Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

11. Hồng Ân Tận Độ (Phạm Văn Liêm)


Hà Nội: Nhà xuất bản TÔN GIÁO, 2016

MƯỜI MỘT
Là một trong bốn cơ quan của Hội Thánh, cơ quan Minh Tra rất quan trọng vì nhiệm vụ là bảo pháp. Tại Trung Hưng Bửu Tòa, vào Tý thời ngày 02-02 Mậu Tuất (Thứ Sáu 21-3-1958), Đức Cao Tiếp Văn Pháp Quân lâm đàn minh giải ý nghĩa cơ quan Minh Tra, minh định nhiệm vụ và tư chất cần có của người Minh Tra.
Tiếp kỳ sứ mạng nhập huyền cơ
Văn chất toàn tu sớm kịp giờ
Pháp đạo ân cần hưng chánh giáo
Quân tâm bình đẳng thọ Thiên thơ.
(…)
Hội Thánh ta hình thành theo pháp đạo ba đài, bốn cơ quan. Về nhị hữu hình đài, phần hành pháp đã có cơ sở bề thế hơn. Về bảo pháp, chưa được tổ chức.
Trong thế tượng trưng, ta xét kỹ, thánh thể của Thầy ví như thân người gồm có đầu mình, tay chân. Đầu là cơ sở bảo pháp, mình là cơ sở hành pháp chủ trương, do đó tay chân để làm lụng đi lại.
Phước Thiện, Phổ Tế là hai tay. Nội Chánh (Hành Chánh), Minh Tra là hai chân. Hai tay không thể thiếu một mà làm được việc. Hai chân không thể thiếu một mà đi lại dễ dàng. Nội Chánh (Hành Chánh), Minh Tra làm trụ cột cho hình thể. Tay có làm mà chân không đi, làm sao phổ cập? Mà chân thiếu một, thân thể bị què. Vì vậy, phải coi nhau bình đẳng.
(…)
Về phần Minh Tra, trong lúc xây dựng thì như thế cũng được. Cần hơn là anh em phải cố gắng nghiên cứu học tập nhiều các phương bảo pháp để đủ tư cách đối đãi cùng chức sắc Cửu Trùng Đài. Muốn học cho rành phải tu cho chín, tu để tâm thần an định. Thần không xao động thì hạo khí nương về. Thần được trụ yên thì vạn duyên kết tập. Thần ở nơi trong thì cảm quan tình thức cũng phải triều chầu.
Nếu không tu thì Thần phóng tán ra ngoài, mỗi ngày mỗi hao mòn. Đã mất của mình mà bè bạn tốt lành cũng xa đi. Bầy tôi không kiêng nể, làm sao an toàn được thân thể mà phát huệ, hiện trí năng? Lòng bị tối tăm, thân bị hư nát, thân sa biển ái non ân. Khí, Tinh là của báu ở người để mặc cho tình thức phá tán tiêu pha, còn mong gì thân hình vững chắc. Thân hình không vững chắc, mong gì thể Đạo được yên.
Thánh thể không mạnh lành là do mỗi người chức sắc chúng ta còn yếu ớt. Thân ta có chất phác thì thể Đạo mới thuần hòa. Thể đạo thanh cao thần thánh là bởi ta có thân Bồ Tát. Vậy phần người bảo pháp cần phải tu học nơi trong để đủ uy đức độ người về chánh pháp.
Tu nơi trong là khắc kỷ phục lễ. Khắc kỷ được thì làm chủ được thân. Làm chủ mình để chủ người. Ấy là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tu thân để tề gia, để bình thiên hạ là việc làm của người quân tử, không cần ai nhắc bảo, cũng không vì ai sai khiến, mà là bổn phận làm người. Bổn phận ấy là sứ mạng khiến được thiên hạ phải theo cái đức độ khuôn viên của người quân tử.
Người quân tử để làm người an thiên hạ, thì người Bồ Tát để làm cái Đạo cứu độ vạn thể thanh bình, chúng sanh chứng vị Thánh Thần thoát vòng luân hồi sanh tử. Vậy người Bồ Tát là người Đạo. Cái Đạo cứu thế, chuộc cả tội lỗi chúng sanh. Muốn chuộc được, cứu được người phải bằng pháp luật.
Pháp luật là gì? Là khuôn viên đạo đức của người Bồ Tát. Người Bồ Tát hay người hướng đạo có cái thân đầy điển huệ. Thân ấy làm mực thước cho người đời. Mực thước đây không phải muốn giữ cho ra mực thước, mà mực thước tự nhiên ở lòng thuần chơn phát lộ. Lòng ấy có tu nên sáng sủa như mặt trời ban mai soi rọi khắp mười phương, nhơn vật cỏ hoa đều hướng về ánh sáng.
Mặt trời phóng hào quang ra không phải là trong mặt trời không còn sáng, hay ở ngoài sáng mà trong tối. Vì sự sáng bởi trong mà ra, sở dĩ tràn ra khắp nơi là vì các nơi kia bị tối. Cũng như lòng người Thần, Khí đầy đủ thì pháp thân duyên giác tỏ ngời. Cả chúng sanh thấy được thân nầy là vì chúng sanh thân đen tối. Cũng như thân duyên giác thấy thân chúng sanh là vì chúng sanh thân đen tối. Tối nên sáng mới soi đến, sáng nên tối phải trông về. Tối là âm, âm là khí lạnh. Sáng là dương, dương là khí nóng. Lạnh bao giờ cũng ưng gần với nóng. Nóng lúc nào cũng hút lấy chất lạnh. Nóng lạnh giao hợp nhau mà kết nên thể điều hòa. Sáng phóng xạ vào nơi tối, thì tối phải tiêu tan. Tối trông vào sáng để sáng được làm đích. Vì vậy người phạm phải pháp luật là người sống trong đen tối. Đã đen tối, dầu có mắt cũng không thấy chỗ tới chỗ lui. Việc phải trái không phân biệt. Đó là tại chỗ đó thiếu ánh sáng hay thiếu người hướng đạo.
