Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

4. Hồng Ân Tận Độ (Phạm Văn Liêm)


Hà Nội: Nhà xuất bản TÔN GIÁO, 2016

BỐN
Đợt tịnh bảy mươi hai ngày bắt đầu từ 27-7 Bính Thân (Thứ Bảy 01-9-1956) đến 10-10 Bính Thân (Thứ Hai 12-11-1956) thì xuất tịnh.
Để kịp thời có con người đủ pháp đủ quyền, đủ thiên oai tâm hạnh cho cơ chế giáo quyền của Hội Thánh, Ơn Trên cho mở tiếp đợt tịnh năm mươi bốn ngày, bắt đầu từ 24-10 Bính Thân (Thứ Hai 26-11-1956). Đợt tịnh nầy, Đức Ngô Đại Tiên đặt tên là khóa Tứ Tượng, chia thành ba tầng, mỗi tầng có chương trình riêng, dành cho chức sắc Hội Thánh.
Nhiều vị Lễ Sanh muốn xin nhập đợt tịnh nầy, nhưng Đức Ngô xét chưa đủ điều kiện nên chưa chấp thuận. Riêng Lễ Sanh Hồ Kiên (thánh thất Châu Long Đài) được đặc ân vì đã chí thành cầu xin nhiều lần.
Mỗi tịnh viên nhập tịnh tức là đặt thân tâm vào khuôn khổ quyền pháp, củng cố đức tin, tịnh định, vong ngã, tâm thanh, ý tịnh, dục trừ, luyện Tứ Bửu Châu, Tứ Bửu Pháp.
Trong đợt tịnh vừa rồi, các hướng đạo cố tuân thủ, hành trì theo thánh huấn qua hướng dẫn của Tiếp Cơ Quân Liên Hoa. Tuy nhiên những thêm bớt về kinh lễ, những lạ lẫm về pháp môn đã đưa đến ngờ vực rằng cơ bút có phần nhơn ý. Đồng tử Liên Hoa rất sợ những dư luận làm dao động đức tin của chư tịnh viên; vì vậy, nhiều lần đồng tử Liên Hoa trình Ơn Trên xin đưa cặp phò loan Huệ Linh, Huệ Thành ([1]) thay thế thủ cơ. Đàn cơ ngày 05-10 Bính Thân (Thứ Tư 07-11-1956), Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
Liên Hoa cầu xin nghỉ một thời gian, Bần Đạo chiếu y các đàn trước cho phép hiền được nghỉ. Trước khi nghỉ nên nhớ lại các pháp môn tu luyện để truyền cho hành giả.
Vào ngày 24-10 Bính Thân (Thứ Hai 26-11-1956), Huệ linh, Huệ Thành thủ cơ, Đức Ngô giáng. Đồng tử Liên Hoa bạch về việc được phép nghỉ phò loan. Đức Ngô dạy:
Việc trấn điển đạo y và các chuỗi châu, Bần Đạo ra lệnh cho Liên Hoa thủ cơ, vì phò loan nầy [Huệ Linh, Huệ Thành] không phải đồng pháp. Hơn nữa cũng mới lắm, nên điển quang khó ngự để chỉ dạy và ban pháp.
Khi hiền nghỉ thì Bần Đạo sẽ giải quyết, còn nay hiền nên ráng giúp đợt đầu để cho tròn trách nhiệm người cầm pháp.
Đàn tái cầu, đồng tử Liên Hoa thủ cơ, Đức Ngô dạy:
Ngoài vòng cương tỏa mới là vinh
Hưởng thú nhàn tiên, dạ thái bình
Chén rượu tiên đơn quên thế sự
Ngâm câu thi tứ lắm thanh bình.
(…)
Giờ nầy Bần Đạo tiếp dạy qua một ít và ban thần hộ điển để trấn thần đạo y.
Đợt tịnh nầy Bần Đạo chuyển theo thời hỗn nguơn lập pháp, nên đặt tên là khóa Tứ Tượng chế luyện Hà Đồ.
