của Đức Thượng Đế phong làm đại nguyên soái cai quản ba cửa trời phía đông, nam, và tây (còn phía bắc là chỗ ngự của Thượng Đế). Do đó Ngài còn là Tam Thiên Môn Đại Nguyên Soái.

Ngài cũng được tôn là Phật Già Lam. Vì uy linh trùm cả trời đất nên Ngài còn có tôn hiệu là Cái Thiên Cổ Phật.

Ngày nay, trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, với cương vị Tam Trấn Oai Nghiêm, Đức Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân thường giáng cơ ban lời giáo huấn cho hàng môn đệ Cao Đài về đức khiêm tốn và tinh thần phục thiện, về đức hy sinh quên mình, về các đức tính của người tu, về minh minh đức (làm sáng cái đức sáng hay vốn Đạo tự hữu) trong con người Đại Đạo, về giáo dân vi thiện, v.v…

Noi gương người xưa, không gì hơn là noi theo gương Đức Quan Thánh lập chí tu thân sửa mình để trở nên người trung hiếu tiết nghĩa vẹn toàn hầu có thể bước lên hàng Thần Thánh Tiên Phật. Nếu như xưa kia Đức Quan Thánh chuyên tâm đọc kinh Xuân Thu và các sách của Đức Khổng Tử và Đức Mạnh Tử để tu sửa thân tâm thì ngày nay chúng ta lại còn may mắn thay là có được biết bao kinh sách, thánh ngôn thánh giáo do Đức Chí Tôn, Đức Từ Mẫu và chư Phật Tiên Thánh Thần giáng cơ ban cho để học tu sửa mình. Vấn đề là chúng ta có ý chí quyết tâm tu sửa hay không mà thôi.

Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:

Loài người thuộc vào hàng tối linh trong vạn vật. Được tối linh nhờ bởi điểm linh quang tối diệu của Thượng Đế phát ban. Tuy rằng phần nhục thể cũng ẩm thực, bài tiết, v.v… như vạn loại, nhưng loài người biết sĩ diện, biết phải trái, biết thiện ác, biết hư nên siêu đọa, v.v… là nhờ bởi điểm tối linh tối diệu đó.

Nếu loài người biết gìn giữ chơn tâm, phát triển thánh tâm, khai triển thánh đức thì sẽ trở nên hàng thánh thiện, lần hồi tiến đến phẩm vị Phật Tiên; còn trái lại thì cũng không hơn gì các loài chúng sanh trong hàng hạ đẳng.

Thế nên muốn thành Thần Thánh Tiên Phật cũng do mình, hoặc hóa loài ngạ quỷ súc sanh cũng do mình. Dầu lòng từ ái của Đấng Đại Từ Đại Bi vô lượng vô biên cũng không làm sao ẵm bồng, cất nhắc lên cho những tâm hồn mê muội, hoặc giả mê giả dốt.

Lời thế nhân thường nói, ai ăn nấy no, ai ngủ nấy khỏe, không ai có thể [ăn hay] ngủ thế cho ai; còn trong đạo thì có câu: Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, nào ai tu thế được cho ai.([1])

Phật là đâu? Tiên, Thánh, Thần cùng những bậc vĩ nhân là đâu? Không phải tự trên trời rớt xuống, mà chính là trong nhân gian tự xuất. Khả dĩ được như vậy bởi đức hy sinh, lòng bác ái, đạo công bình.

Những bậc ấy đã nhận xét, biết đâu là nhân nghĩa, đâu là tội lỗi, đâu là phải trái, tự khắc phục lấy lòng mình trước mọi sự vật cám dỗ, mọi đỉnh chung tạm bợ, mọi tình cảm không đúng chỗ, cương quyết định hướng mà đi đến đích toàn thiện.

Dầu cam go khổ cực, nghèo túng, sanh tử vẫn xem là thường, chỉ đặt việc lớn là đạo đức nhơn nghĩa lên trên hết. Bởi đó nên ngày nay cùng hậu thế mãi mãi tôn sùng, kính trọng.

Còn chư nhu, chư muội ngày nay đã chọn cho mình một con đường sáng sủa, bằng phẳng vinh dự, thì hãy noi gương thánh triết, hiền nhân, hầu thực hiện cho kỳ được những lời khuyến dụ của các Đấng Thánh Thần. Nếu mỗi người học mà hành y và hành như nhứt, thì thế gian này ai ai cũng có thể trở nên Phật Tiên, Thánh Thần cùng vĩ nhân không khó.([2])

Như đã nói, hằng năm kỷ niệm ngày xuất thế của Đức Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân, huynh tỷ đệ muội chúng ta nhân dịp này cùng thành tâm hướng về Ngài, học tập gương sáng của Ngài và quyết tâm thực hiện những lời Ngài đã khuyên dạy hầu có thể noi theo Ngài mà trở nên người đạo đức vẹn toàn để phục vụ cho nhân quần xã hội, đến khi thoác xác về cõi hư vô thì uy linh chính khí vẫn còn mãi trường tồn để tiếp tục công quả an dân độ đời. Đây cũng là thánh ý Ngài gởi chúng ta qua một bài tứ tuyệt quán thủ xưng danh:

HIỆP sức mà lo phổ Đạo Trời

THIÊN lương có sẵn mỗi con người

ĐẠI công đại đức tày trời đất

ĐẾ vị muôn đời mãi sáng soi.([3])

Thánh tịnh Ngọc Điện Huỳnh Hà

24-6 Kỷ Hợi (Thứ Sáu 26-7-2019)

DIỆU NGUYÊN



([1]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 15-12 Giáp Dần (26-01-1975).

([2]) Thánh thất Tân Định, 03-01 Ất Tỵ (04-02-1965).

([3]) Huờn Cung Đàn, 14-6 Ất Tỵ (12-7-1965).