Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

XII. GIÁO DƯỠNG SỨ ĐỒ (Sự Nghiệp Trung Hưng / Phạm Văn Liêm)



XII. GIÁO DƯỠNG SỨ ĐỒ
Trong thời gian dài, Trung Tông Đạo Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài lâm vào thời Khuê: “Nhị nữ đồng cư. Kỳ chí bất đồng hành.” ([1]) Các Thiên phong chức sắc mỗi bên riêng lo theo hướng của mình: Bên tịnh luyện chí quyết một đường “tiềm long” nương theo điển huệ của các Đấng liên tục dạy tu, chỉnh tu; bên Hội Thánh hầu như bế cơ vì bất khả dụng bộ phận thông công.
Vào năm Quý Mão (1963) Hội Thánh hướng mạnh vào chương trình dân sinh, dân trí. Hội Thánh cử Quyền Giáo Hữu Nguyễn Đình Hoành đặc trách thành lập khu giáo dân Bình Tuy tại Võ Đắt (nay là xã Đức Tài, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận); cử Truyền Trạng Nguyễn Thanh Giang làm Giám Đốc cô nhi viện Ngọc Trác tại Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Cao Đài Tam Kỳ; cho trùng tu hoặc tái thiết một số thánh thất bị chiến tranh tàn phá; tổ chức lễ ban trao Thiên phục cho các Đầu Họ Đạo; tổ chức nhiều buổi thuyết minh giáo lý bên ngoài tôn giáo Cao Đài.
Đạo trưởng Thanh Long đã trình bày đề tài “Tại sao đạo Cao Đài xuất hiện trên mảnh đất Việt Nam” tại các hội trường ngoài đời. Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục (Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn) tham gia diễn thuyết về Tam Giáo đồng nguyên...
Tinh thần đem đạo vào đời được ba vị Huệ Lương Trần Văn Quế, Thanh Long Lương Vĩnh Thuật, Trần Luyện cùng với Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục đã làm nổi bật Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài trong hoàn cảnh xã hội đang biến loạn và nhà đạo đang phân ly. Hội Thánh muốn củng cố thực lực hàng ngũ Thiên phong để mong tiếp tục sự nghiệp trung hưng với tinh thần hiệp thông chi phái.
Hội Thánh quyết định vào Nam lập đàn, cầu xin Đức Lý Giáo Tông ban lệnh dạy. Đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên) ngày 04-3 Quý Mão (28-3-1963).([2]) Đức Thành Hoàng Bổn Cảnh báo đàn:
THÀNH thị thôn quê đượm vẻ buồn
HOÀNG đồ chinh chiến diễn bày luôn
BỔN nguyên cũng bởi vì tham vọng
CẢNH vật vơi đầy lệ nhỏ tuôn.
Bổn Thần chào chư Thiên mạng. Khá thành tâm nghinh tiếp Lý Giáo Tông. Bổn Thần xin kiếu.
TIẾP ĐIỂN
LÝ đào mấy độ rẽ Đông Tây
THÁI quá nên ra đến nỗi nầy
BẠCH Ngọc đòi phen tâu Thượng Phụ
GIÁNG trần sửa trị lại trần ai.
Chư hiền đệ, Bạch Ngọc Kinh tiếp sớ các hiền đệ. Bần Đạo thừa lệnh Chí Tôn đến trước để giãi bày đôi thắc mắc về cơ đạo trung hưng. Vậy Bần Đạo miễn lễ. Chư hiền an tọa.
Chư hiền ôi! Ta rất buồn! Chẳng lẽ ngồi xem cơ đạo mãi trong thăng trầm tan tác, thì sứ mạng độ tận tàn linh ngày nào mới thành tựu. Thảm thay! Từ khai Đạo đến nay, mỗi lần chánh giáo xương minh, mỗi lần thành lập Hội Thánh là mỗi lần ma quỷ thừa dịp hoành hành, xui nên nghịch lẫn nhau, chia rẽ nhau, để làm cho cơ đạo thất điên bát đảo.
Thử kiểm điểm lại: Từ ngày ở Gò Kén đến lập Hội Thánh Tây Ninh, các hướng đạo tách nhau ra đi (…), đều phải trải qua bao cơn khảo đảo, hoặc bằng cách nầy hoặc bằng cách khác, mà kết cuộc chỉ đưa cơ đạo đến một tình trạng suy đồi, một mối chia rẽ trầm trọng! Ngày nay cơ đạo trung hưng lại cũng bắt đầu bước vào con đường suy đồi ấy.
Tại miền Nam, các phái đạo lại còn bày thêm lắm trò quái dị, bất chấp luật pháp, bất chấp kinh điển, mạnh ai nấy sửa đổi, mạnh ai nấy vẽ vời. Chức sắc Thiên phong rẻ hơn ế chợ. Càng làm càng nói, càng xa đạo pháp chơn truyền. Thật là đại loạn!
Đời loạn toan đem Đạo cứu đời
Ngờ đâu Đạo cũng thế mà thôi
Nên hư bởi tại con người cả
Nhưng chẳng sao qua được lẽ Trời.
Chư hiền đệ! Về nội tình cơ đạo hiện nay, chính Đức Chí Tôn đã căn dặn từ lúc mới khai Đạo. Thầy đã nói quỷ vương nó cũng dám lợi dụng danh Thầy, mạo danh Phật, Thần để hòng dìu dắt nhơn sanh lạc theo tà đạo. Vì vậy cơ bút, một vấn đề tối ư hệ trọng và sứ mạng người hướng đạo càng hệ trọng không kém. Phải sáng suốt, phải có một bản lĩnh siêu phàm, một đức độ quảng đại, một tinh thần dõng mãnh hy sinh, phải hiểu thông lẽ đạo tình đời, mới mong làm tròn nghĩa vụ Thiên nhân hiệp nhất, giúp Trời mở Đạo, thay Trời dìu dắt nhân sinh.
Hướng đạo đâu nào hướng đạo đâu
Phải thông lẽ nhiệm, thấu cơ mầu
Phải mau quét sạch bao tà vọng
Để kịp công truyền ngũ đại châu.
Chư hiền đệ! Để cứu vãn một phần tệ đoan của cơ chia rẽ, năm Giáp Tuất (1934) Thánh ý truyền đạo Trung Châu mượn miếng đất Phật, Lão, Khổng thạnh hành để trung hưng chánh pháp, vừa để chuẩn bị truyền bá Đạo Trời lần lên phương Bắc, nên cơ đạo trung hưng mở ra một đường lối rộng rãi, quy tụ một số thành phần (Tiên Thiên, Liên Hòa, Hậu Giang, Minh Sư, v.v...), nêu cao tinh thần dung hòa chi phái, ý chí thống nhất Giáo Hội, kêu gọi chấm dứt mọi canh cải, trở về với chơn truyền đạo pháp lúc ban sơ là Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, lễ nghi niêm thức, nay là Kinh Tận Độ. Chỉ có một con đường độc đáo ấy các chi phái dừng chân đứng lại mới mong có ngày gặp gỡ nhau trong đại gia đình Đại Đạo. Ngoài ra mọi thay đổi, mọi sáng tác địa phương bởi tại ý vọng niệm chưa hẳn có giá trị trước Đại Hội Vạn Linh, trước Giáo Hội công đồng duy nhất tương lai.
Đuổi theo mục đích trên, các hướng đạo Trung Việt đã tử đạo để viết nên trang sử đạo bi hùng cảm khái. Ngày nay Trung Hưng Bửu Tòa đã vươn mình đứng lên giữa trung tâm nước Việt, một ngôi thánh đường, một ý nghĩa đặc biệt. Thánh ý định xây dựng từ năm Mậu Dần (1938), nhưng vì nhân sự nên phải trễ lại đúng mười tám năm, đến năm Bính Thân (1956) mới thành tựu và Hội Thánh Truyền Giáo cũng hình hiện ra đời, để đảm đương sứ mệnh càng trọng đại thì khảo đảo càng nặng nề. Thánh đức chuyển về phương nào thì quỷ ma cũng hướng về phương ấy mà quấy phá. Bởi vậy xe đạo trung hưng hiện đang gặp phải một khúc đường quanh gồ ghề đầy cát bụi. Thật là đáng buồn, mà cũng là lẽ đương nhiên.
Chư hiền đệ! Hội Thánh đã thành lập, luật pháp đã minh định. Kinh, luật, pháp do Đức Chí Tôn và chư Phật Tiên Thánh lập ra là THIÊN; đem áp dụng cho đúng chỗ đúng lúc để dìu dắt nhơn sanh là NHƠN. Thiên nhơn hiệp nhất là vậy. Chư hiền đệ cứ thế thi hành. Không điều gì do dự.
Hôm nay, Bần Đạo khuyện chung chư hiền đệ. Kẻ ở Hội Thánh cũng như người ra đi, các hiền đệ là những người đã hy sinh đời mình để phụng sự đại nghĩa. Vượt qua bao nghịch cảnh, các hiền đệ đã thắng được ngoại ma, ngày nay không lý nào các hiền đệ để cho nội ma chinh phục. Các hiền đệ hãy nhìn vào tương lai, tiền đồ nền Đạo, đại sự nghiệp cứu độ tàn linh của Thầy. Hãy dẹp bỏ cái ta đi! Đừng quan trọng hóa cái ta nữa. Hãy nghĩ rằng có ta hay không có ta, lẽ đời cùng thông bĩ thái vẫn cứ diễn hành. Cây trên rừng cứ mọc. Cỏ ngoài nội cứ xanh. Nước trường giang cứ chảy. Hãy dẹp bỏ cái ta đi!
Nên cũng ta mà hỏng cũng ta
Chính ta là Phật cũng là ma
Thử xem vất cái ta đi quách
Thế sự lo chi chẳng thuận hòa.
Chư hiền thành tâm tiếp giá Đức Chí Tôn. Bần Đạo lui.
TIẾP ĐIỂN
NGỌC bệ đòi phen nhỏ lệ sầu
HOÀNG Cung Thầy ngự suốt đêm thâu
THƯỢNG lưu lắm kẻ chưa hòa hiệp
ĐẾ Đạo làm sao khắp ngũ châu?
