Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

XI. CHUỘC LẠI SỨ MẠNG (Sự Nghiệp Trung Hưng / Phạm Văn Liêm)



XI. CHUỘC LẠI SỨ MẠNG
Lời Đức Đại Giác Kim Tiên: “Bản Thánh khuyên các hiền gắng mà làm được con người cho chánh pháp trung hưng. Gắng mà làm xong những trang sử đạo đang còn lỡ dở.”
Chánh pháp trung hưng là của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Đức Chí Tôn trao cho dân tộc Việt Nam gồm có nội giáo tâm truyền và ngoại giáo công truyền. Như vậy làm được con người cho chánh pháp trung hưng là làm một môn đồ đắc được cả công truyền và tâm truyền. Con người đó là công vụ sứ đồ mà Đức Chí Tôn đã đặt để vào hàng Thiên ân Trung Tông Đạo Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.
Thiên ân công vụ sứ đồ Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài được Thầy trao cho sứ mạng trung hưng tức là công cuộc hoàn tất chánh pháp bằng việc quy nhất công truyền và tâm truyền. Nói cách khác là đưa dắt nhân sinh từ phương tiện đến cứu cánh bằng cách hành đạo và tịnh luyện đi đôi. Về hành đạo thì Hội Thánh tạm đạt thành nhưng về tịnh luyện thì chỉ mới “luyện châu là cái bước đầu”. Vậy là còn lỡ dở, cho nên Đức Đại Giác Kim Tiên bảo: “Gắng mà làm xong những trang sử đạo đang lỡ dở.” Trang sử đạo lỡ dở đây có thể chung cả nền Đại Đạo chứ không riêng gì Hội Thánh Truyền giáo Cao Đài. Đức Kim Tiên cũng bảo rằng làm được là có lòng định hướng. Hướng định của các vị Thiên ân ở đây đã có sự vận chuyển thọ pháp vô vi Tam Thanh mà Đức Chí Tôn đã trao cho Đức Ngô từ hội Canh Thân.
Trong khi các vị Thiên ân ở nhà tịnh chí chăm theo hướng tịnh định, có sự dẫn dắt của Ơn Trên, quyết chí gầy dựng cơ sở bí pháp tâm truyền thì các Thiên ân ở Hội Thánh lo mở mang Giáo Hội theo hướng công truyền, đẩy mạnh mặt văn hóa xã hội. Ngọc Giáo Hữu Trương Sư Xuyên được đặc trách mở trung tiểu học Hưng Đạo tại Tam Kỳ. Ngọc Lễ Sanh Trần Phước lo lập đồn điền cao su tại Phước Long. Ngọc Giáo Hữu Mai Dinh và nhiều cộng sự đi Ban Mê Thuột và Bình Tuy tìm đất di cư cho đạo hữu miền Trung. Quyền Giáo Hữu Đỗ Thanh đặc trách thành lập khu khẩn hoang tại Đắc Lắc theo chương trình dinh điền của nhà nước. Hội Thánh cho tục bản nguyệt san Nhân Sinh, tòa soạn đặt tại Trung Hưng Bửu Tòa và do Giáo Hữu Ngọc Dinh Thanh phụ trách. Tại Bình Định, Hội Thánh cho dời văn phòng Tỉnh Đạo từ Phù Cát về Quy Nhơn, xây cất ngôi Tam Đài thánh đường Bình Định ở đường Hàm Nghi (khu 6, nay là số 55 Hàm Nghi).
Như loài hoa dạ lan lặng lẽ, các vị ở Tịnh Đường âm thầm tinh nghiêm trong trúc cơ bá nhựt. Họ luôn đặt thân tâm trong từng thời khắc công phu, hướng lòng cầu điển pháp thiêng liêng qua các kỳ đàn do đồng tử Liên Hoa thủ cơ.
Tịnh Đường, đàn ngày 27-02 Nhâm Dần (01-4-1962):
THI
LỮ hành chờ đợi, đợi chờ ai
ĐỒNG sức nhau lên gắng lấy nào
TÂN pháp khác không phần cổ pháp
GIÁNG thăng rõ được mới là cao.
Lão Tổ chào chư hiền sĩ. Giờ nầy Lão Tổ đi qua, nghe tiếng cầu mời Tiên Phật. Lão ghé lại để ít lời, gọi là chút công quả khải mông về đường pháp đạo.
BÀI
Trước sứ mạng vô cùng cấp thiết
Giữa nguy cơ khốc liệt lắm rồi
Phương chi cứu vãn tài bồi
Để cho nhân loại đứng ngồi được yên?
Ngày thế giới thất điên bát đảo      
Buổi Đạo Trời tái tạo hồi sinh
Từ lâu quyền pháp nơi mình
Thầy ban để thiết hòa bình nơi nơi
Cũng trách cho lòng người xuôi ngược
Cũng buồn cho vận nước truân chiên
Hóa nên chánh pháp chinh nghiêng
Chia manh xẻ mún đảo huyền mà lo
Bây giờ đây ai trò đạo đức
Bây giờ đây ai thực lòng tu
Giờ đây ai vẹt mây mù
Giờ đây ai gắng công phu hoàn thành?
Ai là người quên mình vì Đạo
Ai là người hoàn hảo vô tư
Để toan lái chiếc thuyền từ
Đưa người lỡ bước bây chừ ngẩn ngơ?
Nền Đạo mới trong cơ khảo thí
Kẻ Thiên ân thiếu chí mờ tâm
Gây nên muôn sự lỗi lầm
Con đường tận độ tối tăm mịt mờ
Nếu lần nầy trong cơ chọn lựa
Mà không lo lời hứa trọn lòng
Cõi Trời đường Thánh khó mong
Mà còn hình phạt giống dòng điêu linh.
Thôi Lão có mấy lời khuyên các hiền sĩ cố gắng lấy công phu học đạo. Tâm được thuần chơn thanh tịnh thì ơn phước sẽ đến, làm cho con người tu có một sự cảm thấu sứ mạng mà đặt lòng đảm đương, đặt phần bảo đảm.
Bây giờ quyền pháp của cơ cứu chuộc lần nầy, Thầy để dành mà trao cho con người đã chứng ngộ đạo pháp bằng công phu khắc kỷ phục lễ, bằng sự xả thân cầu đạo, thì cơ tái lập sứ mạng mới hoàn toàn.
Vậy bây giờ đây các hiền cốt nhất là đặt mình vào ở công phu luyện tập con người. Luyện tập cái ý cái tình cho chính đoan. Có thế, tương lai nhân loại mới trông tựa vào mình.
Vậy tóm lại như vầy:
Khoan tính đừng lo chớ nghĩ dông
Nghĩ lo tính chuyện hóa bao đồng
Dẫu hơn thiên hạ đâu là Thánh
Sao được dẫn đầu để hóa mông
Hóa mông ta phải trước tu hành
Để được Trời người, được chứng minh
Lòng đã không không lòng Tạo Hóa
Bao dung tế độ dẫn quần linh
Linh đơn là thuốc rất nhiệm mầu
Thuốc ấy nơi mình chớ ở đâu
Do bởi công phu cầu giải thoát
Khi thành đem cứu khắp hoàn cầu
Hoàn cầu khốn đốn đợi chờ ai
Chẳng phải trí mưu chẳng phải tài
Giải cứu nạn đời nhờ pháp đạo
Ở người đắc chứng chỗ Tiên thai
Thôi Lão xin kiếu.
Có Trần Nguyên Chất đến chỉ đạo.
TIẾP ĐIỂN
Chào chư hiền đệ.
THI
Đoái lại người xưa, nhớ cảnh xưa
Sao sao lòng Lão hóa không vừa
Công kia việc nọ buồn cho Đạo
Trông cảnh tang thương có thảm chưa?
Giờ nầy Bản Quân đến cùng các hiền đệ là muốn đặt lại vấn đề lo toan để chuộc lại sứ mạng trung hưng. Cần phải lấy sự giác ngộ làm yếu tố, lấy sự công phu giải thoát để bảo đảm cho mọi sự giao ước với Trời và người sau nầy. Ai là người giác ngộ để làm của chuộc? Ai là người giải thoát để bảo đảm sự nghiệp sau nầy? Chư Thiên Đồ chúng tôi nơi vô hình hết sức để lòng cầu xin, để lòng vận chuyển, cùng nhau lân mẫn phò trì. Dầu sự nghiệp không được vẻ vang bao trùm, cũng để đóng góp một vài công phu vào trang sử đạo.
Sứ mạng Đạo Trời lần ba có bổn phận đến thế gian làm cho loài người được sống, cõi đời được tươi, mọi điều mọi sự đã có cũng đều được mới.
Sứ mạng ấy cao cả biết bao! Song hiện nay người Thiên ân gánh lấy phần sứ mạng đó thiếu quyền pháp, thiếu công phu giải thoát, thiếu giác ngộ ở lòng, nên hóa ra bước đạo dùn thẳng quanh co, nội tình lắm điều chống trái, mờ tối, tai tiếng bay ra, cơ phổ độ không còn tác dụng.
Sứ mạng lớn lao kia nếu không phải ở Trời, thì làm sao đủ sức bao dung, đủ lòng hóa độ. Trời đã chia cho người một phần trọng hệ trong sứ mạng đó, để giữa Trời và người có một khối huyền đồng duy nhất, làm cơ động tịnh, khai hội thăng bình.
