I. CAO ĐÀI ỨNG HÓA
Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sanh
Đố ai có biết cái danh Cao Đài.
Khi chuyển Đạo về Trung, lập Trung Tông
Đạo, đàn ngày 14-4 Ất Mùi (04-6-1955) tại Văn Phòng Quảng Nam (thánh thất Thái
Hòa), Đức Chí Tôn dạy:
Hiện
Tông Đạo các con Thầy quyết giao quyền cho Giáo Tông Lý Bạch chăm nom dẫn dắt.
Trung Tông Đạo tiến dần đến thành lập Hội
Thánh Truyền Giáo Cao Đài, do Đức Trần Hưng Đạo làm Tổng Lý Vô Vi với phẩm vị Thượng
Chánh Phối Sư.
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài với cơ chế
ba Phái, bốn Cơ Quan ([1]) được
Thầy trao sứ mạng trung hưng.([2]) Tuy
nhiên, những vị có trọng trách chưởng quản bốn Cơ Quan chưa thật sự phát huy
hiệu quả vì không nhận rõ được bí quyết diệu dụng của cơ chế. Bởi vậy, đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 04-5 Mậu Tuất
(20-6-1958), Đức Lý Giáo Tông dạy:
Bần
Đạo lấy làm lo sự nghiệp Trung Tông Truyền Giáo một mai rồi không khỏi công
cuộc dở dang. Gặp một cơn thử thách, nếu chư phận sự không hết dạ nhiệt thành,
lớn nhỏ chung tay xây đắp mà giữ vững cơ đồ thì mong gì đạt thành nguyện lực.
Hôm
nay Bần Đạo chấp chưởng quyền hành sửa đương ([3]) nền Đạo, mong chư hiền tận tâm cùng Bần
Đạo chỉnh đốn quyền pháp trong ngoài đâu đó được nghiêm trang trật tự, lo tu
học huyền cơ, sớm lên đường giải thoát. Quyền pháp đã ban trao cho chư hiền. Dù
ở địa vị nào cũng hết lòng lo tròn thiên chức của mình, làm cho sức Đạo ngày
thêm mạnh mẽ, sớm được đỡ bước nhơn loại trên đường duy nhất, tạo cảnh thái
hòa. Chư hiền không nên coi thường quyền hành nhiệm vụ của mình. Phải cố công
vun đắp để xứng đáng con người tiền phong của bước đầu sáng khai nền Đạo.
Về đạo
phục, đàn ngày 04-5 Mậu Tuất (20-6-1958),
Đức Lý Giáo Tông dạy:
Việc
đạo phục tạm thời để hành lễ thì Đồng Tử đội Hiệp Chưởng Mạo ba tấc sáu, trước
có Thánh Nhãn, lưng buộc một sợi thần thông bằng lụa màu trắng dài một mét tám.
Còn Tùng Sĩ Quân khăn trắng, trước Bát Thuần Khôn. Luật Sự thì Phục. Sĩ Tải thì
Lâm. Truyền Trạng thì Thái. Thừa Sử thì Tráng.
Chức
sắc Phước Thiện tạm thời đáng ra Liên Khôi Mạo, nhưng chưa được thì: Thính
Thiện, quẻ Khôn; Hành Thiện, Cấn; Giáo Thiện, Khảm; Phục Thiện, Tốn. Cứ theo vị
thứ Càn nhứt, Đoài nhì mà đặt để.
Về Đạo
kỳ, đàn cùng ngày 01-6 Mậu Tuất (17-7-1958),
Đức Lý Giáo Tông dạy:
Vậy
Đạo kỳ chư đệ nghĩ sao?
Bần
Đạo tưởng đó là hồn thiêng của Đạo. Hôm nay nói đến Đạo kỳ, làm cho Bần Đạo
không ngăn được nỗi buồn, không khỏi rơi nước mắt vì Đạo.
Đạo
kỳ là hồn của Đạo, mà hồn là nguyên cơ quyền pháp trong buổi Tam Kỳ. Nền Đạo từ
ngày bị chia rẽ thì Đạo kỳ cũng từ đó không linh.
Đạo
kỳ ở mỗi chi phái về kích thước cũng như màu sắc xếp đặt không đồng đều in rập.
Một điều buồn hơn là nơi nào cũng cho thế nầy là phải, thế kia là trái, mà sự
thật có trái phải gì. Vì Đạo kỳ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tượng trưng sự hợp
nhất xây dựng nền tảng tam thể đồng nguyên. Mà hôm nay tôn chỉ đó bị phá vỡ,
thì tượng trưng có còn cũng là giả hiệu, trái với nguyên cơ lẽ thật. Lẽ thật là
phần trọn vẹn, mà hôm nay thiếu phần ấy thì có như thế nào cũng chưa lấy làm
quan trọng.