THẦY CÁC CON
Thầy miễn lễ các con. Các con ôi! Thầy rất đau đớn mỗi lần nhìn thấy trong hàng ngũ các con nếu có điều chi nghịch lẫn nhau, chia rẽ nhau.
Thầy trách các con. Tuổi đạo đã cao, kinh nghiệm đã dày, kiến thức đã rộng, sao các con không nhìn thấy cõi đời đương tao loạn, bước đạo đương gập ghềnh, quanh các con và cả trong nội bộ các con quỷ ma đương tìm phương dấy động. Các con đang đứng trước cảnh trạng bạn ít nghịch nhiều. Lẽ đáng các con phải sớm biết quây quần nhau lại để chăn giữ đàn chiên cho Thầy và để xương minh chánh pháp mới phải. Trái lại, các con vì chút vọng tâm tự ái, thiên kiến cá nhân, gây nên nội bộ bất hòa, lần đến chia rẽ, làm cho bổn đạo hoang mang, cơ đạo đình trệ, thì dù các con có thành tâm thiện ý vì Đạo, vì Thầy chăng nữa, cũng đành vấp phạm phải điều mà Thầy hằng không muốn.
Hôm nay, một lần nữa, lẽ đáng Thầy nói cho các con rõ khoa tâm pháp bí truyền với con đường tu tánh luyện mạng, tu đơn là thế nào, nhưng thấy cần là nên nói với các con về tân pháp.
Ngày nay, buổi hạ nguyên mạt kiếp, cơ tiêu diệt cận kề, cộng nghiệp chúng sanh cũng đến ngày tổng kết. Năm châu thế giới, nào chiến tranh khói lửa, nào ân ái oán cừu, diễn bao thảm trạng chém giết sát hại lẫn nhau, kết tập thành một luồng tư tưởng ác tập khắp cả ba cõi dục giới, sắc giới và không giới. Khắp cõi ta bà cũng đầy nghẹt các đẳng hồn linh cùng đứng tranh nhau lập công để chờ ngày phán đoán.
Vì vậy, pháp tịnh tu bí truyền khó mấy ai đạt được, nên Thầy quyết mở rộng Thiên môn vận chuyển chư Phật, Tiên, Thánh và chính mình Thầy đến tận thế gian mở cơ đại xá ban hành tân pháp mở rộng đường tu, kịp thời độ tận tàn linh, lấy đức tin làm mối thông công, lấy công quả hạnh đức làm nấc thang tiến hóa.
Trong hàng tín giáo giữ được hai điều đó là gần Thầy vậy. Các con thấu hiểu chăng? Bao nhiêu môn đồ tử đạo trước kia, đa số chỉ mới giữ được lòng tin thờ chánh pháp, thế mà Thầy cũng tùy theo phẩm hạnh mà cho siêu rỗi.
Tuy nhiên, để cơ tận độ được vẹn toàn, công việc giải phóng con người thêm thiện mỹ, tân pháp có ghi nhận khoản tịnh đường, mật thất dành để sau nầy cho những con nào công đức vẹn toàn có duyên phần vào cửa ấy, và cũng để giải quyết con người lúc tuổi già có nơi an nghỉ.
Dù vậy, bất luận một pháp môn nào Thầy trao đến cho các con cũng phải đúng lúc, đúng thì, hợp tình, hợp cảnh và các con phải đủ người, đủ sức. Nếu không hiểu thấu điều ấy, các con tự ý vọng động, vọng hành là cơ hội cho quỷ ma xen vào, gây nên khảo đảo. Tình trạng cơ đạo trung hưng ngày nay là thế.
Thầy không muốn nói thêm nữa. Thầy muốn tất cả các con là con cái yêu thương của Thầy. Không thương nhau được thì cũng đừng nên thù nghịch lẫn nhau. Hỡi các con hướng đạo! Dù sao Thầy cũng khuyên các con nên tự trách mình chưa đủ đức để cảm người, chưa đủ tài để phục người, chưa đủ uy để chấp hành pháp đạo. Trước mọi nghịch cảnh, các con nên lấy đức từ bi, hỷ xả, nhẫn nhục mà tiến thủ. Nếu không hơn được, thì các con cố bảo tồn lấy đường lối trung hưng mấy mươi năm qua Thầy hằng dạy bảo. Còn mọi sự chi chi Thầy sẽ sắp đặt.
Các con ôi! Đời chưa yên, Đạo đâu thành được. Các con cố gắng năm nầy và sắp tới phải hoàn thành các cơ sở phước thiện, phổ tế. Ngày nào Hội Thánh đủ sức bảo trợ các chức sắc phế đời hành đạo và thực hành cơ giáo hóa phổ cập đến các tầng lớp nhân sinh, ngày ấy Thầy sẽ dạy các con thêm những điều cần thiết cho hoàn thành sứ mạng trung hưng.
Cố gắng lên con cố gắng lên
Lời Thầy căn dặn nhớ đừng quên
Năm năm khảo thí không lay chuyển
Sự nghiệp trung hưng mới vững bền.
THI BÀI
Bền dạ sắt biết bao thử thách
Vững lòng son tìm cách dung hòa
Nỡ nào nấu thịt nồi da
Không thương thì chớ dễ mà ghét nhau
Thầy vì con dãi dầu bao quản
Con vì Thầy dày dạn phong sương
Trung hưng cờ đạo phất trương
Ba mươi năm quyết một đường không lui
Con đã từng nếm mùi cay đắng
Con chẳng nài gánh nặng đường xa
Dãi dầu bách chiết thiên ma
Trơ gan tuế nguyệt phong ba chẳng sờn
Thầy thương con lắm cơn gian khổ
Có hy sinh mới có ngày nay
Trách ai sớm khéo vẽ bày
Làm cho cơ đạo Đông Tây rẽ đường
Hỡi con ôi! Tình thương trên hết
Hỡi các con! Đoàn kết là cần
Dù cho ai Thánh ai Thần
Mà cơ chia rẽ cũng gần quỷ ma
Thầy cũng muốn nói qua sự thế
Để cho con biết lẽ nhiệm mầu
Nhưng đời còn lắm khổ đau
Thì con còn lắm ưu sầu chưa yên
Thấy các con khắp miền Trung Việt
Chịu tai ương đã biết bao lần
Ở trần đành với phong trần
Vào tu cũng chẳng an phần mà tu
Con gắng lên công phu đạo hạnh
Cơ phân phàm lọc thánh là đây
Đường tu vững bước hội nầy
Ngày sau con sẽ gặp Thầy Ngọc Kinh
Các chức sắc dọn mình trong sạch
Để Thầy giao trọng trách sau nầy
Trung hưng cơ Đạo đắp xây
Trong hòa chi phái, ngoài gây cảm tình
Mở rộng đường quang minh chính đại
Dọn sẵn đường chi phái quy nguyên
Chờ ngày sóng lặng gió yên
Bí truyền Thầy sẽ tận truyền cho con.
Tiếp sớ các con, Thầy dạy chung, khá hiểu. Và Thầy cũng nhắc lại các con, sự thành lập Trung Hưng Thánh Tòa và Hội Thánh Trung Hưng, Thánh ý định từ trước, nhưng đến năm Bính Thân (1956) mới hoàn thành và Thầy chỉ dùng tên Trung Hưng Bửu Tòa và Hội Thánh Truyền Giáo để đảm đương cơ Đạo trung hưng. Các con thấy đức khiêm tốn và tinh thần dung hòa chi phái là cần đến mức nào.
Qua hai bài thánh giáo của Đức Lý Giáo Tông và Đức Chí Tôn, các Thiên phong chức sắc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài thấy rõ thêm về con đường hành đạo tịnh luyện đi đôi của sứ mệnh trung hưng mà Thầy đã nấy trao cho Trung Tông Đạo.
Trung hưng cơ đạo đắp xây
Trong hòa chi phái, ngoài gây cảm tình
Mở rộng đường quang minh chính đại
Dọn sẵn đường chi phái quy nguyên
Chờ cho sóng lặng gió yên
Bí truyền Thầy sẽ tận truyền cho con.
Các vị ở Tịnh Đường cảm nhận được rằng thời gian qua, Đức Chí Tôn thâu hồi sứ mạng chỉ như là một cảnh sách cho công vụ sứ đồ chăm lo sứ mạng trung hưng. Chính thời gian chia lìa đôi ngã lại rất hữu ích cho việc củng cố phát triển ở mỗi bên để được vững chắc hơn khi chung cùng lại xây đắp dọn đường quang minh chính đại.
Bên Tịnh Đường vẫn thuận tiện về việc tiếp nhận ân điển Thiêng Liêng. Kỷ niệm ngày Đức Tôn Sư thành đạo, các vị lập đàn tại Tịnh Đường vào ngày 13-3 Quý Mẹo (06-4-1963):
THI
ĐẠI xá hội lần ba
GIÁC ngộ thoát mê hà
CHƠN thành chờ chiếu triệu
TIÊN Phật ở lòng ta.
Bản Giác chào chư liệt vị nam nữ tại đàn.
Ngày lành triều bái Tôn Sư đón kỳ đại xá, chúng ta cùng vui mừng tiếp lấy hồng ân để mở rộng lòng từ ban bố khắp gần xa gội ơn Thánh đức. Ngày giờ nhập diệt của Tôn Sư mở hoát chín từng mây, Tiên Phật chào mừng ngôi Tiên Thiên được hiệp một cùng khối bao la vô cực.
Vậy chư hiền thành tâm mà đón mừng Bát Tiên. Châm tửu bồ đào hưởng cơ tận độ.
TIẾP ĐIỂN
LAM tuyền ngày tháng ẩn ngồi tu
THỂ dược phanh đơn mấy độ tu
HÒA hiệp âm dương thân xuất ngoại
MỪNG chung tu sĩ cá nên cù.
Hôm nay, ngày lễ kỷ niệm Ngô Đại Tiên. Nhắc đến công trình của Người tái lập nền chánh pháp cứu độ quần lê trên bao nhiêu năm hoài bão pháp lành, công phu chứng ngộ mở một kỷ nguyên xán lạn cho đời.