Bần Đạo không dạy gì hơn nữa, để lời kỷ niệm ngày vào khóa và lấy đây làm thước của thời gian tiến thủ.
Tứ Tượng đồ hình để gẫm suy
Âm dương tiến hóa lắm mầu vi
Cọp rồng giao hội hòa quy phụng
Nhứt lộ đồng đăng ngộ nhứt kỳ.
(…)
Kỳ tịnh nầy đợt đầu mười tám ngày rèn luyện Tứ Bửu theo chương trình và ôn lại thời luyện châu.
Tứ Bửu Pháp cũng gọi là pháp Bí Tích hay pháp Trị Đạo đã được Ơn Trên ban từ năm Ất Mùi (1955) do tiền bối Tiếp Cơ Quân Liên Hoa tiếp điển truyền thụ. Khóa tu nầy tiền bối Liên Hoa trình xin nhờ tiền bối Ngô Thanh Toàn hướng dẫn ôn luyện. Đức Ngô Tôn Sư đã nhuận lại các ấn, quyết, phù, chú bị lệch lạc và Đức Cao Hữu Chí giáng đàn minh giải về tương quan và diệu dụng:
Pháp Tứ Bửu là pháp môn độ thân, độ chúng tương quan ý nghĩa bốn cơ quan Hội Thánh. Người chức sắc có sứ mạng cầm giữ nơi tay nên biết qua công dụng của nó. Công dụng của nó chia làm hai phần: tâm pháp và tướng pháp.
Ngoài việc minh giải mối tương quan và diệu dụng của Tứ Bửu Pháp, Đức Cao Hữu Chí dạy thêm:
Sự tu hành cũng như học trong một trường có nhiều lớp, mỗi lớp có nhiều người, bài vở chương trình không khác, hằng ngày nghe thầy giảng giải như nhau, nhưng kẻ tiến người không, kẻ mãn năm thì đỗ, người hết khóa còn nằm lại lớp. Việc ấy không lạ gì. Có điều là mong sự cố gắng, các hiền theo thời khóa mà ôn dưỡng chuyên cần.
Đồng hồ bề mặt có ba kim. Kim chỉ phút, chỉ giờ mãi quay tròn theo độ số. Đủ sáu mươi giây thì kim dài lên một phút. Đủ sáu mươi phút thì kim ngắn lên một giờ. Một mảy không sai. Nếu đồng hồ chạy không đúng độ số thì không dùng được.
Vì sự thi hành sứ mạng vận dụng quyền pháp cùng những tư tưởng, ngôn ngữ, hành động ở chư hiền có phần lệch lạc, không như chiếc đồng hồ chạy đúng giờ, nên phải vào tịnh thất để được sửa chữa. Nay phải được hoàn tất, khi xuất tịnh mới có thể đem mình ứng dụng có ích lợi cho nhơn sanh, chẳng khác chiếc đồng hồ tốt vậy.
Trong khi hành trì các pháp bí tích và luyện châu, các hành giả vẫn còn vấp váp, vướng mắc. Đức Cao Hữu Chí chỉ dẫn:
Về pháp Tứ Bửu đợi tầng công phu đợt nhì, phải bước qua bằng cách chế luyện phần khí pháp…
Các pháp đều như thế, nhưng có phù, chú, ấn, quyết riêng, theo đó mà làm.
(…) Lịnh Cao Tiên cho biết từ đây đi qua các lớp công phu còn phải dày năm. Mỗi một bước tiến lên là mỗi một lần pháp môn khẩu khuyết. Lần nầy là bước sơ cơ thì nền móng cho vững, ý chí cho bền. Làm cách nọ cách kia để giữ cho được cái thân bất động, tinh tịnh, tình an.
Tình được an, tinh được cố tịnh thì khí hạo nhiên tự khắc sinh phát ra để bồi đắp cho cơ thể khỏe mạnh, cho quan khiếu tinh thông, phát tâm trí tuệ. Tâm được thanh tịnh, thần được sáng tỏ. Thần có sáng tỏ thì hồn mới anh linh.