Bần
Đạo mong sao lá Đạo kỳ mầu nhiệm kia được giương lên cho bốn biển hòa thân, cho
nước nhà an vui thống nhất, cho nền chánh pháp vững bền, quyền Đạo mạnh mẽ, để
khắc phục tất cả cái gì trở ngại xấu xa là điều giải thoát căn bản. Các chi
phái hiệp lại một khối là hồn Đạo an trụ nơi linh kỳ. Chưa hiệp một là Đạo kỳ
chẳng khác chi cái chiêu bài giả hiệu. Mong sao chư hiền nơi đây cũng như các
nơi khác phải tìm cách làm cho thân thể Đạo lành mạnh, là thực hiện đúng với
tôn chỉ Tam Giáo quy nguyên, Ngũ Chi phục nhứt. Ấy là Đạo kỳ của Đại Đạo lần
ba.
Bây
giờ hỏi về kiểu mẫu, thì kiểu mẫu kích thước có rồi. Còn về sự biến hình đổi
kiểu, mỗi chi lượng lấy mà nhận chân quyền pháp. Mỗi chi nếu biết tương nhượng
điều hòa thì đâu còn cái nầy phải, cái kia trái. Mỗi một khi đã tạo ra thì phải
cố tìm một cái lý để bảo đảm. Lý ấy đã định trong Pháp Chánh Truyền.
Theo
hàng dọc của chín phẩm Cửu Trùng Đài là ba màu Đạo theo Tam Thanh, thì chư hiền
coi đó đủ thấy. Giáo Tông thay mặt cho Thầy nắm quyền hành chánh trị đạo là
Thánh Nhãn. Ba Chưởng Pháp thay mặt luật pháp Tam Giáo (Nho, Đạo, Thích) là ba
cổ pháp hiệp một. Đầu Sư ba phái đại diện nhơn sanh là ba màu Tam Thanh (Thái,
Thượng, Ngọc), đi xuống một đường thẳng. Như thế là Đạo kỳ, là hồn Đạo trọn
vẹn.
Về việc tu dưỡng của người sứ mạng Kỳ Ba, đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 15-6 Mậu Tuất (31-7-1958), Đức
Lý Giáo Tông dạy:
Bây giờ thời Lâm đã tiến
tới. Thời Lâm sang Thái là nuốt được lục tam, toàn thắng phần tiểu nhơn ma
đạo. Muốn sang thời Thái thì phải tranh tiến từng giờ. Tiến đây là lũ yêu ma
không còn nằm trong biên giới của nội Đoài, mới trở thành Càn tượng. Âm còn
trong nội quái thì còn cám rũ cho nhau, càng lấn vào nội tình quyền pháp. Lâm
còn hai phần ba giai đoạn khó khăn, dù có sang được Thái cũng phải cố gắng
nhiều.
Mà Lâm là số thiểu. Lâm số
thiểu hay Hội Thánh Truyền Giáo là số nhỏ trong các Hội Thánh kia. Nhưng chư
hiền có tự nhận quyền pháp nơi nầy được truyền thụ có phần quy mô, tế nhị hơn
không? Có thật vậy. Nhưng lòng chư hiền chưa trọn vẹn nên hưởng cái ơn cũng
không được trọn vẹn. Lòng còn so đo thì pháp cũng ứng vào mối so đo. Thân còn
nặng nề thì điển linh cũng khó gia nhập cho phần trọng trược. Thân tâm không
trọn vẹn thì quyền pháp đâu được mạnh lành. Tình ý còn vọng động đảo điên thì
Thánh Linh nương đâu mà ngự trụ?
Bởi vậy, người có sứ mạng
trong buổi Tam Kỳ phải kiêng sợ mà trau sửa lòng mình, để lòng được thanh tịnh
tiếp lấy ân điển của Thầy mà sớm được trở nên Thánh. Đã trở nên Thánh thì làm
việc cho Thánh, rao truyền đạo đức bằng Thánh Linh.
Sắp đến có nhiều mầu nhiệm.
Ai có muốn thấy được, nghe được, và tiếp đón được Thánh Linh thì lòng phải yên
lặng. Yên lặng đi sẽ gặp Thượng Đế dạy bảo. Nhắm mắt lại mà trông Người. Rồi
người trở nên Thánh Linh là người thung dung yên lặng. Vì vậy mà hàng ngũ chức
sắc cần được chỉnh tu để xứng bậc Thiên ân, khỏi hư danh phế vị.
Ai được làm dân nước Việt?
Dân nước Việt là dân được Đức Chí Tôn chọn trong buổi Tam Kỳ, không khác dân La
Mã giữ ngôi tổ đình của Công Giáo. Ngôi tổ đình bây giờ đã đặt vào miếng đất
Việt Nam, lấy người Việt Nam làm dân thánh, lấy đất Việt Nam làm đất thánh muôn
đời.
