Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Giao Cảm / Hồng Ân Tận Độ (Phạm Văn Liêm)



ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo
________

PHẠM VĂN LIÊM
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài

HỒNG ÂN TẬN ĐỘ
(tiếp theo MẤY NHÁNH RỒI SAU CŨNG MỘT NHÀ)
IN LẦN THỨ NHẤT
Quyển 92.1 trong Chương Trình Chung Tay
Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo
kính mừng Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài
tròn một hoa giáp (Bính Thân 1956 – Bính Thân 2016).

Nnhà xuất bản TÔN GIÁO
Hà Nội 2016

Ấn tống lần thứ nhất 3.500 quyển,
do quý môn sanh Cao Đài công quả 58.032.000 đồng
(xem phương danh ở trang 286-289 trong sách in).
Kính thành hồi hướng cửu huyền thất tổ.
Đồng hiệp tâm cầu nguyện quốc thái dân an,
đạo pháp trường lưu, chánh giáo hoằng dương,
Đại Đạo Cao Đài quy nguyên thống nhứt,
vạn linh thức tỉnh hồi đầu, đồng đăng bỉ ngạn.



*

.MẤY LỜI GIAO CẢM
Trong đêm Giao thừa Bính Dần (1926) Thầy đem hai nhóm môn đệ gặp nhau.
Thầy dạy Đức Ngô làm chủ và truyền cho các môn đệ thay Đức Ngô đi phổ độ.
Ở đây chúng ta thấy rõ ý Đạo, ý Thầy:
Tu luyện và hành đạo cần phải thống nhất, độ kỷ độ tha cùng viên mãn, gốc ngọn đầu đuôi không thể thiếu được mà đồng thời hai phần phải có, nhưng:
- Tu luyện phải là trên hết, là nền tảng, nên Thầy dạy Đức Ngô làm chủ cho nền chánh pháp Cao Đài mà tất cả chúng ta, môn đệ của Thầy, nương ở chánh pháp của Thầy phổ độ nhơn sanh để hoằng hóa chơn truyền cứu độ vạn linh sanh chúng.
Buổi họp mặt giao thừa này Thầy dạy Đức Ngô: Phải dìu dắt chư môn đệ ta vào đường đạo đức, đến buổi chúng nó lập thành. Hai chữ đến buổi có nghĩa là sau này. Hai chữ lập thành có nghĩa là hệ thống lại, sắp xếp lại để hai phần tịnh luyện, hành đạo cùng một chơn truyền duy nhất, mà Giáo Hội có đủ nội thánh ngoại vương (vương đạo) mở rộng chơn truyền chánh pháp cho năm châu bốn biển, chuyển lập thượng nguơn thánh đức, xây dựng thiên đàng cực lạc tại thế gian, tồn tại bảy trăm nghìn năm (thất ức niên) mới thất chơn truyền.
Vì vậy hai phần tịnh luyện và hành đạo hiệp nhất là điều cần thiết và căn bản nhất của chánh pháp Cao Đài Giáo hiện nay.
Gần một thế kỷ qua, ý Thầy đã rõ. Tuy nhiên chánh pháp Cao Đài đang phân hóa nhiều năm do hoàn cảnh địa phương, qua bao tao loạn chiến tranh, tinh thần tự lực sinh tồn mỗi nơi có nhiều ứng biến mà xa lần căn bản nguyên vẹn ban đầu, đó cũng là luật tự nhiên.
Tất cả chúng ta đều là môn đệ Thầy, ai cũng có dòng máu Cao Đài trong tâm hồn, huyết quản, chết sống vì Đạo, dâng mình phục vụ Giáo Hội, ngày đêm vì Đạo vì Thầy, hành đạo không quản gian lao khổ nhọc, chúng ta đã làm và làm rất nhiều việc, nhưng những việc chúng ta làm có tính cách giải quyết sự việc theo hoàn cảnh mỗi nơi, nơi này không giống nơi khác; dĩ nhiên là chưa đi vào cái chung của Giáo Hội, của nền tân pháp của Thầy hiện nay, dù cái chung rất là cấp thiết.