Người hướng đạo có phải là sứ mạng không? Nếu đã sáng sao người đó bị tối, không phân biệt được trái phải nên hư? Người ấy lầm lỗi bởi cảnh gây nên đen tối mà mắt không phân biệt được trái phải nên hư là bởi tâm chưa sáng suốt. Tâm chưa sáng suốt là vì tâm chưa tiếp được điển quang.
Người hướng đạo là Bồ Tát, chúng sanh cũng là Bồ Tát chưa thành. Bồ Tát với Bồ Tát là một. Một sao có cái sáng, cái tối? Vì người hướng đạo sớm giác ngộ, tâm linh thanh tịnh, sống dưới quyền pháp thiêng liêng. Còn chúng sanh ví như cái đèn chưa được châm lửa. Đèn chưa sáng vì chưa tiếp được ánh sáng của hướng đạo châm vào trong cảnh đen tối. Đèn được tỏ lên là ngọn lửa đã đến khắp, thì dù tối trở nên sáng suốt. Chừng ấy mắt thấy tỏ rõ, tự họ đi lại với nhau. Nếu như ngọn đèn kia đã đỏ lên mà họ còn rù rờ ngơ ngác, thì chắc là họ lòa quáng mờ đui. Nếu mờ đui thì phải cho người chăm nom dẫn dắt cũng được đúng đắn an toàn. Các đạo hữu rõ không?
Về Minh Tra cần góp ý nhiều đêm nữa trong lúc tu học tại đây.
Về đàn Phổ Tế xin việc, vào Nam sẽ rõ.
Còn Hành Chánh cần lập thì tiếp đêm mai. Như chưa cần thì đến 15 sẽ lập.
Đàn đi Thừa Thiên chờ đến đó sẽ ra lệnh.
Đọc lại hết. Chư hiền coi mà chỉnh đốn văn ý lại.
Một đêm mỏi mệt huống lâu ngày
Đông lúc ban đầu, cuối những ai
Chuyện vãn giữa nhau còn lắm việc
Chúc cho đạo hữu được lâu dài.
Thăng.
Tiếp đến, đàn cơ Tý thời ngày 03-02 Mậu Tuất (Thứ Bảy 22-3-1958), Đức Thượng Chánh Phối Sư Trần Tổng Lý giáng dạy:
Trần tình Thượng hạ được y tuân
Tổng hợp Chánh tông Đạo lãnh phần
đắc Phối giao quyền pháp trọn
Mừng chư hữu mãi tương thân.
Bản Thánh chào chư Thiên ân, chư hiền đệ.
Bản Thánh lấy làm lo cho Tông Đạo nơi đây, chưa biết chư Thiên ân có đủ nhẫn nại kiên tâm mà thắng được cuộc tổng dượt của kỳ thi này để an toàn cho đạo hữu chăng.
Giai đoạn chỉnh cơ của thời Phục  đã qua, nay thời Lâm tiến tới, là một bước khó hơn. Thời Lâm  (Khôn thượng Đoài hạ), cho ta thấy thế quân tử đứng dưới, thế tiểu nhân đứng trên. Sơ, nhị dương hào ([1]) đương vị nằm trong nội quái ([2]) để giao đối bên ngoài mà kết liên tình hữu nghị. Nhưng bên ngoài toàn là âm. Thế của âm tuy ở ngoại quái ([3]) mà tượng hào thế lực còn to, bè đảng còn dày. Hào lục tam ([4]) nằm trong nội bộ, đứng đầu trong môn bộ, làm nội ứng cho bè lũ tiểu nhân.
Chúng ta lấy đó mà suy phần nội tình của Hội Thánh. Nội công ngoại kích che phủ cả chánh pháp không cho ánh sáng lọt ra. Nhưng cơ Trời mầu nhiệm, thế quân tử đương sanh, thế tiểu nhơn đương thối. Quân tử được chủ động, tiểu nhân ở về thế bị động, nên dương đạo ngày càng phát đạt, âm đạo ngày một tiêu dần. Tuy âm tiêu mà còn thế làm cho dương cương nguy khốn, vì lục ngũ([5]) ở chánh ngôi. Tâm đạo còn đen tối, chờ cho Thái Âm tiến sang.
Vậy Hội Thánh xét lời nầy mà suy gẫm để phòng ngừa bước đạo ngày nay, phòng lấy quyền pháp của bậc Thiên ân để tránh mưu chước tà quyền phỉnh dỗ.
Bước đạo năm nay Bản Thánh lấy làm lo cho Hội Thánh. Các vị đại đức, đại công đã chầu Thầy. Còn bao nhiêu anh chị em trong nội bộ, quyền pháp chưa được tinh minh, đạo tâm chưa thuần túy, căn trí chưa được khai thông, thân tu chưa tròn hạnh đức, làm sao cảm hóa được đời, cảm dụ được lòng đạo hữu, cảm thông được lẽ mầu vi?
Thầy ban pháp báo ân cũng tùy lòng giác ngộ, tùy sự hiểu biết mà chỉ dạy. Nên phần đạo pháp bởi do căn trí mà ngày nay phải giảm nhẹ cho vừa quang thức.([6])
Ta sẽ thấy Khôn Đoài của hình quái Lâm  đều là âm cả. Trong âm có dương, nên dương hào mà âm tượng. Tượng quái sẽ chuyển xoay một giai đoạn phi thường. Vì trước thời Phục  nó là Thuần Khôn . Khôn là cực bỉ phải chuyển qua thời Thái , thì quẻ Chấn là dương, nên trong thời Phục rất cương kiện. Mặc dầu mới tượng mầm ánh sáng trong thời hỗn độn. Vì thế mà toàn đạo xa gần, đều có nhiệt tâm, có chí tu học mạnh mẽ. Ai cũng quay về đốm lửa đương nhen, tình thương yêu ra bề thân tín.
