Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

XIII. NỐI LẠI HỒNG ÂN (Sự Nghiệp Trung Hưng / Phạm Văn Liêm)



XIII. NỐI LẠI HỒNG ÂN
Bắt đầu từ năm Canh Tý (1960) trở đi, bối cảnh xã hội trở nên rối ren, đất nước bất an, dân tình xáo trộn. Đến năm Nhâm Dần (1962), Quý Mẹo (1963) chính biến xảy ra liên tục, rồi chiến tranh bùng phát gây nên thảm trạng bi thương từ miền quê đến phố thị.
Trong nhà đạo Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, tại Tịnh Đường các đàn cơ vẫn liên tục tiếp điển giáo hóa của Ơn Trên. Các Đấng lâm đàn dạy về tu luyện, an trú trong thanh tịnh. Đặc biệt là thực hiện pháp môn sám hối và hướng đến công cuộc xây dựng thêm các thánh thất kiểu mẫu.
Bên phía Bửu Tòa các hướng đạo chú trọng về xây dựng hàng ngũ nhân sinh, chăm lo về pháp môn độ sanh độ tử của họ đạo, hướng đến công trình xây dựng văn hóa xã hội. Mặc dù không đến hầu đàn ở Tịnh Đường nhưng các vị bên Bửu Tòa vẫn quan tâm tìm đọc các bài thánh giáo để biết Thánh ý dạy về hiện tình cơ đạo. Đã lâu không có điều kiện lập đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa, các vị vào Sài Gòn nhờ đồng tử miền Nam thủ cơ như lần trước.
 Đàn Tuất thời ngày 10-8 Quý Mão (27-9-1963) tại Thiên Lý Đàn (quận 3, Sài Gòn), Đức Lý Giáo Tông dạy:
GIÁO hóa đời trong buổi loạn ly
TÔNG chi càng lập Đạo càng suy
THÁI bình vạn pháp bao chừ hiện
BẠCH Ngọc Kinh truyền mở hội thi.
Chư hiền đệ! Bần Đạo chào chư Thiên sắc Lưỡng Đài nam nữ có mặt trong buổi họp hôm nay, và Bần Đạo gửi lời thăm hỏi tất cả các chức sắc, chức việc và toàn thể bổn đạo nam nữ các thánh thất, xã đạo.
Bần Đạo rất cảm thông những nỗi khó khăn cực khổ phải gánh chịu của Hội Thánh và chư chức sắc trong giai đoạn hiện tại. Nhưng Bần Đạo vững tin ở tinh thần nhẫn lao nại khổ quên mình vì Đạo của chư hiền sẽ đưa cơ đạo trung hưng vượt qua những nỗi khó khăn để đến ngày thành tựu.
Sử Đạo dành cho kẻ có công
Bao nhiêu tâm huyết bấy nhiêu lòng
Nghìn thu mở đến trang thanh sử
Chẳng hổ con người giữa núi sông.
Bần Đạo miễn lễ. Chư hiền an tọa. Hỡi chư hiền sắc! Nhơn loại ngày nay đương phập phồng lo sợ thảm họa diệt vong bởi chiến tranh nguyên tử, bởi các mối chia rẽ trầm trọng giữa người và người, giữa học thuyết và học thuyết, đương mong cầu sự giải cứu của pháp mầu thần linh. Tình trạng ấy càng chứng tỏ tôn chỉ giải phóng toàn diện con người, vạn pháp đồng nguyên của Đại Đạo - một nhu cầu cấp thiết rất đáng sớm được xướng minh.
Nhưng than ôi! Có pháp thiếu người. Có người thiếu sức. Có sức thì lại phân tán tiêu hao.
Trong ba mươi tám năm khai Đạo, nào bên ngoài chịu đựng với cường quyền lấn áp, bên trong phung phí vào việc lập phái phân chi, còn đâu sinh lực để đào tạo nhân tài, xương minh chánh đạo. Huống ngày nay, trước các nền tôn giáo, triết học cổ đương muốn phục hưng trước làn sóng văn minh khoa học đương cực thịnh, trước những chủ nghĩa cực đoan đương chi phối gần một nửa nhân loại trên địa cầu, thử hỏi tân pháp làm sao kịp thời đạt được mục đích tối thượng như vừa nói trên? Đó mới là trọng tâm mà người hướng đạo phải luôn luôn suy nghĩ.
    Vĩ nghiệp trông chờ bậc vĩ nhân
    Gióng chuông kêu gọi khách trong trần
    Cùng nhau hợp sức Đông Tây lại
    Chánh pháp công truyền cứu vạn dân.
Hỡi chư hiền sắc nam nữ! Những điều chư hiền mong Bần Đạo giải quyết, Bần Đạo khuyên chư hiền trong tình cảnh ngày nay, Hội Thánh chỉ nên dốc cả toàn lực vào những điều hệ trọng liên quan đến cả nền Đạo. Lo hướng dẫn tín đồ, xây dựng các cơ sở, đào luyện giáo sĩ, kịp thời ứng dụng cho công cuộc truyền đạo, hành đạo tương lai.
Chư chức sắc mấy năm qua, trải bao khảo thí dập dồn, kiểm điểm lại hàng ngũ chức sắc có phần suy kém tinh thần. Lẽ đáng phải nêu ra vấn đề thưởng phạt để cho quyền pháp nghiêm minh. Nhưng nghĩ vì hai mươi năm qua chiến tranh tao loạn, chức sắc bổn đạo đồng sống chung trong cảnh cùng khốn cơ cực, đã hy sinh quá nhiều trong công cuộc bảo tồn và xây dựng chánh pháp, nên Bần Đạo kêu gọi tất cả hãy xét mình, tự mặc nhiên sám hối, tự đảm đương những trách vụ khó khăn, cùng nhau đồng tâm nhất trí tích cực phục vụ Hội Thánh trong giai đoạn nầy để sớm hoàn thành sứ mạng trung hưng.
THI
Trung hưng chỉ mới mấy mươi thu
Lớp chịu hy sinh lớp ngục tù
Sự nghiệp nghìn năm hồi tưởng lại
Sử nào ghi chép hết công phu!
Hỡi chư chức sắc nam nữ! Mọi việc Hội Thánh đã quy định ở Kinh, Luật, Pháp và chư hiền đã hồng thệ trước Kinh, Luật, Pháp đó, cứ giữ thi hành.
Chư hiền đệ, từ nay Hội Thánh mở đầu một chương trình xây dựng, Bần Đạo sẽ chỉ dẫn. Hôm nay Bần Đạo chấp nhận và lưu ý các hiền ba việc làm: (a) Lập họ đạo cao nguyên; (b) Mở trường học; (c) Khẩn đồn điền.
Những việc hệ trọng tương lai, Hội Thánh thực hiện trong lúc khó khăn nầy, tất phải gặp nhiều trở ngại, nhưng hãy cố gắng.
Vic h đo cao nguyên: Buổi đầu Hội Thánh phải luôn luôn đôn đốc và lưu ý việc giao quyền cho Chánh Phó Trị Sự. Hiền đệ nào tình nguyện phục vụ ba năm cao nguyên sẽ được trọng thưởng.
Về mở trường hc và đồn điền: Tổng Lý Hưng Đạo đã cổ vũ từ bao năm, ngày nay thực hiện, Hội Thánh phải dốc toàn lực vào sự khuyến khích những công việc ích lợi tương lai.
Về trường hc Tam Kỳ: Trong năm này phải xây dựng cho hoàn thành đợt một. Năm tới Bần Đạo sẽ định liệu. Lập lại nữ tu xá, dưỡng chánh đường để nâng đỡ các chức sắc nhẹ gánh gia đình và đào tạo nhân tài tương lai.
Trường học Tam Kỳ chỉ là sơ cấp của chương trình học đường. Giáo Hội sau nầy còn phải kiến thiết nhiều trường quy mô cao cấp, đồng thời Hội Thánh có đủ các cơ sở công xưởng, nông trường để những tháng hè sinh viên, học sinh đến thực tập nơi đó. Thực thi tinh thần trí thức lao động hóa, lao động trí thức hóa. Rèn luyện những giáo sĩ tương lai, xứng đáng người hướng đạo tôn giáo xã hội.
Về trường học Tam Kỳ cũng như các cơ sở xã hội, Bần Đạo định chọn Quảng Tín làm thí điểm để rồi sau nầy sẽ xây dựng lần các tỉnh, xét thấy cần thiết.
Vic đồn điền: Thanh Long có chí nguyện thực hành, phải cố gắng lắm mới được. Mọi quyết định hội ý với chức sắc Hội Thánh. Sẽ trình Bần Đạo sau.
Vic tu xá: Các hiền nên ý thức. Tu xá là nơi sống tập thể, dành cho những tu sĩ hy sinh dâng mình phục vụ Hội Thánh, là nơi rèn luyện các giáo sĩ hướng đạo. Các tu sĩ sau này có thể nhập vào tịnh đường mật thất. Theo tinh thần đó, lập nội quy.
Các tu xá hiện thời chỉ là những tổ chức tạm, có thể dời về tu xá Tam Kỳ cho tiện bề Hội Thánh trông nom trong lúc Hội Thánh thiếu người và thiếu phương tiện. Việc đó, tùy ở nguyện vọng các tu sĩ.
Về chức sắc điều hành Hi Thánh: Chưa thay đổi, miễn làm được việc. Không nên chấp nê danh từ. Tuy nhiên phần ngoại giao sẽ rất cần và cũng xứng đáng, nên Bần Đạo đề cử hiền đệ Ngọc Quế Thanh lên Phối Sư chính vị, để quyền pháp được phân minh.
Mở mắt nhìn xem cuộc bể dâu
Tương lai đâu đã biết về đâu
Nơi nào chánh pháp mau hình hiện
Để rạng danh Thầy khắp ngũ châu.
Bần Đạo chào chung và ban ơn tất cả. Khá thành tâm tiếp giá Đức Từ Phụ. Bần Đạo thăng.
TIẾP ĐIỂN
NGỌC Kinh đợi trẻ mấy mươi thu
HOÀNG đạo trông ra vẫn mịt mù
THƯỢNG trí bởi chưa thông Thánh trí
ĐẾ minh chánh pháp rộng đường tu.
THẦY CÁC CON
Thầy mừng các con chức sắc Lưỡng Đài nam nữ. Thầy miễn lễ. Các con an tọa.
Trung thu nầy Thầy ban ơn lành các con chức sắc, chức việc và toàn thể nam nữ các thánh thất, xã đạo. Hôm nay Thầy giáng trần đem đến cho các con một niềm vui. Một niềm vui với một niềm khích lệ để nhắc nhở các con là bước đời còn lắm chông gai, cơ đạo còn nhiều khảo đảo. Các con phải bình tâm mãnh dõng hơn nữa. Hãy quên mình mà nhẫn nhục, lấy tình thương vô biên chan hòa trong mọi cảnh mọi người, để bảo tồn và xây dựng chánh pháp.
Các con thấy chưa? Hiểu ý Thầy chưa, hỡi các con nam nữ? Nếu các con nào ước mong Thầy phân minh đâu chánh đâu tà, thì điều ấy không đáng cho Thầy phải nói. Vì Thầy cũng đã nói nhiều rồi.
Kìa các con! Mùa Xuân ấm, mùa Hạ nóng, mùa Thu mát, mùa Đông lạnh, cứ tuần tự diễn hành. Thuận với công lệ ấy thì sinh tồn, trái lại thì tiêu diệt.
Huống Thầy hằng nói Thầy là tình thương yêu, là lẽ công bình hằng sống. Thương yêu, công bình là đất tự do cho điều chân chính phát triển và điều không chân chính cũng được sinh hoạt. Nhưng kết cuộc chỉ có điều chân chính được trường tồn. Rồi các con sẽ thấy.
