Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

X. CÓ TU LÀ TRỌN (Sự Nghiệp Trung Hưng / Phạm Văn Liêm)



X. CÓ TU LÀ TRỌN
Sau ba tháng không lập đàn cơ, nhân kỳ họp đầu năm, Hội Thánh lập đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa vào giờ Tý ngày 01-01 Tân Sửu (15-02-1961).
THI
TRƯỜNG đường biết sức ngựa
XUÂN ý suy bữa bữa
PHẬT nhựt được tăng huy
ĐỊA bàn kia đã hứa.([1])
Địa chào mừng chư Thiên phong chức sắc, chức việc, toàn bộ nhơn sinh một năm pháp quyền thịnh vượng.
Địa được lịnh Giáo Tông Đại Tiên lâm đàn khai cơ phân bày lý đạo. Địa báo lịnh trước có Quan Âm Nam Hải đến ban ơn cho toàn đạo.
Vậy chư chức sắc ngồi cùng Địa nghe vài mẫu chuyện. Mời ngồi.
(...)
Năm nay Địa lại được đến khai cơ mang cả một quyền pháp, không dám nói hài hước bao đồng, Địa chỉ đi sâu vào đề bài.
BÀI
Năm Tân Sửu thần ngưu xuất hiện
Xuân Lạc Hồng cải thiện đời dân
Lòng người giục giã duy tân
Đem đời về đạo cho gần cho xinh  
Xuân đem lại mối tình hòa ái
Xuân gọi nhau trở lại cùng Thầy
Thung dung nhẹ bước đường mây
Lánh hồi điên đảo đổi thay cuộc cờ
Xuân mong mỏi đợi chờ cải quá
Cảm thông nhau đắp vá lỗi lầm
Linh sơn cũng bạn đồng tâm
Nên hư đóng cửa âm thầm nhủ khuyên
Đừng để đến thất điên bát đảo
Đừng để khi nha trảo tổn thương
Sống còn trong kiếp vô thường
Làm sao thân phận an bường cho vui
Giờ xuân nhủ nên xuôi mọi việc
Để lòng Thầy khỏi biệt lòng ta
Ngày xuân vui một chữ hòa
Có hòa mới vững nghiệp nhà dài lâu
Xuân cậy sức con trâu nhổ cỏ
Phở cồn cao ([2]) lấy nó lôi cày
Lúa miêu tươi tốt mỗi ngày
Siêng năng ta nó ra tay mới rồi.
Năm nay thiên can số tám, địa chi số hai. Tám là nhằm chữ Tân, hai đúng chữ Sửu. Tân Sửu ứng vào quẻ Địa Trạch Lâm. Thế đạo trong hồi mở mặt mà nội bộ chưa thuần nên từ ngày khai cơ giáo pháp đã đổi xuống đổi lên. Quyền pháp chưa minh định mà Lâm trở thành [Trạch Địa] Tụy, Tụy lại làm Lâm, cũng là một điều nên xét.
Theo thánh ý, năm Sửu là trâu. Trâu để cày. Mà có trâu không đất, lấy đâu bỏ giống đặt mầm, nên Địa cũng ứng thời hỗ tương thành tựu cho đúng với chữ Trường Sanh Phật Địa. Đã có giống lành gieo trên mặt đất thì cũng theo đó cỏ cũng đầy nương.
Vì vậy trâu có nhiệm vụ phở đất ([3]) khai mương, còn có nhiệm vụ ăn cho sạch cỏ. Ngày nào còn cỏ thì trâu phải rảo khắp đồng bãi để trừ diệt. Nhưng dù ăn không hết, giậm không sạch, phải phở lật ([4]) mà chôn giống cỏ lấn át lúa mà hại sự sanh sống của đời thì kẻ nông phu cộng tác cùng trâu để hoa màu không hư hại.
Đây Hội Thánh ta cũng vậy. Làm sao hoằng pháp lợi sanh? Làm sao cho thành sự nghiệp? Cả một sự dụng tâm của Địa để đặt Hội Thánh một chương trình.
Hội Thánh bình an đón Nam Hải Từ Hàng. Địa xin chào. Xin nhượng bút.
TIẾP ĐIỂN
TỪ bi lân mẫn mãi không phiền
HÀNG pháp độ người phải chí chuyên
BỒ bặc khuyên nhau chung sức lại
TÁT (Tác) thành cho Đạo ở chư hiền
Chư hiền thanh tịnh nghĩ mà coi
Đừng để một ai phải thiệt thòi
Mới gọi đàn anh người hướng đạo
Chết rồi hậu thế vẫn còn soi
Soi lại lòng mình có trọn chưa
Chưa thì miễn thứ kẻ không vừa
Vừa lòng bạn tác thân thường tịnh
Ơn phước từ trời rỉ rả mưa
Mưa pháp, mưa lành xuống thế gian
Xuống cho bốn biển được an toàn
Toàn người hướng đạo thân Bồ Tát
Thì chánh giáo ngày được mở mang.
BÀI
Mở mang xuân đến gặp thời
Chào chư Thiên mạng được Trời ủy trao
Mừng quốc nội đồng bào Hồng Lạc
Nương đà xuân tấn đạt duy tân
Mừng chung sanh chúng dưới trần
Mừng trong Giáo Hội xa gần gội ơn
Ơn xuân phải mau chân đón đợi
Đợi chờ nhau đi tới một đường
Chờ trên ban bố chủ trương
Chờ Thầy xuống thế mười phương một người
Ráng vun bón cho tươi cây đạo
Gắng sức lo hoài bão nhơn sanh
Ngày mai chánh pháp được thành
Công trò Thầy Mẹ cũng dành thưởng ban
Giờ hiệp lại để toan để tính
Giờ phân ra, ban lịnh rao truyền
Một là quyền pháp linh thiêng
Chờ khi tứ giáo quy nguyên mới lành
Nầy Thiên ân đàn anh, đàn chị
Đạo chinh nghiêng phải nghĩ sao đây
Trên ta còn có hẵn Thầy
Ngoài ta tai mắt đông đầy ngóng xem
Phải giữ cho đừng lem mối đạo
Phải dặn lòng ngay thảo cùng Thầy
Một ngày hoàn cảnh đổi xây
Mới mong chiên sói còn bầy với nhau
Đừng trông lơ ai đau chẳng biết
Đừng bất bình, thân thiết phải xa
Xúm cùng gìn giữ Bửu Tòa
Tảo thanh cho sạch loài ma ẩn tàng
Cầu chư hiền bình an lo đạo
Cầu pháp quyền toàn hảo từ đây
Cầu cho đạo hữu vui vầy
Cầu chung các tỉnh thương Thầy, thương nhau
Bần Đạo nhìn mà đau mà khổ
Thấy nội tình nghiêng đổ lòng thương
Hỏi ai thắng được phi thường
Phất cờ gióng trống dẫn đường nhau ra
Thầy lắm lúc thiết tha căn dặn
Trò đôi phen chẳng đặng khoan hòa
Bây giờ muôn sự xảy ra
Xảy ra vui phải nghe Ta dạy bày
Bày chỉ cho nhau một chữ lành
Chữ lành hiển hiện ở đàn anh
Anh còn sơ sót sao nên đạo
Đạo lớn bao trùm cả chúng sanh
Chúng sanh đâu lọt khỏi ơn Trời
Sống bởi ơn lành một chút hơi
Hơi đã nghẹt ngòi, thân khó nhọc
Làm sao đón hưởng trọn ơn Trời
Ơn Trời đã ủy ở Thiên ân
Ân ấy làm sao cập đến dân
Dân được cảm thông, dân kính trọng
Trọng người hướng đạo, Đạo canh tân
Tân Sửu xuân về với nước non
Về cho Giáo Hội để vuông tròn
Tròn người hướng đạo nhơn sanh ổn
Ổn định rồi thì xứng phận con.
