Hà Nội: Nhà xuất bản TÔN
GIÁO, 2016
NĂM
Ngày 01-6 Bính Thân
(Chủ Nhật 08-7-1956) là ngày hình thành cơ chế giáo quyền
Hội Thánh Truyền Giáo với cấu trúc ba phái, bốn cơ quan. Tính từ ấy đến 19-12 Bính
Thân (Thứ Bảy 19-01-1957) thời gian chưa đầy hai trăm ngày, Ơn Trên liên tiếp
cho mở hai đợt tu bảy mươi hai ngày và năm mươi bốn ngày. Các chức sắc nhập khóa ngót bốn
tháng. Điển lực thiêng liêng đã rót vào cho hàng Thiên ân giáo phẩm những
phương môn hành trì tu dưỡng và công năng thực thi quyền pháp ở mức xây dựng
móng nền (trúc cơ) dần dần tiến trên đường siêu phàm tận độ.
Tất nhiên ai ai cũng đồng nguyện lực, nhưng cõi người vốn bất toàn, nên nếu
có nhiều bậc thượng sĩ thì cũng không thiếu hàng hạ sĩ, có những bậc thượng đức
thì cũng lắm người hạ đức,([1]) Như lời Đức Ngô
Tôn Sư dạy: “Duyên
nghiệp nơi đây còn nặng lắm. Kẻ biết được đôi chút lại kích bác lời lẽ của sự
mầu vi. Người không biết thì lơ là bỏ qua thánh ý.”
Đồng tử Liên Hoa rất sợ đồng đạo ngờ vực về việc thủ cơ tiếp điển nên muốn
xin tạm nghỉ một thời gian, nhưng cặp đồng loan Huệ Linh, Huệ Thành còn quá mới, vì thế Hội Thánh phải duy trì đồng tử Liên Hoa.
Chỉ còn mười ngày nữa đến tết Đinh Dậu, bước vào năm Khai Cơ Giáo Pháp đã
ấn định. Biết rằng bước trời (Thiên bộ) khó nhọc gian nan lắm mới có thể thế Thiên
hành hóa, Hội Thánh theo lệnh Đức Tổng Lý quy tụ các chức sắc từ phẩm Quyền
Giáo Hữu trở lên trong ngày xuân mới tề tựu về Trung Hưng Bửu Tòa để đón mừng
năm Khai Cơ Giáo Pháp.
Sau ngày
Nguyên Đán, vào giờ Tý mùng 2 tết (Thứ Sáu 01-02-1957), Hội Thánh lập đàn.([2]) Đức Ngô dạy:
Đại phát từ bi bố điển lành
Đức cao năng độ cứu quần sanh
Ngô ân thánh huệ Khai Cơ Pháp
Tiên Phật công đồng chuyển hóa minh.
Bần Đạo chào chư Thiên ân
thánh mạng, chư chức sắc, chức việc, chư nhơn viên các cấp, chư đạo tràng nam
nữ một ngày xuân đầy hồng ân thánh huệ.
Khai thông bát quái Cửu Trùng Thiên
Cơ nhiệm hồng ân lịnh giáo truyền
Giáo hóa chúng sanh đồng giác tỉnh
Pháp quyền trọn vẹn phục chơn nguyên.
Bần Đạo giờ nầy phụng chỉ
Thượng Phụ Ngọc Hư, thừa ân Tam Giáo đến Trung Hưng Bửu Tòa khai cơ tân xuân
năm Đinh Dậu.
Bần Đạo có lời chào mừng toàn
thể đạo đồ Trung, Nam được hân hạnh trong năm xuân Khai Cơ Giáo Pháp.([3]) Toàn đạo dọn mình đón tiếp hồng ân, thọ nhiệm quyền pháp, lái lèo con
thuyền tế độ đến bến vinh quang thanh phước.
Bần Đạo nhượng cơ cho Tam
Trấn. Bần Đạo chào.
Liền tiếp theo đó, Đức Cái Thiên Cổ
Phật (Quan Thánh Đế Quân), Đức Thái Bạch Kim Tinh, Đức Quan Âm Bồ Tát giáng
mừng tân xuân năm Khai Cơ Giáo Pháp.
Sau đó, Đức Quan Âm “ra lệnh chư đạo chúng trong
đàn nghiêm chỉnh tiếp ân Tam Giáo (mỗi khi tiếp phải đọc bài mừng trước).”
Đức Đại Thánh Khổng Tử, Đức Đạo Tổ Lão Quân, Đức Thích Ca Như Lai lâm đàn
chào mừng các Thiên ân Giáo Hội, cầu chúc hưởng hồng ân xuân Khai Cơ Giáo Pháp.
Kế tiếp,
chư vị Tam Giáo, Tam Trấn thượng ỷ và các môn đồ nghinh tiếp thánh giá.
THẦY
CÁC CON.
Thầy mừng các con.
Ngọc quý đem đây tặng thưởng xuân
Hoàn(g) thành sứ vụ lãnh hồng ân
Thượng quyền Hội Thánh còn non yếu
Đế Đạo phục hồi tượng khí phân.
Thầy đến đây với niềm yêu
thương các con, hòa chung ân điển trong dịp xuân Khai Cơ Giáo Pháp. Thầy ban
quyền ban pháp ngay giờ phút nầy, mỗi con thành tâm tiếp đón.
Xuân Khai Cơ Giáo Pháp là một
duyên phước vô biên cho chúng sanh, riêng các con được đặc ân trước nhất. Việc
làm thế nào, có Tam Trấn và chư Thiên Đồ sẽ dạy.
Có một điều Thầy không bằng
lòng các con là giữa nhau chưa thuận, nên Cơ Chỉnh Pháp phải trễ dài đến ba năm
tám tháng mới hoàn thành. Từ đây kể đi cũng còn trong nhiệm vụ hoàn thành Chỉnh
Cơ Lập Pháp để Khai Cơ Giáo Pháp.
Nếu các con bất đồng ý chí,
trên dưới không hòa thì dù Thầy có thương cũng nguyện độ các con cho thành đạo,
chớ chỉnh pháp lập giáo quyền thì thầy buộc lòng thâu quyền pháp lại, để chọn
một nơi xứng đáng hơn. Nhưng thầy cũng cho biết giai đoạn Trung Hưng Giáo Pháp còn
năm năm nữa. Nếu được thì sẽ tiếp ân xuân Khai Cơ Thành Đạo.
Thôi, Thầy đến để mừng các
con và ra lệnh ban quyền pháp để Khai Cơ Giáo Pháp hưởng trước bằng hồng ân
xuân khí. Còn việc làm thì có Thượng Chánh Phối Sư quyền Tổng Lý hành chánh sẽ dạy sau giờ nầy.
Thầy ban ân và chư Tổ, chư Trấn ban ân lành các con. Thầy mừng
các con một năm hòa thuận. Thầy thăng.
TÁI CẦU
Thượng cờ tế độ hiệu Trung Hưng
Chánh pháp hoằng dương chủng chủng trung
Phối hợp dưới trên xây bộ máy
Sư truyền cơ chỉ đắc kỳ công
Trần tâm lo liệu đường tâm pháp
Tổng ước nhơn duyên hóa đại đồng
Lý định năm năm thành đại nghiệp
Giáng thăng xuân khí được toàn thông.
Bản Thánh chào chư Thiên
phong, chư chức sắc lưỡng đài, chư đạo tâm nam nữ.
Bộ phận thông công từ đây trở
đi phải hành đúng theo pháp Chỉnh Cơ Lập Pháp, nghĩa là phải xưng tán công đức
Phật Tiên, chào mừng chư Thiêng Liêng đến ngự giá trước, chớ đừng để các Đấng
ấy đến chào chúng ta, chúng ta mới chào lại.
Tiếng sấm xuân vang chuyển
đất trời
Xé tan u ám tỉnh nơi nơi
Mười phương hớn hở đua chào rước
Vạn vật tươi vui đợi đón mời
Quyền sống đã về cho bốn biển
Đạo lành rạng rỡ khắp nơi nơi
Thiên ân nhiệm vụ ai là chí
Tiến đức tu công xốc gánh đời.
Bản Thánh giờ nầy đến cùng
chư hiền hữu với một niềm thân yêu bằng khí xuân hòa ấm. Xuân năm nay cũng như
các xuân về trước nhưng khác một điều mà Tam Giáo ban cho cái xuân đạo pháp gọi
là xuân tâm.
Xuân tâm với xuân cảnh có
khác nhau, khác chỗ mầu nhiệm trong cơ bí mật. Xuân tâm lúc nào cũng lâng lâng
cương kiện, phát ra bằng trí tuệ tự hữu, hằng hữu, hòa nhứt với Tạo Hóa Chí
Tôn.
Người Thiên ân nhờ xuân tâm
mà sống trong cảnh ngộ nào cũng thấy mình sung sướng với bao nhiêu quyền pháp
tự có, nhiệm vụ đương làm. Người có xuân tâm thì có quyền sống bất diệt, có
pháp đạo hóa dục muôn loài. Vạn vật nhờ ở xuân tâm trưởng thành sự nghiệp.
