Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

4. ĐỨC LÊ VĂN DUYỆT XƯA VÀ NAY / Diệu Nguyên


 

4. ĐỨC LÊ VĂN DUYỆT XƯA VÀ NAY

Trong đạo Cao Đài, ngày mùng 1 tháng 8 âm lịch hằng năm là lễ kỷ niệm ngày quy thiên của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, vị khai quốc công thần triều nhà Nguyễn mà nay là Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt, Tổng Lý Đại Đồng trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ngài tạ thế vào ngày 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832). Sau đây, chúng ta hãy cùng ôn lại đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của Ngài lúc sinh tiền và một số thánh giáo do Ngài giáng dạy trong Tam Kỳ Phổ Độ.

Đức Tả Quân xưa

Đức Lê Văn Duyệt sinh năm Giáp Thân (1764)([1]) tại vàm Trà Lọt, làng Hòa Khánh (nay thuộc xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ngài là một nhà chính trị và quân sự tài năng và đức độ dưới triều nhà Nguyễn. Ngay từ thuở nhỏ, ngài đã ham luyện võ công, thích chơi đánh trận với lũ trẻ cùng làng, tánh tình cương trực, có chí khí. Tương truyền, mới mười lăm tuổi, Ngài đã thể hiện chí lớn qua câu nói: Sinh ở đời loạn, không dựng cờ, đánh trống đại tướng, chép công danh vào sử sách, không phải là trượng phu.

Năm mười bảy tuổi, Ngài cứu được Chúa Nguyễn Ánh và gia đình Chúa khỏi nạn đắm thuyền khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi trên sông (Vàm) Trà Lọt. Sau đó, Ngài được Chúa Nguyễn thâu dụng và đã một lòng phò tá Chúa Nguyễn đánh nam dẹp bắc để thu phục non sông về một mối, lập nên triều đại nhà Nguyễn. Với bao chiến công hiển hách, Ngài được liệt vào hàng đệ nhất khai quốc công thần.

Vâng mệnh vua, Đức Lê Văn Duyệt vào nam ra bắc, đánh dẹp giặc trong giặc ngoài. Nơi nào có Đức Lê Văn Duyệt thì giặc loạn không còn, ngoại bang kiêng nể. Tuy nhiên, Ngài luôn áp dụng chính sách đổi thù thành bạn, khoan dung tha thứ. Khi được triều đình cử đi dẹp loạn ở nơi nào, Ngài cho điều tra kỹ lưỡng để biết rõ nguyên nhân tại sao dân nổi loạn. Nếu biết chắc do đám quan lại sở tại tham nhũng, bức hiếp làm cho dân chúng quá khổ sở phải nổi loạn, thì Ngài thẳng tay trừng trị bọn tham quan trước rồi mới kêu gọi những kẻ làm loạn trở về đầu thú. Nhờ chính sách sáng suốt, khoan dung đó nên rất nhiều bọn giặc phỉ hối cải, kéo nhau về quy phục dưới trướng của Ngài và được Ngài tha thứ, tin dùng, cưu mang, giúp đỡ họ làm ăn sinh sống. Tấm lòng khoan dung tha thứ này có lẽ bắt nguồn từ một việc xảy ra thời niên thiếu của Ngài.

Chuyện kể rằng, một ngày nọ, chàng thiếu niên Lê Văn Duyệt ra bờ sông (Vàm) Trà Lọt, thấy một đám trẻ đang xô xát ầm ĩ. Lê Văn Duyệt chạy tới hỏi một thằng bé đang khóc:

- Chuyện gì? Nín nói nghe.

Thằng bé vừa khóc vừa đáp:

- Nó giật con cá của tôi. Tôi đòi lại, nó bợp tai tôi.

Lê Văn Duyệt bất bình hỏi:

- Ai?

Đứa bé trả lời:

- Thằng Cơ.

Lê Văn Duyệt lừ lừ tiến đến nắm thằng con trai cao lớn hơn mình, đạp một đạp. Cơ té nhào xuống sông. Thằng bé hoảng hốt, chạy đến nắm tay Duyệt khóc to hơn. Duyệt ngạc nhiên hỏi:

- Sao lại khóc? Nó ăn hiếp mi, ta đạp nó xuống sông trả thù giùm mi, sao lại còn khóc nữa?