(…)
Bần Đạo mong ở lòng ưu tư của con người có trọng trách, khéo léo làm sao giữ còn nhơn sanh. Nhơn sanh khỏi lọt ngoài quyền pháp. Mà nội bộ chớ để làm đôi. Phần đời khó khăn, đứng trong tình thế gay gắt. Mỗi ngày nhơn sự còn giằng co căng thẳng. Tình hình nếu một lúc nào hết linh, đức tin yếu ớt, làm sao bảo an nội bộ, bảo vệ tín đồ. Vậy Bần Đạo khuyên cùng nhau muốn cho công nghiệp còn, nền móng vững, xa gần cần giữ một mối yêu thương. Mỗi người, bất cứ ở địa vị nào cũng phải xét mình, nghĩ đến Đạo mà chọn một con đường đi tới làm cho ổn định tình hình đôi bên. Không cần phải gặp nhau mà cũng được tốt đẹp.
Đàn nầy Bần Đạo cho Phật Địa đến cũng thấy được thánh ý thì toàn đạo nói chung được ban ơn, được tự mình có một con đường xây dựng Đạo. Nếu ai ai cũng sẵn sàng có lòng ưu tư thiết tha vì Thầy vì Đạo thì qua thu đón cơ giáo hóa.
Đàn ngày 11-01 Tân Sửu (25-02-1961), Đại Đức Chơn Tiên giáng dạy, có đoạn:
Bây giờ cần học pháp Tiên
Dọn lòng trong sạch Thầy truyền dạy cho
Dọn mình mọi sự thôi lo
Dọn mình thanh tịnh như tro đã vùi
Tu rồi lòng chỉ biết vui
Vui cho khỏe khoắn đẩy lui trần tình
Tu rồi mới thấy pháp linh
Ở trong miệng sói mà mình không sao
(…)
Ru ru rủ rủ có là ai
Ai biết đạo mầu luyện thánh thai
Thai tức được truyền ơn bổ hóa
Hóa người phàm tục lại Thiên đài
Đài cao có chỗ ngự muôn quyền
Có chỗ Thầy trao pháp vạn duyên
Có đức có tài khai phước huệ
Có gan Thầy sẽ dẫn về Tiên.
Đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 27-02 Tân Sửu (12-4-1961):
LIỄU giải cho đời nhẹ tội khiên
TÂM người Bồ Tát rộng vô biên
CHƠN như bất động chơn như chủ
NHƠN dục bao giờ có thắng Thiên.
BÀI
Thời gian xây dựng còn dài
Ai người để sức ghé vai gánh gồng
Làm sao cho đẹp mọi lòng
Cho ra hướng đạo tư phong thuận hòa
Pháp quyền học lấy hạnh Cha
Bao dung che chở gần xa trong ngoài
Đừng vì thiên ái hẹp hòi
Lóng nghe sứ mạng tiếng còi về đâu
Giữa tình huynh đệ thâm sâu
Não phiền nào trách với nhau làm gì
Đường Trời dọn sẵn lo đi
Phất cờ gióng trống trong khi rộn ràng
Đừng cho đạo hữu hoang mang
Đừng cho tai tiếng bàng quan chê cười
Đừng cho lạm dụng quyền đời
Đưa nhau ra khỏi xa khơi khổ phiền
Ngày mai xây dựng pháp quyền
Ngày nay thế giới tạm yên tu hành
Hễ là thượng đức vô tranh
Lo đường giáo hóa sớm thành cơ quan.
Đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 22-7 Tân Sửu (01-9-1961), Đức Bảo Thọ Thánh Nương dạy:
BẢO bảo anh em cẩn thận nhiều
THỌ truyền bí pháp phải cao siêu
THÁNH Thần mới được ơn Thần Thánh
NƯƠNG náu chờ xin Ngọc Khuyết triều.
Chào chư vị. Bước đường sứ mạng nguyên căn lúc nào cũng để tâm nghĩ đến cần xốc gánh lên đường. Phải xứng một Thiên Thần mới đủ tư cách gieo truyền cơ cứu rỗi.
 Vì thế mà người có thiện căn luôn luôn nghĩ sự tu để đạt đạo làm nòng cốt cho con người. Những người đạt nhân quân tử lúc nào cũng trông xa nghĩ rộng mà đặt vấn đề cả cho mình và cho con người đồng thi hành trên phương diện đó. Không vì hoàn cảnh thôi thúc, ý người đòi hỏi mà mình phải vội vàng làm những việc không đầu không cuối, mà luôn luôn đo đắn dặt dè. Một lời nói, một nhích chơn, phải được lợi sanh lợi kỷ. Mẫu mực là mình, mình là phép tắc, đạo đức đấy. Nên người quân tử nhắm vào xa xăm, trông vào hiện tại mà đặt chương trình. Đâu phải thấy đây mà không xem đó.
Hơn nữa vạn thế sự nghiệp cốt ở đạo đức. Mà đạo đức hiển hiện phải ở nơi người có lòng cầu học hiểu, có chí siêng cần tu học dồi mài, có sự giác ngộ thường xuyên mới thấu cơ mầu nhiệm. Nên chư vị hiện nay dự định lên đường giải thoát cần được chuẩn bị nhiều ngày. Một lần bước ra là một khi đã hòa đồng cùng đạo pháp, nhất trí cùng Thầy. Đâu phải một sớm một chiều, nay cầu mai lạy cho rồi. Làm Thánh làm Hiền không dễ. Bất cứ ai có chí thì nên, có bền thì được, dùng chước thì hư, dùng khôn ngoan trăm lần thất bại.