Người cũng có quyền, song quyền ấy không vượt ngoài phạm vi quyền pháp đã quy định nơi kinh luật. Người không vượt khỏi phạm vi quyền pháp là người phục thiện, tháp tùng về đạo. Người đó là lương sanh. Thầy mượn lương sanh mà dìu dắt quần sanh, thì lương sanh là hàng Thiên ân lãnh đạo. Người lãnh đạo phải được chứng đạo, thấu biết cơ động tịnh của Trời.
Người Thiên ân là tinh ba trong đám nhơn sanh, là người giác ngộ, lúc nào cũng ân cần giải thoát. Nên lãnh đạo nhơn sanh là nhơn sanh trông cậy, nhơn sanh nương nhờ.
Tình ý trên Hội Thánh, dưới nhơn sanh có một nồng nàn thân thiết. Hàng trên là Thánh, luôn luôn minh lãng vô tư, lòng lúc nào cũng chứa chan sự thương đời mến đạo, làm đường cho nhơn loại vượt qua, làm gương cho muôn người soi vào. Hàng dưới là hàng phàm tục, nương cậy ở trên, trông về người trên, vâng nghe mọi việc để được giải thoát, để được ơn cứu độ của Trời.
Ơn cứu độ của Trời, Trời phó nơi người Thiên ân là quyền pháp. Thánh ý ban cho người Thiên ân là lời ngọc tiếng châu. Nên người Thiên ân lấy làm quan trọng.
Đạo hư nên bởi đó. Cứu hay không cứu ở chỗ nầy. Vì vậy Thầy mới chia mục đích làm hai phần. Phần đưa, phần rước. Cứu người qua từng giai đoạn công phu. Trong chức phẩm thiêng liêng từ dưới lên trên có một quy trình sắp xếp công phu tu học một cách hoàn toàn công minh, đều do người giác ngộ để giải thoát. Cao thấp không do Thiêng Liêng hay hữu hình ban cho, mà tự mỗi người lo lập vị. Vị cao thì đức rộng, trí huệ càng nhiều.
Nên một chức sắc chia giữ một địa phận nào, làm một việc nào, không phòng lo ngại như các quan viên ngoài đời, lòng còn vô minh, danh lợi.
Công phu tu học chương trình tận độ, từ lúc nhập môn đến kỳ nhập thất. Qua thời nhập diệu để chứng vô sanh, để làm chơn Hiền chơn Thánh.
Người tin đạo lúc nhập môn được Thầy mở trường công quả, để tranh lấy pháp thí xả mà diệt tham dục, mở lòng bác ái mà sống cùng trời đất chúng sanh. Khi công dày tội hết, mầm Thánh Hiền đã mọc nơi tâm là điều háo nhân lợi nghĩa. Người đạo mới có chút hữu minh, có tình bác ái. Không tham không nhiễm mới mong giải thoát cầu đạo vô vi. Đó là thời kỳ xuất thế. Xuất thế là để tìm phương cứu thế.
Kỳ nhập thất không luận Thiên ân hay đạo hữu. Song về Thiên ân quyền pháp đã buộc là từ hàng Giáo Hữu trở lên đều phải được làm người xuất thế cầu học Thiên đạo.
Kỳ nhập thất phải trải qua một thời kỳ công phu, hoặc lâu hay mau là do căn trí của người đó mà chứng được quả đạo, gọi là nhập diệu. Có nhập diệu thì tâm mới minh, thân mới tịnh, tà chánh không lầm, thấu được lòng người thông qua Thánh ý.
Người Thiên ân hướng đạo được như thế thì quyền pháp mới tác dụng, Giáo Hội mới sâu rộng lâu dài. Nên sứ mạng trung hưng được kết cấu các nguyên nhân, các yếu lý và các tinh ba để làm thành mười hai chương pháp đạo, luôn phân hư thiệt, chỉ nẻo chánh tà. Dẫn lại lịch sử khai giáo, nguyên ủy có các phái chi, rồi cho thấy tướng pháp là gì, tân pháp là gì, cần được nhiếp lại hay phải chia đôi, để cho thấy chơn truyền cứu thế của Cao Đài. Tuy nói là tả chi hữu dực nhưng mà thể dụng đồng nhất bất phân.
Với sự nghiệp nầy, nhơn sanh đã cùng nhau hết lòng đóng góp bằng công phu công quả. Ai cũng mong xây đắp cho tương lai một nền pháp đạo.
Thầy thấy lòng giác ngộ của toàn đạo nơi nầy mà ban cho một Hội Thánh để được ngang hàng cùng các giáo phái, đặng có đủ điều kiện đi lại kết tình huynh đệ đại đồng, nối mối thân hòa, mở đường duy nhất.
Sứ mạng đã về, quyền pháp đã ban. Hễ ai có đức có công thì được dự vào hàng chức sắc. Song than ôi! Quyền mới ban, pháp mới lập mà nội bộ lấy sau làm trước, quên đạo vì thân, ỷ ngôi cao thế đủ, lòng thêm kiêu ngạo, không bình tĩnh cầu chỗ chơn lý sứ mạng. Thấy mình có quyền và trí khôn ít nhiều đã lội qua sách vở. Ưng thuyết nầy thuyết nọ, ngó thuyết kia. Nên Hội Thánh Trung Tông không được duy nhất tổ chức. Sứ mạng bị thu hồi, các Thánh đều sững sờ. Bất ngờ việc làm muốn gần thành công, lại bởi một vài lý do thù ghét cá nhân mà làm hư cả một cơ đồ vận mạng.
Bây giờ trong Hội Thánh, một số người là các hiền đệ đây biết ăn năn sám hối, biết cầu giác ngộ để giải thoát quần dân, biết dọn mình nối lại thông công, biết khắc kỷ cầu tu, cầu đạo vô vi độ đời hữu tướng. Chư Thánh Thiên Đồ hy vọng đặt sự hộ trì và mong mỏi ở các hiền đệ lấy thân mà gánh đạo. Đừng mượn đạo tạo đời. Dấu chân của các bậc hướng đạo đã qua còn in đó sờ sờ. Biết bao người hư hỏng vì cậy mình tài trí, nhác tu biếng học, quy giới sơ sài, khác chi thầy mù dắt cả bầy đui, biết đâu là bờ bến.
Nên muốn cáng đáng việc đời, đảm đương việc đạo, ta nên cẩn thận lấy ta. Nếu chưa phải sáng suốt hơn ai, đức còn bạc, hạnh còn thô, thì có giúp đạo gánh đời cũng là gây thêm phần rối loạn.
Thôi đồng nhọc, các đệ giữ lấy tinh thần. Bản Quân xin tạm lui.
Kể từ ngày một số Thiên ân hướng đạo hướng về tịnh luyện đã “ra riêng” nơi nhà tịnh. Rồi theo ý của Thiêng Liêng, các vị vào thọ pháp Chiếu Minh tại đàn Chợ Lớn, lòng họ luôn cầu mong được Ơn Trên dìu dẫn hợp theo sứ mạng của người công vụ sứ đồ. Cho nên các vị luôn nối nguồn thông công để dò Thánh ý. Điều mà các vị mong mỏi là được Đức Lý Giáo Tông ban ơn quyền pháp, nhưng mãi cầu mà Ngài vẫn vắng bặt. Sau khi thọ pháp ở đàn Chợ Lớn về, các kỳ lập đàn, các vị lại cầu mong Đức Ngô Tôn Sư giáng lâm huấn đạo mà vẫn chưa được thỏa nguyện. Nhân ngày lễ thành đạo của Người, các vị lập đàn khẩn cầu và được chứng chiếu.
Tịnh Đường, đàn ngày 13-3 Nhâm Dần (17-4-1962):
THI
NGÔ đàn tiếp độ khách nguyên căn
CAO cả ai người rõ giáng thăng
TIÊN Phật muốn thành lo giải thoát
Mừng vui đạo pháp mỗi ngày tăng.
Chào mừng chư đệ tử. Giờ nầy Bần Đạo được vui mừng chứng thấu lòng thành của toàn đạo đó đây chung trong ngày kỷ niệm.
Ngày nầy Bần Đạo hằng năm mở kỳ ân tứ cho mười phương quốc độ, nâng cao quyền pháp cho cả môn sanh, đặt lòng cầu xin Cha Trời một đức háo sanh ban kỳ đại xá.
Chư môn đệ nơi nầy cũng như mọi đàn tu trong Tông nội giáo, gắng để lòng sớm tu lấy công phu, công quả để cầu chứng diệu giác viên minh. Trên nấc thang cửu phẩm thiêng liêng, có Bần Đạo đưa tay luôn luôn dìu dẫn.
Bần Đạo đặt tin tưởng ở bao nhiêu cố gắng của các trò. Tuy đã biết muôn dặm tiền trình, các trò còn phải trải qua nhiều quãng đường hiểm nguy khó nhọc. Sự khó nhọc mà chẳng nản lòng. Đó cũng là một sự ban ơn. Phần thưởng xứng đáng kia nếu không phải người có trí tuệ quang năng, ý chí mạnh mẽ, tinh thần dồi dào, lòng đại bi đại hùng làm sao mà được lãnh.
Thầy đâu muốn hành khổ các con chịu vất vả trăm đường, đắng cay nhiều nỗi. Song không lấy gai lể gai, mượn khổ mà giải khổ, thì chừng nào trò mới hết nợ oan trái tiền khiên?
