Hà Nội: Nhà xuất bản TÔN
GIÁO, 2016
CHÍN
Hội Thánh đã đón nhận phần giáo pháp trong thời khai cơ qua cơ bút. Phần
nhiều thánh giáo do chư Thiên Đồ Trung Bảo về dạy. Các hướng đạo ngày đêm
nghiền ngẫm ứng dụng hành theo; còn những vướng mắc, khó khăn cứ chờ tuần tự sẽ
bạch hỏi trong các đàn cơ.
Đức Cao Tiếp Văn cho biết đến ngày 03-01 Mậu Tuất (Thứ Năm 20-02-1958) mới
có lệnh khai đàn tiếp tục giáo pháp. Trong suốt giai đoạn sau lễ khánh thành
Trung Hưng Bửu Tòa, Hội Thánh mở các khóa học ổn định nhân sự. Những chức sắc
nòng cốt ở tại Hội Thánh không nhiều. Sứ vụ nặng nề đè trên vai hai vị Giáo Sư
Thượng Chí Thanh và Thái Sơ Thanh.
Các đàn giáo pháp của Ơn Trên từ ngót năm tháng qua là nguồn thánh huấn
thiết cần cho nền đạo Trung Tông. Việc xiển luận giáo pháp nầy phần lớn cũng do
hai vị Giáo Sư. Về Hiệp Thiên Đài là bộ phận phò loan và Thừa Sử Hồ Tân Sinh. Đích đến, đường đi và cách đi đều được Ơn Trên chỉ dạy rõ,
nhưng một nỗi khó là con người.
Quả thực, về nhân sự bị chi phối quá nhiều phương vị. Các chức sắc trọng
nhiệm thì sinh hoạt trong Nam, lo xoay xở tài chánh, lo liên giao, ngoại giao…
Số chức sắc tại Hội Thánh phải phân công, phân nhiệm, tính toan cho bề thế Hội
Thánh có bộ mặt xứng đáng là Hội Thánh
công vụ sứ đồ, lo kết tập kinh điển, thọ trì pháp môn, tổ chức liên tục
các khóa tu học, lập nội quy, nội luật. Nhất là Bửu Chương Pháp Đạo, thật sự
chưa có một chỉ dẫn nào rõ ràng để kết tập. Rồi còn phải chia các bộ phận xúc
tiến công việc Phước Thiện, Phổ Tế. Về xây dựng cơ sở nhân sinh lại phải kiêm
nhiệm chức vụ các Đầu Tỉnh Đạo.
Việc đưa người vào Nam hiệp đồng với văn phòng ngoại giao đặt kế hoạch liên
giao và xây dựng cơ sở để giao tiếp với hướng đạo có sứ mạng cộng đồng nhiệm vụ
thì Giáo Sư Thượng Chí Thanh và đồng tử Liên Hoa đã thi hành nhưng không kết
quả.
Bấy giờ đang vào mùa Đông. Ơn Trên ban lệnh ngưng cơ đến ngày 03-01 Mậu
Tuất (Thứ Năm 20-02-1958) mới khai cơ tân xuân. Các chức sắc Hội Thánh tạm thư
thả một thời gian. Mỗi người đều cảm thấy bồi hồi về những lẽ đạo tình người
trên con đường sứ mạng. Thật là hun hút xa xôi với bao nhiêu hứa hẹn và bao
nhiêu chông gai thử thách còn mất, bại thành.
Nhân trong giai đoạn thư thả nầy Giáo Sư Thượng Chí Thanh và Thừa Sử Hồ Tân
Sinh cố gắng nghiền ngẫm về Bửu Chương Pháp Đạo, soạn lục thánh giáo, lập từng
mục, từng chương. Còn các chức sắc khác thì nghiên cứu về lãnh vực Phước Thiện,
Phổ Tế, Minh Tra, Hành Chánh... Tất cả đều cố dùng tâm tuệ mà hiểu, sắp sẵn
những gì còn khúc mắc chờ kỳ khai cơ đến để bạch trình.
Thượng Giáo Sư Trần Nguyên Chí ngày đêm ưu tư nghiên cứu nội dung các thánh
giáo đã tiếp nhận trong kỳ Khai Cơ Giáo Pháp với tinh thần trách nhiệm của một
sứ đồ. Đặc biệt về Bửu Chương Pháp Đạo, tuy đã có những hé lộ cho thấy và có
lệnh kết tập, nhưng thật sự còn rất mơ hồ về cái khuôn vàng thước ngọc nầy.
Vào những ngày đông giá, cái lạnh miền Trung tương đối khắc nghiệt. Giáo Sư
Chí cảm thấy hơi khó ở trong người, nhưng vẫn miệt mài với công việc, không có
gì đáng kể. Nào ngờ vào đêm Giáng Sinh (Thứ Ba 24-12-1957, tức 04-11 Đinh Dậu),
Thầy đã triệu hồi bậc sứ mạng về với hàng ngũ Thiên Đồ. Thượng Giáo Sư Trần
Nguyên Chí đột ngột quy thiên làm cho Hội Thánh vô cùng bối rối, nhất là đối
với Thái Giáo Sư Như Sơ - người đồng vị đồng nhiệm. Những
nỗi đạo tình người như bức màn mịt mờ vây quanh Hội Thánh. Tất cả chức sắc đều
như thất thần trước sự ra đi của một bậc công vụ sứ đồ đang lúc cùng chung trải
tâm trường cho cơ giáo pháp.