Người tu nhờ đạt được xuân tâm mà chiến thắng tất cả cảnh giới ma lực bên ngoài,
thâu phục được lòng người theo con đường xuân tâm mà tiến đích.
Sở dĩ con người bị đau khổ,
còn bị đen tối là vì người làm mất cái xuân tâm, cứ ước vọng cầu xin cái xuân
cảnh. Cảnh hết xuân, cảnh phải điêu tàn. Người hết xuân, người sanh phiền lụy.
Xuân cảnh mà thiên hạ quý trọng là cái vui chốc lát, cái khổ lâu dài. Ta biết
đạo nên tìm cái xuân tâm mà hưởng ân.
Xuân, hạ, thu, đông là bốn
mùa, chia cân theo cơ đạt đạo. Xuân để sanh, hạ để trưởng, thu để thâu, đông để tàng là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Nguyên thiện, Hanh đạt,
Lợi nghĩa, Trinh chính; thì có mùa nào là vui, mùa nào là khổ?
Đông thu liễm sức sống của Tạo
Hóa vào trong căn tâm mà chờ xuân để phơi bày hương vị tươi sáng. Xuân làm cho
sự phục sinh của vạn hữu tăng trưởng thêm lên, trợ sức cho quyền pháp trong căn
tâm chuyển biến vào tiết hè nhuộm mầu rắn rỏi. Hè đã trợ sức cho vạn vật một
sức sống thành hình, nhuộm sắc cho ngàn hoa ướm vàng mà thành cơ chỉ thì đông
là sự tàn phá. Phá đây là phá hoại cái nhu yếu bạc nhược đê hèn mà cũng là cái
công cụ mài giũa người đạt nhân quân tử.
Người đạt nhân tu sĩ nhờ thời
buổi này mà được dịp thử thách lòng mình. Cũng nhờ cơ hội này mà thâu hồi được
sinh lực vào trong để đủ sức mạnh, đủ khôn ngoan đặng ứng thời hòa theo xuân
khí mà đạt cơ vĩnh sanh của Tạo Hóa.
Hạ là nồng thiêu cháy, sức
nóng gay gắt làm cho vạn vật tiêu ma. Nhưng nếu không có lửa hạ nấu nung thì
lấy đâu làm phương tiện cho cơ thành đạt. Hạ là lò rèn, thét lửa để nướng kim.
Vật muốn nên phải chịu đựng lấy sức thét. Vì vậy mà cơ khảo thí trải qua những
giai đoạn đạo chuyển.
Phần đông cho thế là tai họa
khổ hình, trách đất giận trời, nói Thần Thánh không linh để cho lụy hại. Nào
ngờ đó là trường thi đấu sức, lò Tạo dồi mài, Phật Tiên nâng bước. Mà mỗi khi
cơ thử thách ra đời là lúc toàn đạo có phần tiến bộ. Mở cuộc khảo sát thí sinh
để coi lại bước đạo lòng tu, sức người chí nguyện, rồi nhắc lên các bậc phẩm
thừa để ân ban quyền pháp.
Việc hiểu thế có mấy người.
Người hiểu lại là người phần đông cho là chướng ngại. Vậy thì mong gì đạt chứng
công đức cao dày. Vì vậy mà Bản Thánh nhắc qua để rồi tiến lên những đoạn đường
trước mắt.
Đoạn đường tới đây không phải
như đoạn đường vừa qua, mà sự khảo thí lại còn tinh vi hơn trước. Nên kỳ nầy
Bản Thánh mừng là chư chức sắc được tiếp kỳ thánh ân nhập thất để tu dưỡng cái
xuân tâm bất hoại. Tu dưỡng như thế là pháp môn Khai Cơ Giáo Pháp để rồi được
xứng đáng với quyền pháp Thiên ân. Mà nhập tịnh để cho tâm được thanh, thanh là
bởi tịnh. Nhập là vào, tịnh là yên lặng. Vào nơi yên lặng để hợp Càn dương Tạo
Hóa. Mà Tạo Hóa hằng bền vững là nhờ chỗ yên lặng.
Chúng ta muốn được như Tạo
Hóa cũng phải đi vào nơi yên lặng. Có được yên lặng thì quyền pháp mới sáng tỏ,
thiên chức mới uy nghi, mới đúng câu vô vi nhi trị.
Nhập tịnh là thu hồi cái chơn
ngã vào trong, thì sức sống bên ngoài mới còn giữ vững. Nên lúc khảo thí là lúc
đông hàn buốt giá, hạ nhiệt tàn thiêu, ta phải thu hình trong khí huyệt. Hình
trong khí thì không bị nước lửa của ngũ hành chế trị. Khí là sức sống hằng còn của
vạn hữu, nên vạn hữu nương lấy khí mà sống. Ta được khí che chở, thì vạn hữu
đâu dám tàn hại đến ta.
Vậy Bản Thánh nói qua để chư
hiền lấy đó mà vạch nội quy cho khỏi phần thiên lệch. Nghĩa là bốn cơ quan ứng
đối bốn mùa, bốn pháp. Mỗi pháp chủ trị mỗi phương, mỗi phương phải điều hòa và
tùy thuận theo thời, không nên trái đạo. Vì vậy mà Mồ Kỷ Thổ vượng tứ quý, ứng
tứ thời, làm căn tâm cho hạo khí.
Cuối bài thánh giáo, Đức Tổng Lý dạy Hội Thánh phải hoàn thành phần chỉnh
đốn cơ chế, xây dựng nội quy cho đến ngày 15-6 Đinh Dậu (Thứ Sáu 12-7-1957) ban hành nghị định Khai Cơ Giáo Pháp.
Hội Thánh trình xin cầu phong giáo phẩm nhưng chưa được lệnh.
Ngày rằm thượng nguơn (Thứ Năm 14-02-1957) Hội Thánh lập đàn. Ngoài chức
sắc Hội Thánh còn có đông đảo chức sắc các tỉnh về hầu đàn.
Trước
tiên Đức Bảo Thọ giáng mừng xuân và nhắn nhủ nữ phái cố xây dựng hàng ngũ để
rập bước cùng nam phái:
Vậy Tiểu Nương thừa lệnh đến
đây bảo chị em mau cùng nhau xây dựng thân tâm
và xây dựng một cơ sở nữ phái để có nơi sớm chiều nương núp cơn sóng to gió lớn
bất kỳ. Không còn đợi ngày giờ nào nữa mà cũng không nài nạnh ai đâu. Phải tự
nhiệm lấy quyền pháp mà đứng lên hò hét khúc nhạc xuân thiên. Kẻ trước người
sau siết chặt đôi bàn tay, tâm tâm cùng đập mạnh một nhịp tiến lên cho kịp kỳ
Long Hoa đại hội.
Kế tiếp,
Đức Chơn Khai lâm đàn mừng chung Hội Thánh trong năm Khai Cơ Giáo Pháp được
tiến nhanh trên đường tận độ.
Đức Chơn Khai cho biết cơ đạo đến giai đoạn Lập Pháp, Giáo Pháp và Hành
Pháp rất quan yếu mầu nhiệm. Đức Chơn Khai được Ơn Trên cho nắm giữ một
phần trong cơ quan Phổ Tế để cùng liệu phương xây dựng.
Xuân năm
Khai Cơ Giáo Pháp, Đức Chí Tôn, chư Tổ, và chư Thánh đã ban cho mấy điều là vô danh,
vô vi, xuân tâm và đại hành. Đức Chơn Khai dạy:
Vô vi nhi trị cũng là điều quá sức. Nếu vô vi mà không dịch sử được quần linh thì
sao gọi là vô vi? Còn vô danh mà không dưỡng dục được vạn vật thì làm sao gọi
là vô danh?
Đức Chơn
Khai dạy tiếp:
Bởi được Đức Lão Tổ cho Hội Thánh
chúng ta một bí quyết lấy trong Thanh Tĩnh Kinh là Đại Đạo vô hình sanh
dục thiên địa, Đại Đạo vô tình vận hành nhật nguyệt, Đại Đạo vô danh
trưởng dưỡng vạn vật, ba cơ quan Hành Chánh, Phổ Tế, Phước Thiện phải thi hành
ba điểm đó để làm cho thành tựu xuân tâm.
Đó là đại ân Từ Phụ, nhưng
xét mình còn non kém, tâm đức không bao nhiêu mà oan trái nặng trì. Bước tới
một bước đã nghỉ lui ba bước. Nếu không phải nhờ ở sự che chở dưới lằn điển của
Thầy để tự ta chủ động thì còn đâu mà hôm nay danh lừng tiếng rạng.
Chúng ta đã được cái đặc ân
ấy thì nói là sợ, nhưng trong cái sợ lại chan chứa nỗi mừng. Nếu Thầy đã trao thì tất nhiên không sớm thì chầy, Hội Thánh chúng ta cũng
thành công trong sứ mạng. Vậy gắng lên! Tiến lên!