Hôm nay Bần Đạo không cần lấy lời an ủi nhủ khuyên, mượn điều khuyến dỗ, mà nói thẳng cùng các trò. Các trò phải quyết dứt sạch danh lợi thế tình, một lòng giải thoát mà cầu lấy đạo trường sanh. Cầu lấy chứng nhập diệt. Cầu được cái tâm vô thường bồ đề. Cầu ở nơi tu chứng cùng với Trời đồng nhất, sống trong lẽ thật tự do, đạt cho thấu đạo pháp Thiên cơ. Chừng đó sẽ tính bề mở đường tận độ. Chớ các trò còn cầu đó mến đây, thân có một mong gì được trọn. Hẳn ta nên dứt khoát đi, thì tâm mới vắng lặng trong sáng như nước tịnh bình. Nếu còn bận nghĩ nặng lo, pháp thanh tịnh nương đâu mà chứng? Bởi vậy, người tu từ trước đến bây giờ, nếu không phải nguyên căn thì khó thành quả đạo.
Lòng giải thoát của người cầu đạo, đều nghĩ những cái gì đồng chung cùng với bản thân, hoặc con hoặc vợ, hoặc của tiền ruộng trâu. Cái nầy cái nọ đều là huyễn hóa nghiệp oan. Nên lắm lúc cần hy sinh đến tánh mạng, cũng vui lòng. Tình nghĩa lợi danh cái gì? Cái gì mà không thí xá! Vợ còn cho, con cũng đoạn, còn có cái gì mà còn để bám theo mình? Lòng thí xá để khử diệt tánh tham. Học thanh tịnh để trừ sân mê vọng loạn. Sao không soi gương trước, không học người xưa, mà tiến bước men chân về cùng Tiên Phật, lại cứ bo bo tranh chấp việc thị việc phi.
Tất cả những giống hữu hình ở khắp đó đây, đều có một sự trông nom, một sự định sẵn. Không để ai chịu thiệt thòi, phải cam tẻ lạnh, mà ở đâu vào đó đều sắp đặt an bài. Các trò cũng trong số hữu tướng đương sanh. Một cá nhân đang cầu tiến, đang quay mình trở lại với quyền pháp nước Trời; đang đứng lên hô hào trong đám mê man cùng mình tỉnh cơn giả mộng; đang loay hoay tìm những bạn đồng đức đồng tính; đang quanh quẩn nghĩ một phương gì để giải vây cho nhân quần ra vòng tội ác; đang cầu ông tài bà trí, nhờ thuật cậy quyền. Song đối với công lệ nhân quả xoay tròn, chưa dễ lấy sức người mà phóng xá được người. Người trong đó trông vào trò, vì trò thương mà lo, vì trò thân mà tính. Tính lo như vậy bởi một niệm lành. Đó là vốn liếng của mình nên bây giờ bị kẻ cướp đi là không nguội tịnh. Mất một nhóm người, nhiêu đấy chưa quan hệ cho bằng mất một người giác ngộ nên Hiền. Một người đã đắc đạo thành Tiên thì bốn biển cũng đều nương nhờ mà sạch lòng tội lỗi.
Sứ mạng gì mà mong, quyền pháp gì mà mơ. Nếu công vụ sứ đồ còn ẩn náu, làm sao đem lại an ủi hòa bình cho ai? Nên các trò gắng tu. Đặt mạnh mẽ trong công phu khắc kỷ giải thoát, trong công phu luyện thuốc nấu đơn. Ngày được nên rồi sẽ thấy sứ mạng ở mình mà mình thiết tha cứu độ. Quyền pháp ở trong lòng đầy đủ hiện ra muôn vẻ oai nghi, sắc mặt vui tươi, con người mẫn cán. Lòng ai không mến mà noi giữ lối bước nước đi. Quyền pháp đó mới linh thiêng, mới cảm hóa cả đám mê trở về lòng giác ngộ.
Đây, Bần Đạo nói cho các trò biết rằng lâu mau cũng có ngày hiệp lại. Đường tu tùy đó mà dìu dẫn bạn đồng hành. Công việc gay gắt mỗi ngày đến cho các trò cũng là một dịp thử lòng vàng đá thấp cao. Một dịp nữa là để tỏ tấm lòng thành tự giác, giác tha để cho Thầy và nhân sanh định phần công quả. Về công vụ Thiêng Liêng đã giao phó cho là một phần thưởng trong công việc xây dựng cho tương lai sứ mạng phục hồi. Song trong mọi cố gắng của mình và bạn đồng minh chí hướng, chẳng may chưa sớm được huy hoàng, hoặc gặp phải trở ngại khó khăn mà bị tổn phí nhiều công phu, việc còn lỡ dở cũng đừng lấy đó làm phiền. Hoặc một ngày gần đây, có sự điều đình giữa đôi bên để trở nên một quyền pháp thì tùy đó. Song cũng giữ lời hồng thệ mà tu, giữ lấy cơ sở nầy mà học.
BÀI
Trò đời giải thoát cầu tu
Thiệt thòi nhẫn nhục giả ngu mới thành
Nghe Thầy mới được trọn lành
Cãi Thầy phải chịu cam chanh suốt đời.
Nghe Thầy thì được về trời
Cãi Thầy sanh tử luân hồi chẳng thôi
Nghe Thầy muôn sự cho thôi
Để thân thanh tịnh mà ngồi công phu.
Ngày nay biếng nhác không tu
Làm sao mong mỏi cứu nhau hội nầy
Đặt lòng tin tưởng ở Thầy
Bao nhiêu tai họa như mây tan dần.
Phước che đức chở gắng công trình
Huệ kiếm sẵn cầm đoạn tử sinh
Đàn nội trông về lòng tẻ lạnh
Nhớ lời Thầy dạy phải đinh ninh.
Đinh ninh giữ một lòng tu
Giữ còn giao ước công phu mới thành
Giữ sao em chị cho lành
Cho lòng giải thoát thép đanh trọn thề.
Cùng nhau trên dưới đề huề
Giữ còn quyền pháp mà về với Cha
Từ lâu Thầy đã thiết tha
Dặn dò những lúc quanh co bây giờ.
Đàn Tiên cạn điển vắng cơ
Nương đâu để được cậy nhờ chở che
Bây giờ ai phái ai phe
Phái phe chừ phải biết nghe bên nào.
Lòng trò ngơ ngẩn xôn xao
Trông ra chồng chất, ngó vào ngổn ngang.
Bây giờ thế phải tự toan
Khai thông cho được con đàng mà đi.
Lòng trò đừng ngại đừng nghi
Vô vi là pháp, vô vi là Thầy
Vô vi mới được vui vầy
Vô vi trông đó đủ đầy huyền cơ.
Nếu lòng thế tục không mơ
Trọn tâm giải thoát đón cơ nhiệm mầu
Lo tu thì được chục chầu
Không tu sao thấy được đầu được đuôi.
Thuyền từ thả mặc ngược xuôi
Đến khi trở lại ôi thôi nhọc nhằn
Lời Thầy trò gắng mà phăng
Mặc lòng để nhuộm trắng đen tự tình.
Quyết lòng còn cậy Thánh Linh
Thánh Linh ban phép hoàn sinh cho trò
Bằng lòng thối thác biếng lo
Thế gian để mặc tự do lấy lòng.
Sống còn trong cảnh long đong
Trông cơ họa phước chập chồng chẳng yên
Trò Tiên cậy có phép Tiên
Chẳng ai mượn thế cậy quyền được đâu.
Muốn cho biết lẽ nhiệm mầu
Chuyển đi cơ Tạo mới hầu nên danh
Khuyên ai chí kỉnh chí thành
Lặng lòng sẽ thấy ơn Xanh hội nầy.
Nầy các trò ơi gắng giữ lời
Dinh hư, tán tụ mấy nhiêu hơi
Gác qua sự thế lo tu gọn
Mới được an vui thấy nước trời.
Trời Phật hằng lo cứu nạn đời
THI ân bố phước khắp nơi nơi
SINH dân là ở lòng nhân thiện
CƯ tọa đơn tâm biết ý Trời.
Trời không muốn thấy khổ nơi người
ĐÁNG để người người được tốt tươi
TOÀN cả trông về ngôi tận độ
Vạn duyên sạch trọn, đức bày phơi.
Về việc cơ đàn dạy cho trung hưng chánh pháp tưởng phải tạm một nơi khác hoặc thánh thất, thánh đường hoặc tư gia, tư thự để tiện bề chư Phật Thánh diễn giáo, phân bổ công vụ hành trình.
Việc Thầy cho lệnh trước thì các trò cần sắp xếp để tạm thời cho Liên Hoa được an dưỡng, tránh bớt sự khảo thí. Chừng đó sẽ cùng nhau mà hòa hiệp bước đời, chung cùng sứ mạng. Còn đàn tịnh mà dạy về phần động ví cũng trái quyền pháp, mất nhiều thời giờ của các trò mà trên sự bổ khuyết pháp môn cũng khó bề giáo hóa.
Vậy các trò nhớ mà tuân theo. Đàn cơ nơi đây chỉ dùng vào hai việc. Một là duyệt phần công phu. Hai là giáo pháp phần siêu hình thiên đạo.
Thôi chào các đệ tử. Bần Đạo ban ơn và gởi ơn cùng toàn đạo.
Tuy không hoàn toàn “kín ngoài rồi lại kín trong” nhưng các vị ở giai đoạn một trăm ngày tu cơ bản vẫn giữ thế im lặng theo hạnh tu vô vi bí pháp, đồng thời cố gắng duy trì việc thông công để nghe Ơn Trên chỉ giáo. Riêng Tiếp Cơ Quân Liên Hoa thì muốn tạm nghỉ việc lập đàn để tránh sự công kích, nhưng các vị không dám đi ngoài Thánh ý nên vẫn quyết lập đàn liên tục, nhất là đã đến thời điểm đủ bá nhựt trúc cơ.