Phục đã chuyển qua Lâm mà nội quái là Đoài, tuy có nhị dương, nhưng Đoài là âm, con gái út ở cùng người mẹ. Gái út nên còn chưa biết về ai. Cười… Nhan sắc thơ ngây chung quanh lắm kẻ trông dòm đặng toan bề rước lấy. Vì lẽ đó mà ta bị khảo đảo với những lẽ:
- Âm quái là đức nhu thuận. Nhu mà hào lại dương cương. Cương nhu tranh chấp trên dưới không hòa, kẻ tới người lui, kẻ ưng người bỏ, nội bộ phân vân. Lục tam([7]) lại cấu kết với ngoại quái đồng lưu vì vậy trong khảo ngoài khảo. Phương chi cửu nhị thất chánh ([8]) lại chấp quyền thì làm sao an toàn nội ngoại.
Bởi vậy Thầy muốn chóng cứu chúng ta, bằng gấp rút ra lệnh thành lập Hội Thánh Nữ Phái để đẩy Lâm thành Thái  nội ngoại tương tề,([9]) nhưng các đệ không thông thánh ý mà nói qua nói về cho Ơn Trên thâu lệnh chuyển đi nơi khác.
Hội Thánh Nữ Phái không được thành lập trong năm nay mà phải chờ ba năm nữa, đó cũng là Thiên cơ. Đức Giáo Tông có ý kiến ra lịnh để ngừa phòng.
Ngày nào Lâm chuyển thành Thái là nội Càn ngoại Khôn. Càn Khôn hòa hiệp, khí đất lên huân tụ đảnh môn, khí trời xuống ngăn đường tử hộ. Càn Khôn giao hội kết lập đơn nguơn, thánh nhi xuất hiện. Nhưng đừng trách mình là Lâm mà bị khảo. Không Lâm sao có Thái? Vậy biết để đề phòng. Còn phải nghiên cứu nhiều ý tứ Bản Thánh đã dạy.
Các việc tạm y, chờ Giáo Tông ra lịnh. Thôi Bản Thánh chào chư vị.
Sau khi ban hành Nghị Định số 3 trong đàn lệnh Khai Cơ Giáo Pháp ngày 15-6 Đinh Dậu (Thứ Sáu 12-7-1957), Hội Thánh tiến vào giai đoạn Ơn Trên gọi là thời Lâm.
Thời Lâm là chiếu theo quẻ Địa Trạch Lâm để hiểu và hành. Trong vòng Dịch mười hai quẻ thì Lâm sau quẻ Phục, Phục sau quẻ Khôn. Bát Thuần Khôn là quẻ thuần âm, tăm tối mịt mùng. Trong cái hoàn toàn âm đen tối đó lại nẩy sinh một hào dương để có quẻ Phục. Địa Lôi Phục là giai đoạn tiềm ẩn, giai đoạn chớ nên làm gì (vật dụng 勿用). Giai đoạn nầy được xem như trời đêm mới chuyển về sáng, con người chuẩn bị thức dậy để rồi tiến lên thêm một hào dương, tức quẻ Lâm. Địa Trạch Lâm là giai đoạn của buổi mai, con người bắt đầu vào công việc cho một ngày mới.
Hội Thánh đã được hình thành cơ chế ba phái, bốn cơ quan, bắt đầu vào thời Lâm. Các Thiên Đồ đã giáng đàn đem thánh ý theo lý Dịch dạy cặn kẽ cho từng cơ quan cũng như nữ phái.
Về hành pháp thời Lâm, Đức Hộ Đạo Thiên Quân (Trần Nguyên Chất) dạy tổng quát về bốn cơ quan, về Tam Hội Lập Quyền; Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn (Huỳnh Ngọc Trác) dạy về Phước Thiện; Đức Chơn Giác (Lê Thị Khải), Đức Bảo Thọ (Trần Doãn Cơ) dạy về nữ phái, nữ đoàn; Đức Chơn Khai (Nguyễn Quang Châu) dạy về Phổ Tế; Đức Tiếp Văn Pháp Quân (Cao Hữu Chí) dạy về Minh Tra.
Về tịnh thất, do Đức Bảo Nguơn Chơn Tiên lý giải phương tu theo sự truyền thụ của Đức Ngô.
Song song với bước đại hành của hành pháp, giáo pháp, phần Bảo Pháp Hiệp Thiên Đài được Đức Cao Tiếp Văn lâm đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa vào Tý thời ngày 08-02 Mậu Tuất (Thứ Năm 27-3-1958) hướng dẫn tổ chức xây dựng.
Cao ân quyền pháp gắng lo tròn
Tiếp tục hoàn thành cứu nước non
Văn pháp chỉnh tu hưng giáo lý
Quân bình đi ở vẹn lòng son.
Bản Quân chào chư Thiên ân, chư hiền hữu.
Y lời hứa, Bản Quân đến cùng quý anh em trong tổ chức góp phần xây dựng cho bộ máy chạy đều, quyền đạo mạnh lành, pháp đạo sáng tỏ, người Thiên ân tròn xứng đối với sứ mạng của mình, mà cũng nương lấy sứ mạng để đưa bước nhơn sanh đưa mình lên hàng Thiên vị.
