Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

VII. ĐÁT ĐẶNG THÌ ĐAN (Sự Nghiệp Trung Hưng / Phạm Văn Liêm)


VII. ĐÁT ĐẶNG THÌ ĐAN
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài đã hoàn thành bốn Cơ Quan gánh vác sứ mạng trung hưng chánh pháp. Sự vận hành quyền pháp của bốn Cơ Quan được Đức Nguyễn Chơn Khai giảng giải trong đàn ngày 23-5 Bính Thân (01-7-1956) tại Trung Hưng Bửu Tòa. Bốn Cơ Quan khi hợp khi tan; tan hợp để ứng hóa theo cơ biến hóa. Hợp là ngồi chung lại để bàn thảo quyết nghị (lập quyền) và tan là Cơ Quan nào về Cơ Quan nấy thực thi nghị quyết. Đức Chơn Khai dạy: “Ba Cơ Quan là ba; ba mà một. Một để duy nhất chơn truyền, để hòa đồng Thiên nhơn, đời đạo.”
Ba Cơ Quan nầy là Hành Chánh, Phổ Tế, Phước Thiện. Hành Chánh lo an bài trật tự. Phổ Tế lo khai thế độ thế, truyền đạo giữ đạo. Phước Thiện lo khai thế tạo thế, bảo sanh dưỡng thiện. Ba Cơ Quan nầy là guồng máy hành chánh trị đạo. Cơ Quan thứ tư là Tòa Đạo tức Cơ Quan Minh Tra thì một mà ba, vì Cơ Quan nầy có chức năng pháp chánh tức minh tra bảo pháp nên phải liên hệ với ba Chi (Pháp, Thế, Đạo) của Hiệp Thiên Đài để phối hợp về luật pháp đạo đời trong việc bảo an quyền pháp. Đức Chơn Khai dạy: “Chia ra để làm, hợp lại để thấy. Làm phải thấy, thấy mới làm. Vì vậy mà nói Cơ Quan, nói Hội Thánh chớ Hội Thánh và Cơ Quan khác mà không khác.”
Về Nữ Phái, nay đã có hàng giáo phẩm cấp Hội Thánh (Giáo Hữu), Ơn Trên cho đăng đàn hồng thệ, tất nhiên được vào quyền pháp Hội Thánh. Đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 18-01 Kỷ Hợi (25-02-1959) Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch dạy:
Sự sinh hoạt trong bốn Cơ Quan và Nữ Phái phải được đồng đều nhiệm vụ, phân chia việc làm. Đặt những cần thiết lên trên, bớt các lối rườm rà để cho guồng máy nhẹ nhàng quay theo mạch sống, đúng độ với thời gian và hoàn cảnh để trọn thánh ý, hiệp nhơn tâm.
Tuy nói là bốn là năm chớ các phần hành nầy đều phục vụ cho một chủ trương, đường lối chung trong Hội Thánh. Tuy chia ra cho công tác chạy đều, kẻ việc nầy người việc khác, đâu đó chặt chẽ sít sao. Mỗi cấp mỗi quyền hành, đặt quyền lợi cao cả thiêng liêng là Thầy trên hết. Chia nhau một sứ mạng lo tròn. Kẻ đem nước, người vét mương, khai nguyên tiết lưu cũng là đồng phận sự. Đừng nên bo bo bảo thủ cho ngành mình mà quên ngành khác thiếu người trễ việc. Bởi vậy Hành Chánh đứng trước bao nhiêu công việc phải điều hòa giữa Phổ Tế và Phước Thiện cùng Nữ Phái. Chạy một nhịp rập ràng, phải khoa học trật tự. Đừng để giẫm chơn hay nặng phần nọ bỏ phần kia mà mất thăng bằng trong nội bộ.
(…)
Về Hương Yến nên khép mình đứng với bậc Thiên ân mà bao dung tất thảy chị em vào lòng mình, đừng để giữa nhau chia rẽ. Nếu thấy còn, nên ân cần soát xét và tịnh định mà lãnh đạo.
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài với sứ mạng trung hưng nay tương đối đã đủ vai quyền pháp. Nam hành chánh trị đạo; nữ giáo hóa nữ đồ. Con đường tiến lên đi tới là phải tuân y theo thánh ý. Lời Đức Giáo Tông dạy Giáo Hữu Hương Yến cũng có ý nghĩa chung cho cả các Thiên ân Hội Thánh.
Chủ trương đường lối chính là quyền pháp. Quyền pháp của người Thiên ân Hội Thánh được minh định: Một là quyền Chí Linh đã lập ở Pháp Chánh Truyền. Hai là quyền vạn linh do Tam Hội lập quyền. Người Thiên ân nếu đi ngoài hai minh định nầy là vi phạm quyền pháp. Muốn thực thi đúng quyền pháp thì luôn phải tịnh định tu dưỡng.
Đàn ngày 28-4 Kỷ Hợi (04-6-1959) Đức Chí Tôn dạy:
NGỌC trong đá trắng, thánh trong người
HOÀNG lệnh Thầy truyền chớ dể ngươi
THƯỢNG đạt phải lo ra gánh đạo
ĐẾ tâm chuyển pháp dựng xây đời.
Thầy mừng các con.
Mỗi một bước là một tiến lên. Càng tiến lên bao nhiêu lại càng thấy cơ mầu nhiệm che khuất sau bao bức màn u ẩn. Các con phải tự khoát lấy mà tìm. Càng tìm được những pháp linh mỗi nơi, chìa khóa mở lần các then chốt huyền vi, càng thấy mầu nhiệm vô cùng. Nhưng có điều, các con vì còn nặng nghiệp vô minh, giả cảnh hằng câu nhử, hằng lừa gạt, hằng cám dỗ, xúi giục lòng mê muội mà không mạnh bước theo Thầy.
Thầy có tiếc gì mà không trao chìa khóa cho các con mở cửa Huyền Quan, mở cơ mầu nhiệm. Ngặt vì con tâm phàm còn nặng, thân tục còn dày, công đức chưa bồi, công phu chưa gắng. Nếu Thầy có giao cho chìa khóa kia, thì con lại được gì, mà quyền công bình tạo hóa Thầy để vào đâu?
Vậy các con phải tùy nguyện lực mà tu, phải do nguyện lực mà hành. Thầy hứa sẽ độ các con đến nơi chánh giác.
 Thầy đã nói Thầy phế Ngọc Kinh quyết đến trần gian độ tận các con đem các con trở lại cùng Thầy, mà Thầy còn phải hạ mình cho các con cao hơn Thầy một bực. Lòng từ bi của Thầy vô ngần vô tận. Thầy luôn luôn gần gũi các con. Gần các con để hóa độ các con lòng phàm nên thánh, tâm tục hóa tiên.
Lòng các con còn ô uế, thân các con còn trược bẩn, nghiệp thức các con còn nặng nề. Nếu các con không sớm gia công tu luyện, thì ngày Long Hoa, Thầy đáng tiếc cho các con lắm đó, con ạ.
BÀI
Đời như lượn sóng chập chờn
Chiếc thuyền không lái lơn tơn giữa vời
Thầy mở Đạo nhằm thời mạt kiếp
Thầy đem con lại hiệp cùng Thầy  
Chỉ cho thấy cuộc vần xây
Lợi danh ảo ảnh bèo mây thế thời
Cho con biết cơ trời thay đổi
Cho con hay tội lỗi mà ra
Vì đâu xáo thịt nồi da
Vô minh tạo nghiệp ta bà đắm mê
Con muốn sớm quay về cửa đạo
Giờ con lo cải tạo thân tâm
Giới quy công hạnh ít năm
Luyện hình tu tánh cao thâm rõ ràng.
Thầy cho hay sẽ lập pháp y theo bài xưng tụng Ngọc Hoàng nghĩa là từ chữ “Đại La” đến chữ “Hựu tội Đại Thiên Tôn”. ([1])
Các con, thời kỳ nầy Thầy sẽ trao truyền cho bài học đó mà luyện pháp, hành pháp. Thầy sẽ cho Quan Âm giải rõ Lý, Khí, Hình theo số học để sau các con áp dụng về hình thái tổ chức và thiên văn, toán số. Sẽ cho Lý Bạch đến nói về Lý Học và vũ trụ tạo hình và cho Quan Thánh đến nói về Tâm Pháp, Tướng Pháp. Các con gắng công sẽ đắc nhiều tâm pháp ở trước mắt các con. Con chưa hề thấy được.
Tứ Đại Bộ Châu chia ra bốn hình – hình lập phương. Quan Âm sẽ giải cho các con thấy pháp lập Tam Đài và bốn Cơ Quan Hành Chánh, Phước Thiện, Phổ Tế, Tòa Đạo.