Hội Thánh tổ chức lễ điếu tang Thượng Giáo Sư tại Trung Hưng Bửu Tòa trong
thổn thức nghẹn ngào. Nhất là phần viếng tế của Tỉnh Đạo Quảng Nam và Thành Đạo
Đà Nẵng đã làm cho rừng người áo trắng quỳ trước linh tọa nước mắt chảy dài
theo từng dòng văn điếu:
Kính thưa Hội Thánh lưỡng đài,
Trong bầu không khí bi cảm hôm
nay, chúng em xin thay mặt chư Thiên phong chức sắc, chức việc các ban ngành và
toàn thể đạo tâm nam nữ thuộc các thánh thất trong Tỉnh Đạo Quảng Nam và Thành
Đạo Đà Nẵng, xin phép Hội Thánh, chúng em được tỏ bày đôi dòng tâm khảm cùng
giác linh Anh Lớn Trần Thượng Giáo Sư trước cảnh Thánh phàm tách nẻo, Tiên tục
đôi nơi. Cúi xin Hội Thánh từ bi chứng giám.
Kính thưa giác linh Anh Lớn,
Cơ đạo Trung Hưng, thuyền tế độ
đều tay, cơn gió táp trời đông ảm đạm, khách trần hoàn trào lệ áng mây trôi.
Ôi! Than ôi! Anh Lớn ôi! Trong
vòng thánh địa Trung Hưng tráng lệ, dưới cảnh trời đông áo não u sầu, nhìn linh
tọa trang nghiêm của Anh Lớn thật lòng chúng em chi xiết quằn quại đau thương!
Đã đành rằng hồng trần là bể khổ,
sống thác ấy lẽ thường, hơn nữa bậc Thiên
sứ đi hay về đều là Thánh mạng, song tưởng đến tiền đồ Đại Đạo, nào nội giáo vô
vi, nào công truyền phổ độ, trên đường đầy ngăn trở, ma nghiệt buộc ràng, màn
vô minh chưa quét sạch.
Chúng em vẫn biết bước đạo luôn
luôn được ân điển của Thầy và các Đấng thiêng liêng soi dẫn, song với cõi ác
trược này thiếu người đưa đường chỉ lối, điều khôn dại, lẽ thiệt hư biết nhờ ai
dạy bảo. Với nhiệm vụ tu kỷ độ tha, hoằng pháp lợi sanh, biết cùng ai bàn bạc.
Kính thưa giác linh Anh Lớn,
Kể từ ngày cơ đạo chuyển về
Trung, nhờ công đức cao dày của quý Anh Lớn hướng đạo khai sáng, trải biết bao
sóng gió dập dồn, thuyền tế độ dường như lênh đênh trên biển cả.
Ôi! Than ôi! Trải mấy phen khảo
thí, bao trang sử bi hùng, Anh Lớn đã cùng chúng em đọc đi đọc lại nhiều rồi,
than khóc nhiều rồi, và đành thỉnh Thiên an mạng lo tiếp tục hoàn thành sứ mạng
người xưa, tô điểm sự nghiệp cứu thế của các bậc tiền nhân lưu lại.
Riêng chúng em còn thấy Anh Lớn
tháng ngày khỏe mạnh làm trụ cột cho chúng em, chung lo mọi công việc đạo đương
bề bộn, thật chúng em thầm mừng vô hạn. Nào ngờ hôm nay, Anh Lớn sớm phục lịnh
Thầy, an nhàn cảnh tịnh, bỏ chúng em bơ vơ nơi cõi thế nầy, không một lời trăn
trối.
Ôi! Anh Lớn ôi!
Trăng đầu nóc còn hình mường
tượng
Áng mây chiều ẩn dạng phong nghi.
Kể từ đây, tìm đâu thấy người anh
kiểu mẫu, một hướng đạo kiện toàn. Tuy pháp thể Anh Lớn yếu đuối, song tinh
thần luôn luôn khỏe mạnh. Anh là một bậc hướng đạo hy sinh, không kể đến đời
tư, quyết thoát tục ly gia, mưu hạnh phúc đời đời cho nhân loại. Anh là một con
người học rộng hiểu sâu cả Tam Giáo kinh điển, triết lý Đông Tây. Anh là bậc
chân tu đầy nhiệt huyết, hùng tâm hùng lực, nêu gương đạo đức nguyện dắt nhơn
sanh qua bờ giác. Với bản thân, rất đơn giản, cố thực hiện đạo lý Thánh Hiền.
Với gia đình, rất mực hiếu kính hòa thân, xử tròn nhơn đạo. Với quốc gia xã
hội, làm tròn bổn phận công dân, giữ vững lập trường, xây nền hạnh phúc hòa
bình cho người được hưởng. Với Đại Đạo, luôn luôn tích cực phục vụ nhơn sinh.