Vì lẽ trên, trời đất đang ghi công. Lão cũng nhờ ngày xưa có chút công trình giúp Người trên bước đạo, mà hôm nay đến đây để tỏ lòng và tỏ ý cho chư hiền sĩ cảm thông noi bước Người mà quay về với Đấng Đại Từ Chí Tôn Tạo Hóa. Lão nhượng cơ cho Tào Quốc Đại Tiên.
TIẾP ĐIỂN
TÀO khê đường yếu khuyết
QUỐC độ lập gần xong
CỰU căn nên khá biết
MỪNG gắng sửa trau lòng.
Lý đạo thâm vi gắng sức bền
Công phu tu học có ngày nên
Chi vui bằng thấy mình nên đạo     
Đạo đức đủ đầy nước Thánh lên.
Lão có mấy lời để gọi ban ơn. Gắng công, Bát Tiên sẽ phò trì cho đến ngày thành đạo.
Chào chư tu sĩ.
LÝ đạo gắng công tầm
THIẾT lập ở nơi tâm
QUẢ tiên ngày hái lấy
MỪNG đại phước tịnh tâm.
Chào chư hiền sĩ.
Thanh thanh làm khách siêu phàm
Mười phương bạn Thánh luận đàm Thiên cơ.
(…)
LỮ đạo suốt càn khôn
TỔ tổ cứu muôn hồn
ĐẠI nhân lòng đại độ
TIÊN cảnh lại chơn bôn.
Chào chư hiền sĩ.
HỚN hở về đây
CHUNG vui ngày này
LY bồ đào đưa đến miệng
MỪNG được nên Tiên bạn đó đây.
HÀ khê vận khí nấu kim đơn
TIÊN dược được thành cứu chúng nhơn
CÔ quyết giúp người lòng sẵn nguyện
GIÁNG thăng để độ trở về chơn.
Chào chư hiền sĩ.
Còn vài vị gởi lời chào mừng các hiền sĩ. Vì có lịnh Đức Lý Đại Tiên đến một sự cần nên Bản Tiên xin nhượng bút.
TIẾP ĐIỂN
Chào chư hiền đệ.
Lão lấy làm vui mừng. Chư đệ dốc lòng giải thoát tu hành, quyết một hội được thành công mà trở về ngôi xưa vị cũ. Cũng nhơn ngày nầy Lão để lời ban khen toàn đạo thấy được ơn cứu chuộc ở sự vô vi Đại Đạo, ở người chứng quả trọn lành. Người lại ứng thân dẫn lối đưa cửu nhị ức nguyên nhân về hiệp một cùng Thầy. Người đã hoàn thành. Ngày này là ngày kỷ niệm cho ngày nhập diệt. Chư đệ đã nối cùng Người tức đã gắng công, đừng ngã lòng trước bao nhiêu đe dọa. Sự thử thách là phương thuốc rất cần cho người giải thoát. Nhờ thắng được mà quét sạch tứ giả tướng mê lầm. Nhờ sự mài dũa nhiều ngày mà chứng nên đại giác.
THI
LÝ ưng để vậy thử ra sao
THÁI quá sợ e cuộc xáo nhào
BẠCH hắc để lời cho chúng hiểu
GIÁNG truyền Thánh lịnh báo cho nhau.
Lão không nỡ lòng để cho nơi nầy có những thử thách gay go, nên Lão ra lệnh cho chư hiền đệ và Thượng Khải Thanh được biết ngày 14 và 15 phải thiết đàn nơi cơ sở Phước Thiện. Mời hết nam nữ chức sắc, chức việc đến để hầu lịnh, đặng Thiêng Liêng có lời dạy bảo, ban cho một đức tin làm pháp hộ thân mà xông pha trên con đường gió bụi, vào tên ra đạn, mà bảo vệ được mình, sống có chủ đích, chủ trương để khỏi bị hoàn cảnh phỉnh phờ, ma đời ám ảnh.
Vậy tối 14 dành riêng cho nam chức sắc, chức việc. Tối 15 đặc biệt cho nữ chức sắc, chức việc tại họ đạo Trung Thành. Chư đệ y tuân để ngăn phòng trở ngại. (Thủ cơ do Huệ Minh Đức.)
Về Phước Huệ Đàn, hiện nay không thành nhà tu, không phải nơi quần Tiên giáng thăng truyền trao giáo pháp, nên Lão tạm thâu hồi, đặt nó vào đây cho các hiền đệ, hiền nữ có nơi tu học.
Về nhà tu nữ, trong lúc nầy cần được phục sinh mọi mặt, song cốt là làm cho nội bộ mạnh lành, nội tình duy nhứt, nội lệ tuân y, nội công gắng luyện, nội trợ ân cần. Đừng vì mức sống thiếu hụt mà đem thân vất vả, sống trong mệt nhọc hằng ngày. Nhứt là giới hạnh người tu, làm sao cũng cố gò bó mình theo đúng khuôn viên đạo pháp hầu hòa nhứt cùng Trời, làm bạn chiều sớm với Thần Tiên. Đừng giẫm lại những khoảng vừa qua mà trên dưới ngổn ngang, trong ngoài khó thở.
(…)
Về nam đạo hữu có nguyện tu trì, men đường giải thoát, điều đó là một kỳ vọng chính đáng.
(…)
Về quyền pháp thì Thượng Khải Thanh cũng gắng sức đương đầu gắng công đương việc.
(…)
Về công trình xây dựng một cơ sở nơi nầy, Lão cũng không quên trong ngày hồng ân mà không nhắc đến lòng chung lo của đạo hữu. Lập công xây đắp nền tảng Thiên đạo là một công quả xứng đáng thanh cao. Công ấy nên khen ở chỗ tấm lòng đã nứt nở nhiều đóa hoa kín đáo xinh đẹp.
(…)
Về phần các đệ chủ sự nhà tu, nên ân cần nhớ lời Thánh huấn. Lúc khó khăn đừng gây những cớ chi cho khó càng thêm khó. Khó đến rồi lòng thanh tịnh bị giảm sút, mối loạn chớm sanh. Khuyên cùng nhau ẩn núp mà tu hành để đủ cánh đủ vây, khi muốn xuống nước lên trời cũng không ai cản. Vì rồng đã thiêng thì biến hóa ai lường, lúc chưa thành hình thì ẩn núp, chớ chường ra mà người nói rắn, ai cũng toan lo trừ nọc độc.
Đáng lẽ giờ nầy Ngô Đại Tiên đến để rót ơn vào lòng các đệ, song Lão có lệnh cần thiết mà phải đến phân bày, thì dịp hồng ân nầy Lão đến để thay Người chấm những công trình hoặc hồi hướng, hoặc quy y, hoặc đức tin, hay công quả vẽ tô ngày kỷ niệm trở nên long trọng lẫn trong cả ngoài. Vì vậy toàn đạo gắng thêm năm tới và những năm về sau được tiến triển trên công trình bắc nhịp cầu qua cảnh giác. Đừng vì một cớ gì mà dứt đoạn với Thiêng Liêng.
[Sinh bạch …]
(...) Các đệ có tin hôm nay và những đàn cơ về trước là trọn của phần Thiêng Liêng không. Nếu trọn tin thì còn hỏi gì giả chơn cho nhọc. Khi ban đầu chánh pháp vừa được tuyên dương, thì nội bộ giữa nhau cũng vì tranh chấp hai đường mà một đàn cơ trục xuất Đức Ngô Cao Tiên ra ngoài quyền pháp, thì cũng một đàn cơ ở một nơi khác Thầy lại mật khẩu mối chơn truyền ủy giao chánh pháp. Thì xưa kia Ngũ Tổ trao y bát chơn truyền cho Huệ Năng cũng ở nơi thầm vắng không người, đâu phải sợ đồ chúng của Thần Tú mà chẳng chương nhiên. Song Ngũ Tổ vì đề phòng cho Lục Tổ nên lấy nhu mà thắng cương thì trường hợp nầy, hoàn cảnh các đệ khác chi Đức Ngô Đại Tiên lúc nọ.
Thôi, Lão chào các đệ.
Đêm hôm sau ,14-3 Quý Mẹo (07-4-1963), đàn cơ thiết lập ở khu Phước Thiện (Cẩm Lệ, Hòa Vang). Đức Hưng Đạo Vương giáng dạy:
TRẦN ai ai đã biết tâm ai
HƯNG vượng ở nơi kẻ đức tài
ĐẠO pháp trau dồi lòng tịnh định
VƯƠNG minh đại nghiệp bởi công dày.
Bản Thánh chào chư Thiên sắc, chư phận sự.
Hôm nay Bản Thánh vâng lệnh Đức Giáo Tông đến đây để lời dạy bảo cho chư chức sắc, chức việc nơi nầy để được hiểu thấy trên công việc đạo.
Chư hiền có biết chăng? Đạo của Thầy mở ra cho đến nay trải qua đã ba tám năm. Trong ba tám năm đều có sự khảo thí, lúc nhẹ hồi nặng, tùy theo trình độ tu tiến của chức sắc và đạo hữu. Phàm đạo hay đời, ở vào một tổ chức nào cũng có thiện ác xen vào, giả chơn lẫn lộn. Muốn được vàng thau biện bạch thì phải có những cuộc khảo duyệt, để lừa lọc biện phân. Cũng như trong một trường học, tất cả thí sinh ai cũng tự cho mình là hay là giỏi, nếu không có cuộc thi, thì làm sao biết được người hay kẻ dở.
Nền đạo của Thầy từ ngày mới sơ khai, Thầy dùng tất cả huyền diệu gây cho chúng sinh có đủ đức tin, để quay đầu về với đạo. Trong thời gian chỉ có mấy mươi năm, mà số người tín đạo đã lần đến trên ba triệu tín đồ. Nếu không có sự khảo dượt thì làm sao thấy được lòng tin Thầy giữ Đạo của mỗi người.
Cơ đạo ra đến miền Trung nầy vì trình độ của chức sắc và nhơn sinh, sự tu hành và đức tin có tiến bộ, nên Thầy ra những bài thi có phần mắc hơn lên. Bài thi cho đạo hữu, rồi đến bài thi cho chức việc, rồi đến bài thi cho chức sắc Thiên phong. Đây nhằm vào kỳ thi đại học để khảo chọn những người có đại căn đại đức để Thầy giao cho sự nghiệp, hoàn thành nền chánh đạo Kỳ Ba.