Cái chung cấp thiết đó là gì?
1. Chơn truyền chánh pháp đương phân tán không chỗ trụ, biết trụ vào đâu để duy nhất Giáo Hội?
2. Danh nghĩa, danh dự Giáo Hội chưa tỏ sáng cho một thời pháp đặc biệt trong thời vận mới.
3. Tôn chỉ, mục đích chánh pháp Đại Đạo Kỳ Ba còn nhiều che khuất bởi sự phân hóa, sai biệt bất nhất hiện nay.
4. Cơ Đạo mỗi nơi, Trời người còn cách biệt, chưa hợp nhất, chưa đủ uy lực đưa bước nhơn sanh hội hiệp cùng Thầy.
Những gì đã ghi lại trong tập Hồng Ân Tận Độ của Giáo Sư Thượng Liêm Thanh về ơn soi dẫn dìu độ của Thiêng Liêng, là chính lời Thầy và các Đấng dạy chung cho tất cả chúng ta vậy.
Hãy xin ơn và cầu nguyện nơi Thầy về cơ duy nhất giữa chúng ta.
Phối Sư THƯỢNG HẬU THANH


1. Hồng Ân Tận Độ (Phạm Văn Liêm)


Hà Nội: Nhà xuất bản TÔN GIÁO, 2016

MỘT
Ngôi pháp thể Trung Hưng Bửu Tòa đã hình thành tại số 35 Nguyễn Hoàng, thành phố Đà Nẵng (nay là 63 Hải Phòng). Bấy giờ khu phố Thạch Thang còn cũ kỹ đơn sơ nên tòa Tam Đài của nền tân tôn giáo trông thật lung linh hình sắc mới.
Tấm bảng trên cổng tam quan ghi
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
HỘI THÁNH TRUYỀN GIÁO CAO ĐÀI
khiến người dân lạ lẫm, không biết đây là đền, chùa hay nhà thờ, nhưng kiến trúc nầy là điểm mới cho khách nhàn du ghé bước viếng thăm.
Nhìn vào chánh điện thấy một quả cầu lớn vẽ Thánh Nhãn (con mắt trái), người ta bèn gọi nôm na là “chùa một mắt”. Mặt tiền ngôi đền trưng bảng TRUNG HƯNG BỬU TÒA khiến nhiều người thắc mắc hỏi han, để rồi dần dần khách thiện duyên hiểu được rằng đây là ngôi giáo sở trung ương của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, có sứ mạng trung hưng nền chánh pháp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, đem đạo vào đời, mở cơ tận độ chúng sanh thời mạt thế.
Ngôi giáo sở nầy được khởi công xây dựng từ ngày 15-10 Ất Mùi (Thứ Hai 28-11-1955) và lễ khánh thành tổ chức vào ngày 01-6 Bính Thân (Chủ Nhật 08-7-1956).
Vào giờ Tý đêm 29-5 rạng 01-6 ấy, Hội Thánh lập đàn cơ, Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo dạy:
Hưng khởi Tam Kỳ hiệp pháp môn
Đạo cao độ tận vạn sinh hồn
Tổng quy giáo pháp bình thiên hạ
chánh truyền ban để bảo tồn.
Bản Thánh chào chư Thiên phong chức sắc, chức việc, chư Thiên ân nam nữ đạo tràng.
Hôm nay Bản Thánh lấy làm vui mừng được trông thấy một dịp kỳ phùng; ấy cũng nhờ hồng ân cao cả, nhờ sức nhiệt thành cố gắng của toàn đạo Trung Việt.
Đạo pháp từ khi Đức Chí Tôn trao truyền cho các bậc Thiên ân, kể đến nay với thời gian không mấy mà chơn truyền bị đen tối. Các con cái của Người không làm tròn sứ mạng, chia chi rẽ phái cho sai thất tân pháp. Tôn chỉ hầu như mờ tối. Nên hôm nay mới có cơ cuộc trung hưng để chấn chỉnh nền Giáo Hội chân chính duy nhất mà cứu chuộc nhơn loại trong buổi mạt đời.