Vậy thân tâm theo pháp nầy mà tu. Đợi ngày qua khóa khác sẽ có nhiều phép lạ. Nhưng công phu có chín lớp, mỗi lớp có năm tầng, mỗi tầng tùy theo pháp môn mà định thời hạn. Tầng nầy pháp môn nầy, tầng kia pháp môn khác.
Lớp nầy là lớp sơ cấp xây nền, phải dùng võ hỏa tam muội chế. Võ hỏa tam muội chế là pháp dụng công, cũng ví như bắt đầu tìm nguyên chất, phải nhiều công phu dùng sức như sắt cục, đồng khối mà muốn chế luyện phải dùng lửa để đốt nấu, dùng nước để trui, dùng gió để thét, dùng búa để vỗ.
Dụng công như thế chưa phải xong việc, mà còn phải làm nguội, giũa tay mới ra món đồ xinh tốt. Cũng như thế, đợt nầy có hồn thể bằng khí thể thì được truyền theo thể. Đợt sau hồn thể bằng thần thể thì có chơn sư đại giác mật truyền.
Đức Cao Hữu Chí còn dạy chiết tự chữ kỳ ngộ rồi đợi chơn sư: “Chiết tự sẽ thấy, và sẽ gặp chơn sư trong giờ đại tịnh.”
Ngày 30-11 Bính Thân (Thứ Hai 31-12-1956), giáng đàn mừng đợt tịnh vào tầng ba, Đức Ngô dạy:
Tầng ba sắp tới nên gia thêm công phu tu học để bồi dưỡng linh căn. Tầng ba y theo công phu tầng hai mà làm. Đến ngày 10 tháng 12 năm đạo 31 Bần Đạo sẽ chỉ phần tâm pháp.
Đây, về phần tu tịnh: Chư hiền nên nghiên cứu những pháp tu của mình để tìm yếu lý các bài kinh cúng tứ thời: Chí Tôn Bửu Cáo, Nhụy Châu, Hồng Thệ, Cảm Ứng, Thông Minh, và Cứu Khổ Quan Âm. Phần nầy thảo luận chung và riêng trong giờ đã định.
Ngày 10-12 Bính Thân (Thứ Năm 10-01-1957), Đức Ngô dạy:
Ngô tâm thanh tịnh phát xung hòa
Cao pháp truyền ban độ giới ba
Tiên Phật thành công tu tánh mạng
Giáng thăng điều dưỡng nhứt nguơn a.
Bần Đạo chào chư hiền đồ.
Hôm nay Bần Đạo đến cùng chư đồ với một nguồn sinh lực mà lâu nay chư hiền đồ đã gia công phanh luyện, nên được phát xuất ra mà xung chiếu với hạo nhiên vô thể. Sinh lực mà Bần Đạo nói đây là lằn điển quang tịnh chuyển của chư hiền đồ đã dày công phu ôn dưỡng huân tập.
(…)
Vậy mà đợt tịnh nầy đã rút gọn còn năm mươi bốn ngày, cũng vì ơn đức Chí Tôn thấy lòng ưu tư của chư đồ không yên tâm ngồi an tịnh trong ngày xuân tháng tết mà Chí Tôn mới chế phân cho hợp pháp chia ra năm mươi bốn ngày đợt đầu và mười tám ngày đợt sau để hoàn thành nhất bộ châu thiên trúc cơ lập mạng. Vậy mười tám ngày trong kỳ Hạ Chí từ đây trở đi phải gắng nuôi dưỡng ân cần.
(…)
Đợt nầy đáng ra hành pháp Tứ Bửu đi đúng lời hứa của Bần Đạo, nhưng các hiền đồ chưa ôn cố cần mẫn, làm còn bợ ngợ sai thất, mà lại phù chú đợt tu vì mờ tối của Liên Hoa mà quên đi. Vậy bảo nó phải thiền định mà nhớ lại, và nhớ cho chu tất thì phải đại tịnh bảy ngày ở mật thất mới được. Vậy tiếp tục, chư hiền đồ chỉ làm nhiêu đó mà chờ lịnh.
