Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

III. NHỊP BƯỚC SỨ MẠNG (Sự Nghiệp Trung Hưng / Phạm Văn Liêm)



III. NHỊP BƯỚC SỨ MẠNG
Chỉ còn một tuần lễ đến rằm tháng 8. Đang thăm thánh thất Trung Hòa ở miền nguồn Tiên Phước, phái đoàn Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài lục tục trở về để chuẩn bị cho lễ Đức Mẹ Diêu Trì. Kỳ lễ nầy là lần thứ ba sau khi khánh thành Trung Hưng Bửu Tòa. Giai đoạn nầy nữ phái được Ơn Trên chăm sóc việc xây dựng đoàn thể, khuyến khích đường tu giải thoát.
Tiền bối Võ Thị Phi Yến đảm đương trách nhiệm Tổng Đoàn Trưởng Nữ Đoàn Giải Thoát và thường trực chỉ đạo Văn Phòng Nữ Phái. Tiền bối Trần Hương Thục làm Đầu Phòng Văn và hai tiền bối cộng sự là Triệu Hương Huyên và Phan Hương Hòe. Bốn nữ Giáo Hữu này đã noi chí hướng ly gia cát ái, giải thoát thế trần của tiền bối Trần Doãn Cơ (Bảo Thọ Thánh Nương) với câu nói: “Thượng đẳng nữ lưu, bất hố tha nhân phụ mẫu.” (Người con gái hạng cao, không gọi người dưng là cha mẹ.)
Tiền bối Võ Hương Yến sinh năm Quý Mão (1903) thuộc gia đình lễ giáo tu đạo Minh Sư. Là học trò của hai tiền bối Huỳnh Ngọc Trác và Trần Nguyên Chất, tiền bối Hương Yến có tinh thần mới mẻ, tiến bộ, phóng khoáng, kiến thức vượt ngoài hạn hẹp nhi nữ thường tình. Tiền bối đã lãnh Thiên ân chức sắc Tam Giáo Minh Sư phế đời hành đạo tại chùa Tây Thiên. Năm Mậu Dần (1938) tiền bối theo hai ngài Trần, Huỳnh cùng quy hiệp Cao Đài. Năm Canh Thìn (1940) tiền bối được cử làm Phó Hội Trưởng Liên Đoàn Nữ Phái Hội Thánh. Năm Nhâm Thìn (1952) tiền bối thọ Thiên phong Lễ Sanh, giữ Tổng Đoàn Trưởng Nữ Đoàn Giải Thoát và thường trực chỉ đạo Văn Phòng Nữ Phái Hội Thánh.
Tiền bối Trần Hương Thục tên thật là Trần Thị Huyên (còn gọi là Trần Thục Cơ, do tiền bối Huỳnh Ngọc Trác đặt). Tiền bối sinh năm Tân Dậu (1921), là em ruột của Bảo Nguơn Chơn Tiên Trần Nguyên Chí và Bảo Thọ Thánh Nương Trần Doãn Cơ. Gia đình theo đạo Minh Sư và cùng quy hiệp Cao Đài năm Mậu Dần (1938). Tiền bối xuất gia, là thành viên nòng cốt của Liên Đoàn Nữ Phái. Năm Canh Thìn (1940) tiền bối được đưa ra Hà Nội học tiếng Nhật. Năm Tân Tỵ (1941) tiền bối bị mật thám Pháp bắt trong lễ tang thân mẫu tiền bối Huỳnh Ngọc Trác. Năm Ất Mùi (1955) tiền bối được ân phong Lễ Sanh, năm Bính Thân (1956) lên Quyền Giáo Hữu, năm Mậu Tuất (1958) thọ Thiên phong Giáo Hữu.
Tiền bối Triệu Hương Huyên (tên thật là Triệu Thị Huyên) sinh năm Quý Hợi (1923). Gia đình tu theo đạo Minh Sư và tiền bối cũng quy hiệp Cao Đài năm Mậu Dần (1938). Năm Ất Mùi (1955) tiền bối được ân phong Lễ Sanh. Năm Bính Thân (1956) thọ Thiên phong Quyền Giáo Hữu. Năm Mậu Tuất (1958) thọ Thiên phong Giáo Hữu.
Tiền bối Phan Hương Hòe (tên thật là Phan Thị Hòe) sinh năm Nhâm Tuất (1922). Tiền bối là ái nữ cụ Cửu Khanh Phan Thiện Trì. Gia đình tu theo đạo Minh Sư. Năm Mậu Dần (1938) được sự hướng dẫn của hai tiên sinh Huỳnh Ngọc Trác, Trần Nguyên Chất nên tiền bối quy hiệp Cao Đài. Vốn con nhà Nho, gia đình giàu có, tiền bối Hương Hòe được trau giồi Hán văn và quốc ngữ. Tiền bối có chí xuất gia tu học. Ngay từ buổi đầu về với Cao Đài, tiền bối Hương Hòe đã tích cực lập công tại thánh thất Trung Thành rồi thánh thất Trung An. Tiền bối chăm lo gánh vác nhiều đạo sự của các Tiểu Hội Vạn Linh… Năm Tân Tỵ (1941) tiền bối bị mật thám Pháp bắt giam, cùng với quý tiền bối hướng đạo trong lễ tang thân mẫu tiền bối Huỳnh Ngọc Trác. Năm Ất Dậu (1945) tiền bối được trả tự do về tiếp tục theo chân hướng đạo lập công. Tiền bối được cử giữ chức thư ký Liên Đoàn Nữ Phái. Năm Quý Tỵ (1953) tiền bối thọ Thiên phong Lễ Sanh, chỉ đạo nữ phái thánh thất Trung An. Năm Mậu Tuất (1958) tiền bối thọ Thiên phong Giáo Hữu.
Võ Thị Phi Yến, Trần Hương Thục, Triệu Hương Huyên, và Phan Hương Hòe là bốn nữ Giáo Hữu trụ cột của nữ phái Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, từng dày dạn với nghịch cảnh, luôn phấn đấu hy sinh, quyết vượt lên thường tình, nâng cao nguyện lực phục vụ nhân sinh và Giáo Hội. Chí hướng bốn vị có ảnh hưởng lớn trong hàng quần thoa đạo chúng.
Vào ngày 13 trước lễ, nữ phái Hội Thánh xin lập đàn cơ để xin sự chỉ dạy của Ơn Trên về ngày lễ tấn tôn, nhất là cầu nguyện sự linh hướng của Đức Bảo Thọ Thánh Nương.
Đêm 13 rạng 14 vào giờ Tý, đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa, Đức Bảo Thọ giáng.
THI
BẢO nhau giữ lấy mối thân hòa
THỌ nhiệm pháp quyền phải thiết tha
THÁNH Mẫu từng phen khuyên dạy bạn
NƯƠNG thuyền bát nhã thoát mê hà.