Nước thiên đường đã chảy đến
đây mà tụ lại để ban ơn phước cho loài người. Dân thánh có phải là đường kinh
cho nước thánh đi về, hay nước thánh chảy vào lòng sông có thánh. Lòng sông có
thánh là lòng sông yên lặng, không sóng dữ gió to. Sông không sóng gió là sông
không có ngọn triều hì hục đảo huyền, làm cho sa mạc bẩn đen pha trộn vào dòng
nước thánh.
Nước thánh đã tiến đến mạnh
kia, bớ chư hiền! Vỏ khổ ([4]) giở lên cho nước ấy chảy vào lòng, làm cho xác thịt trở nên thánh. Vỏ
khổ còn đóng làm gì để cho các hoa thảo khô khan, giống lành ủ rủ? Giở lên!
Không phải nước phàm trần mà là nước thánh. Cái gì ngăn lại? Lòng tham dục mê
muội vậy. Lòng ấy sớm trừ dẹp để cứu chuộc thân danh, số mạng. Vậy chư hiền sớm
giác ngộ để khỏi ăn năn.
Trị bệnh cậy công của người hành đạo, đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 15-6 Mậu Tuất (31-7-1958), Đức Lý dạy:
Chớ tưởng làm đạo là làm giùm cho Thầy,
làm ơn cho Hội Thánh mà sai. Có mình hay không có mình thì việc Trời cũng thế.
(…) Thầy đủ quyền năng. Sở dĩ nhờ ta, bảo ta, khuyên dạy ta là lòng thương,
muốn độ chớ có gì gọi là ta giúp Đạo.
Đạo đầy đủ trọn vẹn, không
gì làm cho Nó mòn mẻ hư hao, cũng không có gì tô điểm bồi đắp thêm được phần
nào cả. Nó như như, mầu nhiệm, trọn lành. Ai giúp Nó thì Nó làm cho tất cả trở
thành như Nó. Vì vậy đừng èo uột búng rẫy quyền pháp mà có lỗi.
Về việc chỉnh tu quyền pháp, đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 15-6 Mậu Tuất
(31-7-1958), Đức Lý dạy:
Việc chỉnh tu quyền pháp sứ mạng đợt nầy
chưa lấy gì làm công phu, nên kết quả chỉ mới dọn vườn. Nếu dọn sạch mà không
đặt mầm thì cỏ lau mọc lại. Mầm đã lên thì cỏ phải tiêu. Cỏ mạnh hơn, chận
giống lành thì xúm nhau nhổ cỏ. Cỏ với giống Đạo in một màu, nhổ khéo kẻo bị
lầm. Cỏ không nhổ mà nhổ cây Đạo. Nên cẩn thận. Việc nầy Minh Tra để ý. Chưa
đặt mầm đạo pháp, mầm Đạo chưa nảy nở ở lòng người Thiên ân thì người Thiên ân
đã thấy gì quyền pháp. Vì vậy Bần Đạo đề nghị cùng Hội Thánh tiếp tục hoàn
thành hạ bán niên, để mau qua giai đoạn hoàn thành quyền pháp:
1. Chỉnh tu hình thức Thiên ân.
2. Ban đặt quyền pháp.
3. Thành hình quyền pháp.
4. Sứ mạng cứu chuộc đã đến ở người Thiên ân.
5. Thành lập giáo quyền.
Đàn ngày
11-7 Mậu Tuất (25-8-1958), Thầy dạy:
NGỌC quý dành cho đứa có công
HOÀNG Thiên thương xót đám trần hồng
THƯỢNG thừa thiếu đức quyền chưa đạt
ĐẾ Đạo còn trong cảnh sắc không.
Thầy mừng các con.
Giờ nầy Thầy ngự nơi đây là ngự nơi lòng mỗi
trẻ, để làm cho con êm dịu nỗi sóng chao đảo. Các con ôi! Thầy đã nhiều lần nói
cùng các con bằng quyền pháp, bằng yêu thương, thế rồi các con cũng cho xuôi
theo thời gian trôi ngoài muôn dặm. Nơi đây Thầy đặt niềm tin ở tâm chí nhiệt
thành của mọi đứa mà nài xin cùng Tòa Tam Giáo ban pháp trao quyền, đặt bao sứ
mạng, xây nền Đại Đạo của giai đoạn trung hưng. Vì sao quyền pháp sứ mạng đã trao
trọn nơi nầy mà các con còn mải trong đường chông gai lúy túy chưa vươn ra khỏi
cảnh âu lo buồn chán?