(…)
khuyên chớ khá ngại nghi dụ dự
Của đến tay chặt giữ chớ lơi
Có chi quý báu trong trời
Tình thương sự sống ở nơi đạo mầu
Đời chỉ có ngọc châu là trọng
Nhưng cũng là hình bóng thế gian
Chết rồi tiếc có được mang
Chỉ mang theo có Đạo vàng mà thôi.
Tiếp theo, Đức Trần dạy về xây dựng thánh thất Trung Thành làm kiểu mẫu. Đức Thánh Trần dạy về các xã đạo Túy Loan, Liêm Lạc, Khái Tây, Khái Đông, An Hải, Thuận Nam, Từ Hòa, Bình Hải, Cẩm Lệ…
Trong tinh thần xây dựng thánh thất mẫu Trung Thành, ngày 15-3 Quý Mẹo (08-4-1963) Thần Nữ Thị Ngại giáng cơ tại cơ sở Phước Thiện Cẩm Lệ, cổ xúy nữ phái hưởng ứng việc xây dựng thánh thất kiểu mẫu bằng cách xúc tiến nền sơ bộ đại đồng.
Cùng đàn ấy, Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Hôm nay nền chánh pháp đã được tái lập nơi nầy. Thầy đã chọn một số lương sanh để giao cho một sứ mạng nắm giữ nền chánh pháp, để thực hiện cơ cứu độ của Thầy. Chư hiền hữu nơi đây được vinh hạnh đóng góp trên công việc bảo vệ. Mọi việc đều nương theo các bậc đàn anh dẫn dắt, có gì đâu mà lo mà sợ. Bần Đạo chỉ mong sao chư hiền hết lòng hết dạ, chí kỉnh chí thành lo tròn phận sự của mình.
Đàn ngày 08-4 Quý Mẹo (01-5-1963) tại Tịnh Đường, Đức Từ Hàng Bồ Tát dạy:
Hôm nay Hội Thánh đã xây dựng gần thành thì hốt nhiên giữa nội tình có điều bất nhứt, hóa cho nên nội bộ chia đôi. Bao nhiêu pháp cụ đã trao để thành hình một nền Trung Tông Truyền Giáo, song nhơn trí bạc thiển nên thứ chọn thứ chê. Muốn cho công cuộc chung được kết quả trong tương lai, Bần Đạo khuyên chư hiền gắng mà gia sức, bền công để tiến lên mà đón kỳ Thánh đức.
Một tòa nhà to lớn qua một trận bão tố xiêu ngã tan tành. Lẽ cố nhiên người trong nhà dầu lớn dầu nhỏ đều có trách nhiệm chia nhau dồn lấy đá, nhặt lấy cây che đỡ lấy khung lều tạm núp qua ngày, tránh cơn mưa nắng. Để lo chuẩn bị dựng lại tòa nhà thì nơi đây các hiền đã để tâm nghĩ đến, lấy sức đương lo, phận sự của mỗi người ai cũng phải đóng góp rất nhiều. Chẳng những làm hết khả năng mà còn tăng gia cố gắng mới kịp thời gian kỷ lục, mới đủ mọi phần. Phải trông đó ngó đây để thực hiện chương trình theo thiết kế của kỹ sư kiến trúc, hầu tránh khỏi tình trạng hư hỏng như trước đây. Vì thượng tầng cơ sở quá sức lớn lao mà hạ tầng nền tảng không đủ đầy chịu đựng.
Bây giờ người cùng trong một ngôi nhà bị đổ, kẻ nói vầy, người nói khác, tại thế đó, thế kia. Bây giờ quyết có hai đường, bên muốn thế nầy, bên ưng thế nọ. Hai lực lượng giằng co. Song phần Bần Đạo góp lời, muốn được trọn cả hai phần, phần nào bỏ đi là phần chư hiền nên lấy. Thứ bị loại ra, thứ các hiền cần được giữ gìn. Rồi kết quả đôi bên bảo vật của Trời không vật nào bị rơi bị thiếu.
Cụ thể ra, bên chuộng hình thức, bỏ tinh thần. Phần bỏ kia các hiền gắng công giữ lấy. Nghĩa là phần kia, thứ gì các hiền không giữ là phần bị mất. Đã mất rồi thì giáo pháp không thăng bằng, thần hình đôi nẻo. Những phần bị bỏ rơi là phần tối yếu cho nền tảng giáo pháp ngày nay. Như giới quy là một phương tiện đứng đầu để hình thành quyền pháp. Công phu tu tập là phương châm tiến đạt của người cầu Đạo vô vi, lẽ nào thiếu được.
Vậy muốn thành công là nhận lấy phần chê. Muốn nên việc phải gắng nhiều nhẫn nại. Bần Đạo không bảo các hiền đối lập để gây sự giữa nhau mà chỉ khuyên nên nhặt những phần bị loại, những thứ không làm để giữ. Còn những môn đồ mà Thầy đã giao đừng nên thiếu sót.
Bây giờ các hiền nhắm vào tới đích của cơ giáo pháp mà gắng tiến để đạt công đầu một mối Đạo vô vi để thưởng cho người vô ngã. Đạo vô vi thể dụng đồng viên mà các hiền được ơn phước mới thông cơ mầu nhiệm.
Đàn xuân đã dẫn chứng hai nguồn triết học đạo đức của Ấn Độ và Trung Hoa được gặp nhau tại nước Việt Nam này với một tinh thần sẵn có dung hòa. Một đất nước chứa chan tình giao cảm để các hiền lấy đó vạch một con đường giáo pháp mà tu học giải thoát lấy mình, xây đắp lấy nền xã hội nhơn sinh.
Hôm nay Bần Đạo nói tiếp con đường Trung Đạo mà từ lâu người Ấn Độ đã tìm ra đã tu chứng, đã giải thoát cho thân mà còn giải thoát cho người. Một nền đạo đức cao siêu đã cứu không biết bao nhiêu con người, xây đắp cho bao nhiêu dân tộc. Nguồn chân lý bao la xuất phát thì thời Phệ Đà của non sông đất Ấn, phát huy và cụ thể được từ ngày Phật Tổ Thích Già làm cho dịu bớt nỗi khổ của đời, cứu người thoát ngoài vòng vây sanh tử. Một nền Phật pháp sâu dày trong bốn biển, hương vị giải thoát nhẹ nhàng, xây đắp cho mười phương một lâu đài chơn thiện mỹ.
Phật pháp sau thời Như Lai tịch tịnh giáo lý chia đôi.
Một đường sang Tích Lan đến Mã Lai, Miến Điện, Xiêm La, qua Cao Miên rồi trụ vào non sông đất Việt. Phái nầy gọi dòng Phật pháp tiểu thừa, về phía Nam Tông. Chư tăng lữ chuyên tu phạm hạnh, chủ lấy giới luật, gọi là tông truyền hành trì Luật Tạng, người gọi là nguyên thủy tăng già.
Về phía Bắc Tông truyền sang Tây Tạng, Trung Hoa rồi sang Việt Nam cũng trụ tại đây. Dòng Bắc Tông gọi mình là đại thừa Phật pháp, chuyên thủ Luận Tạng. Nền đạo pháp mênh mông chia thành mười mấy tông chủ trị. Tông nào cũng chủ một phương, lý luận không cùng. Việc cứu cánh đâu cũng hướng vào lợi ích nhơn sinh, nói không cùng tận.
Bây giờ ta nên biết một điều là hai dòng giáo pháp của Phật Đà đã chảy đi phương Bắc, phương Nam lại gặp nhau nơi nước Việt, thì sứ mạng Tam Kỳ có bổn phận điều hòa tiếp thu, làm cho Tam Tạng giáo lý của nhà Phật được hình thành để làm sáng tỏ Đông Tây Đạo Trời là một.
Con đường trung đạo đã hiển hiện. Nơi đây là chỗ kết tinh của các nguồn giáo pháp, là con đường gặp gỡ những thành phần sứ mạng, rao giảng quyền pháp cho nhơn gian.
Vậy, về nguyên thủy tiểu thừa hay các giáo phái đại thừa, xét ra mỗi bên chấp thủ lấy một phần trong ba tạng, nặng phần đại, nhẹ phần tiểu, lo phần tích (tức) bỏ phần tiêu.
Nếu nói tiểu thừa là hẹp song cũng còn được cốt cách ban đầu, cũng giữ được Luật nhà sư phạm hạnh. Nhờ khép mình trong giới tỳ kheo mà giới luật là nền móng của nhà Phật. Con đường giải thoát của người tu thì giữ giới cũng là một yếu tố trên hết.
Trong pháp môn, tam yếu là Giới, Định, Huệ. Bên chấp Giới, bên thủ lấy Huệ. Huệ để đoạn mê lầm, ngăn tật ác. Thấy bản thể thì Giới Huệ cũng đều cần yếu. Song Giới không Định không sạch, Huệ không Định không tỏ. Nhờ Định mà thông thấu ba đời, có đủ thần thông chứng ngôi Thập Địa. Vì vậy mà muốn cho các hiền dung hòa cho được Tam Tạng, rõ lấy Luật, biết lấy Luận, chấp lấy Kinh để Giới sạch, Huệ tỏ, Định chủ lấy thân, suốt cùng mười phương không chướng ngại.
Các hiền hiểu được ý Bần Đạo dẫn dụ đó không? Nếu hiểu thì kỳ sau Bần Đạo sẽ dẫn. Nền đạo đức Trung Hoa từ Phục Hy sau chia phần vô, phần hữu, đủ hiện như Khổng Mạnh văn vẻ cho đời, đủ ẩn như Lão Trang huyền vi thanh thoát. Hiểu để kết thành một giáo pháp cho tông đạo của các hiền vậy. Hiểu làm sao?