Chư hiền huynh cùng Tiểu Thánh
sẽ bắt đầu khai thác tìm hiểu bao nhiêu bí quyết đã có. Vậy
có dịp sẽ nói về bí quyết ấy rồi chúng ta cùng học, cùng làm. Anh chị em cùng
tôi nhận một trong ba câu là vô tình để vận hành pháp đạo.
Ôi, quý hóa thay! Làm tôn nghiêm được quyền pháp quý thay! Chư chức sắc Phổ Tế
gắn vào nơi người làm chiêu bài cứu thế.
Nối tiếp
Đức Chơn Khai, có Đức Trần Chơn Nhơn:
Chào mừng chư Thiên sắc, chư
đạo huynh, đạo hữu, chư nữ phái.
Trần tâm nhứt nguyện lập cơ quan
Nguyên trước vì chưa được lịnh ban
Hiệp sức bây giờ ta kiến tạo
Lý nào cũng được cảnh huy hoàng.
Chư Thiên ân, chư đạo tâm an
vị.
Cơ đạo đã chuyển đến Trung
Hưng Giáo Pháp thì nơi nầy Hội Thánh chúng ta lại được đón lấy hồng ân. Thật là
một sự mừng vô kể.
Hội Thánh chúng ta được ân
phước ấy là nhờ lòng chí thành chí kỉnh của toàn đạo Trung Việt có một nguyện
lực tu học làm thân Bồ Tát. Chư hướng đạo nhờ vô niệm mà thành công, nhờ vô tâm
mà đạt pháp. Lòng của ta không
riêng rẽ cố chấp, lúc nào cũng cầu nguyện cho bốn biển hòa bình, nhơn loại
hưởng phước đại đồng, vạn giáo chung về một phương tận độ.
Chúng ta không nghĩ phái nào
là sai, người nào là kém, mà tôn quyền trọng pháp, cung kính các bậc Thiên ân,
chiều sớm hướng về Tổ Đình duy nhất với lòng vô ngã bất chấp.
Chư hướng đạo quyết liệt một
mục đích, lèo lái con thuyền, chẳng sợ gió lớn sóng to. Xẻ nước rạch sông xông
tới để cứu người hụp bơi đang nhờ cứu vớt. Lòng ấy đã có, ta cố nuôi dưỡng đến
cùng.
Chứng minh: Một năm nỗ lực
xây dựng Đền Thánh từ bé chí lớn, kẻ của người công đem ra tô đắp. Xét qua một
năm công cán, không ai tưởng tượng được lòng thành của đạo hữu, nhịn mặc nhịn
ăn, bán sự nghiệp, vét của tiền, đem sức sống hữu hạn của người mà đổi lấy
quyền sống hằng còn. Thật xứng đáng!
Sau ngày lạc thành Đền Thánh
có một số bỏ đạo, một số tiến lên mạnh mẽ hơn trước. Số bỏ đạo là vì Hội Thánh
chưa đủ quyền pháp chế ngự lòng phàm tục của họ, cho nên bị kế quỷ vương lừa
gạt bằng lời nói khôn khéo, bằng việc làm dối trá, bằng món mồi danh lợi nhử
câu.
Hội Thánh thâm một món tiền
quá lớn. Số ấy đem chia cho nhơn sanh thì cũng quá mức tưởng tượng. Nhơn sanh
chưa giác ngộ bằng tâm linh quyền pháp, rồi lấy làm lo, lấy làm thối chí. Đó
cũng là cơ thử thách của mùa Khai Cơ Giáo Pháp, treo giá cao cho bao nhiêu
người tâm đạo để thi đua giựt giải.
Muốn ngắt một đóa hoa phải
khó nhọc. Muốn ăn một quả ngọt phải vẹt bụi xua gai. Nếu dễ dàng thì hoa kia,
quả kia kém phần giá trị. Thầy cũng thấy sự quá sức của chúng ta mà liệu phương
châm chước.
Hôm nay đầu năm Khai Cơ Giáo
Pháp, không quên cái công trình vĩ đại, cái sức đóng góp của toàn đạo, nhờ đó
làm cái đà tiến lên một bước tốt đẹp hơn nữa, nên Tiểu Thánh thừa ân điểm qua
công cán toàn đạo trong sáu tỉnh, các Ban Tỉnh Đạo, Ban Cai Quản thánh thất,
các Ban Trị Sự xã đạo và mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong nền đạo.
Ai làm được nhiều được ít, có
của có công, hoặc công không của, hoặc của không công, không của không công mà
đóng góp bằng sự chí thành, bằng niềm ưu tư cầu nguyện thì bảng hồng danh nơi
Thiên Đình chẳng sót một tên, mà phước huệ ban trao từ nay trở đi không một ai
không hưởng trọn.
Dù là người bỏ đạo, tuy không
hưởng bây giờ được chớ kẻ ấy đã sớm gây duyên cùng đạo thì sau cũng giác ngộ
hồi đầu. Kẻ ngoài đời có thiện chí, hoặc đoàn thể, hoặc cá nhân đã chung phần
xây đắp ngôi thánh thể của Đại Đạo thì kẻ ấy nơi ấy đã cùng ta gây duyên chờ
ngày tương ngộ.
Thế thì các người có tâm, các
đạo tâm có công có của, đừng tưởng Thầy và các Đấng thiêng liêng không biết, dù Hội Thánh hữu hình sơ sót. Mà sự sơ sót ấy cũng vì quyền pháp chưa trọn
và sự trách móc kia cũng vì quyền pháp chưa thông.
Có một điều, Thầy và các Đấng
thiêng liêng tùy nguyện mà ban ơn. Nếu ai còn muốn bày phô thì Thầy cũng cho
sáng tỏ. Nếu ai ưng im lặng thì Thầy lại bố mầu vi. Hồng phước thế gian hay
thanh phước Niết Bàn chỉ do một tâm niệm mà có.
Về tài chánh cũng còn phần
đông nghi ngờ hoặc trách móc giận hờn. Ôi! Việc gì đâu mà đạo hữu bận lòng làm
cho mất tâm thanh tịnh. Bận lòng nó sanh phiền não. Có phiền não mới chịu khổ
đau. Có phiền não mới bị vô minh. Có phiền não mới nhiều chướng ngại. Đã khổ
đau thì thần trí lu mờ. Đã vô minh thì tâm hồn rối loạn. Đã chướng ngại thì
tình cảm đoạn dứt. Vì vậy mà bước đạo khó khăn, ân lành khó tiếp. Kẻ lầm lỗi đã
đành chịu hành phạt đời đời.
Có nắm tiền, xử công đâu mà
một lòng lo nghĩ cho mất sự thanh tịnh quý hóa kia. Giả thử người nắm tiền có
thủ đoạn thì ta là người biết đạo, rõ cơ báo ứng nhơn quả cũng an tâm. Họ có
mượn, họ phải trả. Họ làm mất, họ bị bồi. Họ có gian thì trở nên dối. Hôm nay,
ngày mai và bao nhiêu năm nữa lưới trời lồng lộng thưa mà không lọt mảy lông. Chư
đạo hữu
vô tâm. (…)
Về phần Hội Thánh, cơ lập
pháp, hành pháp, chức sắc, chức việc
trong bốn cơ quan từ rày đến đầu tháng 6 phải quy định cho rồi. Công việc Hội
Thánh xây dựng phải thời gian phá kỷ lục mới kịp.
Về việc dự án tiến hành chưa
sát đúng với nhiệm vụ đầu năm là hoàn thành Chỉnh Cơ Lập Pháp. Việc làm còn
chống chỏi ý kiến là vì cái lối quen không ưng khó nhọc. Có khó mới khôn. Quyền
pháp chưa thông là vì chưa thấy được bịnh trọng của nhau. Nên quý vị cố gắng mà
học lại Pháp Chánh Truyền cho thấm nhiều thì thấy bốn cơ quan, mỗi phần hành nương theo mỗi thể thay luật
tam thể.
Nên nghiên cứu học tập đàn xuân.
Về cầu phong, chư hiền đi làm
việc ấy cho cẩn thận. Bộ máy hành chánh cần đào tạo một số nhơn viên thơ ký cho
thông hiểu đặng làm việc giấy tờ.
Còn các chức sắc là phải làm
việc bằng quyền pháp. Nhưng điểm đích năm nay Hội Thánh chúng ta phải làm đúng ba
chữ ĐẠO ĐẠI HÀNH là giao hảo với các chi phái nội bộ tôn giáo. Gây thiện cảm
cùng trong và ngoài nước, đồng thời truyền đạo ngoại bang, mở rộng phạm vi
Trung Tông Truyền Giáo Thánh Hội.
Muốn làm được các việc đó
không phải bằng lối thế gian mà phải hiểu quyền pháp mới làm được. Lối thế gian và lối quyền pháp khác như thế nào?