Hôm nay có Bát Tiên đến mừng chư đệ tử và sẽ khai thị bằng hồng danh. Vậy tái cầu Thanh [Huệ Linh] chấp bút để đón quý vị và tiếp tục những đêm chấp bút để điểm công cho đợt tịnh.
Đàn tái cầu, Bát Tiên chúc mừng khóa tu và điểm công, điểm danh các tịnh viên nam nữ. Phần xưng danh của Bát Tiên như sau (trích):
* đạo thâm công phải gắng công
Thiết tâm gìn giữ ở nơi lòng
Quả xanh nhờ bởi công xây dựng
Mừng thấy sum sê giữa quãng đồng.
* Hớn hở nhanh chơn thẳng đến đàn
Chung cùng cầu nguyện của Thầy ban
Ly phân ta với chư hiền đệ
Vì cái nhục thân nó mãi gần.
* Trương bày pháp nhiệm cứu toàn châu
Quả phúc riêng ai phải nấy hầu
Lão dặn đôi lời chung cả thảy
Công thành nhứt điểm phải lo âu.
* Lữ khách dừng chơn để nghỉ ngơi
Động tâm ta ghé nói đôi lời
Tân dân rồi đến đâu đây nhỉ?
Hãy gắng đi lên chớ có ngồi.
* Hàng phục ma lòng thánh đức tăng
Tương lai thoát xác khỏe vô ngần
Tử tôn thượng hạ chung về một
Mừng được tiêu diêu đạo hóa hoằng.
* Tào đã đến nơi rước khách trần
Chơn hồn thong thả thoát lìa thân
Nhơn sanh còn lắm người sa ngã
Vì thế Phật Tiên phải giáng trần.
* nhơn đắc đạo buổi Tam Kỳ          
Tiên Phật đã truyền pháp nhiệm vi
quả một thân tu giải thoát
Mừng nay siêu chứng đã bao thì.
Tiếp theo ba ngày 15, 16, và 17-12 Bính Thân (từ Thứ Ba 15 đến Thứ Năm 17-01-1957), Đức Ngô Minh Chiêu lâm đàn điểm danh và điểm công chung cho tất cả các tịnh viên. Phần cuối, Đức Ngô dạy:
Hòa hòa, trực trực, minh minh
Hốt nhiên đại ngộ chơn kinh khẩu truyền
Truyền thành nhứt bộ tam thiền
Thiên cơ tri giả Khôn Kiền phục ngôi.
Chư đồ đệ cần tham cứu và thiền định lại những lời Bần Đạo đã chỉ. Tham thiền để minh giải lấy mà làm yếu quyết. Danh từ về tam cung, cửu khiếu cùng là bát bộ châu thiên trong thân người phải học, phải biết cặn kẽ để khỏi thất chơn truyền và mới thấy huyền linh mầu nhiệm. Khi xuất tịnh phải kiểm điểm lại những hành động tư tưởng lúc vào nhập tịnh mà sám hối để xứng đáng với bước tu công.
Dịp Tết này, chư đồ đệ nên soát xét lại và tiếp tục giúp công việc Hội Thánh để thanh thỏa bớt việc làm đã ứ đọng.
Vậy chư đệ ráng nhớ.
Khi ấy Thái Phẩm Thanh bạch, và Đức Ngô dạy:
Pháp Tứ Bửu chỉnh đốn chưa đầy đủ và lý giải chưa trọn, nhưng nếu mở lớp truyền cho Lễ Sanh thì cũng tốt. Vậy ráng chỉ dẫn cho rành để khỏi sai.
Bài Hồng Thệ của chư đệ đã được Tam Giáo chấp thuận và hứa giúp đỡ. Vui lên mà đón lấy.
Công việc nhiều mà cũng bận về khóa tịnh nên chưa được sự [hướng dẫn] giáo pháp trọn vẹn.