Vậy các con cẩn ngôn, vô niệm mà đợi lịnh.
Đàn ngày 24-5 Kỷ Hợi (29-6-1959) Đức Hà Tiên Cô dạy:
Ai là người quên thân vì Đạo
Ai là người hoài bão pháp quyền
Tháng ngày luyện hống chế diên
Mở thông các ải vào miền Bồng Lai
(…)
Gần đây bước hành trình khó nhọc
Trông nhìn nhau cười khóc ngỡ ngàng
Suốt đầy một chuỗi gian nan
Kẻ hòng thối bước, người toan ẩn mình.
Công cuộc thực thi quyền pháp theo bốn Cơ Quan là cùng song hành việc thọ trì công phu luyện châu theo hướng hành đạo, tịnh luyện đi đôi. Đó là “đường chung ai cũng phải cùng mà đi” do Ơn Trên mở ra cho Trung Tông Đạo, cũng là hướng chung của cơ trình hiệp một các chi phái.
Chức sắc từ Lễ Sanh Đầu Họ trở lên phải thuần thục bốn pháp bí tích: (i) Tẩy Tịnh, Khai Đàn, Trấn Thần, An Vị; (ii) Giải Oan; (iii) Trị Bệnh; (iv) Chẩn Tế. Ngoài ra còn thực hành nghi thức tang lễ, nghi thức nhập môn, nghi thức hôn phối. Tất cả đều phải học, phải tập. Khó ở chỗ là không có chơn sư chỉ truyền mà hoàn toàn qua cơ bút, nên vấn đề lãnh hội thọ trì đòi hỏi sự chăm chỉ cần mẫn. Thêm nữa là công phu luyện châu. Với pháp Tướng Châu, trước bốn thời cúng, các chức sắc phải luyện bốn mươi lăm phút. Ai đã lên Tâm Châu thì luyện một giờ. Thật là căng thẳng! Các chức sắc cảm thấy hầu như không kham nổi. Do vậy đàn học pháp có phần lơi lỏng.
Đàn ngày 08-11 Kỷ Hợi (07-12-1959), Đức Ngô Đại Tiên dạy:
NGÔ thị Ngôi Lời xuống thế gian
ĐẠI đồng lập pháp dựng Nam bang
TIÊN phàm ai biết làm sao biện
GIÁNG giáng thăng thăng Phước Huệ Đàn.
Chào chư Thiên ân, chư hiền đồ.
Giờ nầy Bần Đạo đến đây ban ơn, nối lại mối thông công cho nguồn nước lành chảy đến, hầu các hiền đồ làm tròn nguyện lực của mình.
Từ khi chư hiền đồ cùng Bần Đạo đã lập giao ước, Bần Đạo cũng để lòng từ bi lân mẫn tận độ. Nhưng chư hiền còn cả mang theo bên mình bao nhiêu dục vọng, làm cho ma quỷ lợi dụng xúi giục, rồi lại tự xé lời nguyền. Bần Đạo không nỡ để cho tà quái hành phạt, nên cũng thể lòng từ bi, một lần nữa đến điều độ các hiền.
Các hiền đồ có thấy mình chống nghịch lại với Thầy, bạn không? Nếu một phen thử thách hình phạt thì còn mong gì trông lại vị cũ quê xưa?
Hôm nay tuy sự hành phạt ấy chưa phải chấm dứt được, vì tội lỗi không thể châm chước ngoài luật Thiên điều. Tuy đã biết ăn năn nhưng cũng chưa thật thà cho lắm. Mà có thành thật kia mới tạo cho con người hướng đạo giải thoát có một đức tin mạnh mẽ, một giác ngộ căn bản. Nên còn hành phạt nhiều thì đường tu mới tiến bộ, Giáo Hội mới thành hình, người Thiên ân trở nên quyền pháp. Nhưng càng hành phạt lắm, thì cửa Đạo không còn được mấy người, mà kẻ thiếu căn cũng không mong gì hưởng cơ tận độ. Nên Thầy cũng tùy duyên, tùy sức chịu đựng mà ban ơn mở đường cứu chuộc.
Hôm nay khắp trong Hội Thánh bị một kỳ sát hạch bởi cơ tiền định, mà Thầy cũng muốn trừ dẹp cái lòng nũng nịu chả chớt, để biết lo biết sợ, hầu xứng đáng làm môn đệ của Người, làm hướng đạo cho nhơn sanh, thì ngay bây giờ các hiền đồ cũng nên mau mau sám hối, tự khắc phục lấy bản thân để được hồng ân đưa bước đời qua hồi hỗn độn.
Ngày mai đây Thầy sẽ dẫn các chuồng chiên lẻ tẻ về một, trao cho các hiền đồ còi gậy hầu được trông nom. Nhưng chiên được ngoan ngoãn hiền lành, trái lại kẻ chăn chiên hung hăng táo bạo. Chiên mỗi đàn đã giao cho người chăn giữ, nhưng giữa nhóm người chăn chiên lại giành nhau ở cùng bầy nầy qua bầy nọ, làm cho rối loạn trật tự. Điều ấy Thầy không bằng lòng. Giữa các ngươi chưa đủ tư cách chịu lấy mạng Trời thì mong gì độ ai. Chẳng những không độ được người mà làm cho con cái của Thầy phải lần lần dang xa cửa đạo.
Các hiền đồ nếu thấy được tội lỗi thì nên tự ăn năn chịu tất cả phần sám hối. Được sám hối rồi thì lo gì không thấy yếng sáng chân lý rọi đến.
Thầy lúc nào cũng thương yêu, mà tại các hiền đồ muốn xa Thầy để gần tà quái. Bởi muốn đó mới có tà quái chung lộn trong nội bộ để gây nhiều vết thương đau đớn mà giữa nhau không muốn nhìn nhau.
Các hiền đồ không nhìn nhau là việc dễ, đến khi Thầy không nhìn các hiền đồ nữa thì dầu muốn trăm ngàn lần sám hối cũng vô hiệu lực.
Vậy nên thấy sứ mạng ân cần. Sứ mạng có hai phần, dù kẻ nghịch lại cùng sứ mạng cũng bởi sứ mạng.
Tại sao kẻ nghịch lại cùng sứ mạng? Vì sứ mạng cứu chuộc đã đến thế gian trao cho Thiên ân lập pháp. Đến khi Thiên ân đã phá pháp thì sứ mạng Thầy lại trao cho kẻ nghịch đến phá hoại sứ mạng trước, hầu cứu chuộc danh nghĩa Đại Đạo. Nên khi các hiền đồ đã phá hoại pháp luật thì sẽ bị một cuộc hành phạt sau đó.
Giờ cũng còn đủ ngày giờ lập lại pháp luật, nối lại thông công các tỉnh. Trong nội bộ liền lỷ thì các phái đạo sẽ được lành mạnh. Mà sứ mạng trung hưng đã đổ nát thì mong gì có sự thống nhất ngày mai. Người tu lại ít, hướng đạo còn non, đem so với các phái, các chi thì chưa đáng một giọt nước làm tươi rừng bách thọ. Ôi, một giọt nước có thể nhỏ vào một ao nước kia, nó làm loãng được, không phải chơi đâu! Cũng như các chất hóa học để phân tách. Qua một quan niệm hẹp chật như vậy là nguyên nhân thiếu đức tin, tự truất phế mình khỏi ơn cứu chuộc.
Một ngày tới đây thế giới nhân loại sẽ tìm đến cái chơn lý Cao Đài. Các chơn lý đó là “Vạn thù quy nhất bổn”, bởi trong “Nhất bổn tán vạn thù”. Nhưng nhất bổn tán vạn thù là chi? Có phải một mở cửa Đạo Trời? Một mở đó là nhất âm tượng hình, nhất nguyên biến dịch. Hễ có mở là có đóng. Hễ có tán là có tụ. Nên một đóng của cơ vạn thù quy nhất bổn là bảo hiệp thái hòa, dựng nên đạo pháp. Vì thế các hiền đồ quá chễnh chệ dể ngươi, phạm hồng ân mà không được tiếp mười hai chương lý giải lẽ biến hóa của Đạo trời đất vạn vật.
Đáng ra tại tu xá này hôm nay đã hoàn thành một chương giải thoát. Nhưng tại sao? Tại theo cựu pháp.