Bản Nương chào chư Thiên ân. Chào chư chức sắc và chư đạo muội.
Giờ nầy nơi Tây Cung, Từ Mẫu tiếp được lời cầu của quý hiền muội, liền cho Bản Nương truyền lịnh. Ngày trung thu đến đây là ngày tươi đẹp hân hoan mà toàn thể nhơn loại đều thọ lấy hồng từ, nhuận lòng thanh tịnh, ngày mà chư quý muội đón mừng quyền pháp, đón lấy tình yêu thương nồng hậu của bà Mẹ hiền từ hằng yêu mến tận độ chúng sanh.
Thánh Nương dạy tiếp:
Chị em hãy dừng bước nơi đây, quay đầu trở lại. Đừng còn mơ mộng chuyện đời, chấm dứt lòng dạ ham muốn, thì vạn sự thành công. Làm được việc lớn lao giải thoát, tìm đến tự do là chỉ chấm dứt lòng ham muốn. Chấm dứt được là hòa bình tự do. Không chấm dứt được chẳng khác nào biển trần còn sóng gió.
Bởi mình ham muốn, bởi mình tham
Muốn bởi mình tham, phải lộn phàm
Tham phải lộn phàm, cam thống khổ
Phàm cam thống khổ bởi mình ham.
Bây giờ Bản Nương xin mừng chúc quý chị em mạnh khỏe để tu, để làm tròn thiên chức sứ mạng, để lo phương cứu chuộc loài người, để đẹp lòng Thầy Mẹ. Thế gian người ta chúc nhau bằng mạnh khỏe. Bản Nương cũng mừng chị em hằng mạnh khỏe. Nhưng chữ mạnh khỏe người ta biết dùng mà không biết ý nghĩa của nó. Mạnh là hơn người, khỏe là hơn mình. Hơn người là hơn cái gì? Hơn mình là hơn làm sao?
Hơn mình là làm chủ được mình, điều khiển được thất tình lục dục, khiển sai ý chí theo lẽ phải điều lành. Chị em có khỏe được mới sai sử, ngự chế lòng dục nơi mình. Lòng dục đã yên lặng rồi thì con người mới khỏe. Người được khỏe thì sáng suốt làm những điều thiên nhiên, mà sai sử tự nhiên. Người của ta muốn khỏe là trước hết dừng bước ham muốn đi. Không đón tiếp cảnh sắc bên ngoài nữa làm bận rộn lòng, không thanh tịnh. Được vậy thì lòng mình yên lặng. Yên lặng được thì khỏe khoắn. Khỏe khoắn rồi mới gánh vác được trọng nhiệm quyền pháp mà thay Trời làm đạo.
Mạnh là hơn người, nghĩa là không chịu nô lệ cho thói đời, cho người cám rũ, cho thắng được hoàn cảnh khổ đau, trước bao nhiêu ngăn trở mà không thối bước.
Vậy chị em ráng cầu nguyện đón lấy ngày trung thu mà dâng lễ tiếp hồng ân. Mẹ sẽ về dạy.
Bây giờ nói đến đoàn giải thoát, Bản Nương có ý làm sao xây đắp cho được tâm nguyện. Tâm nguyện mà vững thì chí hướng được tròn. Bây giờ chị em muốn gì, ưng gì mà lòng giác ngộ chưa có thì cái ưng cái muốn của mình cũng là ưng muốn cho tình dục. Mà tình dục gốc vô minh. Vô minh rồi có muốn có ham cũng kết quả bằng phiền não. Đã đến giai đoạn Khai Đạo rồi thì lòng dạ chịu đựng không nổi cho nghiệp chướng lôi trì vào trong mưu chước cám dỗ.
Vì vậy sự giải thoát đòi hỏi ở lòng giác ngộ ở chị em một con đường rõ rệt. Con đường ấy cuối cùng là trọn được tự do. Nên bây giờ chị em còn thời gian soát xét. Nếu quyết đi phải dẹp bỏ gánh đời trên vai. Đi tay không cho khỏe. Đừng đùm đề mang xách theo làm gì mà nặng nề mệt xác, rồi một quãng xa cũng hất bỏ bên lề. Vì đời là âm nên đời phải nặng, mà trời là dương chứa chất nhẹ nhàng. Nặng thì làm sao đến đó? Ta phải bỏ hết mà đi, bỏ sợ đói sợ nghèo.
 Thôi Bản Nương chào. Mời chị em đón lời giáo hóa của Đức Từ Tôn trong ngày trung thu xán lạn.
Qua đêm 14 lễ cúng Phật Mẫu vào giờ Tý dành cho nam phái để giờ Ngọ rằm sẽ do nữ phái cử hành đại lễ. Sau giờ cúng Tý, đàn cơ thiết lập trong Bửu Điện. Đức Bảo Thọ Thánh Nương báo đàn, Đức Vô Cực Từ Tôn giáng dạy.
THI
VÔ lượng từ bi độ chúng sanh
CỰC lòng vì trẻ bỏ không đành
TỪ nay Mẹ dặn con tuân giữ
TÔN trọng pháp quyền chớ ghét ganh.
Mẹ mừng các con.
Hôm nay ngày vui mừng được trông thấy lòng yêu mến của đám con hồi hướng theo về với Đạo. Nơi đây cũng như mọi nơi khắp trong nền Đạo, các con giờ nầy được sung sướng dâng lễ chúc tụng công đức của Mẹ. Mẹ vui mừng đón lấy lòng thành và ban ơn cho mỗi đứa.
Tiếp theo, Đức Mẹ dạy rằng Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài đã tiếp được nhiều ân phước nhưng cũng nhiều khảo đảo. Đức Mẹ đã cho Cửu Nương, chư Thánh đến điều độ. Đức Mẹ dặn từ nay muốn tránh sự lừa phỉnh, cám dỗ của quỷ ma thì lòng giữ cho thanh tịnh. Lòng thanh tịnh thì liên lạc cùng Mẹ rất dễ dàng. Từ đó trí tuệ phát hiện, quyền pháp sáng rỡ, để gánh vác sứ mạng Thầy Mẹ trao.
Đức Mẹ cho một bài thi dài với bốn câu sau cùng là:
Đừng hơi đâu luận bàn thế sự
Chuyện thị phi lành dữ ngoài tai
Để lòng thanh tịnh hôm mai
Đón chờ ân phước Cao Đài Thầy ban.
Và Đức Mẹ dạy tiếp:
Mẹ hôm nay muốn nói cùng các con về ý nghĩa chữ Thầy và Mẹ. Các con biết gì mà không tìm được nguyên lý của nó? Các con phần lớn trong Đạo đã biết gì về hai chữ đó?