Duyên nghiệp nơi đây còn nặng lắm. Kẻ biết được đôi chút lại kích bác lời lẽ của sự mầu vi. Người không biết thì lơ là bỏ qua thánh ý. Kiểm thảo lại đi. Thôi, từ nay khóa tịnh nên nhớ lại lời Hồng Thệ mà giữ mình trong lúc xuất tịnh kẻo mang tội nặng nề.
Chư đồ đệ dâng lòng thành lên đi. Khó nói bằng cơ bút lắm. Nên luyện tâm đón chờ. Chư đồ hiểu chăng?
Sau đó Thượng Hậu Thanh bạch, và Đức Ngô dạy:
Gắng mà suy nghiệm để mở trí tuệ, hiện thần quang. Bần Đạo chào chư đệ. Thăng.
Ngày 18-12 Bính Thân (Thứ Sáu 18-01-1957), Hội Thánh tổ chức lễ bế mạc khóa tịnh rất trang nghiêm trong tinh thần tổng kết kiểm điểm và chung nguyện tinh tấn chuyên cần. Vào Tý thời ngày 19 thiết lập đàn xuất tịnh. Đức Trần Hưng Đạo dạy:
Hưng phế tồn vong lẽ nhiệm mầu
Đạo lành có thể mở hoàn châu
Tổng tri cơ pháp thiền thiền tánh
sự phân minh định định cầu.
Bản Thánh chào chư Thiên ân, chư tịnh đồ nam nữ.
Giờ nầy Bản Thánh đến đây để lời cầu chúc cho đợt tịnh và xếp đặt việc Hội Thánh.
Chư Thiên ân đã biết được nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong bộ phận Hội Thánh, nên biết qua chơn môn tướng pháp của Đạo Thầy, mà nên ôn luyện công phu học tập. Chơn môn tướng pháp đã ban cho chư Thiên ân là sứ mạng cứu thế được trao tặng trọn vẹn nơi người được quy định và Thiên thơ bổn bộ.
Lẽ dĩ nhiên chư Thiên Đồ được sự soi xét của Thầy và các Đấng thiêng liêng. Công thưởng, tội trừng, pháp luật không hề sai được. Bởi thế nhiệm vụ của người hướng đạo tuy không thấy nặng mà nặng, không thấy trọng mà trọng.
Ngọc Hư Cung pháp luật đã chú thích rõ ràng. Công quả, công trình không sai một mảy. Tội nầy tội khác biên nhớ phân minh. Đem tội trừ công, đem công chuộc tội. Lúc nào ta cũng thấy hai điều lần lượt xuất hiện trên hành động, ý chí. Từ nơi Cung Bảo Pháp đến Thất Thập Nhị Địa Cầu đều đầy dẫy những điều thiện ác.
Chư hiền đệ là người Thiên ân thay Thầy hành đạo thì cũng tường tận được lẽ mầu vi, cũng hiểu thấu môn phương hưng phế, ráng nhớ mà làm. Mỗi việc mỗi công xét trước xét sau, để trên dưới hòa đồng và đắc nhơn tâm thi hành cơ đạo.
Đợt vào tịnh là đợt chữa lại các bộ máy, các cơ quan cho ăn nhịp, hòa hợp theo một quy tắc của sự phân minh mà làm đúng theo phương pháp. Các bộ máy đến đây được tay thợ lành nghề coi xét, chế biến, sửa chữa cho nó và thêm vào sáng kiến kinh nghiệm trên mấy mươi năm.
(…)
Chư hiền đồ khi ra tịnh, theo công việc của mình mà làm để tròn xứng nhiệm vụ cho hợp câu sứ mạng.
Nơi Hội Thánh phải quy tụ các chức sắc từ Quyền Giáo Hữu trở lên và để mừng năm Khai Cơ Giáo Pháp. Mừng bước đạo tiến tới huy hoàng và bế mạc năm công cán công trình thế Thiên hành hóa
Xuân nầy xuân đến có biết bao xuân gian khổ, vui mừng, mấy ai được rõ. Nhiệm vụ ta mỗi ngày mỗi tiến, tước phẩm ngày một nêu cao thì ta phải sao đây nhỉ?