Giáng đàn giờ Tý ngày 01-4 Nhâm Dần (04-5-1962), Đức Ngô Cao Tiên ban cho bài thơ lục bát dạy về đường tu, hạnh tu… và đề cập kỳ bá nhựt của các vị:
Trò đừng lấy ý so cân
Ý người nào rõ xa gần nên hư
Rằng sao cho ý vô tư
Cho thân giải thoát an cư ở Thầy
(…)
Lo tu dìu bạn đồng tình
Mượn đôi phép tắc giữ gìn cho nhau
Chung quanh còn có biết bao
Chờ trông đón đợi ngày nào trò nên
Nên nền nên móng ở công lo
Lo đắp lo xây vững chắc trò
Bá nhựt công phu ơn chứa chất
Tiến lên kiến thiết bửu tòa cho
(…)
Công phu bá nhựt được rồi
Ba năm tám tháng cũng bồi theo đây
Miễn sao trò sống trong Thầy
Vị lai quá khứ đủ đầy biết bao
(…)
Gần đây cơ đạo rối răm
Các trò thanh tịnh tu chăm lấy lòng
Lấy lòng thanh tịnh trắng trong
Bao dung che chở ngoài trong đồng bào
Thi hành đạo đức giúp nhau
Để cho kẻ trước người sau một đường
Trên Thầy chan chứa tình thương
Dưới trò trì chí đảm đương hội nầy.
Việc xin bá nhựt vẫn còn dùng dằng chưa quyết nên một tuần sau, các vị lập đàn tại Tịnh Đường ngày 08-4 Nhâm Dần (11-5-1962):
THI
GIÁC ngộ làm Tiên chẳng khó gì
MINH tâm kiến tánh thấy vô vi
KIM Bàn mở hội chờ ta đấy
TIÊN Phật muốn thành cố gắng đi.
Chào chư hiền hữu đạo tràng.
Giờ nầy Bản Giác ghé về đây với một hoài bão từ lâu trông thấy một ngày Đạo Trời được mở mang với một tinh thần rộng rãi, để hầu đón độ nguyên căn còn nằm bên kia hàng rào nhơn ngã, còn ở trong thành kiến dị đồng. Nếu không đập phá những bức tường kiên cố mà lòng vị kỷ của loài người đã xây đắp, thì bao giờ cho nhơn loại gặp nhau? Chừng nào mới thực hiện chữ từ bi, bác ái, bình đẳng, đại đồng? Nhơn loại chưa giác ngộ đến chỗ quán triệt nhứt thể huyền đồng thì dầu cho nói văn minh khoa học tiến bộ, dầu cho nói tôn giáo phát triển mạnh mẽ cũng là thay sắc đổi màu của sự trá hình, thời cổ sơ sống lại.
Thế giới loài người hiện nay cần một tôn giáo dung hòa, trong đủ lẽ sống tình thương và sự thật để mở một kỷ nguyên đời mới. Ai cũng được che chở trong bàn tay quyền pháp tối thượng đại từ của Chí Tôn. Nhơn loại chờ đợi trông mong, ước vọng mãi mãi ở lòng tin phải có một Thần Lẽ Thật ở nơi thế giới bên ngoài đến đây mới mong hồi sinh cho bốn biển, chấm dứt được sự tranh giành ghen ghét ở thế gian.
Nếu không bởi Người, thì trên mặt địa cầu nầy còn có ai để cho nhơn loại trút được nỗi lòng, nhận lời an ủi mà vui sống với số mạng con người? Vì ai ai hiện nay cũng đều nằm trên vỉ, trong lò lửa, sức nóng mỗi lúc càng lên cao. Mặc dù phải khổ phải đau đớn nhiều đường, song cũng tin tưởng Thần Lẽ Thật sắp sang qua nơi cõi tội lỗi, để cứu khổ cho muôn loài, đem sự công bình cho dân cho nước.
Ngoài Người ra thì ai ai cũng mang đầy nơi lòng những gươm đao, kế độc, mưu thâm để toan sát hại. Dầu cho người tôn giáo cũng không tránh được. Mỗi hơi thở cũng khạc ra những ngã chấp, thị phi đầy dẫy trên từng cao hơn của thế tình. Một sự chớp nhoáng, gầm thét đủ sự bất chính bất hòa. Nói đạo kém đạo hơn, đây chánh đó tà, thì bảo sao không giục lòng nhau thêm sóng gió? Song những người của thần rẽ chia, của thần nhỏ hẹp quá mùa. Đã đành có giọng chua ngoa, có lời khiêu khích, có lòng vị kỷ, đố hiền tật năng, thì cũng chẳng nói làm gì.
Ngặt đám môn đồ của Thần sắp đến – Thần Lẽ Thật – sẽ thực hiện quyền pháp của mình, mà làm cho đâu đó không còn ranh giới rẽ riêng, không thấy bất bình oan khúc. Đường lối rộng lớn, việc định mênh mông, chương trình không tiền khoáng hậu. Thế mà các trò đương thay Người mà giữ mỗi địa phận, làm một việc quyền pháp của Người, mà cũng chưa gột sạch những phàm tình, không ứng thời hợp sự, không xô đập những thành trì ranh giới giữa loài người, không lấp bằng các hố chia rẽ giữa nhau trên mặt đất, mà lại còn tô phết cho dày, đào vét thêm sâu, thì có phải là trái với Đạo Huỳnh của Thần Lẽ Thật đó chăng?
Đây cũng vậy. Một mối đạo do bởi nơi Trời mà ra, song đến cõi nầy lại có nhiều sự rẽ riêng, nhiều nơi phát xuất. Cùng chung một Đạo, cùng chung một Thầy thế mà chẳng ai giống ai, chẳng ai làm đúng lời Thầy đã dạy.
Đạo Trời từ bi nỡ nào nhìn những cảnh hẩm hiu, tẻ lạnh giữa đồng đạo. Những phái những phe, kẻ ít người nhiều, cũng giữ lấy phần giáo tổ. Ôi! Đạo ra đời chưa được mấy nhiêu hôm mà xé nhỏ xé to không biết bao nhiêu tổ đình, tổ chức… Tôn chỉ, mục đích một nơi mà việc làm một ngả, bảo sao sự lớn không bị hoại ngửa nghiêng. Danh nghĩa Đạo Trời vì đó mà vùi sâu dưới bao nhiêu bụi cát.
Bây giờ đây các hiền hữu trực truyền với giáo pháp vô vi phải luôn luôn cẩn thận. Dầu nhỏ như nửa lời, dầu bé như kẽ răng cũng còn đo đắn cân phân, há đến việc tương quan giữa Trời, giữa người thì sao không kim chỉ?
Người mà đã được Thần Lẽ Thật ban trao quyền pháp thì lúc nào cũng nhắm vào lợi ích cho loài người. Nếu bốn biển còn gặp nhiều khó khăn đi lại với nhau hoặc bằng cách nầy hay cách khác thì bổn phận của ta là phải làm thế nào cho đâu đó thông đồng. Nếu trở ngại vì thành kiến thì cố phá xô. Nếu trở ngại vì chủ trương thì nên minh giải. Đôi khi trở ngại ấy bởi mình mà ra thì là một việc quá buồn cười đó. Nên kẻ đứng trong nội thành của Thần Lẽ Thật thì bao giờ cũng thể hiện chút ít lòng quảng đại của Người. Dù chưa được nên Thánh nên Thần cũng phải làm một Hiền Nhơn mới đương vi sứ mạng.
Vậy tóm lại, Đạo Trời Kỳ Ba nầy đã đem sự lành mạnh cho thế gian. Cái gì tật nguyền hư hỏng là cái bệnh của thời đại, nên diệt trừ. Nhưng các hiền hữu nhớ rằng mình là kẻ đi diệt trừ tật bệnh, song chính bản thân là người bị bệnh hơn ai. Vì vậy, đó là chỗ trở ngại lớn cho cơ cứu rỗi vậy.
Bây giờ các hiền hữu đi cùng tôi đến xem một hoa viên ở trước đây. Họ đã kiếm các dị thảo kỳ hoa ở gần ở xa, ở Trung Hoa và Ấn Độ. Coi kìa, đủ chồi non mới nứt, cội lão đương còn. Cụm thì đỏ, cụm thì vàng, bông thì đủ màu, cây kiểng thì đủ kiểu. Bây giờ các hiền hữu tưởng tượng mà xem qua, thấy cái đẹp của nó chỗ nào? Cái nào mình ưa thích nhứt?
Một là cách trình bày. Hai là màu sắc. Ba là hương vị. Thế trăm hoa hiện hữu, bẻ hoa nào? Sen, cúc, lan, đào và các thứ dị hương kỳ thảo?
[Bạch …]
Phải chung nhau mới đẹp. Chớ không thể hái riêng mà có đẹp sao?
Đã hiểu tôn chỉ, mục đích Đạo Trời là vậy thì cũng đừng ôm ấp một phần nào mà mất cái đẹp chung. Đạo Trời biến hóa mà ta cố định, ta phải tiêu tan. Hoặc vì thiên ái hoặc vì pháp luật mà chẳng thấy chỗ nhiệm mầu.
Bây giờ cơ tái lập để xây một viên gạch đầu. Viên gạch được đặt nơi nào, thì nơi đó sẽ có một lâu đài cao ngất, một chỗ muôn mắt trông xem. Nào dinh thự, nào giáo đồ, nào giống Thánh con Thần (...). Vậy ai là viên gạch? Viên gạch phải đặt vào đâu? Nơi đâu được đặt xuống? Ôi! Bao nhiêu câu hỏi quẩn quanh, song việc làm chỉ được hay không là ở lòng người tất cả.
