II. CÒI THÁNH VANG
VANG
Lập Trung Tông Đạo tiến đến xây
dựng Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài là giai đoạn Chỉnh Cơ Lập Pháp từ năm Nhâm
Thìn (1952) đến năm Bính Thân (1956). Theo thánh giáo, giai đoạn nầy là thời
Phục rồi qua Khai Cơ Giáo Pháp, mở màn từ mùa xuân năm Đinh Dậu (1957)
là thời Lâm .
Đức Thượng Chánh Phối Sư Vô Vi (TrầnTổng Lý)
từng âu lo về thời Lâm nầy. Lâm là khởi đầu cho bước đạo tiến lên, thế mà các
vị đại đức đại công đã nối tiếp chầu Thầy. Hiện tại các chức sắc đảm đương
trách nhiệm thì “quyền pháp chưa tinh minh, đạo tâm chưa thuần túy, căn trí
chưa được khai thông, thân tu chưa tròn hạnh đức”. Cho nên có vị chưa xứng
quyền, có vị còn ngại pháp. Ơn Trên liên tục chuyển linh cơ củng cố, hướng dẫn
rành rẽ để quý chức sắc vững vàng tiến vào thời của bình minh cơ đạo.
Đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa, Tý thời ngày 15-7
Mậu Tuất (29-8-1958), Đức Bảo Nguơn Chơn Tiên Trần Nguyên Chí báo đàn:
TRẦN Đoàn một giấc thấu huyền cơ
CHÍ giác lòng tu thoát cảnh mờ
GIÁNG hổ thăng long cầu liễu giải
ĐÀN trung mừng chúng ứng Thiên thơ.
Chào chư chức sắc Lưỡng Đài. Chào chư đạo tâm nam nữ.
Giờ nầy Bản Quân được lệnh Chí Tôn
đến báo đàn. Chư Thiên ân nghiêm chỉnh để đón rước Chí Tôn. Trong ngoài an lặng
để nghe Thầy phán dạy.
Chư hiền đạo tâm ôi! Từ ngày Bản Quân
từ giã cõi nầy về thế giới bên kia lo phần tu học để thông thấu lẽ mầu, mong
ngày đến cùng quý chức sắc và đạo tâm góp phần xây dựng.
Lúc chia tay kẻ ở người về, kể cũng
đột ngột thương tâm. Tình nồng nghĩa ấm giữa chúng ta chưa được mấy ngày và cơ
giáo pháp thiếu vai gánh vác. Vẫn biết không phải một hạt cát làm nên cồn,
nhưng thiếu một người, Hội Thánh thiếu một sức lo đạo.
Bây giờ Bản Quân cũng cảm thấy lòng
mình buồn buồn luyến tiếc giữa nhau. Ôi! Ai biết lẽ Trời. Một mảy bụi, một sợi
tóc không ngoài cơ Tạo Hóa, chẳng sót tơ hào. Bởi vậy một giờ âm 120 phút,([1]) một phút 120
giây, mỗi một giây tuy khoảng cách chẳng là bao mà độ số của phần Thuần Khôn
chưa dứt thì không chuyển sang Phục được. Phục khởi là do phong lôi biến động.
Động làm cho thế đất vỡ, phát sinh đầu mối của Càn nguyên.
Nói nhỏ là một giờ, nói lớn là
129.600 năm.([2]) Nhỏ như một giờ mà còn bôn ba là tự giết mình, không đem
lại thành công cho vạn đợi.([3]) Đôi lúc bực tức những chướng ngại đen tối
không đáng,
cũng muốn nạt lớn,
hét to để cho u ám xé tan. Nhưng càng nạt hét càng đen tối. Chỉ có bình tĩnh là
phương xua tà đuổi quỷ. Tại sao vậy? Bản Quân nói âm hào còn một phút là hết,
muốn hết trước một phút cũng không được.
Bản Quân về ở động Quỷ Cốc,([4]) lâu nay được sự chỉ điểm Thiên cơ vận số để tìm
lẽ Đạo. Thấy không ai có thể cãi cơ Trời. Chống lại cơ Trời thì trăm phần hư
hại. Chúng ta thấy rõ chuyện ‘Phong Kiếm Xuân Thu’, nghiệp vận về ai nấy được.
Bên nầy có tướng tài tôi mạnh, quyền pháp cao thâm, được Tôn Tẫn phò trì. Tuy
Tôn Tẫn là bậc Đại Tiên chứng ngôi Liễu Nhứt cũng chỉ có quyền giữ lại trong
ngày giờ chưa mãn số tiền định mà thôi.
Có kẻ hỏi Liễu Nhứt Chơn Nhơn thành
quả đạo sao không đạt cơ Trời, chống làm gì cho nhọc và có lỗi cùng Thiên Đình?
Trung hiếu là đạo lớn. Liễu Nhứt còn
có nhiệm vụ trung với Yên, hiếu với Tề mà hành động. Song vì biết cơ Trời nên
không dụng hết thần thông đối địch.
Chư hiền chắc hiểu ý Bản Quân nói đây
chứ? Phải nhẫn nhục và cố gắng. Đừng thấy khó mà nản lòng. Ở đời hễ có cái phải
tất nhiên có cái trái, chánh tà lẫn lộn. Không chánh sao thắng được tà? Ta yên
vui thanh tịnh thì phân minh rõ rệt.
Bây giờ Hội Thánh ta sắp đi vào đoạn
đường không gai góc quanh co mấy, nhưng dễ lạc lối. Vì nhiều ngả tách là một
lối hẹp. Nhưng trái lại ngả tách đây không sai biệt là bao. Lại không phải một
hai ba đường mà nhiều đường. Đường nào nên để ý là bên trái có lối, bên phải có
lối, cách độ không xa, thì lấy con đường giữa mà đi. (…)
Thôi, Bản Quân xin kiếu.
TIẾP ĐIỂN
CAO ngôi chờ đợi khách hành công
ĐÀI động chờ con đã mỏi lòng
THƯỢNG hạ từ đây vui đạo đức
ĐẾ Quân giáng thế mở đường thông.
THẦY CÁC CON
Thầy mừng các con.
Giờ nầy Thầy đến cùng các con để lời
căn dặn trong lúc con người có sứ mạng phải làm gì.
Các con nối đức tin cùng Thầy cho
chặt thì việc gì con lại lo âu? Nơi nào con không suốt tận? Con đã được nhiều
bài học từ ngày có thân nầy thì lấy đó làm phương xử sự.
Hội Thánh là gì? Có phải một trung
tâm quyền pháp sứ mạng không? Chính đó! Bởi quyền pháp sứ mạng mà các con cùng
Thầy trở nên một khối. Thầy với các con là một. Các con cùng trong số một mà
thấy được cơ mầu nhiệm. Cơ mầu nhiệm là Thầy. Thầy đã thành hình một Hội Thánh
thì trung tâm của nó là một pháp đạo huyền cơ. Các con nương Đạo mà đắc nhứt,
chứng chơn tâm, hóa thần thông theo bát cung quyền pháp. Thì Hội Thánh là tòa
ngự của Thầy mà cũng là Thiên triều hội chư Phật Tiên, Thần Thánh.
Các con chức sắc là tay chân của Thầy
về mặt hữu hình. Phật Tiên, Thần Thánh là tay chân về vô hình. Vô, hữu là một
động một tịnh, làm cho then chốt biến hóa, làm cơ quan điều hành. Vậy thì Hội
Thánh là nơi tập hợp các bậc chân tu đắc đạo. Các con là chức sắc, người sứ
mạng quyền pháp của Thầy, nên e dè sợ sệt.
Đây là sứ mệnh. Các con dù đi ra, dù
ở đây, đều chịu quyền pháp nơi Hội Thánh. Hội Thánh có quyền nên làm cho bốn biển
thương yêu, mở cơ tận độ. Hội Thánh có pháp làm cho vạn vật phục sinh, noi
đường thánh đức. Nguồn sống là đây, đầu mối thương yêu bởi đây. Bởi đây mà chảy
ra nuôi lấy vạn vật, gội rửa cho muôn loài. Đây là tình thương che chở thì các
con cũng thấy nhiệm vụ của mình thế nào rồi.
Tòa Thánh La Mã ngày xưa, Hội Thánh
Truyền Giáo nơi nầy, các con thấy nó thua kém phần nào. Nhơn loại đều hướng về
đó mà được cứu. Quyền pháp bởi đó mà được ban cho kẻ sứ mạng như linh mục, giám
mục để thay Thầy ban ơn, tha tội. Tiếng nói của linh mục có quyền cho ơn thì
được ơn, tha tội thì hết tội. Linh mục thế nào? Các con thế nào? Các con cũng
được sứ mạng, cũng có quyền pháp. Lời phán dạy nơi miệng con là lời của Thầy.