Bởi vậy Thánh xưa vất trí phế tài, vắng lặng ở một nơi. Đức đủ đạo thành, ngày ấy sẽ ra đời mà lấy thân gánh vác. Nên bước đường tu học lấy đạo Thần Tiên, các vị là bậc hướng đạo Thiên ân, lại còn thiết tha thầm nghĩ ta hứa với lòng ta, để ta đủ can trường mà làm xong con người giải thoát. Đường dài phải lập chí mới đến nơi. Phương chi hôm nay, bối cảnh quanh mình thấy bao kẻ chết người đau. Muốn cứu đau ngăn chết, là phải có pháp thần thuốc thánh, đức cả tài cao mà cảnh khổ diễn tiến mỗi ngày, ta chỉ một thân. Lòng không yên nổi, chạy đường này qua ngõ nọ, tay vồ miệng nói, mãi cứ lăng xăng mà kẻ chết cứ chết, người đau cứ đau, rồi trách Trời giận mình mới toan đi vào núi tìm thầy học pháp hồi sinh. Học một năm biết chừng vài món, thấy chưa đủ mà sự việc cũng cần, rồi xuống núi cứu đời. Pháp ấy tuy hay nhưng khó ngăn họa lớn. Mà người ấy gọi là người biết lo, có công vị tha xá kỷ. Nhưng lòng ấy cũng là hại đời, lòng không lượng được việc làm. Lo như thế thà ngồi không mà đánh đờn ca hơn là phí ngày giờ. Mà không khéo lại như kéo người đui tu theo thầy mù.
Mà người quân tử với kẻ tiểu nhân đồng làm, đồng nói, đồng lo nhưng hai đường mỗi bên đều khác hẳn. Nên ngay bây giờ các vị đã nhận thức kỹ càng. Trái lúc non thì chát, lúc dày thì chua, lúc muồi thì ngọt. Cũng như người ta biết đạo không bằng yêu đạo, phải trầm tịnh nhứt tâm, đi cho đến nơi, làm cho rồi việc. Nghĩa là các vị đã có lòng muốn tu theo đạo Thần Tiên thì đặt mình trên sự vô vi thanh tịnh.
Cái công thành tựu của ngày mai là cái ý nghĩ, việc làm lúc bây giờ. Cái nhân tạo lập đúng đắn thì cái quả kết thành mới được tốt lành. Muốn tu, ta là người học trò cứ làm theo ý Thầy, nghe theo lời Thầy, đâu để cho lòng mình đòi hỏi nơi Thầy việc nọ việc kia. Mà hễ người đệ tử tâm tròn hạnh xứng, đã tròn thì tự nhiên được lăn, xứng thì tự nhiên được đậu, lo gì cho mệt nhọc. Đã đặt mình tu theo đây học với đây, ngó nghe vào đây mà hành sự. Nhất trí cùng Thượng Đế thì tâm ta và bản thể đồng nhất. Đã đồng nhất thì nhất động nhất tịnh, khi vi khi hiển của Trời có chỗ nào mà ta không biết.
Muốn đồng nhất cùng Trời là trước phải dẹp lần tình nghĩa cỏn con, lợi danh nhỏ hẹp, ân ái thấp thường, để lòng được lặng trong, người không nghĩ hơn nghĩ thiệt. Có vậy luyện pháp mới linh, nấu đơn mới thành. Ai là người làm được? Chính là người giác ngộ vậy.
Còn việc tu, hễ còn tu là còn khảo. Khảo biết đâu là phần thưởng thiêng liêng, mà biết đâu là phần phạt hữu hình. Nếu nó là phần phạt mà vui nghe thì phạt kia là thưởng đó.
THI
Hồng ân đâu có riêng ai
Ai người biết được chiều mai đợi chờ
Hễ là quân tử tri cơ
Đừng màng danh lợi, đừng mơ ảo huyền
Muốn tu thành Phật thành Tiên
Sửa lòng cho chính cho chuyên tịnh hành
Trông vào lòng chẳng mỏng manh
Trông ra mình được Trời dành một nơi
Mặc người bay nhảy đua bơi
Ta còn thiếu đức, thiếu hơi, thiếu tài
Lo tu chứng ngộ Cao Đài
Kiếp này có trễ, kiếp mai thi hành
Kiếp này quả đạo được thành
Đương vi xốc gánh quần sanh một thời
Nếu thành chưa lập ra đời
Thì về Thiên Quốc chầu Trời cũng vui
Phiền gì tính tới tính lui
Miễn cho việc của Trời người được xong
Dầu mà mình có cùng không
Đâu đòi đâu hỏi cho lòng sân si
Lòng tu nào có muốn chi
Thân tu ta đã quy y lâu rồi
Có gì còn gọi là tôi.
Thấm thoát lại đến ngày giỗ tiền bối Trần Doãn Cơ. Tiền bối quy thiên ngày 10-9 Giáp Thân (26-10-1944). Tục lệ ở Quảng Nam thường làm giỗ trước ngày mất một ngày. Nhà tu Phước Huệ Đàn tổ chức kỳ hội học, kiểm điểm quá trình tu tiến của dòng tu. Nhà tu thỉnh Hội Thánh vào Tam Kỳ hộ trì khóa học, dự lễ giỗ và lập đàn cơ tại Phước Huệ Đàn ngày 09-9 Tân Sửu (18-10-1961). Đức Bảo Thọ Thánh Nương giáng:
THI
BẢO đi bảo lại mấy nhiêu lần
THỌ lãnh rồi lo luyện lấy thân
THÁNH được trỗi sanh phàm mới diệt
NƯƠNG nhờ quyền pháp đón hồng ân.
Bản Nương chào quý liệt vị Thiên ân. Chào chư hiền nữ. Mời an tọa.
Hôm nay ơn phước đã về lại cùng chúng ta cũng nhờ lòng từ bi của Từ Tôn Kim Mẫu. Mẹ lúc nào cũng tư tư thiết thiết trông về đám con tội lỗi nơi cõi trần nầy. Người chẳng nại chẳng buồn, dù đứa ấy phạm ác đến đâu cũng quyết ân cần làm cho nó đến khi giác ngộ.
(...)
Bây giờ kiểm điểm lại, cơ khảo thí hai năm qua kẻ được người thua. Bản Nương cũng không biết lấy gì để phân hạng. Trong nội bộ nhà tu, cũng khó nói ai mất ai còn. Bây giờ đem lật sổ thưởng công ghi tội, chắc trong ấy chỉ một nét ghi sơ lược, kẻ phạm lớn là nửa hương, còn tất thảy chị em cả một thời gian đều vô sự vô quá.