- Lối thế gian muốn làm gì,
nói gì với ai thì chạy ngay đến đó mà nói. Còn phần cao hơn là dò la tình sự
rồi đến đó mà làm hay để nói. Làm bằng lối đó kết quả một, thất bại mười.
- Chứ làm bằng lối quyền pháp
là lòng hằng cầu nguyện trong những giờ công phu, truyền giáo bằng tư tưởng,
giao hảo bằng tinh thần, kết liên bằng cảm giác, xây dựng bằng điển lực, cảm
hóa bằng tâm linh bất cứ một nơi nào mình định, người nào mình chú ý, việc nào
mình có sẵn nhiệt thành.
Làm như vậy liên tục cho thần
giao giữa nhau. Trong lúc họ chưa gặp mình, mình chưa đến nơi đó, hoặc không
quen biết, hoặc không nghe thấy bằng dấu tích, mà lúc đó họ đột nhiên nghĩ tới
bằng tưởng tượng, cảm mộ bằng giác quan. Hoặc lúc mình đến nơi họ coi như quen
biết và yêu mến cảm phục sẵn, không cần dụng tâm phí sức.
Vậy chư Thiên phong chức sắc
phải thi hành gieo bủa tinh thần đạo đức khắp gần xa bằng tiêu đề phân thời
định hạn và ra lệnh toàn đạo cũng để một giờ cầu nguyện cho các phái đạo về
một, các anh lớn hòa nhau.
Trước khi thăng, Đức Trần Nguyên Hiệp Lý cho biết đêm sau sẽ có Đức Huỳnh
Chơn Nhơn, Đức Cao Bảo Quân, và Đức Trần Tổng Lý lâm đàn.
Phăng lằn quang điển đến đàn
trung
Mừng thấy Thiên ân dưới cửu trùng
Đạo pháp tinh minh quyền pháp trọn
Nữ nam đồng đẳng lập kỳ công.
Tiểu đệ Nguyễn Tuệ Minh chào chư
Thiên phong đại đức, chư đạo huynh, đạo tỷ và toàn đạo được tứ phước vĩnh ân
tiếp kỳ phong quan lập pháp. Giờ nầy tệ đệ vâng lệnh Huỳnh Chơn Nhơn báo đàn. Vậy
chư đại đức, chư đạo tâm nghiêm tịnh đón mừng chư Thiên Đồ ngự hạ.
TIẾP ĐIỂN
Liễu nhứt phi thăng hội cửu cung
Tâm ba khai phóng hiệp Thiên Công
Chơn Thần điển huệ hằng soi tỏ
Nhơn nguyện tu trì pháp lục thông.
Thánh
giáo Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn rất dài. Ngài tỏ nỗi vui mừng cho bước đạo đã vững
vàng. Một năm nỗ lực xây dựng được Trung Hưng Bửu Tòa. Các Thiên ân và đạo tâm
đã chịu nhiều gian lao mất mát để có ngày hôm nay với sứ mạng được trao. Đức
Liễu Tâm Chơn Nhơn dạy:
Tiểu Thánh đứng vào đảm nhận
Cơ Quan Phước Thiện để cùng chư chức sắc, Thiên ân đồng tay rập bước, rảo hết
xa gần gieo rải giống lành cho bốn phương. Không luận thành thị hay thôn quê, chỗ
nào có đất thì trồng, có ruộng thì gieo. Bất cứ của ai, trồng ra cho người hái
lấy mà dùng, giữ nó mà tiêu, hằng bữa no lòng ấm cật.
Phước Thiện là một cơ quan
gây lòng nhơn tạo người thiện, thì việc làm là chí nguyện của người tu học, mà
muốn độ đời phải gieo duyên cùng thiên hạ. Thiên hạ muốn thành đạo cũng phải
kết duyên cùng Thượng Đế. Kết duyên đây là bố thí làm lành, cúng dường phước
đức, thì sự gieo nhơn tạo phước là keo sơn để gắn chặt người của ta cùng đạo.
Cơ Quan Phước Thiện là một
trong bốn cơ quan của Hội Thánh. Nó có sứ mạng làm cho người ấm no. Ấm no đây không phải như cái ấm no mà
người đời gọi là cơm áo. Cơm tuy no mà lòng phước chưa no, áo tuy ấm mà thân
phước đức chưa ấm. No ấm đây là cả tinh thần tươi tỉnh, xác thể an vui. Phần
hồn lâng lâng trong sáng, phần xác khương kiện thanh nhàn, quyền sống hằng còn.
Sống không lo không sợ, không
đề phòng, không buồn đau khổ trách. Sống nầy nó có
một diệu dụng là no ấm ấy bằng quyền pháp Thần Thánh vô sanh, luôn có hạt gạo
ăn vào để khỏe mạnh mà lại còn sáng suốt tinh tấn, tạo cho con người có nhiều
mối tốt đẹp bằng công bình hay bác ái, ngày được tiến cao.
Hạt gạo đây là hạt gạo phước
được tẩm đầy một tinh thần chan chứa sự yêu thương cầu nguyện đã nhuộm thắm ăn
sâu chất gạo. Người nào thọ lấy thì người ấy tự khắc trong tâm dù hung ác cũng
hồi tỉnh lần lần. Hột giống từ tinh thần của ta chuyển cho người được tiếp sinh
khí phước đức kia lần lần trưởng dưỡng to lớn.
Thế thì hạt gạo (sự sống) bên
ngoài ấy chuyển nhập vào vật đã bố thí, đã
phát tâm. Vật ấy đi đến người nào, chỗ nào, người thọ nhận vật ấy làm quen
trong tâm hồn người nhận nhờ trợ duyên của vật đó mà trưởng thành. Người thọ
nhận đó và người phát tâm đó lấy cái vật đó làm trung gian gây duyên kết cấu
nhau mà thành thân yêu. Vì vậy pháp môn phước thiện còn được ra đời để cứu
chúng sanh, cứu người bằng cách khuyên họ làm việc lành, tu lòng lành để hưởng
phước lành.
Làm lành không phải cho mượn
ra rồi lấy lại, gieo giống đó rồi gặt lên, như thế cũng còn hẹp chật. Gieo
giống lành là kết duyên cùng chúng sanh mười phương thế giới. Chúng sanh cùng
ta một linh sơn chung đúc. Ta cứu người bằng tâm phước thiện của ta đưa ra là
một pháp môn hóa độ mọi người giác tỉnh, mọi người hồi tâm, mọi người không còn
đau khổ.
Người được phát tâm hồi hướng
cùng Thượng Đế thì công đức độ người là công đức của ta, mà người tỉnh ngộ kia
là người bạn thân đồng thể, là bà con họ hàng ngày mai. Nhờ đó mà ta được lập họ
nơi Thiên Đình. Còn đạo của ta là những người ở thế gian có phần dính dáng về
phước thiện lập tâm đức.
Vì đồng tử yếu điển, Đức Liễu Tâm cho tạm nghỉ và cho
biết: “Lê Đạo Huynh Hiệp Lý cũng định về.”
Đêm sau,
vào Tý thời ngày 17-01 Đinh Dậu (Thứ Bảy 16-02-1957), người Anh Cả Hiệp Lý buổi
đầu của cơ đạo miền Trung giáng đàn, xưng danh:
Lê dân mong được phước hòa bình
Trí đức chung phần cứu vạn linh
Hiển đạt cùng nhau chung thánh huệ
Giáng thăng pháp đạo hiện chơn tình.
Tệ Thánh mừng chư Thiên ân
Hội Thánh. Chào chư liệt đẳng đạo tràng nam nữ một niềm xuân đầy phước đức.
Giờ nầy Tệ Thánh chí thành
cầu hồng ân Thượng Phụ đến đàn đây để thăm chư cố hữu cùng toàn đạo Trung Tông.
Tệ Thánh được đặc ân năm Khai
Cơ Giáo Pháp, lịnh trên Tam Giáo và Tam Trấn gia phong Nhị Đẳng Nhứt Thừa Giám
Đàn Thiên Quân về chi bộ Hiệp Thiên Đài. Vậy chư Thiên ân cùng tôi thành kính
đội ơn Đức Từ Phụ và mừng ngày nầy tôi được cùng quý Thiên ân chung cộng sứ
mạng hoằng dương chánh giáo. Mời chư vị an tọa. Chư đạo tâm an tọa.
Cơ đạo chuyển ra Trung, với
tài hèn đức mọn, Tệ Thánh chịu ơn một sứ mạng toàn đạo gắn cho để cùng lèo lái
con thuyền tận độ.
Đã dâng mình cho Giáo Hội,
thừa mạng ơn đức thiêng liêng, dù non kém đến đâu cũng cố
gắng cùng chư hiền hữu Thiên ân hướng đạo mà nương bước cùng đi, góp lời góp ý
để lo chống chèo thuyền đạo.