Con hứa cùng ai, Thầy không cãi, dù là điều ấy không ưng. Nếu cãi thì quyền
pháp nơi người bị hủy diệt.
Người là gì?
Con là gì? Lần trước Thầy
đến mở Đạo bên Thái Tây, ban quyền pháp sứ mạng cho Tòa Thánh La Mã. Lần nầy không phải Thầy đến
đây sao? Nếu Thầy đến thì cũng không thay đổi gì khác mà lại ban đặt hồng ân
thêm nữa. Nhưng các con không
chịu tin, không chịu nâng mình lên
ngang cùng quyền pháp, từ chối mình là Thánh mà cứ nhận là phàm. Dại khờ quá!
Đó không phải là khiêm nhượng, mà là tự truất bỏ mình đó các con. Con dạn nói đi. Con là Thánh,
lòng con là lòng Thầy. Người con
cũng Thánh, việc con cũng Thánh. Lời nói con nên Thánh, có thế thiên hạ mới
nhờ. Đức tin yếu đi là tự hủy mình mà cũng hủy bao nhiêu người khác đó con.
Về việc phong thưởng. Phong thưởng
Thầy theo Thiên thơ đã định, không riêng gì ai. Tước vị con nào Thầy trao cho
con đó. Con nào tự bỏ thì Thầy mới có quyền cho kẻ khác. Hôm nay Thầy nghe nói
có những con muốn trả lại tước vị Thầy đã trao cho. Điều ấy Thầy không buộc,
chỉ mong rằng con suy nghĩ cho cùng, đừng để khỏi ăn năn hối tiếc. Đó là con tự
bỏ mình. Thầy cũng thương.
Nhưng đã nói tước vị của mỗi con ở
nơi Thiên thơ, tên tuổi rõ ràng. Khi Thầy đến trao cho thì quyền an bài trật tự
Thầy giao cho Hội Thánh để trông nom bảo vệ. Các con đã ngồi trên ngôi vị ấy
phải được phẩm hạnh làm sao? Đứa nào đen tối thì không quyền hưởng là để an
toàn Giáo Hội. Tước vị con nào làm hoen ố, hay làm tốt đẹp hơn, Thầy giao quyền
thưởng phạt ở nơi Hội Thánh liệu định. Dù thưởng hay phạt cũng là pháp môn tận
độ nghe con.
Về hành sự, coi theo quyền pháp mà làm.
Thầy không nài ép, không bắt buộc. Con ưng cũng không được, Thầy muốn cũng
không được, mà phải quyền pháp. Ví như đạo luật Giáo Tông ban xuống cho Đầu Sư,
cả ba Đầu Sư thấy có chỗ không đồng, trả cho Giáo Tông. Giáo Tông giao cho
Chưởng Pháp xét nét. Nếu buộc lòng quyền pháp không thể châm chước thì cũng
phải buộc Đầu Sư y hành. Thầy dạy các con làm, các con thấy trái hoặc nghi ngờ
thì lập sớ cầu xin chỉ dạy hay sửa đổi. Thầy trao lại cho các Thánh Thiên Đồ.
Nếu các Thánh ấy buộc phải làm thì con không cãi. Cãi là nghịch mạng. Thì sự
làm việc là thế.
Về việc điều động thuyên bổ, quyền ấy
từ đây phải được tôn trọng, để tránh các nguy hại giữa cơ khảo thí. Nếu các con
ở đây, mà thánh ý đổi đi nơi khác, hoặc nơi khác Hội Thánh thuyên bổ về nơi
nầy, đó là quyền pháp. Nếu để đây thấy hại cho con, không lợi cho Đạo thì nhứt
thiết phải đổi đi. Bằng có sự cầu xin thì lịnh trên hay Hội Thánh không ép buộc
mà có lời khuyên dạy (…). Vậy sự di dịch thuyên chuyển coi theo quyền pháp. Con
nào Thầy bảo thì Hội Thánh vui tin, đừng nài cầu lắm nghe.
Về thông công, từ đây Thầy giao cho
các con quyết định, nhưng phải thỏa thuận, không quá mỗi tháng một kỳ đàn.
Về nội vụ, được Huệ Linh thay Liên
Hoa lúc trở sự.
Còn bốn Cơ Quan về đường lối hành
chánh, tới đây sẽ dạy.
Còn về sự cầu hỏi các việc, giao cho
Thái Bạch sẽ dạy.
Thầy ban ơn mỗi con. Thầy thăng.
Đàn ngày 17-7 Mậu Tuất (31-8-1958), Đức Lý
Giáo Tông dạy:
THÁI vận chờ cho một ít lâu
BẠCH minh chơn giả chớ lo sầu
GIÁO quyền muốn lập, ra tâm lực
TÔNG Đạo ngày nên phải nguyện cầu.
Trong phần tản văn Đức Giáo Tông dạy rằng sứ
mạng của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài còn nhiều cam go mới hanh thông được.
Đức Giáo Tông khuyên các Thiên ân đừng nản chí sờn lòng vì cơ khảo thí. Dù áo
còn một thân, chăn còn nửa mảnh cũng không đổi lòng, không lùi bước. Hơn, đừng
tỏ lộ vui mừng; thua, không u sầu, buồn chán làm mất vẻ uy nghi. Hễ ân phước
đến đâu thì tai họa cũng đến theo.
Đức Giáo Tông buộc các hướng đạo từ đây phải
tuân lệnh Ngài cùng nhau giữ con cái của Thầy. Phải đến tận các cơ sở họ đạo
ban quyền pháp trấn nhậm cho người đầu tộc. Chia địa phận cho Chánh Phó Trị Sự,
Thông Sự. Buộc phải vâng nghe Đầu Họ. Phải thương xót gần gũi đạo hữu, giúp đỡ
khi khổ nghèo, tai biến.
Về chức sắc Hội Thánh, Đức Giáo Tông dạy phải
lấy thương yêu mà bảo vệ thành trì Giáo Hội, lấy đức tin hàn gắn trên dưới được
liền, lấy lẽ thật để an bài nội bộ.
Về hành đạo, cấm chỉ mở khóa cho đạo hữu. Đạo hữu buộc phải đi đàn lệ để nghe
giảng đạo, nghe thánh huấn.
Về kế hoạch xây dựng chánh pháp trung hưng,
gốc ở chỉnh tu quyền pháp sứ mạng Thiên ân. Thứ nữa bảo dân dưỡng thiện là nối
đức tin lòng giác ngộ cho tín đồ để an toàn quyền đạo. Các chi tiết cần có một
quyển Đồ Thơ và Bửu Chương Quyền Pháp, truyền đạo, giữ đạo làm con đường tận độ
và duy nhất Giáo Hội.
Đức Giáo Tông cũng đề cập việc lập tịnh
đường, hạnh đường để ôn luyện quyền pháp, đạo hạnh cho chức sắc. Mở học đường
đào tạo giáo sĩ truyền giáo trong nước, ngoài nước và giúp phần cho các cơ sở,
đào tạo hành chánh chuyên môn. Mở công nông kỹ nghệ đào tạo nghề nghiệp bảo vệ
đời sống trong đạo, giúp ban truyền giáo, tiếp lực cho các cơ sở những việc
cần.
Về việc xây dựng thánh đường, thánh sở, Đức
Giáo Tông dạy:
Đừng
nôn nả vì nhân sanh còn nghèo. Đừng ép sành ra mỡ, bóp thúc nhân sanh. Việc nào
cần thì lo trước, như mở trường học, lập nhà thương. Đừng ngại thời thế, vì
việc ta làm bằng lòng đạo đức cứu đời.
Về bối cảnh xã hội, Đức Giáo Tông dạy:
Một điều nên nhớ là ngòi lửa chiến
tranh đã bốc cháy nhiều nơi rồi. Nó sẽ lan cháy rộng ra, không từ chi nước này hay
nước khác. Hơi nào mà lo! Mình chạy trước nó ví sau, ví mãi, không lẽ chạy
hoài? Chi bằng ta không sợ nó. Vì ta không phải là đối phương gây chuyện, thì
can gì.
Ngọn lửa bốc lên thì nơi đó có mồi.
Ta không phải mồi, mà ta cũng không phải lửa. Như ta không phải mồi, không phải
lửa mà lại sợ trong sức cháy của lửa và mồi.
Ví ta là kim khí bị đốt thì kim càng
già. Lửa đã tắt, mồi đã thành tro, kim vẫn còn kim. Còn ta không ở trong sức
cháy thì tránh đâu cho nhọc.