Thằng bé thôi ấm ức, có vẻ hốt hoảng nói:

- Nó ỷ lớn hiếp đáp, giành con cá của tôi. Con cá ăn một miếng thì hết. Anh đạp nó xuống sông, nó chết, tôi mang tội. Nó biết lỗi rồi, anh kéo nó lên đi, nó sẽ mang ơn anh suốt đời.

Lê Văn Duyệt ngẫm nghĩ, thấy thằng bé nhỏ mà nói phải. Duyệt liền phóng xuống sông, lặn một hơi thúc đứa cao lớn đang chới với giữa dòng nước xoáy vào bờ.

Từ đó, thằng con trai cao lớn rất nể phục Lê Văn Duyệt. Duyệt đi đâu nó theo đó và sau này, khi Đức Lê Văn Duyệt theo phò Chúa Nguyễn Ánh và lên đến chức Tả Quân thì cậu bé năm xưa đã là lão Cơ Điều luôn hầu cạnh Ngài.

Câu chuyện trẻ con bên dòng sông (Vàm) Trà Lọt ấy đã để lại dấu ấn không bao giờ phai trong suốt cuộc đời làm đại thần của Đức Lê Văn Duyệt: Muốn kéo kẻ thù về với mình, trước tiên phải có lòng bao dung, biết tha thứ và phải biết mở đường sống cho họ.

Ngài yêu nước thương dân bao nhiêu thì lại càng căm ghét bọn tham quan ô lại nhũng nhiễu dân lành bấy nhiêu và luôn thẳng tay trừng trị bọn chúng cho dù đó là hoàng thân quốc thích. Huỳnh Công Lý là cha vợ vua Minh Mạng, ỷ rằng con gái mình là một thứ phi được nhà vua sủng ái nên hắn tham tàn bạo ngược, húng hiếp dân lành, vơ vét tài sản của dân chúng làm cho người dân điêu đứng khổ sở, kêu ca thấu đến tai Đức Lê Văn Duyệt. Sau khi điều tra có chứng cứ tội trạng đủ đầy, Ngài đã dùng quyền tiền trảm hậu tấu mà sai chém chết Huỳnh Công Lý (năm 1821) tại thành Gia Định, trước khi có lệnh vua đưa hắn về kinh thành Huế cho vua xét xử.

Vì thế, nơi nào có Đức Lê Văn Duyệt tới, dân chúng mừng vui khôn xiết, còn đám quan lại sách nhiễu tàn bạo thì lo sợ tránh mặt. Ngài có tánh nghiêm và thẳng, không nể nang tư vị bất kỳ ai. Dữ hơn cọp mà Ngài nhân hậu vô cùng.

Đối với binh sĩ, Đức Lê Văn Duyệt rất nghiêm mà cũng rất nhân từ. Quân lính của ngài rất có kỷ luật, không hề phá phách, cướp bóc… Những kẻ ốm đau đều được Ngài Tả Quân quan tâm chăm sóc. Còn những ai chết trận, Ngài rất kính trọng thương xót.

Chuyện kể rằng một hôm Đức Lê Văn Duyệt cùng Phó Tổng Trấn Trương Tấn Bửu (1752-1827) đi kiểm tra thành lũy. Khi đi ngang qua khu vực xử phạt, ngài nhìn thấy một lính phạm mang gông. Ngài hỏi:

- Ngươi tội gì?

Người lính phạm thưa:

- Bẩm Thượng Công, con về phép thăm mẹ mười ngày, nhưng mẹ chết, con ở lại chịu tang nên trễ phép mười ngày.

Đức Lê Văn Duyệt nghiêm giọng:

- Việc binh chậm một ngày có thể chém đầu rồi. Ngươi chậm những mười ngày, đáng ra phải chịu tội chém mười lần, nhưng xét ra ngươi là người con hiếu thảo, cho tha.

Người lính tưởng mình nghe lầm. Khi biết rõ đây là lệnh của Ngài Tổng Trấn, anh ta sụp lạy, nước mắt đằm đìa.

Đức Lê Văn Duyệt nói với Ngài Trương Tấn Bửu:

- Nên tra xét lại đám lính thường phạm này. Có đứa lý thì đáng tội mà tình thì đáng tha hơn.