Đoạn
khác, Thầy dạy:
Các con nơi đây muốn có một bộ cẩm nang bửu
pháp và có một giáo quyền chân chính, hàng ngũ tinh minh. Vì lòng cầu khẩn mà
Thầy ra lịnh cho Giáo Tông ban hành bốn chương bí khuyết Hành Chánh, Phổ Tế,
Phước Thiện, Minh Tra. Sao con không tuân y để tiếp lời giáo hóa, lại đem lòng
ngờ vực thế con? Ngờ vực làm sao? Cơ bút không linh? Đồng tử không trọn, hay
còn phân vân miệng tiếng thị phi?
Con đã sợ thị phi thì làm sao đương nổi pháp
quyền Tông Đạo? Con còn kém tin điển lực thì sao đạt chứng huyền cơ? Họ nói con
lập Hội Thánh phải không? Áo mão phải không? Nếu có thì các con không tuân hành
hay sao? Mà bốn chương pháp đạo đây là bài học về giới hạnh giữ đạo, truyền
đạo.
Quyền pháp sứ mạng dựa theo ba mươi sáu ngôi
trong tám quẻ, ở mỗi con số chín của bốn cơ quan, mỗi phần Thiên ân có mỗi quẻ.
Con nào đứng vào quẻ nào thì tu theo giới hạnh quẻ đó, lập quyền pháp tại đó,
tu chứng bởi đó, do bao nhiêu đó mà lập thành Giáo Hội ngày mai. Đó cũng là
lòng cầu nguyện.
Các con xin lý giải 64 quẻ, 384 hào. Tại sao
các con xin, khi Thầy nhận lời đưa đến cho, thì các con không nhận lấy? Hôm nay
Tam Giáo Tòa đã hủy bỏ bốn chương ấy rồi. Thầy rất thương tiếc cho các con.
Thôi số số, phận phận, phải sao hay vậy.
Quyền pháp các con không làm sao sáng tỏ được thì đừng làm cho đen tối thêm.
Các con gánh không nổi thì để đó chờ người khác gánh chớ đừng phàn nàn mà hóa
nên công dã tràng xe cát.
Thầy nói cho các con hay rằng cái cơ khảo đảo
hôm nay đã mất hơn phân nửa rồi, mà còn mất nữa. Thầy biết thế. Thầy có thể làm
cho số đó trở về, sau nơi nầy còn đông đúc gấp hơn, mà người quyền pháp muôn
phương đi lại. Con tin đi và cố gắng thêm nữa. Con ăn năn đi và cố gắng lập
công. Con biết lo, Thầy thương và tha thứ.
Bộ phận vào Nam dù khổ vui cũng là việc của
Thầy, miễn các con biết tuân lệnh. Một điều Thầy dạy các con nên nhớ quyền pháp
đó nghe!
Thôi,
Thầy ban ơn mỗi con.
Lời Thầy dạy trên đây đã rung động mạnh mẽ
từng con tim thiện đạo. Quý chức sắc thấy rằng Hội Thánh được Thầy chỉnh cơ,
bốn cơ quan Tòa Nội Chánh là bốn ngôi trị thế và cứu thế. Liên tưởng đến bộ đạo
phục của Giáo Tông có hình bát quái dựng thành bốn quẻ của bốn ngôi trị thế và
cứu thế của Tòa Nội Chánh Cửu Trùng Đài.([5]) Đó là Hành Chánh, Minh Tra,
Phổ Tế, Phước Thiện.
Hành Chánh, quẻ Địa Thiên Thái :
Thiên địa định vị (an bài trật tự); bí tích là pháp Khai Đạo Thông (tẩy tịnh,
khai đàn, trấn thần, an vị).
Minh Tra, quẻ Thủy Hỏa Ký Tế : Thủy hỏa bất tương xạ (nước lửa không bắn
phá nhau); bí tích là phép Khai Pháp Thông (giải oan).
Phổ Tế, quẻ Lôi Phong Hằng : Lôi
phong tương bạc (sấm gió nương tựa nhau); bí tích là phép Khai Nguyên Giáo Pháp
(trị bệnh). Sấm động gây tỉnh thức, gió lồng lộng mang tiếng sấm đến muôn
phương, làm cho cõi thế nhân tỉnh giấc mộng trần giữa vô thường, trở về đường
hằng sống.
Phước Thiện, quẻ Trạch Sơn Hàm : Sơn trạch thông khí (núi đầm thông khí); bí
tích là phép Khai Sinh Cơ Thông (chẩn tế). Trạch là đầm nước, nước trên núi lưu
thông xuống khắp miền. Ở đâu có nước là có sự sống, có xanh tươi thạnh mậu.