Vậy hôm nay Bản Giác đến để báo tin cho chư hiền hữu. Ngày gần đây, Thầy sẽ mở một kỳ thi, chọn lấy một nơi đặt gạch. (...) Nhân loại đương đòi hỏi, đương trông chờ, đương khổ đau cần có thầy có thuốc. Vậy sứ mạng trung hưng đã đặc biệt đứng trên cương vị thuần chơn vô ngã, bất thiên bất ỷ. Xây mối đại đồng đâu nói chỗ này mà ra, chỗ kia mà lập. Vì rút được tinh ba đạo pháp, nối lại hai mối xuất nhập của Đạo Trời, thế đạo lập, thiên đạo thành. Lập là mầm sống hiện sanh để cõi thế thành Bồng Lai tại thế, an hưởng đại đồng. Lòng đạo không còn tham, sân, si, mạn, thì đó là pháp môn liễu giải tử sanh, mở đường cho cơ siêu rỗi.
Vậy nơi đây các hiền hữu muốn làm việc lớn, trước phải lo việc nhỏ. Việc nhỏ là việc trong nhà, giữa anh em bậu bạn với nhau, phải được đồng chí đồng đức như Lưu, Quan, Trương. Được vậy sau mới có Từ Thứ, Khổng Minh, Phụng Sồ, Tử Long, Mạnh Đạt. Có Lưu, Quan, Trương là có sự nghiệp nhà Hán, có đất có dân. Dân có không phải có như của trong nhà, mà có nhơn kiệt anh hùng thì có dân có nước.
Đạo pháp cũng vậy. Bây giờ chưa có dân có nước, có bạn thánh tôi hiền, là chưa có hướng đạo trung kiên. Chưa có tấm lòng của Lưu, Quan, Trương ngày trước, thì dù có dân, dân cũng bỏ mình. Dù có nước, người cũng chiếm.
Vậy sự gặp nhau đây cốt để làm chi? Cũng phải có một mục đích một chủ trương. Không lẽ ngán đời mà ẩn dật. Nếu lập thân tu học thì phải có một chương trình kín đáo, ý nhị khác hơn. Bằng có chi giúp đạo cứu đời, thì sao không có một đường lối với nhau mà đi tới. Đi đường nào cho phải? Cứ như Lưu, Quan, Trương, lúc còn hàn vi. Chỗ nào cũng chỗ dung thân của quân tử, cốt để đợi thời, đâu lấy đó làm vinh, đâu nhận đây là chính.
Cũng vậy đó, Tiên Thiên, Tây Ninh, Chiếu Minh đâu phải là cứu cánh của loài người, vì đó là cái danh từ. Danh từ thì có chi mà chấp. Cần tiến sâu một bước nữa, để sáng tỏ mối chơn truyền. Nhưng được sáng tỏ rồi, phải làm sao cho đêm tối trong loài người được sáng soi, cho lòng mình và lòng bạn không hai, để hòa với một.
Bây giờ và lúc nầy, cả một sự quan trọng vô cùng. Xuân hoa không kết, thu quả đâu có. Lúc nầy không tiến lên thì lúc nào mà được đặng. Ở trong nội đàn nầy chưa quyết vào đâu, tuổi tên chưa có. Song chẳng mấy người mà chẳng biết người nào là chủ thì việc làm mới định liệu làm sao? Bây giờ nên chọn một người làm chủ, hay bạn nào đứng ra lãnh lấy nhiệm vụ người chủ để có người dẫn đạo, có người phải theo. Có chủ thì mọi việc ở Trời có chỗ ban trao. (...) Lớp có thầy, trường có hiệu trưởng, nhà có cha, trại có chủ, khách đến mới biết hỏi ai. (...) Vậy bạn nào chịu gánh thì quyền pháp mới ban. Khi được ơn dày thì dầu muốn dầu không, buộc toàn hội phải nghe theo không được cãi.
(…)
Việc xin đi thọ bá nhựt thì không gì trở ngại. Ngại là việc nỗi lòng của hiền hữu Liên Hoa. Lòng chưa quyết, vì những lý do đạo pháp ngừa giữ cho bước ngày mai. Song người môn đệ Chiếu Minh nắm chặt khuôn hình, không hay biến hóa thì hai đàng chắc chẳng gặp nhau. Song còn có nơi Thầy; việc nào Thầy tính thì được cả.
Về việc đi thọ truyền bí pháp thì giữa lúc khảo đảo nầy tùy sự nhận thức và bảo đảm cho nền móng ngày mai thì cũng do các hiền ngó xa mà quyết định.
Về đây Bản Giác thấy rõ con đường trung đạo, mỗi vị nhận thức mỗi cách, cách nào cũng hay. Song cái hay chưa kết cấu thành hình mà đó chỉ hay bằng tiếng khen tiếng gọi.
Đã vượt qua kỳ trúc cơ bá nhựt, các vị vào hành trì ba năm tám tháng để vượt qua Nhứt Bộ. Các vị luôn đặt thân trong tĩnh lặng, tâm trong chánh niệm, y hành theo thao tác và kinh chú trong tứ thời. Các vị cố gắng duy trì đàn cơ thông công để nhận huấn đạo của Ơn Trên. Do theo chỗ các vị chí thành cầu pháp, cầu tu để chuộc lại lỗi lầm, tiếp tục sứ mạng trung hưng chánh pháp, các Đấng đã ban ân điển vận chuyển lộ trình tu chứng cho thánh chúng thuận tùng.
Đàn ngày 01-5 Nhâm Dần (02-6-1962), Đức Thượng Chánh Phối Sư Trần Hưng Đạo dạy (trích):
Hôm nay đến đây muốn đặt lại một chương trình để chuộc lại sứ mạng, cứu lấy đoàn người hữu công thiện chí và mong sự cố gắng để hoàn thành chánh pháp, khai hội Long Hoa, Bản Thánh không đủ thời giờ nói qua lý do tái lập cơ trung hưng, lần lượt sẽ hướng dẫn chư hiền đến một trình độ đạo đức khả dĩ thành công.
Bản Thánh giờ nầy vâng lệnh Giáo Tông đến gắn cho các hiền một nhiệm vụ mới, một chương trình mới, để các hiền cùng nhau chung sức mà hoàn thành, chung lòng mà tu học cho nên người giác ngộ.
Sự nghiệp trung hưng chánh pháp đã tạm rút gọn vào đây, một hình thái đơn thuần vừa tiêu biểu pháp quyền, vừa dọn đường giải thoát cho bản thân cá nhân. Quyền pháp được tiêu biểu cho một nền đạo mới, gốc ở người Thiên ân trọn lòng thánh đức, nên cần phải tu chứng pháp môn, tâm minh trí sáng, cảm được lòng Trời ý Thánh, thấu được sự lý nhơn tình, để đưa rước người lập lại an ninh cho bốn biển.
Bản Thánh đặt vào hai việc. Các hiền gắng tuân theo.
Về phần thông công. Trong lúc nầy để được vừa tu vừa học, thể lòng cầu xin của Liên Hoa, nên sứ mạng giáo pháp tạm thời ban cho Tá Cơ một nửa để cùng Liên Hoa hoàn thành công cuộc xương minh đạo đức.
Về xây đắp một nền giáo pháp, chia ra hai phần. Phần chấp hành thì dĩ nhiên ở các hiền thường trụ tại cơ sở nầy để xuất phát cơ mưu cho hàng hộ trì giáo pháp. Hàng hộ trì giáo pháp là người được chọn làm nền tảng trung kiên cho sự thành hình cơ chỉ chánh truyền. Nên hàng người ấy cần có một tinh thần tu kỷ ái tha, luôn đặt mình lên hàng Thiên Thần để được xứng mặt khâm mạng cho quyền pháp. Nên số nầy lấy mười hai người; mỗi người cố gắng tìm thêm hai người của mình để có một đoàn, có một chương trình vừa tu vừa học. Đoàn nầy xây dựng thành an lạc địa một nền giáo pháp tượng trưng cho danh nghĩa Trung Hưng. Nếu sứ mạng này được biểu hiện ở việc làm thuần nhứt của chư hiền, trên con người thuần hòa độ lượng, lời nói chất phác chơn thành, toàn đạo sống trong cảnh hòa thân, thi thiết trên chương trình Phước Thiện. Vậy muốn có một Ban Giáo Pháp được ban quyền, thì trước chọn người và củng cố đoàn hộ trì, rồi sẽ ban cho một đàn cơ đặc biệt.
Đàn ngày 02-5 Nhâm Dần (03-6-1962), Đức Cao Đài Tiên Ông giáng dạy (trích):
Thời u ám cậy nguời thánh đức
Đời loạn ly nhờ sức thần thông
Đem nhau tới cảnh đại đồng
Đem nhau về tới Non Bồng mới vui
Song trước phải có người giác ngộ
Phất đạo kỳ hướng lộ nhơn gian
Nơi đây thành một đạo tràng
Thành ngôi bát nhã mở đàng vô vi.
Thầy muốn cho các con sớm kịp kỳ thi mà buộc lòng phải đưa ra nhiều bài vở mắc. Hối con học, bảo con ôn, may ra được đứng trong số chọn, thì sự mong mỏi của Thầy, phần cố gắng của con tưởng cũng thỏa nguyện lắm.