Hỡi các con nam nữ! Thầy đã đến với các con ba mươi tám năm rồi, cũng đã nói với các con nhiều rồi. Ngày nay nhìn xem cơ Đạo đã tiến được đến đâu? Hay rồi mai đây Thầy thu về sẽ diễn ra một mùa Đông giá lạnh? Các con thấu chăng những nỗi thê lương tan tác trong những đêm trường phong vũ của đàn nhạn lạc bầy?
Các con nghe đây! Đạo pháp, giới hạnh là chiếc áo ngự hàn. Hãy cố giữ để gặp Thầy trong ngày Xuân xán lạn.
Hỡi các con nữ phái! Thầy rất thương các con số phận thiệt thòi. Không riêng nơi nầy mà những nơi khác cũng thế. Thầy đến nâng đỡ các con. nhưng các con thiếu sức thiếu người, không đủ đảm đương quyền pháp Thầy trao, danh vị Thầy lập. Hãy cố gắng rèn luyện đức hạnh, dìu dắt chị em, lập thêm những công nghiệp. Tùy số lượng Thầy sẽ ban thưởng. Rồi ngày mai Thầy sẽ vận chuyển chị em các con những nơi khác về chung lo cơ đạo. Các con hãy cố gắng lên.
Gắng lên Thầy sẽ dắt con lên
Sử Đạo ngàn thu rạng tuổi tên
Chí cả muốn toan nên nghiệp cả
Từ bi, nhẫn nhục nhớ đừng quên.
THI BÀI
Nhớ đừng quên lời Thầy dạy bảo
Dắt dìu nhau gánh đạo trung hưng
Con nên Thầy rất vui mừng
Con hư Thầy cũng não lòng vì con
Mấy mươi năm lời son tiếng ngọc
Mười mấy năm khi khóc lúc cười
Vì con Thầy xuống cõi đời
Vì con Thầy chịu lắm lời thị phi
Nghĩ thương con gian nguy chẳng nệ
Nghĩ thương con trần thế dãi dầu
Đời còn trong cuộc bể dâu
Đạo còn nhiều nỗi cơ cầu mới xong
Hỡi các con, dốc lòng chặt dạ
Hỡi các con, chí cả vẫy vùng
Ra tay quét sạch bụi hồng
Làm cho danh Đạo ngoài trong rạng ngời
Con làm sao sử đời ghi chép
Con làm sao quyền phép nhiệm mầu
Đạo Trời rải khắp đâu đâu
Nơi nầy rồi sẽ năm châu sum vầy
Chí hộc hồng toan bay muôn dặm
Sức kình ngư toan tắm nghìn khơi
Sá chi một góc phương trời
Mà bày chi phái cho đời mỉa mai
Con làm sao đáng tay hướng đạo
Con làm sao đào tạo nhân tài
Trông về cơ Đạo tương lai
Mở mang cần có nhiều tay siêu quần
Con làm sao Nam Trung hiệp lại
Con làm sao chi phái đồng lòng
Cho tròn sứ mạng trung hưng
Mở mang sử Đạo lẫy lừng danh con
Thương nữ phái hãy còn lận đận
Phận quần thoa cũng nặng gánh đời
Gay thuyền tách bến ra khơi
Tiến, ghê sóng gió; lui, người mỉa mai
Con gắng lên, trí tài chẳng hổ
Con gắng lên, đức độ hơn người
Xưa ai luyện đá vá trời
Nay con đem Đạo cứu người trầm luân
Gọi chị em hãy bừng tỉnh dậy
Dậy nhìn xem cho thấy tương lai
Phấn son sánh với râu mày
Điểm tô xây dắp Đạo Thầy vẻ vang
Nghìn thu rạng gái Nam bang.
Các con chức sắc nam nữ! Thầy khuyên các con cần cố gắng thêm để cho việc Đạo tiến lên.
Thầy ban ơn lành các con nam nữ. Thầy thăng.
Con đường trung đạo Đức Chí Tôn gầy dựng tại miền Trung với Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài trên nền tảng đạo pháp tâm truyền và công truyền đi đôi. Đến nay trải qua nhiều gian nan thử thách đã chuyển đến giai đoạn gần thành tựu. Ơn Trên vẫn tùy thuận từng hoàn cảnh, không nhất định một khuôn một luật, miễn làm sao mọi người hiểu rõ được con đường chánh pháp của Thầy, thích nghi cho cơ tận độ là cả hành đạo và tịnh luyện. Ơn Trên phát huy và củng cố cả hai mặt cho vững vàng để tiến đến duy nhất.
Vấn đề xây dựng thánh thất kiểu mẫu là mở đầu việc hoàn thành sự nghiệp trung hưng. Giai đoạn nầy Ơn Trên ban truyền pháp Bửu Châu Hồi Hướng cho hàng tín chúng đạo hữu.
Đàn tại Tịnh Đường ngày 08-10 Quý Mẹo (23-11-1963), khi Giáo Hữu Trần Cư hỏi về thọ pháp tu, Đức Cao Đài Giáo Chủ dạy: “Chỉ quán thọ phương pháp của Phật đã dạy, phải xin keo. Còn đạo hữu thập trai trở lên thì được thọ châu năm mươi bốn hột. Cách luyện cũng như luyện châu nhưng chỉ có nửa phần mà thôi, cũng chín lần.” Đây là cửa ngõ để hàng đạo hữu vào tâm truyền ở thánh thất kiểu mẫu và rồi khắp cả chúng sanh.
Đàn ngày 08-12 Quý Mẹo (22-01-1964), Đức Đông Phương Lão Tổ minh thị về xây dựng thánh thất kiểu mẫu:
Nền chánh pháp phải xúm nhau mà xây dựng. Trách nhiệm không riêng cho một người nào. Nếu chương trình thánh thất kiểu mẫu không thành thì nền chánh pháp cũng khó mà thị hiện. Bây giờ nên có một chương trình xúc tiến mạnh mẽ hơn lên.
Đàn ngày 23-12 Quý Mẹo (06-02-1964), Đức Bảo Thọ Thánh Nương cổ xúy nữ phái:
Rất may duyên cho chị em sớm gặp được nền chánh pháp của thời kỳ ân xá lần ba nầy. Thầy đã có thệ nguyện tận độ chúng sanh. Hễ kẻ nào biết quy tùng chánh pháp, được Thầy sẵn sàng giao cho bộ chìa khóa đạo pháp để mở cửa Ngọc Kinh, mở để được về cùng Thầy. Chỉ trừ người nào không chịu nhận lãnh thì mới bị quỷ ma dẫn dắt mà thôi. Cái chìa khóa ấy là gì? Là mối chân truyền vô vi đạo pháp mà nơi đây đã được ơn Thầy ban trao rồi đó. Nếu ai có duyên thì cũng được nhận lãnh cả.
Lòng từ bi vô lượng của Thầy chảy đến không riêng cho một hạng người nào, nhưng điều cốt yếu của người được nhận lãnh là phải đòi hỏi ở lòng mình một sự chí thành, biết ăn năn sám hối tội lỗi.
Cũng như người muốn mặc một bộ đồ tốt đẹp trắng trẻo, muốn cho được sạch sẽ thì trước phải thay bộ đồ đen nhớp ở trong mình ra và phải tắm rửa thân mình cho sạch mồ hôi và đất cát, thì bộ đồ trắng trẻo kia mới giữ cái đẹp của nó được. Cho nên sám hối là một phương pháp rất hay của người tu hành mà các tôn giáo từ xưa đến nay đã dùng đến và đã cứu độ được vô số vạn ức chúng sanh được đắc quả La Hán, Bồ Tát.
Đàn ngày 08-01 Giáp Thìn (20-02-1964), Đức Ngô Minh Chiêu dạy:
Các hiền đồ nơi đây cũng nên học theo gương xưa của các vị La Hán, Bồ Tát mà tu, mà hành, để đặng hưởng một ân phước vô biên. Thời nay là thời Thầy nguyện tận độ tàn linh. Các hiền đồ cũng theo sự nguyện ước của Thầy mà lập công hành đạo. Mỗi một mgười hướng đạo phải là một vị Bồ Tát hiện thân, để hóa độ chúng sanh.
Các hiền đồ gánh vác công việc cứu chúng độ nhân cũng phải có chí nguyện như thế mới mong làm tròn được trách nhiệm của mình và thân mình mới mong được cứu.
Độ được một người tu theo giới thượng thừa thiên đạo thì mình có thể giải tiêu được nghiệp chướng một kiếp một đời. Nếu đa số chúng sanh được sớm giác ngộ theo con đường đạo pháp, thì công cuộc xây dựng nền trung hưng chánh pháp thành tựu có khó gì.
Đã là Hội Thánh thì phải có con người Thánh trước đã. Nếu Hội Thánh mà trong đó toàn là người phàm thì cũng trở nên một nhóm người phàm để rồi làm những việc phàm như thế gian thôi.
Nên muốn cứu độ chúng sinh, Thầy bèn lập ra có Hội Thánh để làm chỗ quyi tụ những người có thiện tâm, thánh đức. Nếu Hội Thánh không có những bậc Bồ Tát thì ít nhất cũng phải có tâm địa Thánh Hiền mới mong gánh vác được công việc ấy.
Việc thâu hồi sứ mạng của Thầy như một cảnh sách đối với các sứ đồ của sứ mạng trung hưng. Thầy và các Đấng thiêng liêng, các vị Thiên Đồ Trung Bảo luôn tăng cường điển lực chỉ điểm rõ ràng, giáo hóa mạnh mẽ để tùy thuận điều kiện bên ngoài bên trong, thích nghi theo trình độ nhận thức về chánh pháp trung hưng và sứ mạng trung hưng để thúc đẩy nguyện lực của sứ đồ Trung Tông Đạo. Cả hai đường hành đạo và tịnh luyện đều được Ơn Trên song hành giáo dưỡng. Nhưng tịnh luyện được Ơn Trên chú trọng nhiều hơn, nhờ có điều kiện về thông công. Hơn nữa, mặt tịnh luyện phải cần chăm sóc kỹ lưỡng mới thành tựu rốt ráo.
Từ khi Thầy thâu hồi sứ mạng, ròng rã suốt bốn năm từ tháng 01 Canh Tý (1960) Thầy Mẹ, các Đấng thiêng liêng nhất là chư Thiên Đồ Trung Bảo liên tục giáng đàn ươm nhuần giáo pháp. Đến nay việc phục hồi sứ mạng như đã ló dạng.
Sau khi Thánh giáo của Đức Giáo Tông tại Thiên Lý Đàn ngày 10-8 Quý Mão được đưa về miền Trung, các hướng đạo toàn Hội Thánh (cả Bửu Tòa và Tịnh Đường) đều có niềm thông cảm nhau hơn. Ai cũng cảm nhận rằng Ơn Trên muốn mỗi bên đều phải tự chu toàn phận sự để khi hiệp lại, sứ mệnh sẽ viên thông.
Đàn ngày 09-02 Giáp Thìn (22-3-1964) tại Tịnh Đường:
THI
HUỲNH Đạo Hiên Viên đắc Quảng Thành
NGỌC Kinh muôn thuở được đề danh
TRÁC tâm ma chí cầu Tiên Phật
MỪNG Hội Long Hoa Đạo đại hành.
Lão Phu chào mừng chư đạo tâm nam nữ.
Trước tiền đồ nền đạo, xa trông thấy lắm đoạn quanh co, đường dốc gập ghềnh toàn đạo phải trải qua, cũng một công trình khó nhọc. Tuy quanh co gai góc, sớm tối cũng được thành công, đó cũng bày tỏ chí khí vững bền.
Lửa không thét, vàng sao đáng tuổi? Ngọc không điêu luyện, giá được bao nhiêu? Bởi vậy người hữu duyên dầu ở cảnh ngộ nào cũng thắng được ngoại giới hoàn cảnh, thung dung chiều sớm trọn đạo cùng Thầy bạn, nung nấu can trường, lòng được thanh tịnh mà hoàn đơn. Khi đắc đạo đem sự giác ngộ cứu đời, chấp thiên đạo, hành nhơn đạo. Đó là thủy chung không trái.