Tuy nói thế nhưng việc làm thực tế là
gọn lại hơn bày ra lấn cấn. Để lo quyền pháp khôn lớn, Thiên ân mạnh lành sẽ mở
mang.
Bây giờ lo giữ gìn sự nghiệp trung
hưng. Sự nghiệp này đã lắm công phu, bằng tiền của, bằng máu xương, bằng tâm
lực và bằng lòng thương đời. Phải giữ gìn, phải thương nhau. Không thương nhau
là giặc ở trong nhà. Giặc trong nhà phá hư sự nghiệp, chớ đâu đợi đến giặc
ngoài xâm lấn cướp đoạt tàn hại. Giặc trong nhà nhóm khởi ở chỗ thiếu thương
yêu và công bằng. Vậy thương yêu là tròn sứ mạng.
Đàn hôm sau, 19-7 Mậu Tuất (02-9-1958), Đức
Quan Thánh Đế Quân điểm danh ba mươi hai vị: Đoan, Nhâm, Trĩ, Thiên, Thanh,
Quang, Châu, Đáng, Quang, Hoành, Tiếu, Triều, Đề, Nhơn, Diệu, Phước, Vi, Thi,
Thanh, Chí, Hậu, Cẩn, Mân, Rế, Yến, Thục, Hòe, Ngộ, Thôi, Cảnh, Cấn, Huyên.
Đàn Tý thời 21-7 Mậu Tuất (04-9-1958) cũng
tại Trung Hưng Bửu Tòa, Đức Cao Tiếp Văn Pháp Quân dạy:
Nhìn bờ cõi nước non bồi lở
Trông mười phương than thở khổ đau
Cơ Trời biết liệu làm sao
Mất còn chừng biết âm hao hết rồi
Cuộc đời đã nổi sôi oan trái
Tranh giành nhau phe phái đua chen
Đã từng hỗn độn bao phen
Bao phen khuấy nước, bao phen chọc trời
Nay là lúc nơi nơi biến loạn
Nay là hồi tụ tán đổi thay
Có người khóc lại cười say
Có nơi bình địa mà rày phong ba
Khói lửa bốc gần xa cháy rực
Đốt thiêu người vạn nhất chừa ai
Trên trời giáng họa giáng tai
Dưới trời bão chướng làm mây thất hồn
Bom đạn cứ nổ giòn ầm ĩ
Tiếng trống quân giục khí từng đoàn
Bé già trong nội khóc than
Hoàn cầu dòng lệ cùng chan máu đào
Bốn biển dậy ba đào ghê sợ
Muôn chiến thuyền tan vỡ tiêu vong
Nước sôi bừng bực máu hồng
Người dìm đến chết, tàu chồng đắm rơi
Không một cõi một nơi an ổn
Giặc cướp đầy chốn chốn thây phơi
Sao trăng chẳng thấy trên trời
Núi rừng chẳng sót một chồi sống tươi
Quỷ ma ở khắp nơi rùng rợn
Sấm sét vang khắp chốn ngăm nghe
Nghiệp nào nghiệp nấy có phe
Duyên nào duyên nấy theo bè đảng nhau
Đời đã nhuộm nên màu đen đỏ
Đỏ ra tay quyết gõ đầu đen
Đen toan bốn biển xóa bằng
Không còn màu sắc không chen khác loài
Đen đỏ đã hẳn hòi quyết liệt
Quyết lên ngôi thi thiết chủ quyền
Đỏ đen gây trận đảo huyền
Kéo lê quần chúng hoàng tuyền cảnh không
Ai cũng muốn mình ông bá chủ
Muốn phần mình có đủ cánh vây
Kêu gào Nam Bắc Đông Tây
Giục lòng ái ố chui thây vào lò
Dỗ nhau chết, chết co chết đói
Chết tan tành, kẻ trói người thiêu
Chết vầy ngó chẳng bao nhiêu
Xúi nhau chết lĩnh chết liều không thôi
Chưa đến chết cũng lôi ra chết
Thấy cảnh đời mà mệt lòng Tiên
Cảnh đời khôn tuyệt rồi điên
Điên mê bắn thủng đâm xiên ruột rà
Cha không nghe thì cha cũng chết
Con không vâng thì chết cho con
Ngày này luân lý không còn
Lòng người mưu chước làm mòn đạo tâm
Cuộc tàn phá bao năm mới dứt
Dứt rồi đời người thực còn chi
Đầy trên mặt đất tử thi
Đầy trên bốn biển thành trì đống tro
Nói như thế ai cho là phải
Phải của người là dại của Tiên
Người mê danh sắc lợi quyền
Tiên tu đạo đức, pháp quyền cứu dân
Dân tai nạn đến gần phải khổ
Muốn việc gì cũng đổ đầu dân
Dân mô có phước có phần
Có lòng thiện hạnh Thánh Thần chở che
Đời chia tách trăm phe ngàn khối
Xâu xé nhau hai lối đỏ đen
Đỏ đen nước lửa dùng dằng
Thần thông ra lịnh công bằng bán rao
Nước thánh chảy ào ào đến thế
Còi thánh vang bốn bể tỉnh cuồng
Phán lời khí giới mau buông
Cởi xiêm lột giáp bỏ tuồng đó ngay
Mười phương được bàn tay cứu độ
Lập cõi đời là chỗ Bồng Lai
Quyền Thầy ai được vào tay
Nước Thầy chọn sẵn trong ngoài bình yên.
Đến đấy,
Đức Cao Tiếp Văn điểm danh chín
vị (Táng, Sĩ, Huyên, Ra, Tuyết, Trảng, Ca, Ngọc, Yến). Rồi ngài dạy tiếp:
Mình sao chưa rõ pháp quyền hơn
Sứ mạng vào tay chớ dể lờn
Thanh bạch lòng lo thường gội rửa
Điển quang mới ngự ấy là ơn
Ơn phước Thầy ban gắn ở lòng
Lòng mình thanh tịnh dứt thanh trong
Trong khi sứ mạng trên quyền pháp
Pháp Đạo Liên Hoa được pháp thông.
Hôm nay Bản Quân nói qua về các việc.
Đàn phổ tế chờ lịnh 15 tháng 8 sẽ
dạy; còn công việc làm thì hiện nay có hai phần:
Một là xây dựng quyền pháp Thiên ân
và trấn an lòng đạo cho được trọn tin. Việc liên giao báo chí, cứ yên tâm chờ
sự ứng nghiệm.
Hai là Phổ Tế nghiên cứu tài liệu
thuyết trình một đường lối về công cụ thiết lập thế gian là nền tảng Phước Thiện, để Phước Thiện được thành hình, thành pháp ở
mỗi tín đồ.
(…)
Thánh thất có tam đài, theo Bản Quân
thì nên cho làm quả Kiền Khôn 2m4 mà thờ thì trang nghiêm hơn; còn không thì
Thánh Nhãn trơn cũng được. Việc thờ phượng còn trong giai đoạn lập pháp, có gì
cũng phải nhớ là ngày giờ chưa đến.
Tam Giáo, Tam Trấn, các đấng Thánh
Tiên đều ở trong Bát Quái Đài. Thánh thất cũng nên duy nhất theo một mẫu. Nơi
nào rộng, đạo hữu đông, lập ba trấn. Ngoài ba trấn là ba bàn, gọi là bàn ngự.
Còn bàn trong trọn vẹn đủ quyền pháp; nhưng không tuyệt đối, phải có trong
ngoài, trong ngoài hay một cũng tùy.
Thôi, Bản Quân chào chư hiền. Cố gắng
tái cầu Đức Đông Phương đến dạy nghe.
TÁI CẦU
ĐÔNG Tây cha chả khổ cho đời
PHƯƠNG pháp nào đây cứu vớt người
TỔ đình an giữ vững chiều mơi.
Chào chư thiên chức phận sự.
Giờ nầy đến bằng lòng yêu thương chan
sự sống trên quyền pháp cho mỗi hiền đồ để rồi giác ngộ mà hoàn thành sứ vụ đến đây. Đây
là lời Thiên thơ truyền tụng, các hiền nên tôn trọng.