Nhiều lần Ngài đem quân đánh thắng được giặc, dẹp được loạn, được vua ban thưởng, Ngài đều lấy một số bạc khao quân, số còn lại Ngài phân chia cho gia đình các binh lính đã bị giặc tàn hại.

Khi được triều đình bổ nhiệm làm Tổng Trấn thành Gia Định, cai quản một vùng đất rộng ba mươi ngàn cây số vuông phía nam đất nước (từ Bình Thuận đến Hà Tiên), Ngài Lê Văn Duyệt đã hết sức quan tâm chăm lo đến đời sống dân chúng.

Tại Gia Định, ngài cho lập hai cơ sở từ thiện là Anh Hài và Giáo Dưỡng. Nơi thứ nhất là chốn dạy võ nghệ và nghề cung kiếm cho trẻ em. Nơi thứ hai, Ngài thu gom trẻ mồ côi, quả phụ không nơi nương tựa về nuôi nấng, dạy chữ và dạy nghề thủ công, giúp họ mưu sinh. Ngài cho khẩn hoang lập ấp, đào kênh… Thành Gia Định sau những tháng năm giặc giã đã nhanh chóng trở thành một đô thị sầm uất.

Ngoài các đức tính cương trực, thanh liêm, nhân hậu, thương dân và chăm lo cho dân, Đức Lê Văn Duyệt còn có một tinh thần hòa đồng tôn giáo, tôn trọng tự do tín ngưỡng của dân chúng thể hiện qua việc Ngài không chịu thi hành chỉ dụ của triều đình về việc cấm đạo, bắt đạo, sát đạo đối với đạo Thiên Chúa. Ngài cũng chủ trương hòa hợp dân tộc, không phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số hoặc số người Hoa di dân. Trong khi các quan khác cho rằng di dân là người ăn nhờ ở đậu trên đất nước ta thì Đức Lê Văn Duyệt lại nghĩ rằng người ở đâu tới xứ mình cũng là dân mình cả. Ai hết lòng cho công cuộc phát đạt xứ mình thì đều được hưởng đủ quyền lợi như dân bản xứ, được triều đình bảo trợ, tạo điều kiện cho làm ăn sinh sống, an cư lạc nghiệp. Nhờ đó Ngài đã tạo được khối đoàn kết dân tộc, góp phần ổn định cuộc sống người dân và phát triển vùng đất mới phía nam này. Ngoài ra, chỉ có Đức Lê Văn Duyệt mới dám áp dụng chính sách mở rộng cửa giao thương với bên ngoài, cho tàu thuyền ngoại quốc vào cảng mua bán. Tàu buôn các nước ra vào tấp nập, hàng hóa trao đổi, khiến cho thành Gia Định trở nên sầm uất, giàu có hẳn lên.

Năm 1822, một phái đoàn người Anh do ông John Crawfurd (1783-1868) dẫn đầu đã đến Gia Định và xin yết kiến Tổng Trấn Lê Văn Duyệt. Trong quyển sách ([2]) của mình, Crawfurd đã không giấu nổi sự thán phục:

Tôi bất ngờ thấy rằng thành Gia Định không thua gì kinh đô nước Xiêm.([3]) Về nhiều mặt trông nó còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú hơn, giá cả hợp lý hơn và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác rằng đây là một vương quốc lý tưởng.

Mô tả đời sống của người dân trong thành, ông John Crawfurd không tiếc lời ca tụng:

Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị Tổng Trấn của họ. (. . .)

Dân xiêu tán tới đây được Tổng Trấn cho nhập hộ tịch, qua một hai đời đã trở thành người Gia Định. Đông nhất nơi đây là Hoa kiều. Các dân tộc nơi đây được Tổng Trấn bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn xin rất hiếm. Tổng Trấn rất nhân từ, tha cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất nghiêm khắc với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. Một vị quan nhỏ ra đường ghẹo gái cũng bị cách chức lưu đày. Một đứa con vô lễ mắng cha chửi mẹ, Tổng Trấn biết được cũng phạt rất nặng.

(…) Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông.