Anh em trong tổ chức phần nhiều tuổi non trẻ, đường đời mới để chơn vào lối phong sương, chưa lấy chi làm kinh nghiệm. Lòng tu thiếu tâm giải thoát, thiếu hạnh Thiên ân, nhưng cũng có hữu duyên cùng chánh pháp. Cần đòi hỏi một sự quả quyết ở lòng về hai con đường xuất thế, nhập thế. Được sự chân thành bày tỏ của mình, quyền pháp mới tiện phương chia cắt.
Con đường nào cũng tốt cả. Xuất thế hay nhập thế cũng không ngoài mục đích bảo dân giáo tứ, hưng quyền sáng pháp, an toàn thánh thể Chí Tôn.
Đường nhập thế không phải là hèn, đường xuất thế không phải là vinh. Xuất thế mà không làm đúng ý nghĩa của nó là nhục. Nhập thế mà làm đúng ý nghĩa của nó là quý. Một trong hai đường phải có sự quyết định để tiện sắp xếp phẩm bậc tu.
Từ Sĩ Tải trở lên vào đường xuất tục. Vì trường hợp đặc biệt phải hoàn tục, phải có lời báo trước để quyền pháp khỏi đen tối.
Hàng Luật Sự, Tùng Sĩ chia làm hai hạng: Hạng đi thẳng và hạng còn lo nhơn đạo được bình đẳng trước quyền pháp. Tùy từng hạng, giới tu phải được thọ trì hoặc được dự vào các khóa bí truyền, các phần họp nghị nội bộ quyết định cơ bảo pháp ngày mai.
Về giới hạnh, ban Hiệp Thiên Đài nghiên cứu sắp xếp rồi dâng lên Đông Phương Lão Tổ cho ý kiến.
Đây, Bản Quân bàn thêm thời Lâm của bước đạo đương diễn tiến.
Thời Lâm của ta trong giai đoạn Khai Cơ Giáo Pháp không phải như quẻ Thuần Càn. Cửu nhị ở vị dương nhưng đã lâm vào ở địa vị Thuần Càn hay ở Thuần Khôn chuyển thì cửu nhị cũng đắc trung. Đắc trung thì việc làm trúng đạo. Có một điều là ta nên tìm hiểu: Đã trúng đạo thì sao nội bộ chưa thân hòa, tín thiện, trong ngoài chưa được cậy nương?
Vì quẻ Phục, Khôn ngoại Chấn nội. Chấn là dương mà sơ cửu cũng dương. Sơ hào dương mà dương hào cư dương vị là đắc chính. Đến như quẻ Lâm, ngoại Khôn nội Đoài. Đoài là âm mà cửu nhị là dương ở vào tượng âm vị âm. Dương hào ở âm vị là bất chính. Đã đành bất chính mà đắc trung. Đắc trung tất khó chính, nhưng tại sao không đắc nhơn tâm, hòa thượng hạ?
Vì dương hào đứng âm vị, dù có quân tử thanh cao người ta cũng ngỡ là bất chính bằng nỗi nầy nỗi nọ. Đã nói dù tâm quân tử trong trường hợp ấy nên cẩn thận đề phòng và nên xét nghiệm trường hợp của thời Lâm. Nên người Bảo Pháp Minh Tra phải thấy điểm đó mà suy luận biện bạch để giữ mình được thanh cao, minh chứng pháp luật cho đời phần oan ưng chí lý.
Đây Bản Quân khải thị một điểm để chư hiền tìm hiểu toàn quái mà bảo pháp thời Lâm.
Bảo pháp thời Lâm là thời rất khó. Thời long hiện thì pháp luật phải được hiện hình, quyền vị phải được xứng vai. Mà long hiện phải thời gánh vác việc đạo, các bậc Thiên ân cần xứng đáng người hướng đạo. Kẻ cầm pháp phải tu nghiệp tiến đức, học tu vấn biện, khoan cư nhẫn hành để hưng quyền sáng pháp.
Mỗi một cuộc khảo thí là một hân hạnh nhất cho toàn đạo. Ma không khảo, đạo không thành. Mà chịu khảo là rút ngắn con đường chứng vị, rút ngắn bước đời, đi tắt trên con đường chánh pháp. Sự khảo đảo là ân phước cho người tu. Được nhồi quả một phen dứt dây oan nghiệt luân hồi sanh tử. Người tu muốn đắc duyên đắc vị, phải chịu nhồi quả, phải được ma luyện cho thánh đức tràn đầy, phàm phu rửa sạch.
Tu phải lấy khổ hạnh để làm pháp môn chế ngự ý tình, ngã mạn. Ngã mạn không chế trị được thì khó thành quả vị. Người cầm pháp để hướng đạo, trước hết nên khép mình trong khuôn viên đạo đức rồi khép người theo chánh pháp mới dễ. Khép theo khuôn viên đạo đức không phải một mai một chiều mà thành công. Phải nhiều công phu lắm lắm. Cũng như uốn cây cho thẳng, phải cột chặt cây vào nọc lâu ngày để cây được theo chiều uốn nắn. Cây cong cột vào nọc cũng thành ngay. Người khép mình trong khuôn đạo pháp, thì phàm phu trở thành thánh đức.
Đây nói qua về sứ mạng vào Nam.
Sứ mạng vào Nam coi theo tượng quái dương chuyển tiến thời Lâm. Đắc Lâm là phải bỏ bao nhiêu công phu ở thời Phục. Công phu tu dưỡng tiềm tàng cho đến ngày hiển hiện. Lâm không tiềm sao được hin, không hiện làm sao đến phi. Vì vậy công việc làm phải tùy thời chấp trung. Đi ra thời Lâm là thời kiến đi nhân,([10]) nhưng nên đề phòng vì thể Lâm tuy đắc trung nhưng chưa đắc vị.