Cựu pháp là gì? Là luật phân phối. Luật phân phối là luật nhất bổn tán vạn thù, thành không kết tụ được tinh ba của tạo hóa vạn vật. Tinh hoa của tạo hóa vạn vật được kết tụ bởi ở sứ mạng. Mà sứ mạng Đạo Trời lần này cái chủ định là vạn pháp đồng nhất, Tam Giáo đồng nguyên. Nên khi hạ lệnh thành lập Trung Hưng Bửu Tòa, Thầy đã đặt cho đó một cái tòa ngự để làm ngôi thượng tọa, kết tập kinh văn đem dung hợp các thời Cựu Ước, Thích, Nho, Gia, Lão đặt theo nguyên tắc tứ phân làm Tứ Tượng để xây thành Bát Quái, quy định Tân Cựu Ước đồng cơ. Thế mà tiếc thay! Đến nay cái gì cũng lở dở. Bởi vậy ca dao nói “Liệu bề đát đặng thì đan, / Gầy ra mà bỏ thế gian chê cười.” Bỏ thì mất tre, tốn công. Mà lẽ nào lại bỏ? Nếu mà đát không đặng thì mượn người đát cho. Thầy cũng định vậy, sẽ mượn các chi phái làm tứ vi. Nhưng mở cơ tiến hành thì giữa nội bộ của Hội Thánh lại bị khảo đảo.
Bây giờ có làm không? Muốn làm phải tu. Tu là nguyên nhân của lập trụ. Vậy các hiền nên cố làm. Làm phải có lòng bao dung, có tình Bồ Tát. Có lòng bao dung mới có chỗ chứa đựng thiên hạ. Có tình Bồ Tát mới không cầu toàn trách bị, thương ghét rẽ riêng.
Vậy phải tha thứ cho kẻ lầm lỗi, vì lầm lỗi không phải là tội. Tại sao? Vô ý lầm lỗi là không cố tâm gây ác làm tội. Mà dầu ai có cố tâm gây ác cũng tha thứ khi họ biết cải tà quy chánh, tự khắc chế trị bản thân. Coi người nào cũng là người bạn đồng chí. Tại sao nghịch chống nhau mà gọi là đồng chí? Đồng chí chỗ ưu ái xây dựng Đạo. Không đồng chí tại nghe, ngó và trình độ giác ngộ khác nhau. Nên tất cả các hiền phải nghĩ là bạn tốt. Nếu mỗi bên đều nghĩ người kia là kẻ nghịch thì thế nào cũng đi đến nghịch hẳn.
Hội Thánh thiếu người chấp hành quyền pháp tại các tỉnh khiến hàng ngũ giáo đồ lỏng lẻo. Nề nếp tu học cần đặt vào pháp trị đạo (Tứ Bửu Pháp) trong lộ trình “thi pháp hộ trì vạn linh sanh chúng”, do đó Hội Thánh đưa chức sắc đến các tỉnh,([2]) chăm lo việc dẫn dắt nhân sinh, tu tạo giáo sở, cải táng phần mộ các bậc liễu đạo vì tù đày.([3])
Hội Thánh mở khóa giáo sĩ đào tạo hàng ngũ phổ thông giáo lý. Đàn ngày 19-11 Kỷ Hợi (18-12-1959) tại Trung Hưng Bửu Tòa, Đức Chơn Khai dạy các giáo sinh:
THI
Dòm lại cuộc đời luống khổ tâm
Lợi danh tài sắc kéo đi lầm
Cậy ai giác ngộ dìu sanh chúng
Dựng Đạo lần ba phải tận tâm.
Bản Thánh Nguyễn Chơn Khai chào Hội Thánh và chư đạo hữu.
Giờ nầy Bản Thánh vâng lệnh Đức Giáo Tông đến cùng anh em giáo sinh để lời nhắc nhở đường tu, gắng công kịp bước cùng chư Thánh đã qua, làm gương cho chư Thánh sắp tới.
Đã nói là làm gương cho chư Thánh sắp tới, lẽ tất nhiên đã mặc nhận chư anh em là chư Thánh hiện tiền. Mà phải làm được Thánh sinh mới đủ tư cách hóa dân cứu chúng.
Đây Bản Thánh xin tặng cho anh em giáo sinh hiện diện một bài liên phong để suy nghĩ.
Nền Đạo chinh nghiêng phải thế nào
Anh em giáo sĩ liệu làm sao
Danh Thầy không lẽ cho mờ tối
Ta phải đồng tâm tiến thử nào
Nào ai vì Đạo hy sinh
Vì đời mà được quên mình cứu dân
Nhìn quanh hàng ngũ xa gần
Kẻ xuôi người ngược muôn phần đau không
Không biết thì thôi, biết thế nào
Thế nào ngơ mặt bỏ qua sao
Tiền phong hướng đạo toan xây dựng
Sự nghiệp trung hưng mới được trao
Trao cho sứ mệnh canh tân
Anh em giáo sĩ lãnh phần đảm đương
Ngày mai Đạo khắp mười phương
Ngày nay rủ bước lên đường phổ thông
Thông rồi nên gắng dạ hy sinh
Đặt nặng lòng tu dựng thánh hình
Hình thức thế gian vầy đã đủ
Đủ rồi chớ quá nặng gia đình
Đình danh đình lợi từ đây
Gắng công giúp Đạo tin Thầy mà tu        
Công trình, công quả, công phu
Dắt người ra khỏi bốn tù trầm luân
Luân chuyển Đạo Trời ai biết đâu
Trong cơn khảo thí quá linh mầu
Kẻ còn cũng phải đôi phần yếu
Người mất lạ gì, tại tách nhau
Tách nhau tình đạo chưa thông
Lẽ nào kẻ Bắc người Đông chẳng buồn
Làm sao đâu đó chảy suông
Pháp quyền sáng tỏ theo khuôn Đạo nhà
Đạo nhà đâu đó được vững vàng
Đại đồng sơ bộ gắng lo toan
Họ nào xã nấy tình thương hiện
Lẽ thật sống còn được vẻ vang
Vang lên chư đệ nhà ta
Đuổi xua tà quái dang xa đạo tràng
Làm cho liên đới tương quan
Làm cho quyền Đạo huy hoàng từ đây.
Thôi, xin chào quý hiền Thiên ân. Chào chư đệ.
Trong cơ chế bốn Cơ Quan thì Phổ Tế và Phước Thiện như đôi tay cần vận động để đưa đạo vào đời đem đời đến đạo. Đó là sứ mạng truyền giáo. Nếu tay trái lo việc phổ thông chơn đạo, khai thế độ thế, thì tay phải lo việc bảo sanh dưỡng thiện, khai thế tạo thế. Bởi vậy, tiếp theo khóa giáo sĩ phổ thông, Hội Thánh mở khóa chức sắc Phước Thiện. Đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 28-11 Kỷ Hợi (27-12-1959), Ơn Trên dạy cho khóa Phước Thiện:
THI
VÕ môn tam cấp lãng
MẪN cán đắc trường sanh
KÍNH cung Tam Thánh bảo
HỶ ngộ hội Tam Thanh.
Chào chư Thiên mạng chức sắc, chư sư hữu đạo tràng.
Giờ nầy Lão Thần thừa phụng thánh chỉ đến đàn rao truyền thánh lệnh. Chư Thiên ân và sư hữu đạo tràng thành tâm đón mừng Giáo Tông.
TIẾP ĐIỂN
LÝ đâu chư đệ chẳng gia công
THÁI quá rồi ra chỗ mất lòng
BẠCH bạch minh minh ai dám trách
GIÁNG đi nhiều cấp mất Thiên phong.
Lão chào chư Thiên mạng, chư chức sắc hộ trì, chư hàng công đức Phước Thiện, Thính Thiện, Hành Thiện, Giáo Thiện. Chư chức sắc Phục Thiện và chư Thiên ân tọa thiền thỉnh lịnh. Chư đạo tâm toàn đàn nghe dạy.
Lão hôm nay mời chư chức sắc Phước Thiện về đây nghe Lão dạy.
Này chư Hành Thiện, Giáo Thiện và Phục Thiện ôi! Nếu một ngày thế giới phải biến thiên, nhơn loại đồng chịu trong cơ tận diệt đến đây, thì chư chức sắc còn giữ được gia tư sự nghiệp của mình không? Hay rồi cũng phải tha hồ cho nó tự do mà thiêu hủy? Sao chư vị không suy xét lẽ đời, cảm thông thánh ý?
Thiên hạ khắp trên mặt đất nầy, người người đang quằn quại khổ đau, thiếu cơm thiếu áo. Có nhà không được ở, có của không được dùng. Đường rộng khó đi, đất dư không nơi trốn tránh. Người ta sắp chết vì nỗi lý tưởng cạnh tranh, vì lợi danh cấu xé, vì giai cấp đấu tranh, vì màu sắc chính trị. Họ khổ lắm rồi! Khổ đầy ngập không còn hơi để thở. Sao chư hiền không đặt lòng thương vào đây, không toan lo cứu vớt đồng bào, nâng quyền pháp mình lên để mở đường giải phóng cho nhơn sanh ra ngoài vòng khốc liệt, lại lo quẩn quanh trong xó vườn thẻo ruộng, bế con nựng cháu, tưởng thế là giải quyết được thỏa mãn cho gia đình. Một nhà dầu có đủ cũng chưa chắc gì vui mà ngó đồng loại lầm than cho đành gan dạ.