[Cư bạch …]
Bần Đạo ví nơi đất nước Việt Nam nầy, nói sâu không ai thấy đáy, nói thấp muôn sông nghìn rạch, nguồn nước đâu đâu cũng chảy về đây. Nói văn minh khoa học, nói tôn giáo đạo đức, thì Đông hay Tây, xưa hay bây giờ đều có một cơ hội gặp gỡ để điều hòa, để thành tựu cho non sông, cho vũ trụ, cho thế giới chúng sanh thành tựu. Cũng như muốn có một bức tranh cần có đủ màu xanh, màu xám, màu đỏ, màu điều, màu vàng, màu đen. Màu thuốc nào cũng có đủ. Bây giờ cần tô một bức tranh đủ sơn thủy kỳ quan thì có thể được chưa?
[Sinh bạch…]
Màu sắc có đủ rồi, bây giờ cần người thợ họa để tô phết các màu sắc ấy cho mỹ thuật thần kỳ. Nếu màu sắc có đủ mà tay vụng về bôi phết lên tấm tường thấy còn buồn cười ngao ngán. Cũng vậy đó, các phần chơn lý đã sẵn, nếu biết kết tinh thì sự duy nhất cũng được hoàn bị cho vũ trụ chúng sinh. Bằng tập hợp lại một cách lộn xộn vụng về thì chẳng những vô ích, tốn công mà còn làm trở ngại cho nhơn sinh tạo hóa.
Vậy cần có một tay thợ họa. Về quyền pháp, nơi đây chưa quyết phải đi hướng nào. Đến đâu và làm gì đây nữa, thì Bần Đạo cũng góp lời mà nhận lấy ý để có thể gánh lấy sứ mạng sau nầy. Bằng thiếu sức, nhác làm, thì lo giải thoát lấy thân cũng không phải là vô ích. Muốn làm cần có một tổ chức. Tổ chức nầy tuy nhiều ít số người đồng đức đồng tình. Ấy gọi là một đoàn thể mà tôn giáo gọi là Giáo Hội. Giáo Hội có ba phần:
Phần đoàn thể gồm có giáo phẩm, giáo đồ. Phật gọi là tăng lữ tín chúng. Giáo phẩm cần được đủ uy nghi oai đức, giới sạch tuệ đầy, cốt ở tinh thần thường định. Giáo đồ sống dưới chở che no ấm bằng tình thương lẽ thật. Trên dưới đúng hướng, đồng tu tăng tiến, sống nương trong giáo pháp gọi là Giáo Hội.
Giáo pháp gồm đủ hai phần. Phần xuất thế và phần nhập thế. Giáo lý cốt giải thoát cho đời, khêu sáng đèn lòng cho chúng sanh nhận thấy con đường siêu đọa. Xuất thế không phải trốn đời, cần cứu đời nên xuất thế. Xuất thế để nhập thế mới thấy con người giáo phẩm ra vào không ngại, chẳng sợ ma cảnh cầm chưn bắt hồn. Vì vậy giáo pháp cốt để giải phóng cho mười phương nhơn loại ra khỏi biển khổ trần lao. Dẫu còn dính mắc trong đời thì tình sống giữa nhau đem lòng chan trải.
Giáo quyền, giáo lý đúng hồi, biết làm cho dung hòa mà trong có người hướng đạo trung kiên. Nội giới, ngoại giới đủ oai nghi thì giáo quyền được mạnh, giáo thể được nghiêm. Vì vậy cần cốt có một tổ chức. Tổ chức có phần giác ngộ thì tổ chức được mạnh được sâu. Quyền đạo còn to cốt không phải ở giáo lý hay, mà ở người hướng đạo siêu phàm trọn vẹn. Hướng đạo được trọn vẹn thì mọi tổ chức được vững, nội bộ vuông tròn, đạo thể hiện ra thành trì là bốn phương dân dã.
Tóm lại hướng đạo kiên cố, giáo lý lành mạnh, tổ chức khoa học, thì đoàn thể to rộng và sâu. Nên vậy các hiền cốt phải thành hình. Dầu lớn dầu nhỏ cũng có một vài nét gạch để làm chừng mà đi tới. Nếu hỏi về phẩm phục thì phẩm phục có là khi có tổ chức. Phẩm phục có để thêm oai nghi cho giáo lý, song oai nghi đó cũng bên ngoài mà cốt là tư cách người Thiên ân lòng không lấm bợn.
Về nữ phái cũng cần hình hiện một vài nét đơn sơ để ơn giáo hóa thì cốt nơi đây làm sao chư tu sĩ chị em nhỏ lớn một lòng, cũng như người ở chỗ kia, người ở chỗ nọ, thôn xã khác nhau mà về chung ở trong một nhà. Một nhà ví như một thân. Một thân sao có đôi ba lòng. Nếu tay bất ý với chưn, không lẽ tay cầm dao mà cắt chưn, hay mắt bất bình với thân mà suốt đời nhắm mắt không trông thấy da thịt.
Về mọi việc tiến hành cần được ôn thuật lại các đàn đã dạy và cầu lên đàn, sắp xếp đâu đó mọi việc cho rồi, để thiết theo nguyện cầu của Liên Hoa tạm nghỉ thời gian. Trách nhiệm phò tá cơ thay vào, song bước gay go phải e dè cẩn thận, bước cho vững bước để khỏi ân hận sau này.
Thôi, Bần Đạo ban ơn từng người. Gắng trọn tâm mà tiến về với Đạo.
Tiền bối Liên Hoa xin nghỉ thủ cơ nhưng còn nấn ná chờ thao luyện người thay thế để điển quang giáo hóa của Ơn trên không gián đoạn. Khi ban lệnh hình thành thánh thất kiểu mẫu, Ơn Trên đổ dồn điển lực, gây ý thức về đường giáo hóa Trung Tông.
Đàn cơ ngày 09-4 Quý Mẹo (02-5-1963) tại Tịnh Đường, Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn thay mặt chư Thánh Thiên Đồ, Đức Cái Thiên Cổ Phật, Đức Quan Âm Như Lai, và Đức Thái Bạch Kim Tinh thừa chỉ dụ của Chí Tôn phong cho Chế Văn Sanh (chức sắc Phước Thiện tại thánh thất Trung Thành) là Trung Đẳng Hàm Chương Trấn Đạo Thiên Thần.
Cùng đàn này Đức Chí Tôn dạy:
Thầy ước ao ở lòng mỗi con lúc nào cũng tươi sáng, luôn luôn thanh tịnh, để gạn lấy phần đục ở lòng. Muốn Thánh muốn Hiền là dẹp được cái lối phàm phu chật hẹp, cốt ở lòng. Mà lòng người thì đen đục, hầu hết ngập trong tội lỗi mê mờ.
Người giác ngộ muốn quay ra đường quang mà đón lấy ánh sáng diệu huyền, nên người chọn lấy những pháp môn bằng cách nầy cách nọ để chỉ để quán, để định để thiền, để tu để luyện. Trăm ngàn phương pháp cầu lấy sự thanh tịnh vô vi, song pháp nào cũng không ngoài bốn chữ chánh tâm diệt dục mà thôi.
Các con không vì cái tên mà chấp nhứt, không vì cái thể mà chê khen. Phải nhẫn nhục. Nhẫn nhục cho nhiều thì gạn được lòng, cầu được đạo.
Bây giờ nhiều con hỏi Đạo nay về đâu. Quyền pháp đâu còn. Sứ mạng đâu có. Các con bình tĩnh thì thấy, chớ khó gì.
Đạo đức về với người đạo đức. Quyền pháp ở với kẻ chơn tu. Sứ mạng ở nơi nào mà thanh bình thánh đức. Ngoài chỗ giành giựt hơn thua là phường ma quỷ cả.
Trong tinh thần xây dựng thánh thất kiểu mẫu Trung Thành, đàn ngày 14-4 Quý Mẹo (07-5-1963), Thanh Phong Đồng Nữ giáng đàn cổ xúy chị em nữ phái: “Tắm mãi thì bụi mới sạch, rửa mãi thì trần nhơ mới hết.”
Đàn ngày 16-4 Quý Mẹo (09-5-1963), Đức Vô Cực Lão Mẫu giáng dạy: “Bọn giặc nguy hiểm nhất của người tu là tai, mắt và phàm tâm.”
Đàn ngày 23-4 Quý Mẹo (16-5-1963), Đức Trần Hưng Đạo dạy rằng chánh pháp Trời ban cứu đời, nhưng con người phải có nguyện lực và kế hoạch hoằng dương. Ngài dạy:
Đạo cốt ở tâm. Nếu tâm thanh tịnh thì trần tục sẽ lìa, nghiệp căn sẽ dứt. Cốt phải lấy sự nghiệp lập công hành đạo đi đôi. Mọi người đều quyết tâm bảo vệ chánh pháp, xây dựng hoàn thành thánh thất kiểu mẫu, thì sự thành công trên đường tu học chẳng khó. Phải theo hướng hành đạo tịnh luyện mà làm.
Đức Thánh Trần nhắc nhở việc kết tập Bửu Chương Pháp Đạo và khuyến cáo các phận sự cố gắng tổ chức sắp đặt xây dựng một thánh thất kiểu mẫu của tân pháp Cao Đài.
Đàn ngày 02-5 Quý Mẹo (22-6-1963), ngài Hàm Chương Trấn Đạo Chế Văn Sanh báo đàn. Đức Quan Âm Bồ Tát lâm cơ điểm danh hai mươi chín người.([3]) Đức Quan Âm bảo sẽ có dịp điểm danh thêm nhiều đạo tâm nữa và dạy:
Các hiền đạo tâm nên bình tĩnh mà kiểm soát lại lòng mình, mỗi ngày một qua mình đã làm gì được công, hay làm gì bị tội. Chắc mỗi ngày các đạo tâm chỉ thấy rặt ròng gây tạo lỗi lầm, mà lỗi lầm cứ chồng chất trên thân, mỗi bữa mỗi cao.
Lỗi lầm nếu biết được thì ai không lo không sợ. Vì vô minh phiền não mà lòng bị cấu nhiễm trần lao. Để giải thoát, để vượt ra bể khổ sông mê, thì không phép gì hơn “cầu kỳ phóng tâm” của Mạnh Tử, chỉ biết đem lòng mình trở lại nơi tự tại là được trọn vẹn. Nên Tu Bồ Đề hỏi Phật cho được chỗ an trụ cái tâm, hàng phục cái tâm làm sao. Hàng phục được, an trụ được là quay trở lại mà thôi vậy. Đó là hồi đầu thị ngạn, công phu giải thoát đã được hơn nửa rồi.