Đạo càng chinh nghiêng, đời còn đảo
điên
Người còn mê vọng, pháp quyền chưa linh
Giả chơn chưa hiện, lấy đâu an toàn
Luận bàn cẩn thận, trù vận quyết tâm
Chớ để cho thiên hạ hiểu lầm
Chớ ngần ngại trong tâm không Thượng Đế
Muốn cho hết tệ, muốn được hoàn thành
Đạo chinh nghiêng nhờ người sáng suốt bậc đàn
anh
Giục thúc trước sau, phải tiến nhanh theo về
quyền pháp
Của công chung góp, tài trí chung lo
Lúc tai nguy nhớ lại lời thánh ý dặn dò
Cơn bát loạn đắn đo theo đường trung đạo
Bên này lương, bên kia giáo, quốc tế quốc gia
Nước nầy hay, đẩy Chốt tấn Xa
Nước kia bí, Ngựa qua đem sang đại Pháo
Vỗ mặt Tướng cho nội cung lộn lạo
Gài Sĩ lên hoài bão lấy cơ đồ
Tượng lui về thì Pháo nhảy vô
Mạnh Xe, Xe rượt, mạnh Ngựa, Ngựa phi
Bên này đi, bên nọ cũng đi
Hai bên nhắm thành trì xông tới
Bên đen cầu lợi, bên đỏ nhử vào
Bên đỏ ồn ào kéo quân vây chặt
Bên nào cũng ngặt, Ngựa đã nhập cung
Bàn cờ này trông cũng bông lung
Còn một nước cờ tàn lại qua đôi chú Chốt
Sắp bàn khác, bàn này không phải một
Đã ăn thua đây là bàn cuối cùng
Đỏ đen hết sạch của lưng, tiền bạc tay không
là nghỉ đánh
Ai Thần ai Thánh không dễ hóa tiền
Ai sĩ ai hiền lại không biết dại
Suy đi nghĩ lại, lợi hại mà chi
Bao nhiêu danh tướng tu mi
Đen đỏ cũng thảy vô bụng giỏ.
Các hiền đệ! Về nền Đạo còn trong sự
chia rẽ, quyền pháp mỗi nơi độc lập trong khối bản ngã hẹp chật. Về phần người
ta khôn khéo lợi dụng được cơ hội mà tiếng nổi danh đồn. Nội bộ của ta trên có Thần
Minh dìu dắt, dưới một nền tân pháp tối tân, thế mà trên dưới bất hòa, anh em
chia rẽ. Lời trên nói xuống nghe để ngoài tai. Ý muốn hợp thành nhưng phải dưới
quyền lãnh đạo. Tiếng bom đã nổ dội, sao chưa giựt mình? Dồn dập liên tiếp đến
đây mới cậy nương vào đâu để che tên núp đạn?
Theo khối người được không? Khối
người là cơn khói lửa. Theo khói lửa bị thiêu đốt còn gì. Sao không hợp tác
trong nội bộ, sợ mất quyền mất vị, mất lãnh tụ tay sai chi? Hèn nhục lắm!
Mối Đạo cứu thế kỳ ba, đứng trên nền
móng duy nhất và dung hòa thương yêu. Các người kia trái lịnh Trời ư? Phản bội
quyền pháp ư? Quên bổn phận sứ mạng ư?
Làm lành làm phải là danh dự rồi, còn
muốn cho thiên hạ khen tặng sao? Việc đó không thuộc về ta mà cầu cạnh người
làm gì?
Mắt ngó chân đi, tai nghe miệng nói.
Mắt để trông, tai để lóng. Nếu không khen thì không lóng sao? Không tặng thì
không trông sao? Các người biết lấy rằng cầu lấy cái gì thuộc ta, còn phần khen
chê không liên hệ gì đến ta cả.
Mỗi lúc hư đi thì buồn, nên được thì
mừng. Như thế cũng ngăn trở cơ tiến hóa. Gió thổi lá rụng, rụng lá vàng để nứt
lá non. Vậy chư hiền nơi đây nhớ rằng việc hư nên là cơ Tạo. Chư đệ chỉ làm
tròn sứ mạng thiên chức là đủ. Trung hưng của mình hay về người khác, ta vô tâm
mới là đạo pháp.
Mỗi khi khảo đảo đến thì buồn mà
tránh. Hồng ân đến thì vui mà gần. Sai
lầm to đó chư đệ.
Răng cứng để nhai vật cứng. Cứng
không phải để lựa những vật mềm. Nếu lựa các vật mềm thì răng ấy nhổ đi, để chi
vô ích.
Đây Hội Thánh măng [trẻ], người Thiên
ân tuổi trẻ. Các Hội Thánh khác già, chức sắc nua [già]. Người già còn nướu ăn
các vật mềm là ăn cho no chứ ý vị ngon lành chi. Sao sánh được tuổi trẻ trung,
răng còn cứng cát. Tuổi trẻ mà sợ đồ xương gân cứng cát là bộ răng đó bị hư
hỏng sâu trùng. Răng hư thì não thận suy, thần kinh gián đoạn.
Vậy khảo thí, chư đệ vui vẻ nhận
lãnh. Đó là Thầy cho. Đó là công cụ rèn luyện giá trị Thiên ân, đừng nên hất
hủi.
Về Hiệp Thiên Đài và Cơ Quan Minh
Tra, Bần Đạo từ lâu không phải khoán trắng đi đâu. Chư đệ sao rõ được cơ mầu
nhiệm. Bần Đạo muốn chư đệ có một bản lĩnh vững chắc về quyền pháp, có một giá
trị đạo đức, sau này mới đủ tư cách điều khiển cơ quan Bảo Pháp.
Bần Đạo thấy cần đào luyện nhiều về
thể xác, về tâm hồn. Các đệ đã được hòa mình sống cùng nhơn sanh, sống cùng
chức sắc. Các đệ làm việc cho Hành Chánh, cho Phổ Tế, cho các cơ cấu khác
chăng? Làm việc đó, đi lại đó là để học để biết, để sống cùng người bằng lòng
thông cảm yêu mến. Để giới thiệu tài đức công hạnh cùng các cơ quan. Để các cơ
quan có dịp thừa nhận.
Rồi đây các hiền còn phải làm cho
nhơn sanh, gần gũi nhơn sanh, sống liền cùng nhơn sanh. Nhơn sanh kính mến thân
cận. Mình thấu tâm trạng gia cảnh nội tình của nhơn sanh, đi chỗ nọ đến chỗ kia
để gieo quyền pháp bằng gây lòng tin và nắm được con tin để liệu phương dìu
dắt. Rồi bên trong sẽ ra bên ngoài cùng các chi phái để thi thiết quyền pháp.
Gieo rải tình thương giới luật, giới thiệu tư cách Thiên ân để rõ thông lòng
người ưa muốn mà liệu bề đưa nhau đến ngày duy nhất.
Đó là Hiệp Thiên Đài lập vị. Lập vị
là vậy. Lập vị bằng quyền pháp, bằng đức tin, bằng công phu công quả, và bằng
sự thừa nhận chính đáng của vạn linh.
Hiệp Thiên Đài có làm được như vậy
không? Nếu được thì đừng đòi hỏi ở Bần Đạo mà Bần Đạo sắp đặt cho. Còn không
nghe lời thì không treo tới giá.
Về tổ chức thì tạm thời trong giai
đoạn khói lửa. Gần đây việc còn nhiều mà thuộc về Thiên cơ cả, khó bày chỉ
trong lúc bình minh.
Vậy hiền đệ Thừa Quân còn việc chi
cần cấp, cần chỉ dẫn? Không thì chờ đàn sau.
[Sinh bạch …]
Không thể quyết định bằng ở mình mà
chờ lịnh. Việc gì Thầy cũng sắp đặt trước cả. Nhưng đi Nam thì chưa, mà việc làm Bửu Chương vị tất hoàn thành, nên
chỉ chờ lịnh, đến Lập Đông sẽ dạy. Cơ cấu phát sinh, mà sự phát sinh vào tiết
Đông Chí dương sinh.
Bần Đạo chào chư đệ.
Kể từ sau lễ kỷ niệm thành lập Hội Thánh lần
thứ hai (01-6 Mậu Tuất, 17-7-1958), Hội Thánh liên tiếp lập đàn và được nhận ơn
giáo pháp của Thiêng Liêng. Mặc dù Đức Chí Tôn cho biết sẽ hạn chế mỗi tháng
không quá một kỳ đàn, nhưng Hội Thánh vẫn liên tiếp một vài ngày, hoặc không
quá một tuần lại có đàn cơ. Những bài thánh giáo của các Đấng vô cùng cần thiết
cho việc chỉnh đốn, sửa đương quyền pháp và lập thân hành đạo. Mỗi hướng đạo
đều cảm thấy cần sống với điển quang trong cơn xáo trộn hiện tại, cả đời lẫn
đạo.