(…)
Từ đây hồng ân sẽ trở lại. Chị em lo tu là lúc báo đền ơn Mẹ. Mọi việc nên cẩn thận để khỏi nhọc lòng người trên, phạm vào giới ước. Ngày nào ơn phước trở về cho Hội Thánh ta là ngày chị em mạnh lành vui vẻ. Ngày ấy là ngày Đức Lý Giáo Tông ngự bút để lời. Từ đây cho đến khi Người phụ cơ thì nội tình mới ổn. Vì Người đã bỏ Hội Thánh ta trong khoảng không dài, mà cơ khảo thí tinh vi làm cho ai cũng đau lòng rối trí.
Người là quyền pháp trong buổi Tam Kỳ. Nếu ai đã phạm đến ân oai nầy làm sao thấy được hòa bình xán lạn. Nên Người chúng ta có tội nhớ cầu xin ở nơi Ngài.
Vậy đồng tâm mà nguyện thỉnh Ngài trở về cùng chúng ta để lòng chúng ta được sống lại.
Không còn phò loan tại Trung Hưng Bửu Tòa nữa, đồng tử Liên Hoa cùng một số đồng đạo đến thánh thất Trung Thành cũ làm đạo tràng tịnh tu, gọi là Tịnh Đường, tại kiệt 8 Hoàng Diệu, Đà Nẵng. Đàn tại Tịnh Đường ngày 18-11 Tân Sửu (25-12-1961):
THI
CAO thấp cần chi phải biện bàn
ĐÀI Tiên là chỗ Phật thường sang
TIÊN cơ nhờ học thông sanh tử
ÔNG bảo lo tu để hưởng nhàn.
Chào các đệ tử.
Thầy mừng và có lời ban khen. Thầy miễn lễ. Các đệ tử ngồi nghe. Từ đây Thầy đã ra riêng cho các đệ tử nơi nầy một quyền pháp. Gắng lòng cần tu khổ luyện để trước độ mình sau độ người, mà kết thành một tràng đạo pháp thường tịnh thường thanh, năng tạo năng hóa theo với máy Trời, sớm chiều thung dung, bất cứ ở trần hay ở tiên, không thấy đâu là tham nhiễm chướng ngại.
Thầy luôn luôn theo lời nguyện của mỗi trò mà dìu dẫn ra khỏi chốn phàm trần. Song các trò còn mới mẻ quá, chưa cảm thông được ý Thánh cơ Trời. Đức tin phải như sắt như đanh mới vượt ngoài vòng vây của tà quái.
Thầy cũng mở cho các trò một vài thắc mắc ở lòng mình hay ở nơi bè bạn. Then khóa của Trời là cơ mầu nhiệm. Phật Tiên được thanh tịnh mà ứng hiệp với lòng Trời. Nên sự bí mật của Thiên cơ, Phật Tiên đều đoạt được. Cơ bí mật là then khóa để giữ gìn những bảo vật đặt trong mỗi phạm vi. Như của cải của một người, đặt ở vườn là thanh ba đẳng vật, đặt ở nhà là dụng cụ cần dùng, đặt ở buồng the là của sang đồ quý, đặt ở rương gói, trong đó là châu báu. Nên vườn có ngõ để rào kẻ gian, nhà có cửa để phòng đứa tham, buồng có ngăn để giữ gìn của quý. Hễ mở ngõ được thì vào vườn, mở cửa được thì vào nhà, mở ngăn xong thì vào buồng. Nên mỗi nơi đều đặt cho nó một ổ khóa. Ổ khóa nầy khác với ổ khóa kia. Người vào ra tự do là người con trong nhà hay tôi tớ của chủ. Người ấy có được chìa khóa đã trao.
Vì vậy hôm nay các trò cũng như khách thiện duyên sắp đến mà muốn vào nhà Thầy, muốn thay thế quyền Thầy mà tiêu dụng của cải của Thầy, là phải biết được then khóa nhà Thầy. Mở được then khóa nhà Thầy thì phải có chìa. Chìa ổ ngoài không giống ổ trong nhà. Trong nhà khác xa ngoài ngõ. Vì vậy muốn qua mỗi chỗ phải có mỗi pháp nguyện mà đạt Thiên cơ. Vì vậy từ công truyền bước tới vô vi, mỗi mỗi đều có phần sai biệt. Sai biệt đây là từng đợt của nấc thang, của những lớp tuồng chớ không phải vô vi không dính liền với hữu vi, công truyền khác với tâm pháp.
Hễ học mãn chương trình cấp trung mới sang cấp đại. Trung với đại cách nhau một lằn gạch mà thôi. Lằn gạch đó là chìa khóa mở đường tiến đạo. Ai có bài sách cũng không sao cải đổi được luật Thiên điều. Vì vậy sự thờ phượng theo vô vi ấy là một chìa khóa để cho những người trọn tin mà hòa đồng cùng pháp đạo. Vậy từ đây đi cho tới nơi cứu cánh trọn vẹn, phải gặp nhiều gay go. Mà gay go đủ cách không lường được. Các gay go đó đâu phải một gay go như bước đầu vào cửa ở đây đâu.
Vậy các trò cố gắng và cẩn thận. Phải luôn chịu đựng cho quen các sự khổ hạnh bằng lòng hay bằng việc, để mà đương đầu mọi sự thử thách lớn lao. Hạnh chịu đựng là hạnh của người tu, mà người tu là người chịu đựng, nên dễ bề thành công, dễ lòng thanh tịnh.
Song ít người làm được công đức yên lặng, khiến cho nên lòng họ sóng gió gập ghềnh, lúc nào cũng chạy xuôi theo hoàn cảnh mà lòng thường loạn sanh dục khởi. Nên lúc buồn lúc vui, lúc cười lúc khóc. Cười khóc không phải tự ý thức sanh mà hoàn cảnh sanh mới khổ.
Hôm nay các trò là người cũng đã sắp gần Thầy thì mọi sự đối xử cũng như cha với con, như thầy với trò, như anh với em. Đồng tâm đồng đức không cần biện luận dông cương, không dùng xã giao khách sáo, mà là dùng theo số học. Một với một là hai. Đáng việc trò xin, phải lúc trò nài, trúng đạo thầy cho, trái đạo Thầy la Thầy dạy để uốn nắn con người phàm phu của các trò cho thành tiên tử. Phàm phu thì hay tham cầu ích kỷ, ưng thích theo ý dục vọng khỏe vui, nhác tu, mê ngủ mê ăn, ham chơi ham sướng. Vì thế mà hư thân. Bởi thế mà Thầy cần phải dạy các trò nên đặt hết lòng tin.