Nếu thiệt mọi người cùng để tâm lo cho thân mình, nhà mình, nước mình, thì xưa nay cũng đã hòa bình thịnh vượng lắm. Cái lo chật hẹp nhỏ nhen, cái lo tổn nhơn ích kỷ, lo như vậy là chỉ biết mình, nào biết đến ai. Sống chết mặc bây, đói no trối chúng, thì tình đồng bào chủng tộc đâu còn. Làm sao nước không mất, nhà không suy, dân không chịu trong những trường máu xương khói lửa.
Chư Thiên ân đây là người được chọn, mà cũng là nguyên căn phát nguyện xuống trần, người mà ở trong hàng nhơn sanh ưu tú đưa lên, người mà Hội Thánh để mắt theo dõi cử ra hành đạo.
Chư Thiên ân cũng nhận được sứ mệnh ở mình, dù đói dù no, có mất hay còn, cũng nguyện một đời phụng thờ lý tưởng, hy sinh cùng lẽ đạo, toan phần xốc gánh nhơn sanh, đâu phải những kẻ tầm thường sống vì miếng ăn tấm mặc, nô lệ cho đồng tiền, quẩn quanh trong gia đình, hủ hỷ với vợ con, đưa tay cho tử phược thê thằng, quên mất đạo làm người, vì dân vì nước.
Các hiền nên bình tĩnh mà soát xét lại. Một cái bàn bị gãy chân, các vật để trên bàn đều bị khua chuyển, có đứng mà giữ cũng không thể vật ấy được bình yên. Sao không lo buông vật ấy ra lo tìm miếng kê mà chêm cẳng bàn cho vững thì tất cả các vật của người và vật của mình trên đó cũng vững vàng.
Cũng vậy đó, nước có loạn, nhà đương nguy, thế giới đang kình chống rối ren, ngòi lửa chiến tranh đốt lên thì tất thảy muôn nhà phải cháy, muôn người phải thiêu. Tài sản, thân mệnh của thiên hạ bị tan tành thì của các hiền tài nào sót lại. Đó là nạn tiêu diệt, rồi đến họa Trời tiêu vong. Bởi lý do mất cái gì nòng cốt cho bốn biển? Mất cái gì làm thịnh vượng cho muôn loài? Bởi mất cái gì mà nhân dân thù ghét lẫn nhau, nhơn loại mới toan lòng độc ác? Mất cái gì đây mà trước kia thời cổ sơ được thịnh vượng hòa bình, đời Thuấn Nghiêu ngày Tiên tháng Phật?
Có phải đời bây giờ lòng người mất cái phần tinh túy thiêng liêng, phần đạo tâm thánh đức? Lòng người không còn tình thương lẽ sống. Lẽ thiệt đã cách xa, lòng mỗi người trở nên đen tối chật hẹp rồi, thì chung quanh ma quỷ bao vây, chất chứa nơi mình đầy tội ác, mà đời thiếu thiện chí hồn nhiên, đời thiếu thánh nhơn quân tử. Đời đã mất lẽ công lý công bằng nên đời đảo điên di dịch. Đời không người trung chính làm đầu, không bậc sứ mệnh ân oai hướng đạo thì đời đâu được an toàn.
Đời hạ nguơn là đời tận diệt. Tận diệt sắp đến nên cho loài người một cuộc tàn phá ghê gớm, một cuộc xáo trộn kinh hoàng. Tất thảy loài người, dầu kẻ hiền người ngu, kẻ lành người dữ không lẽ chung chịu trong lò biến thiên trong kỳ mạt tận?
Nên Thầy thương xót loài người dưới vòm trời còn biết bao nhiêu là nguyên nhân chủng tử. Thầy động lòng từ bi lập giao ước cùng Tam Giáo, phế Ngọc Kinh, giao quyền ngự trị cho quần Tiên, đến cõi phàm trần đưa tay chận đứng cuộc tiêu vong, trải lòng dạ Ngài mà bao dung cho thiên hạ.
Thầy đến đây rồi. Thầy đã đến đây thì sứ mạng về đây. Sứ mạng trên dải đất nầy, sứ mạng trên người Thiên ân hướng đạo. Sứ mệnh gắn cho người giác ngộ đạo đức kết thành một trận tuyến trung kiên, ngăn chận nạn đời cho nhơn loại. Đời thiếu sự sống nên đời mới nổi lên các cuộc chém giết nhau. Đời thiếu tình thương mà đời xô đẩy con người vào khốn khổ triền miên. Đời không lẽ thật mà giữa nhau gạt gẫm nhau, lừa dối nhau, phản phúc nhau. Cho chí một nhà, một nước, hay cả nhơn sanh cũng là mang đầy dối trá. Nên đời hay lòng người nói chung không một ai khỏi bị thiếu thốn.
Thiếu thốn cái gì không biết mà lòng mải lo. Lo cả đêm lẫn ngày cũng không thỏa mãn. Kẻ nghèo phải lo, nhưng kẻ giàu cũng phải lao tâm tiêu trí. Nước yếu cực trí đã xong, nước mạnh cũng khổ tâm nhi dĩ.
Cái sự thiếu ở lòng người hay ở cõi đời hiện nay đã thấy được. Bởi chỗ thiếu ấy mà bốn biển không yên, lòng người không trụ. Thầy đến ban cho cái thiếu đó để làm cho đời với người được thăng bằng, được đứng vững, được thịnh vượng, được thư nhàn - là cái sứ mệnh đây, cái thánh thể nầy. Đó là phương tận độ, mà công cụ thiết lập hòa bình trật tự cho thế gian, công cụ xây dựng văn minh đại đồng cho nhân loại là chính người Thiên ân hướng đạo.
Người chịu quyền pháp của Thầy, người môn sanh trong nền Giáo Hội, mà người lo về mặt đời là người Phước Thiện. Sứ mạng ấy các đệ làm sao đây? Ngó lơ đi được không? Trốn nhiệm vụ về nằm nhà có yên không? Hay phải sao đây bây giờ?
Các đệ có nỡ nào rút một cái chốt đóng vào các lá be, các con đà, hay một cái nan trong đáy đó? Các đệ muốn cho thuyền đắm thì rút ra. Dầu không muốn rút ra mà cái chốt bị nứt, cái nan bị hư cũng có thể dẫn nước vào khuôn. Vì nan hay chốt đó không thể giữ chống lại bên ngoài, mà bị bên ngoài tấn công thì phải xếp mình nhường bước. Đó là bỏ hàng ngũ, không theo quyền pháp trách nhiệm, chẳng đi hành đạo, kết cấu với hoàn cảnh, phạm giới sai quy, mê mẩn sự đời, liều thân nghiêng ngả.
Chư chức sắc Phước Thiện làm gì đây? Đã mấy năm rồi, thành tích lập pháp làm sao? Đưa bước đời đến bước nào? Đường tu thân học đạo đã xứng người trung kiên lãnh đạo chưa? Lão vẫn chờ, chờ hết ngày nọ đến tháng kia, năm kia đến năm qua rồi hết. Đến năm nay mà hàng ngũ chức sắc không xây dựng được, bộ máy không tổ chức được. Giữa nhau quyền pháp không ban bố được. Sự liên lạc theo dõi không nắm được làm được. Thậm chí một Phục Thiện coi năm Giáo Thiện mà cũng không biết ai mất ai còn, ai tu ai ngã. Một Giáo Thiện coi năm Hành Thiện mà Giáo Thiện một nơi, Hành Thiện một ngả, có biết gì đâu! Trên dưới không tôn trọng quyền pháp, trong ngoài không thân tín với nhau, thì làm sao mà xây dựng Sơ Bộ Đại Đồng, nhơn sanh nhứt luật. Chỉ có mười lăm Giáo Thiện mà hai người bỏ đạo không biết, hai người phạm giới không hay, chẳng hiểu Phục Thiện làm gì? Trong hàng Giáo Thiện tại sao không dính liền tương quan liên đới?
Bây giờ chư chức sắc Phước Thiện cố gắng lần nầy. Cố gắng nhiều và nhiều hơn mấy lần trước mới làm được việc.