Con ôi! Đường nào cũng chọn lấy một mà thôi để có một chương trình tiến tu trong công vụ. Công vụ cần đòi hỏi con người giác ngộ nhận lấy một phần trong công tác. Không nên để cho vô minh ám ảnh rồi việc gì cũng không dứt khoát. Nói rõ cho con làm, con học, con tu. Làm mà đừng xen cái ngã mạn để cho sứ mạng trọn ở vô vi. Học để cảm thấu sứ mạng trọn ở chánh pháp hiện nay đặt ở trên con người chơn tu giải thoát. Tu để tìm lại cái sở hữu đã có, tìm về với lòng vô ngã thuần chơn, thiệt tâm cầu lấy chánh pháp.
Thầy sẽ ban cho một chuỗi hồng ân. Mà phải tu như vậy mới khỏi hoài công, khỏi phụ ơn Thầy giáo hóa. Các con cứ khư khư câu chấp vào sứ mạng trung hưng. Phải nghĩ cách này cách kia đặng cứu đời cứu đạo. Thầy nói thiệt, không cứu được mình đừng mong cứu được ai. Con người của các con còn tham sân dục vọng, thì có đương nhiệm một việc gì cũng là một cái họa giết người. Giết bằng cách tinh xảo hơn kẻ cầm gươm nắm súng.
Các con thiệt tu, gắng tu, thì sự nghiệp và công đức này còn để cho hậu thế, còn gởi gắm tình thương lẽ sống ở đồng đạo bao kỷ niệm mỹ miều. Bằng các con lớ xớ mãn ngày bàn chuyện người, tính chuyện đạo mà sân tâm dục ý khởi lên, sao tiếp được hồng ân pháp đạo? Thanh tịnh sẽ được chuỗi đạo pháp giải thoát, chứng được quả vô lậu niết bàn. Giác ngộ sẽ gặp lại con đường vô vi trung hưng chánh pháp.
Trước khi thăng, Thầy dặn ngày mùn 8 lập đàn để Thầy dạy tiếp. Nhưng đàn lập tại Tịnh Đường ngày 08-5 Nhâm Dần (09-6-1962) thì Thầy không giá ngự, mà là Đức Lý Thái Bạch:
Đường trào ngày tháng chuộng thơ văn
Gác mối lợi danh ngắm gió trăng
Chén rượu vần thơ quên thế sự
Trăm năm chi nữa thú thanh nhàn.
Chào chư hiền đệ, hiền muội.
Lội qua mới biết thấu chơn tình
Phải phải không không cũng đáng khinh
Quay lại cảnh xưa lòng nhẹ nhẹ
Khoác màu thanh đạm thấy linh linh.
Đức Lý dạy tiếp (trích):
Đến đây gọi chút dặn dò
Trên đường sứ mệnh cam go gắng thành
Đừng lơ lửng thân danh mai một
Đừng trù trừ dịp tốt trôi qua
Gia công tu học thiết tha
Thương yêu lấy chúng, thuận hòa giữa nhau.
Sau 118 câu thơ, qua phần tản văn Đức Lý dạy (trích):
Vậy các đệ gắng làm vô vi, gắng thi thiết thanh tịnh, gắng tính gắng lo các pháp bình đẳng, hòa sống cùng mọi người, vạch một chương trình tu học. Từ đây Thầy sẽ mở một đạo tràng dẫn bước cho người làm Thánh. Xây dựng có một số Thánh số Hiền để phân phối công vụ quyền pháp, hầu rao truyền sứ mạng, hoằng pháp lợi sanh. Xây dựng một nhà tu, đặt lại vấn đề tổ chức, chỉnh lại các lệch lạc bởi người và hoàn cảnh uốn nhồi. Nối chắp các mối chưa được gặp nhau. Mở một con đường bốn biển cùng đi, pháp quyền cùng một, nguyên lý cùng chung. Giáo pháp trong Tam Giáo Cửu Lưu cũng không ngoài không khác. Lúc đó con đường trung đạo sẽ hiện ra. Hiện ra với một sự bất ngờ, ai biết ai hay. Mà chính các đệ đây là người trong sứ mạng cũng không sao thấy được người như thế nào, hoặc nhận như vầy như khác.
Con đường sứ mạng muốn được nối tiếp cần phải dốc chí lập thân làm những con người thánh hiền, quân tử. Có làm được thánh hiền, quân tử mới xứng đáng đương vi trọng nhiệm, mới xứng vị đứng trước muôn người, mới xứng tài ngồi trên sân trào chỉ huy văn ban võ bá. Có quân tử mới dẹp được bầy tiểu nhân, có thánh hiền mới an bang tế thế. Đã là học thánh hiền thì đừng nệ, đừng chấp nhứt nhỏ nhen. Phải có đức khoan hòa, phải có lòng trung chính, phải có chí nhẫn nhục cương kiện. Không vì một bầy ó, một đàn quạ mà chim hồng, chim hộc phải xuống đua tranh giành chỗ đứng, miếng mồi. Quạ diều đâu có vượt cánh khỏi mây, còn hồng hộc ở tận trời xanh, cần gì sợ lũ cỏn con là đà dưới đất.
Vậy mọi việc cần xây dựng có một nề nếp vừa xứng bên trong vừa thứ tự bên ngoài. Trong có kẻ trên người dưới, lễ kỉnh làm đầu. Ăn ở được quyền pháp hóa, có bữa đúng thời. Không nghe nhảm nói nhàm, trợ cho vọng tâm mà tổn tinh tán khí. Tu đặt ra năm bậc để hướng lần, chọn lấy khí tiết người làm Thánh làm Hiền.
Con đường trung đạo mở ra thì cơ khảo thí về hữu vi và về vô vi cũng không sao tránh được. Nên từ đây lần hồi chỉnh đốn về thờ phượng, về lễ bái, về tu tịnh, dưỡng luyện, ôn học cho thâm bác, rồi lúc đi ra, lúc gặp bạn có được một tôn chỉ hẳn hòi. Bây giờ trước hết phải lãnh lấy một chương trình giữa nhau cần bàn kỹ lại. Bằng lòng thì lập nguyện dâng lên, bằng không thì cũng cho các đệ một nguồn ân để tu, an vui với ngày tháng.
Sau bao nhiêu thời gian trông chờ cầu khẩn, được thánh huấn của Đức Trần Tổng Lý và Đức Lý Giáo Tông, các vị Thiên ân cảm thấy cơ đạo như mở ra cửa ngõ cho việc Ơn Trên tái ban sứ mạng. Nhất là đã qua một trăm ngày trúc cơ, các vị quyết tâm vượt lên mọi trở lực, chuyên tu mạnh mẽ, tìm an vui trong pháp đạo nhiệm mầu để mong đón ngày nối tiếp sự nghiệp. Các vị được các Đấng ban điển lực giáo pháp dạy khuyên.
Đàn ngày 08-6 Nhâm Dần (09-7-1962), Đức Hà Tiên Cô giáng dạy (trích):
Hôm nay nơi đây đã thành một đạo tràng, Bần Nữ cũng để lòng mừng.
(…) Sở dĩ có cái hân hạnh nầy là bởi lòng biết hồi minh khử ám, giải thoát trần tình, cầu lấy cái Đạo vô vi, để thân tâm hòa đồng cùng càn khôn tạo hóa.
Bần Nữ cầu chúc cho chư hướng đạo tiến lên qua bước thứ nhì, mình và các Đấng thiêng liêng gặp nhau ở Nam môn Càn đạo, mà đàm đạo với nhau dễ dàng hơn dùng cơ bút. Muốn gặp bằng cách ấy là phải thanh khiết thân tâm, thân thường thiền định. Định cho định để nghe lọt vào tai những tiếng nhiệm mầu. Thiền cho thuần để mở các then khóa trong bầu tạo hóa.
Vậy từ đây bắt đầu đạo tràng dạy về thiên đạo. Các hiền cố gắng.
Đàn ngày 13-6 Nhâm Dần (14-7-1962), Đức Trần Hưng Đạo giáng dạy về việc xây dựng thánh thất kiểu mẫu Trung Thành (trích):
Toàn đạo nơi thánh thất Trung Thành đã có một cơ duyên sâu đậm với nền chánh pháp của Thầy, nên nay mới có sự gặp gỡ ở chỗ thiên thời, địa lợi, nhơn hòa. Thật Ta xét kỹ tinh thần đạo đức chưa có nơi nào được như nơi nầy. Bây giờ Ta vạch cho chư hiền một đường lối để xây dựng một cơ sở thánh thất kiểu mẫu để tượng trưng cho một địa bàn của nền chánh pháp.
Tuy thánh thất Trung Thành từ nay về phần tu tiến khá đấy, nhưng về phần tổ chức còn phải xây dựng rất nhiều. Về phần Đầu Họ phải cố gắng trụ định tinh thần tỏ ra mình là người hiền nhơn quân tử. Luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt nhận định mọi việc để cho chức sắc, chức việc làm theo. Mọi tư tưởng, việc làm đều cốt ở lòng thanh tịnh. Việc làm mà thanh tịnh thì phước đức mới được vô lượng vô biên. Con đường chánh pháp của Thầy đã rõ ràng, ta tu hành lập công bồi đức cũng mong đến đó là cùng. Nếu không đi con đường ấy thì không còn con đường nào nữa. Quyết tu theo con đường ấy dù phải trải qua mọi nỗi gian lao, khổ sở, ta sẵn có tấm lòng thành thì sẽ được chứng ngộ. Hễ có nhơn thì ắt có quả. Không nên trù trừ do dự làm mất cơ hội ngàn năm một thuở. Người Đầu Họ với bốn cơ quan cũng như thân thể với tay chân phải liền lĩ, mạnh lành, mới mong làm nên được sự nghiệp. Ngay bây giờ Hành Chánh, Phước Thiện, Minh Tra, Phổ Tế phải lo chỉnh đốn lại.