Nói đến tiếng Mẹ thì phần nhiều đứa cho Mẹ là mẹ của nữ phái mà không tìm hiểu trời đất vạn vật chỉ có khí nầy là Mẹ, khí nầy mà các con gọi là Vô Cực Từ Tôn, vạn hình nương đó.
Chỉ có Mẹ mới đầy đủ lòng yêu thương. Nói lòng yêu thương thì không ai hơn là Mẹ. Vì vậy mà từ lâu Mẹ hằng phân thân hóa độ khắp các nước mà độ dẫn các con.
Hôm nay Tam Kỳ Phổ Độ thiết lập, chuyển nguơn tiêu diệt trở lại nguơn bảo tồn tái tạo, các con huờn sinh là ngôi Mẹ. Mẹ là lòng yêu thương, các con phải trở về sống trong lòng Mẹ thì được bình an vĩnh cửu. Mà muốn trở về sống trong lòng Mẹ thì phải nương lấy pháp là Thầy. Không Thầy làm sao thoát được mê đồ ra ngoài khổ hải? Nên người đời nói: “Không thầy đố mầy làm nên.”
Vì vậy mà có quyền pháp. Có quyền pháp nên tượng hình Vô Cực, Thái Cực để chỉ cho con thấy cơ mầu nhiệm ở đó là ẩn, ở đó là hiện. Ẩn hiện là đóng mở then chốt huyền vi. Nên nói ẩn, nói hiện cũng là cơ tận độ. Con nên hiểu mà tìm lấy Đạo.
Thầy là gì, Mẹ là gì, mà hôm nay các con tu được có Thầy dạy dỗ, có Mẹ nấng nuôi? Thầy lại cầm cả quyền chủ tể chí tôn mà cũng là Cha chung vạn loại, thì ân phước đến cho các con đầy dẫy, phải gắng tu hành.
Có dịp Mẹ sẽ cho Bảo Thọ lý giải.
(...)
Sự hành đạo nữ phái năm nay rút gọn thu hẹp về phần tổ chức, nặng về phần giáo hóa sát tận cơ sở nhơn sanh, xây dựng người đủ đạo đức.
Tái cầu có Đức Lục Nương và tiếp theo là Đức Bát Nương thừa lệnh Diêu Cung điểm danh nữ phái chức sắc và Nữ Đoàn. Cuối phần điểm danh, Đức Bát Nương dạy:
Mài gươm trí tuệ dứt trần nhơ
Bến giác cùng nhau dẫn đến bờ
Cảnh tịnh vui vầy an cõi tục
Nhà thuyền rạng rỡ bước thang mây.
Thang mây đưa thẳng đến Diêu Đài
Cực Lạc mau về đó bớ ai
Nếu chẳng hồi tâm lo hướng đạo
Thì e lạc bậy xuống âm đài.
Âm đài đen tối lắm em ôi
Đừng có dại chi xuống đó ngồi
Khổ não đã đành, tai biến nữa
Núi gươm rừng lửa cháy tơi bời.
Xong lễ tấn tôn Phật Mẫu, một tuần sau bộ phận thông công và các hướng đạo Hội Thánh đến thánh thất Trung An ở An Tráng, Thăng Bình thuộc tỉnh Quảng Nam.
Trung An nguyên là Tam Giáo Tự của Minh Sư do hai tiền bối Trần Nguyên Chất và Huỳnh Ngọc Trác tạo dựng năm Giáp Tý (1924). Hai tiền bối Trần, Huỳnh thọ giáo Minh Sư với ngài Võ Xương Kỉnh tại Tây Thiên Tự. Năm Đinh Sửu (1937) Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang ra Tây Thiên Tự phổ hóa môn sinh Tây Thiên Tự và Tam Giáo Tự để đạo đồ Minh Sư quy hiệp Cao Đài. Vào năm Mậu Dần (1938) Đức Quan Thánh Đế Quân giáng, ban hiệu thất là Trung An. Đầu họ đầu tiên là tiền bối Trịnh Thanh Thảng (Trịnh Trung Tín). Có lần cụ Phan Sào Nam vào thăm thánh thất Trung An đã tặng một câu đối:
Đất Chúa, chùa làng, phong cảnh Phật
Rừng Nho, biển Thánh, nước non Tiên.
Phái đoàn Hội Thánh đến thăm bổn đạo Trung An vào buổi sáng ngày 23-8. Đàn Tý thời 24-8 Mậu Tuất (06-10-1958), Đức Bạch Hạc Đồng Tử báo đàn, Đức Vô Lượng Thọ Quang (Phật A Di Đà) giáng dạy:
Từ thuở khai thiên tịch địa sanh nhân, Bần Đạo khâm thừa sắc lệnh giáng hạ khắp Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giới, Thất Thập Nhị Địa Cầu, thay Trời dìu dắt muôn loài trở về cùng thánh đức. Suốt hai lần mở Đạo (Nhứt Kỳ, Nhị Kỳ) Bần Đạo khó nhọc biết bao. Nào ngăn cản tà quyền, nào bảo an thiện tín, nào chấn hưng Phật pháp, nào mở rộng Thiền môn, kể sao xiết, viết sao rồi! Thế mà chúng sanh được mấy người biết nghe lời chỉ giáo. Ôi, thương thay! Khổ thay!
Lần ba ngôi Tạo Hóa dùng huyền năng, pháp lực tận độ quần linh. Bần Đạo được lãnh sứ mạng tiếp dẫn chư đẳng chúng sinh hóa Phật Tiên Thánh Thần hầu trở về ngôi vị. Bần Đạo đến với muôn loài bằng điển quang linh diệu. Chư đạo hữu muốn theo Bần Đạo trước hết phải có phần điển quang linh diệu. Được như thế thì phần siêu độ mới được dễ dàng chắc chắn.
Tái cầu:
HƯNG khai chánh pháp khắp hoàn cầu
ĐẠO lý tỉnh mê thấy nhiệm mầu
TỔNG nghiệp tu bồi oan trái sạch
LÝ tình Long Hội chẳng bao lâu.
Bản Thánh chào mừng chư Thiên phong chức sắc cùng toàn đạo nơi đây. Nơi đây đã được vinh hạnh đón tiếp Phật A Di Đà giáng hạ, lại được hồng ân che chở của Người, thật là quý hóa! Phật Vô Lượng đã đến thì tà quyền tất phải tránh xa. Tà quyền xa thì thánh đức hiện. Thánh đức hiện thì đạo hữu được sáng suốt, nhẹ nhàng. Có sáng suốt, nhẹ nhàng mới mong đạt đạo.
Khắp trong vũ trụ sóng dục đã quá nhấp nhô, ào ạt. Biển ái cũng thêm mưa gió, nước tràn cuồn cuộn. Nhơn loại phải bị vây quanh trong sóng gió trần mê, biết bao giờ thoát xa vòng hắc ám.