Ngài Phan Thanh Giản, một vị quan tài đức thời bấy giờ cũng hết lời ca ngợi đức độ và tấm lòng vì dân của Ngài Lê Văn Duyệt:

Gia Định này thật có phúc mới gặp được một Tổng Trấn như Đại Quan. Tôi ở Kinh Thành, ở Bắc Thành vào Gia Định thấy như đi qua một nước khác. Ở dọc sông thì trên bến dưới thuyền, ghe thuyền san sát, lúa gạo nghìn nghịt. Vải vóc, đồ thau, đồ đồng, đồ sứ, đồ gốm, thảo mộc quý, quế, trầm, hồi thật là không thiếu thứ gì. Trên đất liền, nhà cửa phố xá san sát, khang trang. Đường đi lại lát gạch, lát đá sạch sẽ mát mắt... Cảnh dân theo đạo Thiên Chúa trốn chui trốn nhủi như ở ngoài Bắc Thành, kinh thành Huế, ngoài Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, vào đây không thấy. Cha truyền giáo vẫn đi lại bình thường trên đường phố. Tôi thật mừng. Mình làm quan thấy dân vui là mình vui. Làm quan chỉ biết vui phần mình thật đáng trách.

Là một Tổng Trấn vừa tài năng vừa đức độ, Đức Lê Văn Duyệt được người dân Nam Kỳ hết lòng tôn kính. Ngài vừa chăm lo đời sống dân chúng, vừa trị an xứ sở. Vùng đất Gia Định trải dài từ Bình Thuận tới Cà Mau kinh tế phát triển, đời sống người dân yên ổn, no ấm, dân chúng một lòng biết ơn, gọi ngài là ông Lớn Thượng. Đức Lê Văn Duyệt luôn là vị Thần hiển linh trong lòng dân Việt lẫn Hoa kiều. Lăng Ông ở đất Bà Chiểu là ngôi đền thờ Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt, được dân chúng quanh năm hương khói phụng thờ xưa nay.

Đức Lê Đại Tiên nay

Một trăm năm sau ngày tạ thế, Đức Lê Văn Duyệt đã trở lại với đất nước và dân tộc Việt Nam trên ngọn linh cơ, với sứ mạng cùng các anh hùng liệt nữ và đại công thần tiền nhân đất Việt như Trưng Nữ Vương, Vạn Hạnh Thiền Sư, Trần Hưng Đạo, Phan Thanh Giản, v.v… trợ giúp Đức Thượng Đế trong công cuộc xây dựng nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại đất nước Việt Nam kỳ nguơn hạ. Ngài là Tổng Lý Đại Đồng trong Tam Kỳ Phổ Độ và đặc biệt trấn nhậm tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (Quận 4). Khi giáng cơ dạy đạo, đôi lúc Ngài xưng danh là Tả Quân Lê Văn Duyệt (chức phẩm của Ngài hồi còn tại thế, khi thì Ngài xưng là Tổng Lý Đại Đồng Lê Văn Duyệt, hoặc Đại Tiên Lê Văn Duyệt.

Vẫn với một tấm lòng yêu nước thương dân, thiết tha với tiền đồ của dân tộc được chọn trong cơ cứu độ Kỳ Ba, đấng anh hùng từ vạn cổ như vẫn còn vương mang một mối nợ nghìn thu với dân tộc nên đã không thể riêng mình an hưởng cảnh nhàn nơi cõi thượng mà lại phải tiếp tục lao tâm khổ tứ dấn thân cùng đàn em trong công cuộc tận độ quần sinh của Đức Thượng Đế:

Cuộc thế thăng trầm biết hỏi ai

Ai lo tô điểm nước non này

Anh hùng vạn cổ còn vương nợ

Mối nợ ngàn thu chửa sạch tay.([4])

Ngài đã xác nhận về sự đồng hành trong sứ mạng của hai cõi sắc không:

Lão cũng lưu ý chư hiền đệ muội đang dốc tâm hành đạo rằng Lão và chư Thần Việt Nam luôn luôn có trách nhiệm trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cũng như chư hiền đệ, hiền muội vậy.([5])

Đức Lê Đại Tiên đã ban cho nhơn sanh rất nhiều thánh ngôn dạy đạo khuyến tu, hướng dẫn nhơn sanh vào đường đạo đức tu thân và thực hành chánh tín.