Sau kỳ đàn ngày 21-7 Mậu Tuất (04-9-1958),
các chức sắc cùng nhau nghiền ngẫm lời dạy của Đức Cao Tiếp Văn và Đức Đông
Phương Lão Tổ. Càng đọc, càng ngẫm, càng thấm thía lời dạy. Mỗi chức sắc đều
ngoan ngoãn từng đêm trong sự giáo dưỡng thật sâu sắc và thâm thúy của Thiêng
Liêng.
Đàn Tý thời ngày 26-7 Mậu Tuất (08 rạng
09-9-1958), tại Trung Hưng Bửu Tòa, Đức Chí Tôn giá lâm:
CAO thấp mặc người giữ chữ trung
ĐÀI linh Thầy ngự ấy lòng không
THƯỢNG thừa bí pháp tu công đức
ĐẾ Đạo ngày nên gắng lấy lòng.
Thầy mừng các con.
Giờ nầy Thầy đến cho mỗi con được
biết ý Thầy để sau khỏi điều hối tiếc. Thầy khai Đạo lần ba nơi đất nước được
chọn nầy. Thầy theo Thiên thơ cho các con đến để hợp tác cùng Thầy, lo truyền
bá đạo. Thầy tùy theo mỗi con mà dạy dỗ lần hồi, dẫn đưa từ bước. Chương trình
kiến tạo, sự nghiệp cứu thế nơi này cũng như các nơi khác đều bị Satan tìm đủ
cách phá hại. Thầy không cấm, không cho, mặc tình chúng nó muốn tham, kiêu ngạo
cho đúng lời tiên tri. Cũng chứng tỏ được lòng khoan dung của Thầy và lòng giác
ngộ của các con. Dù sao chương trình của Thầy chắc chắn phải thành công. Thầy
nắm trọn quyền pháp nơi tay, Thiên thơ có ghi chép đành rành. Con cái của Thầy
dù có mất mát, cuối cùng cũng trở lại đường Thầy đã phán, việc Thầy đã dành
cho. Các con sao biết được điều ấy.
Từ lâu Thầy đến cùng các con, Thầy
tùy theo ý con mà ban trao quyền pháp. Dù quyền pháp ấy chưa phải các con nên
giữ, Thầy cũng tạm gởi vào để các con làm nấc thang bước lên cho đến chỗ Thầy
định, là nơi các con an dưỡng lâu dài.
Các con hiện chừ lòng còn tham dục
theo ý muốn của mình. Thầy tùy sức con mà dạy bảo. Các con từ nay nếu bằng lòng
vâng chịu lời phán dạy của Thầy thì mọi việc được nên. Con phải đặt mối thông
công cùng Thầy, cầu nguyện giữ các lời răn dạy của Thầy, ý con theo ý Thầy. Ý
Thầy được nên thì quyền pháp con muốn gì Thầy cho nấy.
Bây giờ con muốn theo ý con, mà ý con
thì còn nhơn ngã thị phi, chưa phải ý Thầy. Vì vậy Thầy chưa muốn cho con một
điều gì theo lời hứa.
Con là người trong tôn giáo đạo đức,
không theo danh lợi trần thế chấp thường, nhưng còn bụng tham danh lợi, tạm cho
là danh lợi nhân nghĩa thế gian. Con đua chạy cùng người, tranh lấn nhau. Đành
rằng tranh lấn không phải cho cá nhân, tranh lấn cho tổ chức cũng là tranh lấn.
Còn tranh lấn còn giết lẫn nhau, còn công kích đối chọi nhau thì còn gây thù
gây oán.
Con dừng chân nghe tiếng gọi sau lưng
để trở về với Đạo. Đạo là yên lặng, quyền pháp ở nơi kín nhiệm. Trí người dù
khôn ngoan đến đâu, mưu chước dù bí mật đến đâu, hễ mưu hại ai chán chường thì
có mặt trời, mặt trăng soi rọi. Trong bóng tối thì không ngoài con mắt mầu
nhiệm của Thầy. Con đã theo Thầy sao không học Thầy phép đó.
Mọi việc ở đời đều đổ nát. Chỉ lòng
chân thật, lòng yêu thương còn mãi. Con không làm sao thấu đáo được huyền cơ.
Thầy mong con tin giữ các lời răn dạy. Cầu nguyện ý Thầy được nên thì ý con
được nên được trọn.
Con muốn gì, ưng gì? Bây giờ con được
chừng nào và làm theo ý con đã sắp đặt để lập lấy công quả, luyện lấy thân tâm.
Mọi sự khác, hoặc con đang đòi hỏi và chưa biết tới, nên để Thầy sắp đặt cho
con. Việc nầy con không e ngại lo nghĩ làm gì. Thầy đã tính rồi và biết thấy
lòng con.
Bây giờ Thầy dặn con một điều. Nên
nhớ, dù hoàn cảnh hay thời gian có đưa đẩy mau chậm ở đâu đâu, giữ lời Thầy mà
hành đạo. Nếu đắc thời gặp vận thì giữ lấy đạo cương thiện, đối mình xử đời mà dìu dắt lẫn nhau. Nếu không phải
cảnh đúng hồi, thì cũng giữ cho được đạo nhu thiện mà lo tu giữ đạo. Dù là Khôn, Khôn đã đắc trung thì thiện, mà thiện rồi cương
nhu cũng gặp nhau, đứng một chỗ. Nên con làm gì ở đâu hoặc cảnh nào cũng
giữ cho được trung đạo. Trung đạo đã bạc
như Khôn cũng nhu thiện hay hậu
như Càn cũng giữ được cương
thiện. Đã thiện thì không nói sai biệt mà như như bình đẳng vậy.
Còn ở đây, con được sai đi, con vâng
giữ lời răn dạy và nguyện ý Thầy được nên.
Con không khảo sát hào nhị quẻ Lâm để cho Lâm độ Thái, qua gặp lục tam đã chuyển
sang tháng 3, nên việc làm còn gặp nhiều trở ngại. Trở ngại đó là phần ngoài.
Mà ngoài nầy cũng ở phần nội quái. Biết trong nội quái có người nội bộ nhúng
tay cản trở thì con sẽ thấy là cơ khảo thí không vừa.
Rồi đây con sẽ được lời Lý Giáo Tông
giãi bày cơ Trời việc thế của Thầy cho con hôm nay. Việc gì đến đó sẽ tìm phăng
manh mối.
Về việc làm, theo Thầy nói trên, tùy
con lo sắp đặt.
Hai pháp đã hứa sẽ được ở lòng mỗi
con nối bằng đức tin.
THI
Cơ Đạo còn như ba lãng thuyền
Trời người nối lại vạn bang yên
Việc đời việc nước con châu thố
Thế vận thăng trầm cửu nhị niên.
Thầy ban ơn lành mỗi con.
Sau đàn nầy Hội Thánh quyết định sẽ thiết lập
đàn ở một vài thánh thất để gây tác dụng giáo pháp điển quang của Ơn Trên đối
với các họ đạo.
Ngày 28-7 Mậu Tuất (11-9-1958) Hội Thánh đưa
bộ phận thông công vào Hội An theo yêu cầu của đồng tử Liên Hoa. Thánh thất Hội
An hình thành năm 1952 tại phố cổ Hội An. Số lượng tín đồ khá đông do Lễ Sanh
Thái Tuyến Thanh (Huỳnh Quốc Tuyến) làm Đầu Họ Đạo. Đây là thánh thất quê nhà
của đồng tử Liên Hoa. Đàn cơ đêm đó Đức Thái Sơ Thanh giáng:
THÁI bình cũng đợi một thời qua
SƠ bộ xây nên cảnh Bửu Tòa
THANH bạch rèn lòng tu chánh pháp
GIÁNG thăng máy Tạo thấu chăng à!
Chào chư Thiên ân phận sự. Chào chư
đạo hữu nam nữ.
Giờ nầy Đạo Sĩ về đây báo đàn và cũng
để một đôi lời nhủ khuyên các em nơi thánh thất nầy.
Phần đầu bài thánh giáo Đức Thái Sơ Thanh
khuyên nhủ bổn đạo Hội An lo dọn mình tu học đón lấy hồng ân, vì nơi nầy đã
vượt một tiến trình khó khăn, đã cùng một lòng sống chết với Hội Thánh, cương
quyết theo Thầy, trên dưới hòa thuận thương yêu, tình anh chị em như ruột rà.
Đức Thái Sơ Thanh căn dặn bổn đạo nên ráng gìn giữ điều tốt đẹp ấy.
Đức Thái Sơ Thanh dạy tiếp:
Mấy em ôi! Đời sống của ta có tổ chức
chí hướng, lập trên nền tảng thương yêu giải thoát. Ta học lấy đạo đức của
Thầy, càng hạ mình bao nhiêu thì phần thưởng càng được lãnh thêm nhiều.