Có quay về với tâm mới thấy không nhơn không ngã. Vì trong thân người chỗ nào cũng động, dục, cũng nổi loạn thì chỗ nào mà quay về? Dịch Kinh nói: “Cấn kỳ bối, bất hoạch kỳ thân, hành kỳ đình, bất kiến kỳ nhơn.” ([4]) Cấn kỳ bối. Bối là phía sau vậy. Chỉ phía sau xương sống mới không vọng dục, mới không nhơn ngã. Người cần quay bánh hà xa ngược lại, thì tinh khỏi hao, thần khỏi lìa, khí không tán.
Vì vậy nên huyền cơ đạt đạo ở chỗ chí nhiệm. Đem mắt vào lòng thì lòng được yên. Lòng yên rồi thì hàng phục được.
Các hiền đạo tâm! Đây là một pháp cầu tu học. Các hiền có biết lấy lửa ở mặt trời không? Muốn lấy lửa phải có kính. Đặt kính dưới mặt trời, thâu nhỏ sức nóng vào ngay nắm bùi nhùi thì lửa phát ra. Cũng ví như mặt trời, tâm là kính, thân là bùi nhùi. Nhờ pháp đó mà tinh hóa khí, khí hóa thần, thần khí nương nhau thì thọ ích diên niên, thần hồn thông đạt, hòa đồng cùng Tạo Hóa. Các pháp tu muốn được công bình thì hết thảy bất cứ ai muốn cầu Đạo tu bằng cách nào, cũng phải lấy keo làm chuẩn.
Trong tinh thần vun bồi đường tu tướng tâm quy nhứt của Trung Tông Đạo, Đức Bảo Thọ Thánh Nương tiếp nối lằn điển quang hướng về nữ phái, nữ tu. Đàn tại Tịnh Đường ngày 08-5 Quý Mẹo (28-6-1963):
BẢO xúm xít nhau giữ trọn tình
THỌ thừa Thánh mạng gắng hy sinh
THÁNH tâm mới gánh xong Tông Đạo
NƯƠNG pháp vô vi náu luyện hình.
Chào chư quý hiền huynh, chư chị em tu sĩ. Mời an vị.
Mối đạo vô vi, lòng người thiếu Thánh tâm sao thấu biết. Nên lắm kẻ gặp rồi lại bỏ đi. Người ở cùng với nó mà không thấy được nó. Trong tay cầm nó mà đi kiếm nó. Đón đầu lại thấy đuôi, đón đuôi lại thấy đầu. Rồi cũng chẳng biết đâu là đuôi hay đầu mới sanh lòng phân vân ái ngại.
Ôi! Đạo lớn phải chờ người đại nhơn, thì bổn phận chúng ta đức thiếu, trí hèn không gắng sức lập thân, thì sao được lên quả vị. Vậy Bản Nương để lời khuyên chị em gắng một, gắng mười. Một mười chưa nên thì gắng trăm, gắng ngàn cho kỳ được thành công mới thôi. Đừng thấy khó mà nản lòng.
Đức Bảo Thọ nhắc tới lời Đức Lý Giáo Tông dạy ở buổi đầu chỉnh cơ của Trung Tông Đạo: “Trung Tông có pháp nhiệm mầu / Có Thầy dẫn lối, có đầu có đuôi.” Đầu là cơ tuyển độ và phổ độ, đuôi là cơ tận độ.
Cùng đàn ngày 08-5 Quý Mẹo (28-6-1963), Đức Ngô Cao Tiên dạy:
Anh em giữ đạo thân hòa
Giữ cơ giáo pháp gần xa được nhờ
Thuyền Thầy lèo lái đến bờ
Rước đưa sanh chúng đợi chờ từ lâu
Trung Tông có pháp nhiệm mầu
Đủ đường phương tiện tiếp thâu môn đồ.
(…)
Phần tu kể cũng cố gắng của mỗi trò. Y thế mà làm. Lâu ngày chầy tháng sẽ thấy sự kết quả của nó. Nên pháp đạo ấy cần đòi hỏi một công trình dẻo dai, tấm lòng chung thỉ. Vậy các trò làm thinh mà tu. Một, được phần xác, bệnh tật không sanh, thân hình khỏe mạnh. Hai, linh hồn dầu không vào được Tiên Thiên, thì Thầy cũng cứu trọn vì cốt ở lòng, mà lòng phải vô vi thanh tịnh. Vô vi trong đó đã chứng đến vô thượng chánh giác, vì vô vi là vô kỷ, vô công, vô danh. Tu đến bực nầy cũng tối thượng giải thoát.
Song pháp môn nhập hóa có nhiều phương tận độ. Đừng chấp mà bị vào biên kiến giới thủ. Trò biết như thế nào thì giữ thế ấy. Đừng làm trở ngại cho kẻ khác mà mất thế thăng bằng. Phật nói “Quy nguyên tàng bất nhị, phương tiện pháp đa môn” thì pháp Trung Tông các trò chưa cảm thấu thiệt tướng của nó.
(...)
Phận sự về đàn tu cũng như đàn giáo hóa, trong thời gian tịnh dưỡng của Liên Hoa thì Huệ Minh Đức hành sự. Cần một bước sâu vào con đường Trung Đạo. Liên Hoa hết sức cố gắng lập chí lấy mình mà tịnh dưỡng, cầu cho được minh chứng. Đừng vì tiểu tâm mà trở ngại cho bước hành trình.
Đàn cơ tại Tịnh Đường luôn duy trì đều đặn. Việc thủ cơ dần dần chuyển giao từ đồng tử Liên Hoa sang Huệ Minh Đức (Tá Cơ Quân Đặng Nhâm). Ơn Trên, nhất là Đức Ngô Cao Tiên, lâm cơ dạy tu luyện, ít đề cập đến việc hành đạo.
Việc xây dựng thánh thất kiểu mẫu Trung Thánh đã có ảnh hưởng đến các họ đạo khác. Thánh thất kiểu mẫu là thánh thất sinh hoạt tu học theo đường tu đạo: Công truyền, tâm truyền đồng tu; tịnh luyện, hành đạo đi đôi; thiên đạo, thế đạo song hành. Nhiều Đầu Họ Đạo đã về Tịnh Đường hầu đàn, xin thọ pháp trong ý thức về sứ mạng trung hưng.
Đàn cơ ngày 04-7 Quý Mẹo (22-8-1963) tại Chi Hội Phước Thiện ở Đà Nẵng, Đức Lý Giáo Tông dạy:
THÁI hòa xây dựng dễ gì đâu
BẠCH hắc phân minh ở đạo mầu
KIM thạch dặn ai tua khá giữ
TINH tường chánh pháp mới cao sâu.
Bần Đạo chào chư Thiên ân phận sự nội đàn.
Bần Đạo đến với chư hiền hôm nay bởi công việc khẩn thiết của cơ đạo mà chư hiền đã có lòng chung lo. Ai nấy cũng ước mong cho nền Đạo trung hưng duy nhất một tinh thần thương yêu hòa thuận, để cho Thánh thể của Thầy được lành mạnh. Lành như ngày mà anh em được chung sống trong bầu không khí thái hòa.
Chư hiền có biết vì sao mà nền Đạo trung hưng đến nỗi nầy chăng? Có phải do lòng người gây ra, hay là do cơ mầu nhiệm của Trời xui nên như thế?
Sách đã nói: “Thiên vị sanh ngã hề Thiên vi chủ. Ký sinh ngã hề tâm vi chủ.” ([5]) Thầy lập ra một sự nghiệp trung hưng đã sẵn đủ một kho tàng tài liệu về phương tiện pháp môn tu học để đưa sanh chúng thoát ra ngoài tội lỗi, bước lên bờ giác đặng về hiệp cùng Thầy, sống cảnh an nhàn bất tiêu bất diệt. Thầy ban trao cho một quyền pháp để nương theo đấy mà lập công. Cũng như người qua sông nương lấy gậy để dò khúc sâu, cạn. Khi đã qua rồi thì gậy kia cũng không còn quý nữa. Thế mà có người được gậy rồi thì cứ ôm giữ lấy gậy, mà còn lợi dụng nó để múa men, làm cho cơ nghiệp của Thầy trở nên đổ nát.
Đổ nát chừ ta phải dựng xây
Dựng xây huynh đệ để sum vầy
Sum vầy chung sống nền tân pháp
Trọn hưởng phước ơn của Mẹ Thầy.
Thầy Mẹ bao lần đã nhủ khuyên
Khuyên nhau huynh đệ giữ lời nguyền
Cái cơ chia rẽ là ma quỷ
Ma quỷ làm sao được trọn yên.
Từ ngày Thầy thiết lập cơ đạo tại thế gian này, trải qua nhiều thời kỳ để tận cứu chúng sanh, đã dùng nhiều pháp môn phương tiện. Nhưng do tay phàm canh cải, làm thất lạc chơn truyền, nên con đường về với Thầy bị bít không phương thoát tục. Nên đạo thì nhiều, tôn giáo hiếm chi, nhưng con đường siêu sinh liễu tử bị ngăn ngại, nên tu thì nhiều mà đắc ngộ thì ít.
Cũng như đạo Phật là một tôn giáo rất siêu việt thâm diệu, khả dĩ đưa người siêu phàm nhập thánh. Nhưng từ ngày Phật Tổ truyền ban cho Ca Diếp, xuống đến Huệ Năng thì không còn có người đủ căn cơ đức độ để thọ truyền chánh pháp được nữa. Nên pháp nhiệm không còn truyền lại. Mà đã thất lạc chơn truyền rồi thì chúng sinh nương đâu mà tu luyện để thoát vòng sanh tử luân hồi?
Vì lòng từ bi vô lượng, Thầy thương xót đám sanh linh ở cõi trần nầy đương lăn lóc, hụp lặn nơi biển trầm luân, mà hạ mình giáng thế, dùng pháp môn cơ bút để rao truyền nền chánh đạo Kỳ Ba nầy, nguyện tâm cứu chúng sanh.