Về Hành Chánh, công việc phải thông suốt từ trên xuống dưới, như dòng nước lưu thông không hề ngưng đọng.
Về Minh Tra, bộ máy phải kiện toàn, đem tình thương sự sống và công bình chan trải khắp nơi nơi. Không một việc gì xảy ra mà mình không biết. Minh Tra là một thứ nhựa để hàn gắn, để bể cho ra lành, không những lành mà lại còn tốt đẹp.
Phổ Tế là tiếng nói diệu huyền của Thầy ban rưới, khác nào như giọt nước mưa xuân cho cỏ hoa được tươi tốt. Mưa là món ăn của cây cỏ. Ăn phải có chỗ có thời, thường luôn luôn đổi món. Bởi vậy cho nên người nhân viên Phổ Tế phải thay đổi chỗ nấy qua chỗ khác, không nên cố định một nơi nào. Món ăn dầu ngon nhưng ăn mãi cũng hóa ra nhàm. Mà khi đã nhàm rồi thì không còn quý nữa. Người Phổ Tế gieo giống ra phải hòng gặt được lúa. Nghĩa là phải hằng kiểm điểm việc tu học của từng đạo hữu một.
1. Đã hiểu giáo lý được những gì?
2. Có thực hành được những điều đã học chưa?
3. Trong hàng đạo đồ có người nào còn dốt nát đã tìm phương giáo hóa cho họ chưa?
Có như thế thì việc làm mới nắm được phần kết quả. Hằng tháng phải thăm viếng, nhắc nhở về phương tu lẽ đạo cho người người. Phải luôn luôn thay đổi những gì mới lạ để thích hợp với sự ưa muốn của người. Được như thế thì cơ đạo làm sao không tiến được. Hiện nay ta thấy còn lắm phần chênh lệch, kẻ tinh tiến thì hằng bữa đến chùa, còn người lơ là thì hằng năm hãy còn ngủ gật. Bây giờ phải lo tìm cách xây dựng cho được đồng đều.
Về Phước Thiện, phải thực hiện nền sơ bộ đại đồng, bắt đầu củng cố các thiện gia. Phải xây dựng ở hạ tầng cơ sở. Không nên vì sự háo vọng theo những chương trình to lớn. Việc chưa thể làm được thì nên gác lại. Cái mà ta có thể làm được thì phải cố gắng mà làm, làm cho kỳ được, không vì việc nhỏ bỏ qua. Cũng như công việc tế khổ trợ nghèo dù không được tiền trăm bạc nghìn, chớ việc thăm viếng, đi lại, an ủi, cùng bày vẽ, nhắc nhở, sắp đặt nề nếp cho mọi người, thì Phước Thiện nên làm cho chu chí. Ta có thể tổ chức những việc như cho nhà nghèo một manh áo, người bệnh một quả cam, cũng đã thực hiện được tấm lòng làm nhơn làm thiện. Những việc ấy làm xong rồi, đủ điều kiện ta làm nhà tu cho kẻ xuất gia nương náu, làm trường học để dạy dỗ con em. Làm nhà thương để giúp người bệnh tật. Ôi! Mọi việc Phước Thiện phải lo phải làm. Từ nhỏ đến lớn, việc gì cũng cần thiết cả. Thế mà sức người có hạn, cơ đạo phải hồi chao đảo, thiệt cũng khó lòng mà thực hiện một thánh thất kiểu mẫu như ý muốn được.
Con đường giáo pháp thực sự đã mở ra, cơ duyên tốt đẹp với chư môn sinh thật thấm đậm. Các đàn cơ cứ chừng mỗi tháng hai kỳ. Những người chí tâm tu, trọn lòng vì đạo đã quy thiên, đắc quả, cùng với các Đấng thiêng liêng giáng đàn giáo pháp khuyến tu.
Đàn Tý thời ngày 23-6 Nhâm Dần (24-7-1962), tiền bối Nguyễn Tuệ Minh về cơ:
Đường cứu thế Đức Ngô đã vạch
Mọi người đều tìm cách chen chưn
Bước đi dụ dự ngập ngừng
Thì ta phải bị sa chưn hố hầm
Ta phải biết kiếm tầm chơn lý
Chơn lý tầm huyền bí diệu tâm
Đạo mầu diệu viễn thậm thâm
Có duyên sẽ gặp, kiếm tầm đâu xa
Của kia đã đến nhà rồi đó
Lo giữ gìn chớ bỏ mất đi
Mất đi phải bị khốn nguy
Thân mình bị bỏ có gì mà mong
Tệ Sĩ đã hết lòng bày tỏ
Chư Thiên ân gắn bó nghe lời
Để mà được hưởng muôn đời
Gia tài quý báu của Trời đã cho.
Đàn Tý thời ngày 08-7 Nhâm Dần (07-8-1962), Đức Đại Giác Chơn Tiên khuyên nhủ:
Trên đường tầm đạo dễ chi
Trải bao gian khổ hiểm nguy lắm mà
Nhớ câu tự giác, giác tha
Đừng nên dễ dãi làm ma dẫn đường.
(…)
Muốn thành đạo chánh đẳng chánh giác thì đầu tiên phải lấy sự yên lặng làm chỗ trụ. Yên lặng là tịch tịnh. Tịch tịnh cần có quán chiếu. Quán chiếu để tìm cái nguyên nhân, đòi lại bản nguyên mà diệt phàm dưỡng thánh.
Đàn ngày 21-7 Nhâm Dần (20-8-1962), Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Con đường đạo pháp đã trao
Thì ta chớ để lọt vào tay ai
Vào tay thiếu đức thiếu tài
Làm cho chánh pháp lợt phai chơn truyền
Đường ta ta cứ thẳng đi
Dầu ai lôi kéo, níu trì không buông.
Người tu không để cái gì trói buộc cả. Ta có ở ngoài vòng buộc trói thì thân tâm mới được thảnh thơi, vui sống trong vòng đạo pháp, nay đây mai đó, trọn hưởng thú thanh nhàn, cùng nhau sống với bao nhiêu người đồng tâm, đồng chí, đồng học, đồng tu. Dù đời sống vật chất có đơn sơ nhưng tinh thần vẫn luôn luôn vui sướng, như thế cũng là Thần Tiên tại thế đi rồi.
Đàn ngày 23-7 Nhâm Dần (22-8-1962), Thần Nữ Nguyễn Thị Ngại khuyên nữ phái:
Khuyên đừng có tính nọ kia
Làm cho sứt mẻ xa lìa tình thương
Bước tu chánh pháp một đường
Cùng nhau em chị náu nương bảo bày
Mùi đời chớ có đắm say
Đường tu ta phải ngày ngày chăm lo.
Sau đó, Đức Lê Sơn Thánh Mẫu giáng, điểm danh một số tịnh viên tại Tịnh Đường và nhắc nhở:
Từ đây công việc đạo, các con cố gắng lập công nghe theo sự chỉ dẫn của Huệ Minh Đức mà tiến lên. Về việc kết bạn phải gấp tiến hành, nghĩa là phải làm sao không còn một người đứng ngoài tổ chức.
Đàn giờ Tý ngày 08-8 Nhâm Dần (06-9-1962), Đức Đại Giác Chơn Tiên giáng cho một bài thi lục bát dài, có điểm danh ba vị Tuyến, Hậu và Toàn. Trích phần cuối:
Vì câu sứ mạng bận lòng mình
Hồng thệ còn ghi lắm ngại kinh
Nội bộ bất đồng đương gắn bó
Gắn cho liền một phải chơn tình
Tình thương lẽ sống đã khô khan
Quyền pháp trung hưng muốn nguội tàn
Chuộc lại ơn xưa tu ngã chấp
Lòng thương thanh tịnh sẽ bình an
An bài đâu đó chỉnh tu chung
Quyền pháp chung xây xã đại đồng
Đồng chịu, đồng lo, đồng trách nhiệm
Nhiệm hơn gốc biết giữ tu công.
Đàn giờ Hợi ngày 23-8 Nhâm Dần (21-9-1962), Đức Vô Lượng Thọ Quang cho bài giáo pháp (trích đoạn cuối):
Chúng sanh mê đắm dục tình
Trò đem gương sáng của mình để soi
Trò làm vật tốt người coi
Coi trò tất cả mọi loài mến thương
Ấy là cờ Đạo đã trương
Chúng sanh sẽ có con đường cùng đi
Phần tản văn, có đoạn dạy:
Các trò nên biết rằng kỳ đại xá lần ba nầy Thầy Trời đã dùng đủ pháp môn phương tiện để độ đời, tùy theo căn cơ của mỗi người mà dẫn dắt. Chỉ có kẻ nào chống trái hay bất tín thì mới lọt ra ngoài sự cứu độ mà thôi. Hoặc có kẻ tu chứng rồi mới ra độ đời. Cũng có kẻ lập công trước rồi sau mới nhờ được duyên lành mà đắc đạo. Cũng có kẻ vừa tu kỷ vừa độ tha, nhưng dù cho phương tiện nào cũng cốt ở tâm thành chí nguyện.
Đàn Tý thời ngày 23-10 Nhâm Dần (19-11-1962), Đức Hiệp Thiên Đại Đế dạy (trích):
Nền đạo Trung Tông Thầy đã vạch định rõ ràng là giữa công truyền và tâm truyền không thể thiếu một được. Nếu trong hai phần ấy mà không giữ được trọn vẹn thì không còn cái nghĩa của hai chữ Trung Tông nữa.