Ở trong một gia đình còn cần lấy trật
tự, trên cha dưới anh, kẻ lo việc nầy người làm việc khác. Dù việc sang hay hèn
cũng là việc của gia đình. Kẻ làm được một đồng, người làm được một chục, đều
bỏ chung, chẳng nói tôi hơn anh kém. Kẻ trong nhà tuy không phân công nhưng ai
nấy đều tự thấy bổn phận và trách nhiệm của mình mà lãnh công việc. Cha mẹ giữ
tiền, định việc. Con nhỏ, con lớn mỗi đứa sáng dậy đứa chống cửa, đứa quét nhà,
đứa nấu cơm, đứa gánh nước. Ai ở đồng lo việc nông trang, ai ở nhà lo nồi cơm trã
cá.
Không lẽ nhà không chống cửa? Lẽ thường mỗi đứa đều chia nhau không hề nhắc mà việc
làm xong. Không lẽ mười người một việc, hay mười việc một người? Mà không lẽ
đứa nhỏ làm anh, đứa lớn làm tớ? Vậy tổ chức lại càng quan trọng. Lớn còn nhờ ở nhỏ, nhỏ biết khiêm nhường.
Ví như một bụi tre, cây già, cây non,
cây cong, cây thẳng. Mầm sẽ thành tre, nên tre thì đốn. Đốn vào làm nhà, cây
nguyên làm cột, làm kèo. Cây bỏ đòn tay, cây làm rui, làm mè, làm lạt, làm
thép. Lạt nhỏ hơn mè. Mè nhỏ hơn rui, rui nhỏ hơn đòn tay, kèo cột. Đôi khi nhỏ cũng có sức
lớn. Như ghép nhiều nhỏ mà thành tấm, thành sườn.
Cây cong làm sao cho thẳng các em?
Có phải lấy lạt mà ghịt bó cây nầy với cây kia để cho bằng chăng? Nhỏ là lạt,
mà thiếu lạt không thành sự thành hình.
Và một điều nữa là tre còn trên
bụi khi bị gió bão ngã rạp xuống đất ngăn đường. Đáng ra ngã đi thì đốn, nhưng
tre ấy còn non, đốn cũng uổng. Người ta bèn lấy một thanh tre khác, để gông nó
lại với cây tre không ngã. Cây tre ngã bị gông, cây tre không ngã cũng bị gông
là sao? Gông cây không ngã để cho cây ngã trở thành hữu dụng. Thế thì việc đạo
cũng phải suy theo đó mà thương
người tận độ.
Thôi, mấy em thanh tịnh trong ngoài
đón tiếp Thánh Mẫu.
TIẾP ĐIỂN
LÊ la chơi mãi gọi không về
SƠN động chờ con trở lại quê
THÁNH lịnh ban ra chờ nóng dạ
MẪU từ thương xót nhớ buồn tê.
Bần Nữ chào chư Thiên ân. Chào chư ái
nữ.
Chư ái nữ ơi! Các trò còn mang thói
nhi nữ thường tình, hay so đo tính toán. Tu phải sửa lòng, ăn ở cho khoan hòa,
chị em tín thân dìu dắt lẫn nhau, đừng khi người ỷ mình, đừng già lời lắm chước
mà sai với đạo đức người tu. Cái bịnh của các trò là cái bịnh hẹp hòi, chưa
khoan dung đại độ mà người đời họ cho là đàn bà khê hác chi tâm.([8])
Hôm nay đã vào tu, học lấy chánh pháp
của Thầy, được Mẹ thương yêu dìu độ, thì phải vùng vẫy tiến lên. Cũng như sen ở
dưới bùn mà muốn cho bùn lầy nước đục khỏi phủ lên, lá sen phải vượt lên trên
mặt nước thì mới hứng được ánh sáng mặt trời, được phơi hương trước bầu không
khí. Nếu lá đã chìm đắm ở dưới bùn lầy thì ai quý ai khen. Sở dĩ vượt lên trên
mặt nước, mà người ta cho là nó vinh dự hơn các thứ hoa, vì nó sống trên bùn
lầy, trên sóng xao nước đục, trên những nhơ bẩn hôi tanh.
Các ái nữ làm sao được như sen vậy.
Mình cũng vượt lên trên tình dục, danh lợi của đời, lo tu hành bồi công lập
đức, thì khác nào như hoa sen thoát khỏi bùn lầy.
Ở đời phải mở lượng khoan dung, tha
thứ lỗi người thì Thầy Mẹ tha thứ lỗi mình. Mình vui vẻ trước sự đau khổ, lấy
dạ thương yêu không bỏ một ai. Dù người kém, nhỏ lớn cũng cũng chị em đồng thể
chịu ở mệnh Trời. Đứa khôn phải dạy đứa dại, đứa mạnh phải giúp đứa yếu. Là bổn
phận của kẻ làm công quả, ít hay nhiều cũng làm vui. Đừng so đo khinh trọng mà
chia tình đồng đạo. Các trò thấy một miếng mảnh sành mà còn hữu dụng trong lúc
chêm được cẳng ghế chưn bàn, thì không có gì vô ích. Kẻ làm sai cũng bài học
phòng ngừa. Kẻ làm đúng cũng bài học tiến tới.
(…)
Khá nghiêm đàn tiếp giá. Bần Nữ chào.
TIẾP ĐIỂN
NGỌC lành có vít cũng nên thương
HOÀNG Phụ hằng lo trẻ lỗi đường
THƯỢNG hạ thương yêu về mối Đạo
THẦY CÁC CON
Thầy mừng các con.
Các con ôi! Thầy rất thương yêu mỗi
con, dù nên người hay chưa nên người cũng mãi từ bi tìm phương cứu độ.
Con nên người là đứa đã giác ngộ về
quyền pháp đạo đức. Thầy mượn tay nó mà dìu dắt đứa chưa nên người. Thế mà từ
lâu Thầy dòm lại đám con đã chịu dưới quyền pháp của Thầy, nó làm không đẹp ý
Thầy mà gây nên nghịch lẫn. Thầy buồn, nhưng cũng hằng lấy lòng tha thứ để chờ
một ngày chúng nó sẽ tinh tiến mà ăn năn.
Thầy đã nói, lòng từ bi lần nầy Thầy
đến ở cùng các con, thiết lập nền Đại Đạo lần ba, quyết tận độ không bỏ sót một
đứa nào, dù đứa ấy hiện nay bị mưu chước cám dỗ mà phỉ báng Thầy. Thì những con
có trách nhiệm bởi Thầy trao cho, hoặc ở Hội Thánh hay thánh thất, xã đạo cũng ghi
nhớ lời Thầy, học hạnh khiêm nhường của Thầy mà lo bao dung phổ độ. Thầy rất
thương những đứa khờ dại của mấy con. Nó có biết gì, mà lòng nó chỉ thương Thầy
mến Đạo. Bởi cái loạn gây nên là ở người chức sắc, chức việc rồi lại đỗ lỗi cho
chúng nó.
Một thời gian Thầy rất ghê sợ cho
lòng tham dục của những con ganh tỵ nhau, tranh nhau từ chỗ đứng nơi ngồi mà
phạm đến hồng ân. Thầy rất đau khổ một điều: Thầy trao cho mỗi con cái gậy để
chống nương trên đường gai dốc, không ngờ các con sẵn gậy rồi đánh đập nhau cho
tan vỡ khối thân hòa.
Thầy phong thưởng hay chưa phong
thưởng, hoặc không phong thưởng cũng là quyền pháp tận độ của Thầy. Hoặc cho nó
để nương dựa lập công, làm phương giải thoát. Cũng như chưa ban trao, cũng ở
lòng vô ngại mà lập vị. Thế rồi đứa được phong lại ỷ thánh ỷ thần, lên voi cầm
vố,([10]) mặc sức tung
hoành mà chà đạp trên bao nhiêu người ngơ ngẩn dưới chân. Cũng có đứa được mà
không nhận, phụ bạc hồng ân, khác chi qua sông mà chẳng nương thuyền, muốn múc
nước giếng sâu chẳng cần gàu dây cho mượn. Con chưa được lại so bì xeo nạnh,
phỉ báng Thánh Thần. Ôi! Tu hành như thế thì còn gì là công phu, công quả!
Học đạo nhiều năm cầu cho được Thánh
Linh giải thoát, để chứng vị thiêng liêng mà một phút không dằn được lòng tham
sân ái dục, để cho hư hỏng, nghiệp ác dấy lên khác nào dã tràng xe cát. Thầy
rất thương tâm. Các con sao không trọn tin ở Thầy, chờ thầy phán định? Việc gì
Thầy sắp đặt cho con, con biết gì mà cầu xin, đòi hỏi?