Tôn chỉ Đại Đạo là Vạn giáo đồng nhứt, vạn pháp đồng tông, làm cho cán cân đạo pháp được thăng bằng, đem nhân loại vào cảnh thái hòa, chung một nguồn sống yêu thương, lập lại buổi hạ nguơn ra thánh đức.
Nay tuy Giáo Hội chưa được duy nhất, chi phái chưa được đồng nhất, nhơn tâm chưa được hòa nhất, nhưng cũng khởi đầu cho sự cộng đồng thân ái. Trung hưng là một thời pháp hy hữu. Đạo được trung hưng thì thế giới lần hồi cũng được an bình, nhân loại lần hồi cũng được hòa thân, chúng sanh cũng được lần hồi hưởng cơ tận độ.
Các từ ngữ sứ mạng trung hưng, khai cơ tận độ đã là những đề mục được các hướng đạo truyền giáo Trung Việt cố suy gẫm, tìm đến chỗ thông nghĩa đạt lý để thấy rằng mở ra cơ đạo Trung Việt không phải là thêm một lần Đức Chí Tôn lập đạo, vì vào ngày 01-01 Bính Thân (Chủ Nhật 12-02-1956) Thầy dạy:
Thầy đã đến trần ai chỉnh pháp
Lập Tam Kỳ quy hợp Ngũ Chi
Công bình, bác ái, từ bi
Làm cho Âu Á Úc Phi Mỹ hòa.
Đức Thượng Đế Chí Tôn trong thời hạ nguơn đã lìa Ngọc Kinh xuống cõi trần ai, lập Tam Kỳ Đại Đạo với tôn chỉ Tam Giáo quy Nguyên, Ngũ Chi phục Nhứt, dựng nền chánh pháp trung hưng, không khư khư như xưa, cũng chẳng thiên chấp hoàn toàn theo nay. Nói cách chữ nghĩa là: Bất nệ ư kim, bất thiên ư cổ. Phi cổ nhi cổ, phi kim nhi kim. Phi kim phi cổ, nhi kim nhi cổ. Trung nhất thị Cao Đài.
Trong một đàn cơ tại miền Trung ngày 09-01 Giáp Dần (Thứ Năm 31-01-1974), Đức Trần Hưng Đạo dạy:
Chẳng phải xưa mà chẳng phải nay
Trung dung quán nhứt ấy Cao Đài.
. . .
Nhất vạn giáo mà trung vạn pháp
Hòa vạn dân tổng hợp vạn thù
Quy nguyên Gia, Lão, Thích, Nhu
Mượn tay nhân thế vận trù thi công.
Nói chánh pháp Cao Đài bởi vì pháp nầy xuất phát từ Thượng Đế Thái Cực Thánh Hoàng, Đấng chưởng quản mọi sinh hóa của càn khôn vũ trụ.
Chánh pháp nầy đã được Đức Thượng Đế giao tận tay dân tộc Việt từ năm Canh Thân (1920) và Đức Ngô là môn đồ đầu tiên tiếp nhận. Tại thánh thất Nam Thành ngày 29-9 Ất Mùi (Chủ Nhật 13-11-1955) Đức Trần Hưng Đạo dạy:
Canh Thân hội, Thánh minh chỉ giáo
Bính Dần thu, Đại Đạo ra đời…
Nói trung hưng ấy là trung vạn pháp, hưng vạn giáo để thân vạn loại, hòa vạn chủng và siêu vạn linh. Đó chính là cơ tận độ. Tận độ là cứu vớt hết thảy mọi sanh linh. Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài Trung Việt thường gọi là Hội Thánh Trung Hưng vì Thầy đã chọn các Thiên phong miền Trung làm sứ đồ và ban trao sứ mạng trung hưng.([1])
Tại thánh tịnh Đại Thanh, ngày 24-7 Giáp Tuất (Chủ Nhật 02-9-1934), khi đưa Đạo về Trung, Thầy dạy:
Than ôi! Chính mình Thầy đến khua chuông cảnh tỉnh, đánh trống giác mê, gay thuyền bát nhã, phất cờ quy nguyên, lấy đức nhẫn nại và tình thương làm hướng đạo để quy tụ các con đưa về một mối. Cái mối mà Thầy dắt con đây chính là mối chung thiên hạ, không phân Nam Bắc, chẳng luận Đông Tây, bắt tay nhau đi đến thế giới hòa bình, nhơn nhi vô nhơn, ngã nhi vô ngã;([2]) còn cuộc quả báo lịch kiếp giảm tăng là lý đương nhiên của nhơn loại.