Lúc sanh tiền, Đức Liễu Tâm Chơn
Nhơn đã đặt nhiều triển vọng vào Anh Lớn trong công cuộc cứu thế Kỳ Ba. Anh Lớn
đã thực hiện dược đức hy sinh, tình bác ái, gương giải thoát hoàn toàn. Anh Lớn
đã từng bị bắt bớ giam cầm dưới thời Pháp thuộc, Nhật thuộc… Khi được tự do,
Anh Lớn đã vội nêu cao đức tin, làm nòng cốt cho đám nhơn sinh trong cơn khói
lửa tơi bời.
Ngày sóng gió tạm yên, lễ đoàn tụ
chan chứa tình linh sơn. Kẻ Bắc người Nam, kẻ ở nhà người vừa khỏi ngục, gặp
nhau đàm đạo hân hoan. Anh Lớn đã đem lại một nguồn sinh lực dồi dào cho toàn
đạo. Kế đến, lễ truy điệu các Thánh tông đồ, khởi động đạo pháp làm sống dậy
từng mỗi con tim. Đi song song với công cuộc Chỉnh Cơ Lập Pháp, xây dựng hàng
ngũ đạo đồ y theo chơn truyền chánh pháp, Anh Lớn đã làm tỏ tường thánh ý về cơ
chế ba phái, bốn cơ quan. Khi Khai Cơ Giáo Pháp, các khóa đào tạo chức sắc,
chức việc, chúng em được diễm phúc hầu nghe bao lời giảng giải của Anh Lớn. Còn
giai đoạn xây dựng Thánh Đền cũng như thành lập Hội Thánh, nào nội vụ, nào
ngoại giao, Anh Lớn đã tích cực hy sinh, có lúc ăn không ngon, ngủ không yên…
Ôi! Anh Lớn ôi! Người như thế,
tài năng đức độ như thế, Anh Lớn không xin Thầy ở lại dìu dắt chúng em còn đang
non yếu. Anh Lớn ôi! Chẳng bệnh hoạn bao nhiêu, mới hơn bốn mươi tuổi đời mà
đành quy khứ. Chúng em ân hận không hầu hạ cơm cháo thuốc thang để tỏ tình linh
sơn cốt nhục trong muôn một.
Trông chiếc quan tài, tưởng đến
tiền đồ, chan chứa lệ.
Nhìn ngôi Đền Thánh, tin nơi sứ mạng,
vái van Thầy.
Ôi! Anh Lớn ôi! Kể từ đây, trên
đường thiên lý lặn lội với phong trần, chúng em đành vắng xa Anh Lớn. Thiếu hẳn
một người anh đáng kính đáng yêu làm hướng đạo dẫn đường chỉ lối.
Giờ nầy, trước linh tọa Anh Lớn,
chúng em xin cúi đầu kính dâng lễ mọn, đốt nén hương lòng cầu nguyện hương hồn
anh được cao siêu thiên giới. Và xin anh luôn âm phò mặc trợ cho chúng em vững
bước trên đường tu công lập đức.
Chúng em xin đồng lòng hứa nguyện:
- Dù ở đâu và dù hoàn cảnh nào,
chúng em cũng vượt qua khó khăn trở ngại bên trong cũng như bên ngoài, noi
gương sáng của Anh Lớn còn chói lọi, xử tròn nhiệm vụ tu kỷ độ tha, làm xong sự
nghiệp của quý Anh Lớn còn dở dang để lại.
- Quyết bảo thủ chơn truyền chánh
pháp tận độ Kỳ Ba. Cùng Hội Thánh hoàn thành sứ mạng Trung Hưng Giáo Pháp,
thống nhất Giáo Hội, phổ độ quần sinh, xây nền đại đồng hạnh phúc tại thế gian
và xuất thế gian để ngày gặp lại Anh Lớn trước mặt Thầy sẽ vui mừng đã làm xong
sứ mệnh.
Kính thưa giác linh Anh Lớn,
Ân đức cao dày, bút mực còn trong lời lẽ
hẹp.
Đạo Trời sâu rộng, non sông như
cũng khóc buồn chung.
Thật chúng em đau đớn quá! Biết
nói sao cho hết nỗi buồn thương. Trong giờ ly biệt hôm nay, chúng em xin bộc
bạch mấy dòng thơ dại, cúi mong giác linh Anh Lớn chứng giám.
Phụng duy thượng hưởng.
Di hài của Thượng Giáo Sư Trần Nguyên Chí được an táng tại khuôn viên thánh
thất Trung Thành cũ (kiệt 8 Hoàng Diệu).
Mặc dù
biến cố quá lớn lao, quá đau thương, nhưng rồi Hội Thánh cũng phải sẵn sàng
theo thánh lệnh lập đàn cơ khai xuân vào Tý thời ngày mồng 3 Tết Mậu Tuất (Thứ
Năm 20-02-1958). Đức Cái Thiên Cổ Phật (Quan Thánh Đế Quân) giáng dạy:
Cái nghiệp nhơn sanh vẫn nặng oằn
Thiên ân quyền pháp sớm lo toan
Cổ kim vẫn một xuân đi lại
Phật Thánh lần ba chớ mỏi mòn.