Ơn Trên dạy rằng bốn cơ quan Tòa Nội
Chánh như người có hai chân, hai tay. Hai chân trụ vững, tới lui để hai tay làm
việc. Hai chân là Hành Chánh và Minh Tra phải giữ vững bước đi theo con đường
chánh thống đó là tôn chỉ Tam Giáo quy
nguyên, Ngũ Chi phục nhứt. Hai tay là Phước Thiện và Phổ Tế thực hiện mục đích đại đồng tại thế và siêu thoát xuất
thế, cũng gọi là cải thiện thế gian và siêu thoát tâm linh, hay còn nói là Thiên Đạo giải thoát, Thế Đạo đại đồng.
Đây là mục đích kép của nền tân pháp Cao Đài.
Trong nền tân pháp Cao Đài pháp môn thí
thực (hay chẩn tế) thuộc Cơ Quan Phước Thiện. Cơ Quan Phước Thiện có hệ thống
chức sắc riêng để lập cơ sở lương điền, công nghệ, thương mãi lo chương trình
“khai thế, tạo thế” gây duyên với nhơn sanh để dắt dẫn đời về đạo.
Cơ Quan Phước Thiện của Hội Thánh Truyền
Giáo Cao Đài được Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn Huỳnh Ngọc Trác hướng dẫn phần vô vi. Đàn
ngày 16-01 Đinh Dậu (15-02-1957), Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn dạy:
Tiểu
Thánh đứng vào đảm nhận Cơ Quan Phước Thiện để cùng chư chức sắc Thiên ân đồng
tay rập bước, rảo hết xa gần, gieo rải giống lành cho bốn phương, không luận
thành thị hay thôn quê. Chỗ nào có đất thì trồng, có ruộng thì gieo. Bất cứ của
ai, trồng ra cho người hái lấy mà dùng, giữ nó mà tiêu, hằng bữa no lòng ấm
cật.
Phước
Thiện là một cơ quan gây lòng nhơn, tạo người thiện, thì việc làm là chí nguyện
của người tu học, mà muốn độ đời phải gieo duyên cùng thiên hạ. Thiên hạ muốn
thành đạo cũng phải kết duyên cùng Thượng Đế. Kết duyên đây là bố thí làm lành,
cúng dường phúc đức thì sự gieo nhơn tạo phước là keo sơn để gắn chặt người của
ta cùng Đạo.
Với tinh thần củng cố bốn cơ quan Tòa Nội
Chánh, Cơ Quan Phước Thiện được Ơn Trên đặc biệt chiếu cố. Đàn tại Trung Hưng
Bửu Tòa ngày 13-7 Mậu Tuất (27-8-1958), Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn dạy:
Ngọn
cờ Phước Thiện được giương lên
Sĩ tử
chung tay dựng móng nền
Ruộng
phước gieo trồng cây lúa đạo
Chăm
lo vun đắp mựa đừng quên.
LIỄU
TÂM CHƠN NHƠN
Chào
chư Thiên ân, chư đạo tâm nam nữ. Giờ nầy Tiểu Thánh phụ cơ cùng chư hiền hữu
góp phần xây dựng Phước Thiện Trung Hưng.
Trong phần tản văn, Đức Liễu Tâm Chơn
Nhơn nhắc nhở hãy củng cố cơ sở, xây dựng hình thức, phát triển nội dung, kiểm
điểm nhân sự…
Tiếp theo, Đức Liễu Tâm dạy:
Cờ
Phước Thiện tung bay phất phới
Cả
tiếng kêu này hỡi chúng sanh
Pháp
môn này một đường lành
Cùng
nhau tiến bước nhiệt thành mà đi
Ai
học được từ bi, bác ái
Tâm
trở nên quảng đại hải hà
Lúc
nào ý cũng dung tha
Lúc
nào trí thức cũng xa hơn người
Đi
bước đi, vui cười sung sướng
Đi
bước đi, tận hưởng thánh ân
Đưa
tay phất ngọn phất trần
Diệt
tiêu tam chướng nợ nần oan gia
Đi
theo đây thì ta được phước
Làm
việc lành công trước ai so
Mọi
người đều được ấm no
Là
nhờ Phước Thiện mở to lòng từ
Phần
mầu nhiệm chơn như thị hiện
Con
người lành cửu chuyển hoàn đơn
Người
lành về ở Linh Sơn
Dân
lành tươi tỉnh dưới ơn phước Trời
Phước
Thiện đem người đời về đạo
Phước
Thiện khuyên hoài bão tu hành
Con
người đạt pháp vô sanh
Cơ
Quan Phước Thiện hoàn thành mau lên.
Đàn tái cầu:
LÊ
dân lo sợ nạn đao binh
VĂN
võ đương lo mở trận đình
TRUNG
chánh mấy người an thế cuộc
Giáng
thăng pháp đạo cứu quần sinh.
Chào mấy em thân mến.