Than ôi! Thế mà tại nước Việt Nam nầy chưa lập thành chánh đạo, thì thánh địa chưa hoàn toàn, nên mong gì vạn quốc thiên bang! ([3]) Nội bất tề hà nhi an ngoại? ([4]) Các con tập theo gương các người thương đời mến đạo mà quyết tâm. Dù có khó khăn chi đi nữa, cũng quyết hy sinh lãnh lấy vai tuồng. Dù tướng dù kép, phận sự tuy có khác nhau mà thành công vẫn có một.
Ngày nay một phận sự quan hệ là truyền đạo Trung Kỳ. Ban,([5]) Thầy sai con và Tứ Linh Đồng Tử khá kíp về Trung đặng hoát khai chơn đạo.
Mối chơn đạo Thầy cho hoát khai ra Trung là chánh pháp trung hưng ([6]) của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (trung vạn pháp, hưng vạn giáo) gồm có hai khoa:
- Nội giáo tâm truyền (tâm pháp vô vi) là khoa tuyển độ, Thầy trao cho tiền khai Ngô Văn Chiêu từ năm 1920 ở Dương Đông (Phú Quốc).
- Ngoại giáo công truyền (tướng pháp hữu vi) là khoa phổ độ, Thầy trao cho ba vị tiền khai Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang từ năm 1925 ở Sài Gòn rồi chuyển về Tây Ninh.
Hai khoa nầy được xem là tả chi hữu dực của Cao Đài, cần phải phối hợp lại để đưa chúng sinh vào khoa tận độ. Đó gọi là sứ mạng trung hưng tướng tâm hiệp một, cũng gọi là cơ quy nhất được Thầy lập Trung Tông Đạo trao cho Hội Thánh Truyền Giáo. Tại thánh tịnh Đại Thanh, ngày 24-7 Giáp Tuất (Chủ Nhật 02-9-1934), Thầy dạy:
Trung từ đây đắp xây chánh đạo
Nam xướng lên kế hảo đoàn viên
Kẻ thống nhất, người quy nguyên
Cơ quan sắp sửa tuyên truyền vạn linh.
Công cuộc đắp xây chánh đạo hay sứ mạng Trung Hưng tại Trung Tông Đạo được Ơn Trên mở ra hai thời kỳ chỉnh khai, phù hợp câu “Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sanh”.
Chỉnh thì có chỉnh cơ và chỉnh pháp, là giai đoạn chỉnh đốn giáo thể, giáo chế, giáo pháp.
Khai thì có khai cơ giáo pháp và khai cơ thành đạo, là giai đoạn giáo hóa, thọ đạo, hành trì pháp môn.
Về giáo thể, Đền Thánh Trung Hưng Bửu Tòa hình thành theo Tam Đài gồm Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài, và Cửu Trùng Đài. Phần chỉnh sửa quan trọng nhất của tòa pháp thể nầy là Bát Quái Đài.
Đàn cơ 06-10 Ất Mùi (Thứ Bảy 19-11-1955) tại thánh thất Nam Thành, khi tiền bối Thanh Long trình dâng họa đồ xây cất Trung Hưng Bửu Tòa, Đức Trần Hưng Đạo dạy:
Bát Quái Đài tầng nhì, tám cửa đặt tám quẻ theo hình vạch đục lủng từ trong ra ngoài. Quẻ KIỀN đặt ở trong cung phía liền Cửu Trùng Đài.
Cung phía liền Cửu Trùng Đài tại Tòa Thánh Tây Ninh là cung Đạo, nơi thiết trí Thiên Bàn. Bát Quái Đài của Tòa Thánh Tây Ninh, tại cung Đạo là quẻ Đoài. Như vậy tòa Tam Đài của Tòa Thánh Tây Ninh được thiết kế theo trục Tây Đông (Đoài Chấn: Nhân Nghĩa). So sánh thì thấy:
- Bát quái ở Bát Quái Đài của Tòa Thánh Tây Ninh là bát quái hậu thiên quay ngược chiều kim đồng hồ.