Ngày nay Hội Thánh đương lúc quyền pháp thiếu nghiêm, hàng ngũ nhơn sanh đương còn rời rạc. Trên giáo quyền yếu đuối, dưới cơ sở mỏi mòn. Cái trách nhiệm tồn vong đâu phải riêng gì các hàng Thiên ân quyền pháp. Nên chư đệ phải đồng tâm hiệp lực cộng tác mà lo canh tân hàng ngũ, cải thiện nhơn sanh. Hy sinh một phần ít gia đình lo đắp xây nền đạo. Người nào già yếu hoặc không thể dứt khoát sớm được, lúc ở nhà cũng giữ giới tu hành, làm gương cho người đời, bạn đạo noi theo. Đừng mảng vui quên xấu mà đem lại tai tiếng cho đạo, đê hạ cho thân.
Trong hàng Hành Thiện các đệ cũng thấy phần trọng trách của mình mà cố gắng lên. Các đệ gần một trăm người, kể luôn Thính Thiện có ba trăm mấy mươi vị mà làm không xong, còn đòi hỏi bao nhiêu nữa?
Vậy Lão muốn bắt đầu năm Canh Tý chư chức sắc theo chương trình xây dựng Phước Thiện do Hội Thánh vạch định mà thi hành cố gắng mới xong. Phải đổ xô tâm lực, dầu làm không được một loạt cũng chia nhau một vài họ đạo hay một xã đạo. Đặt kế hoạch vận động đạo hữu một cách thiết tha mạnh mẽ liên tục, kết hợp cho được những người thiện tâm làm tương ứng. Ba cơ quan hợp lại: Hành Chánh ra lịnh, Minh Tra đôn đốc, Phổ Tế giảng luận thuyết trình.
Phước Thiện nhơn lòng đương lúc ấm cúng nồng nhiệt cũng nổi lên lập tức lợi dụng thời cơ mà đặt móng xây nền. Phước Thiện có đồng thanh hưởng ứng lời Lão và theo Lão hoạt động xây dựng cơ sở nhơn sanh không? Vậy theo mười điều răn mà thi hành.
THI
Muốn cho Giáo Hội có quyền
Bản thân chức sắc mối giềng chung tay
Tình đời mình chớ có say
Nên phần nội bộ trông ngay lại mình
MỘT khuyên gắng hy sinh hành đạo
Đạo được nên hoài bão đừng lơi
Gần xa trên dưới một lời
Chung tay xây dựng cuộc đời thuần phong
HAI khuyên khá để lòng lo liệu
Đừng riêng lo lịu địu gia đình
Làm sao sáng lẽ công bình
Hễ người được lợi thì mình mất chi
BA khuyên nhớ đi đi lại lại
Vì nhơn sanh gieo rải tình thương
Trông nom hướng dẫn chủ trương
Gia đình êm ấm mọi đường tinh minh
BỐN khuyên tự đặt mình thanh khiết
Quyền pháp tinh mọi việc mới thông
Muốn theo người đến đại đồng
Thì mình phải có cái lòng vị tha
NĂM khuyên lấy chữ hòa làm đích
Lập thân bằng công tích nhiều năm
Rủ nhau đi viếng đi thăm
Người đau người khổ bị trăm việc đời.
SÁU khuyên tu đến nơi đến mức
Giải thoát lần tích cực việc công
Ý Trời tình đạo cảm thông
Để tâm hồi hướng thông công nhẹ nhàng
BẢY khuyên lập cơ quan hàng ngũ
Lập lấy lòng đầy đủ đức tin
Dưới trên chung trí giữ gìn
Kẻ đi người ở nhận nhìn việc chung
TÁM khuyên phải sống cùng đạo hữu
Gây tình thương trợ cứu lẫn nhau
Làm cho ai cũng mạnh giàu
Cơm no áo ấm giữ màu đạo tâm
CHÍN khuyên biết âm thầm lúc khó
Khó khăn thì ở nhỏ lòng chơn
Đừng cho tiếng oán lời hờn
Miễn tròn công vụ nghĩa nhơn đủ đầy
MƯỜI khuyên nhớ lời Thầy quyền Đạo
Tôn trọng là cải tạo thế gian
Lập thân hành đạo rõ ràng
Đưa cơ thống nhất huy hoàng ngày mai.
Bây giờ không thể dạy riêng. Vậy Lão hứa tân xuân sẽ gởi hồng ân biếu cho vị nào tích cực việc Phước Thiện. Lão đã nói không phải phủ nhận công khó lo lắng của chư đệ. Chư đệ có công rất nhiều nhưng công ấy chưa được quyền pháp hóa. Nghĩa là tự chức sắc nỗ lực làm lấy việc, chưa đem cái nỗ lực để khiển được đạo tâm thiện tín.
Làm người chức sắc, khi nào còn phải làm nhiều, tốn nhiều mà chưa được đem cái đức hạnh của mình hóa cho nhơn sanh. Nhơn sanh chừng nào thấy người chức sắc lo mà thiện tín khóc, thấy người chức sắc làm mà nhơn sanh giành lấy, thấy người chức sắc khỏe, thiện tín mừng. Người chức sắc đi đâu thiện tín theo đó, coi như Thần Thánh, mới Thần Thánh hóa nhơn sanh được. Nếu nhơn sanh còn lờn dể, chức sắc quyền đạo chưa mạnh, pháp đạo chưa hiện, sứ mệnh chưa về trọn, cơ tán tụ vẫn bị di dịch biến động mãi. Phải làm sao xây dựng con người Thiên ân, ai cũng kính và mến mới đi truyền đạo được. Mà chính sự thành đạo cũng hiển nhiên người được chứng quả đạo.
Lão ban ơn Phước Thiện một năm chiến thắng thành công.
Đang khi đất nước loạn ly, cuộc sống mất an ninh, đạo hữu ở miền quê chịu áp lực khó khăn về kinh tế. Hội Thánh được Ơn Trên thúc đẩy về pháp môn Khai Sinh Cơ Thông, hướng nhân sinh vào con đường Sơ Bộ Đại Đồng với tinh thần:
Chung một đạo trong tình cốt nhục
Phải thương yêu, giáo dục lẫn nhau
Người đau là tức mình đau
Người còn lầm lỗi, ta nào không lây.([4])
Quý chức sắc hướng đạo phần nhiều đều trong hoàn cảnh “đời đạo hai vai gánh nặng oằn”, nên để thích nghi, người hướng đạo cần xông pha mạnh mẽ hơn vào hướng xây dựng nếp sống đại đồng.
Ngày giờ có mặc có ăn
Có nhà chung ở, có chăn chung nằm
Có bầu bạn viếng thăm nhắc nhở
Gặp hiểm nguy chung đỡ đần nhau
Cảnh cùng, hột muối đũa rau
Anh em hòa ái hơn giàu hơn sang
Trong một đạo rõ ràng duyên hội
Sống chết đều chung mối thiện duyên
Hợp quần ai nỡ tư riêng
Nâng niu giá phẩm, kính kiêng bạn bè.([5])
Hội Thánh chọn một số bổn đạo gần Đền Thánh lập họ đạo thánh vệ (bảo vệ Đền Thánh), làm thí điểm mô hình Phước Thiện (sơ bộ đại đồng), gọi là Đại Đồng Xã (nghĩa là xã hội đại đồng).([6]) Đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 13-12 Kỷ Hợi (11-01-1960), Đức Tổng Lý dạy về công cuộc thí điểm:
THI
HƯNG vượng lần ba giải khổ đời
ĐẠO mầu gieo rải tận nơi nơi
TỔNG quy trăm họ chung về một
LÝ chánh đường chơn dẫn dắt người.
Bản Thánh chào chư liệt vị Thiên ân. Chào chư đạo tâm nam nữ.
BÀI
Muốn cho trăm họ thân hòa
Xa gần đều được chung nhà ấm no
Ai giác ngộ toan lo xây dựng
Ai anh minh chận đứng tệ đời
Ai vâng chịu lấy mạng Trời
Tiền phong xốc gánh dẫn người lại quê
Đời là chỗ sông mê bể khổ
Người quẩn quanh trong chỗ tối tăm
Làm sao khỏi phải mê lầm
Biết lầm sớm tỉnh mà tầm lý chơn
Kỳ tận độ được ơn giáo hóa
Buổi hạ nguơn đại xá cho đời
Bốn phương chung hưởng phước Trời
Sống chung hạnh phúc chết thời đăng tiên
Muốn ai cũng về miền cực lạc
Ai cũng thành Bồ Tát gắng tu
Giải nàn nhờ sức công phu
Lập thân hành đạo bốn tù đừng vương
Công phu tạo con đường giải thoát
Giải thoát rồi thuyền bát nhẹ khơi
Nhẹ không lòng chẳng nhuốm đời
Đời người thanh sạch thảnh thơi thanh nhàn
Muốn đời được vinh quang hạnh phúc
Muốn thoát ngoài bể dục ao sầu    
Thì là tỉnh ngộ mau mau
Lập công bồi đức khổ đau đâu còn.