Chư đạo hữu ta đã hữu phước gặp thời Tam Kỳ Phổ Độ thì nương đó mà đi, trông đó mà làm, nghe đó mà theo, biết đó mà học. Chớ giận hờn, buồn bực. Chớ ngu dại, đê hèn. Chớ ganh ghét, rẽ chia. Chớ u mê, vọng dục. Theo Thầy mà tiến. Cố tiến theo Thầy.
Thầy là Đấng toàn tri toàn năng, toàn thiện toàn mỹ. Con Thầy phải được toàn tinh, toàn diệu, toàn huệ, toàn lương. Chư liệt vị, hiền đệ, hiền muội cố gắng.
Bản Thánh ban ơn chung.
Càng đến với các họ đạo, với nhơn sinh, được đón nhận thánh ngôn, thánh giáo của Ơn Trên qua các đàn cơ, các vị hướng đạo càng cảm nhận được nguồn ơn thiêng liêng cho cơ đạo miền Trung, đồng thời càng lo sợ về sức đảm đương sứ mệnh của Hội Thánh có phần non yếu. Non yếu cả về năng lực, cả về trình độ nhận thức mối huyền linh. Lại thêm hoàn cảnh nhân sự vừa thiếu người, vừa lý trí đa đoan trước những thử thách quá tinh vi, nghiệt ngã. Nhưng dù sóng xô gió giật, con thuyền sứ mệnh vẫn nhấp nhô lướt tới. Hội Thánh cố bám sát theo giáo pháp của Ơn Trên, đặt thân tâm vào hành hiểu thánh ý ở chỗ thuần chân để vững bước cho mỗi công vụ sứ đồ.
Từ thánh thất Trung An, phái đoàn Hội Thánh và bộ phận thông công đến thăm một vài họ đạo nữa, rồi trở về Trung Hưng Bửu Tòa. Nghỉ ngơi vài hôm, Hội Thánh lại lập đàn cơ.
Ngày 27-9 Mậu Tuất (08-11-1958) tại Trung Hưng Bửu Tòa, Đức Đông Phương Lão Tổ lâm cơ cho biết con đường sứ mạng của Trung Tông Đạo, Ơn Trên đã ban cho mối huyền cơ để trung hưng chánh giáo, nhưng nơi nầy các Thiên ân chưa làm tròn bổn phận, không đủ lòng nhẫn nại với cơ thử thách, để cho chước quỷ tung hoành. Nội bộ có kẻ đi ngược dòng thánh đức, lý trí bị phóng tán, móng dậy những điều phải trái với huyền cơ. Đức Đông Phương dạy:
Bây giờ các hiền mới nghĩ sao? Bần Đạo khuyên chư hiền trở về cùng nhiệm vụ. Nhiệm vụ chính của trung hưng là thuần chơn vô ngã. Bởi vậy, trên hết là Thầy, mà chúng ta quên Thầy mới lầm mưu chước quỷ.
Các hiền coi lại bài thánh huấn ở đàn Trung Nguyên mà học tập. Sở dĩ các ngõ sông chưa gặp được là vì chưa có một nơi thấp nhứt cho các nguồn nước chứa đựng. Bởi nơi đây chưa chịu hạ mình mà mối huyền cơ còn lưu tán. Bần Đạo nói rõ hơn cho chư hiền được cảm thông. Vì chưa xứng đức mà nhận được huyền cơ. Các hiền coi lại lẽ công bình không riêng ai. Nơi đây từ thánh thất đến Hội Thánh nội bộ còn lý trí tranh giành, còn lòng phàm đắm say nóng giận, làm sao xứng đáng tiếp lấy huyền cơ. Nói rộng là vậy, nói hẹp ở trong Hội Thánh còn nhiều đen tối lẫn khuất, trên dưới loạn hàng, quyền pháp bất minh. Lấy đó nhơn lên, rộng ra còn nhiều tình tệ. Đã mang lấy tiếng tình tệ thì huyền cơ đâu được nấy trao. Các hiền xét lại mà ăn năn đừng trách Thầy thiếu lòng thương xót.
Từ lâu thánh ý đã hướng về nơi đây. Vì nơi đây có lòng tu dõng mãnh, tuy tài thường đức hẹp mà có một sự cố gắng không ngừng. Hôm nay trong hàng Thiên ân đều thối thác gắng gượng thì nền Đạo không biết về ai làm chủ? Có một điều buồn cười hơn là ngôi Giáo Tông đã nhượng cho người tầm thường cũng không biết nhục thì làm sao đủ tư cách gánh vác nền tân pháp, đương đầu tất cả khó khăn.
Bần Đạo cầu nguyện và chư Thiên ân cầu nguyện đón lấy huyền cơ xuân Kỷ Tỵ. Hội Thánh đón lấy họa phúc của mình mà lo tu công lập hạnh.
Về việc khảo thí bây giờ đã xoay tròn trong nội bộ. Chính bản thân mấy vị Thiên ân cũng mang theo nhiều dấu vết không lành trong đó. Cố gắng mà coi lại.
Còn việc làm hiện nay nếu có phần nào trở ngại, cứ cho nó là việc tất nhiên. Nước muốn chảy đừng nên đắp mà cho nó một con đường để tránh sự họa lây. Đó là đường bảo pháp. Vị nào phạm thập hình ngũ giới thì đến xưng tội ăn năn. Vị nào không làm được cũng không buộc, vì cơ cảo chọn ([1]) còn dài, mãn ba năm tám tháng mới dứt tình trạng lộn xộn.
Đàn cơ 15-10 còn một kỳ, các cơ quan tạm đình sau ngày Đông Chí sẽ thiết lập.
Bần Đạo khuyên giữ thanh tịnh.
Đàn Tý thời 15-10 Mậu Tuất (25-11-1958), Đức Trần Đạo Quang giáng.
TRẦN tâm quyết một cứu đời cùng
ĐẠO pháp ban truyền độ Bắc Trung
QUANG cảnh trông về lòng ảm đạm
GIÁNG thăng chưa biết máy huyền công.
Đại Huynh chào các em nam nữ.
Giờ này được lịnh giám sát tuần hành ngày Trung Tông kết tập thơ tàng và chứng lòng đạo tâm với ngày kỷ niệm Khai Đạo, Đại Huynh chào mừng toàn đạo. Miễn lễ. Quý em an vị.
Cũng ngày này trên ba mươi hai năm về trước trong một góc trời Nam đã xé tan màn u ám bởi một nguồn điển lực từ nơi Trời đến chói lọi mười phương. Tiếng nói quyền pháp bởi cơ hội đã vang động chín từng mây. Nhơn vật tỉnh giấc mơ màng, hồn phách được hồi sinh. Nếu không bởi ngày này thì cõi ta bà cũng mãi triền miên trong ảo mộng. Nhơn loại bởi ngày này mà phục sinh. Ngày này là ngày nhứt dương sơ động, làm cho khí lạnh hạ dần, ấm áp đã đến, sống động trong muôn loài để khí lực sinh sôi hoạt động.