Không trái là từ nhơn đạo mà đi lần đến thiên đạo, đó là tu. Giai đoạn nầy nung nấu lấy can trường, thu liễm thần khí vào trong, hàm chứa bao nhiêu tinh lực, kết thành một khối mạnh mẽ, vững chắc tợ hư không.
Oai nghi đầy đủ, hạnh nguyện sâu dày, lòng ấy rộng lớn như đất trời, tu tập thành công, viên đốn pháp lậu tam minh lục thông, trở lại thế gian, đem sở chứng sở đắc của mình để đền đáp ơn Tạo Hóa Tam Bảo, cứu độ quần sinh.
Đó là lúc hành. Hành để độ người cứu vật. Cũng là một dịp tỏ chứng lòng ưu sanh ái chúng của Bồ Tát. Không chấp có chấp không. Nước bồ đề trong phiền não. Phật sự tại nhơn gian.
Đó không phải bảo lúc tu mà không hành. Tu hành đâu phải tách rời. Song giai đoạn tu là hành công, lập đức để chiêu tập thiện duyện thánh tướng, tấn công phá dẹp nghiệp vọng, ma quân, quét sạch trần lao vọng thức, giải tán trận đồ.
Chừng ấy thiện ác đều không, lòng mình sáp nhập vào Tạo Hóa, chơn tánh bình đẳng như như, thì giai đoạn sau là lúc hành. Hành không phải tư nghị, lự thuyết mà bằng tâm viên tịch vô vi, công đức chánh đại viên minh, xây cho đời một quốc độ an lành. Có phải kẻ trí dắt người ngu? Đâu phải đứa đui dìu đám tối.
Lão Phu ước sao chư đệ, chư muội hiểu được ý Lão Phu để tự độ, độ tha theo một đường chánh pháp. Nhớ rằng tâm vật không tách rời, sắc không không phải khác. Song cũng đừng hiểu vật là tâm, cũng đừng lầm nhận sắc kia là chơn tướng.
Để khai minh một vài điểm giúp cho toàn đạo lấy đó làm phương tiện trong lúc thiền quán tư lự công phu. Nhận Tạo Hóa Bản Lai không hai, cũng không phải một. Vì hai thì không sắc phải tách rời, mà một thì thiện ác trở nên hỗn độn. Ngoài cái hư không bản thể trong một, chưa đủ thấy Như Lai. Đừng thấy một thấy hai để cho lòng mình vô tư, trong ngoài hai lẽ đó.
Nếu không phải hai, sao lại có câu “Tiên Thiên, Hậu Thiên tịnh dục Đại Từ Phụ”? Nếu không có một, sao có câu “Trạm tịch chơn đạo, khôi mịch tôn nghiêm”? Vì vậy nói một, nói hai không bằng hai một chẳng ngoài thanh tịnh.
Nói cũng dông dài làm chư vị mất thì giờ theo dõi. Song dông dài là dông dài của người bạc căn thiếu trí, chớ người đốn ngộ mặc dầu dông dài đến đâu biết rút gọn cũng trở nên gang tấc.
Hôm nay Lão Phu ghé về, đâu phải nhàn rỗi mà dạo chơi. Nhưng đã gọi được Lão Phu thì có chi mà không nhàn rỗi? Cười… Nhàn rỗi của kẻ tu hành không phải chơi rông phóng túng. Có chơi cũng chơi trong đạo lý nhiệm mầu. Có đi đó đi đây đâu phải bằng sự giải trí giao tình, mà tìm những tri kỷ thiện duyên để cảm thông chung cùng sứ mạng.
Tóm lại ghé vào Trung Thành ([1]) cũng không ngoài mục đích trợ duyên cho toàn đạo thêm sức mạnh để thắng ma quân, thêm oai nghi để hành giáo pháp.
Vậy mở cửa đón ơn lành, mở lòng tiếp sứ vụ. Chư hiền thành tâm đón giá.
Đọc lại một lần nữa. Có gì Lão Phu góp ý cho.
Hiên Viên đắc đạo trải qua mấy lớp, sư đệ?
Khi Hiên Viên Huỳnh Đế đến với Quảng Thành Tử đã trải qua trước kia bảy hai ông thầy. Nếu trải qua bảy hai thầy, thầy nào cũng học, thầy nào cũng bỏ vậy có tội phản sư không?
Cái thang có nhiều nấc, nấc nào cũng hữu dụng cho lúc mình cần đến gác lầu kia. Trình độ tu học mỗi lúc mỗi khải minh. Minh lúc lốm đốm nào khác chi lúc minh lãng hoàn toàn. Cũng như quẻ Càn không có tiềm long lấy gì có hiện long, phi long? Nhưng Hiên Viên đắc đạo gì?
Đắc đạo thanh tịnh. Nghĩa là không chấp động chấp tịnh. Mà Đạo không chấp lúc nào? Lúc nào phải chấp?
Thôi, Lão Phu kiếu chào.
TIẾP ĐIỂN
THẦY CÁC CON
Thầy mừng các con.
                                    THI
NGỌC thường trau luyện giá nên cao
HOÀNG Phụ thương con chẳng nỡ nào
THƯỢNG hạ với nhau đồng sức được
ĐẾ quyền Đế đạo sẵn lòng trao.
Nơi nào các con ham tu mộ đạo, biết chung nhau quần tụ một nơi để cầu học, cầu xin hướng về Thầy, Thầy luôn luôn ngó nghĩ đến con mà ban nhiều ơn huệ. Thầy là Trời không hẹp chật tình thương, không vị tư làm mất lẽ. Nên đâu đâu cũng bởi Thầy mà có, bởi Thầy mà nên, dầu đứa dại đứa khôn. Dại khôn là của nó, chứ Thầy vô tư thương đều, khi muốn lấy hay muốn cho rất công bình.
Được hay mất là tại lòng người, chớ sự của đất trời rất mực. Mọi người hay mọi vật đồng được sử dụng kho vô tận, Thầy đâu hạn chế tiêu dùng. Sự sống đầy dẫy trong hư không, tình thương ngập tràn trong vũ trụ. Mỗi con tùy ý nhận ít nhận nhiều. Cũng như không khí mặc tình con thở, mưa móc mặc sức con dùng, nắng trời sưởi ấm, phơi lòng, con coi có chi chật hẹp.
Song nói đến người thì lòng người vô minh, việc người xuôi ngược, ý người tham lam, sân hận và si mê, cố vét cho nhiều, cố vùa cho hết về mình, chứa của ở kho riêng, giành đoạt chung quanh bạn hữu, ích kỷ không lường. Vì đó mà có phiền não khổ đau, lo mất lo còn, lo không hồi dứt.
Chớ vạn hữu sống trong bầu tạo hóa, trái lại với con người, mà ngày tháng được thung dung, ấm no đầy đủ, lòng rất bình thản tự nhiên, không để một chút danh lợi buộc ràng, hơn thua mệt xác. Các con cảm hiểu ý Thầy.
Vì ý nghĩa đó mà hôm nay Thầy đến đây cũng vụ cho con sớm được hội hiệp cùng Thầy, đồng với Thầy để an bài vũ trụ, dưỡng dục quần sinh. Muốn an bài, dưỡng dục chúng sanh trong trời đất phải có lòng như trời đất, không chừa một ai, dù nên dù hư, cũng lấy lượng bao dung mà che chở.
Lòng ấy phát xuất từ Trời. Mỗi vật mỗi loài, vật nào loài nào cũng chịu một phần của Thầy mà có. Lòng ấy nhất định trường tồn bất diệt, ở trong vạn vật mà trưởng thành. Từ lúc còn tế vi lờ mờ như đom đóm, lần hồi chuyển hóa cảm thọ sự sống của vũ trụ mà trưởng thành. Khi tâm chủ được vật tình, khiến được ý chí, thì nào khác chi nhựt nguyệt giữa hư không sáng soi cùng trời đất.
Lúc lờ mờ nhỏ bé, bị đủ cách ngoại giới uy hiếp, danh phận mình ai thấy ai hay, sự mất sự còn nào bỏ chung quanh, được chúng sanh để ý. Nhưng tâm thường thanh tịnh, chuyển ứng theo thời gian mùa tiết, đón tiếp khí không hư, cho đến lòng biết xá giã, hy sinh hạnh đức mỗi ngày hiển hiện, lòng thương mỗi lúc rộng sâu.
Nói đến vật còn trong hữu hạn thiên nhiên, chớ đến người, đã vượt ra không giới cùng tận tự do, từ lúc nhỏ biết thương cha mẹ, mến anh em, giao tình cùng quyến thuộc, tương quan với làng mạc, gia đình, lo phụng dưỡng mẹ cha, nấng nuôi con cháu, sắp đặt trong ngoài, ơn nghĩa lại qua, từ đó nhận ra bổn phận. Rộng ra còn lo cho nước cho dân ! Rộng nữa lo tái thành xây dựng cho loài người cho xã hội. Lòng bác ái ngày một được lan tràn đâu đó xa gần gọi như trách nhiệm. Tự đương vi lãnh lấy sứ mạng chí sĩ thượng khách anh hùng. Bước thứ hai vượt ra ngoài thô tướng, vật chất hữu lậu, hữu hình. Lòng nảy nứt cần được hòa hiệp cùng Trời giao cảm, bằng tinh thần vượt ra không giới thời gian phụng trì cấm giới. Lòng lúc nầy ngoài sự lo cho đời hiện sống bằng cơm no, áo ấm yên ổn tự do, vật chất, thì tâm luôn luôn cầu được giải thoát tâm hồn, dẫm trên hữu lậu sống còn của lúc hiện sanh hòa nhịp theo cơ vận chuyển, thần hồn làm quen với bạn Thần Tiên trên không giới, chơi thân cùng Hiền Thánh ngày xưa trong sách sử. Cảm thấy tiến bộ về thần hồn, cần được làm Tiên làm Phật, nên xả thủ chẳng bận lòng. Được tu chứng phần mình giúp người cũng được nối gót, thiệt hành cho đến đắc đạo. Công đức giải thoát cho linh hồn trở nên xứng đáng. Song nấc thang giúp đời dựng nước giải phóng loài người nhờ công quả bước sơ cơ, phước đức trở thành công đức.
Công đức thành tựu là công đức giải thoát thanh tịnh, gốc ở lòng bồ đề phát sanh tình thương hiện ra, không nghĩ thân nghĩ sơ, không bỏ qua một việc lành, dù là nhỏ bé. Không để cho một việc ác ám thu mà chẳng trừ. Chúng sanh thảy thảy là gan tim của mình. Động tịnh không sao chẳng tương quan mà lo liệu. Lúc nầy lòng ấy trở về với lòng mẹ như còn ở trong thai. Lòng được vô vi, lòng như sông biển. Công đức sâu dày rực rỡ như mặt trời, mặt trăng giữa thiên không. Chúng sanh nào lại không sưởi ấm, phơi lòng, chúng sanh nào không tiếp nhận ánh sáng của mình để lòng hân hoan tin tưởng.
Vậy thành đạo không ngoài mục đích nói trên. Các con gắng học, gắng hành, tự xét lúc nghèo đừng xa xỉ buông lung dong ruổi. Vật tình mỗi lúc mỗi kém sáng, mỗi ngày thêm khô kiệt, phóng tâm thần khí phân tán, vật tình cướp đoạt mà nghị lực suy đồi. Lúc nghèo khó nầy phải hồi phục tâm, an trụ lấy tâm, để tâm đủ công năng giao cảm.
Vậy muốn chứng kiến lòng mình vạn hóa phi thường, thấy cái sáng suốt của người đui, tài hay của đứa điếc. Đui không thấy vật tình nên trí lực đầy đủ phương cương. Điếc không nghe thanh âm nên tâm an trụ, hiện công năng sáng kiến.