Từ đây lấy hai đồng tiền làm Thánh ý, để hợp lòng Thầy, để tránh điều dục vọng ở con người còn tục của trò, để tránh các mối độc tài, các lời khôn lanh của tà quái xen vào làm cho Thánh ý nhơn tâm chống trái. Ngoài ra muốn học hỏi, muốn cầu gội điển lành, muốn sống trong hồng ân lân mẫn thì cầu Thầy. Việc đó không ngại và cũng nên.
Còn về cơ sở nầy làm nơi gặp gỡ giữa Thầy và quyền pháp của Thầy là điều phát tâm chính đáng. Song gặp được là ở chỗ biết sửa mình, biết giác tỉnh, cải tà quy chánh. Phải nhẫn nhục mà yêu mến nhau cho trọn. Phải từ bi mà tha thứ cho kẻ chống nghịch pháp quyền. Phải bền dẻo để bảo vệ cơ chỉ nhà tu. Đó được thì hạt giống nầy sẽ trỗi sống mà nứt nở, quả kết bông đơm, mưu sinh cho vạn đợi, thước mực cho muôn người, mở cửa sanh môn lấp đường tử hộ. Công đức xây dựng nầy Thầy gởi đến lòng thương yêu ban cho những trò góp công đóng của. Sớm gieo mình trong nước Trời, đó là dọn đường để gặp Thầy đạt đạo. Thầy mừng và ban khen. Song đã làm được lành thì hưởng được phước lành cho trọn, chớ vì một cớ nào mà để cho hạt giống ẩm, công cũng hóa ra không công. Còn các trò cũng nhớ rằng đạo cao ma cao. Từ đây còn nhiều khảo thí. Lòng các trò khi thẳng khi dùn. Nhưng phải nhớ cây tuy chắc song phải ngừa loài mọt.
Việc của Trời làm là quảng đại không che, song bởi lòng người còn vô minh chưa đạt đến mới nói qua nói về. Thầy cũng cho biết luôn, mỗi kho tàng Tạo Hóa có cái đã hiện sớm hoặc mới hiện hay chưa hiện, còn biết bao nhiêu ẩn vi. Thầy nắm một chùm chìa khóa, các phần hữu vi chỉ giữ một mà thôi. Cũng có kho tàng các trò chưa thấy được, như pháp công truyền, pháp vô vi, hay pháp trung hưng. Sao ý người thấy được mà đặt vài câu hỏi: Trung hưng chánh pháp có cần những con người giác ngộ? Con người tầm Tiên đạo, con người phá chấp thuần chơn không? Nếu cần có con người ấy để cùng Trời làm việc ấy thì kẻ chê bai ngăn cách là thành phần nào?
Thôi mọi việc trọn đủ. Thầy đến đây ban ơn cho các trò và cũng khai đường mở lối cho các trò gặp Thầy. Thầy lại cho chư Thần đến ở chung các trò mà hộ trì cơ sở chánh pháp.
Rồi đây các trò sẽ gặp gỡ những đệ tử của Thầy, giữa sự cảm thông đó là để làm cho trọn phần hữu vi. Song sứ mạng ngày này Thầy đã đặt cho mỗi trò một phần đặc biệt. Ngày giờ chưa tới Thầy chưa tiện nói ra. Sau nầy cũng phải có một quy thống công đồng thì Đạo Thầy lẽ đâu chia ra làm hai chi nhánh. Vậy các trò là người có trách nhiệm, ráng tu để được xứng đáng.
Thầy ban ơn. Thầy thăng.
Lời Thầy dạy trên được chia sẻ giữa các vị đồng khí tương cầu, và họ đã chung lưng củng cố an bài nhà tịnh để cùng nhau đón ơn huấn đạo của Đấng Tôn Sư. Sau hơn ba tuần ổn định cơ sở, các vị lập đàn tại Tịnh Đường ngày 11-12 Tân Sửu (16-01-1962), có Đức Bảo Nguơn Chơn Tiên giáng:
THI
BẢO ai gắng chí đến thành công
NGUƠN hội Thầy cho để cảm thông
CHƠN thiệt lòng rồi ơn phước đến
TIÊN cung trở lại được vui lòng.
Bản Thánh mừng các hiền hữu.
Nơi nầy được hình thành một cơ sở chánh pháp vô vi. Nếu không nhờ ở sự vận chuyển của Thầy và lòng cố gắng ở anh em thì sao công cuộc mở đường độ rỗi bắt đầu sáng lập được. Các hiền hữu đã lắm công trình tu học, trong thời dĩ vãng được cấu thành nhiều mối thiện duyên nên mới thắng mọi trở ngại mà tiến lên một bước khá dài.
Song vạn sự khởi đầu, đâu phải dễ dàng đến thành công mà còn trăm ngàn cố gắng. Cố gắng đối với mình, với lòng mình và hoàn cảnh chung quanh. Mỗi một sự lạ hiện ra là một trào lưu xôn xao nghị luận. Kẻ nói phải, người nói không. Nếu thiếu sự tự tin ở lòng thì cũng làm cho giác quan của ta phải mệt sức đào sâu trong óc não mà tìm lấy, phải không?
Cái lòng tin tưởng của mình đặt vào đâu mà gọi thiệt gọi hư, nói chơn nói ngụy? Nếu không phải lòng giác ngộ, do nhiều nhân duyên đã tụ tập thì làm sao nhận xét cho thấu lẽ mầu vi. Nên Bản Thánh muốn đặt mối hy vọng nầy vào các hiền hữu có một lập trường bất di bất dịch, thì sau nầy mới khỏi biến hoại theo thời gian. Bản Thánh sẽ hộ trì và dẫn đường trong khi lòng các hiền hữu rối mờ khó giải.
Bây giờ công việc lớn lao mà ít người đảm đương. Gánh nặng đường dài đâu dễ một vài người làm xong. Mà dẫu nhiều người thêm vào cũng chưa phải đủ.
Nếu làm xong việc lớn là ở tâm đồng ý hiệp, sau trước một mối suốt thông. Mà đã tu, đã là giải thoát thì đâu còn nói danh lợi thị phi. Không danh lợi thị phi thì sao tâm không đồng, ý không hiệp. Được vậy rồi thì khó cũng thành dễ.