Trước ngày này trong khoảng một trăm năm trở lại, Chí Tôn đã vận thần thông truyền lịnh cho Âu Á, để báo tin cho nhơn loại ngày này Người đến thế gian để hoàn thành chương trình tận độ.
Ngày này là ngày kỷ niệm đánh dấu mở màn cho một tân kỷ nguyên đạo pháp. Thế mà đến năm này cũng chưa một ai trọn tin là nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với một sứ mạng hoàn tất chương trình. Chính như các hàng Thiên ân hướng đạo cũng không trọn vẹn lòng mình thì bảo sao trong nội bộ không điều loạn nghịch. Quyền pháp đã đến, người có sứ mạng quyền pháp gây nên cơ chia rẽ đó đây, làm sai tôn chỉ.
Chư đệ còn nhớ cũng ngày này, năm đầu khai giáo có một người rồi đến mười người. Rồi số đó được tăng lên, dù tăng bao nhiêu cũng không làm chấn động được hoàn cầu. Bởi quyền lực thiêng liêng được một ngày chào đời danh dự. Ngày vui mừng, mà cũng là ngày buồn bã khổ đau cho nội bộ. Sau cái vinh hạnh lại mang theo một điều tủi nhục. Vì quyền pháp đến thì ma quỷ cũng đến. Ngay bây giờ tại Trung Tông Truyền Giáo đã được Ơn Trên gắn vào bốn chữ sứ mạng trung hưng. Nói đến sứ mạng thì lại càng trái lại. Nói đến trung hưng thì bị suy đồi. Các em biết tại sao không?
Bây giờ mấy em cùng Đại Huynh bàn qua chương trình thiết lập đại đồng sơ bộ.
Muốn có một thành tích lành mạnh, phải có người Thiên ân quyền pháp. Người Thiên ân phải quên mình, đứng trên tinh thần nhất thể. Mỗi cấp bộ được một người để làm tiêu biểu cho sứ mạng, vì sứ mạng ở người thì người phải làm xong chương trình xây dựng chánh pháp. Ngoài ra đều phụ tướng hộ trì để xứng danh Thiên ân sứ mạng.
Vị nào không đủ sức, tùy nguyện chọn lấy một việc làm vừa sức, một chức vụ vừa phải để cho nội bộ hàng ngũ được thăng bằng trật tự. Vì cơ khảo thí nặng nề, nếu Hội Thánh đây không gấp lo thì sẽ đến cái họa nội bộ. Hội Thánh phải lãnh đạo toàn diện, đặt mối thông công giữa Trời và người, phải nhanh nhẹn lẹ làng. Mỗi cấp một người làm đầu, chịu trách nhiệm tồn vong thành bại. Người ấy được Hội Thánh chọn, nhơn sanh và thánh ý không trở ngại thì chương trình xây dựng coi đó mà thi thiết chủ trương. Ngoài ra, đi lại một số nơi thanh tra quyền pháp để mang ý kiến đến, đem ý kiến về.
Phần trật tự giáo hóa mỗi nơi được toàn quyền hành pháp.
Một điều lo là chức sắc còn non, tâm tu còn kém, hạnh đức không ra gì thì làm trở ngại cho bước tiến. Nếu hàng ngũ Thiên ân không chỉnh tu lại thì là cái họa của trung hưng.
Một là quyền pháp thì tuyển hiền cử năng.
Hai là tuổi tác thì kỉnh lão lễ sĩ mà giao tiếp đối xử nhau. Nhưng nói quyền pháp thì quyền pháp trên cả.
 Ngoài ra kẻ có công không được ỷ công, người có tài không được khoe khoang nghịch mạng. Các em nghĩ sao?
[Giáo Sư Thượng Hậu Thanh bạch…]
Theo ý Đại Huynh thì người đạo phải đúc thành một đức tin quyền pháp. Có tôn trọng quyền pháp mới mở cơ tận độ, mở đường giải thoát vô sanh. Vì vậy buộc hàng có trách nhiệm trước làm gương. Lớn một cấp là một người anh. Anh phải lành, việc làm, lời nói tiêu biểu quyền pháp. Anh đây có hai nghĩa: Một là sứ mạng, hai là đức hạnh. Có sứ mạng mà không đức hạnh thì sứ mạng không linh. Có đức hạnh mà không sứ mạng, đức hạnh không quyền. Vì vậy mà buộc hàng ngũ phải cân xứng tài đức.
Thiên ân có hai bậc: Bậc hành đạo và bậc giữ đạo. Bậc hành đạo được tu cả quyền pháp; nhơn sanh phải tuân nghe sứ mạng ở người. Bậc giữ đạo có pháp không quyền, được góp ý hộ trì, không phần chỉ đạo. Các em nghĩ sao?
[Giáo Sư bạch...]
Về Thiên ân nơi này khó phần sắp xếp. Nói về hình thức thì không biết lấy gì để phân biệt, vì vậy mà nội bộ lộn xộn mãi. Nói áo mão, nơi nầy xin không. Nói phẩm trật nơi nầy phải có. Chẳng biết nghĩ sao! Bây giờ tạm quy định:
NỮ PHÁI: Y theo Pháp Chánh Truyền.
NAM PHÁI: Lễ Sanh phải đội Khôi Khoa Mạo.
Là Giáo Hữu thì đáng ra không được đội khăn. Không dùng Ngưỡng Thiên Mạo thì dùng chi thế vào? Không nên đội khăn trái với pháp đạo.
Giáo Sư như vậy cũng tạm được.
Hàng Pháp Chánh Minh Tra đội khăn năm lớp.
Hàng Hiệp Thiên Đài y như vậy là được. Rồi sẽ có một chương trình chỉnh tu từ Sĩ Tải trở xuống. Sĩ Tải có chân trong thông công là Hiệp Thiên Đài thì lại khác.
Các em, các Giáo Hữu nghĩ sao? Có gì trở ngại không?
[Giáo Hữu Xuyên bạch về mão Quyền Giáo Hữu.]
Trắng cả cũng được, vì tạm để chỉnh tu quyền pháp.