Giờ nầy anh ghé về đây chào mừng mấy em
được lập kỳ công hoằng khai chánh pháp nơi đất Trung Châu nầy, một công trình
lớn lao trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ. Mấy em đã dày dạn phong ba, vượt bao hiểm
trở, tranh thắng từng giờ từng phút cùng ma lực, hoàn cảnh trở ngăn, vật lộn
với bao thế hệ bạo cường mà tiến tới để đạt mục đích cứu chuộc cho loài người.
Mấy em nếu không gan anh kiệt, chí Bồ Tát thì sao đủ nhẫn nại để hoàn thành
nhiệm vụ trung hưng.
Ôi! Nói đến hai chữ trung hưng anh sao
khỏi ngậm ngùi đau xót cho nền đạo. Tại sao anh lại buồn mà không tỏ ý vui
mừng? Mấy em ôi! Buồn vì thế lực tà quyền rất mạnh, ma chước nên tài, đã đôi
phen chúng ta yếu thế mà hàng đầu, vì chúng ta lòng phàm chưa gội sạch, mắt tục
mê mờ, không phân biệt giả chơn, không rõ đường phải trái.
Chúng ta lầm. Chúng ta bị chúng nó gạt vào
nẻo lợi danh, đào sâu hố rẽ chia tình đồng đạo. Lòng phàm tục đã dấy lên tràn
ngập trên ý chí thánh thần, rồi tự chuyên sửa cải chơn truyền lập thành giáo
phái. Hôm nay nền đạo manh mún rã rời, làm cho thánh thể bẩn nhơ yếu đuối. Tội
tình ấy nếu không được lòng từ bi tha thứ của Thầy thì mấy mươi kiếp chúng ta
mới gỡ xong tội lỗi?
Chúng ta tạo gây tội ác phạm tội cùng
Thầy, Thầy cũng rộng thương để cho chúng ta có ngày giờ chuộc lại. Ngày chuộc
lại kể cũng không lâu. Tuy ta sống trong cõi đời u ám mà được ân điển soi đường.
Nhờ kinh nghiệm ngày qua, sự lỗi lầm kia có ngày chấm dứt.
Giải pháp cứu chuộc tội ác gây phạm cùng
Thầy là con đường trung hưng chánh pháp. Trung hưng là ngọn đuốc tuệ quang để
vẹt mờ xua tối. Trung hưng để đi đến ngày thống nhất nền đạo, thống nhất quyền
pháp, trả lại chủ quyền cho vạn linh. Vì quyền ấy Chí Tôn ban đặt cho loài
người, người bỏ đi là người không tôn trọng bản vị tự do bình đẳng cá nhân
trong kiếp sống còn tại thế. Bởi đó mà đám tinh ranh mới toan lòng lợi dụng xâm
chiếm quyền tự quyết tự chủ của vạn linh.
Sứ mạng trung hưng mấy em đã được đặc ân
Thầy ban cho. Đó là phần thưởng rất xứng đáng. Tưởng không gì cao quý hơn nữa.
Để hưởng lấy phần thưởng cao quý được vĩnh
cửu bất diệt, thì phần thưởng đó phải được phân chia cho đều, người người cùng
vui hưởng, chúng em không quyền hưởng riêng. Nếu nghĩ đến riêng rẽ thì quyền ấy
lại mất. Mất đi đã đành, lại còn để cho các em nhiều ăn năn đau đớn. Của quý,
phần thưởng to thì có nhiều người ganh ghét. Khi người ta ganh ghét rồi, của
quý có giữ được cũng khó còn thân mạng. Thân mạng không còn thì của quý còn lại
làm gì? Nên người giác ngộ là người không độc thiện kỳ thân.
Sự vui sướng trong lòng mình đem trang
trải cho mọi người, vui sướng ấy mới là vui sướng đó mấy em. Mấy em cười mà
không cùng thiên hạ đua reo. Mấy em hát hay mà thiên hạ không cùng nghe thì sao
gọi là thích thú. Một cái chiêng đánh lên u u thì một cái trống đối lại ầm ầm.
U ầm xen lẫn nhau chấn động một không gian, tăng sự vui cho cảnh, cho người,
chớ mộc đạc ([6]) nghe
nhiều cũng chán.
Của quý ở về tay người có đức, người có
đức mới hưởng được ơn phước cao dày. Nếu của ấy ở kẻ tầm thường thì vợ con
không chết, nhà cửa cũng tiêu, thân mạng có còn cũng ra người dại ngộ. Mà còn
sao được? Vì của quý dành cho khách quý. Ở đời có một người quý thì lại còn
nhiều người quý nữa. Nếu còn thì của ấy không dễ chi ở mãi nơi mình, người cố
tranh người cố đoạt. Ví như ngôi thủ lãnh trong đời, anh tài phải kiêng kẻ đức.