Ngài đã chỉ rõ nguyên nhân nỗi khổ đau của nhân thế:

Nước loạn nhà tan, dân sanh điêu đứng cũng ở một lý do rất thực tế là vô đạo đức, vô nhân nghĩa, là dục vọng, là tranh đấu. Nếu các chứng bịnh vừa kể sơ được chữa trị lành mạnh, thì nước nhà yên ổn, thế giới hòa bình, không phải tìm đến Tiên Phật để đòi hỏi một việc gì khác nữa.([6])

Gởi gắm cho nhau một tấc lòng

Uy linh chính khí tạo non sông

Đạo cao đức trọng là căn bản

Nhân loại đồng lên cõi đại đồng.([7])

Vậy, muốn cho quốc gia thạnh trị, nhân dân cộng hưởng an lạc thái hòa thì chỉ có một phương pháp là bản thân mỗi người phải trau dồi đạo đức, khắc kỷ tu thân. Đức Lê Đại Tiên dạy:

Đã là sanh đứng làm người còn mang nhục thể, còn chứa đựng một phần tâm linh, và một phần thất tình lục dục, lẽ đương nhiên mỗi người đều có chứa một phần tốt và một phần xấu trong nội tâm.

Lịch sử danh nhân và các bậc thánh triết hiền xưa đã ghi được và vẫn còn được ngưỡng mộ tôn sùng nơi hậu thế, là vì những bậc ấy đã tận tâm tận chí khắc phục mọi điều không đúng đắn và không tốt nơi nội tâm mỗi khi phát hiện, luôn luôn tìm tòi học hỏi điều đạo lý nhân nghĩa, luôn luôn kiểm điểm mọi tư tưởng mình và làm bài tóm tắt, tổng kết hằng ngày mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, những tư tưởng lời nói và hành động của mình trong một ngày đó. (. . .)

Còn mang nhục thể ắt còn vô minh, còn vô minh ắt còn dễ gây sự lầm lẫn, sự tội lỗi. Vậy, trước hết phải làm sao quét dọn, lau chùi màn vô minh cho càng ngày càng mỏng đến khi nào tiêu tan mới thôi.

Muốn thủ tiêu màn vô minh phải có phương pháp nhứt định để làm tiêu chuẩn. Phương pháp đó là phải khách quan, vô tư, hỷ xả, bác ái, tha thứ, đặt mình trong cảnh của kẻ mà mình phê phán. Tinh thần phục thiện, ý chí cầu tiến, nhứt là luôn luôn tự cảnh giác xem có điều gì lầm lỗi trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Hãy tạo hai cái túi vô vi. Để một bên tả là túi chứa đựng vạy tà, một cái bên hữu là chứa đựng điều hay lẽ phải. Mỗi ngày trước khi đi ngủ, hãy soạn kiểm điểm lại hai túi đó hầu diệt lần những điều tà vạy, chủ quan, tự ái, cố chấp không đúng với ý nghĩ, tác phong đạo hạnh của người tu thân hành đạo.([8])

Qua lời dạy của Đức Lê Đại Tiên, chúng ta có thể thấy rằng việc kiểm điểm thân tâm hằng ngày trên cả ba phương diện tư tưởng, lời nói, hành động là việc làm hết sức cần thiết để trở nên bậc hiền nhân thánh triết.

Là Tổng Lý Đại Đồng trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Lê Đại Tiên đã ban cho hàng môn đệ Cao Đài bài học nhân hòa, một bài học lớn vô cùng quan trọng để xây dựng nên thế giới đại đồng cho toàn nhân loại. Mà muốn xây dựng thế nhân hòa cho xã hội loài người thì trước hết cần phải có nhân hòa trong nội bộ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và nhân hòa giữa các tôn giáo trên thế gian. Đức Tổng Lý Đại Đồng Lê Văn Duyệt dạy:

Sống trong tập thể đạo đức thì lòng nhân hòa phải được khơi nguồn từ đầu đến cuối.

Sở dĩ xã hội này gặp phải cảnh dầu sôi lửa bỏng cũng do sự bất hòa, từ sự việc nhỏ lần lần lan rộng đến việc lớn. Chư hiền có nghĩ rằng trong ý hướng nhận thức của con người, tôn giáo cần phải nhìn bao quát, đào tạo nên một bầu không khí thân mật thánh thiện.

Tập thể được tồn tại với thời gian là nhờ biết tận dụng đúng với ý nghĩa của hai chữ nhân hòa. Thực ra thì không ai là không biết nhân hòa là gì. Nhưng đường lối để thực hiện hai chữ nhân hòa thì ít có người vạch ra và làm được.