Bây giờ có hai việc:
Một là Thiên ân. Thiên ân phải được xây dựng lành mạnh. Thiên ân có ba phần:
1. Cửu Trùng Đài theo Pháp Chánh Truyền mà hành sự và ăn mặc, nhưng chờ xứng đáng sẽ theo màu sắc phái mình.
2. Về Pháp Chánh Minh Tra thì phải chờ một chương trình chế lễ của Đông Phương và Lý Giáo Tông quy định.
3. Về Hiệp Thiên Đài nơi nầy chưa có người thì quyền lãnh đạo Bảo Quân, Thừa Quân, Truyền Trạng chung nhau lo xây dựng.
Hai là về phần thông công, đã bị bao lần thay đổi mà còn phải thay đổi nữa. Vì vậy nơi đây các hiền Thiên ân nên lưu tâm xây dựng một ban phò loan sau nầy để tiếp xúc cùng các Đấng thiêng liêng. Vì Tiếp Cơ Quân Thầy sắp một việc khác. Thế thì nơi nầy thiếu phần đó hẳn rồi. Các em lo liệu sớm.
Việc xây dựng chương trình Phước Thiện rất nên, mà cũng gặp lúc phải thời tiến đến. Nhưng khi chương trình đưa ra thì cơ biến hoàn cảnh cũng theo mà tạo thêm nhiều khó khăn. Nhờ ở cố gắng mà thành công bởi điểm chủ trương.
Về Thượng Hội, chương trình năm tới Hội Thánh nên nêu lên ba điểm:
1. Chỉnh tu nội bộ: Thiên ân, bộ máy, các cấp lãnh đạo, Phước Thiện nhơn sinh.
2. Liên kết chi phái nội bộ, Nam, Trung.
3. Vận động thống hiệp Hiệp Thiên Đài.
[Bảo Quân bạch …]
Cố gắng sẽ thành công. Thôi, chư hiền nào mệt nhọc được nghỉ. Tái cầu đón Thầy ngự lâm. Đại Huynh xin kiếu.
Tái cầu:
NGỌC Kinh Thầy ngự những lo toan
HOÀNG Phụ thương con phải giáng đàn
THƯỢNG hạ nữ nam sao chẳng gắng
ĐẾ ngôi bỏ mặc chẳng suy bàn.
CAO ĐÀI THƯỢNG ĐẾ GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG
Thầy mừng các con.
Thầy đến cùng các con đã ba mươi hai năm tròn, quyết làm cho các con trở thành người sứ đồ trọn vẹn. Nhưng lòng các con yếu đuối làm cho cơ đạo thăng trầm.
Hôm nay Thầy nhứt định một lần trung hưng chánh pháp, lấy các con làm giá chuộc để danh Đạo được tươi sáng.
Trải qua bảy năm Trung Tông lập pháp lắm bước khó khăn. Kéo dài đến nay mà chương trình chưa đi đến đâu thì năm năm nữa làm sao hoàn thành công cuộc chỉnh tu quyền pháp?
Bây giờ các con đã bội ước cùng Thầy gần hai phần ba trong hàng Thiên ân chức sắc.
Thầy còn chờ các con một ngày gần đây biết ăn năn lo tròn sứ mạng. Thầy cũng vui lòng chờ đợi. Bây giờ căn cứ vào cuộc khảo thí, Thầy vạch cho các con nơi đây một chương trình tiến triển.
Chương trình nầy Thầy cho các con biết là sẽ bị nhiều lần mưu chước tà quyền phá vỡ, mà thành công là nhờ ở đức tin. Thầy cho con biết rồi đây huyền diệu Thầy đến không phải chỉ cho nơi nầy mà khắp trên hoàn vũ. Nếu các con thiếu đức tin thì ngôi Tổ Đình sẽ bị dời đổi.
Các con coi theo đây mà chỉnh tu.
Một là tẩy uế toàn nội địa. Vì ma quỷ đã đem nhơ bẩn rải rắc khắp nơi làm cho điển linh khó ngự, mối thông công bị đoạn dứt. Lòng mờ tối của mỗi đứa bị khảo thí. Làm sao nội bộ liên kết, quyền pháp nêu lên. Mà quyền pháp có ứng nghiệm là phải trải qua một cuộc tàn phá, khủng bố triệt để.
Hội Thánh các con nên tuân hành đúng quyền hành chánh của Giáo Tông thì ôn đọc Thập Hình.
Thầy định từ nay trên việc chỉnh tu quyền pháp các con làm được thì thiết lập các đàn cơ cho Giáo Sư, đàn cơ cho Giáo Hữu, đàn cơ cho Lễ Sanh, đàn cơ cho Pháp Chánh, đàn cơ cho Hiệp Thiên Đài, đàn cơ cho Giáo Sĩ Nữ Đoàn Giải Thoát để Lý Bạch chỉnh đốn quyền pháp và cảo chọn, sắp xếp Thiên ân.
Hiệp Thiên Đài lập lại về bộ phận thông công. Thầy thâu thêm Bảo Quân làm Bảo Cơ Quân, Đặng Nhâm làm Tá Cơ Quân. Hội Thánh trông nom thao luyện từ nay cho đến 15 tháng 10 Kỷ Hợi ra hành đạo. Thừa Quân, Thầy gắn cho một phận sự Thừa Sử Quân để lo sưu tập công cuộc sử liệu truyền đạo. Tiếp Cơ Quân Thầy gắn vào Tiếp Cơ Vệ Pháp Chơn Quân lo việc liên giao thống hiệp đồng loan. Điển ký: Truyền Trạng Trinh Cán, Thanh Giang, Thanh Toàn. Độc giả: Sĩ Phú, Hữu Ngôn và chọn thêm ba vị nữa. Bộ phận nầy chia làm ba.
1. Tịnh đường thống nhất.
2. Hội Thánh truyền đạo giáo hóa.
3. Chỉnh tu pháp đạo. Các cơ sở dưới nghi lễ, Thầy ban cho Thượng Lý Thanh kiêm chức Hộ Đàn. Gia phong Mân, Rế lên Quyền Giáo Hữu.
Về các khóa tịnh cho chư chức sắc mỗi năm một lần, còn đạo đồ mười ngày trai giới được xin cầu bí pháp do nơi tịnh chủ (15 tháng 10 Kỷ Hợi sẽ thi hành).
Về mở mang thì bước đầu đặt mối thông công giữa các chi phái trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Bước hai lượm nhặt lại các yếu lý tiềm tàng trong các chi phái để hoàn thành Bửu Chương Pháp Đạo.
Các con điều gì chẳng vừa lòng chăng?
[Thừa Quân bạch …]
Huỳnh Thanh Bảo Cơ Quân. Đặng Nhâm Tá Cơ Quân (đồng loan). Sau ngày khai khiếu sẽ ban pháp danh.
Còn các đàn cơ?
[Bảo Quân bạch …]
Tùy Hội Thánh và sự hội ý giữa đôi bên về Mân, Rế.
[Bảo Quân bạch …]
Quyền pháp của chức sắc thăng lên nửa phẩm. Lễ Sanh thăng như Quyền Giáo Hữu.