Ngôi ấy từ bốn, năm ngàn năm nay ở đâu cũng tranh, ở đâu cũng giành, người
người đều muốn. Người muốn cho người nầy, kẻ muốn cho người kia. Lập khối kết
phe, đứng gần ai cho người ấy là xứng. Ba, bốn khối đua nhau xưng tướng xưng
hùng. Rồi khối nầy tiêu diệt khối kia, khối kia mưu hại khối nầy. Kết cuộc rồi
nội bộ tranh nhau, đến giết nhau. Của quý, ngôi sang đâu còn y đó.
Của quý là vật chung. Vật ấy là phần
thưởng của người có công có đức. Nếu nhiều người cũng có công có đức thì chia
nhau cùng hưởng, không phải tranh giành. Người có đức đâu có kiêu ngạo, khoe
khoang. Sợ người có công rồi cậy công mà làm tổn nhơn hại nghĩa.
Nói một cách khác, mấy em có sứ mạng, mấy
em phải lo sợ dè dặt. Lời nói phải ôn tồn, việc làm trung chính. Cử chỉ khoan
dung, đứng đi lễ độ. Ý nghĩ thanh cao, lòng nuôi đạo nghĩa. Thân phận coi nhẹ,
trọng vọng muôn người. Giữa nhau dưới biết kỉnh, trên biết nhường. Lấy thương
yêu làm món sống nuôi thân, lấy hạnh đức làm phương tu học. Lòng luôn luôn vì
người, lấy đạo đức để xây dựng nên con người Bồ Tát.
Người Bồ Tát quên thân mà trông thẳng vào
cảnh khổ của đời để toan phương cứu độ. Bồ Tát là tướng mạnh đủ cả đức, tài,
trí, dũng. Một thân một lòng xông lướt vào trận địa của đời. Đông xông Tây đột,
phá thành trì lũy sắt, xô núi tham dục, lấp hố sân mê. Đánh đuổi
lũ ma chết, ma già, ma đau, ma đói. Cứu người trong trận ra khỏi bốn tường, vớt
kẻ bị nhận chìm đưa lên bờ giác. Người Bồ Tát không thấy thân, nên làm được
nhiều công đức. Không thân sao biết chạy biết nói, biết làm? Vì có thân mà để
thân sau thiên hạ, nên thân được vẹn toàn. Quên được thân mới không sợ nghèo
đói, khổ đau. Đã sợ thì làm sao tinh tấn với nhiệm vụ trung hưng?
Nay quý em phải nghe lời anh dặn ăn và ở. Ăn
coi nồi, ngồi coi hướng. Ở lựa chỗ, đỗ lựa cành. Ăn ở theo cách Trương Công
Nghệ ([7]) thì sự
nghiệp mới bền còn. Sứ mạng trung hưng Phước Thiện là pháp môn đó.
Phước Thiện là nền tảng hòa bình, hạnh phúc,
ấm no, theo tình đồng đạo. Tình là sự thương yêu. Đồng là sự bình đẳng. Đạo là
sự sống. Sống bình đẳng và yêu thương thì sống không phải bằng máu đỏ, thịt
mềm. Ngoài áo cơm còn phải bằng hơi thơm, ánh sáng. Ánh sáng là sức nóng làm
cho ấm áp muôn loài. Hơi thơm là không khí điển linh để trợ trưởng vận hành và
dẹp thối trừ hôi, khai thông chướng ngại. Vậy Phước Thiện noi theo việc làm, cố
nhau thi công lập đức.
Tai họa đến đây vô kể, tràn ngập không chừa
một kẽ hở, một thẻo lá trên ngọn đồi. Chết không còn nơi cầu cứu. Khắp nơi là
một hỏa lò nung nấu loài người, cho khô cháy bằng nguyên tử, hỏa tiễn, vi
trùng. Ôi! Không phải đó là cuộc hành phạt loài người phạm tội cùng Trời thì
đâu đến thế. Người đã phạm tội cùng Trời mà đến lúc tai biến mới ăn năn thì sao
khỏi điều quở trách.
Ta muốn cứu đời, cúu người chỉ còn phương lấy
công quả, công phu mà làm của chuộc. Của chuộc bằng công quả, mà công quả bởi ở
lòng giác ngộ. Lòng giác ngộ là lòng bồ đề. Lòng ấy phát ra muôn hạnh từ bi. Từ
bi có nghĩa sống cứu đời, chết cứu hồn, sống ở chết về. Lòng ấy lúc nào cũng
mong tận cứu tất cả. Đã có lòng ấy là đã hòa đồng cùng đạo thể, giao ứng cùng
Chí Tôn, bàng bạc trong mọi loài mà toan lo giải thoát.
Vậy khuyên đạo hữu gắng lập công. Có công mới
chuộc được tội ác. Có công mới tránh tai tránh họa ngày cùng. Có công mới hưởng
phước niết bàn. Có công mới tránh khỏi quỷ ma ganh ghét, cám dỗ.