Lão
chào chư Thiên ân chức sắc lưỡng đài. Chào chư nam nữ toàn đạo.
Hôm nay ngày khai cơ nhằm
tiết xuân tam dương khai thái, phân lập
tam quyền, thì bước đạo sẽ tiến qua một giai đoạn sâu rộng hơn. Giai đoạn nầy
bước qua thời Càn nguyên tượng nội
quái, là ngày Khai Cơ Tận Độ đã ban ba chương đạo pháp, coi đó mà làm. Nếu Hội
Thánh không thấy gì chướng ngại lòng mình thì sẽ tiếp trọn luôn chín chương
Khai Minh Bửu Pháp.
Hôm nay Thầy đến cùng Hội
Thánh lần nầy ở cùng con cái Người cho đến
ngày mãn kỳ Đạo Nghị Định số 3.
Trong thời kỳ ban Nghị Định,
Đức Giáo Tông đã thấy trước ngày mai đây sẽ gặp nhiều trở ngại, khiến cho nhiều
vị đại Thiên ân cũng phải thối bước trên đuờng sứ vụ. Nếu Thầy không hằng lân
mẫn từ bi, nhóm con cái của Người sẽ lọt vào tay chúa quỷ.
Thời kỳ Nghị Định Lão cầu
nguyện sao chư Thiên phong chức sắc và đạo hữu phải luôn luôn đặt mình trong
pháp đạo, tôn quyền trọng vị mà lo tu học lập công. Ba năm sau nữa sẽ vào Hội
Long Hoa mà dự ngày Khai Cơ Thành Đạo. Nếu ai không tuân lời thì đừng trách Lão
không lời nhắc nhở.
Đàn Ngọ mai, nhị vị Thiên ân
Quyền Phối Sư bái mạng thọ phong lãnh bửu pháp nhiệm quyền hành chánh. Vậy Hội
Thánh hôm nay có người lãnh đạo sau trước đã thành cơ chỉ. Phải lập đài thệ nơi
án Ngũ Lôi, đến Hiệp Thiên Đài mà thọ pháp (nhận châu). Vị Quyền Thái Giáo Sư,
Thầy đã có ý ban thưởng tại thế nầy để đến vị thiêng liêng dễ bề hành pháp.
Đàn
thượng nguơn Thầy ban sắc phong cho Thượng Giáo Sư Trần Nguyên Chí và cũng
trong ngày ấy để Người nhập cơ chào mừng toàn đạo. Cũng
ngày nầy sẽ nói về việc hành đạo giáo pháp hai năm Tuất, Hợi và sự mầu nhiệm
cần biết để thấy trước mà đề phòng, đặt mình nơi quyền pháp đạo. Ngày này sẽ
nói việc thành lập Hội Thánh Nữ Phái và điều kiện hành sự.
Đàn ấy chia làm hai việc:
1. Việc công truyền.
2. Việc bí nhiệm ban bửu
pháp. Hiểu thánh ý và sắp đặt.
Vậy giờ nầy Thầy giá lâm.
Toàn đạo có mặt được đến trước triều bái Chí Tôn và tiếp ân khai cơ. Nửa giờ
sau chỉnh đàn tái cầu.
Thôi, Lão chào mừng toàn đạo
ngày khai cơ tân xuân Mậu Tuất được thành công trên cơ tổng dượt. Lão cầu
nguyện ban ơn.
TÁI CẦU
THẦY CÁC CON.
Thầy mừng các con.
Ngọc thường giồi luyện giá nên xuân
Hoàng bệ Thầy lo mãi nhắc chừng
Thượng hạ môn sanh tu bửu pháp
Đế đàn thống lãnh cứu quần dân.
Thầy
miễn lễ. Các con an vị.
Giờ nầy Thầy đến để ban hồng
ân cho mỗi con được hòa đồng cùng khí xuân dương
đương thạnh mậu mà cương kiện bước tu, kiên trì cùng sứ mệnh.
Năm nay giờ khai cơ Thầy để
đầu Dần cuối Sửu với một ý nghĩa dương cương đương thịnh đạt của thời Lâm vượng tiến. Thế đạo từ đây có phần tốt đẹp hơn. Nghĩa là các chi phái trong
Tam Kỳ Phổ Độ đã chuyển hướng về nơi quyền pháp chỉnh pháp lần ba.
Nơi đây Thầy lại trao sứ mệnh
cho các con. Phải lên đường cùng nhiệm vụ cần cấp. Các
con cứ vui vẻ và yên tâm. Luôn luôn bên cạnh có Thầy và các Thiên Đồ bảo hộ.
Mặc dầu đàng quanh co lầy lội chông gai, các con khá cẩn thận dặt dè lượn bước
theo khúc đời mà làm xong sứ mệnh.