Quyền thì không quyền mà chỉ được vị.
Như Quyền Giáo Hữu [Lễ Sanh thăng lên nửa phẩm] được sắp theo phẩm vị Giáo Hữu tại hội nghị hay triều lễ, nhưng không nắm chánh pháp sứ mạng, tức là chánh vị Lễ Sanh, nhưng đặc biệt để tập sự lập công tiến lên Giáo Hữu. Về thiên phục cũng cần đội Khôi Khoa Mạo.
Về liên giao các chi phái và tu chỉnh nội bộ thì Lý Giáo Tông sẽ ban chương trình đại ý như lời của Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang.
Về các đàn theo chương trình tu chỉnh năm ba mươi ba nếu trễ có chậm cũng đừng qua Thanh Minh.
Về Phước Thiện là cơ sở thi thiết quyền pháp tại thế, các con cố gắng lo. Tuy làm nó không kết quả trọn vẹn, nhưng cũng là thời xiển minh chánh pháp trung hưng.
Các đàn cơ đặt một chiếc bàn trước án Ngũ Lôi. Trên bàn để một hồ lô, một sợi thần thông màu điều dài 3 thước 33 may giáp mối để Thiên ân làm lễ đại thể lãnh quyền pháp.
Đàn khai điển dùng hai dây thần thông màu trắng dài 1 thước vào ngày 09-01. Hai con Bảo và Tá Cơ làm lễ thọ phong dưới hình thức một Vô Cực Đồ ¡ treo chung một hùng kiếm tại án Ngũ Lôi, có đại diện Lưỡng Đài chứng.
Việc ấy cũng còn đợi nguyện lực của Nhâm. Nếu hoàn toàn theo giới thì Hội Thánh lập vi bằng ghi tên vào bộ Thiên ân, bằng không thì chọn kẻ khác.
Hai bộ phận thủ cơ chớ không phải một. Các con lấy nước âm dương Thầy làm phép mầu nhiệm để ban.
Thầy mừng cơ đạo trưởng thành
Thắng bao trở ngại nhọc nhành khó khăn
Lòng Trời như tuyết như băng
Lòng con phải giữ đạo hằng trung trinh
Ngày qua lắm đoạn bất bình
Lắm trò xuôi ngược thánh hình chẳng nao
Ngày mai có phải làm sao
Làm sao cũng có tiêu hao ít phần
Bên ngoài tìm cách gián phân
Bên trong nhiều nỗi phân vân ngại ngùng
Cuộc đời đến bước lao lung
Khiến nên hoàn cảnh lạnh lùng với con
Con tu con giữ cho tròn
Có Thầy thì ắt đời con ngại gì
Đường lành con gắng lên đi
Đường chông gai đó chớ đi khổ sầu
Giờ nầy Thầy bố phép mầu
Ban ơn các trẻ nên màu thanh cao.
Thầy ban ơn mỗi con. Cơ Trời việc thế, các con chọn nơi mà hành. Thầy thăng.
Trong ngày mãn khóa giáo sĩ 30-10 Mậu Tuất (10-12-1958) Đức Lý Thái Bạch giáng tại Trung Hưng Bửu Tòa giảng giải thêm về cơ chế Hội Thánh theo Dịch lý:
LÝ sanh tâm tánh thiết thanh nhàn
THÁI vận đương chờ bước đạo sang
BẠCH ngọc đổ rền kêu khách tục
GIÁNG thăng máy Tạo mấy ai tàng.
Bần Đạo chào chư hiền đệ.
Giờ nầy Bần Đạo thể lòng thành kỉnh của chư hiền tỏ qua đôi việc.
(...)
Hôm nay là lúc chư hiền đã mãn khóa Giáo Sĩ, được Hội Thánh chỉ bày, dù chưa am tường sự lý nhưng cũng phần nào thấy qua cơ chỉ giáo truyền. Giờ nầy Bần Đạo sẽ bàn định một chương trình ôn tập tô bồi thánh đức.
Chư hiền đệ ôi! Sứ mạng của nguơn mạt tận đã về ai, chư đệ cũng thấu hiểu. Cuộc tái tạo tân thế giới ở sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Bao nhiêu đời trước các Thánh đã cho hay, ngày nay là ngày Đức Chí Tôn mở cơ tận độ.
Sứ mạng đã đến cho người Việt, nước Việt. Chính như chư hiền đây cũng còn phân vân nghi hoặc. Sự tin và không tin của chư hiền có nhiều lý do trong quá trình hành đạo, khiến cho lòng chưa trọn, ý chưa thành, đường tu dùn thẳng.
Sứ mạng trung hưng đã nêu lên bốn chữ thuần chân vô ngã. Lấy bốn chữ ấy áp dụng trong cơ Tạo Hóa, đem sự biến dịch vô thường để đưa bước nhơn sanh vào con đường chơn lý. Nói đến Dịch và người học Dịch, chưa một hiền đệ nào đem cái lý dẫn ở sách truyện mà áp dụng cho được phần tổ chức và quyền pháp tu kỷ độ nhơn.
Vì lẽ đó mà chưa thấy đến phần dinh, hư, tiêu, trưởng của cơ lập pháp.
Dịch có ba ngôi: Thái Cực và hai nghi. Đạo có ba đài: một vô vi, hai hữu hình. Ta đem mà so sánh:
Thái Cực là ngôi Tạo Hóa, nguồn cội của Dịch lý, thì Bát Quái Đài là ngôi vô vi lập pháp, chủ tể là Thầy.
Hai nghi là nhị hữu hình đài. Âm nghi là Cửu Trùng Đài, dương nghi là Hiệp Thiên Đài. Hai nghi ấy là âm dương, là then chốt cơ mầu nhiệm.
Then chốt do cơ mầu nhiệm mà có ra tượng. Bốn tượng là Thái Âm, Thiếu Dương, Thái Dương, Thiếu Âm, là bốn cơ quan Hành Chánh, Phước Thiện, Minh Tra, Phổ Tế.
Nói Thái Dương, Thiếu Âm. Thái là gì? Thiếu là gì? Thái là nhiều quá. Thiếu là ít quá. Ít nhiều đối đãi nhau mà bồ bặc ([2]) cho nhau là cơ mầu nhiệm.



Vì vậy Bần Đạo muốn chư hiền tìm ra và áp dụng Dịch lý theo ba phái, bốn cơ quan. Mỗi phái lấy Lạc Thơ, Cửu Trù mà xây dựng quyền pháp.Ta thấy dương lên cực độ hay âm lên cực độ gọi là Thái. Thái đến cực, biến thể nầy sang thể khác. Thiếu chưa đầy nên tấn mãi cho vơi. Vì thế mà có ba phái, bốn cơ quan. Ba phái áp dụng Dịch lý mà trị đạo, giáo hóa. Ta áp dụng Dịch số mà truyền công phu. Bốn tượng tác thành tám quẻ. Ta đã có mấy quẻ. Quẻ nào nằm đâu? Hiện nay làm gì?