Nhưng cái thân phàm nhiều
trọng trược, tâm hạnh kém thua, oan trái buộc ràng, làm cho bước tiến khi dùn
khi thẳng, mối đạo có lúc hưng phế bềnh bồng. Chư hướng đạo cũng thấy nỗi lòng
chung mà bây giờ Tệ Thánh mới tỉnh ra, hối mình không kịp. Nhờ lúc sau nầy bỏ
xác, Ma Đảnh Tôn Sư xá linh quang, làm pháp thánh để cho hồn bản lai tách ra ngoài
nghiệp thức mà gia công tu luyện bấy chầy. Thật cũng gội nhiều ơn phước Chúa
Cha, hồng từ của Thánh Linh Ba Trấn mà nay được điểm đạo cùng một lúc với chư
Thiên ân trong mùa nhập tịnh.
Quý thay! Cái đặc ân nơi nầy
chư hiền và toàn đạo ưu tiên cho nhận. Vậy Tệ Thánh chẳng dám khiêm từ, mong
sao đạo hữu cùng dốc chí thành mà lập công hằng lo tu học. Thầy và Ba Trấn
không bỏ ta mà lại còn luôn luôn lân mẫn bên mình để giục thúc lòng thiện hạnh bồ
đề mau giác tỉnh, đẹp xứng với Thiên ân quyền pháp ngày mai.
Ngày mai là ngày an thiên cầu
nguyện Đại Hội. Vậy chư hiền cung kỉnh đón chào Tiếp Văn Pháp Quân.
Tệ Thánh một lần nữa xin chào
và bắt tay hứa hẹn.
Vì đồng tử yếu điển nên Đức Tiếp Văn Pháp Quân chỉ lâm
đàn chào mừng, trấn điển chuỗi châu và hẹn đến ngày 30-01 Đinh Dậu (Thứ Sáu
01-3-1957) sẽ dạy về Phước Thiện và Minh Tra.
Đêm 18 rạng
19-01 Đinh Dậu (Chủ Nhật 17 rạng Thứ Hai 18-02-1957),
Đức Tổng Lý lâm cơ ban ân, điểm danh các tỉnh và các thánh thất. Đàn nầy do song
đồng Huệ Linh và Huệ Thành thủ cơ, Ngô Thanh Toàn làm điển ký. Đức Tổng Lý dạy:
Hưng phục chơn truyền cứu vạn linh
Đạo tâm khai rộng giải oan tình
Tổng truyền chế luyện chơn hồn lạc
Lý sự tu công ngộ thiện minh.
Chào chư Thiên ân. Chào chư đạo
tràng đẳng đẳng.
Giờ nầy Bản Thánh đến đây để
ban hồng danh cho các tỉnh, các thất trong năm Khai Cơ Giáo Pháp.
Trung Tông đạo cơ quan sắp đặt
Tìm pháp môn lượm lặt kinh truyền
Hoàn thành công việc cần chuyên
Mở ra trí tuệ hống diên hiệp thành.
Tỉnh Quảng Nam khá rành nguyên lý
Thánh trong phàm ý chí cần cao
Một năm công quả dồi dào
Khai Cơ
Giáo Pháp gắng vào học tu.
Quảng Ngãi đạo còn lu chưa tỏ
Nhờ hồng từ đây đó hòa vui
Cơ quan lúc tiến lúc lùi
Giờ đây nhờ được yên vui gắng tầm.
Bình Định đã một năm tiến bước
Tình hình chung sau trước chưa hòa
Năm nay gắng học cho già
Ngày sau nhờ đó làm đà tiến tu.
Phú Yên tỉnh trăng thu mây án
Đạo đồ nên ráng ráng tu thân
Thượng Hoàng nhỏ giọt hồng ân
Giải tan nghiệp thức trược trần tiêu ma.
Khánh Hòa đã ngã sa chưa tỉnh
Việc thực hành nhờ lịnh trên cho
Lão Sư tiếp điển đưa đò
Đò Tiên tới bến mau lo bộ hành.
Thừa Thiên là tỉnh thành đô hội
Khí trược dơ lầm lỗi dẫy đầy
Tín đồ tiến mạnh từ đây
Bôn ba lãnh lấy của Thầy hồng ân.
Trung Thành thất tinh thần không mạnh
Giữa nội tình nóng lạnh chưa êm
Chí thành xây dựng cần thêm
Chí Tôn bố phước ngày đêm hết lòng.
Hội An thất phải xong công đức
Giúp đỡ người thực lực cần tu
Chung nhau lắm chí vạn thù
Để lòng cầu nguyện xuân thu hưởng nhàn.
Từ Quang thất sẵn sàng thánh huệ
Xây dựng phần tâm thể cho cao
Bắn cung lốm đốm những hào
Thầy ban ân tứ tín đồ ráng tu.
Thanh Quang thất mù mù mây khói
Chiếu điển hồng sáng rọi không trung
Yên vui lo đạo vô cùng
Hồng ân Thầy sẽ rưới
chung một bầu.
Nơi Nam Trung gắng thâu ma cảnh
Diệt trần tình xa lánh mùi dơ
Ban cho hồng huệ bây giờ
Nay lo hơn
trước qua bờ thiêng liêng.
Quảng Hòa thất chưa yên đây đó
Chung tín đồ so đọ đường tu
Non phần cúng nước
công phu
Gắng lên sẽ được dương phù thối âm.
Linh Bửu thất nhiều năm công quả
Nhưng đạo đồ sa ngã còn hung
Dựng xây cấp bậc cửu trùng
Giúp cho có đạo tương phùng Tiên bang.
Nơi liên thất Bình Quang tiến triển
Kể từ đây phương tiện tu hành
Gắng lên góp sức chí thành
Học tu giáo lý rạng danh Cao Đài.
Liên Hòa thất an bài thánh thể
Mỗi việc làm triệt để ra công
Chí tâm vượt
khúc bình
bồng
Chung nhau cầu nguyện điển hồng ban cho.
Thôi, vì hôm nay bộ phận phò
loan mới bắt đầu làm việc nên chưa được thuần thục.
Vậy chư Thiên ân đón ta ngày mai. Chào chư đệ.
Đàn cơ đêm sau cũng do song đồng Huệ Linh và Huệ Thành phò loan. Đức Tổng Lý
Thượng Chánh Phối Sư lâm đàn, tiếp tục phần điểm danh:
Thượng tầng linh điển bố tây đông
Chánh lý từ đây được cấy trồng
Phối hiệp ba nhà an thánh thể
Sư đồ mở
cửa rước nhơn ông.
Chào chư Thiên ân, chư chức
sắc nam nữ. Chư đệ an tọa.
TIẾP BÀI TRƯỚC
Nam Trung Hòa gắng lo xây đắp
Sẽ được Thầy cho gặp huyền linh
Chung tay giữ đạo vô hình
Tín đồ cung kỉnh điển linh được nhờ.
Nơi Trung An cõi bờ Trung Việt
Nên học tu hiểu biết hơn người
Để lo giúp đạo cứu đời
Để lo xây dựng con người thiện lương.
Khánh Vân thất tìm phương tiến bước
Việc đạo cần sau trước trông xem
Gắng tu qua khỏi màn đêm
Gìn tâm cảnh mới lòng thêm thiện từ.
Từ Vân thất bây chừ đã khá
Cần gắng lên phép lạ được nhìn
Sớm chiều thành kỉnh cầu xin
Hồng ân ban bố đức tin đủ đầy.
Thất Trung Nguyên đó đây nhịp bước
Nguyện tu cầu đã được Thiên ân
Nhắm chung toàn đạo xa gần
Chí thành chí đức được gần Thiêng Liêng.
Hưng Đông thất mỵ quyền chế ngự
Chư tín đồ được thử lòng tu
Gắng công hiệp chí vạn thù
Lo cho cơ đạo
muôn thu thanh bình.
Thất Thái Hòa nội tình chưa vững
Nên nguyện cầu Thầy chứng lòng cho
Chí công tu học lần mò
Hồng từ huệ phước được cho trọn đầy.
Sông Vệ còn đó đây lủng củng
Đạo nhiệm mầu áp dụng nhằm cơ
Tiến lên đến hết bến bờ
Thầy ban ân tứ gội nhờ mà tu.
Thất Trung Hòa công phu chưa mấy
Cố học hành sẽ thấy thông minh
Đạo tu sửa chữa thân hình
Gia công tìm kiếm thánh kinh học đòi.
Thất Châu Long sáng soi bước đạo
Giữa đạo đồ chưa thạo đường đi
Gìn lòng cửa Phật từ bi
Chí thành lập đức tu trì nguơn ba.
Ngọc Linh Đài cần gia công đức
Đạo vận hành tiền nhựt suốt thông
Gắng tu chiến đấu ma lòng
Lên đàng tận độ ngoài trong Đạo Trời.
Thất Kim Quang rạng ngời danh hiệu
Chư
hiền lo tìm hiểu lẽ Trời
Gắng công phổ độ cứu người
Chầy năm cúng nước tứ thời suốt thông.