Con đường cứu độ của Thầy có nhiều phương tiện. Tùy theo trình độ và căn cơ của chúng sinh, mà dẫn dắt từ thấp đến cao, cũng như ông thầy dạy học từ lớp nầy đến lớp khác.
Giữa cõi đời mạt kiếp nầy, loài người đắm say theo đà vật chất, nên Thầy lập Đạo, trước nhất dùng thanh âm sắc tướng để tùy theo sự ưa thích của người mà dẫn dắt từ chỗ giả đến chỗ chơn. Cũng như cha mẹ dùng bánh kẹo để dỗ cho con đi học, mục đích cũng mong cho con được mau thành đạt, chớ Đạo đâu ở nơi thanh sắc mà thành. Đó chẳng qua là một thứ giả tạm mà thôi.
Cái ngày Đạo đã trưởng thành, thì Thầy dùng một con đường chắc thật là cơ tâm pháp bí truyền, để cho người nương theo đấy mà tu luyện, cũng như bộ chìa khóa để mở cửa vào Bạch Ngọc Kinh. Người nào không có nó thì đành phải chịu đứng ngoài, không cách gì mà vào được.
Kẻ Thiên phong chức việc được ơn Thầy ban trao là để nương theo đấy mà lập công đặng trừ những điều tội lỗi mà tiền kiếp đã tạo gây, chứ có phải lấy đó mà gọi là một thứ quyền tước để rồi đắc đạo đâu.
Ngày xưa, Lương Võ Đế lập được bảy mươi hai ngôi chùa và làm không biết bao nhiêu phước đức về việc bố thí cho chúng sinh. Khi gặp Đạt Ma hỏi có công đức như thế nào, Đạt Ma trả lời: Không có công đức chi cả. Vì đó là pháp hữu lậu. Mà đã hữu lậu thì chỉ hưởng phước thế gian mà thôi. Còn công đức cốt ở sự tu tâm luyện tánh.
Có tu tâm luyện tánh thì vô minh phiền não, căn trần mới dứt sạch, tự tánh mới được tỏ sáng mà hiệp cùng bản thể của vũ trụ, đắc thành quả vị Phật Tiên. Chứng minh lời Phật đã dạy cho Tu Bồ Đề trong kinh Kim Cang rằng nếu chúng sanh lấy của thất bửu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới mà bố thí, so với chúng sanh có người thọ trì Tú Cú Kệ thì công đức bố thí kia thua công đức nầy rất nhiều. Cũng như có người đem thân mạng hằng hà sa số kiếp mà bố thí cũng không bằng người tu thanh tịnh.
Một điều chứng minh rất quan hệ: Tưởng nghĩ được muôn ngàn vạn ức La Hán, Thinh Văn cũng không bằng người tu giới đại thừa thanh tịnh trong năm mười phút. Vì La Hán Thinh Văn còn ở bậc tiểu thừa, mà người đã tu lên bậc đại thừa của Bồ Tát thì công đức cao lớn vô cùng.
Bởi vậy cho nên Thầy buộc những chức sắc cấp Hội Thánh từ Giáo Hữu trở lên phải tu theo giới thượng thừa. Mà thượng thừa là giới tu của Bồ Tát trong đạo Phật. Mà Bồ Tát là đã dứt sạch vô minh, phiền não, tham, sân, si, mạn. Không còn ngã nhơn, chúng sanh thọ giả. Thân khẩu ý đã hoàn toàn thanh tịnh. Họ đã hằng phát nguyện đem thân để hóa độ tất cả chúng sanh. Nếu chúng sanh không thành Phật, thì họ cũng nguyện không thành, luôn luôn giữ được lòng từ bi hỷ xả.
Người đứng ra nhận lãnh lấy quyền năng sứ mạng của Thầy, mang danh là chức sắc của Hội Thánh thì phải có đức độ như thế nào? Phải tu giới hạnh làm sao?
Nếu mà còn sân si tật đố, danh lợi thị phi thì có khác nào chúng sanh đâu. Mà đã chúng sanh thì làm sao cứu độ được chúng sanh. Khác nào kẻ đui dẫn dắt người mù thì làm sao mà cùng sáng được.
Bây giờ chư hiền nơi đây nên bình tĩnh sáng suốt mà nhận xét. Người thế nào xứng đáng là bậc hướng đạo, là người của Hội Thánh? Cái giá phẩm được ta tôn trọng là ở chỗ nào? Ở nơi quyền tước ư? Ở nơi danh vị ư? Ta nương với pháp đạo để về cùng Thầy, hay nương với con người thị phi danh lợi? Ta sợ Thầy hay sợ người thế? Ta nương với người quyền thế có thể về cùng Thầy chăng? Hay là nương với đạo pháp, lo tu luyện để cho tâm mình được trong sáng đặng hòa hiệp cùng Thầy? Cái gì nên theo? Cái gì nên bỏ?
Con người hiểu được cái đạo vô vi thanh tịnh, thì dù đem cả vật báu nhiều gấp trăm ngàn thế giới này mà cho mình, bảo phải đổi lấy cái Đạo thì cũng không thay đổi. Vì dù cho của báu có nhiều, nhưng đó là vật hữu lậu. Bất quá ta cũng chỉ hưởng được một đời mà thôi. Chứ cái Đạo mà ta tu đắc ngộ được, thì ta được toại hưởng đời đời, bất sanh bất diệt.
 Nếu của thế gian nầy mà quý thì Đức Thích Ca không lìa ngôi mà bỏ đi tu, chịu bao sự khổ hạnh. Cũng vì lòng từ bi thương chúng sanh ở trong vòng bất khổ, nguyện tu để thành Phật quả để đủ oai đức cứu độ chúng sanh. Tất Đạt Đa đã hiện thân Bồ Tát thấy cảnh sanh, lão, bệnh, tử mà chưa đủ đức độ để cứu, mà phải tu cho đến ngày đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác rồi mới đi độ người. Thế mà còn có kẻ toan mưu giết hại Phật.
Bây giờ thân tâm ta còn đen tối, quy giới chưa tinh thông, mà dám lãnh nhiệm vụ cứu thế độ nhân. Ôi! Làm một việc quá trái ngược với đạo lý như thế, khác nào lấy cái tối mà xua đuổi cái tối, thì làm sao tối kia hóa ra sáng được. Ngày xưa Đạt Ma đã thành một vị tổ sư, từ Ấn Độ sang Trung Hoa để truyền đạo, đã hiện thân Bồ Tát. Khi đầu đem đạo pháp truyền bá cho người, người không nghe mà Ngài phải lên núi xây mặt vào vách đá chín năm, để cho thật thanh tịnh, mà hoàn toàn giác ngộ rồi mới đi độ người.
Bây giờ chư hiền có mặt nơi đây, cũng như người ở nhà, đã được Thầy ban phong cho một trọng trách. Đầu Họ cũng như chức sắc, chức việc, một quyền pháp thiêng liêng để thay Trời mà dìu độ sanh linh. Nếu không tròn sứ mạng thì rất đắc tội cùng Thầy, mà cũng mất phần cứu độ.
Bần Đạo đã biết cơ đạo trung hưng phải trải qua cuộc cảo chọn để phân phàm chọn thánh, nên Lão đã ban trao đạo phục mà gởi gắm tín đồ cho trọn quyền chăn giữ, thì còn ngần ngại gì, lo sợ gì mà không trỗi dậy đem tất cả sức bình sinh ra mà đảm đương trọng nhiệm. Hay chư hiền sợ phàm hơn sợ Lão chăng? Sao không sáng suốt để nhận định lấy công việc đạo? Hay là lòng còn ham chuộng màu sắc thế gian, quyền hành nhơn sự? Sao chư hiền không nghĩ ta lãnh sứ mạng Thầy để làm gì? Ta tu đây mong được hưởng quyền pháp ở thế gian hay là tu mong ngày được về Thầy an vui nơi Bồng Lai Tiên Cảnh?
Giữa lúc cơ đạo trung hưng bị tan rã, quyền pháp của Hội Thánh không còn linh, quyền pháp ấy đã về tay Đầu Họ. Người Đầu Họ đã được Trời ban trọn quyền hành đạo, trị đạo. Chư hiền gắng tu luyện lấy thân tâm để xứng đáng một người anh trong họ đạo. Bây giờ chỉ có con đường tu tâm luyện tánh mới có thể cứu độ được sanh linh giữa cõi đời mạt pháp ma cường. Nhơn sanh chỉ còn đòi hỏi sự cứu vớt cho họ bằng cái đức độ của người chơn tu.
Một người chơn tu đắc đạo có thể gánh vác tai nạn cho một nước hay một xứ sở. Không cần phải học nhiều nói giỏi, chỉ cần ở người có lòng thanh tịnh. Một phút cầu nguyện, vạn nạn đều tiêu.
Ngày xưa các bậc Thánh Nhân trị đời không cần phải nói nhiều làm giỏi, mà cốt ở thịnh đức mà thôi. Nên Lão Tử đã nói: “Thánh Nhơn xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo.” ([6]) Lại nói: “Thức giả Đạo chi họa, ngu chi thủy.” ([7]) Người có học thức cũng là cái họa của Đạo. Nếu không biết sử dụng cái trí thức, đem trí thức làm lợi khí hay mưu mẹo để lừa gạt người, thì trí thức là đầu của sự ngu dốt.
Ngày xưa A Nan tu một lần với Phật, chỉ chuyên lo phần học cho nhiều, nhớ cho giỏi. Khi Phật thành rồi mà A Nan còn là Thanh Văn, khóc lóc van xin nhờ Phật cứu độ, sau mới được chứng quả La Hán và làm Tổ thứ hai.
Còn Huệ Năng không biết một chữ, khi gặp Ngũ Tổ phải xin ở nhờ với tăng chúng trong chùa, chịu cực khổ, chỉ biết có giã gạo, nấu ăn. Thời gian không đầy một năm mà được truyền y bát. Xem như thế đạo không cốt ở người học giỏi, nói hay. Nếu học giỏi, nói hay mà kém phần đạo đức thì hóa ra xảo ngôn, lệnh sắc.