Đã đành việc khó người thường
mà lại đến một nơi có quyền có trí thì phải sợ phải e. Nhưng các con hằng thấy
người tông đồ các giáo phái đã làm được nhiều việc phi thường bởi đức tin và
lòng Thánh Linh hằng ngự. Thế thì hôm nay Thầy gắn nhiệm vụ vào các con là ban
ngôi vị cho Hội Thánh nơi nầy. Ngày
mai đây các chi phái sẽ về cùng pháp đạo tận độ của Thầy mà được việc là
ở người các con làm sáng danh nghĩa Đạo. Các con mỗi đứa tuân y lời Thầy.
Năm nay các con dù đi dù ở,
dù muốn dù không, cũng không dễ gì chọn lựa. Các con đều chung trong nghiệp khổ
của đời. Nếu tránh đường nầy cũng xoay ngõ nọ. Chạy sao khỏi nắng của trời hạ
gắt gao. Nếu mệt nhọc mà được công nên việc, hơn là cực khổ mà chẳng được ai
thương. Vậy các con tu tiến mạnh lên. Ra công giúp giúp Đạo, nỗ lực đôi năm để
rồi hoàn thành sứ vụ Trung Hưng. Các con tin và nghe Thầy sẽ thành công và được
cứu trọn vẹn.
Ngày nay Thầy lại gia phong
cho Hội Thánh Tông Đạo Truyền Giáo hai Quyền Phối Sư. Hội Thánh sẽ lần tới Chánh Phối Sư để
trọn quyền sửa đương cơ đạo. Các con thấy đó là một hồng ân chung cho kẻ
khuất người còn. Ấy cũng là Thiên cơ.
Các con biết sao được sự mầu
nhiệm của Thầy. Các con có tài lẫn đức cũng không thể làm được những điều phi
thường của sứ mạng Trung Hưng, phải cần sự hộ trì bên cạnh của các Thánh Thiên
Đồ. Số ấy cũng để làm môi giới giữa các con và các con ở những nơi sứ mạng
khác.
Các con cần có Thiên Đồ. Thiên Đồ là người của
khối Trung Hưng quyền pháp tách ra làm một việc mầu nhiệm hơn để quy hồi thánh
thể.
Các con được Thầy gần gũi
thương yêu, chẳng những đứa nên mà dù đứa hư cũng
luôn luôn tha thiết tận độ. Vì vậy các con được còn ở mãi cùng Thầy. Các con
không có thầy và Thiên Đồ bên cạnh thì sao chịu được sự quở trách hành phạt của
Tam Trấn chấp Thiên điều.
Lý Bạch hằng xin Thầy trọn
quyền chấp chánh để chấp pháp mà buộc tội, để phân minh chánh tà, chân ngụy.
Thầy thấy các con còn non nớt, nghiệp chướng còn nhiều, không nỡ cho phép để
Người hành sự. Nếu y pháp luật thì sự lừa lọc còn lại bao nhiêu. Mà các con
phần đông thì Thiên ân cũng bị giũ ra ngoài thánh thể. Vậy các con gắng tu.
Nơi nầy thành lập Hội Thánh
phần đông các con thiếu tin sức mình và thánh ý.
Các con là một nhóm bé nhỏ
sanh sau, thì có sánh so sao được cùng các nơi có trước là đàn anh lãnh đạo.
Hôm nay các con làm những việc để
quy phục mọi người về chánh pháp, các con đâu dám mà cũng không tin.
Nhưng không tin thì không bao giờ thành sự.
Các con cũng không lãnh hội
được thánh ý đã lý giải trong ba chương. Các con suy nghiệm xuân là mùa đầu
đương thịnh vượng làm chủ vạn vật, thế dương rất cương kiện uy nghi. Nhưng xuân
không phải thình lình mà có. Bắt đầu từ trong thể KHÔN cực thịnh là tiết đông
thiên mới tượng sơ hào. Hào dương còn lờ mờ trong bóng tối của buốt giá hoành
hành thì Đông Chí là mầm mống của xuân. Tại sao các con không tin quẻ PHỤC là
nguyên nhân của CÀN tượng?
Các con được Thầy soi dẫn thế
đạo hôm nay đã thành LÂM, không ra ngoài thì bị nạn. Cũng như hạt giống tượng
mầm không phá được vỏ ngoài thì hạt giống bị ẩm.
Hội Thánh các con hôm nay
phải thời đại hành Hiện
long tại điền, tất kiến đại nhơn. Các con thế
lớn ra làm những việc lớn, thế nhỏ ra làm những việc nhỏ. Nghĩa là người chưa
xuất gia tập giải thoát. Người giải thoát rồi lo gánh nợ quần sinh. Xã đạo thì
những nhóm trong gia đình phải gánh. Hội Thánh thì các họ đạo phải chuyên lo.
Năm nay các họ đạo mỗi tỉnh y
như cũ mà hành pháp. Từ Giáo Sư
chịu trách nhiệm về phương diện quyền pháp sứ mệnh.