Đây cần có một quyền pháp mạnh lành. Quyền pháp ấy do ba phần: Ở Trời, ở người, và ở chơn truyền đạo pháp. Song ở Trời, ở đạo pháp chưa quan trọng bằng ở lòng mình. Mình xong, muôn việc đều xong. Mình có, mọi người mới có. Vì vậy ở mình cốt là phải tu phải luyện, phải làm mọi công vụ sứ đồ. Phải điển hình con người đạo đức. Phải hết lòng vui đón các sự chỉ bày bằng sự hân hoan. Làm sao đây để được chánh pháp hoàn thành, công cuộc trung hưng đáng mặt. Nếu không cân đo cho đúng lượng thì nền giáo pháp sẽ luân lưu theo hạ trí, cơ tận độ khó khăn.
Ai đã cảm thấu đường lối Trung Hưng? Nếu một thiên một chấp thì ai cũng như ai, đâu làm được người Bồ Tát canh tân, mở một kỷ nguyên huy hoàng cho vạn thế. Phần nầy các hiền hữu sẽ được nếm trong các bữa tiệc Xuân Hạ gần đây. Mùi vị thơm ngon trên các hương hoa đã có.
Về phần xây dựng nầy, nhờ sự hộ đạo của anh em. Điều ấy đáng ghi công nên mở đường lần chơn cho người tầm đạo. Song lập ra dễ, giữ gìn khó. Ai là người chủ trì lãnh đạo? Ai là bạn đồng đức, đồng hành? Ai là khách chiều sớm cậy tin? Ai là trò tương lai kế tiếp? Bởi vậy kỳ đi nầy các hiền hữu sẽ cảm thông rồi về mà lo sắp đặt.
Việc sau này về sự liên đới giữa Chiếu Minh thì hiền hữu Trần Cư lãnh phần trọng hệ đó để tương lai thành một con đường. Về sự cầu nguyện cũng xin một hiệu đàn để dễ sự thông công.
Mọi việc còn nhiều phải lo sắp đặt. Công việc hằng tháng, tối yếu cầu một kỳ đàn để biết thánh ý chọn một ngày để giữa Bửu Tòa không giẫm chân trở ngại.
BÀI
Thanh thanh nhẹ bước đường về
Sớm chiều giải thoát đề huề biết bao
Nói cao thì đó là cao
Nói trên giản dị biết bao cảm tình
Một lòng tu học kiên trinh
Một thân thanh tịnh cao minh hòa đồng
Có gì luận của tranh công
Vô tư vô lự, thần thông nhiệm mầu
Ra vào nương cậy với nhau
No lòng đạm bạc cơm rau thanh nhàn
Mênh mông trời đất thênh thang
Cổ kim hiền thánh rảnh rang luận đàm
Bốn thời tu dưỡng thân tâm
Dâng hương cầu nguyện gia lâm xa gần
THI ca hòa điệu tinh thần
Để cho kẻ trái người thân cảm tình
HẬU tiền hiệu lịnh cho linh
Công kia việc nọ phận mình sao đây
SINH ra phụng sự Đạo Thầy
Tịnh tâm được ngộ vẹt mây thấy trời
CƯ nay thấm thía mùi đời
Quyết đi về Đạo thì người hoan nghinh
TOÀN tâm xây dựng móng nền
Để rồi kiến trúc đài đền cho cao
TUYẾN còn suy nghĩ làm sao
Thuyền từ gặp nước mau vào Bồng Lai
ĐÁNG khen nhờ biết cầu nài
Minh minh bạch bạch Cao Đài nơi tâm
NAM bang Thượng Đế giá lâm
May duyên gặp Đạo chí chăm từ rày.
Về việc hành trình của các hiền, sự đi cũng tốt đẹp. Muốn khởi hành độ bảy tám thì có Thần Linh giúp sức. Song nên nhớ rằng muốn nhập gia nên tùy tục để được mọi sự khỏi dây dai. Sứ mạng trung hưng còn nhiều hứa hẹn mà cơ khảo thí cũng vẫn mãi để thử lòng.
Việc vào đó sẽ đón Thầy chỉ phán. Bản Thánh mừng các hiền hữu và chúc lên đường thành công. Bản Thánh xin kiếu.
Tân Luật của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ quy định về tịnh thất: “Tịnh Thất là nhà thanh tịnh để cho các tín đồ vào mà tu luyện.” Theo Tam Thừa Cửu Phẩm thì tịnh thất là thượng thừa. Các vị chức sắc Hội Thánh mong mỏi tu theo thượng thừa (vô vi tam thanh) đã đạt sở nguyện, khi đàn cơ ngày 15-11 Tân Sửu Thầy dạy: “Từ đây Thầy đã ra riêng cho các đệ tử nơi nầy một quyền pháp. Gắng lòng cần tu khổ luyện để trước độ mình sau độ người…” Tiếp theo đàn nầy, ngày 11-12 Tân Sửu, Đức Bảo Nguơn Chơn Tiên dạy: “Nơi nầy được hình thành một cơ sở chánh pháp vô vi. Nếu không nhờ ở sự vận chuyển của Thầy và lòng cố gắng ở anh em thì sao công cuộc mở đường độ rỗi bắt đầu sáng lập được.” Như vậy, Ơn Trên đang chuyển hóa cho việc hình thành nhà tịnh.
Đức Bảo Ngươn Chơn Tiên tức là Giáo Sư Trần Nguyên Chí, một chức sắc đầy đủ tâm tài đã đảm đương vai trò hành chánh, nội chánh kể từ khi Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài hình thành. Chỉ mấy tháng sau, Giáo Sư quy thiên. Trong đàn ngày 15-01 Mậu Tuất (04-3-1958) Đức Ngô dạy: “Trần Nguyên Chí hôm nay Bần Đạo đã đem về động phủ truyền thụ pháp môn, sau này làm Thiên Đồ chủ phòng tịnh thất.” Cũng trong đàn đó, phần tiếp điển, Đức Chí Tôn dạy: “Liên Hoa chủ việc cơ sở tổ chức bộ máy kiêm phần Tịnh Đường mật pháp.”
Tám vị (Thi, Hậu, Sinh, Cư, Toàn, Tuyến, Đáng, Nam) được Đức Bảo Nguơn Chơn Tiên điểm danh trong đàn ngày 11-12 Tân Sửu rất hân hoan, cảm thấy ước vọng các vị đúng theo thánh ý nên quyết lập tâm đạt thành nguyện ước.