- Bát quái ở Bát Quái Đài của Trung Hưng Bửu Tòa là bát quái tiên thiên quay theo chiều kim đồng hồ.
Các tiền bối hướng đạo Trung Việt đã thấy điểm then chốt của công cuộc chỉnh cơ, chỉnh pháp.
Tòa Thánh Tây Ninh: Ngôi pháp thể ([7]) được lập vào cõi hậu thiên tức là cõi thế gian. Ở trước mặt Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh có hai chữ 仁義 (NHÂN NGHĨA) biểu thị cho “Lập nhân chi đạo”.([8]) Tổng thể của nhân đạo gồm có hai mặt, từ hiện thể hữu hình tiến đến bản thể siêu hình. Đức nhân mang tính tự giác và đức nghĩa mang tính giác tha.
Trên bao lơn Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh có những khuôn hình tượng trưng tám hạng người trong cuộc sống thế gian (SĨ, NÔNG, CÔNG, THƯƠNG, NGƯ, TIỀU, CANH, MỤC), và có hai pho tượng ông THIỆN, ông ÁC tượng trưng hai mặt trái ngược nhau của con người.
Trung Hưng Bửu Tòa: Toàn thể ngôi Tam Đài phối trúc rất đơn giản với một không gian tâm linh thông thoáng theo lời Đức Trần Hưng Đạo dạy tiền bối Thanh Long (Lương Vĩnh Thuật) tại thánh thất Từ Vân (Phú Nhuận) ngày 21-9 Ất Mùi (Thứ Bảy 05-11-1955):
Hiền phải bình tĩnh xem xét lại tỉ mỉ họa đồ về thước tấc. Về tiểu tiết không cần lắm nhưng về đại thể bắt buộc phải đúng với số đạo. Nhà Cửu Trùng Đài chỉ đặt một bàn thờ duy nhất về nội nghi. Còn ngoại nghi chỉ đặt một bài vị Hộ Pháp. Về Bát Quái Đài thì mở hoát cửa, Cửu Trùng đài nhìn vào trông thấy nửa hình lục giác, nhưng đến tầng lầu hai, thấy rõ Bát Quái Đài. Đó là đúng cơ lập Đạo tương đương sáu hào tám quẻ. Cửa Bát Quái Đài mở hoát cho vạn linh nơi Cửu Trùng Đài nhìn vào thấy Thiên Nhãn để gom một tinh thần thống nhất.
Như vậy Bát Quái Đài Tòa Thánh Tây Ninh thuộc hậu thiên, cõi người. Bát Quái Đài của Đền Thánh Trung Hưng được chuyển thành tiên thiên theo thánh ý là “lập lại buổi hạ nguơn ra thánh đức”. Thánh đức thuộc thượng nguơn. Về Dịch học thường nói tiên thiên là trước trời, hậu thiên là sau trời. Nhưng Tiên Thiên Bát Quái đã có trời đất, núi đầm, sấm gió, nước lửa thì sao là trước trời (chưa có trời) được? Vì thế nên hiểu tiên thiên, hậu thiên như là tiên sinh (người sinh trước), hậu sinh (người sinh sau). Vậy tiên thiên là trời trước và hậu thiên là trời sau. Trời trước là thượng nguơn, thời mới lập cõi thế, càn khôn còn chính vị là thượng nguơn thánh đức. Trời sau là hạ nguơn, thời mà cõi thế gian đi vào biến thiên rối loạn, dần dần tiến đến hạ nguơn mạt kiếp.
Đền Thánh Trung Hưng lập Bát Quái Đài theo tiên thiên, tám quẻ tương xứng theo từng cặp: Thiên Địa định vị, Sơn Trạch thông khí, Lôi Phong tương bạc, Thủy Hỏa bất tương xạ (trời đất định vị, núi đầm thông khí, sấm gió xô xát, nước lửa không triệt nhau).