Vậy từ nay các con lo thanh tịnh mà
lèo lái con thuyền, đưa nhơn sanh đến bến đến bờ. Đừng chần chờ sanh nạnh, mà
trễ tràng phải gặp cơn bão tố. Bão tố giữa vời ([11]) đừng tưởng thuyền đắm mà con khỏi chìm, thì
con biết Đạo phải chinh nghiêng thì là kẻ Thiên ân đắc tội.
Vậy từ đây các con không được tranh
giành nhau, nghịch lẫn nhau. Dù ưng dù không là ý con. Con phải theo ý Thầy là
con được nên, được cứu.
Thầy đã từ bi tha tất cả lỗi lầm
trong năm qua. Nếu đứa nào phạm phải luật pháp, nếu con nào ngỗ nghịch thì Thầy
giao cho Lý Thái Bạch phạt hữu hình, đừng than van trách Thầy không độ. Con nào
đã được hồng ân mà còn nặng mang việc bởi hoàn cảnh gây nên thì thành thật cầu
xin để thời gian làm tròn sứ mạng. Bây giờ làm được bao nhiêu, Thầy cũng tùy
hoàn cảnh mà miễn. Các tận sở năng.([12]) Nhưng có đứa Thầy phong bây giờ mà năm mười
năm sau mới thấy được khả năng phục vụ. Các con biết sao được mà phân bì xeo
nạnh?
Hội Thánh cũng đừng quá khư khư buộc
thẳng theo luật pháp mà công việc làm của đương chức không viên mãn quả phúc.
Đứa nào làm nhiều hay ít, tùy công giác ngộ mới đắc đạo, chứng vị. Các con chức
sắc đây không phải làm cho khỏi tiếng, hoặc làm để giữ yên chức vị mà tâm đạo
chưa ngộ. Làm vậy là thế gian quyền lợi còn chi. Nếu Đạo Thầy ngày nào đến đó,
là ngày suy. Mà hôm nay mới hưng khai, không lẽ chánh pháp để vậy? Cần được
giáo hóa gần đây.
Đây Thầy cho các con biết: (…) Thích
Ca, Lão Tử, Khổng Tử cũng là Thầy. Mà Thầy nói thầy lập Đạo bên Thái Tây, thì
Đạo nào cũng là của Thầy mà có ra. Con nào cũng ở Thầy mà đến, thì các con
không được kích bác chia rẽ, ganh ghét nhau. Nếu đã có lòng ấy thì phạm tội
cùng Thầy mà trái với tôn chỉ Kỳ Ba.
Dù chi chi cũng có Thầy trong đó.
Ngày giờ chưa đến, các con đợi Thầy. Đừng nóng nảy, đừng bất bình, để thanh
tịnh mà đón Thầy. Sau này kẻ ghét con là kẻ kính mến con. Người và nơi các con
cho là phải hay trái cũng chưa chắc theo sự đoán định được.
Sau này cơ thống nhất các tôn giáo
trên hoàn cầu là việc tất nhiên mà ý Thầy đã định. Thầy là ai kia mà chúng
không nhìn? Vì ngày phán đoán cuối cùng là ngày đó an toàn, năm châu chung chợ.
(…)
Về các việc, các con đã được Thái Sơ
Thanh chỉ dẫn. Thầy ban ơn.
Bộ phận thông công Hội Thánh lại tiếp tục vào
lập đàn ở thánh thất Trung Nguyên. Nơi đây vốn là Đức An Tự của bổn đạo Minh
Sư. Vào năm 1938, đạo Cao Đài được công khai tại miền Trung, toàn đạo Minh Sư
chùa Đức An quy hiệp Cao Đài và Đức An Tự được Ơn Trên dạy cải danh là thánh
thất Trung Nguyên. Bổn đạo chừng hai trăm người do Lễ Sanh Thượng Hòa Thanh làm
Đầu Họ.
Đàn Tý thời ngày 01-8 Mậu Tuất (12 rạng
13-9-1958):
BẠCH Ngọc Thầy ngồi mãi nhớ trông
HẠC linh nương bước đến trần hồng
ĐỒNG tâm đón rước ơn từ huệ
TỬ sĩ tu hành gắng quả công.
Tiểu Thánh chào chư Thiên ân, chức
sắc, chức việc và toàn đạo tâm. Đại tịnh, đại tịnh trong ngoài, thành kính đón
Thầy giá lâm.
TIẾP ĐIỂN
CAO dày che chở cả quần sinh
ĐÀI các sao vui cảnh một mình
THƯỢNG hạ mấy con lo trở bước
ĐẾ ân tận độ gắng công trình.
Thầy mừng các con. Thầy cho các con
an tọa nghe dạy.
Giờ nầy Thầy đến cùng các con nơi nầy để ban ân rưới phước và chứng lòng
đạo đức của mỗi con.
Đức Cao Đài Thượng Đế ban cho bài song thất lục bát ba mươi bốn câu, khuyến tu và khen ngợi bổn đạo Trung Nguyên đã dốc
tâm cố gắng vượt qua lầy lội chông gai
xây dựng ngôi thánh thất tạm xong để có nơi chiêm bái, tu học lập công. Thầy dạy tiếp:
Các con nơi này đã dựng lên được ngôi
thờ bằng công phu, công quả để làm nơi chiêm ngưỡng, làm chỗ nhà chung. Thầy
cũng mừng. Mừng là con đã nhận thấu lẽ Đạo, bỏ công góp của, xây đắp ngôi thánh
thất thờ Thầy. Công quả ấy cũng tiêu bớt nghiệt oan mà còn tô nền phước huệ về
sau.
Nhưng Thầy cũng lo. Sức nhỏ làm việc
to, nếu không cố gắng thì có thể làm trò cười bán đồ nhi phế, thì chẳng những
chẳng được công mà còn bị quở trách là khác. Nhưng Thầy đã cho chư Thần phù hộ
mà cũng được soi dẫn nhiều. Kết quả gỡ xong những rối rắm cho nhau. Thầy cho
biết rằng con còn có công có hạnh thì Thầy còn giao nhiều trọng trách và cho
nhiều khảo thí đến để mài giũa cho nên tốt đẹp hơn nữa.
Con đã xây nên thánh thất, làm nhà
chung cho một họ. Nhà chung là nơi mình ký thân sớm đi tối về, hết còn phải
biết, hư nên cùng chịu, chớ như khách qua đường. Đã làm cho có là việc dễ, giữ
cho được là việc khó. Con làm ra con phải giữ lấy. Nuộc lạt đứt, tấm phên hư
không phải làm lơ. Còn
phải coi trong ngó ngoài, lo còn lo hết.
Con xây được ngôi nhà thờ chung
nầy để kỷ niệm tấm lòng vì Đạo, vì Thầy. Con biết quý trọng đạo đức, biết làm nơi cho kẻ sau tới, kẻ mới về được che mưa đụt
nắng. Công ấy không vô ích, mặc dù làm hôm nay một cảnh đồ sộ mà mai đây đổ sụp
đó cũng không gì hối hận thương tiếc. Vì đã làm ra là đã được công rồi, còn đòi
hỏi chi nữa.
Con bán con trâu mua thêm ruộng. Có
ruộng phải mất trâu. Chớ không lẽ được ruộng mà cũng muốn con trâu sao được? Đã
đem công quả đổi lấy phước đức, cũng như đem tiền mua một vật gì hay trả một
món nợ. Nợ trả xong, tiền phải bỏ ra. Vật lượm lấy thì bạc cũng được bỏ ra, chớ
nên đòi hỏi lòng tham vô lý.
Thầy mừng các con xây cất đền thất
thờ Trời học đạo. Làm vậy
gọi là công. Con đem công trừ lòng ích kỷ, dưỡng lấy điều nhơn.
Nhơn loại hiện nay trên thế giới cũng
đem công, bỏ của ra để cung ứng cho chiến tranh, viện trợ bằng bom đạn, viện
trợ bằng kỹ sư bác vật. Chế tạo nguyên tử vũ khí để rồi giết nhau, tàn phá cõi
đời cho thành tro bụi. Công của làm như vậy chẳng những chẳng được thưởng mà
còn bị quở bằng sự trừng phạt của Thầy. Bên nọ như công dã tràng xe cát, bên
này như gò mối chun đùn. Mối đùn phủ thành gò để làm nơi yên nghỉ, lo gì miệng
gà.