Lời nói trên là Thầy muốn ban cho con một trách nhiệm. Trước khi chịu trách nhiệm, các con phải tự nâng mình ngang với quyền pháp đã trao. Quyền Pháp ở bậc nào gắng làm tròn xứng ở chức vị đó. Quyền Pháp trọng nhiệm cao cả ở một thánh thất trong một tỉnh thành, quan trọng trên người Đầu Họ và các con Chánh Phó trị sự, Thông sự. Quyền Đầu Họ ở chỗ tượng trưng được con người đại diện khí vị Thần Tiên, ân oai có đủ, lo đường giáo hóa lợi lạc quần sinh. Sự đại diện bảo an trật tự. Cầm cân nẩy mực phải được đúng đắn công bình. Dưới các xã Trị Sự chịu quyền pháp mà dìu dẫn đạo đồ, cắm ngọn cờ tận độ trên tôn chỉ dung hòa, nền móng là tình thương lẽ thật. Vì vậy Chánh Phó Trị Sự, Thông Sự phân quyền một Hội Thánh cỏn con, cùng đủ tư quyền tượng hình thể Đạo trong mục đích cứu phần hồn, độ phần xác, sống yên vui được nương cậy ngày tháng tròn hưởng chế độ sơ bộ đại đồng. Chết được rỗi phần hồn trở lại cùng Thầy đó là tròn phận sự.
Muốn được kết quả là đạo đồ trong xã phải được tin tưởng sống nhờ quyền pháp chở che, thì phải tôn trọng nhiệm vụ quyền hành của Ban Trị Sự. Đó là một con thuyền Lý Bạch Giáo Tông đã phân chia trách nhiệm cho Chánh Trị Sự, Phó và Thông Sự lái lèo đưa đạo đồ nơi sở trách qua bờ giác. Mà đạo đồ đã chịu quyền pháp ở Chánh Phó Trị Sự, thì Chánh Phó Trị Sự, Thông Sự cũng phải chịu quyền pháp của người Đầu Họ mới được cứu và hoan hỷ tuân hành. Mình có kỉnh người trên, thì kẻ dưới mới kỉnh mình đó là đường đưa con vào cửa Thánh.
Vậy sự quan trọng nầy ở nơi Đầu Họ và các ban Trị Sự, làm nòng cốt mà xây dựng hướng đạo giáo hóa. Ngoài ra chư Thiên ân Quyền Giáo Hữu và Lễ Sanh cũng nương lấy quyền pháp nầy mà tài thánh cho cơ sở thánh thất xã đạo. Thầy đã chuẩn cho, phải gắng lấy quyền hành cần tâm tu học để được giải thoát. Đi, đứng, ngồi, nằm trong bốn oai nghi phải được điều hòa thanh tịnh để làm pháp cảm sanh, để chế ngự con người của con còn đeo mang tình thức.
Vậy được việc không phải nói giỏi làm nhiều, mà ở cái hạnh làm người, ở lòng thật tu, ở lời nói chắc chắn, ở bốn oai nghi thanh tịnh điều hòa. Nâng người, nâng mình vượt lên trên địa vị đã có và làm rực rỡ cho quyền pháp Đạo Trời. Hàng ngũ Thiên ân chức sắc được vậy, lo gì không yên trụ được cái sứ mạng, không kiểu mẫu được quyền pháp.
Sứ mạng được yên trụ, quyền pháp được tỏ rõ, thì kẻ sĩ người tài đặt vào các chức phận chia nhau mà giải quyết. Ngoài quyền pháp có bốn cơ quan vây quanh mà phô diễn lực lượng, bày tỏ ý chí, giới thiệu đạo đức, chỉ dẫn đường lối thiệt là sít sao, thiệt là dung chứa. Ngại gì ! Các con có dành của ai mà sợ ai thù ghét. Của ấy Thầy đã chia cắt có luật pháp qui định hẵn hòi hay các con sợ không bằng lòng vì tình cũ nghĩa xưa để giữa nhau đẹp vui, tùy nghi mà châm chước.
Điều đó tùy con, nhưng quyết rằng quyền pháp chơn truyền, ngoài ý Thầy không được một ai canh cải, dù cho Tam Trấn hay Giáo Tông cũng vậy.
Thầy tạm thời cho một quyền pháp đặt lại vấn đề xây dựng nền Chánh Pháp Trung Hưng, lấy một nơi làm thể đạo. Nơi mà thể đạo hiện, không phải chùa to người đông, của nhiều hoặc phơi bày hình thức lòe loẹt, hoặc cọng thêm một vài quyền thế và hoàn cảnh mà cho đó bằng tượng trưng. Phải ở nơi thân của con người chức sắc. Chức sắc biết giác ngộ, biết thương đời mến đạo và lo trau sửa lấy thân, chăm chỉ sắp xếp cho nhơn sanh có một lập trường đứng vững. Cho có một khuynh hướng đúng đắn, có một tâm trường thỉ chung, có một tình thương chia sớt, thì đó mới gọi được kiểu mẫu mạnh lành. Các con cảm thông và giúp nhau cố gắng tu học.
Đây lâm thời thành lập một Ban Giáo Pháp, một Chủ Tịnh Đường, một người Pháp Chủ, một con Chứng Minh. Dưới tùy đặt các tiểu ban cung ứng cho nhu cầu, hoặc học giáo lý, hoặc tập hạnh giới, hoặc hành chánh bảo pháp v.v…
Tịnh chủ tạm gắn cho Tuyến. Chứng minh tạm gắn cho Toàn. Pháp nhân Trần Cư tạm giữ. Thông công Minh Đức tạm lo. Ngoài ra các con đồng góp ý xây dựng.
Song Trung Thành có một tịnh thất làm nơi tắm gội linh hồn cho chức sắc và đạo đồ có tâm giải thoát. Tạm cử tịnh chủ Bùi Đặng Đán chủ trì, chứng minh Thượng Khải. Pháp chủ do Tịnh Đường, đó cũng tạm đặt, để kinh nghiệm.
Sáu tháng sau, nếu được trọn, thì ban cho một quyết nghị. Thờ phượng cũng tạm thời một Thánh Nhãn, một hình Ngô Cao Tiên. Pháp khí một Thái Cực đăng, một bình tịnh thủy, song đối thủy hỏa tương giao. Ngoài ra y như Thiên Bàn ở thánh đường.
Về nghi lễ theo kinh cúng hằng ngày ở Chiếu Minh, thêm mỗi thời bài dâng hương theo kinh. Nếu thời nào có bài Thông Minh Chú, khỏi bài Khai Kinh, cuối cùng Ngũ Nguyện.
Chư chức sắc hoặc đạo hữu đã thọ pháp, còn ở gia đình hoặc đi hành đạo hay về Thánh Đường, y các ngày cầu sám chúc tụng theo lề lối cũ. Để tạm thời, sau Thầy sẽ định quyết. Nếu con nào có duyên với Chiếu Minh thì tùy ý.
(…)
Về tiếp quy làm phép xác, công việc chính của chư chức sắc ở địa phận sở trách, không được chểnh mảng từ nan. Khi đạo hữu hấp hối, Ban Trị Sự và đồng nhi thiết lễ cầu hồn, rồi bưng luôn ngọn đèn tại Hậu Thiên tịnh bàn để ngay trước mắt người hấp hối mà kêu tên mà khải thị. Xong đem đèn ấy để lại Hậu Thiên tịnh bàn cho đến mãn cửu sơ sẽ tắt. Nếu có Đầu Họ càng tốt, song phép nhập quan, phép xác (trì phép định phách) phải người Đầu Họ. Bất đắc dĩ không có, phải có một chức sắc ngang quyền hoặc ngang vị, thấp cao không quá hai bậc mới được thay mặt mà rửa tội trong ngày chung quy. (Người khải thị phải tu hơn hoặc bằng người quy liễu. Nếu trường hợp Chánh Phó Trị Sự trai kỳ mà đạo hữu trường trai quy liễu phải nhờ người trường trai hoặc chức sắc ở thánh thất khải thị.)
(…)
Chức sắc của Thầy hay chức sắc của Giáo Tông khi phận sự tròn, ngày quy liễu cũng được liệm phẩm phục để về chầu Thầy. Trường hợp các con chưa mặc phẩm phục theo chức vị thì ngày tịnh tịch được sắm liệm không trở ngại.
Các con cứ coi đây là hoàn cảnh đặc biệt, phải vô tư mà giải quyết. Các vấn đề đây và ngoài Bửu Tòa không có ý nghĩ tách rời. Bất đắc dĩ phải thực hiện để giữ lấy đường lối trung thành với quyền pháp sứ mạng trung hưng. Các con lo xây dựng thánh thất và giúp đỡ các thánh thất hay bạn đạo cùng tu, cùng học, cùng làm, theo đường lối từ xưa mà gần đây vì đôi cớ, các con phải giữ nguyên, chờ Thầy một ngày đem lại tình thương sự sống trong ơn quyền pháp, mà lẽ thật chưa hiện ra. Khi mây tan, trăng sáng, bạch bạch minh minh, ai không nhận được.
Các con ngày nay cần có một tòa nhà quyền pháp. Lâu đài ấy xây dựng trên lẽ thật, trong đó có sự sống tình thương. Muốn có lâu đài ấy, không phải một mình con hay vài đôi nơi mà làm đủ. Phải quy góp rất nhiều. Cũng như chọn cây cho xứng cột đáng kèo, đâu phải một núi một rừng mà có đủ. Phải tìm kiếm nhiều nơi.
Kèo cột, đó là hướng đạo trung kiên, từ trước đến nay không bị ngoại giới sai sử. Lâu đài kia còn phải cần nhiều cây danh mộc một sắc với nhau thì chánh pháp cũng cần có nhiều Thiên ân hiền đức trọn đạo. Song lúc chưa có lâu đài đạo pháp thì tạm thời các con cứ giữ nguyên nhà cũ của mình. Dầu có hỏng hư đôi chỗ, cố gắng đắp vá cho lành, không nên phá đổ để về với lâu đài. Khi mà lâu đài chưa đắp xong, mà nhà xưa mình đã phá, các con nghĩ làm sao đứng đâu cho khỏi mưa tuôn, nắng xé.
Thầy muốn các con vô tâm trước việc nầy. Chi chi cũng có Thầy trong đó. Quyết định một đường lối là lẽ tất nhiên, song lẽ ấy chưa thố lộ với con, chưa trao gởi vào con là vì con còn trong cảnh giới vô ký. Nếu thảng vô minh vọng thức bất giác mà sanh, bất giác mà khởi thì giữa con và các con kia với con phải gây nên một sự oan trái, danh nghĩa liệu sao? Giá mà con giữ được nguyên vẹn chơn tâm, thì không khéo Thầy đã vô tình làm cho các con kia nghiệp thức loạn khởi, bỏ tu, chống Thầy, trái đạo để thỏa mãn ý thù ghét ganh kia mới liệu làm sao?
Con nghĩ sao? Xưa Ngũ Tổ truyền y bát cho Huệ Năng mà còn một mảy không dĩ lộ, phải bảo trốn ngay lập tức trong đêm. Chính Người phải mở cửa phá rào đưa Huệ Năng đến sông, khi bước xuống thuyền đi khuất dạng Người mới trở về. Đến lúc mọi người biết thì Huệ Năng đã ngoài một trăm dặm, thế mà còn bị quân của Thần Tú đuổi theo. Trốn chui trốn đụt đó đây ngoài mười sáu năm, mà vẫn còn phập phồng lo cho thân mạng. (…)
Các con cẩn thận. (…) Các con đây và đạo hữu Trung Thành phải trăm lần cố gắng. Cố gắng để thành công, để được việc cho sau nầy. Nên Thầy cũng cho con biết sẽ gặp nhiều khó khăn, khó khăn không từng để ý. Phải ghê sợ, ghê sợ chưa thấy lần nào. Đó cũng là một sự ma luyện chí khí, tâm trường của các con, mà cũng đem cho các con đến một địa vị xứng đáng. Một năm, khó khăn một năm. Song trong hoàn cảnh phân vân và xao xuyến, nếu không đặt hết lòng mình với Thầy cũng có thể bán đồ nhi phế.