Bởi vậy Lão mới chỉ rõ cho chư hiền về sự thực hiện nhân hòa bằng cách nêu cao tinh thần vị nhân sanh và thiết thực hành đạo. (. . .)

Người tôn giáo sống trong một khung cảnh bao quát cởi mở và yêu thương đại đồng, luôn luôn có những cái nhìn đầy sự hòa nhã, khiêm tốn, vui tươi với đồng loại. (. . .)

Nội tâm con người tôn giáo nếu không an định và nhứt trí thì bảo sao đường lối tôn giáo và tôn giáo không tranh chấp, đối nghịch lẫn nhau.

(. . .) Tranh chấp, chia rẽ là hố thẳm viễn biệt tôn giáo. Nếu các ý thức đồng lý tưởng, đồng nhiệm vụ, đồng mục đích cần phải phát huy thì sự chung hòa sẽ tạo được. Tôn giáo đều do tâm tư con người tạo lấy, lại trói buộc con người vào cái của mình tạo ra. Phân biệt trên hình thức tôn giáo, phân biệt trên giáo điều không phải là ngăn cản sự bắt tay cộng tác giữa tôn giáo.

Điều thực sự quan yếu là người tôn giáo phải cương quyết chung hòa cùng nhau trên viễn đồ phục vụ tâm linh và hướng đạo quần sanh. Đường lối tôn giáo ngày nay hầu như tắt nghẹn trong khung cảnh riêng tư, vì chẳng ngước mặt lên vòm trời bao quát của lý tưởng, trái lại cứ thun mình trong cái giếng chật hẹp âm u của bốn bức tường mà gọi là giáo điều quy ước xa xưa.([9])

Ngoài ra, Đức Lê Đại Tiên còn dạy người môn đệ Cao Đài phải thực hành chánh tín. Vào năm 1966, một số đạo hữu thánh tịnh Ngọc Minh Đài vì lòng tri ân tôn kính nên đã tạc pho tượng thờ ngài. Ngài giáng cơ dạy về việc này như sau:

Hỡi liệt vị! Đã tạc nên pho tượng của Lão, phải hiểu rằng khi sanh tiền Lão là một trung thần vị quốc, vì chánh khí mà đắc Thần vị. Do sự cảm mến của dân tộc nên mới bày lăng tẩm phụng thờ. Thiết nghĩ ra, lịch sử là để ghi tấm gương trung can nghĩa khí, chớ nào phải một vị Thần Thánh lại làm một việc ở thế gian bằng cách độc tôn trong một số người tín ngưỡng của địa phương sao?

Nhưng sự đời đã thế, lòng tín ngưỡng trở thành mê tín. Mê tín trở thành lợi dụng. Lợi dụng trở thành một tai hại cho dân tộc nước non.

Đây, hiện tại, Lão nhắm ngay vào pho tượng mà liệt vị đã thành tâm tạc để phượng thờ. Đây là một hữu hình chi tướng, cũng cân đai áo mão, cũng oai vệ hiên ngang; nhưng gẫm ra pho tượng ấy hàm chứa được gì cho thế gian, cho bá tánh, mà nước nhà đang cơn ly loạn, dân tộc đang đói khổ gian nguy. Lão đành lòng nào hia mão cân đai, để chịu cho đời sùng bái.

Liệt vị ôi!

THI

Liếc mắt mà xem khắp mọi nơi

Cái tình cốt nhục xẻ chia rồi

Con buôn xương máu còn trơ mặt

Đứa mượn ân tình chửa hổ ngươi.

Hia mão cân đai thêm uất hận

Lọng tàn gấm vóc khó yên ngồi

Nâu sồng chay lạt cho cam phận

Chia sớt niềm đau với mọi người.

Liệt vị! Lão chứng minh lòng tốt đẹp trong sự cảm ứng của liệt vị, nhưng cũng chỉ rõ sự lầm tưởng của liệt vị là nếu cảm lành thì ứng lành. Lão có hộ trợ liệt vị trên sự thành tâm thiện ý để được dễ dãi thăng tiến trong cuộc đời sinh hoạt, nhưng cũng do tiền định mà thôi.