Vậy con người hiểu đạo nên giác ngộ
quyền pháp mà quên thân làm nên lợi ích cho đời. Lòng có đạo đức thì làm gì
cũng có ích lợi cho quần chúng. Dù ở ngôi thủ lãnh hay kẻ tôi đòi cũng đẹp lòng
người, thuận ý Trời. Mà mất đạo đức đi rồi thì giữ địa vị nào, ở giai cấp nào
cũng hư hại cho nhân loại.
Nhưng bản thân người đạo đức không
phải chuộng bên ngoài. Ví như hạt lúa, sở dĩ giữ cho còn vỏ trấu là để bảo vệ
mầm chủng tử bên trong. Vì muốn giống lành được sống lâu dài, lợi nhơn ích đạo
mà giữ còn vỏ trấu, cũng như cái danh để bảo vệ cái thực. Muốn thấy được cái
thực cũng nhờ ở cái danh, vì cái danh mà bị lem ố đi, thì ai tin người đó có
cái thực. Vì vậy mà phải giữ cái danh để phô bày cái thực.
Cũng như giữ vỏ trấu để bảo vệ giống
lúa. Nên bóc vỏ ra thì gạo phải thành cơm, để vỏ lại thì lúa ấy phải sinh sản.
Các con ăn ở theo hạt lúa mà tu. Lúa là vật quý để nuôi sống cho loài người.
Nhưng quý không phải đội trên đầu, thờ trên tran mà phải bị vãi liệng nơi bùn
lầy. Bùn lầy là vũng hôi tanh mà lúa phải chịu chun đội ở đó, bị đất chôn lấp.
Nhưng mầm nhân không bị đè nén, không từng thối tha, bèn chỗi dậy vươn lên,
hứng lấy không khí, đón ánh mặt trời. Bây giờ người ta ai không sung sướng mà
trông thấy lúa xanh bông mượt, lòng thêm quý chuộng. Thì các con lấy đó mà suy.
Các con nơi nầy đã gắn cho cái tên
Trung Nguyên, cái tên tốt đẹp cao quý. Luôn luôn lấy đó làm pháp môn luyện kỷ tu
tâm.
Trung Nguyên là nguồn lớn. Lòng các
con là biển rộng, vì nước ở nguồn nhiều mạch, nhiều suối, nhiều mương, mỗi chỗ
một ít mà góp lại thành nguồn. Nhiều nguồn nước đổ ra biển. Biển là nơi chứa
đựng hứng lấy. Vì sao mà hứng lấy và chứa đựng được? Là vì thấp hơn sông rạch.
Thấp mà rộng, bởi rộng mới sâu, sâu cũng gọi là thâm nhiệm.
Còn cao hơn sông là suối. Cao hơn suối là mương rạch nhỏ nhen. Bởi vậy càng cao
càng nhỏ, càng nhỏ càng cạn, càng cạn thì có hồi phải khô. Vì vậy Thầy muốn các
con ăn ở như biển. Nghĩa là phải hạ mình, giữ lấy con người bực dưới. Mà con
càng thấp bao nhiêu thì càng ân phước bấy nhiêu. Hạ mình không phải hèn yếu, mà
là khiêm tốn nhún nhường, mà hạnh đó là hạnh của Thầy, con nên học lấy, đừng
nên hơn thua về thế gian, mà hơn thua về quyền pháp.
(…)
Thôi, Thầy ban ơn mỗi con. Thầy
thăng.
Rời thánh thất Trung Nguyên, phái đoàn Hội
Thánh về Trung Hưng Bửu Tòa nghỉ một tuần. Đến ngày mồng bảy đi thánh thất
Khánh Vân ở Tiên Phước. Thánh thất nầy trước là Khánh Vân Tự do cụ Nguyễn Nguyên
Giác lập năm 1936. Số tín đồ trên dưới hai trăm người do Lễ Sanh Ngọc Nhơn
Thanh (Nguyễn Y Nhơn) làm Đầu Họ.
Đàn Tý thời ngày 08-8 Mậu Tuất (19 rạng
20-9-1958), Đức Đào Hoa Thánh Mẫu giáng dạy. Về nữ phái, có đoạn:
Nầy nữ phái hồng trần sớm phủi
Dừng bước đời, lầm lũi mà chi
Lợi danh có lúc mất đi
Thế tình mây nổi, thịnh suy đổi dời.
Sau đó đoàn thông công lên luôn miệt nguồn
thăm thánh thất Trung Hòa. Thánh thất Trung Hòa nguyên là Bảo Tế Phật Đường
Minh Sư do đạo sĩ Võ Xương Học lập năm 1929. Khi đạo sĩ Võ Xương Học cùng bổn
đạo Minh Sư ở đây quy hiệp Cao Đài năm 1938 thì Ơn Trên cho cải danh Bảo Tế
Đường thành thánh thất Trung Hòa. Số tín đồ ở đây có cả Kinh lẫn Thượng, ước độ
ba trăm người. Đầu Họ Đạo lúc bấy giờ là Lễ Sanh Thượng Quang Thanh (Trần Tấn
Quang).
Đàn tại thánh thất Trung Hòa vào Tý thời ngày
10-8 Mậu Tuất (21 rạng 22-9-1958), Đức Quan Âm Như Lai giáng dạy. Về nữ phái,
có đoạn:
Này nữ phái nghe lời ta nhủ khuyên mà
tiến bước
Gắng công phu gội lấy phước từ bi
Đường còn dài chị em ráng mau đi
Đừng chậm rãi, trễ
khoa thi ngày tận độ.
([4]) Thời Chiến Quốc
có ông Vương Thiền, tự là Hủ, nên cũng gọi Vương Hủ. Ông xưng là Quỷ Cốc Tử, gọi
động núi nơi ông ở là Quỷ Cốc. Bốn học trò lỗi lạc của ông là Tôn Tẫn (người nước
Yên), Bàng Quyên và Trương Nghi (người nước Ngụy), Tô Tần (người Lạc Dương,
kinh đô nhà Chu).
Tôn Tẫn họ Tôn, không rõ tên thật là
gì. Vì Bàng Quyên mưu hại, ông bị chặt xương bánh chè ở đầu gối (tẫn), do đó gọi là Tôn Tẫn. (Truyện Tàu
bảo ông bị chặt hai bàn chân, hay mười ngón chân.) Tôn Tẫn là người nước Yên,
cha là phò mã Tôn Tháo, mẹ là công chúa Yên Đơn, ông nội là Tôn Võ Tử (tác giả
binh pháp Tôn Tử). Tôn Tẫn lên chín thì cha mất, được chú là Tôn Kiều (làm quan
đại phu nước Tề) đem về nuôi. Khi Tôn Kiều gặp nạn, lánh sang nước Chu, gia
đình sa sút, Tôn Tẫn phải đi làm thuê. Nghe nói Quỷ Cốc Tử tài cao phép lạ, Tôn
Tẫn tìm đến Quỷ Cốc xin học. Quỷ Cốc là cái động trong núi Vân Mộng ở Dương
Thành, đất nhà Chu.
Cùng học với Tôn Tẫn có Bàng Quyên.
Sau này nhờ quan tướng quốc nước Ngụy là Vương Thác tiến cử lên Ngụy Huệ Vương
mà Bàng Quyên được làm nguyên soái, kiêm quân sư. Khi biết Tôn Tẫn học được
binh pháp Tôn Võ Tử, tài giỏi vô song, Ngụy Huệ Vương bèn bảo Bàng Quyên hãy vời
Tôn Tẫn đến giúp. Sợ Ngụy Vương trọng dụng Tôn Tẫn mà bỏ rơi mình, Bàng Quyên lập
kế độc hãm hại, Tôn Tẫn bị chặt xương bánh chè ở hai đầu gối.
Tôn Tẫn giả điên thoát khỏi nước Ngụy,
sang nước Tề giúp Tề Uy Vương. Khi Tề và Ngụy đánh nhau, Tôn Tẫn lập mưu diệt
được quân Bàng Quyên tại Mã Lăng. Bàng Quyên rút kiếm đâm cổ chết. Trả thù
xong, Tôn Tẫn về ẩn tu ở núi Thạch Lư. Ngài thành Tiên, hiệu là Liễu Nhứt Chơn
Nhơn.
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Liễu Nhứt Chơn Nhơn
có giáng cơ nhiều lần. Tiền bối Phan Thanh (1898-1952), đắc quả Bạch Liên Tiên
Trưởng, vốn là đệ tử Đức Liễu Nhứt Chơn Nhơn. (Theo Huệ Khải, Thành
Ngữ & Điển Cố Trong Thánh Truyền Trung Hưng.)
PHẠM VĂN LIÊM