Từ Bát Quái Đài quy chiếu sang Cửu Trùng Đài ý nghĩa thế nào? Tại thánh thất Thái Hòa ngày 08-10 Ất Mùi (Thứ Hai 21-11-1955) Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:
Các hiền đã tìm các ngôi trong chín số của các số trong chín ngôi chưa? Một, ba, sáu, chín là gì? Một là Giáo Tông. Ba là Chưởng Pháp. Ba Chưởng Pháp cộng ba Đầu Sư là sáu. Chín vào hàng thứ tư là ba mươi sáu Phối Sư (…). Còn ba ngàn Giáo Hữu, bảy mươi hai Giáo Sư là hậu thiên thì tìm bằng hào; ba mươi sáu trở lên thì tìm bằng quẻ. Hiểu chưa? Tìm hào được không?
Như CÀN KHÔN là nhị hữu hình đài. Mỗi quẻ sinh làm ba quẻ nữa: CÀN, KHẢM, CẤN, CHẤN; KHÔN, LY, TỐN, ĐOÀI. Tìm thì lấy CÀN nhứt, ĐOÀI nhì, LY tam, CHẤN tứ, TỐN ngũ, KHẢM lục, CẤN thất, KHÔN bát. Cộng tám quẻ thành bốn ngôi lập phương là bốn con số chín (4 x 9 = 36 quẻ). Tám quẻ ấy là cơ Lập Pháp gọi là Thái Cực, Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, Bát Quái. Đến cơ Khai Pháp thì tám quẻ chồng nhau, mỗi quẻ đủ sáu hào, mà sáu mươi bốn quẻ thì bao nhiêu hào? Hiền đệ nhơn lên coi. Sáu mươi bốn quẻ nhơn sáu hào thành 384 hào. Nhơn 384 hào với 8 thành 3072.([9]) Cần phải lấy hào, lấy quẻ mà hỗn hợp tìm Lễ Sanh, Chánh Phó Trị Sự, Thông Sự. Vậy buộc các hiền phải thanh tịnh mà lý giải cho suốt nghĩa. Tìm bốn ngôi của bốn cơ quan, tìm hai ngành của ngành ngang, ngành dọc.
Về giáo chế của Hội Thánh Truyền Giáo chỉ từ phẩm Giáo Sư (hoặc Phối Sư) trở xuống,([10]) và phần chỉnh cơ lập pháp đã được thấy rõ là ba phái, bốn cơ quan.
Ba phái (Thái, Thượng, Ngọc) là đường chính thống phải noi theo, cũng là tôn chỉ của Cao Đài Giáo (Tam Giáo quy Nguyên). Bốn cơ quan là cơ chế Hội Thánh để thực thi sứ mạng đưa đạo vào đời, đem đời đến đạo ngõ hầu đạt mục đích cải thiện thế gian và giải thoát tâm linh.
Đúc kết lại giai đoạn chỉnh cơ chỉnh pháp của Trung Tông Đạo, Hội Thánh Truyền Giáo đã hoàn thành một khuôn mẫu Hội Thánh hành pháp mở cơ giáo pháp tiến đến cơ thành đạo. Khuôn mẫu chung đó là:
8 + 1 = 9
Địa Thiên Thái: Cơ quan Hành Chánh
6 + 3 = 9
Thủy Hỏa Ký Tế: Cơ quan Minh Tra
2 + 7 = 9
Trạch Sơn Hàm: Cơ quan Phước Thiện
4 + 5 = 9
Lôi Phong Hằng: Cơ quan Phổ Tế
Cơ quan Hành Chánh thuộc về phái Thượng. Pháp Tứ Bửu là Khai Đạo Thông (tẩy tịnh, khai đàn, trấn thần, an vị).
Cơ quan Phước Thiện thuộc phái Thái. Pháp Tứ Bửu là Khai Sinh Cơ Thông (chẩn tế).
Cơ quan Phổ Tế thuộc phái Ngọc. Pháp Tứ Bửu là Khai Nguyên Giáo Pháp (trị bệnh).
Cơ quan Minh Tra thuộc ty Hiệp Thiên Đài. Pháp Tứ Bửu là Khai Pháp Thông (giải oan).