Các chức sắc Hiệp Thiên Đài
có bổn phận đến tận các cơ sở hành pháp của chức sắc mà kiểm soát lại phương tu
lối tịnh và nói qua quyền pháp sứ mệnh của người Thiên ân. Tại Hội Thánh thì
lưỡng đài hỗn hợp mà phân
công trong lúc thiếu người. Về quyền hành thì ai giữ phần nấy. Nội bộ chỉ có
hai việc:
1. Hành pháp:
Mỗi cấp hành pháp lo giáo hóa, sửa đương, nhắc nhở đạo tràng tu học giữ đạo,
hành đạo, không nên mở rộng tổ chức, nghĩa là làm sao ai cũng được tu trọn vẹn.
2. Bảo Pháp: Truyền
thụ các pháp môn duy nhất, coi giúp đỡ chư đạo tâm và chức vụ làm tròn bổn phận
giữ đạo, truyền đạo. Trong nội bộ, hay người ra ngoài cũng làm hai việc ấy.
Các con hiểu chưa? Nghĩa là Hiệp Thiên Đài lo việc bảo pháp tiếp cơ; Cửu
Trùng Đài lo hành pháp xiển dương chánh đạo.
Về bốn cơ quan và nữ phái, sẽ dạy sau ngày rằm.
Các con y hành theo Nghị
Định. Có gì sẽ nói thêm. Ngày ấy [đại diện mỗi cơ quan] đến Hiệp Thiên Đài mà
tiếp lịnh.
Rằm là đàn chung cho Hội
Thánh tại Cửu Trùng Đài sẽ cho các con biết mọi việc. Còn sứ mệnh vào Nam, vào
đó lúc nào thấy trở ngại sẽ dạy. Bây giờ cứ chuẩn bị lên đường. Tùy các con
định liệu ngày khởi hành, nhưng không quá thanh minh.
Việc chức sắc năm nay buộc
phải công phu tịnh định cho nhiều để tránh bớt cơ khảo đảo.
Thầy y lời các con nguyện một
năm ba kỳ đàn vào tam nguyên được thiết lập tự do theo pháp đạo. Nhưng một điều các con có tiếp được chín
chương Bửu Pháp thì mới có thể Khai Cơ Tận Độ, bằng không nhiệm vụ các con
không đạt đến sứ mệnh trung hưng.
Thầy tùy duyên cũng tùy
nguyện mỗi con mà độ. Nhớ rằng tổ chức phải được vững chắc, liên lạc phải mau
chóng, trên dưới được đồng đều tin tưởng để bảo vệ chánh pháp. Còn không được vậy,
lúc biến loạn khó khăn phải dùng cơ bút mới trấn tĩnh được nội bộ.
Thôi, Thầy ban ơn mỗi con. Các con nên nghiệm lời Thầy. Xuân năm nay Thầy đã dạy năm ngoái
rồi. Xuân là vui ở cảnh chớ chưa phải ở tâm. Vậy xuân tâm các con nên giữ mãi
đừng xao.
Thầy chào mỗi con.
Đàn khai cơ tân xuân, Ơn Trên đã ổn định trước nên Hội Thánh chuẩn bị khá
chu đáo. Ngoài các chức sắc tại Hội Thánh còn có khá nhiều chức sắc, chức việc
và bổn đạo các thánh thất ở Quảng Nam về hầu.
Lần lượt qua lời Đức Cái Thiên Cổ Phật và Thầy chỉ dạy, ai ai cũng thấy lẽ
huyền nhiệm mịt mờ không sao lường được. Cơ đạo đến thời Lâm, thời của “Hiện
long tại điền, lợi kiến đại nhân”, thời của “đại hành”. Thế mà Thầy lại thâu
Giáo Sư Thượng Chí Thanh về hàng ngũ Thiên Đồ. Với vị trí của hai Giáo
Sư như đôi cánh đại bàng nay chỉ còn một. Giáo Sư Thái Sơ Thanh làm sao có thể
vững dạ đảm đương, vững tay sứ mệnh.
Trong cảnh xuân mới, nhiệm vụ mới mà cộng lực bị cắt giảm, Giáo Sư Thái Sơ
Thanh cố gắng vượt qua tất cả, sắp đặt mọi việc, chuẩn bị cho đại lễ Thánh Đán
Chí Tôn mùng 9 tháng Giêng. Không biết có phải vì quá buồn và quá lo mà Giáo Sư
lại ngã bệnh. Tưởng đâu chỉ là bệnh cảm mạo thời khí, nào ngờ vào đúng ngày lễ
Đức Chí Tôn thì Anh Lớn trút gánh nợ quần sinh, buông tay sứ mệnh, rời Hội
Thánh hữu hình, theo chân Thượng Giáo Sư về hàng Thiên Đồ Trung Bảo.