Ngày nay, liệt vị đã được thỏa nguyện thì phải nên nghĩ đến tiền nhựt. Trong lúc sinh tiền của Lão là “Nhứt hào bất phạm”. Nếu có được dồi dào sinh hoạt, nếu có được tâm đạo kỉnh thành, thì hãy đem lợi lộc ấy mà chia sớt cho các công việc từ thiện đạo đức trong địa phương, để tự mình tạo thêm âm chất và được người đời cảm mến hơn là liệt vị đã làm như thế nầy.

Cảm ứng là do đạo kết thành

Phải tu mới hưởng trọn ơn lành

Từ đây sắp đến lòng gìn một

Ân huệ gia ban Lão sẵn dành.

. . . (H)ãy xem kìa trên khoảnh đất Việt Nam, có biết bao nhiêu chùa hoang miễu lạnh, có biết bao nhiêu ngôi chùa chứa đựng những phần lợi dụng cầu danh. Chùa thất rất nhiều mà nhơn sanh vẫn ai bi thống khổ, non nước vẫn chia xẻ đôi phương là vì người cất chùa xây thất, người lãnh đạo truyền đạo, người học đạo hành đạo, đều không xứng đáng một tín đồ của đạo, nên chi chùa thất là hình tướng để che đậy lớp tâm phàm tục giả dối, cơ đạo mới chịu thăng trầm, nhơn sanh mới lầm than khổ sở.

Đến thời giờ nầy, Lão vẫn giữ một lời quyết định là không làm được nghĩa khí của một trung thần, không biểu dương được tình thương dân tộc, không tròn Thiên mạng, thiên chức, không giữ vẹn trách nhiệm trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Lão sẽ không còn ở trong vòng đại thiên thế giới, mà sẽ là một làn khói thoảng qua và tiêu diệt. Như thế, Lão khuyên tất cả đừng nghĩ đến danh nghĩa Thần Thánh Tiên Phật là lợi khí rao hàng, thì đời đời kiếp kiếp phải chịu trong cảnh luân hồi tận diệt mà thôi.([10])

Lúc còn sinh tiền, Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt chăn dân trị nước hết mực nghiêm minh. Ngày nay, uy linh chính khí của Ngài vẫn còn tồn tại với núi sông. Đức Thành Hoàng Bổn Cảnh Vĩnh Hội Quận Tư, trong đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài vào ngày mùng 9 tháng 5 Quý Sửu (09-6-1973) đã cho biết về uy linh của Đức Lê Đại Tiên như sau:

Bổn Thần xin nói cho chư đạo tâm đang cư ngụ chung quanh thánh tịnh Ngọc Minh Đài biết rằng nơi đất địa này linh hiển lắm. Hễ ai biết tu thân, ăn ở chơn chánh thiện từ sẽ được Bổn Thần cũng như binh gia của Ngài Lê Đại Tiên phò trì hộ hựu làm ăn nên cửa nên nhà. Trái lại, nếu ai ở gần chùa không biết giữ gìn, tôn trọng sự tôn nghiêm, luật lệ của nhà chùa thì không được hưởng ân phước đó. Chẳng những vậy mà còn không được cư ngụ lâu dài nơi nền nhà mình đang ở nữa đa, nghe!

Đức Thiên La Tinh Lê Văn Nghĩa đã dạy về sự nghiêm khắc của Đức Lê Đại Tiên như sau:

Mỗi giờ cúng, các em không quên đọc bài kinh xưng tụng công đức của Lê Đại Tiên, tuy rằng bài xưng tụng đó không nằm trong luật pháp kinh Nhựt Tụng.

Các em đã được Đức Lê Đại Tiên phù trợ, dẫn dắt trên mọi nẻo đường tu học, nhưng Ngài nghiêm khắc lắm, các em phải để ý chỗ đó. Nghiêm khắc đối với những hành vi hoặc ngôn ngữ trái đạo. Chung quanh Ngài sẵn có chư Thần. Sự hành động của chư Thần có lẽ các em đã thấy hình phạt nhãn tiền đã mấy trường hợp rồi…

Khi sanh tiền Huynh cũng hơi nghi nghi như vậy. Đến lúc thoát xác mới thấy rõ một với một là hai về việc ấy. Huynh nói ra đây để các em lưu ý ráng mà hành đạo, giữ gìn đức tánh, ngôn ngữ, và cách xử sự với nhau.([11])