Chư vị nhắm Lâm mà làm việc. Khi nào chuyển Lâm thành Thái, chuyển Thái đến Thuần Càn, lòng ta mới được hoàn toàn thỏa nguyện. Bây giờ rồng còn nằm trên đất. Đất đây là cơ lập pháp tại hạ, nên lo xây dựng nền tảng chánh pháp bằng sự thân hòa tâm phúc.
Cơ chia rẽ đã gây nhiều thiệt hại cho tôn chỉ cộng đồng, bình đẳng, bác ái; làm cho sứt mẻ quyền pháp cứu thế hưng đạo. Hôm nay ta mang sứ mạng của thời Lâm đến, ra ngoài để tụ hội, quy gồm bao nhiêu tinh thần tinh túy tản mác ở mười phương làm một. Sự đi mang cả danh nghĩa của một Hội Thánh. Sự nghiệp Trung Hưng ở đây. Tiếng nói Hội Thánh, việc làm Hội Thánh, con người Hội Thánh là các hiền. Phải cẩn thận mỗi mỗi động tác. Tuy gặp trở ngại mà trong khó nhọc sẽ thu lại nguồn an ủi nhiều thắng lợi. Đừng nghe nhiều lộn xộn tâm trí, đừng nhìn gần, đừng ỷ lại, đừng tự khí tự cao. Phải lấy lòng khoan cư nhẫn hành mà làm tròn sứ mạng Trung Hưng.
Trong dịp đi nầy sẽ gặp nhiều điều mới lạ. Chư vị sẽ thấy lòng mình có gì thay đổi. Tại ngoại cảnh, nhận thấy cuộc biến đổi, mà giữa nhau tình huynh đệ không đồng. Nhưng dù đồng hay không đồng cũng nhắm vào mục đích trùng cơ lập pháp, hưng minh giáo lý, duy nhất Giáo Hội, thành lập giáo quyền.
Đường lên đương dốc nhọc nhằn
Gánh bao nhiệm vụ nặng oằn đôi vai
Qua truông còn khoảng xa dài
Tay nâng côn gậy tiếng còi túc lên
Khó khăn có một ngày nên
Tuổi tên mình tỏ, tuổi tên đạo ngời.
Biển trần lắm kẻ hụp bơi
Thuyền từ ta đến cứu người trầm luân.
Trong thời Khai Cơ Giáo Pháp, Ơn Trên tuyển dụng các Thiên Đồ Trung Bảo, vận chuyển vào cơ giáo hóa. Bước đầu xây dựng Hội Thánh Trung Tông Đạo đã được các Thiên Đồ vận dụng Dịch lý mở ra cho Hội Thánh những bài học thật đáng giá, để vừa học hiểu, vừa khép mình trong khảo hạch của nguyên lý thành trụ dị diệt.
Cơ giáo hóa và thử thách nầy đều do Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo nắm quyền dìu dẫn, vừa đỡ nâng vừa răn phạt trong ơn tận độ của Thầy. Tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 04-3 Mậu Tuất (Thứ Ba 22-4-1958), Đức Giáo Tông dạy:
Nếu không nhờ quyền pháp tận độ của buổi Tam Kỳ, không nhờ lòng từ bi cứu rỗi của Thầy, thì buổi hạ nguơn nầy chín mươi hai ức nguyên nhân trông đâu được phục hồi cựu vị? Thế giới nhơn loại dựa đâu mà tránh nạn xáo trộn tiêu vong?
Cho nên những Thiên ân chức vụ phải có tâm tu học, quý trọng Thiên vị quyền pháp của mình, cần có một tâm hồn thuần nhiên giải thoát. Người Thiên ân không nhiều nhưng phải tinh. Cùng đàn cơ trên, Đức Giáo Tông dạy:
Một nước loạn, một nhà trị; muôn người vô đạo, một người có đạo; là số ít để cứu chuộc số đông. Mầm lành nứt lên là cây lành sẽ có, bông lành quả lành thiếu chi. Giống lành bắt đó mà giâm cấy ngàn vườn muôn ruộng. Mặc dù đêm có tối, khắp năm châu mờ mịt cả đất trời. Ánh sáng vầng trăng đã lộ ra thì tăm tối đâu đâu cũng từ từ mà lặn khuất. Một cái nhỏ nhít đọ với cõi vô tận bao la, cũng thể mười phần hơn trội.
Bởi vậy quẻ Phục  tượng một hào dương. Dương còn lờ mờ dưới chót, thế mà một ngày nó nuốt cả năm âm. Cũng như đạo đức lúc còn yếu, người còn thưa, quyền thế bên ngoài lấn át, trăm ngàn miệng thế gian nhạo báng hoặc hăm he. Nhưng một ngày hoàn cảnh ổn định, thế giới ngừng chiến thì đạo đức lan truyền, không một con kiến lọt ngoài ổ tục. Tạo nên sự gì lợi hay hại là bởi lúc mầm non. Mầm quân tử thì phước quả thanh bình; mầm tiểu nhân thì ác quả oan oan tương báo.
Hôm nay Hội Thánh lâm vào một tình trạng nghèo khổ. Vì nghèo mà thiếu những phương tiện truyền đạo. Xét thế cũng chưa đúng, vì thiếu phương tiện mà thôi, chớ quyền pháp như nguồn mới bao la không ngừng nghỉ. Hễ làm tỏ sáng được bên ngoài thì bên trong càng thêm rực rỡ.
Phản phục kỳ Đạo. Đạo lúc ẩn lúc hiện, lúc mạnh mẽ như đanh, lúc dịu mềm như không khí. Hoa mùa xuân nở, mùa hạ tàn. Tàn xủ màu sắc hồng tía lòe loẹt bên ngoài để đoạn tuyệt bọn bướm ong lợi dụng, để rồi nứt nụ nở quả thay vào.