Nếu chư hiền chưa làm được điều ây thì giáo lý trung hưng bước một khai minh Nho Tông trị thế sao đủ? Còn bước hai khai minh pháp đạo về vô cực bản giác huyền lý của Đạo Tông để tìm thiên văn số hệ làm phương môn khoa học huyền bí để siêu phàm nhập thánh. Rồi còn phải đến bước ba là đi vào Phật Tông để xiển dương quyền pháp càn khôn.
Có một chương trình lớn lao mà chư hiền còn non kém, làm sao đương vi sứ mạng đó? Muốn đương vi sứ mạng đó phải trước hết là tu. Tu cho lòng thanh khiết, thanh tịnh. Lòng thanh khiết là làm sao? Có phải trong trắng chăng? Muốn trong trắng thì phải thanh tịnh. Thanh tịnh là gì? Trước hết là sáu căn, sáu trần làm cho gián cách, rồi lòng và sáu căn cũng làm cho gián cách. Lòng không dính cùng căn, căn không dính cùng trần. Trần căn thanh tịnh thì lòng thanh khiết. Lòng được như nhiên thì bản giác đủ đầy. Bản giác sáng trong thì biết rõ việc Trời việc thế mà tiến thối theo lẽ Dịch. Tu thân chữa trị cái lỗi khoe khoang, ăn ngon mặc đẹp. Đi đứng nằm ngồi đừng để kiêu khí làm mất vẻ uy nghi, mất người đạo hạnh.
Bây giờ ta phải đi lại con người hồi xưa là con người anh nhi. Con người trong lòng mẹ vị hài mới mất được cái kiêu căng phách lối. Nếu không làm được đứa con nhỏ thì chưa độ được người, chưa cứu được mình. Vì lớn lên gọi mình mạnh, rồi gọi mình khôn, biết chữ có bằng cấp được chức phận. Rồi lớn nhà nhiều của, đông con rậm cháu, có thế đủ quyền thì bản ngã mỗi ngày mỗi to, cứ lên, lên cho vút trời, kiêu khí càng tăng, đức lành càng cạn.
Ông thầy bao giờ cũng kiểu cách với đám học trò. Tại sao kiểu cách? Tại biết hơn. Biết hơn là sống tách rời với dân gian tạo hóa. Mà biết hơn cái gì? Không gì biết hơn cả. Dù có học đến đâu, làm ông chúa sự biết cũng không biết tí nào thêm cho bản giác. Vì bản giác đã sẵn có hằng còn, thì mọi người cũng có, cũng còn. Nhưng còn và có kia là không mà có, mà còn mà có.
Vì vậy người quân tử họ chỉ chuộng lấy cái sau của thiên hạ. Vì lúc nào họ cũng đứng sau mà nhìn tới. Sau một người là trước một người. Sau mười người, trăm ngàn người thì được trước mười người, trăm ngàn người. Vì sao? Vì được đứng sau; đứng sau, đến khi quay lại thì được trước.
Thời kỳ này là thời kỳ Đức Chí Tôn đến đây kêu tất cả chúng sinh quay lại. Vì sao mà Ngài kêu chúng sinh quay lại? Chúng sinh chạy theo bả đời danh lợi tài sắc, chen chúc trong cõi ảo huyền, tranh cạnh nhau vì ý tình dục vọng mà đi xa con đường đạo đức. Vì đi xa mà phải kêu lại. Đứa đi đã quá xa thì quay lại phải ở sau cùng. Đứa mới đi thì quay lại trước hết dẫn đầu cho bao nhiêu kẻ cao quyền cao vị, thì không phải sau mà trước hay sao?
Vì lẽ trên Bần Đạo muốn các giáo sĩ tu theo lối công phu luôn lòng thanh khiết. Chỉ tập như đứa bé con còn trong nôi mà thôi. Tu làm đứa bé con đó đi. Cười… Vì đứa đó chưa biết ham muốn, nên bản tánh nó được gần Trời, mà nó là đứa đi sau hết đó các đệ.
Vậy khóa nầy các đệ về lo tu đã, rồi sẽ lo hành. Hành là việc của tu. Có tu được thì mới xứng đáng người cầm giềng Đạo cả. Thầy có trao ủy quyền pháp cũng trao cho kẻ có đức có tài. Tại đây không phải là lý trí mưu xảo, mà là lương năng bản giác. Lấy cái lương năng bản giác làm sức mạnh để đỡ chơn đưa bước cho người đời. Vậy chư giáo sĩ cố gắng luyện mình vài ba năm để trở thành tay khâm sai đắc lực của Thầy, gieo ánh sáng bủa tình thương cho thế gian.
Ánh sáng không phải là lời lợi khẩu khôn lanh hay bài vở đã mang về thụ huấn đôi năm trong khóa. Nếu lời nói hay ho đến đâu mà là lời nói trong miệng kẻ ác đức thì nó là gươm báu vung ra để giết người, làm sao có thể gọi là ánh sáng?
Ánh sáng là bản giác thanh tịnh. Nó không sáng mà sáng không thể tưởng. Ví như bầu điện khí, không thấy hơi thấy tiếng, nhưng mỗi khi ai rờ đến là tê nhức cả người, mở ra muôn bóng đèn đều sáng rỡ.
Bản giác quý thay! Người giáo sĩ tỏa sáng bản giác rồi, bấy giờ mới đặt mối thông công. Nghĩa là chuyền dây điện thông công nối cùng Trời thì bầu điện của mình chứa đầy lòng, có đốt đêm đốt ngày cũng còn nguyên vẹn.
Tu đi! Bủa tình thương là sao? Vì bản giác đã thấy được thì vạn vật tạo hóa nhứt thể. Đã biết được nhứt thể thì đem lòng thương yêu, đem tình trìu mến, đem ý lo toan. Có phải cốt nhục linh sơn mới coi nhau là quan hệ. Vì vậy đức lương tri đã mở thì tình ấy dồi dào, việc làm không đợi nhắc.
BÀI
Chư giáo sĩ nghe Ta dạy bảo
Ráng lo tu cải tạo thân tâm
Bốn phương thiên hạ lạc lầm
Ta người giáo sĩ còn lầm thì sao?
Lầm sao được ủy trao giáo sĩ
Giáo sĩ rồi thiên vị có tên
Có tên mới có móng nền
Móng nền giáo sĩ cho bền là tu.



([1]) cảo chọn: Khảo sát, xem xét để chọn lựa, sàng lọc.
([2]) bồ bặc: Giúp đỡ.



PHẠM VĂN LIÊM