Trong phần sau bài thánh giáo, Đức Bảo Nguơn Chơn Tiên đã chắp cánh cho các vị vào Nam thọ pháp thượng thừa. Sáu vị Hậu, Sinh, Cư, Toàn, Tuyến và Hương Yến lên đường ngày 15-12 Tân Sửu. Đến đàn Chợ Lớn trình bày việc xin thọ pháp cầu đạo. Chủ đàn Chợ Lớn cho biết rằng theo luật của đàn Chiếu Minh thì không truyền pháp cho hàng giáo phẩm. Nhưng tiền bối Nguyễn Minh Quảng (quả vị Ngọc Hư Chơn Tiên) chấp nhận cho xin keo (dùng hai đồng tiền), nếu được thì sẽ chỉ truyền. Kết quả thật như nguyện: Trước hết là Giáo Hữu Trần Cư và Thừa Sử Quân Hồ Tân Sinh, tiếp theo là Giáo Sư Thượng Hậu Thanh và Giáo Hữu Thái Tuyến Thanh, rồi đến Truyền Trạng Ngô Thanh Toàn và nữ Giáo Hữu Hương Yến.
Các vị thọ pháp trở về Tịnh Đường đã chuyên tâm tu luyện một trăm ngày (bá nhựt trúc cơ), tạo khí thế cho một đạo tràng tâm pháp. Nhiều đạo hữu, chức sắc cùng nhau hưởng ứng, đến thọ pháp tu. Họ chung công góp sức đem cây gỗ từ Tý Sé, Quế Sơn về tạo dựng nhà tịnh tương đối khang trang. Mỗi ngày, người về tu tại nhà tịnh thêm đông. Các vị thọ pháp về thì nhất cử nhất động không sai lệch, ngày ngày lo chăm củng cố nề nếp sinh hoạt tu học cho tinh tường. Mối tương quan giữa Tịnh Đường và Trung Hưng Bửu Tòa vì thế bị ảnh hưởng, kém phần nồng ấm.
Mùa xuân Nhâm Dần (1962) đến trong trạng huống nói trên. Hội Thánh đón một cái Tết tẻ nhạt. Ngày đại lễ Thánh Đán Đức Chí Tôn thiếu tình sum hiệp. Vì một số chức sắc nghiêng về phía nhà tịnh nên việc điều hành Hội Thánh có phần trở ngại, nhất là về hành chánh đạo. Hội Thánh đề cử Giáo Sư Ngọc Tín Thanh giữ chức Chưởng Quản Cơ Quan Hành Chánh thay thế Giáo Sư Thượng Hậu Thanh. Về Hiệp Thiên Đài, Tiếp Cơ Quân Liên Hoa không mặn mà việc thủ cơ lập đàn ở Trung Hưng Bửu Tòa. Thừa Sử Quân Hồ Tân Sinh cũng thiên về tịnh tu. Một vài Sĩ Tải hoặc về địa phương hoặc phải đi làm nghĩa vụ công dân. Thế nên đàn cơ ngày đại lễ Thánh Đán Đức Chí Tôn vắng bặt. Từ đó nảy sinh những chỉ trích, cho rằng đi tu tịnh là phản lại sứ mạng trung hưng.
Tại nhà tịnh các vị khai đàn đầu xuân, do Tiếp Cơ Quân Liên Hoa thủ cơ. Đàn tại Tịnh Đường ngày 13-01 Nhâm Dần (17-02-1962):
THI
ĐẠI thừa gắng chở hết quần linh
GIÁC tỉnh cho nhau để giữ mình
KIM thạch dặn người tu phải quyết
TIÊN đơn luyện được mãn công trình.
Chào các hiền. Giờ nầy Bản Thánh đến vui mừng tiết xuân dương đã thành công cho vạn vật, thành tựu cho chư hiền.
Công cuộc kiến thiết một lâu đài đạo pháp, bởi góp nhiều công phu ở nhiều ngày tu tập, nhiều sự cố gắng ở lòng giác ngộ. Các bậc hiền, có người đã thành công ở chỗ trầm tĩnh thung nhàn. Bất cứ ở lúc bối rối hay bình thường, nên hay hư, người chỉ tin ở sức mình, không cậy mượn vào người, mới thành công chóng lẹ.
Hôm nay Bản Thánh để lời cùng chư hiền. Chư hiền gắng công phu tu tập để thành hình một quyền pháp mà mở đường tận độ thiện căn.
Tu có công phu bốn buổi chuyển lấy pháp luân. Ngoài các giờ trên, trong lúc làm hay nghỉ, đi ra hay ở nhà, ngồi một mình hay luận đàm cùng chúng bạn, giữ cho được cái lòng thanh tịnh vô vi. Nếu va chạm nhiều hoàn cảnh khó khăn, đụng các đối phương xô xát, mà lòng giữ bình tĩnh như nhiên, thì lúc đó đã thấy công phu phanh luyện gần thành. Đơn khuê được kết, thuốc thần có đủ cứu các bệnh đời. Sáng suốt có thừa biện phân tà chánh. Lòng thương hiển hiện, tự đương gánh đạo cứu khổ toàn dân.
Lòng tu không trễ, nhứt định thành công. Tu có luyện có phanh. Phanh là chưng nấu đơn tâm, luyện là rèn trau đức tánh. Phanh luyện mà không lo, quả đạo khó thành. Lo mà thiên chấp một phần thì không phân thanh biện trược được.
Nên pháp tu trước dụng võ, sau dụng văn. Võ để thấu tận chơn khiếu, nung nấu phách hồn. Nếu không dụng võ thì cửa tam quan khó nổi suốt thông, thập nhị trùng lâu làm sao rọi thông cửu khiếu. Nên kêu rằng luyện rằng chưng. Chưng là riu riu cho lửa tam muội được điều hòa. Luyện là vận dưới lên trên rút hơi làm khí. Phanh luyện là một phần làm Thánh làm Tiên mà còn phải gia vào công phu tịnh định. Có tịnh định thì căn trần mới lần hồi cất sạch. Tịnh định để diệt cái bản ngã vô minh. Phanh luyện để quy hợp, để điều hòa kinh lạc dưỡng sanh tánh mạng.
Tịnh luyện mới chỉ hai phần. Phần thứ nhất Phật gọi là thiền, Nho gọi là lự, Thánh kêu là ngộ. Thiền để ôn tập cho trí lự thông đạt huệ căn, để hòa đồng cùng vạn vật. Thiền để gánh lấy sứ mạng trung hưng. Nếu ba điều nầy không tu được thì chỉ thành cho thân, chứ không sao thành cho thiên hạ.
Muốn thành cho thiên hạ, trước phải thành được con người của mình. Con người không danh không lợi, không hữu không vô. Người đắc đạo nhiệm mầu tóm gần đủ ba tài bốn đức. Đạo ấy vô thượng thậm thâm, đủ đức đủ phương che chở mẫu mực. Nên xưa các bậc tiên vương đại biểu cho Đạo Trời làm mực thước cho nhơn luân. Lấy thân vô ngã mà chở che trăm họ. Đem lòng thân cận mà giáo hóa trăm quan. Nghiêu truyền cho Thuấn. Thuấn trao qua nhà Hạ, nhà Thương, đắp bồi dặn dò lấy một chữ trung mà an dân trị quốc.