Cơ đạo đến đây Thầy đã kết liền làm một, quyết không để canh cải rẽ chia. Nếu trong hai phần đó thiếu đi một phần thì nền đạo của Thầy không thể thành tựu được.
Đạo thành là cốt ở nơi người thanh tịnh. Thanh tịnh là đầu mối xây nên vũ trụ vạn vật. Vạn vật trở về với nguyên thủy cũng cốt ở chỗ thanh tịnh mà thôi. Người mà thanh tịnh thì trời đất cũng hiệp về. Sự thanh tịnh ở đâu, cơ mầu nhiệm của trời đất cũng ở đó, mà lòng người cũng hướng về. Nên Lão Quân đã nói “Nhơn năng thường thanh tĩnh, thiên địa tất giai quy” là ý nghĩa đó vậy. Kẻ nào không thanh tịnh, dù cho có tài năng trí lực đến đâu cũng chỉ là vật vô dụng cho đời mà thôi. Không thanh tịnh cứu cho mình còn không được, mong gì cứu cho đời.
Đàn Tý thời ngày 08-11 Nhâm Dần (04-12-1962):
THI
NGỌC chẩm lần qua đến đỉnh đầu
HOÀNG môn mới thấy báu linh châu
THƯỢNG thừa khuyên trẻ tâm vô ngại
ĐẾ Đạo chừng nên có dễ đâu.
BÀI
Đêm thanh rảo bước đến đàn
Nhắc chừng các trẻ vững vàng bước tu
Lần qua một đợt công phu
Gặp bao thử thách dãi dầu khó khăn
Sớm chiều ôn tập chăn chăn
Thong dong thanh thoát mà phăng lẽ Trời
Lòng không, trối mặc trò đời
Thị phi danh lợi dễ dời được đâu
Xét cho kỹ, nghĩ cho sâu
Mới trông thấy chỗ nhiệm mầu cao siêu
Biết rồi ngày tháng tiêu diêu
Càn khôn một túi nâng niu làm tình
Giữa thời nam bắc giao chinh
Giữa cơn nội bộ bất bình chẳng thông
Mười phương hết chỗ cậy trông
Nhơn sanh ngơ ngác buồn lòng dựa nương
Ai người còn chút tình thương
Còn đôi lẽ thật lo đương pháp quyền
Muốn đầy sự sống thiêng liêng
Dọn lòng trống rỗng làm duyên nối hàng
Muốn lo lòng chớ có toan
Muốn toan trước phải đủ gan Thánh Thần
Thánh Thần đủ đức cứu dân
Nhờ nương ở pháp xá thân làm đầu
Vô vi bất luận ở đâu
Cũng dung chứa được, gồm thâu mọi loài
Tứ thời tâm tịnh thường soi
Vào trong, lóng lấy tiếng còi giác mê
Thân tâm đâu đấy đề huề
Chín cung mở rộng đơn khuê kết thành
Vô vi là mẹ vô danh
Vô danh làm lũy làm thành vô vi
Vô vi không có thị phi
Thị phi đâu biết vô vi thế nào
Vô vi không luận thấp cao
Không cao mà lại trùm bao đất trời
Vô vi không thốt một lời
Một lời không thốt mà trời đất theo
Vô vi chịu lấy chữ nghèo
Chữ nghèo mà đạo khó theo khó bì
Nhiệm mầu là đạo vô vi
Nên Thầy khuyên trẻ gắng đi đến cùng
Vô vi mới đủ thủy chung
Vô vi mới được sống cùng nhơn dân
Vô vi là phép lành thân
Là an lạc quốc, là Thần tự do
Tuy là thấy rút thấy co
Thu hình cho được nhỏ to khó gì
Khuyên con hành đạo vô vi
Độc tôn đệ nhứt Tam Kỳ pháp môn
Con đừng tính dại tính khôn
Mà xen phàm ý khó tồn Tiên đơn
Gặp Thầy thì đó là ơn
Đem ơn gieo rải chúng nhơn cậy nhờ
Các con muốn thấy huyền cơ
Thì lo giải thoát qua bờ bên kia
Bên nầy ganh ghét rẽ chia
Sanh đau già chết không lìa chúng sanh
Bên này mãi mãi bất bình
Hữu hình hữu hoại nghĩa tình bán buôn
Đời người đóng chặt trong khuôn
Méo tròn phải chịu tấn tuồng trả vay
Bên kia là cảnh Bồng Lai
Thung dung tự tại, hòa hài thương yêu
Bên kia bình đẳng cao siêu
Bên kia ngày tháng tiêu diêu lắm mà
Bên kia phải ở đâu xa
Ở trong lòng trẻ dung hòa từ bi
Ở trong lòng trẻ vô vi
Muôn điều giải thoát sân si chẳng còn
Vô vi muôn hạnh được tròn
Muốn tròn bỏ nó có còn được chi
Lòng con phải được vô vi
Nên hư đâu nhọc thị phi đâu phiền
Con yên quyền pháp mới yên
Con yên đâu đó chẳng riêng chẳng mờ.
THI
Đường tu Thầy đã vẽ vời cho
Ngày tháng thanh nhàn thủng thỉnh lo
Có Thánh có Thần, đời có mắt
Mắt đời được mở bởi nguyên do
Duyên do chánh pháp được thành hình
Phải kết nhiều phần đủ Thánh linh
Cốt ở chúng nhơn thành quả đạo
Đạo lành hiển hiện thế hàm ninh
Đinh ninh dặn trẻ một lòng tu
Chiều sớm kiền kiền lấy chữ tu
Tu được cho thân thân đắc đạo
Đạo nên đời trị ở công tu
Công tu con được đủ rồi
Pháp quyền sứ mạng thay Trời phò nguy
Bây giờ con có tính chi
Tính chi đâu trúng vô vi ý Trời
Tu đi là biết nghe lời
Biết nghe lời được thì trời đất thương
Nếu còn mong muốn chủ trương
Làm cho khí động lấp đường vô vi
Thầy khuyên con trẻ tu đi
Quên quên tất cả, ly ly mọi điều
Cho lòng hết sức là nghèo
Không phương tính toán là điều Thầy ưng
Ưng con giữ lấy mực chừng
Lo điều nhỏ nhặt chớ đừng tranh đua
Đua tranh cho được để làm chi
Tính toán hóa thành chuyện thị phi
Được cái thân rồi là sự quý
Lời vàng Thầy dạy trẻ nên ghi.
Thôi, mọi việc không ngoài tâm pháp vô vi. Các con hành kiền pháp vô vi là hành pháp cứu cánh cho muôn họ.
Chánh pháp ở đâu? Ở cơ bút ư? Ở lời nói ư? Nếu các con hiểu lầm như thế mãi thì con đường giáo hóa bị ngăn lấp, cơ cứu chuộc khó hoàn thành.
Chúa Thánh có tôi lành mới đủ tài kinh tế, đủ đức an dân. Vị Giáo Chủ toàn giác toàn chân mà không có môn đồ đắc đạo cũng không phương mở đường cứu độ, an trụ chánh pháp nhiều ngày. Vậy, muốn làm gì phải tu cái đã.
Đàn 08-11 Nhâm Dần (04-12-1962), Đức Nam Cực Tiên Ông khuyên dạy:
Tu hành cốt phải làm sao
Làm sao cho trọn cho cao cho lành
Một là học chữ vô danh
Vô công gắng dạ để dành vô vi
Vô vi phát hạnh từ bi
Chở che bảo bọc thi vi cùng người
Hai là đời sống cho tươi
Hoa thơm trái ngọt để người hưởng chung
Cảnh nào lòng cũng thung dung
Có vui hay khổ không rung chuyển tình
Ba là cùng với vạn linh
Không phân ranh giới để mình lẻ loi
Tu hành nhứt dạ lòng soi
Diệt lòng tham dục, tập noi Thánh Hiền
Công phu, công quả cho siêng
Coi nhau là một đừng riêng xa gần
Bốn đừng nhận giặc làm thân
Phải lo ngăn đón tham sân lộng hành
Lóng lòng cho tịnh cho thanh
Được thanh được tịnh là thành kim đơn
Từ đây quyền pháp để chơn
Giữ còn sứ mạng đón ơn Nước Trời.
Đàn Tý thời ngày 09-01 Quý Mẹo (02-02-1963), Đức Quan Thế Âm giáng:
Bần Đạo thừa phụng Thánh ân đến với chư hiền một niềm xuân hư linh bất muội.
THI
Xuân trưởng thành cho vật dưới trời
Bò, bay, máy, cựa, cỏ, hoa tươi
Sáu phàm bốn thánh, xuân là cội
Sự sống tình thương để độ đời.
(…)
Gắng nhau mà giữ một chữ tiềm. Tiềm với tàng, hai chữ thường có đôi, nhưng bỏ một thì có ngày được hiện.([1])
Đã ngót hai năm, các vị chí chăm đường tu tâm pháp vô vi theo vận chuyển của Ơn Trên để chuộc lại sứ mạng. Đồng tử Liên Hoa dần dần bớt thủ cơ mà giao cho Huệ Minh Đức (Tá Cơ Quân Đặng Nhâm). Điển huệ Thiêng Liêng vẫn liên tục dạy tu cho phía các vị nhà tịnh hành trì thuần túy về vô vi tâm pháp để có người đạt chứng mới mong chuộc lại sứ mạng.


([1]) Hiện là xuất hiện. Hào cửu nhị quẻ Càn nói: “Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân.” Cơ đạo sẽ vào thời Lâm là thời đại hành.


PHẠM VĂN LIÊM