Toàn Hội
Thánh như đen kịt màu tang tóc trước tổn thất quá lớn lao. Tinh thần các chức
sắc suy sụp nặng nề. Nhưng rồi cùng nghiệm lại lời Thầy vừa dạy đàn khai xuân
để cùng chung vai, chung gánh nối tiếp hành trình:
Các con thấy đó là một hồng
ân chung cho kẻ khuất người còn. Ấy cũng Thiên cơ. Các con biết sao được sự mầu
nhiệm của Thầy. Các con có tài lẫn đức cũng không thể làm được điều phi thường
của sứ mạng trung hưng. Phải cần sự hộ trì bên cạnh của các Thánh Thiên Đồ. Số
ấy để làm môi giới giữa các con và các con ở những nơi sứ mạng khác. Các con
cần có Thiên Đồ. Thiên Đồ là người của khối Trung Hưng quyền pháp tách ra làm
một việc mầu nhiệm hơn để quy hồi thánh thể.
Và câu
thánh giáo của Đức Cái Thiên Cổ Phật:
Vị Quyền Thái Phối Sư, Thầy
đã có ý ban thưởng tại thế nầy để đến vị thiêng liêng dễ bề hành pháp.
Hội Thánh đành ngậm ngùi trước sự an bài của Thiên ý, lo sắp đặt hậu sự.
Tang lễ của Quyền Thái Phối Sư được cử hành bên linh sàng cố Giáo Sư Thượng Chí
Thanh. Ôi, một bên đèn hương thổn thức, một bên nghẹn ngào nuốt lệ khấu đầu.
Mỗi lòng người thấm sâu tình tử biệt qua lời điếu văn:
Kính thưa giác linh Anh Lớn,
Hôm nay, một ngày xuân mới mẻ,
chúng tôi, toàn thể Thiên phong chức sắc, chức việc Hội Thánh Truyền Giáo Cao
Đài có ngờ đâu phải chịu một cái tang đau buồn. Mới đó, Giáo Sư Thượng Chí
Thanh vừa chầu Thầy, lòng chúng tôi đang vô cùng đau đớn thì hôm nay Hiền Huynh
lại nối gót lên Tiên.
Hiền Huynh ôi! Nhà đạo kể ba mươi
ba năm Khai Cơ Giáo Pháp, thuyền đạo trải bao cơn sóng dập gió dồn. Chúng ta đã
từng nếm mật nằm gai, chung mùi tân khổ ròng rã bao năm đằng đẵng. Hôm nay kẻ
đi người ở đã phải nhọc lòng, huống gì âm dương đôi ngả, kẻ mất người còn, làm
sao khỏi trăm đoạn tơ vò khi tình nhân gian chật hẹp!
Hồi tưởng lại giác linh xưa, công
đức đủ đầy, đạo hạnh viên mãn. Mỗi trang sử đạo Trung Châu là một trang sử của
Hiền Huynh buổi sinh tiền đã góp công xây dựng.
Chúng tôi xin kính cẩn đứng trước
linh sàng mà bộc bạch tâm sự với Hiền Huynh ít nhiều quá vãng.
Hiền Huynh ôi! Đất linh khí sinh
người hào kiệt, quả Thiên ý không sai. Ai người dân Việt lại chẳng biết những
tài ba phát khởi của đất Trung Châu mà chính Hiền Huynh là kết tinh của đôi
chân tình Nghệ Tĩnh.([1])
Vốn sinh trưởng trong gia đình
nghèo khó, Hiền Huynh đã từng sống cái sống cố cùng mà cảm thông bao trạng huống của thói
đời đen bạc. Hiền Huynh là con một được nuông chiều quá độ, mà tuổi thanh niên
của Hiền Huynh là tượng trưng cho một thế hệ ngang tàng đã chiếm trọn nửa đời
người. Hiền Huynh là một tấm gương phản chiếu sự giác ngộ vô song đặt trên cả
mọi quyền năng thế tục. Còn gì hạnh phúc bằng biết cái biết của Thái Tử Tất Đạt
Đa, thương tình thương của Chúa Jésus Christ, để thức tỉnh người đời đi đến chỗ
giác ngộ cao siêu.
Hiền Huynh ôi! Kể từ ngày cơ đạo
Trung Châu phát triển, công đức của Hiền Huynh cũng bắt đầu từ đó cho đến bây
giờ. Hẳn Hiền Huynh không sao quên được cố Giáo Sư Nguyễn Quang Châu, người đã
tiến dẫn Hiền Huynh vào cửa đạo ngày Nguyên Đán Ất Hợi (1935). Từ ấy đến nay,
hai mươi lăm năm đằng đẵng, Hiền Huynh không một phút dừng chân. Dòng đời dù
khúc khuỷu, nẻo đạo dù chông gai, Hiền Huynh vẫn nêu cao cờ dũng liệt. Nắng hạ
dù gắt gay, mưa đông dù xối xả, Hiền Huynh vẫn một dạ thờ Thầy, vì nhân sinh mà
trải bao lao lý hiểm nghèo.
Thánh tịnh Thanh Quang, cơ sở đầu
tiên của nhà đạo miền Trung là do Hiền Huynh chung tay xây dựng. Thánh thất Từ
Quang, một ngôi chùa tranh làm nền móng cho cơ phổ độ chính là ngôi nhà của
Hiền Huynh hiến cúng.
