Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

GIAO CẢM (Sự Nghiệp Trung Hưng / Phạm Văn Liêm)


SỰ NGHIỆP TRUNG HƯNG
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC (Hà Nội 2018)
Quyển 117-1 trong Chương Trình Chung Tay
Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo
kính mừng đại lễ TRIỀU THIÊN VÔ CỰC (15 tháng 8 Mậu Tuất)

GIAO CẢM
Nối tiếp MẤY NHÁNH RỒI SAU CŨNG MỘT NHÀ (2014) và HỒNG ÂN TẬN ĐỘ (2016), đều in trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, giờ đây với tập SỰ NGHIỆP TRUNG HƯNG này, hiền đệ Phạm Văn Liêm (Phó Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế của Hội Thánh Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) có công trình bày tương đối đầy đủ và sâu sát về diễn trình hình thành Trung Tông Đạo của Hội Thánh chúng ta. Đây là sự vận chuyển vi diệu giữa Thiên và nhân, tùy thuận theo từng điều kiện, từng con người, từng hoàn cảnh xã hội để đưa bước đạo tiến đến “Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà”.([1])
Trải qua các giai đoạn từ “đưa Đạo về Trung” đến “Chỉnh Cơ Lập Pháp”, “Khai Cơ Giáo Pháp”, “Khai Cơ Thành Đạo”, những bậc thiên ân được Đức Chí Tôn đặt để trách nhiệm công vụ sứ đồ đã vượt qua bao nhiêu gian nan thống khổ, đánh đổi bằng cả tù tội, máu xương, để gầy dựng sự nghiệp, gìn giữ, phát huy chơn truyền chánh pháp nền Đạo Kỳ Ba trong cõi nhân sinh giữa thời kỳ mạt thế. Sự nghiệp trung hưng theo thánh ý thật vô cùng lớn lao, là việc cả vạn đại, rộng khắp năm châu, cao thâm mầu nhiệm chứ đâu phải việc cải lương giai đoạn hay chỉnh sửa một đôi lầm lỡ. Sự nghiệp trung hưng đâu chỉ ở sức người mà phải chịu mệnh từ Trời để trùng tu, chỉnh đốn tất cả, làm cho đâu đó được hưng khởi tinh thần, sự lý phân minh, mọi điều mới mẻ, trong ngoài đầy dẫy một tình thương nồng hậu, một hoài bão lâu dài, một sinh hoạt rộng lớn, sáng tỏ lâng lâng vẻ đạo thái bình.
Theo thánh ngôn Đức Trần Hưng Đạo, sự nghiệp trung hưng là công trình “nhứt vạn giáo, mà trung vạn pháp”.([2]) Công trình nầy đâu chỉ là quy nhất nội bộ Cao Đài, mà là hiệp thông vạn giáo, với đại diện là Tam Giáo Đạo (tức là Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo). Trong đó Thánh Đạo (đạo Nho) là động cơ vận chuyển, nên gọi là “Nho Tông chuyển thế”. Chuyển thế theo tôn chỉ quy nguyên phục nhứt.
Cho nên sự nghiệp trung hưng của Trung Tông Đạo Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài xiển dương mối chân truyền Trung Đạo Kỳ Ba bao trùm cả Nhứt Kỳ, Nhị Kỳ Phổ Độ, có bổn phận điều hòa, tiếp tục, làm cho sáng tỏ lẽ “vạn giáo nhứt lý”. Sự nghiệp trung hưng được Đức Chí Tôn ban trao tại miền Trung, do Đức Giáo Tông Vô Vi chấp chưởng:
LÝ nào cũng quyết dựng Trung Tông
GIÁO hóa nhơn sanh hiển đại đồng
TÔNG Đạo trung hưng xây thánh thể
GIÁNG thăng cho thấu máy huyền thông.([3])
Và do Đức Ngôi Hai Ngô Đại Tiên ban pháp:
CHRIST đến lần ba
NGÔ Đạo mở sơn hà
ĐẠI đồng quy vạn giáo
TIÊN Phật cũng là Ta.([4])
Đồng thời Đức Hưng Đạo Đại Vương với phẩm vị Thượng Chánh Phối Sư nắm quyền hành chánh, cổ xúy và hộ trì con đường hành đạo tịnh luyện đi đôi theo tinh thần nội thánh ngoại vương:
THƯỢNG cờ tế độ hiệu Trung Hưng
CHÁNH pháp hoằng dương chủng chủng trung
PHỐI hợp dưới trên xây bộ máy
SƯ truyền cơ chỉ đắc kỳ công
TRẦN tâm lo liệu đường tâm pháp
TỔNG ước nhơn duyên hóa đại đồng
LÝ định năm năm thành đại nghiệp
GIÁNG thăng xuân khí được toàn thông.([5])
Ơn Trên và chư Thiên Đồ Trung Bảo luôn luôn độ dẫn, nhắc nhở và dìu dắt các bậc thiên ân sứ vụ phải làm việc bằng quyền pháp, phải chí kỉnh chí thành lập thân Bồ Tát, vô niệm vô tâm để đạt pháp. Đã lòng Bồ Tát thì không riêng rẽ cố chấp.
Với phái chi, không nghĩ phái nào là sai, người nào là kém, mà tôn quyền trọng pháp; cung kính các bậc thiên ân; chiều sớm hướng về Tổ Đình duy nhất bằng lòng vô ngã vô chấp.
Với thế giới nhân quần, gây thiện cảm cả trong và ngoài nước; đồng thời truyền đạo ngoại bang, mở rộng phạm vi Trung Tông Truyền Giáo Thánh Hội.
Sự nghiệp trung hưng khởi đi từ buổi đầu đưa Đạo về Trung (1934) đến bước “đại hành” (1957), vượt qua bao gian nan thử thách để tiến sang “buổi chúng nó lập thành”, như thánh ngôn Đức Chí Tôn dạy tiền khai Ngô Văn Chiêu trong đàn giao thừa đón năm mới Bính Dần (12-02-1926),
Buổi “lập thành” ấy phải chăng là khi Trung Tông Đạo Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài tạo được sự chung tay, chung sức, chung lòng kết tập mười hai chương đạo pháp quý báu thành “Đại Tạng Cao Đài” theo lời Đức Chí Tôn dạy? ([6])
Lời giao cảm xin được kết lại bằng bốn câu thánh thi của Đức Giáo Tông Thái Bạch:
Hướng đạo đâu nào, hướng đạo đâu?
Phải thông lẽ nhiệm, thấu cơ mầu
Phải mau quét sạch bao tà vọng
Để kịp công truyền ngũ đại châu.([7])
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài
                                    Quý xuân Đinh Dậu (2017)
Phối Sư THƯỢNG HẬU THANH




([1]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Quyển I. Đàn ngày 20-02-1926.
([2]) Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 09-01 Giáp Dần (31-01-1974).
([3]) Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 05-01 Kỷ Hợi (12-02-1959).
([4]) Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 09-9 Bính Thân (12-10-1956).
([5]) Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 02-01 Bính Thân (13-02-1956).
([6]) Đàn ngày 04-10 Mậu Thìn (12-11-1988).
([7]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, ngày 04-3 Quý Mão (28-3-1963).