Trong khu thánh vệ đều là người háo đức lạc thiện, ngày tháng vui với đạo mầu, sẵn sàng đem thân phục vụ cho chơn lý, cho chính nghĩa. Lòng người trong khu an lạc địa không cầu danh cạnh lợi, san đều mức sống hòa nhịp cùng thiên nhiên, chung một khối thương yêu, lấy sự tu thân làm gốc.
Tu thân để tề gia, cầu lấy đầm ấm thảo thuận làm hạnh phúc cho gia đình. Cha mẹ là mẫu mực của con cháu. Anh chị là phép tắc của đàn em. Chồng đính chính, vợ thuận hòa. Dưới biết kỉnh trên, trên để lòng lo cho kẻ dưới. Sống một cuộc đời tươi đẹp, không một chút sóng gió gợn lên. Gia đình được hòa thuận ấm no. Trong nhà ngoài vườn sạch sẽ, ngăn nắp. Nghèo cũng thanh cao, giàu không bẩn thỉu.
Tề được nhà mình, còn phải góp phần xây dựng nhà bạn, nhà trong láng giềng gần xa. Láng giềng lân hữu được đồng hóa theo con đường tu thân tề gia, thì việc trị quốc bình thiên hạ cũng chẳng khó gì. Nếu thân chưa tu, nhà chưa tề thì có nước cũng không giữ được, có thiên hạ trong tay cũng khó thể bình.
Vì vậy Đại Đồng Xã cần làm sao, bất cứ nữ hay nam, già nua hay trẻ nhỏ, đều uốn nắn con người theo một khuôn phép đạo đức. Cách ăn thói ở đều được tốt lành. Lòng mỗi người đếu có sẵn đức tin, một lòng hồi hướng về Thượng Đế. Người người biết tuân nghe quyền pháp, hành động không vượt ngoài khuôn viên đạo đức làm người. Đói cho sạch, rách cho thơm. Tư cách ấy khả dĩ tượng trưng cho một người dân trong thánh địa.
Trong xã có chia nhiều đoàn đội để tập thể sống bằng học hỏi, bằng sinh hoạt, bằng cộng sự thực hành xây dựng nền tảng. Có trường trại giảng dạy, có đất đai trồng trọt, làm các vườn hoa thảo, yên dưỡng cho tráng lão, cho ấu nhi, cô nhi. Có nhà tu, dưỡng lão viện, giải thoát viện, thánh tịnh viện, bảo tích viện, v.v... Trong lúc đó còn tổ chức đời sống công thương, kỹ nghệ tập đoàn hoặc văn nghệ, thể thao. Nếu đầy đủ thì còn nhiều, nhiều lắm trong các công việc xây dựng Đại Đồng Xã.
Việc cải tạo nhà cửa cũng phải công trình lắm. Dầu sang giàu hay nghèo khổ, điều ấy không buộc làm y nhau, mà buộc mọi người phải có một ý thức dựng lên gia đình.
Về phần thiêng liêng đối với tổ phụ, phải làm sao hằng ngày để hết bổn phận của con cháu. Con cháu thờ phụng tiên linh không phải chỉ biết ngày xuân thu kỵ lạp, hương lửa giữ gìn, mà còn có bổn phận làm cho giống cây gia tộc nẩy nở hoa đẹp trái lành. Làm cho dòng máu gia tộc được nồng hậu anh minh. Nếu ông bà ngày xưa có những gương tốt nên soi, công nghiệp hậu, ta nên mở mang gìn giữ. Bằng chưa danh gì với núi sông, ơn gì với con cháu thì cũng một hạt giống đã thành cây. Ta có bổn phận bón xới trông nom cho nhánh được nở, cành được tươi. Lấy sức làm cho cây gia tộc được đứng ngang hàng cùng các vườn bách thảo khác. Làm cho con cháu nhận định được một sứ mạng của mình thực hiện xong chương trình mà ông cha làm còn lở dở.
Muốn vậy, đời mình đã nửa đời, trăm năm nào chắc, còn mong mỏi bầy con lũ cháu sau nầy đi theo con đường của tổ tiên. Làm cho tổ tiên đẹp lòng, muôn người trông cậy. Về tinh thần còn tế nhị ở chỗ dính líu giữa nòi giống làm một với Thượng Đế quyền năng.
Về hình thức, ý niệm tiền của, nhà cửa, ruộng vườn, ăn mặc và tiêu pha, cả một vấn đề quan trọng. Nếu không hiểu được phần đó, nó tác hại thế nào cho tinh thần, ý chí toàn bộ hay nó trợ trưởng thúc đẩy cho tinh thần được nhiều sự ích lợi. Có để làm gì? Có phải sử dụng làm sao? Lòng mình phải nghĩ đến cái thừa, biết đến cái thiếu, hầu xây dựng một lập trường lý tưởng trong gia đình.
Về trật tự vệ sinh, giao tế, hành động lại cũng là một vấn đề cần được học. Nên xây dựng Đại Đồng Xã phải đề cập đến bao nhiêu việc mà việc trước nhất là làm người có tu thân tề gia.
Thôi, Bản Thánh có lời khuyên và ban ơn lành cho toàn đạo.
PHỤ ĐÍNH
Phước Huệ Đàn, ngày … tháng … năm…
THƯỢNG ĐẾ TRONG TẤT CẢ
THI
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ giáng đàn trung
Phước huệ ban cho các trẻ cùng
PHÁP ĐẠO BỬU CHƯƠNG ngày giáng lập
Mừng chung nhân loại gội ân hồng.
Thầy là Thượng Đế vô sinh. Thầy vô sinh nên không hình không danh. Thượng Đế là danh tạm gọi cho Thầy là đấng chủ tể càn khôn. Cho đến danh Đi La Thiên Đế Thái Cc Thánh Hoàng ([7]) cũng là danh tạm gọi mà thôi.
Thầy kỳ ba đại xá lập Tam Kỳ Phổ Độ gọi là danh không nhất định. Danh không nhất định là “phi thường danh”. Kể ra thường danh của Thầy là Thường Đạo.
Thường Đạo là Thầy thì Thầy cũng có danh. Đã có danh Thường Đạo thì còn có chỗ kêu tên nầy nọ. Cho nên Thường Đạo cũng chẳng phải danh thường danh.
Thầy đến cùng các con hôm nay đây viết ra chữ. Chữ ấy đọc nên lời đều là cái gì không phải Thầy. Thầy chẳng nói không làm. Chỉ có người Thánh mới nghe được tiếng Thầy trong vạn hữu, mới thấy Thầy khắp vạn phương. Các con có lòng thành kỉnh thì sẽ biết Thầy là chi.
Trong trời đất bao la lồng lộng mông mênh không bến chẳng bờ. Nhưng như chiếc lưới vĩ đại có đường chỉ dọc ngang dàn thành mặt sưa có mắt. Mắt lưới nầy vô hình không ai thấy được. Trời là chủ trời đất cầm lưới ấy tung ra, các con ở trong đó. Không một con nào lọt ra ngoài được. Cho nên Thầy có danh là Đại La Thiên Đế. Đế là vua trọn lành. Thầy làm chủ tể như một vị vua trị quốc an dân. Thầy làm vua lớn hơn vua dưới thế nầy nên gọi là Thiên Đế. Thiên chỉ bầu trời Đại La. Đế chỉ ngôi chủ tể ngự trị. Đế còn có nghĩa bản thể vô sinh bất nhị, diệu huyền vô đối, thường tại bất biến. Tuy không phải như vua ngồi trên bệ ngọc ngai vàng cầm quyền sinh sát muôn dân, nhưng Thầy thống ngự vạn vật không vật nào chẳng ở trong Thầy, không vật nào Thầy chẳng ở trong. Chi chi cũng có Thầy. Mỗi con sinh ra hay về Thầy đều do con đường âm dương biến hóa. Thầy là vậy nên gọi Đế. Gọi Đế hay gọi Thái Cực Thánh Hoàng cũng là danh bày tỏ Thầy là chi. Có điều danh chi cũng không đủ tượng trưng được ngôi Thầy.