Giận một điều là lúc bông đẹp nhụy thơm thì bướm ong bu đậu, lấy hương nhặt phấn, làm mật làm tầng. Bông héo nhụy phai, nụ quả đơm lên ong còn cố tình chích cho trái non eo thối. Việc cũng buồn cười.
Nhưng sức phá thế mà cũng chưa làm hại được, vì cây còn xanh, rễ còn tươi, nhánh nhóc còn nhiều, mỗi mắt mỗi bông mỗi nụ. Ong đâu có đủ đếm trái chích vòng quanh. Thế thì trái được che dưới lá, đuợc núp trong tàn. Trái đó càng lớn, càng già, càng ươm đủ mùi ngon ngọt, ai cũng quý ưa.
Hạ trái chín vàng, thu trời mát mẻ, thâu nhặt đem về tàng trữ là lúc kết quả chi chung. Nói chi chung thì phải biết chi thỉ. Thỉ là lúc đầu. Lúc mùa đông tàn phá xác xơ, cây không còn một lá trên cành. Cành bị lá vặt xơ rơ như bó chổi xương cùn lốc. Thế mà cây vẫn bám vào khí đất, chịu đựng tháng ngày.
Đất lạnh cây cũng lạnh. Lạnh là tượng sự chết của buổi hạ nguơn. Đến một buổi ấm áp hiện ra là buổi Đông Chí. Một điểm ấm áp, muôn ngàn điểm lạnh. Thế mà ấm vẫn thắng hoàn toàn.
Cũng như tứ chi thân thể lạnh tê, chỉ còn một quả tim rộn rực thì cũng còn sống được. Rộn rực một chỗ sẽ chuyển máu nóng nhiều nơi. Rộn rực ấy là làn sóng điện truyền dương.
Cũng như Đông Chí, sơ Phục phát sinh, thì vạn vật cỏ hoa cũng nhờ sinh lực kia mà nứt tược đâm lộc kết đầy lá xanh. Đủ thấy bông đẹp quả ngon đều bởi ở dưới hàm ẩn tích tụ, bắt đầu từ mùa Đông chờ Xuân là phơi hương sắc. Thế thì hương sắc không phải đến Xuân mới có, mà đã chuẩn bị từ bao giờ.
Ngày Đạo thành, Hội Thánh mười phương duy nhứt, không phải đến đó mới phát. Không phải thế đâu. Ngày Đạo thành cũng cả một sự chuẩn bị đầy đủ ngay trong lúc bấy giờ hay trước nữa.
Đừng tưởng tằm hóa bướm liền. Tằm phải trải qua nhiều sự biến thay. Ăn một, ăn ba, ươm vàng lộn kén. Có một điều tằm chỉ ăn dâu nên tằm mới có tơ. Người được như tằm thì làm sao lộn kiếp luân hồi sanh tử trả quả.
Vì vậy đạo hữu cần nhớ kỹ cả một sự chuẩn bị lâu dài. Từ chỗ không tiếng tăm, không một người cho đến đông đúc, tên tuổi. Đạo quân kéo ra hành quân chiến trận đi đứng rập ràng, cử động nhất luật, hàng ngũ ngay thẳng, nghiêm trang. Không phải lúc được vậy là lúc ta mới thắng, mà sự thành hình của nó bởi công luyện tập rất nhiều, theo một kỷ luật, một mệnh lệnh, một quyền chỉ đạo tối cao.
Đạo hữu ta muốn được như thế cũng phải theo một kỷ luật, một mệnh lệnh, một quyền lãnh đạo tối cao. Người vào lính chẳng phải lương bổng mà còn vì Tổ Quốc, nhơn đạo. Người tu chẳng phải một phần thành Tiên, mà lo phần thành đạo chung cho Giáo Hội nữa.
Về việc Hành Chánh trong lúc nầy coi theo ý đó mà hành sự. Việc thay đổi, điều động, di dịch, tùy sự cần thiết và hoàn cảnh nhu cầu. Việc tổ chức đời sống để bảo dân dưỡng thiện là việc cần. Có mở mang ngày nay thì ngày mai mới có phần hưởng quả. Bây giờ đất không bừa cỏ, lên vồng, gieo hạt, cấp hom, thì mai mốt kia cây đâu có mà đòi hoa thơm quả ngọt. Thế là sức làm ở đạo hữu. Đạo hữu giác ngộ thì việc làm không mỏi, ngày làm không dài.
Tiếc vì hoàn cảnh Hội Thánh còn trong lúc buổi mai huyền hối.([11]) Nước xuống chưa lên, sức người mòn mỏi, tùy mỗi địa phận định đoạt. Có một điều nên nhớ, quẻ Phục là Đông Chí. Phục là một, một là đầu, thì Phước Thiện xây dựng sơ cấp bảo vệ quyền sống pháp tu cho mỗi họ đạo, thánh thất để toàn hảo sanh cơ bảo thọ.
Phổ Tế nên khích động nhơn sanh, coi quẻ Phục mà giáo hóa. Phục là sơ động nhứt dương. Nội quái Chấn. Chấn động mười phương là tiếng sấm vang chuyển sinh vạn vật. Chấn là lôi, lôi có nghĩa là tỉnh giác mà cũng có nghĩa nhắc nhở hay cũng có nghĩa răn đe, để chấn chỉnh lòng nguời, động viên nội bộ. Vì vậy Chấn ngoài Chấn trong mà thành Lâm  . Lâm để giao lâm quân tử, mưu toan Chỉnh Cơ Lập Pháp. Vì vậy mà không riêng cho mình. Cũng không ỷ lại hay phó mặc cho người. Vì hai dương ở dưới, dương ngoại dương nội cũng hàm nhứt dương là Phục, mà nội ngoại đều có, nên tạm gọi là Lâm. Phục thành Lâm là ngày nhứt trưởng đương hành quyền pháp (…).