Công ấy làm nhơn làm thiện, giúp đỡ nhau bằng
công bằng của, bằng lời nói, bằng pháp quyền. Can một việc vụ xích mích, để lời
phải cho người, lượm một cây gai, đổ một bưng cát ở ngõ đường cũng là công.
Nhưng công chính đáng hơn là công xây đắp nền móng của Thầy. Đắp cho hàng ngũ
tương liên trật tự. Đắp cho cơ sở mạnh lành cứng chắc. Đắp tình thương yêu là
Phổ Tế lâu dài. Đắp sự sống hằng còn
là Phước Thiện ấm no. Đắp lẽ thật là Hành
Chánh an bài. Đắp đức tin là Minh Tra hàn gắn. Đắp cho tổ chức đầy đặn, làm cho
tổ chức an hòa, làm cho thân mình đạo hạnh. Đắp cho mình nên, Đạo nên. Mình hư,
Đạo hư. Đạo thành, mình thành. Đạo suy, mình khổ.
Thầy hôm nay lập Trung Hưng xây chánh pháp
nơi nầy là lập trường công quả cho các em vào thi. Thi nhau mà tranh thủ Thiên
vị. Em nào thi ít, thưởng ít. Em nào thi nhiều, thưởng nhiều.
Cơ sở mở ra, các em đến đó mà xin làm. Làm có
chủ ghi công, mãn ngày phát tiền xứng đáng. Sở đó dù có hư lỗ, chủ vẫn tính
tiền trả công không hề gạt lật. Thế gian, Thiên Đàng cũng một lẽ ấy.
Nầy chức sắc Phước Thiện! Các em đi hành đạo
nên nhớ mình là quyền pháp. Có quyền pháp mới cứu chuộc cho mình, cho đời. Lời
nói, ý nghĩ, việc làm phải giữ hạnh bồ đề, nhớ lời giáo huấn.
Ta ví như cây kim đeo theo một sợi chỉ. Kim là
pháp, chỉ là quyền. Quyền là sự thương yêu vá đắp cho lành, khâu hai mảnh dính
nhau. Pháp là sự sống. Có sự sống mới lòn qua các mảnh thân nhỏ hẹp được. Luồn
kim, khâu chỉ phải coi cho ngay thẳng mối manh. Đột chít cho đều khoảng tấc.
Giùi mũi kim qua, sợi chỉ vẫn còn. Áo có rách, nhưng đường kim mối chỉ không đi
đâu mất. Nên người có quyền pháp phải cẩn thận.
([5])
Giáo Tông chưởng quản Cửu Trùng Đài, thay Thầy độ thế. Đạo phục của Giáo Tông
gồm đại phục thuộc nghi lễ, và tiểu phục để hành đạo. Bộ tiểu phục của Giáo
Tông có thêu bát quái: Khảm ở hạ đơn điền, Cấn bên tay mặt, Chấn bên tay trái,
Đoài bên vai mặt, Tốn bên vai trái, Ly ngay ngực (ở tim), Khôn ngay giữa lưng.
Đầu đội mũ Hiệp Chưởng, phía trước trán thêu quẻ Càn.
([7])
Dưới triều nhà Đường (Trung Quốc) có ông Trương Công Nghệ. Ông bà con cháu họ
Trương chín đời sống chung với nhau rất hòa thuận. Nghe tiếng lành, vua Cao
Tông (Lý Trị, trị vì 649-683) bèn ghé nhà ông hỏi nhờ đâu mà đại gia tộc có thể
chung sống hòa mục như vậy. Ông Trương Công Nghệ lấy giấy bút viết một trăm chữ
Nhẫn rồi dâng lên vua. Cao Tông bèn
ban cho ông một trái lê để xem ông xử trí ra sao. Ông Trương xắt vụn trái lê
rồi bỏ vào thùng lớn đầy nước đem nấu sôi. Sau đó ông gọi tất cả mọi người lớn
bé trong nhà đến, mỗi người húp một muỗng nước, gọi là chung hưởng đồng đều lộc
vua ban. Nhà ông Trương nuôi một trăm con chó. Đến bữa ăn, nếu thiếu một con
thì cả đàn đều không ăn, cùng chờ đợi. Đại
Thừa Chơn Giáo, đàn ngày 04-9 Bính Tý (18-10-1936), bài Kiên Nhẫn - Hạnh
Người Tu, Đức Ngọc Hoàng Thượng
Đế dạy: “Coi thử xưa nay bậc Thánh Hiền /
An vui nhờ bởi nhẫn hòa kiên / Gương lành quý hóa Trương Công Nghệ / Súc vật
thương nhau quá ngọc tiền.” (Theo Huệ Khải, Thành Ngữ & Điển Cố Trong Thánh Truyền Trung Hưng.)
PHẠM VĂN LIÊM