Về hành chánh, chờ Giáo Tông. Nếu điều kiện [Huệ] Minh Đức khỏe sẽ tiếp. (…)
Ban tất cả bồ đào cho toàn thất tiếp nối hồng ân cùng chung hoan lạc.
Thầy dặn con một lần nữa: Gắng chịu ma luyện, có Thầy trong con, chớ ngại.
Thầy thăng.
Cái không khí “thời khuê” (thời chia lìa) giữa Tịnh Đường và Bửu Tòa có phần bớt dần sự cách biệt. Tại Tịnh Đường, mặc dù đồng tử Liên Hoa tạm ngưng thủ cơ nhưng có Huệ Minh Đức (tá cơ quân Đặng Nhâm) thay thế. Các đàn cơ tại Tịnh Đường mặc dù Bửu Tòa chưa hầu đàn nhưng vẫn quan tâm tìm đọc thánh giáo để dò Thánh ý.
Thánh giáo trong đàn cơ dẫn trên đã mở ra cánh cửa giáo pháp nối lại hồng ân tiến đến phục hồi sứ mạng cho cả các hướng đạo Trung Tông. Đó là con đường dưỡng dục quần sinh. Nó không riêng ai, không vị ai, mà chung cả trong trời đất. Ai ở cương vị, lãnh vực nào phải chu toàn cương vị, lãnh vực nấy. Nhưng vấn đề cần chú trọng sau cùng là tu giải thoát. Đó là con đường thanh tịnh vô vi. Mọi phương môn công truyền hành đạo dần dần dắt dẫn đến tâm truyền tịnh luyện. Vun bồi việc thiết lập thánh thất kiểu mẫu là mở lối hình thành phần tâm truyền tịnh luyện, gầy dựng cơ sở tịnh thất. Đó là đạo tràng đưa chúng sinh đạt cứu cánh của sứ mạng trung hưng.
Trong hoàn cảnh quê hương chiến loạn, đất nước điêu linh, mối đạo cứu đời còn chông chênh nhiều nỗi. Về phương môn hành đạo đòi hỏi các Thiên ân phải xông lướt với khổ nạn của quần sinh.
Năm Giáp Thìn (1964), Hội Thánh tiến hành nhiều chương trình:
- Chuyển hai chức sắc (một Cửu Trùng Đài, một Hiệp Thiên Đài) từ Tịnh Đường trở về Bửu Tòa để góp vai hành đạo. Đó là Giáo Sư Thượng Hậu Thanh (Nguyễn Đạt Đức) và Thừa Sử Quân Hồ Tân Sinh.
- Ngày 01-3 Giáp Thìn (12-4-1964), khánh thành thánh đường Bình Định tại thành phố Quy Nhơn.
- Ngày 28-3 Giáp Thìn (09-5-1964), Chủ Trưởng Hội Thánh là Phối Sư Ngọc Quế Thanh hướng dẫn phái đoàn gồm hai mươi chín chức sắc đại diện các Hội Thánh về Tòa Thánh Tây Ninh vận động thống nhất đạo Cao Đài.
- Ngày 01-6 Giáp Tuất (09-7-1964), Hội Thánh thành lập Tổng Đoàn Thanh Niên Hưng Đạo do huynh trưởng Trần Quốc Luyện làm Tổng Đoàn Trưởng. Đây là một tổ chức nối tiếp Tráng Anh Đoàn và Thanh Niên Phước Thiện nhằm hướng dẫn tín hữu trẻ tu học đồng thời tham gia công tác xã hội.
- Gặp lúc chiến tranh lan rộng, Hội Thánh lập ba khu định cư cho đồng đạo tỵ nạn chiến tranh như: khu định cư Xuân Mỹ tại Hội An, khu định cư Vườn Lài tại Tam Kỳ, khu định cư An Hải tại Đà Nẵng.
- Lại thêm miền Trung thiên tai lụt lội khủng khiếp, Hội Thánh tổ chức cứu trợ nạn nhân, thiết đàn cầu siêu cho đồng bào, đồng đạo tử nạn trong bão lụt.
Giáo Sư Thượng Hậu Thanh về Trung Hưng Bửu Tòa đảm nhiệm Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế. Mặc dù bận nhiều việc ở Bửu Tòa nhưng Thượng Giáo Sư Hậu vẫn kiền kiền với tịnh luyện và luôn đến hầu các đàn cơ giáo pháp tại Tịnh Đường.
Đàn ngày 05-3 Giáp Thìn (16-4-1964) Đức Ngô dạy:
Ta đã làm tròn được cái ý của Cha Ta đã sai Ta xuống trần lần thứ hai nầy, đem bộ chìa khóa bí nhiệm cho toàn thể các bậc nguyên căn mở cửa trời mà về với Đấng Cha Lành nơi Thiên Quốc. Ta sở dĩ làm tròn được nhiệm vụ quan trọng ấy là ta biết vâng theo lời chỉ giáo của Cha Ta. Ta nói thật, ngoài Ta ra thì không còn ai là người cứu độ nữa.
Vì sứ mạng lần ba nầy, Cha Ta đã giao cho Ta, nên Ta có quyền cứu độ mà cũng có quyền xin Cha Ta để hành phạt. Đó là nói những kẻ phản nghịch, còn những kẻ nào được duyên lành quả tốt, đã chịu nghe theo lời Ta chỉ giáo, thọ nhiệm tâm pháp nơi Ta, thì phải noi theo gương của Ta mà gìn giữ lấy mình.
Đàn tại Tịnh Đường ngày 13-3 Giáp Thìn (24-4-1964), Đức Lữ Động Tân dạy:
Ngày tháng tiêu diêu một chữ nhàn
Một bầu Tạo Hóa rộng thênh thang
Cờ Tiên rượu Thánh vui quên mỏi
Chẳng bận lợi danh phải buộc ràng.
(…)
Lão đến chung vui, ban cho chư hiền một pháp môn lẽ thật mãi được tồn tại giữa nhau. Lẽ thật khi được hiện ra thì chư hiền khỏi nhọc lòng thanh minh chứng giải. Vì hôm nay còn trong cảnh manh nha trác luyện, mà phải nhọc lòng. Muốn cho thiên hạ biết, thiên hạ tu nên phải nói phi nói thị. Phi thị mà làm gì được rõ bày. Chơn lý được sống lại ở mọi người, chỉ có lẽ thật hiện ra. Lẽ thật có rồi thì khỏi cần bán rao giới thiệu. Lẽ thật không phải từ trời mà xuống, từ đất mà lên, mà ở chính nơi lòng người. Lòng người biết tu là lòng người trở nên thật. Có thật rồi thì mới hướng dẫn, mới dạy bày. Chứ đức bạc trí hèn, tự thấy chưa xong mà làm thấy được ai.
Cùng đàn ấy, Đức Lý Thiết Quả dạy:
Một bầu linh dược chẳng rời thân
Thương đám quần linh phải xuống trần
Dạy đạo khuyên tu thành chánh quả
Biết coi biết lựa khỏi sa chân.
(…)
Các hiền phần đông chưa đủ chánh tâm phân biệt chơn giả rõ rệt, hơn kém. Đôi khi cần cái giả mà cho là thật, có cái thật cũng nghi chưa biết phải không. Mà cũng khó thật! Ở đời sống trong vòng hữu lậu, ai cũng chuộng cái hình thức hữu vi. Thô hay tinh, cũng là sắc tướng.
Đàn tại Tịnh Đường ngày 23-3 Giáp Thìn (04-5-1964), Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy:
Các hiền hôm nay muốn đảm đương công việc tác thành chánh pháp trung hưng trước cốt phải có con người vừa sáng suốt, vừa mạnh mẽ, mới làm công cụ cho vạn hữu sự nghiệp.
Đàn hôm sau (24-3), Đức Lý Đại Tiên Trưởng dạy:
 Lão rất buồn! Buồn cho đa số chúng sanh bị ở trong vòng đen tối, bị sự trói buộc chưa ngõ thoát ra. Nhưng cũng rất mừng, mừng được thấy một số đạo đồ có duyên lành quả tốt, sớm giác ngộ theo con đường chánh pháp, biết tìm lấy lẽ sống hằng còn. Thật là một ân phước của Kỳ Ba tận độ, đã đi trúng con đường về cùng Thầy một cách chắc chắn. Kẻ nào không bước qua con đường đạo pháp nầy thì khó mong về cùng Thầy được. Nhưng con đường nầy phải trải qua đôi đoạn chông gai trắc trở, phải có sự cố gắng mới đi đến chỗ thành công.
(…)
Đường nầy cốt tình thương lẽ thật
Cả sanh linh vạn vật đều chung
Đường nầy mầu nhiệm vô cùng
Người đầy duyên phước mới cùng bước đi
Bước đi đến vô vi đạo pháp
Mới là nơi hội họp cùng Thầy
Kiền kiền giữ mãi chớ khuây
Pháp luân thường chuyển mới đầy mới viên
Chi chi cũng tịnh yên là gốc
Cốt ở nơi tam độc trừ xong
Để cho thần khí lắng trong
Tam huê tụ đảnh mới mong dắc thành.
Đàn tại Tịnh Đường ngày 08-4 Giáp Thìn (19-5-1964), Đức Ngô dạy:
Sứ mạng lần ba nầy Thầy đã trao trọn quyền cho Ta. Ngoài Ta ra thì không còn ai là người cứu độ nữa. Đã trải ba mươi chín năm rao truyền chánh pháp, tự tay Ta đem giọt nước cam lồ rưới khắp mười phương, đem tin lành cho chúng sinh, nhưng cũng chưa được mấy người chịu hứng lấy để được cứu. Cũng vì chúng sinh còn quá vô minh, chưa nhận được con đường cứu rỗi của Ta. Không khéo vấp phải cái tội phản bội như dân Do Thái ngày xưa. Đã không tin Ta là bậc cứu thế mà còn sỉ mạ Ta, giết Ta. Rồi phải chịu một sự hành phạt rất ghê gớm. Nên dân tộc phải bị mất nước. Thành Giêrusalem cũng phải tan tành. Ôi!
Lần nầy Ta đến thế gian không phải như lần trước. Lần nầy Ta đến trước nhất với dân tộc Việt Nam. Dân tộc đã chịu hấp thụ với nhiều nguồn tín ngưỡng. Lần nầy Ta đến với thế gian không phải như lần trước, phải dùng nhiều phép lạ để làm phương tận độ. Lần nầy Ta chỉ tượng trưng cho đời bằng một con người giản dị, dùng phương pháp tu trì để đắc đạo quả, rồi truyền lại cho người một phương cứu độ độc nhất là con đường tu luyện.
Thánh thất Trung Thành sở dĩ đón được ơn huệ trước tiên là nhờ ở một duyên lành nhiều nơi góp lại và cũng trải qua nhiều công quả góp phần trên công việc xây dựng nền Trung Hưng chánh pháp, nên mới được Ta đặt nơi đây một thánh thất kiểu mẫu. Tuy chưa làm trọn được cái tên của nó nhưng cũng đã thực hành được nhiều việc đáng kể, mà nhứt là hình hiện được ngôi tịnh thất để mở một kỷ nguyên xán lạn cho muôn đời sau.
Cái ngày tận độ cuối cùng của Ta cũng chỉ làm trọn được cái ý nghĩa thánh thất kiểu mẫu mà thôi. Thánh thất kiểu mẫu là có cả thánh thất và tịnh thất. Thánh thất là nơi tiếp rước những người đi theo con đường thế đạo. Men bước vào con đường thiên đạo thì phải có nơi tịnh thất để đưa người lên con đường giải thoát. Có giải thoát thì mới được hưởng cơ tận độ của Thầy. Nói rõ hơn, vào tịnh thất để giồi luyện thân tâm thì mới được siêu phàm nhập Thánh.