Thời cơ tiến hóa mà ta dừng chơn đứng lại nhìn bước vừa qua thì sao cho hợp cơ trời đất. Không hợp cơ trời đất thì nó phải sao đây?
Người Thiên ân phải gắng công trên bước đường siêu phàm tận độ. Chư hiền đệ vui lên, cố lên!
Ngày giờ của chúng ta đã đến, nhiệm vụ đã được phân minh. Phải cướp thời gian kẻo trễ cơ tiến thủ. Đức Ngô Đại Tiên cũng vì chư hiền mà lướt gió nương mây đến để ban pháp và phò trì. Chư hiền nên cảm ơn Đức ấy mà tiến tu.
Biết rằng thiên bộ gian nan, bước trời khó nhọc, trần gian hiểu cùng. Bản Thánh đến đây chúc mừng và nói bao nhiêu việc. Chư hiền nên coi nhẹ cá nhân để phụng sự Đạo Trời, hầu có đủ công đức mà cảm sanh Từ Phụ, để Thầy ban huệ tâm cho sáng suốt lên.
Thôi Bản Thánh nhường bút cho Cao Tiên nói về đợt tịnh. Bản Thánh một lần nữa tâm thành cầu nguyện Thầy Mẹ ban phước huệ cho chư Thiên ân. Chào chư vị.
TIẾP ĐIỂN
Đại công, đại đức, đại tài năng
Đức độ chủ tin phục vạn hằng
Cao thượng thanh nhàn quân tử tánh
Tiên pháp Phật ngôn rảng trống kèn.
Chào chư tịnh đồ nam nữ. Chư tịnh đồ làm lễ xuất tịnh, Bần Đạo chống gậy đến đây để dặn dò đôi chút.
Chư đồ đệ đã được nơi Bần Đạo chỉ điểm trao tặng yếu quyết tu cầu cũng hân hạnh với công trình học đạo. Nay đây tạm ngừng để tiến bước làm tròn sứ vụ Thiên ân. Bần Đạo nhủ lời chỉ bảo cùng chư đồ đệ.
Từ xưa nay chư Phật, chư Thánh đều cùng tu như các tịnh đồ mà đắc được chơn truyền, tri cơ Tạo Hóa. Phật Thích Ca ngồi tu dưới gốc bồ đề sáu năm mà thành đạo. Sáu năm là gì? Thích Ca là gì? Bồ đề là gì? Hy Mã Lạp Sơn là gì? Chư đồ đệ gắng hiểu. Ma quỷ phá, Ngài dùng hào quang nơi đảnh môn mà đuổi nó. Vậy thì ý làm sao?
Học tu sẽ thấy vô tự kinh trong ta. Phải gắng công mà ngồi coi để rõ biết máy huyền vi, hiểu tu tánh mạng. Công phu vở sách ấy không phải là gay, cũng không phải là dễ. Gay dễ tự nơi người.
Khi ra tịnh chư đồ đệ gắng lập công hành pháp, công phu ôn dưỡng thường xuyên, một khắc một giây không bỏ. Môn ôn dưỡng là môn văn phanh, chế vọng, một môn trưởng dưỡng khí thần, ấy pháp trợ duyên giác ngộ. Tu lên! Cố lên!
(…)
Thôi, mọi sự trong đợt tịnh đến đây đã mãn. Bần Đạo cũng tròn bổn phận rồi. Giữa thầy trò ta hôm nay tạm để đó mà lo phần lập công tu đức.
Bần Đạo khuyên chư đồ đệ từ nay trở đi phải giới quy tinh tấn mà học đạo, chuyên luyện lấy thân tâm. Còn tu thì còn nhớ Ta. Nhớ Ta thì ác tình được diệt.
Thôi, Bần Đạo chào chư đồ.



([1]) Cặp đồng tử trẻ nầy do Tiếp Cơ Quân Liên Hoa luyện tập.



PHẠM VĂN LIÊM