Thái Cực là danh lớn vô cùng lớn, hay nói sự hòa hợp âm dương trong Thầy. Thầy không bao giờ chẳng lấy Hòa làm Đạo. Thái Hòa là Thầy. Đạo còn biến hóa khiến cho muôn loài trở về đường chính nhằm bão hợp Thái Hòa tức là trở lại cùng Thầy. Thầy là tất cả. Tất cả là Thầy. Chỗ Thầy và tất cả giao hòa không lấy chi lường được, nên gọi Thầy là Thái Cực. Chúng sanh đều có Thái Cực. Thầy là Thánh Hoàng của chúng sinh. Thái Cực Thầy và Thái Cực chúng sinh đồng ở trong quyền phép Thánh Hoàng. Đã là Thánh Hoàng, Thầy không như phàm tục.
Các con ôi, hôm nay các con được ơn Thầy chỉ dạy mấy lời đạo pháp thật là dịp vô cùng quý báu!
Thầy cũng muốn nói ngôi Thầy ngự chẳng khác cung khuyết vàng ròng kinh thành ngọc trắng, nghĩa là chỗ cao sang tột bậc. Các con có biết chỗ ấy ở đâu chăng? Hay là nghe vậy biết vậy? Thầy nói chỗ ấy không như các con tưởng tượng. Thầy vô hình thì ngôi Thầy làm gì hữu tướng. Vàng ngọc là thứ ở dưới đất các con coi quý, chứ Thầy không lấy chi làm quý. Chính nơi Thầy ngự không ngoài vạn vật. Ở đâu cũng có Thầy. Thầy cỡi sáu rồng bay khắp muôn phương, không ai lường được. Rồng bay lên trời cao vòi vọi, Thầy ngự ở đó nguy nga. Đó là ngôi Cửu Ngũ. Thầy có quyền năng Tạo Hóa. Rồng nằm dưới vực sâu cũng có Thầy ngự đến. Rồng hiện trên mặt đất hay bất cứ ở đâu thời nào cũng có Thầy cả. Thời thừa lc long du hành bất tức thì Thầy đâu ngồi một chỗ như ông vua phàm tục.
Lục long là sáu hào dương quẻ Càn, Thánh Nhân mượn chỉ sự biến hóa ẩn hiện phi thường của Đạo Trời, người đời phải theo đó mà tu học cho nên Thánh, hay cho nên con Thầy.
Các con ôi! Thầy khuyên các con nên biết Thầy không phải thực phải hư. Thực thì có thể cầm nắm rờ mó được, còn hư thì trái lại. Thầy có khi hiện ra thực tướng Như Lai, lại có khi như hư không, không có gì cả. Hễ lấy mắt mà xem thì Thầy hư, hễ lấy tay sờ thấy Thầy không thực. Tuy không hiện hình nhưng Thầy dịch sử quần linh. Mặt trời, mặt trăng và vô lượng tinh cầu vận hành trong hư không, không bao giờ sái luật trái đường. Con kiến bò, con người sống, không con nào ra ngoài luật âm dương tạo hóa. Ai vót gai nhọn, ai vo quả tròn, ai dựng nên trời đất? Thầy là chi không ai thấy, dường như hư nhưng không hư, còn nói thực thì Thầy là chi không phải thực mà nói dường như thực. Thật là mầu nhiệm.
Thầy có nói gì đâu. Thánh Nhân cảm thấu Thầy thế nào đó rồi đặt kinh xưng tụng Thầy. Kinh sách nói đến Thầy rất nhiều, nhưng chỉ bày tỏ Thầy phần nào theo sở đắc mà thôi. Khoa học ngày nay tiến bộ, nhưng cũng chưa tìm gặp Thầy được.
Xưa nay Thầy đã hóa độ vô số chúng sinh mà nào có ai nghe Thầy nói gì đâu. Phật hay Chúa nói ra lời Thầy cũng chưa đủ gọi là Thầy nói hết. Thế mà chúng sinh đã ngộ. Phải chăng Thầy không nói mà nói thầm kín lặng lẽ trong lòng chúng sinh. Các nhà khoa học bây giờ lên tận cung trăng đều phải nhận Thầy mầu nhiệm. Đó cũng là Thầy bất ngôn nhi mc tuyên đi hóa.
Thầy là các con, các con là Thầy. Sở dĩ Thầy và các con như thế là vì Đạo, một cái gì ở Thầy, ở các con làm như nhịp cầu giao thông đây đó lại qua. Đạo ấy vô hình, có khi hiện hình người nam hay nữ. Nam nữ là âm dương. Âm dương hiệp lại thành trời đất. Trời đất cũng là âm dương. Trời là dương. Đất là âm. Trời có nước thuộc âm. Đất có lửa thuộc dương. Người nào cũng có âm dương giao hòa. Âm dương là hai khí phân làm bốn tượng. Tượng là khí thành ra Thái Dương, Thiếu Âm, Thái Âm, Thiếu Dương là bốn tượng. Nói ra đã thấy âm dương không tuyệt đối âm, tuyệt đối dương. Thầy đây có khi gọi Mẹ. Mẹ cũng có khi xưng Thầy. Càn và Khôn tuy hai quẻ khác nhau, nhưng dương cực âm sinh, cơ tiêu trưởng cho thấy âm thịnh dương suy, hay trái lại, chứ thật ra không ngoài Thái Cực nhất nguyên. Thầy là Nhất Nguyên. Thầy biến hóa thành vạn hữu, tướng dụng bất đồng.Tuy chia ra vạn hữu sai biệt nhưng gốc một, Thầy vần xây không giới hạn biên cương. Cỏ cây cũng có Thầy, có âm dương. Trên Thầy có đủ Phật Tiên Thánh Thần cả nam lẫn nữ. Các đấng ấy cũng là âm dương biến hóa. Hoặc nữ hay nam cũng trong Thầy mà ra. Khi là Phật hay Tiên tức là khi Thầy ứng hóa. Cơ mầu nhiệm nầy chỉ có Thầy mới biết Thầy. Các con chưa đắc đạo, Thầy cũng khó nói ra. Hằng ngày các con đọc tụng khí phân Tứ Tưng oát triền vô biên mà làm sao biết được thế nào. Đây Thầy cũng cho biết chút ít. Phật và Chúa mỗi vị một phương. Đạo Phật, đạo Chúa truyền lại môn đồ nam nữ, rồi từ đó truyền ra khắp. Bây giờ Thầy đến viết qua tay đồng tử rồi từ đó Hội Thánh nam và nữ truyền ra cho các con nam nữ. Đạo Pháp trường lưu không biết ngày nào ngưng đọng.
Các con ơi! Thầy nhìn thấy các con mà lòng Thầy cảm động. Các con phải theo Thầy như người quân tử tự cường bất tức.
Thầy là mặt trời ngày ngày chói rọi mười phương. Người thấy mọc ở phương Đông lặn về phương Tây, bảo là Thầy vận hành mãi mãi không bao giờ mỏi mệt. Thiên hành kiện là nghĩa ấy. Càn kin cao minh cũng là nghĩa ấy.
Thầy làm con mắt đoái xem vạn loại thiện ác. Thầy cao minh không có vật nào ngoài tầm mắt Thầy. Thầy thấy thiện thấy ác các con. Song Thầy không vì thiện ác mà bỏ các con. Mặt trời soi cho kẻ ác người thiện như thế nào, thì Thầy cũng vậy. Mắt Thầy cao minh sự nhìn thấy của Thầy không như thiên hạ. Lòng các con thế nào Thầy đều thấy cả. Thầy có chánh kiến. Các con học Thầy để thấy Thầy ở mỗi con. Cái thiện kia ác nọ không phải của Thầy, của các con, mà của tà kiến. Khi nào các con có Thầy hợp một sự thấy thì không còn phân nhơn ngã thị phi thiện ác. Bây giờ là huyền phm quảng đi, cõi mầu nhiệm rộng lớn. Bấy giờ Thầy và các con không lầm lẫn mảy may họa phước.
Phước là gì, họa thế nào, đều lập phân. Phước ở Trời hay phước thế gian, họa xác thịt hay họa linh hồn, chi chi Thầy và các con rõ cả.
Phước họa đôi đường tương đối. Các con có khi lầm cho phước là họa, họa là phước. Một nhà tu chơn chính nhìn đời thấy khác người tục. Cái chết của Chúa Giêsu là phước hay họa? Phật Thích Ca bỏ nhà vàng ra đi tìm đạo giải thoát là họa hay phước? Hoàng Ngọc Trác tuẫn đạo, phước họa thế nào? Bây giờ Thầy nói cho các con rõ dưới mắt Thầy họa hay phước là điều các con chưa thấy rõ.