Lão nhận thấy một số đầu họ và chức sắc, chức việc đã có thiện duyên với nền đạo pháp, trải qua một cơn thử thách để phân biệt quặng vàng. Mà đã là quặng thì cũng khó mà thành vàng. Mà đã là vàng mã thì cũng không bao giờ thành quặng được.
Hễ người mà có thiện duyên với chánh pháp thì dù sớm hay muộn cũng được đắc truyền. Không có thiện duyên thì không bao giờ nghe được lời nói của chánh pháp. Đã nghe được lời nói của chánh pháp, phát tâm ưa muốn thì đã được một phần nửa của công việc đắc đạo rồi đó.
Còn người kích bác nền đạo pháp, bậc chơn tu, tuy là người, nhưng lòng họ đã là ma quỷ rồi đó. Vì người ấy tuy là người, nhưng họ sống bằng vọng tâm bát thức. Cái chơn tâm tự tánh của họ đã cạn rồi, bị bao lớp vô minh phiền não che kín. Ta nên thương hại cho họ mà không nên ghét.
Cái công đức độ một người tu thượng thừa bằng độ vạn ức người tu nhơn đạo. Một phút thanh tịnh hơn một kiếp làm phước thế gian. Đó là những bí quyết để cho chư hiền noi theo mà hành đạo, sao cho trúng với con đường đạo pháp để khỏi sai lầm.
Bây giờ chư hiền nương theo mối dây đạo pháp mà tu hành để dẫn dắt cho chúng sanh dưới quyền pháp của mình, cùng theo một mạch sống. Được như thế thì công đức vô lượng vô biên. Không vì một quyền tước hữu lậu mà lãng xao công việc tu hành là con đường tận cứu.
THI BÀI
Đường tận cứu Thầy Trời đã mở
Chư Thiên ân khuyên chớ lơ là
Đạo mầu thanh tịnh mà ra
Đạo mầu ở chỗ bỏ ta ra ngoài
Đạo không ở hẹp hòi bỏn xẻn
Đạo là tâm yên lặng thanh cao
Đạo mầu khuyên chớ lãng xao
Lãng xao ma quỷ lọt vào chẳng chơi
Người mến đạo thì đời xa lánh
Nẻo lợi danh phải tránh chớ gần
Gần người giả nghĩa giả nhân
Thì là đạo đức tinh thần kém suy
Kém suy rồi thân nguy tâm khổ
Mối đạo mầu không chỗ dựa nương
Về Trời ta tự cắt đường
Thì rồi muôn kiếp tai ương khổ nàn
Chư hiền đã được ban ân tứ
Thì pháp quyền phải xử cho xong
Công danh thế sự đừng mong
Chỉ mong đạo pháp ở lòng mình thôi
Đạo pháp lo trau giồi luyện tập
Phải lần phăng từ thấp đến cao
Dù cho khảo đảo không nao
Quyết tâm vì đạo ta nào sợ chi
Hễ người còn thị phi giành giựt
Thì ta đây nỗ lực tu hành
Hễ người đố kỵ ghét ganh
Thì ta giữ một chữ thành quyết tu
Hằng ngày giữ công phu được trọn
Thì lo gì không đón hồng ân
Lòng còn nghi ngại phân vân
Thì là Trời Phật, Thánh Thần lánh xa
Phật lánh xa thì ma quỷ đáo
Dẫn dắt người nghiệp báo càng tăng
Đến ngày ta biết ăn năn
Thân nầy đã chịu nặng oằn trầm luân
Chư hiền được vui mừng gặp hội
Dây hồng ân được nối từ đây
Bây giờ ta phải chung xây
Xây nền đạo pháp hiệp vầy thiện duyên
Thiệt là một vô biên ân đức
Chư hiền lo tận lực tiến tinh
Trước lo tu luyện lấy mình
Sau lo cứu độ quần linh mới là
Đồng dẫn nhau về Cha một thể
Chớ trù trừ chậm trễ cơ duyên
Phải gần những bậc đức hiền
Tách xa những kẻ gieo duyên không lành
Đạo cốt ở chữ thành, chữ tín
Tín thành rồi vật kín được trao
Trao rồi phước quả dồi dào
Của kia thế giới sánh sao cho bằng
Được Đạo rồi giáng thăng chi khó
Xuất thần thông muôn ngõ vào ra
Lánh nơi thế trược ta bà
Ngao du Thiên Quốc chung hòa chơn không
Từ đây phải tình nồng xây dựng
Nơi tịnh đường tùy thuận chung lo
Trên anh hát, dưới em hò
Hòa chung một điệu, nhỏ to cho đều.
Về công việc hội họp hiện nay ai cũng muốn đi đến chỗ hòa, nhưng hòa được là một việc rất khó. Khó bởi lòng ham danh chuộng lợi, ham quyền đoạt vị, ngã tướng dẫy đầy, mạn căn chồng chất. Khi mà tam độc tham sân si nổi lên thì đạo lý đâu còn nữa. Chỉ mong chư hiền nơi đây cố gắng giữ lấy thái độ quân tử, bình tĩnh trước mọi việc xảy ra. Hiệp hay không là do Thầy, chớ lòng ta luôn luôn giữ thanh tịnh. Thanh tịnh không phải là làm thinh không nói, mà nói đúng với lẽ đạo, với công bình. Nếu hiệp không được thì ta cùng nhau chung lưng sát cánh, sống trong dây đạo pháp nhờ sự tu hành, có ngày rồi sẽ cảm hóa.
Hội Thánh yếu hèn thì nhơn sanh phải giác ngộ. Mà người làm đầu nhơn sanh là đầu họ và chức sắc ở thánh thất. Nếu đầu họ và chức sắc một lòng lo chung, xây nền đạo pháp tâm truyền và công truyền đi đôi, theo tôn chỉ và mục đích của Đạo Thầy mà hướng dẫn cho nhơn sinh, thì công việc cải tạo Hội Thánh rất dễ. Một tiếng nói của đầu họ nếu đúng đạo pháp cũng là một tác động rất lớn.
Từ nay ta hãy tự lập tự cường để xây dựng cơ đạo, không nên ỷ y vào một thế lực nào, mà phải học theo lời của Mạnh Tử đã dạy: “Cư thiên hạ chi quảng cư, lập thiên hạ chi chính vị, hành thiên hạ chi đại đạo; đắc chí, dữ dân do chi; bất đắc chí, độc hành kỳ đạo; phú quý bất năng dâm; bần tiện bất năng di; oai vũ bất năng khuất; thử chi vị đại trượng phu.” ([8])
Đây, Ta đã đắc đạo nên phải “dữ dân do chi”.([9])
Mọi việc theo sự chỉ dạy của Lão mà làm theo. Còn công việc bên ngoài, sự tranh giành quyền thế là lẽ thường. Hễ cá ăn kiến rồi kiến ăn cá. Nhân quả trả vay, vay trả không sao nói hết được. Ta chỉ lo phần ta cho xong, không cần bận lòng cho lắm.
(…)
Khi nào có mặt đủ các đầu họ, Ta sẽ điểm danh.
Chào chư Thiên ân phận sự.


([1]) Chị em tuy ở với nhau / Nhưng mà chí hướng gót đầu chia phôi. (Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ dịch.)
([2]) Bộ phận thông công gồm có: Huỳnh Thanh (pháp đàn); Huệ Thanh (phò loan); Bạch Ngọc (điển ký); Bạch Hổ (độc giả); Phối Sư Ngọc Quế Thanh (chứng đàn). Các vị hầu đàn là: Giáo Sư Ngọc Tín Thanh, Giáo Sư Thái Phẩm Thanh, Giáo Sư Ngọc Trường Thanh, Giáo Sư Thượng Lý Thanh.
([3]) Gồm có: Khải, Mận, Hiệp, Tráng, Chân, Trân, Thức, Tư, Nghiễm, Lệ, Châu, Miên, Hưng, Lễ, Túy, Lự, Mua, Hành, Thoại, Khóa, Hội, Hộ, Xuân, Bằng, Kỉnh, Kiểm, Bính, Đãi, Bớt.
([4]) Thoán Từ quẻ Cấn. Trong bản dịch Dưỡng Chơn Tập (bài 42, Chỉ), Nguyễn Minh Thiện giảng: “Để ở (vì đây lấy nghĩa chữ cấn như chữ chỉ) phía sau lưng mình, thì chẳng đặng (chẳng có) ta; đi nơi trước sân mình, thì chẳng thấy người (ý nói động tịnh đều chẳng sanh lòng nhơn ngã).”
Trong Dịch Kinh Đại Toàn, Hạ Kinh, quẻ 52, Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ dịch: Cấn là dừng lại sau lưng / Dừng nơi chí thiện, quên thân, quên người / Bản thân mà đã quên rồi / Trong sân đi lại, quên người lỗi chi. Nhân Tử giảng giải: “Trong con người, mọi bộ phận đều động, duy cái lưng thường bất động. Động thường hay làm ác. Tĩnh thì mới chí thiện; cho nên nói: Cấn kỳ bối, là muốn nói: Chỉ ư chí thiện. Do lòng tư dục, con người mới phân nhân, ngã. Dẹp được lòng tư dục rồi, thời chỉ thấy Thiên lý, thấy đạo lý, không còn phân nhân, ngã nữa. Thế chính là bất hoạch kỳ thân, hành kỳ đình, bất kiến kỳ nhân vậy.”
([5]) Trời chưa sanh ta thì Trời là chủ. Sinh ta rồi thì tâm là chủ.
([6]) Thánh Nhơn dùng vô vi mà xử sự, dùng vô ngôn mà dạy dỗ. (Đạo Đức Kinh, chương 2)
([7]) Người trí thức là cái họa của Đạo, là đầu mối của ngu dốt.
([8]) Ở chỗ rộng rãi trong thiên hạ, đứng ở vị trí chân chính trong thiên hạ, đi trên con đường lớn trong thiên hạ; đắc chí thì cùng với dân noi theo đạo; không đắc chí thì một mình hành đạo; giàu sang chẳng phóng đãng; nghèo hèn chẳng đổi lòng; cường quyền không thể khuất phục; vậy mới gọi là đại trượng phu. (Mạnh Tử, Đằng Văn Công, Hạ, 2.)
([9]) cùng với dân noi theo đạo



PHẠM VĂN LIÊM