Đàn tại Tịnh Đường ngày 23-4 Giáp Thìn (03-6-1964), Đức Quan Âm Như Lai dạy:
Ngày xưa Đức Phật Tổ thuyết Kinh Kim Cang đã nói rõ: Nếu người nào lấy của thất bửu dầy dẫy cả ba ngàn đại thiên thế giới, hay thân mạng nhiều như cát sông Hằng mà bố thí, so với người tu hành giữ tâm thanh tịnh không còn chấp trước ngã nhơn, chúng sanh thọ giả, thọ trì tứ cú kệ ([2]) thì công đức so với người bố thí trên kia nhiều hơn.
Xem như thế thì công đức tu hành không cứ ở lấy công hành đạo, mà cốt ở sự giồi luyện lấy thân tâm. Thân tâm có được giồi luyện thì huệ tánh mới sáng ra. Có sáng thì mới dẫn dắt cho kẻ tối được thấy, mới gọi là hành đạo.
Đàn tại thánh thất Trung Thành ngày 08-5 Giáp Thìn (17-6-1964), Đức Lý Giáo Tông dạy:
Phải có ân phước can trường mới gặp được chánh pháp. (…) Hiện nay con người của chư hiền có hai con đường phải đi. Một là công truyền, hai là con đường trung hưng chánh pháp. Con đường theo tôn chỉ, mục đích của Thầy là công truyền, tâm truyền tương đắc.
Con đường công truyền nếu có gia công tu học cuối cùng chỉ xử xong thế đạo. Nếu có công mà không tu luyện, thì còn ở trong vòng lục đạo, không tội mà chỉ được hưởng phước mà thôi.
Theo con đường trung hưng chánh pháp, tu hành chứng ngộ được đạo pháp vô vi của Tôn Sư thì sẽ được về cùng Thầy một cách chắc chắn. Con đường ấy Thầy đã vạch từ lâu, sở dĩ người chưa làm được là vì duyên nghiệp còn nặng, công quả còn non. Chư hiền nơi đây rất có duyên phước mới được hội ngộ, hôm nay mới được Ta có lời chỉ dạy.
Đàn tại Tịnh Đường ngày 08-6 Giáp Thìn (16-7-1964), Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
Tại miền Trung nầy Thầy đã xây dựng nên một nền trung hưng giáo pháp. Nghĩa là đem cả phần công truyền và tâm truyền hiệp lại làm một thể, để cho cơ cứu độ được trọn lành.
Đàn tại Tịnh Đường ngày 23-6 Giáp Thìn (31-7-1964), Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Nền trung hưng chánh pháp trải qua cơn khảo chọn, đến nay có mòi tái lập.
(…)
Bước hành trình cũng thông tiến thối
Được thành công là bởi chí bền
Tòa nhà chánh pháp dựng nên
Nữ đồ được rạng tuổi tên với đời.
Đàn tại Tịnh Đường ngày 23-6 Giáp Thìn (31-7-1964), Đức Trần Hưng Đạo dạy:
THƯỢNG hòa hạ mục đẹp lòng Cha
CHÁNH pháp truyền trao khá giữ mà
PHỐI hiệp đó đây vầy một khối
SƯ đồ quyền pháp cứu lần ba
TRẦN hồng gió bụi toan xua đẩy
HƯNG phế vì đâu phải thiết tha
ĐẠO đức gắng công ta thoát kiếp
GIÁNG thăng tùy lúc được dung hòa.
(…)
Giờ nầy Bản Thánh đồng ý cho Liên Hoa thủ cơ để Bản Thánh đặt lại vấn đề chánh pháp.
Bản Thánh định một kỳ đàn có đủ mặt các hiền nơi đây và chư chức sắc mấy thánh thất có tương quan cùng cơ giáo pháp để Thầy đến minh định một con đường.
Đàn tại thánh thất Trung Thành ngày 28-6 Giáp Thìn (05-8-1964), có mời các thánh thất kiểu mẫu hầu đàn:
Đoái nhìn non nước cảnh tang thương
Giải khổ tìm chưa thấy lối đường
Đông chiến Tây chinh da thịt trộn
Trông còn tình đạo nức lòng thương.
Bản Thần chào chư Thiên ân, chư đạo tâm nam nữ. Giờ nầy có chư Thiên Đồ Trung Bảo đến cùng chúng ta, với niềm yêu thương trong Hội Thánh. Chư hiền khéo sắp xếp đàn nội được thanh tịnh trang nghiêm, chung quanh bên ngoài đừng vọng động. Chư phận sự tận tụy với bổn phận để khỏi sơ sót lỗi lầm. Bản Thần Hàm Chương Trấn Đạo ([3]) xin chào quý Thiên ân liệt vị. Xuất đàn.
TIẾP ĐIỂN
HỮU CHÍ thì nên mối đạo nhà
CHƠN KHAI chánh pháp đạo Kỳ Ba
BỆNH PHU sớm biết nên ngăn trị
CHẤT phác làm gì phải xảy ra.(4)
Chào chư Thiên ân và nữ nam mấy em thân mến.([4])
Chư hiền và mấy em thân mến. [Hãy] vì quý anh giữ thanh tịnh, ngồi nghe một đôi lời tâm tình nội bộ. Bên ngoài không vào được cũng gắng để lòng liên hệ câu chuyện đêm nay.
Bốn anh em chúng tôi hôm nay về đây cùng một lần trong câu chuyện quyền pháp nội bộ. Quyền pháp nội bộ được trở nên một sức mạnh phi thường. Người của Hội Thánh ta ai cũng nể nang con người đứng trên lập trường thuần chơn vô ngã. Quyền pháp cao trọng được ơn Thầy đoái thương, đã ban trao chốc lát hình thành một Hội Thánh. Hội Thánh được chào đời với một ý nghĩa lịch sử trên tinh thần duy nhất giữa thiên đạo và thế đạo, giữa Trời và người, giữa nay và xưa, không phân ranh giới màu sắc chủng loại. Hồng ân ấy có được là do quá trình công đức của hồn đất nước, của dân tộc, của khối chơn thành đạo đức các bậc hướng đạo và chư đạo tâm giác ngộ, nên Hội Thành mới được ra đời.
Hội Thánh ra đời lãnh một sứ mạng thông công để cứu vãn tình trạng đã bị đổ nát, đã bị rẽ riêng để tiến sâu vào con đường xây dựng một cuộc đời an vui cả xuất thế và nhập thế.
Nhưng Hội Thánh thành hình trước không đức, sau thiếu tài. Nhiệm vụ người Thiên ân chưa đủ [để mà] đới Thiên hành đạo với gánh nặng đường dài. Nhưng có chối từ cũng không được là vì ý Trời đã định. Dầu muốn dầu không hoàn cảnh bắt buộc phải đương đầu, mà kẻ mất người còn cũng đồng hợp sức nhau cùng lo sứ mạng.
Về phần hữu hình, phó cậy ở các em trông nom dìu dẫn đạo đồ, lấy lễ hòa người, lấy người làm sự nghiệp.
Còn về vô vi, Hội Thánh có chúng anh làm Trung Bảo, mặc hộ âm phò cho công cuộc và cho người hướng đạo sớm được trọn đẹp ý Thầy và vận chuyển bằng điển quang, hoặc bố hóa, hoặc chở che, hoặc để tiếng dạy khuyên, hoặc cầu xin chế giảm mà nửa phần Hội Thánh chúng anh chịu trách nhiệm cùng Thiêng Liêng. Đặt từ phẩm Phối Sư trở lên Đầu Sư, Chưởng Pháp và Giáo Tông đều vô vi lãnh đạo.
Vì vậy mà phần hành chánh, Tổng Lý đặt quyền pháp ở Đức Trần Hưng Đạo Đại Vương, Hiệp Lý thừa hành. Hành Chánh vô vi đặt lại cho Trần Nguyên Chất. Phổ Tế, Chơn Khai. Phước Thiện, Ngọc Trác. Minh Tra, Hữu Chí giữ phần tinh thần. Thì Hội Thánh ta các em cũng nhận thấy hiệp cả vô vi, hữu hình. Dầu cơ cấu tại thế nầy dẫu to lớn, dẫu phẩm vị cao sang cũng phải có một phần Thiêng Liêng đầu đuôi mới trọn. Mà đầu đuôi không còn một ý thức, không được sự dính liền thì làm sao được gọi thành hình, được kêu Hội Thánh.
Hội Thánh hữu hình giữa tình linh sơn chia rẽ, nội bộ bất đồng, bất nhứt, trên dưới đăng đê, quyền pháp thiếu linh, đức không xứng, tài không hơn. Vì vậy dưới trên lờn lã, tình thương mất mát, sự sống khô khan, lẽ thật giữa nhau như chừng chẳng thấy nữa, thì bảo sao danh nghĩa không lu mờ, tâm linh không ám muội.
Tâm đã ám, quyền pháp không còn thì ma quỷ đâu đó khởi lên, lợi danh chưng bày để rồi cám nhử. Ơn Trời không chảy đến, phước cũng đã cạn mòn thì vận đạo phải suy, nghiệp lành bị đổ.
Nếu Hội Thánh còn nghĩ tình xưa nghĩa trước, mỗi mỗi đều tin có Hội Thánh vô vi làm nòng cốt, nhứt nhứt phải được hỏi han, phải trọng yếu phần lãnh đạo. Dầu hữu hình có lầm lỡ, bị xảo kế của tà quyền, thì cầu hỏi phần Trung Bảo pháp quyền dẫn bước đưa chơn, giúp hay, bày thiệt. Ngặt phần thông công đóng cửa, người không đặt đức tin vào chỗ vô hình mà hóa trở nên con người tự kiêu tự mãn.
Bây giờ cớ sự nội bộ đã đi đến khó khăn lùi sụt, tình trạng mỗi ngày thêm gay gắt, lòng đạo nguội lạnh mỏi mòn, không biết trông đâu nương cậy, thì phải sao đây? Để được nối liền, để tình thương đâu đó được đượm nồng ấm áp như trước kia, nhựa sống của Thiêng Liêng gắn bó trỗi lên không còn khô khan yếu nhụt, thì chúng anh cũng đồng ý với các em, phải được hòa nhứt cho nội bộ chóng được mạnh lành, phải đặt ở Thiêng Liêng một đức tin dẫn đạo và cải tạo sửa mình để phối ứng cùng trời đất, lúc sống có sự cảm thông, lúc quy hồi cũng chứng phần tiêu diêu giải thoát, thì quý anh khuyên các em an lòng chờ có một sự vận chuyển mà các anh đây đương lo cầu khẩn ở cơ mầu nhiệm hiện ra.
Chắc chắn phải hòa thân duy nhứt, song không do tay người làm được, ý người tính nên, mà phải tin ở quyền Thiêng Liêng và tin ở phần đông đạo tràng giác ngộ. Đạo tràng nhận được giá trị của quyền pháp, nó được tác dụng bằng cách nào, ở đâu và ai là người có chịu quyền pháp.
Nếu các em nhìn thấy tiền đồ nền đạo còn phải trải qua, mục đích của mình đến đó, được chi cho thân, lợi chi cho bạn. Thân không tu không chứng, bạn không tin cậy, là thân còn đắm đuối chưa đủ tượng trưng. Mà muốn cứu chuộc sứ mạng này không lấy công đức ở lòng thiết tha, biết ăn năn hối cải, thì có gì thay thế, đem sự nghiệp trở về với toàn đạo, với tương lai?
Hôm nay sự hội họp như vầy cũng một dịp thông cảm, để nhắc cho mấy em có một trình độ nhận thức hầu khỏi lầm lẫn, sao chánh sao tà, đường nào nên theo, đường nào nên tránh.