Thất Thiện Hòa ngưỡng trông từ huệ
Nhìn đạo đồ hồng thệ chưa y
Gắng tu tâm hạnh từ bi
Hồng ân sẽ được thi kỳ tam nguơn.
Tịnh Thành thất nhờ ơn che chở
Phải làm tròn tay thợ cho ta
Chí thành gọt đẽo yêu ma
Để tâm trong sáng Chúa Cha ngự về.
Thất Tịnh An ai bi lắm nỗi
Vì tiền trình tội lỗi còn mang
Nên chi oan trái buộc ràng
Trả xong nợ trước
là đàng tu nhơn.
Tịnh Quang thất giận hờn còn lắm
Nên chí thành gội tắm hồng ân
Thuốc tiên bồi dưỡng
tinh thần
Tín đồ theo học theo chân Phụ Hoàng.
Thất Tịnh Sơn hoang mang chưa tỉnh
Các hiền lo chấn chỉnh kịp thời
Tu thân cùng với độ đời
Làm tròn phận sự của người vào tu.
Minh Đức gắng công phu công quả
Lòng cốt cho phép lạ nương quyền
Nguyện cầu các bậc Thần Tiên
Ban ơn tu học chỉ truyền pháp môn.
Minh Trung thất đáp đền công tác
Chư tín đồ thoái thác đường tu
Gắng lên giữ dạ tu trì
Hồng ân Thầy tặng uy nghi thánh hình.
Thất Minh An công trình còn yếu
Việc đạo còn thiếu sót đôi nơi
Để gây công quả giúp người tiến tu.
[Thanh bạch… và Đức Tổng Lý
dạy: “Điều đó để Hội Thánh xét, còn nay theo cựu danh.”]
Thuận Thành thất gắng tu công quả
Sẽ được nhiều phép lạ ban cho
Chư nhu học hỏi lần dò
Hoằng dương chơn lý ban cho nơi nầy.
Chư Thiên ân bắt đầu từ đây
cố gắng chăm chỉ, góp hết khả năng mà lo công việc. Thôi, chư hiền nên xếp đặt thứ tự mà làm. Bản Thánh chào.
Hội
Thánh theo lời dạy của Đức Cao Tiếp Văn tạm nghỉ lập đàn mười ngày. Ngày 30-01
Đinh Dậu (Thứ Sáu 01-3-1957), đàn cơ lập tại Trung Hưng Bửu Tòa. Đức Cao Tiếp
Văn Pháp Quân dạy:
Cao thượng nhờ tu lập vị mình
Bảo tồn quyền pháp được tinh minh
Văn ngôn giáo hóa khai chơn đạo
Quân tử làm cho rạng thánh hình.
Chào chư Thiên ân, chư chức
vụ cùng toàn thể đạo tâm nam nữ. Nghiêm đàn. Xin mời an tọa.
Giờ nầy Tiểu Thánh đến cùng
chư quý hiền huynh để bàn nghị một chương trình xúc tiến Minh Tra.
Trước Tiểu Thánh để lời cùng chư Thiên ân và toàn thể chư chức vụ cùng tất cả quý đạo tâm trong Giáo Hội Trung Hưng phải trở về cùng nhiệm vụ. Năm Khai Cơ Giáo Pháp là một năm
hồng ân ta cùng thi nhau với thời gian kỷ lục để hoàn thành sứ mạng. Chúng ta
có trọng trách lớn lao, nên Tiểu Thánh nêu năm chữ là phải trở về cùng nhiệm vụ.
Nhiệm vụ của mọi người ai
cũng có hai phần: một phần tu kỷ, một phần độ tha. Hai phần mà một, một phần mà
hai, như gia đình thì người con phải tu thân, tề gia. Quốc gia thì người
dân phải cứu nước, dựng nước. Về tôn giáo người tín đồ phải giữ
đạo, truyền đạo.
Người đạo là người phải thế
nào? Là làm tròn cái bổn phận của người tín đồ đối với Thầy, với bạn.
Với bạn, ta phải tín, thân, hòa, ái, làm cho giữa nhau
có mối tương quan. Bạn nhờ ta mà nên, ta nhờ bạn mà thành, nương nhau mà tiến,
mà tu, mà học, mà sửa chữa tánh tình.
Với Thầy, ta trọn tin trọn kính, đem thân trong sạch nhờ cậy nơi quyền năng Thầy mà thắng tất cả pháp giới ma lực, nhờ đức tin
làm cho giữa ta và các Đấng thiêng liêng gắn chặt. Hằng giao cảm, nên thân tâm được gội rửa điển lành, ngày một
trở nên thanh tịnh.
Thầy và bạn là hai yếu tố
quan trọng tương liên. Giữa hai phần đó còn một phần thứ yếu là pháp luật để
nối liền cho đôi bên suốt thông, không rối loạn. Pháp là đường lối dẫn dắt,
phương pháp hợp thành đôi bên, người tu phải quy y Tam Bảo là thế.
Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng.
Phật là thầy, Tăng là bạn, Pháp là tổ chức để đưa rước chúng sanh huờn nguyên
bản bổn, cũng là Hội Thánh. Có quy y Tam Bảo bên ngoài cùng với Thầy, với Hội
Thánh, với nhơn sanh thì thân nầy mới bảo đảm, mới chế ngự được phàm phu tình
thức, mới giữ vững giá phẩm con người, mới mong đạt cơ tận thức.
Bên ngoài được rồi thì đồng
thời bên trong của tâm ta cũng được Tam Bửu là Tinh, Khí, Thần mãn túc. Tinh mãn không dâm dục. Khí mãn không đói rét. Thần
mãn không mê nhọc, tự khắc huân kết kim đơn. Nên về phương luyện đạo nhiều
người tu, ít người đạt đạo, là vì bên ngoài chưa tròn xứng với nhiệm vụ, không
quy y Tam Bảo của luật pháp ấn định, rồi cầu kỳ nơi thâm viễn mà xa con đường Trung
Đạo nên lạc vào bàng môn ngoại giáo.
Tiểu Thánh khuyên cùng toàn
đạo, muốn tu cho đắc đạo thì phải thương Thầy mến bạn, lấy pháp luật làm phương
hướng giữ đạo sửa mình, để cho khế đồng tương ngộ, hợp với người thuận với
Trời. Bằng bỏ pháp luật đi thì thân bị hèn nhục, tâm bị hôn mê, linh căn đọa
lạc. Với người, họ chán ghét ruồng bỏ; với Trời thì bị từ khước quở phạt. Vì
pháp luật là quy tắc để làm Người, làm Tiên, làm Phật, thì phải giữ lấy pháp
luật làm căn bản.
Đã nói pháp luật là quy tắc
làm công cụ chế tạo phàm phu nên thánh đức, tội ác hóa phước duyên, mê ngu ra
xán lạn, thì sao lại lìa bỏ nó được. Ví như muốn có cơm thì phải nấu; nấu cần
phải có củi lửa, nước, gạo, và nồi. Thét lửa cho sôi, sôi rồi bớt lửa. Nếu còn
đun đốt thì hư cháy, mà nôn nả thì sống sít, nên quy tắc phải có chừng độ. Nói
tóm lại là muốn cho thành công phải y hành luật pháp quy tắc.
Phần giữ đạo đã được căn bản
thì hàng ngũ mới vững chắc, cơ sở mới bền lâu, phương danh được rạng rỡ, thế đạo
được to lớn mạnh mẽ, nội bộ uy nghi, tình thương chan chứa, sức sống phân đều.
Kẻ nầy có bổn phận với người nọ, người nọ có bổn phận với người kia.
Vì thương nhau mà lo cho nhau
về phần xác cũng như phần hồn, không nỡ lòng để nhau sa lạc. Nên một điều lầm
lỗi bằng lời nói, bằng việc làm, bằng dung dáng, đã trông vào thấy có phần tai
hại thì cùng nhau xúm lo sửa chữa, bảo nhau nên thôi, khuyên nhau nên bỏ, chỉ
nhau nên tránh, nói nhau nên chừa, cản nhau nên thối bước.
Vì thương nhau mà không ngần
ngại, thương nhau mới xây dựng giúp đỡ cho nhau. Lòng thương nó phát ra bằng cử
chỉ, bằng lời nói, là các pháp môn cứu người. Người tiếp thâu vào lòng thấy có
phần hối cải mà cảm ngộ được lẽ đạo. Nên người có lỗi họ rất vui sướng bằng
lòng. Vui và mau nhận lỗi là vì cái tình thương chân thật của bên kia nó bắn xạ
vào tâm linh một lằn điển quang mát mẻ, vẹt cả u ám mê lầm.