Ngài rất nghiêm khắc nhưng cũng đầy lòng từ bi yêu thương chúng sanh. Ngày trước, có một chàng thanh niên con nhà đạo, lớn lên giữa thời quốc gia ly loạn, phận làm trai đành phải xông pha ngoài trận mạc. Trong tình cảnh nguy khốn giữa làn tên mũi đạn nơi chiến trường, anh đã khẩn vái Đức Lê Đại Tiên. Nhưng sau đó, được bình yên rồi, anh lại quên mất bổn phận tu hành. Ngài đã giáng dạy như sau:

N.H.M.! Khi còn ngoài mặt trận thì nhà ngươi nguyện vái Ta. Nay qua khỏi thì ngươi quên Ta, nhưng lòng từ bi Ta vẫn dang tay dẫn độ.

Phước nhà đang hưởng bởi cha tu

Chẳng biết vun bồi, vốn kẻ ngu

Nếu biết khôn hồn nương bóng đạo

Không còn ngày tháng để ngao du.

*

Giờ đây, chúng ta cùng nhau ôn lại đôi nét về tiểu sử và công nghiệp của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt thuở xưa cùng những lời thánh giáo của Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt ngày nay trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để cùng nhau học tập tấm gương của một bậc tiền nhân khai quốc công thần yêu nước thương dân, thanh liêm, chính trực có nhiều công lao to lớn với đất nước dân tộc, và cũng để thấy rằng, ngày nay, mặc dù ngài đã đắc Tiên vị nhưng không an hưởng cảnh nhàn nơi cõi thượng thiên non bồng nước nhược mà đã trở lại với nước non dân tộc bằng chính khí, bằng uy linh và vẫn luôn canh cánh bên lòng một nỗi niềm ưu tư cho tiền đồ đất nước và sứ mạng của dân tộc được chọn.

Tưởng niệm và tri ân công đức vô lượng của Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt, có lẽ không gì thiết thực và hữu ích bằng việc sống đạo và hành đạo theo tấm gương của Ngài thuở xưa cùng thực hành những lời dạy của Ngài trong Tam Kỳ Phổ Độ ngày nay.

Xin thành tâm cầu nguyện Đức Lê Đại Tiên ban bố hồng ân cho tất cả huynh tỷ, đệ muội chúng ta có đầy đủ nghị lực, ý chí và sự sáng suốt hầu có thể thực hành được trọn vẹn thánh ý của Ngài để đền đáp công ơn Ngài trong muôn một và cũng để kính thành đáp lại lời kêu gọi của Ngài:

Giờ ta hãy chung tay góp sức

Giờ ta toan nỗ lực hy sinh

Hy sinh tư hữu chính mình

Đắp xây nền tảng thái bình trời Nam.

Trên Thượng Đế Tam Kỳ tận độ

Dưới nhân hào cứu khổ vạn dân

Hỡi người sứ mạng ở trần

Thế Thiên hành hóa trọn phần chánh chơn.([12])

Thánh tịnh Ngọc Minh Đài

01-8 Bính Thân (Thứ Năm 01-9-2016)

DIỆU NGUYÊN



([1]) Có sách ghi là Ngài sinh năm Quý Mùi (1763).

([2]) Quyển sách hoàn thành năm 1827, xuất bản lần đầu năm 1828, với nhan đề: Journal of an Embassy from the Governor-general of India to the Courts of Siam and Cochin China: Exhibiting a View of the Actual State of Those Kingdoms (Nhật ký của một Đại Sứ theo lệnh Toàn Quyền Ấn Độ đến các nước Xiêm và Nam Kỳ: Trình bày một cái nhìn chân thật về các vương quốc ấy).

([3]) Nay là Thái Lan.

([4]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 09-5 Tân Hợi (02-6-1971).

([5]) Thánh thất Nam Thành, 14-02 Kỷ Dậu (31-3-1969).

([6]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-10 Đinh Mùi (16-11-1967).

([7]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-10 Đinh Mùi (16-11-1967).

([8]) Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý, 25-7 Mậu Thân (18-8-1968).

([9]) Thánh thất Nam Thành, 14-02 Kỷ Dậu (31-3-1969).

([10]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-7 Bính Ngọ (30-8-1966).

([11]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 01-01 Quý Sửu (03-02-1973).

([12]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 15-02 Canh Tuất (21-3-1970).