Về việc Minh Tra là đạo tượng. Vì sao kêu tượng? Vì Hiệp Thiên Đài là Khí, Cửu Trùng Đài là Tinh. Tinh hóa hình, tượng hình giao nhau mà thành quái. Vì thế ở trong mà soát xét, mà cũng ở trong để bồi dưỡng, cũng ở trong mà tu chỉnh, ở trong mà xây dựng. Bông nhiều quả sai, cành lá đơm đặc, mập nhánh to cội, bởi do rễ bám vào đất mà hút lấy sinh lực của Khôn. Rễ ấy không ở trên đất như nhánh nhóc, mà phải ở dưới đất để giữ vững cho tàn đậm cây to. Ẩn trong lớp dưới, dưới là Đạo, là Hiệp Thiên Đài, là Minh Tra. Coi lấy đó mà tổ chức. Có một điều là giữ khỏi sùng ăn hay rễ đừng bám vào đá cứng mà ngọn phải đui.
Việc nữ phái coi theo bản lập vị Địa Thiên Thái mà xây dựng. Làm được việc đừng độc chiếm. Phải nhớ Khôn là nhu mà tùy thuận. Nên nhờ ở nam hành chánh để học hỏi cho đến ngày thành hình ra lệnh ban quyền pháp.
Việc tại Hội Thánh tùy sự tính đó cũng hợp ý với Bần Đạo. Công việc làm thu gọn nhiều chừng nào càng quý. Mục đích:
(1) Nuôi đức tin lòng tu giải thoát.
(2) Làm cho Thiên ân thấy rõ sứ mạng tồn vong, biết sự tồn vong cũng tương quan trách nhiệm. Vị nào hành chánh được ra hành đạo. Vị nào không đủ điều kiện hoặc bởi lý do nào thì xin nghỉ thời gian ở nhà tu tịnh, lúc cần Hội Thánh điều động. Vị nào ương ngạnh, Hội Thánh dùng quyền bảo vệ danh nghĩa chung.
Việc mở khóa đào tạo giáo sĩ, Bần Đạo muốn có ý kiến Chơn Khai. Vì ở trong thế khó mà người cũng khó, việc làm cũng khó. Bao nhiêu cái khó để trở thành cái khôn là việc hay. Chớ khó mà trở nên cái lỗi là đáng tiếc.
Nối tiếp phần Khai Cơ Giáo Pháp, đàn Tý thời ngày 19-3 Mậu Tuất (Thứ Tư 07-5-1958) tại Trung Hưng Bửu Tòa, Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Quan chiếu bản lai thoát khổ trần
Âm hình chế ngự hiện chơn thân
Bồ đoàn tịch tịnh vong phàm ý
Tát thị tiên thiên xuất nhập thần.
Bần Nữ chào chư Thiên ân phận sự.
Giờ nầy Bần Nữ nương bút có lời cùng chư Thiên ân công vụ.
Bước đạo mỗi ngày mỗi khó, người tu phải lo hết. Phát tâm Bồ Tát làm bao nhiêu điều lành. Nhẫn nhục trước hoàn cảnh khó khăn để dễ dàng tấn đạo. Nếu không để tâm hạ khí học hạnh từ bi thì cũng dễ bề cho ma lực dỗ dành mà bán đồ nhi phế trên đường công phu tu học.
Hôm nay Hội Thánh còn trong thời kỳ chỉnh đốn, phá hoại cái cũ kỹ, kiến tạo cái mới mẻ để xây dựng một tổ chức hoàn bị tân pháp, nên trông cả một sự ngổn ngang, phiền phức. Kẻ không nắm được chương trình thì trông vào thấy một đống rậm rạp lộn xộn, những cái mới cái cũ ngô nghê, biết đâu dựng lên hay hạ xuống. Ngó thấy phần triệt hạ kia tưởng cho là kiến thiết, phần tạo dựng lại nghĩ đó đương phá hoại nay mai. Cười…
Cơ mầu nhiệm, lẽ Đạo phi thuờng ai sao thấy được huyền cơ. Dù thánh đức cũng chưa đạt tận máy Trời, thì phàm phu sao cho thông hiểu. Bởi vậy người Thiên ân phận sự nên ân cần tu học, kinh sợ lẽ biến hóa nhiệm mầu. Đừng tưởng trí khôn công lớn mà dể dưng pháp Thần ý Thánh.
Hôm nay, ngày mai, giờ nầy, giờ sau, chưa phải là lâu. Trong phút chốc không kịp trở bàn tay thì thấy hai cảnh đời khác xa một trời một vực. Cái gì là thật, cái gì là hư? Một dãy thời gian chật khít như tràng hạt vô biên thế mà chốc lát không quá một giờ của pháp đạo. Nhà đây, đất ruộng, người vật đây, thế rồi biến đi trong một phút đồng hồ, thành cảnh hư không, thì có gì là thật. Bao nhiêu sự thật ở lòng mình, lúc ý tình yên lặng. Sự thật được mỗi ngày lớn mạnh, sáng tỏ như thân tâm thanh tịnh, vạn cảnh giai không. Cảnh còn màu mè rung động thì tình ý xao xuyến muốn ưa. Lửa tam muội rần rộ cháy lên thì sự thật phải vùi trong lò giả thân thiêu đốt.
Thế cho nên, dù có đoàn thể lớn, tổ chức to mà thiếu lòng đạo đức nơi trong, thiếu hạnh từ bi nơi mình, thì dù có to lớn đến đâu cũng bị đổ nát một cách dễ dàng mau lẹ. Có những đạt nhân thấy rõ cuộc đời, họ hủy bỏ danh sắc thân gia, tìm con đường giải thoát để gởi chí thanh cao, gội hồn trong trẻo, an vui mùi đạo tháng ngày.