Hiền Huynh đã phát nguyện xả thân
hành đạo, bất kể gian nguy vào tù ra khám…
Hiền Huynh ôi! Những tháng ngày
năm Ất Dậu (1945) Cái ngày hồi sinh của nhà đạo, ngày mà quý hướng đạo trở về
qua bao nhiêu năm an trí, tù đày trong lam sơn ám khí, nước độc rừng thiêng
dưới thời Pháp thuộc. Nhưng rồi pháp nạn dập dồn, chiến tranh tiếp diễn. Cùng
với sự lánh cư của người dân, Hội Thánh đã lập sở nông Phước Hội mà chính Hiền
Huynh đã góp công lao nhiều nhất.
Chúng tôi làm sao quên được những
đêm sương mờ che phủ, những buổi mai uất khí xông trời, đến những khi lặn lội
núi rừng cùng các bậc hướng đạo tiền bối. Biết bao gian khổ trong buổi loạn ly,
non sông cát bụi. Khi nhân dân điên đảo, đất nước điêu linh thì khối linh sơn
càng thêm khắng khít... Chúng ta đã sống trong tình thương Thượng Đế, mà cái uy
lực vô hình của Đấng Cha Chung nhân loại đã làm cho kẻ thương đời chân thật
nhiều lúc ngậm đắng nuốt cay, mà vẫn an nhiên tự tại.
Hiền Huynh ôi! Hẳn Hiền Huynh
không quên cái ngày thoát vùng nguy hiểm trên đường về Hội An cùng cố Giáo Sư
Nguyễn Quang Châu, gió mưa lụt lội, để cảm nghĩ đến ngày mai còn nhiều cam go
trắc trở.
Thượng Đế cũng đã thấu rõ công
đức của Hiền Huynh đối với nhà đạo như thế nào sau buổi đoàn tụ vui vầy, bắt
đầu một giai đoạn mới, nên đã ân phong cho Hiền Huynh phẩm Giáo Sư để tiếp đến
thời Khai Cơ Giáo Pháp. Hiền Huynh là người được Ơn Trên riêng chọn nhập tịnh
để thọ trì tâm pháp đầu tiên.
Từ ấy đến nay, sứ mạng trung hưng
thầy giao phó cho Hiền Huynh cùng chúng tôi đã bao phen chung lưng đâu cật.
Ngôi Trung Hưng Bửu Tòa được xây dựng do công phu, công quả, công trình của
toàn đạo mà chính Hiền Huynh đã đổ lắm tài lực vào đó. Một cơ sở mới mẻ tượng
trưng cho tinh thần phấn chấn của đạo tâm đứng sừng sững giữa thành phố Đà
Nẵng.
Hiền huynh ôi! Nhìn vào cơ đồ Đại
Đạo hôm nay, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi trước cảnh tử biệt sinh ly đã đành
mà phần trụ cột đã mất đi phân nửa.
Hỡi ôi! Mây khói bơ thờ, nước non
hiu quạnh, trước sau Thánh Hội kể có bao người. Thế mà Hiền Huynh lại rời chúng
tôi ra đi! Thú Non Bồng thanh thản nhưng hẳn Hiền Huynh không khỏi đoái tưởng
lại chúng tôi còn lận đận với thế đồ. Đạo Trời bao la
mà quyền năng tài lực còn khiếm khuyết, biết cùng ai khuya sớm luận bàn!
Trong giờ phút nầy
hay từ bao lâu, bên kia cõi Thiên Đình cao vọi, có ánh hào quang chiếu diệu
khắp bầu trời. Hẳn các vị Thiên Đồ đang họp mặt trong pháp nhiệm Thầy Trời mà
nhìn xuống thế gian, để rồi ngẫm lại buổi sinh tiền đã nói với chúng ta những
gì, đã phát nguyện ra làm sao, mà hẳn dù còn dù mất cũng không hề phôi pha
được.
Hiền Huynh ôi! Buổi
họp mặt cuối cùng để tiễn Hiền Huynh ra phần mộ, chúng tôi tin tưởng Hiền Huynh
lúc nào cũng còn bên chúng tôi mặc hộ âm phò để cho cơ đạo đến buổi vinh quang,
một ngày nào quy nguyên hiệp nhứt.
Than ôi! Rồi chúng ta
lại còn gặp nhau những khi tâm hồn thanh tịnh để cùng dắt dìu nhau đến cõi đại
đồng, đạt thành chí nguyện bình sinh.
Chúng tôi xin đốt nén
hương lòng theo làn khói tỏa, trong mùi trầm nhang nghi ngút nơi đây, kính dâng
giác linh gọi là khối tâm thành kính cẩn tạm biệt cuối cùng.
Kính xin giác linh
chứng chiếu.
Di hài của Quyền Thái Phối Sư Nguyễn Như Sơ
được an táng song song với ngôi mộ Giáo Sư Thượng Chí Thanh tại khuôn viên
thánh thất Trung Thánh cũ, kiệt 8 Hoàng Diệu. Hai ngôi mộ nầy đến năm 2011 được
Hội Thánh cải táng về Thánh Lâm Phước Địa – nghĩa trang chung của Hội Thánh
Truyền Giáo tại Hòa Khánh.
PHẠM VĂN
LIÊM