Bốn cơ quan nầy là guồng máy của Hội Thánh gọi là Tòa Nội Chánh. Trong đó ba cơ quan hành pháp thuộc ba phái và một cơ quan bảo pháp thuộc ty Hiệp Thiên Đài. Hai cơ quan Hành Chánh và Minh Tra là hai chân, hai cơ quan Phước Thiện và Phổ Tế là hai tay. Nếu đối chiếu với bốn cơ quan của Tòa Thánh Tây Ninh thì có khác. Cơ Quan Phước Thiện của Tòa Thánh do chức sắc Hiệp Thiên Đài trông coi gồm có mười hai đẳng cấp thiêng liêng. Còn Cơ Quan Phước Thiện của Hội Thánh Truyền Giáo do chức sắc phái Thái trông coi chỉ có chín cấp ngang với chín phẩm Cửu Trùng Đài. Cơ quan Minh Tra không hành xử chức năng tư pháp mà lo phần bảo pháp.
Đức Chí Tôn dạy rằng Đạo thành khi nào các con hiểu được thánh ý và làm đúng theo thánh ý. Từ ngôi pháp thể Tòa Thánh Tây Ninh đến ngôi pháp thể Trung Hưng Bửu Tòa, ta có thể khám phá thánh ý ở đây là: Đạo Thầy buổi đầu đưa vào cõi người động loạn, hậu thiên (tán vạn thù) và người tín đồ được truyền đạo phải tu hành để quay về cõi tịnh, tiên thiên (tụ, quy nhứt bổn).
Trong Đạo Học Chỉ Nam (Chương thứ nhì, Tiết thứ ba, Mục 1), Ơn Trên dạy:
Tu là hậu thiên phản tiên thiên, nói một cách khác là do thiên hình vạn trạng mà trở lại nguyên lý tối sơ. Cho nên mới có câu nhứt bổn tán vạn thù (là lúc đi ra ngoài), vạn thù quy nhứt bổn (là lúc trở về gốc).


([1]) Trung hưng 中興: Hồi phục lại sau thời kỳ suy yếu.
([2]) Nhơn nhi vô nhơn, ngã nhi vô ngã 人而無人,我而無我: [Có] người mà không [thấy có] người, [có] ta mà không [thấy có] ta.
([3]) Vạn quốc thiên bang 萬國千邦: Muôn nước ngàn xứ (ý nói tất cả các quốc gia).
([4]) Nội bất tề hà nhi an ngoại? 內不齊, 何而安外?: Bên trong không ổn định, bên ngoài há lại được an sao? (Nội bộ không yên ổn, làm sao khiến cho bên ngoài trở nên yên ổn được?)
([5]) Trần Công Ban.
([6]) Nên phân biệt chánh pháp trung hưngsứ mạng trung hưng chánh pháp.
([7]) Ngôi Tam Đài cũng là ba ngôi pháp thể, đạo thể, thánh thể.
([8]) Bát Quái Đài Tòa Thánh Tây Ninh nằm trên trục Đoài Chấn (trục Nhân Nghĩa). Dịch Kinh (Thuyết Quái): Lập thiên chi đạo viết âm dữ dương. Lập địa chi đạo viết nhu dữ cương. Lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa. 立天之道曰陰與陽. 立地之道曰柔與剛. 立人之道曰仁與義. (Lập đạo trời nói âm với dương, lập đạo đất nói mềm với cứng, lập đạo người nói nhân với nghĩa.)
([9]) Số 3072 ứng với 3000 Giáo Hữu và 72 Giáo Sư.
([10]) Tại thánh thất Thái Hòa ngày 01-9 Ất Mùi (Chủ Nhật 16-10-1955), Đức Bảo Nguơn Chơn Quân dạy: Vì lẽ đó mà nơi nầy ngôi hữu hình đối hàm chỉ ngang bực Giáo Sư trở xuống, mà cơ lập pháp nơi Trung Tông cũng quyền hành do đó mà ra. Các hiền coi rồi vạch định con đường thực tập.”



PHẠM VĂN LIÊM