Nếu kẻ kia không phải vì lòng
thương yêu mà nói, mà cản ngăn thì thái độ ấy đối với người phạm lỗi không thành hiệu lực, mà còn gây lòng phản trái là khác. Vì vậy pháp môn
cứu người độ đời cần phải thật tâm không môi miếng. Lòng thương kia nó chan
chứa mà hòa lẫn trong khối đạo tâm. Nó là một bờ tường kiên cố để ngăn ngừa sự
vô minh tội lỗi. Bởi vậy người cha sở dĩ thương con không muốn cho con hư, nên
lúc nhỏ hay coi chừng, lúc lớn hay nhắc nhở là cố xây dựng cho nên người, đẹp danh tốt phận. Vì lẽ chung và tinh thần tiến bộ thì tự nhau
xây dựng cho nhau, có cần gì người cầm pháp luật răn he sửa trị.
Vì trình độ của đạo hữu còn
kém, nên phần đông thấy lỗi của bạn lại che giấu đi, gọi là ơn và thương mà
khỏa lấp, không ngờ đó là giết bạn bằng cách âm thầm.([6])
Cũng có người thấy lỗi của bạn lại cao rao bàn tán xầm
xì, làm cho người có lỗi càng lỗi thêm. Người thấy lỗi đã không sửa được lỗi mà
làm cho lỗi càng to, và gieo rải lỗi ấy cho chung quanh mọi người cùng bị lỗi
thành ra cả đám.
Ôi! Người đó đã gây biết bao
ác hại cho đạo, ví như lửa một nhóm không tưới tắt, rồi lại nhen nhúm cho to,
đem mồi đốt cùng các chỗ, cho cháy to lan rộng. Vì vậy Tiểu Thánh khuyên người
giữ đạo nên dè dặt, tiểu tâm,([7]) không tạo được lành
thì đừng gây ác. Phần giữ đạo mà hàng ngũ giác ngộ được pháp luật thì phần
truyền đạo rất dễ dàng, cũng như cái thùng lành, cái gàu có nhỏ, múc lên cũng
chứa được, nên phần nội bộ rất quan trọng.
Mỗi cá nhân biết quý trọng
lấy phần tâm, thấy được giá trị cái thiên chức của mình, thì cố gắng dồi luyện
tính tình, chế kềm ý dục, làm tròn bổn phận thiêng liêng, để được xứng danh một
tín đồ của bảng hồng danh nơi Thiên vị. Cái danh vị tín đồ của Chí Tôn không dễ
ai xưng cũng được. Người có thiện duyên phúc đức mới gặp Tam Kỳ đại xá, làm một
đệ tử của Thầy thì làm sao cho xứng đáng. Đã biết cái giá trị kia muôn năm khó
gặp, thì lo khép mình vào trong khuôn phép đạo đức, để được chóng thành một môn
đệ xứng đáng, hầu thọ lấy quyền pháp tối linh để nâng cao phẩm vị con người.
Người được ân phước như thế mới hầu ra giúp đời, cứu người mà bòn chắt công
hạnh, xây nên lầu đài nơi cõi Tiên Bồng.
Cái nhiệm vụ làm người môn đệ
ta nên cố gắng để được tròn xứng với cái bổn phận. Hằng ngày tu tiến thân tâm,
làm cho sáng danh của mình của Đạo, để rồi cứu người cứu mình, cứu cả đời đã
mang tội ác, tạo nên một cảnh hòa bình hạnh phúc cho ngày mai. Sứ mạng đặt trên
lời nói, ý nghĩ, việc làm; mọi cử động đều làm khuôn phép mẫu mực cho con, cho
nhà, cho người, cho nước. Được thế mới hầu cứu độ chúng sanh trong trầm luân
khổ hải.
Luật pháp không đòi hỏi quá
mức con người, chỉ buộc mỗi cá nhân phải làm đúng với cái tên đã có. Cái tên ấy
là người tín đồ của Đại Đạo. Tín đồ
của Đại Đạo không phải chỉ như một hội viên của một đoàn thể nào có tánh cách
xã hội, nó còn thiêng liêng hơn gấp mấy trăm lần. Vì một hội viên phải phục
tùng tôn chỉ của hội là tuân hành điều lệ kỷ luật đã ấn định, để làm cho hội
được lớn mạnh, phát triển dễ dàng. Hội
ấy là một tổ chức từ thiện nhứt thời, chan rải tình nhơn loại giữa nhau. Hội
viên hội ấy làm sao sánh kịp được cái tên tín đồ của Đại Đạo.
Tín đồ là người đã được cứu,
được nâng mình lên trên tất cả cái gì mà người ta gọi là phàm phu hèn thấp, đã
được khước bộ Âm Ty, được vào trong hàng thánh đức, được Thầy và các Đấng thiêng
liêng hằng trông coi dìu dắt, thoát nơi đen tối vô minh. Người tín đồ có giá
trị nơi phần thiêng liêng để độ phần hồn siêu xuất khổ hải, cứu phần xác danh
phận cao tôn.
Ôi! Từ lâu người tín đồ ngỡ
là vào cửa Đạo để cho vui, chưa thấy cái giá trị tôn quý trong hàng thánh đức,
nên vào thì vào, tu cũng tu, chớ nào thấy cái trọng trách phải làm sao cho xứng
đáng và được đẹp lòng Thầy điều độ.
Từ lâu quẩn quanh đua tranh
với mồi danh bả lợi, giành xé nhau tấm mặc miếng ăn, mua sự thỏa thích cho ý
tình mà quên thấy xấu hổ ti tiện và tự hạ giá trị con người xuống cùng hàng thú
vật. Nên năm nay là năm Chỉnh Pháp Giáo Pháp, cần được chỉnh đốn mọi mặt trong
nội bộ, nhất là tín đồ, để cho xứng đáng một người tu, khỏi mang tiếng cái tên học
trò Tiên mang lốt Đạo. Vì thế mà lời kêu gọi của năm Khai Cơ Giáo Pháp, khảo
xét tất cả từ nhơn sanh chí Hội Thánh. Kẻ thiên chức, người tín đồ phải mau mau
trở về với nhiệm vụ.
Trở về là nghĩa làm sao? Phải
chăng từ lâu ta đã đi xa luật pháp, tách biệt cùng Thầy, nên hầu như rời tách
con đường tạo Tiên tác Phật. Nên trở về là ý nói quy y cùng Thượng Đế, cùng tổ chức, cùng đoàn thể của mình.
Về với Thầy, ta phải làm
những gì cho xứng đáng với nhiệm vụ. Về với tổ chức, với chúng
bạn thì làm sao? Nên nhiệm vụ của tín đồ là giữ tròn Tam Quy Ngũ Giới, làm đúng
hai mươi bốn điều Thế Luật để sửa mình, để độ người. Cùng nhau siết tay xây
dựng nền móng Đạo, hàng ngũ sống còn kết thành bức tranh tốt đẹp kỳ xảo. Chư chức
sắc, chư chức việc ai ở cấp bậc nào trong hàng phẩm nào, đều làm tròn phận sự
là trở về với nhiệm vụ.
Trở về như thế là quy y Phật vị, nương lấy oai thần điển huệ
Chí Tôn mà tạo thành con người Bồ Tát, là người giữ đúng
pháp luật, nhờ pháp luật mà tạo cải thân tâm, chế phàm phu, ngăn tình thức, xây
dựng con người Thần Thánh, vứt bỏ được oan trái phiền não nghiệp chướng, ác tâm. Lòng vui tươi, thân khỏe mạnh, thần trí sáng suốt, giá phẩm tăng cao,
đức hạnh uy nghi, cảm hóa được người bỏ dữ theo lành, cải tà quy chánh, ma quỷ
khâm phục tôn ca. Ấy là quy y Pháp.
Nhờ tùng Pháp mà đi đến Đạo,
đạt Đạo để cứu chúng sanh, mà cứu được người là đại Thiên hành hóa.([8]) Cứu người không phải
học cho nhiều, nói cho suốt, biện bác cho tài tình. Cứu người ở trên thực chất
bằng hành động, lời nói việc làm đã chứng tỏ mỗi ngày. Mà chính yếu là phần
công phu thực hành tu dưỡng nơi thân tâm, hiện ra dung dáng bằng đức hạnh, làm
cho điển lực nơi người rung động từng cơn như làn sóng, rất có hiệu lực. Nói ra
ai cũng ưa nghe, khiến được xa gần tất cả ai cũng được thế, thì bao nhiêu hiệu
lực kia cộng hợp lại thành khối. Khối ấy mỗi một lúc phát ra thì có khác chi
xuân khí đầu năm. Không nói cứu sống, nuôi mạnh, trợ lực cho vạn vật, mà vạn
vật được tiếp lấy khí xuân dương phát tải hồi sanh vượng. Ôi! Ai biết quyền pháp
đó chăng? Vô danh, phi thường danh mới thành đại nguyện, nên vô vi để dịch sử
quần linh là phương tu lập pháp.
Lập pháp là lập cái thân. Lập
cái thân là lập thành thánh thể cho Đại Đạo. Lúc trì châu khởi chú, cúng sám quỳ
hương, vận khí điều thần là làm cho thân được lập, tâm được thanh, quyền pháp
được tụ hội. Thần khí quy về pháp giới tịnh yên, nhứt khắc trụ thần vào đâu là
sử dịch được đó. Vô vi không phải không làm để chơi rông, tiêu cực với nhiệm
vụ, mà trái lại để tăng trưởng sức lực hoạt động bên trong, bình tĩnh mà tiếp
phăng nguồn gốc mối manh của vạn hữu mà định phương tịnh độ.