Hôm nay các con ngồi tu theo đạo pháp tâm truyền như Ngô Đại Tiên ngày trước các con có cho là phước không? Nếu là phước thì bao nhiêu người khác thế nào? Thầy nói thật mọi sự làm theo ý Thầy là phước. Dù cho các con tu mà ích kỷ không nhận rõ Đạo là chi thì suốt đời cũng vô ích. Còn như không tu mà hành thì Thầy không muốn. Hành đạo bằng tâm và thân tu mới có phước. Phật nói dù cho lấy thất bảo cả tam thiên đại thiên thế giới bố thí cũng không bằng công đức thọ trì tứ cú kệ. Tứ cú kệ thế nào, các con có biết không? Dù nói ra kệ bốn câu bằng lời hay viết thành vần không đủ nghĩa lý. Công phu từ sơ thiền đến tứ thiền một niệm vô sanh thì công đức vô lượng. Các con gắng tu cho được vậy thì có thể cùng Thầy nhứt toán ha phước lập phân.
Thầy nói cho các con biết Thầy không phải là trời [chư thiên, devas] mà là đấng cầm quyền cả ba mươi sáu cõi trời và ba ngàn thế giới. Không những bảy mươi hai địa cầu mà cho đến tứ đại bộ châu cũng do Thầy nắm giữ. Mỗi nơi thế nào các con đâu rõ. Thầy ở khắp mọi nơi. Cả càn khôn không ngoài bàn tay mầu nhiệm của Thầy cầm nắm. Hễ đã có quyền năng như thế thì không một vật nào, một người nào còn mất, sống chết không do Thầy. Khoa học càng tiến bộ càng khám phá cơ tạo hóa của Thầy. Các con đừng tưởng thành bại do người. “Hành hoặc sử chi, chỉ hoặc nặc [ni] chi, hành chỉ phi nhơn sở năng dã.” ([8]) Mạnh Tử đã biết được Thầy rồi.
Thầy là Đại Từ Phụ, thì dù tiên thiên hay hậu thiên Thầy đều dưỡng dục. Các đấng Thần Linh, Thiên Sứ hay ngạ quỷ súc sanh, hoặc Thầy chưa nói đã biết, hoặc Thầy dạy rồi mới hay, trí tuệ hay ngu mê, chi chi cũng có Thầy thương yêu ban cho sự sống. Thầy là thế nên các con xưa nay ngưỡng vọng. Thầy từ đó tế độ các con không phân thiện ác. Tất cả dòng đạo pháp xưa nay các con và cả nhân loại tôn kính tín ngưỡng đều bởi Thầy mà ra. Thầy là lẽ thật, là dòng đạo pháp tổng hợp cổ kim. Các con tin Thầy được cứu. Không phải nội các con là bề tôi trung tín của Thầy. Thầy làm chủ cả mười phương Thánh Thần Tiên Phật, làm vua cả nhật, nguyệt, tinh thần thượng hạ. Các con coi đó biết Thầy là chi. Nói vua, nói chủ là nói quyền năng mầu nhiệm dịch sử hóa độ đó con. Phật không hơn Thầy, Thầy là Phật. Hai mà một, hiển vi vô gián, thể dụng nhất nguyên. Nói chủ là nói cơ mầu nhiệm, dù cho Phật cũng không qua.
Nói là vậy cũng chưa chí Đạo. Đạo mà nói ra lời, Thầy mà còn kêu chủ thì sao gọi là trm tch chơn đo. Đại Đạo trạm nhiên thường tịch, cũng như nói “Thượng thiên chi tái, vô thanh vô xú.” ([9]) Đạo ấy vô vi bất ngôn, khôi mch tôn nghiêm, các con xem không thấy, lóng không nghe, lặng lẽ im lìm như tro lạnh không hơi chẳng khói. Sở dĩ tôn nghiêm vì Đạo ấy biến hóa vô cùng, linh oai mc trắc. Tất cả kinh báu có công năng giác thế, hay bao nhiêu giáo pháp thần diệu thường lợi ích chúng sinh đều bởi Đạo. Các con không lấy khoa học trắc nghiệm được đâu. Khi là Phật Ấn Độ, khi là Chúa Do Thái, khi là rồng thiêng Lão Tử, khi là Khổng Tử, người bốn phương. Đến bây giờ lại là Thầy vô hình giáo đạo Nam Phương. Chính các con cũng không biết Thầy biến hóa làm sao. Các con chấp rằng nhánh đạo này, nhánh đạo kia hay người này, người kia mới có Thầy ngự đến. Không ngờ Thầy trong tất cả, tất cả là Thầy. Các chi thể trong người con chỗ nào mà chẳng phải con. Dù cho trùng độc ngoại nhập, khi đã ở trong con rồi thì sự sống của con là của nó. Thầy nói thật dù cho hổ lang cấu xé các con cũng không ngoài ý Thầy cho phép. Đó cũng là phép dĩ độc trị độc. Sự biến hóa vô cùng ấy, các con muốn rõ không chi hơn công phu học Dịch tu tâm. Các con muốn cùng Thầy “Đại minh chung thỉ, lục vị thời thành, thời thừa lc long dĩ ngự thiên”, phải tu phải học. Không tu không học làm sao biết “Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh, bão hợp thái hòa, nãi lợi trinh”.([10]) Dịch Kinh là bửu kinh, là thần giáo. Thầy ngày nay lập pháp giáo đạo trên nền tảng Dịch lý đó con. Thế là các con đừng tưởng Đạo Thầy theo con thấy nhiêu đó.
Thầy thương yêu các con, song Thầy cũng có khi răn cấm các con điều trái đạo. Các con đọc Kinh Thánh Cựu Ước để biết Thầy khi lập Mười Điều Răn với sự thị hiện oai nghiêm dường nào. Các con đọc Kinh Thánh Tân Ước để thấy Thầy từ bi vô lượng. Thầy đem mình chuộc tội các con mà còn xin cho các con nghịch Thầy được tha. Như thế oai lớn mà từ cũng lớn. Thầy đúng là ngôi Vô Cực không ngôi nào trên Thầy. Thầy là đi thánh đã từng đi nguyện cứu độ các con. Các con đọc lời Thầy đã dạy về lời đoan thệ cũng đủ biết Thầy thương các con dường nào. Thầy dựng nên vạn hữu, không con nào chẳng thương. Bao nhiêu đau khổ của con Thầy đều cứu độ. Các con thử làm nên một con kiến Thầy xem. Có ai tự ý sinh con theo ý mình muốn không? Thầy đây dựng nên Ađam Evà và tất cả, Thầy ban cho sự sống. Thế rồi người thủy tổ các con phạm tội cùng Thầy, lại bảo tại Thầy dựng nên nầy nọ. Thầy từ bi đuổi ra khỏi địa đàng làm ăn.
Thầy như thế nên có kẻ tôn Thầy là Huyền Khung Cao Thưng Đế Ngọc Hoàng Tích Phước Hu Ti Đi Thiên Tôn.([11])



([1]) Xem Phụ Đính, trang 197.
([2]) Trong năm Kỷ Hợi (1959) Hội Thánh cử Thái Giáo Sư Mai Thanh Phẩm kiêm nhiệm Đầu Tỉnh Đạo Quảng Ngãi thay thế Ngọc Giáo Hữu Võ Quang Trân nghỉ hưu. Cử Ngọc Giáo Hữu Trương Sư Xuyên làm Đầu Tỉnh Đạo Bình Định. Cử Thượng Giáo Hữu Trần Đề làm Đầu Tỉnh Đạo Quảng Nam.
([3]) Tại Bình Định, Tỉnh Đạo cải táng các phần mộ của tiền bối Nguyễn Lữ liễu đạo tại nhà tù Phan Thiết năm 1942, tiền bối Trương Nhẫn liễu đạo tại nhà tù Quy Nhơn năm 1943, và tiền bối Phạm Nghĩa liễu đạo tại nhà tù Hà Bằng (Phú Yên) năm 1952. Tất cả đều quy táng về quê nhà thuộc họ đạo Châu Long Đài (Bình Định).
([4]) Chơn Giác Nương Nương, Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 23-01 Mậu Tuất (12-3-1958).
([5]) Bảo Thọ Nương Nương, thánh thất Thái Hòa, ngày 10-7 Ất Mùi (27-8-1955).
([6]) Đại Đồng Xã về sau trở thành họ đạo Trung Đồng.
([7]) Từ đây về sau, những chữ gạch dưới đều trích ra từ bài kinh cúng Tứ Thời xưng tán Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.
([8]) Làm hoặc sai người khác làm, thôi hoặc bảo người khác thôi, làm hay thôi không phải là khả năng của con người vậy. Mạnh Tử, Lương Huệ Vương, Hạ, 23.
([9]) Những việc Trời làm không tiếng không mùi. Trung Dung, 33.
([10]) Thoán Truyện quẻ Càn.
([11]) Bài thánh giáo này chép trong sổ tay tiền bối Ánh Khâm, người Bình Định.



PHẠM VĂN LIÊM