Theo không phải cầu vui hay dục vọng, mà làm sao dầu nhỏ dầu lớn cũng có một tương lai. Việc làm của mình cuối cùng lòng không ân hận. Tương lai là xứ sở của mọi người, mọi người nên đặt tương lai lên để phụng sự. Tương lai là nguồn sống tươi đẹp, thì hiện tại phải làm sao giâm cấy được hạt giống yêu quý của mình đương mơ màng, người cũng thích. Tương lai không bất bình, thì hiện tại đừng gây nên mâu thuẫn. Tương lai được bền vững, là tâm đức phải trau giồi. Tương lai khỏi lôi thôi, thì bây giờ đừng nên lầm lẫn. Tương lai của Hội Thánh là nguồn sống của chúng sanh. Hội Thánh là người mẹ chăm sóc những đàn con, người cha đương che chở xây dựng. Cha với mẹ của loài người lúc nào cũng nghĩ đến cho con lớn, cho khôn cho đẹp, cho mở mặt cùng mọi người, thì Hội Thánh luôn luôn dẫn cho các em một con đường về với Thầy sống với bạn. Về với Thầy bằng pháp môn giải thoát, tâm được tỉnh, thân được lành. Ở với bạn, sống với bạn, bằng lẽ thật tình thương, chung nhau xây dựng lâu dài, trước sơ bộ đại đồng, sau đại đồng trong bốn biển.
Con đường mấy em cần vượt qua, không luận xa hay gần, dễ hay khó, vì mục đích mà cố để thành công. Đâu phải ham vui, cậy có mạnh, ỷ có đông, biết cái vinh trong chốc lát mà bị cái nhục ngàn ngày, ưng cái danh nhứt thời, mà quên cái thân muôn kiếp. Thì trên con đường cứu thân dụng đạo, có một dịp hội hiệp như lần nầy cũng nên tâm sự mà bàn giải việc Hội Thánh như cảnh ngộ này phải làm sao, phải tính sao. Đường nào làm cho giữa nội bộ mạnh lành, Thánh thể hoàn nguyên, sứ mạng nầy được phục sinh, quyền pháp nầy được tái lập, Hội Thánh nầy được đồng sự, cộng tác cùng Trời, mà lo cứu độ chúng sinh, cùng Phật Tiên Thánh Thần làm bạn tri âm, sớm chiều đó đây mở đường rước đưa nhơn loại.
Hội Thánh này đặt trên thời gian, không gian làm nhịp cầu cho chúng sanh được bước, làm con đường cho chúng sanh được đi, làm vị Thần trấn ngự cõi ta bà, không để một chước kế nào của tà thần nhiễu loạn chúng sinh, thì Hội Thánh đáng yêu, người chúng ta đáng mặt môn đồ, đảm bảo quyền hành mục đích.
Vậy tối mai có Di Lạc Giáo Chủ Long Hoa Tam Kỳ Chưởng Hội đến ban cho chúng ta một nhận định về với chánh pháp, làm người tương lai và được vào trong bản phong Thánh dự chứng của địa cầu 68 đã chuyển qua thời đại thuần dương. Con người trên quả đất nầy đều chứng kim thân làm người Phật Thánh. Song trước ngày biến thể, phải chịu một cuộc sát hạch gớm ghê. Ta phải làm sao để phải nằm trong bàn cảo chọn thì chỉ có tu. Tu làm sao mà đắc đạo, làm sao cứu chuộc sứ mạng trung hưng, thì theo báo lệnh của chư hiền đệ nơi đây, để đặt lại mối thông công giữa Trời và người, mong thành hình một Hội Thánh Quyền Pháp, đồng nguyện xin giữ lời giao ước lại, ngay lúc đăng đàn hồng thệ lãnh lấy sứ mạng Thiên ân.
Điều mong muốn của chư hiền đệ, mấy anh ước vọng và vui mừng. Song sau giờ đăng đàn hồng thệ, vì sự khảo đảo mà Hội Thánh hầu hết chối bỏ giao ước, mà còn phụ hồng ân. Nếu các hiền đệ gắng được thì quý anh đây sẽ phò trì giúp đỡ, và lời xin của các em, đương sự mong muốn của toàn đạo, cũng như lãnh chịu tội lỗi cho nhơn sanh, thì lòng ấy động đến cơ mầu nhiệm của Trời. Chắc nay mai đáp hồi sự trông đợi.
Việc xảy ra trên hai năm qua trong Hội Thánh giữa các hiền, kẻ lo thế nọ, người lo thế kia hàn gắn, song thế gì cũng thử mà chưa đi vào đây. Bây giờ trở đi mọi việc phải lo phải làm thì làm sao cho trúng cho nhằm, được lợi cho thân mà cũng lợi cho người, cho đoàn thể, cho bạn, thì có mặt đây các hiền đã được nghe lời Tổng Lý dạy, thì phải liệu định làm sao đây? ([5])
Các hiền đệ! Ý của chúng anh, muốn hiệp trước tu cái lòng. Lòng ấy hiểu đúng, làm đúng theo đường lối chánh pháp, theo sứ mạng trung hưng, thì chưa hiệp rồi cũng hiệp. Nếu trái lại mà hiệp được, cũng hiệp được đám sai làm trái mà thôi.
[Bạch …]
Sự chưa hiệp, mà ý đã hiệp được chưa?
Muốn xây dựng tương lai thì hiện tại phải bắt đầu đặt mầm xây dựng. Cũng vậy, vấn đề này ngay bây giờ mỗi người phải đặt lòng xây dựng nội bộ hòa hiệp. Xây dựng những gì?
Vô tư trên vấn đề dành phần hơn, tranh phần phải. Đừng nghĩ được lo mất, chính tâm diệt dục, cầu nối quyền pháp giao thông. Hiểu không?
Chính tâm diệt dục là cầu tịnh định, luyện pháp luyện châu, giữ giới hạnh mà giao thông cùng người. Người nào nơi nào có đủ giới hạnh thì giao thông. Hiểu không?
Phật Tiên có giữ giới hạnh không? Quý anh đây có giữ giới hạnh không? Bạn tu ở thế như anh lớn, em nhỏ trong nội bộ ta có giữ giới hạnh thì hai bên được giao thông. Đạo Cơ Đốc, Phật Đà có giữ giới hạnh thì ta giao thông. Phật Tiên là người trọn giới hạnh, các hiền có giới hạnh thì thì hai bên được giao thông. Người bên kia, kẻ bên nầy đều có giới hạnh, đều cùng giao thông. Nghĩa là giới hạnh không ranh giới, mà ranh giới giữa người không giữ giới hạnh.
Bây giờ ta đặt vấn đề hiệp một bằng cách nầy. Một là hiệp lòng mình được với quyền pháp. Lòng mình hiệp được với đại thể là hiệp rồi. Các hiền nhớ lại, Hội Thánh thành hình có hai mặt: nửa phần Thiên, nửa phần nhơn. Trong nhơn sự Hội Thánh thành lập có hai phần: phần vô vi và phần hữu hình, hiệp làm một đường lối trung hưng. Đường lối trung hưng phải có Thiêng Liêng xiển minh giáo pháp, lý giải cơ cấu tương quan. Lấy đó để thảo luận cùng đạo hữu.
Bây giờ còn chờ đợi sự liên hiệp. Các đệ ráng giữ hạnh đạo đức, lo tu và lo vùa giúp chúng bạn đồng đường thực thi đúng theo pháp luật đã ấn định và nội luật đã ban hành. Xây dựng nhà tu theo chương trình giáo pháp. Cố gây cho nhau một tình sống thương yêu ở sơ bộ đồng đạo đại đồng. Nghiên cứu, sáng tác tài liệu giúp bạn xa gần học hỏi. Chỉ bày cách tu, cách tịnh. Ai kẻ muốn ham đừng giành giựt, đừng thị phi, đừng cãi qua cãi về sanh phiền não mà thêm người dư luận.
Vậy hôm nay gắng cùng nhau đưa các vấn đề bàn thảo rồi tối lại thiết đàn để Thầy sẽ đến ban ơn. Mọi việc chờ ở quyền pháp. Quyền pháp mới chuyển hóa được người. Quyền pháp mới tròn sứ mạng.
Về việc tạm thời dừng cơ bút, giữa hai bên cũng đừng gây thêm chia rẽ. Gần đây sẽ giải quyết mọi việc. Dầu muốn dầu không cũng không trái với nó được. Cơ bút có linh phải trong tay người có sứ mạng, có quyền pháp. Ngoài ra, Tòa Tam Giáo không thừa nhận, dù giáo hóa cũng vậy. Nên bây giờ nói đến cơ bút, nhiều người phân vân sao là thiệt, sao là không? Ai đâu biết được! Sợ đưa ra bất bình, chia rẽ hẳn không phải của Thầy. Song người nào phạm đến quyền pháp bị bỏ ra cũng đừng cho đó là ma quỷ.
Tối 29 mời chư chức sắc Trung Thành để sắp đặt nội bộ. Tối 28 chư đạo tâm xong đàn rồi về. Nếu thong thả tùy ý.
Ngày hôm nay bàn mọi việc chung quanh vấn đề làm sao hiệp được. Chúng anh nói, không phải bàn tay của người làm được việc này, mà phải của Thầy gần đây với một sự nhiệm mầu chưa từng có. Song bàn để có một ý thức, để có một tư duy phát tâm ưu ái, lo tu lo học và thấy được tương lai, xây dựng tương lai.
Thôi đã mãn canh nói cũng nhiều
Khuyên nhau giữ trọn sự thương yêu
Làm sao sứ mạng chung gìn giữ
Chào cả mấy em để mấy điều.
Tiếp liền tối 29 đàn được lập, Đức Hoan Hỷ Chơn Quân Như Sơ dạy:
Chào mừng các em.
Trông lại nền xưa cảnh phục hồi
Nhớ còn đạo hữu sống cùng tôi
Như sơ như cựu như giờ nữa
Nguyện hợp sức nhau để đắp bồi.
Đức Như Sơ đến với đàn nội với tình xưa nghĩa cũ, khuyên nhau tu học trong nhẫn hòa. Hãy đồng cam cộng khổ, chết sống có nhau như ngày nào. Ai cũng mưu đạo, đâu phải mưu sanh. Mà đạo là con đường của Trời vạch sẵn, đâu phải kẻ đâm xuyên, người thọc quẹo được. Sau cùng, Đức Như Sơ dạy:
Đường nào, nếu không do lòng tin nối tiếp cùng Trời, không do giới luật ngăn ba độc ở lòng, không tiếp ân, luyện khí, định hồn, làm sao hỗn hóa cùng Trời, đồng hóa với vạn loại? Vậy mấy em tu, mấy em học, vậy mấy em dung hòa “quần nhi bất lưu” mà bỏ gốc theo ngọn!
Anh buồn là hôm nay thiếu mặt các em ở các tỉnh, các họ đạo trong Tông Đạo của mình. Anh cũng nhắn lời thăm. Anh cũng cầu nguyện giữa nhau nối tình thông cảm. Các em nghiêm chỉnh để tiếp Phật Long Hoa. Tái cầu lo sắp đặt.
TÁI CẦU
Hỷ chư môn đệ. Hỷ hỷ chư chúng sanh.
LONG vân gặp hội sớm chen chân
HOA hội muôn năm dễ mấy lần
GIÁO pháp trung hưng trung vạn giáo
CHỦ quyền chơn đạo, đạo thuần chơn
DI Đà Tây hướng tâm thường trụ.
LẠC địa Nam bang hiện thánh thần
BỒ đắc tình thương thêm lẽ thật
TÁT kỳ tu chứng độ nguyên nhân.
Chư môn đệ, chư chúng sanh ôi!
Hân hạnh thay! Chư chúng sanh gặp kỳ đại xá, tuy sống trong cảnh đời tàn, tiếng súng tiếng bom, thiếu ăn thiếu mặc mà được Đạo ra đời, được Trời khai Long Hoa Đại Hội. Chư chúng sanh sẽ dự bản phong thánh, chứng quả vô sanh. Dầu nghiệp duyên còn vướng trần, ngày tới cũng được sống trong cõi đời thuần dương đại đồng, hưởng kỳ thánh đức.