Thế mà phần đông trong Giáo Hội ta từ Thiên ân đến đạo hữu, mang tên đạo đức mà chưa rõ đạo đức là gì. Rồi bảo thủ, đắp tô cái vỏ bề ngoài thô kệch, mỗi ngày càng chôn sâu bít kín lẽ thật, không được thông công cảm ứng cùng cơ mầu nhiệm.
Quyền đây, pháp đây, đạo đức đây. Đây là cái lòng yên tịnh không tịch huyền minh. Hay đây là hình sắc ảo hóa tạm thời của trò giả trá. Đạo đức gốc ở lòng. Lòng biết tu là lòng có quyền pháp. Tu mà còn cầu danh lập vị, tu ấy nô lệ cho ý tình. Tu mà không dứt bỏ lòng phàm thì mong gì đạt cơ đắc đạo.
Vậy Hội Thánh muốn tiến sang một bước nữa, thì việc tu không phải riêng gì cho các bậc Thiên ân, mà toàn đạo được hưởng chung mùi giáo pháp của thời kỳ tận độ. Để cho người người phát tâm giải thoát cầu lấy đạo đức thanh tịnh trường cửu vô biên, thì Hội Thánh phải lập tịnh đường, mở mang tịnh xá, lập ban tịnh, đặt người tịnh chủ trông nom. Đưa bậc Thiên ân tu nghiệm giảng minh Thiên Đạo. Mở rộng nẻo lành, thâu nạp các môn sinh có nguyện lực, có tâm hạnh để truyền đạo, điểm đạo, sau lấy số nầy mà ban phong hành pháp mở đạo.
Việc tịnh kỳ nầy là việc xây dựng hình thức Thiên ân. Các đàn cơ đã có nhiều bài chỉ điểm, coi đó mà tu. Có cần thì đến thăm và bổ túc các pháp môn hành giáo.
Về việc đào tạo giáo sĩ, Giáo Hội thấy cần phải có người thật tâm hướng đạo. Nhưng nhớ một điều là người giáo sĩ vì giác ngộ mà lập công, không phải người giáo sĩ là người thủ lãnh trong bầy ngồi trên địa vị. Nghĩa là việc giáo sĩ, không phải chức giáo sĩ, học để mua danh, đào tạo ra để làm loạn pháp.
Vậy mở khóa nầy, Bần Nữ cũng có ý như quý vị Thiên ân phải đủ người mô phạm hướng dẫn và theo đó rút kinh nghiệm bổ cứu khóa sau được hoàn bị hơn. Thời gian tùy đó ấn định. Nếu để trễ có phần khó khăn vì hoàn cảnh, việc mở mang đạo lý là cần. Nước mạnh tuôn ra lẽ cố nhiên có tiếng động để người lóng nghe mà tìm đến giải khát. Có xạ có hương, hương thơm bởi xạ, nhé!
Việc hành chánh cũng nên thăng bằng giữa sức người và tổ chức, giữa lòng người và việc làm, giữa cơ sở và nhơn sanh, giữa đạo pháp và thời vụ. Không cho lệch quyền mà lu pháp. Nên nhớ tạo tăng hơn tạo tự, câu nói đầu lưỡi của người hành giả.
Phước Thiện, Phổ Tế hai đầu gánh
Điểm thăng bằng Nội Chánh phải lo
Đừng nên kẻ duỗi người co
Đừng làm ngoài việc người cho là cần.
Thôi, việc đã dạy theo lời Giáo Tông từ 20 tháng 4 sẽ ban lịnh sắp đặt. Tổng quát nhiêu đó. Việc nào trở ngại thì thánh ý sẽ cho biết. Mong sự chỉnh đốn hàng ngũ Thiên ân là việc cần của thượng bán niên công tác.
Bần Nữ ban ơn.



([1]) Hai vạch liền 1, 2 (hào dương) từ dưới đếm lên.
([2]) Nội quái: Tức là quẻ Đoài nằm bên dưới.
([3]) Ngoại quái: Tức là quẻ Khôn nằm bên trên.
([4]) Vạch đứt thứ 3 (hào âm) từ dưới đếm lên.
([5]) Vạch đứt thứ 5 (hào âm) từ dưới đếm lên.
([6]) Quang (quan?) thức: Chưa rõ nghĩa.
([7]) Vạch đứt thứ 3 (hào âm) từ dưới đếm lên.
([8]) Trong sáu hào (vạch) của quẻ kép, các hào 1, 3, 5 là dương vị; các hào 2, 4, 6 là âm vị. Hào dương (vạch liền) ở vào dương vị và hào âm (vạch đứt) ở vào âm vị thì gọi là đắc trung (đắc chánh). Hào dương ở vào âm vị, hào âm ở vào dương vị thì gọi là thất chánh. Trong quẻ Lâm nói trên, hào cửu nhị (hào hai dương, vạch liền thứ 2 từ dưới đếm lên) ở vào âm vị (hào 2) nên gọi là thất chánh.
([9]) Quẻ Thái gồm nội quái là Càn (ba hào dương), ngoại quái là quẻ Khôn (ba hào âm) cân đối nhau, cho nên gọi là “nội ngoại tương tề”.
([10]) Các từ tiềm, hiện, phi, kiến đại nhân là nhắc tới hào từ quẻ Thuần Càn: Tiềm long vật dụng (hào sơ cửu); Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân (hào cửu nhị); Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân (hào cửu ngũ).
([11]) Ngày 8 hoặc 9 mỗi tháng âm lịch, mặt trăng hình vòng cung, gọi là thượng huyền. Ngày 22 hoặc 23 mỗi tháng âm lịch, mặt trăng hình vòng cung, gọi là hạ huyền. Ngày cuối tháng âm lịch gọi là hối.

PHẠM VĂN LIÊM