Vì pháp luật cần yếu cho
người, người nương pháp luật mà lên ngôi thượng phẩm. Pháp luật cứu được mình,
cứu cả chúng sanh; nó là cái quy củ nhất định không ai bỏ ra mà nên việc được.
Vì vậy về phần giữ Đạo là giữ pháp luật để cho còn Đạo. Còn Đạo là còn thân tâm
Bồ Tát của ta. Còn ta còn Đạo thì còn mong ngày tận độ chúng sanh.
Chúng sanh quay về với pháp
luật thì chúng sanh và ta là một. Một ấy là Đạo, nên lấy con số một làm đề mục
cho việc giữ Đạo hành pháp. Lấy con số hai làm bộ máy chế hóa cho tâm tức điều
hòa, đạo đời không trái. Chỉ có hai mới làm được việc giữ đạo, truyền đạo. Sao
vậy? Vì hai là phần khí của Tạo Hóa để trưởng thành vạn hữu, để phân định sáng
tối, để phân thanh giáng trược, để ghép liền mảnh nọ thân kia cho đôi phần dính
dáng. Hai là pháp, pháp để làm cho thành sự, còn luật để cho sự sự tương liên.
Pháp luật là cơ mầu nhiệm cứu
người vô kể. Phật đã thành, Phật sắp thành và chúng sanh sẽ được thành Phật đều
nương pháp luật. Phật đã qua, Phật sắp tới đều dính liền, khác chi tràng hạt
trên tay lúc đương lần niệm. Cứ lăn quay hết vòng này sang vòng khác, đều yên
vững nương lấy sợi dây đạo pháp mà tiến về với câu thần chú. Câu thần chú là
tiếng gọi bao hạt từ bi. Còn gọi còn thấy chúng sanh quay mình trong pháp Đạo
tiến về một phương để chầu Thượng Đế. Không ai không nhờ quyền (Thầy) pháp (Hội
Thánh) mà được cứu. Vì vậy kẻ có trách nhiệm nên thận trọng mà lo tròn sứ mạng
nơi mình, ráng tu để cầu đạt Đạo.
Bây giờ nói qua về phần
truyền đạo. Phần nầy không phải riêng cho giáo sĩ truyền giáo, mà cũng không
riêng chư Thiên phong chức sắc của Hội Thánh, mà là phần việc chung của mỗi tín
đồ.
Nếu nội bộ có đủ tư cách
quyền pháp tinh minh, chẳng những độ chúng sanh trong cõi ta bà mà còn độ cả thiên
la chúng thần trên thượng giới.
Điều quan trọng hơn hết là
phần giữ đạo, ví như ngọn đèn muốn soi sáng khắp một gian nhà thì sự sáng nó
bắt từ trong cái tim ở miệng bình mà ra, chứ phải sự sáng ở ngoài mà đến đâu.
Cũng như khai mương, đào lạch để đem nước cho đến phương xa chảy về nguồn cả.
Vì vậy phần giữ đạo là chính, phần truyền đạo là phụ. Nói phụ không phải để đặt
nhẹ vấn đề nầy, mà để ta phải tu chỉnh nội bộ trước nhất cho hoàn thành vững
chắc, rồi đi truyền đạo mọi nơi.
Nếu giữ đạo mà không truyền đạo
thì không thành đạo. Người truyền đạo là người hiện thân của pháp luật. Có cái
thân pháp luật mới có lời nói pháp luật, việc làm pháp luật, đi dạy người học
tu pháp luật. Nên truyền đạo là truyền bá pháp luật để được cứu. Pháp luật là
cái cầu bắc ngang cho người và Trời làm một, làm cho khách ta bà nơi phàm tục
qua bờ giác bên kia.
Truyền đạo là gieo giống lành
vào lòng chúng sanh, và gieo sự sáng vào cõi tăm tối. Giống lành sự sáng chính
là Thượng Đế hay là đạo đức. Có giống lành sự sáng nơi mình mới có mà gieo, chớ
không lẽ hai tay không vãi vào thiên hạ bằng thứ chi để cứu.
Giống lành sự sáng ta có sẵn
là nhờ ta tiếp liên với Thượng Đế, do nhiều công phu tu tập lâu ngày. Cái thân
làm chỗ chứa giống lành sự sáng, chớ không phải tự nhiên không mệt nhọc mà có.
Có là nhờ thân ta đã dọn sạch giống dữ, sự tối ra khỏi, để cho giống lành sự
sáng được tụ. Không thể có hai đối tượng ở chung nhau làm thân được. Hễ chứa
lành thì dữ phải đi, có sáng thì tối kia phải hết.
Người truyền đạo phải tu tập
quyền pháp mà cứu đời. Người truyền đạo gần nhơn sanh hơn hết là Chánh Phó Trị Sự,
Thông Sự, một thành trì giữ đạo mà cũng là cờ đạo cắm khắp nơi. Vậy khuyên nhắc
cơ sở xã đạo ráng lo tu học. Tiểu Thánh tạm ngừng về đoạn truyền đạo, sau sẽ
nói thêm.
Bây giờ nói về bộ phận Minh
Tra, một bộ phận cần cấp phải sớm xây dựng và tổ chức khắp nơi. Các cơ sở thánh
thất, xã đạo có Minh Tra rồi thì công việc làm của Phổ Tế, Hành Chánh, Phước
Thiện mới khế đồng đạo pháp.
Bộ phận Hành Chánh không có
Minh Tra thì không làm vừa lòng được đạo hữu. Đạo hữu không nhờ Minh Tra thì
lòng tu lúc nào cũng thấy chướng ngại. Minh Tra đem chỗ mạnh giúp chỗ yếu, chan
bằng đạo pháp công bình. Nên bước tu không có Minh Tra thì lòng tu hay nghi
hoặc bối rối.
Các cơ quan không có Minh Tra
thì việc làm riêng rẽ bất đồng, và cũng không thấy việc để làm và làm chi là cần yếu. Nên Minh Tra được tổ chức, Giáo Hội mới được sáng
tỏ, giáo lý mới lan xa, pháp quyền mới sâu rộng.
Vậy việc làm nhờ Hội Thánh lưỡng
đài cộng sức, xây dựng bộ phận nầy, sau sẽ có nội quy và Tiểu Thánh sẽ nói cách
thức làm việc.
Tạm thời giao cho Liên Hoa
vạch định nghiên cứu luật pháp và áp dụng tổ chức theo nguyên tắc Tam Chế. Mỗi thánh
thất đặt một phái viên, và một hay nhiều người cộng sự. Tỉnh có một Luật Sự và ba
nhơn viên giúp việc. Ở Trung Hưng Bửu Tòa quyền ba chi phân lập. Theo quy chế Tam Thể. Lúc nghị hợp đồng thông báo trù quyết mọi việc. Dưới có một
ban Minh Tra gồm ba Truyền Trạng, ba Sĩ Tải và nhiều nhơn viên.
Ba Truyền Trạng: một làm trưởng
phòng, một làm tình hình, một làm kiểm soát. Tạm thời sáu tháng sau sẽ có tổ
chức theo chế độ Hiệp Thiên Đài. Ngay bây giờ Liên Hoa cần gắng nhận, sau không
làm sẽ dạy. Bây giờ nói sơ, coi đó mà vạch định. Nếu cần hiểu bí yếu vào tịnh bảy
hôm.
Bây giờ Tiểu Thánh xin nhượng
cơ cho Huỳnh Chơn Nhơn nói về Phước Thiện. Tiểu Thánh chào.
Phần tiếp theo, Đức Huỳnh Liễu Ngộ Chơn không dạy về
Phước Thiện mà dạy về Hành Chánh, Minh Tra, bốn pháp Tẩy Tịnh, Khai Đàn, Trấn
Thần, An Vị theo phương thức hành chánh, làm việc văn phòng.
Ngày 07-02
Đinh Dậu (Thứ Năm 07-3-1957) Đức Trần Nguyên Hiệp Lý lâm đàn nhắc nhở các vị
Thiên ân Hội Thánh cần nâng mình lên cao hơn trước cái thiên chức đương quyền
rất lớn lao. Đức Trần Nguyên Hiệp Lý dạy:
Hôm nay Giáo Hội chúng ta
chưa duy nhất, quyền hành chúng ta chưa đồng thể, các giáo pháp trong nội bộ
còn loanh quanh ngoài vòng quyền pháp. Chưa biết ngày đến đây gặp một trở lực
to lớn hay một hoàn cảnh biến cố đổi chiều, thì mới làm sao. Mà ta đây lại là
kẻ đóng vai trò trung hưng chịu lấy sứ
mạng hành pháp.
PHẠM VĂN
LIÊM