Quả địa cầu 68 này đã trải qua ba nguơn hội [129.600 năm x 3] được chọn vào nguơn Thánh cực. Trước đây trên năm trăm năm, tại Ngọc Kinh mở hội Quần Tiên, chọn Bần Đạo xuống thế trị đời. Đức Ngọc Đế cho theo sáu mươi ức Bồ Tát, Thánh Đạo Tiên Chơn, để cùng Bần Đạo tái lập cõi đời, đưa chúng sanh về Thiên quốc, thoát vòng sanh tử luân hồi. Còn một số ở lại ta bà lấy công đức xây nền quốc độ, để đưa chúng sanh quả địa cầu 69 tấn thăng thọ pháp vô sanh.
Đến năm Bính Dần, giờ Dần, ngày mồng một tháng Giêng, tất cả chư Bồ Tát còn lại nơi Thiên Đô đều nương điển Thầy, nguyện sanh xuống thế, hứa kỳ công quả. Thì trái lại, hôm nay một số đông Bồ Tát đương chìm đắm trong dục giới ta bà, còn say chưa tỉnh. Có những người được trỗi dậy, kẻ ra tu, kẻ đương học, kẻ hành quân và chấp chánh, hoặc làm thầy làm tớ, làm ruộng đi buôn, đủ cách độ đời, tạo muôn nghìn phương tiện.
Nơi đây các môn đệ được nương điển Thầy, được trong quyền pháp, được thừa Thiên lãnh giáo, được thọ nhiệm đương vi, được tập tu thông huệ, được học pháp xuất thần, được chăn giữ đàn chiên, được lập công hành thiện, thì cũng may mắn lắm rồi.
Bần Đạo đến đây mục đích điểm hóa cho môn sinh, khải thị một con đường định thể hồi sinh, trực nhập cùng khối bao la để thiết lập Đại Hội Long Hoa, tuyển phong Bồ Tát Thánh quả.
Đàn đêm 30-6 Giáp Thìn (07-8-1964), Đức Bảo Nguơn Chơn Tiên Trần Nguyên Chí, bậc Thiên Đồ chủ về tịnh thất nối tiếp điển lực hướng về tinh thần phục hồi quyền pháp sứ mệnh. Đức Trần Nguyên Chí dạy:
Suốt ba đêm ngày, nơi đây tấp nập kẻ đi người về để đón chờ một lời Thiêng Liêng phán định. Lòng ấy đã chứng tỏ khối hướng nhất thành của đạo tâm, để rồi quyết định đường mình phải đi, chỗ mình phải đứng, việc mình phải làm, lòng mình được đóng góp vào để xây một nền chánh pháp cho tương lai sẵn lối về Thầy, cho nhơn sanh trong bốn biển, trước bao nguy nan xáo trộn do thần nguyên tử trào lưu, do óc khôn ngoan của trò khoa học, do ý dục thèm muốn của con người thời đại ngổn ngang.
Lòng đạo tâm còn đón đợi một nguồn tin đây đó. Tình trạng ra sao, kẻ hướng đạo, người Thiên ân có hiệp tác với nhau mà quảng bá mối đạo lành, đắp xây cho khối trung hưng sớm được hoàn thành, lấy giác ngộ để chuộc lại lòng giao ước đã cùng nhau trong khi đăng đàn hồng thệ không?
(…)
Thế thì con đường của trung hưng vừa phác họa là hai yếu tố cần thiết của cơ cứu chuộc và sự bảo tồn. Vì lẽ chưa gặp nhau, hoặc vì đôi bịnh tự ái, bất bình của cá nhân mà nội bộ trở nên khó khăn gián đoạn. Song cũng chung nhau mà cầu nguyện.
Chư hiền chuẩn bị tái cầu Giáo Tông.
Đàn tái cầu, Đức Lý Thái Bạch dạy:
Một dịp cho chư Thánh Thiên Đồ được nói lên những điều nhận biết của người có sứ mạng thiêng liêng, đứng bên trong vô hình mà lãnh đạo điều hành Hội Thánh. Cũng một dịp cho chư đạo tâm cảm thông đường lối lập pháp trong buổi Tam Kỳ. Đặt lại vấn đề trung hưng mà trung hưng chánh pháp, thì từ đây trở đi khỏi cần nghe đó ngó đây mà không quyết con đường đi tới.
Lão nhơn danh quyền pháp ban cho nơi nầy một phần công vụ. Nam nữ trên dưới chung sức mà lập công, chung lòng để hướng về ngôi Từ Phụ.
Trung hưng chánh pháp tuy chưa được thành hình, song cũng còn có người hưởng ứng thực thi, đặt nhau trên quyền pháp để giải thoát cho mình, để xây dựng sau nầy cho công cuộc tái hưng nền Đại Đạo. Chư hiền đặt đức tin vào sự mầu nhiệm mà cầu học nơi Thầy, để rước để đưa toàn đạo.
(…)
Về Trung Thành, họ đạo và chư chức sắc vui nghe lời Lão, hiệp sức nhau mà xây đắp một lâu đài đạo pháp, một quyền pháp tượng trưng. Một cơ sở thịnh đức an cư, tuy chung quanh xã hội chìm đắm mê man mà địa hạt mình tươi vui bình tĩnh.
Vậy gắng lên! Các xã đạo đồng sức hiệp nhau xây dựng một thánh thất kiểu mẫu. Thánh thất quyền pháp thành hình, thánh thất nguồn sống mà sứ mạng đặt vào. Lấy đó để khai đường thuyết giáo, mượn làm cơ sở Giáo Pháp Trung Tông.
Đã liên tục ba đêm hầu đàn từ nửa canh hai đến suốt sáng. Lời thánh giáo từ cõi thiêng thấm thấu tận tim gan mối tâm thành. Các Thiên ân hướng đạo được khai thị, chỉ điểm về đường đi lối đến của sứ mệnh đang gánh gồng.
Đàn đêm 01-7 Giáp Dần (08-8-1964), Đức Bảo Thọ Thánh Nương dạy:
Trải mấy hôm ơn Cao đã rưới
Khuyên đạo tâm trên dưới đồng tâm
Từ đây ai cũng chí chăm
Dọn lòng trong sạch để cầm pháp tu
(…)
Nữ phái còn nghinh ngang lắm ả
Nữ phái còn rời rã lắm ai
Còn đương chưng sắc khoe tài
Còn chơi ca kịch, bạc bài không thôi
Còn ăn không ngồi rồi nói nhảm
Còn ỳ thân cậy bám vào người
Quỳ hương cúng nước biếng lười
Chụm năm chụm bảy nói cười bâng quơ
Sao không quý ngày giờ vàng bạc
Sao không lo tuổi hạc chừng bao
Giới quy chẳng lấy làm rào
Sân si cứ thích rước vào mà chi.
Đàn tái cầu, Đức Lý Giáo Tông dạy:
Sau ngày một số Thiên ân lui về lo phần tu dưỡng thì chư chức sắc, chức việc họ đạo Trung Thành đã đại diện cho toàn đạo dâng kiến nghị thỉnh cầu Hội Thánh được duy nhất nội bộ, làm đúng với đường lối chánh pháp trung hưng. Song thời gian qua cũng chưa đem lại kết quả mà đường lối chánh pháp mỗi lúc xa lần. Lão có xuống lệnh cho Trung Thành xúm nhau xây dựng một thánh thất kiểu mẫu, để giữ cái sườn của Tông Đạo, cái mẫu mực của Trung Hưng.
Đức Lý ban ân chỉnh đốn xây dựng thánh thất kiểu mẫu cho Trung Tông Đạo; thánh thất tiêu biểu là Trung Thành. Một thánh thất kiểu mẫu phải chăm lo chú trọng cả hình thức lẫn nội dung, cả phần học lẫn phần hành. Từ đầu họ đến các ban ngành. Ngài dạy:
Hành Chánh là nơi thâu nhận lời thể cầu của toàn đạo, những nguyện vọng thiết tha.
Phước Thiện đáp lại lòng mong muốn của người trong vòng quyền pháp.
Phổ Tế lo truyền đạt ý Thầy, dọn đường lưu thông cho Trời người gặp lại, ban rao giáo pháp mở mang bờ cõi phạm vi, thức tỉnh mười phương, đặt hướng cho đời trở lại nguồn an ủi.
Minh Tra minh sát nội tình, cảm nhận nỗi lòng người và hoàn cảnh để vá đắp cho những cái gì bị sứt mẻ, nối chắp những mối dây chưa thông cảm, không để cho một cớ mà bị phanh phui, giải quyết cái gì mà dưới trên chưa hòa nhứt, che chở cho đạo hữu đời sống thiếu sót bị hoàn cảnh gây ra. Tóm lại, Minh Tra là một lối giao thông, một chìa khóa mở các cửa lòng để cho lòng lòng được gặp.
Đầu họ, quyền pháp tối quan trọng. Làm sao đây, gánh nặng đã đặt lên vai người? Người phải lo liệu cách nào cho toàn đạo, kẻ sống đương quằn quại, khổ đau, phập phồng từng lúc.
Sức đời mạnh mẽ quá, cứ lôi cứ kéo, cứ trì không ai vật ngã nổi ma đời mà cứ để chịu cho nó đè lên, xô xuống mãi. Tinh thần toàn đạo còn yếu nhược, sức sống của linh hồn chưa trỗi dậy, là vì đức của Thiên ân, quyền của hướng đạo chưa đủ cảm hóa, chưa đủ khiến trị vật tính.
Vì vậy chư hướng đạo, chư Thiên ân trong thánh thất hay Lễ Sanh, Luật Sự, hàng Hành Thiện trở lên phải nỗ lực tiến tu, mở lòng cầu học, đặt mình nơi thanh tịnh để đón lấy quyền pháp hồng ân, xách túi càn khôn, mở ra lấy Tứ Bửu Linh Châu mà chế luyện nhiều lần cho pháp được linh, cho ơn được rót đến mọi người trong một họ.


([1]) Thánh thất Trung Thành và Tịnh Đường còn chung một nơi.
([2]) Tứ cú kệ là bốn câu kệ trong Kinh Kim Cang: Nhất thiết hữu vi pháp / Như mộng huyễn, bào ảnh / Như lộ diệc như điện / Ưng tác như thị quán. (Mọi pháp hữu vi / Như mộng huyễn, bèo bọt / Như sương cùng như chớp / Nên xem xét [sự vật] như vậy.)
([3]) Hàm Chương Trấn Đạo là quả vị của Hành Thiện Chế Văn Sanh (sinh tiền tu ở thánh thất Trung Thành).
([4]) Ba vị Thiên Đồ Trung Bảo là Tiếp Văn Pháp Quân Cao Hữu Chí, Chơn Khai Đạo Nhơn Nguyễn Quang Châu, Hộ Đạo Thiên Quân Trần Nguyên Chất. Vị thứ tư là Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn Huỳnh Ngọc Trác, lúc sinh tiền tự xưng là “bệnh phu” (người có bệnh).
([5]) Đức Tổng Lý dạy trong đàn ngày 23-6 Giáp Thìn (31-7-1964): Về công truyền giáo pháp mượn Trung Thành làm cơ sở xây dựng đường lối trung hưng. Chư hiền bất cứ ai có phận sự trong hệ thống giáo pháp, các ngày đàn lệ đến Trung Thành hành lễ. Nếu các tu sĩ nơi này chưa qua hệ thống Chiếu Minh cũng về đó hành lễ. Còn các vị nào tu theo hệ thống Chiếu Minh mà muốn đi hành đạo Cơ Quan Giáo Pháp, thì cũng y theo quyền pháp công truyền.



PHẠM VĂN LIÊM