Chữ trung là cái đạo nhiệm mầu. Đạo ấy làm khu nữu cho vũ trụ càn khôn. Nó là thiên căn chơn thiệt, nếu xô qua thì một sắc một không, hay nhích tới thì một hư một thực. Vì lẽ xa mất đạo trung mà mãi mãi bị quay tròn trong vòng sanh diệt vô thường.
Nên Bản Thánh khuyên các hiền gắng mà làm xong những trang sử đạo đang lở dở. Làm được chăng là ở lòng. Lòng có một định hướng, hướng chỗ nào thì vào chỗ đó. Ví như hướng qua đông thì thấy biển nước mênh mông, hướng qua tây thì thấy núi chằm chồng chất. Vì vậy cái hướng là cái đặt mình trên địa vị đó. Bản Thánh soi thấy lòng các hiền muốn hướng đến chỗ các hiền đã hướng mà không phương tiện đạt thành.
Con người trung hưng là con người chung các giới, con người thân hết cả các giống muôn loài. Con người môi giới bắc cầu cho đôi bên gặp được. Con người thao lược phải ở chỗ trung hòa. Trung hòa ở đâu? Là ở lòng thanh tịnh.
Về việc khảo thí vừa qua và sắp đến, các hiền bình tĩnh. Mọi việc ở Thầy. Nếu lòng ta nghiêng ngả sai lầm thì nhất định hư hao. Dầu có một thế lực nào cũng không giữ được. Các hiền cứ yên lòng. Đường xa gánh nặng mà có người san sớt cho đôi phần, thì đâu phải việc khó mà việc mừng.
Còn cơ sở vô vi lúc nào cũng vô vi tồn tại.
Bản Thánh hôm nay điều độ, quyết chẳng cho kẻ nào xô ngã được cái mống trên trời, lôi các ngôi sao bên nam về bắc. Nếu được thì chỉ có thể phun mưa khạc gió, ngăn sự trông coi của kẻ dưới trần. Hoặc thổi mù giăng mây, che sự hiển hiện mà thôi. Sự khạc gió phun mưa, giăng mây thổi mù cũng là việc nhứt thời, chứ đâu ngày nào đêm nào cũng như thế. Mãi như thế thì làm sao cho khỏi trăm họ oán hờn, ai không buồn không bực cho mây mưa đó.
Thôi Bản Thánh chào và ban cho các hiền một năm vui khỏe lo tu. Thăng.
Thật là được lời như cởi tấm lòng. Qua các đàn cơ dẫn trên, các vị tại nhà tịnh tin tưởng hướng đi của các vị không trái với Thánh ý, và yên tâm cùng nhau vun bồi cho nề nếp học pháp, hành pháp theo đúng khẩu khuyết chơn truyền.
Ngày 08-02 Nhâm Dần (13-3-1962), kỷ niệm Thái Tử Sĩ Đạt Ta xuất gia, các vị lập đàn tại Tịnh Đường.
THI
BẢO lấy từ đây một chữ đồng
NGUƠN thềm sáng tỏ, được toàn thông
CHƠN thành mà đón ơn Trời đến
TIÊN Phật là ta gắng lấy lòng.
Bản Thánh chào chư hiền đệ.
Hôm nay, ngày thánh đán Phật Thích Ca xuất gia, vào cảnh u tịch trầm mặc cầu lấy đạo nhiệm mầu.
Nơi đây các hiền đệ cũng nối gót theo Người mà cầu lấy quả đạo vô vi. Song mới đặt chân trên nẻo vạn đồ đã gặp nhiều khó khăn, lòng các hiền hóa nên lo lắng. Lo lắng để mà trù liệu bước đi, chuẩn bị gánh hành trình được thêm đầy đủ.
Phước thay! Lành thay! Cho duyên đẹp căn đầy mà đón được ơn lành đầy đủ. Ơn mà Thầy cho các hiền đây tưởng cũng là một sự lân mẫn của Thầy. Nếu không vì một lời hứa, một sự vận chuyển trong cơ tận độ của Thầy, thì đâu dễ các hiền lấy lo lắng khó khăn mà đủ làm phương tiện trên đường cầu đạo vô vi.
Khó khăn lo lắng, kẻ thường ở đời ai cũng chê cũng sợ. Song đối với người tầm đạo lo đời, cũng là một sự may mắn cho mình. Các hiền đừng nghĩ sự an vui là hạnh phúc. An vui chính là cái họa ở trong đời. Kẻ sạch chun vào, khi ra ô uế. Người sáng vào, khi ra bị tối tăm. Nên Thầy không ban cho các hiền bằng sự an vui, mà để cho vào con đường khó khăn dễ dàng giữ thân còn đạo, chớ không phải là tai họa buộc ràng.
Thuốc độc là món giết người, mà trong đời hỏi mấy ai chết vì thuốc độc? Mà ai ai cũng chết vì an vui vô kể. Kẻ đi trên giá mỏng, nhờ cẩn thận được yên lành. Thuyền chạy nơi khúc sâu vực thẳm, nhờ cẩn thận mà an toàn. Xe lái trên đồi dốc quanh co không đổ, mà tai nạn xảy ra nhiều nhất ở đường bằng lối dễ.
Các hiền chưa đắc được cái đạo vô vi, nên hãy gặp khổ thì buồn, gặp vui thì đắm. Vậy muốn làm xong sứ vụ, để tái tạo cuộc đời là phải ân cần dè dặt, cẩn thận từ việc từ lời. Lời thốt ra phải được hoằng pháp lợi sanh. Bằng vô ích, dẫu ai có mua bạc vạn tiền ngàn cũng không mở miệng.
Mọi sự xảy đến cho các hiền là mọi điều may mắn cả. Nếu trên đường nầy có kẻ hiểu lầm là cầu danh bán đạo, cũng bình tĩnh mà đợi thời gian. Vì đã không biết lòng nhau, thì còn nói đi nói lại làm gì. Phương chi, dầu cho biết ruột biết gan đi nữa mà cảnh xây thế ngược, dầu ai dễ thấu nhiệm mầu. Nếu không bởi cái oái ăm bí nhiệm kia thì tại sao tình đào viên kết nghĩa, sống chết trọn thề, mà rồi Quan Công Hầu phải bị Trương Dực Đức hung hăng cự tuyệt? Xét ra cũng bởi hiểu lầm. Trong lúc cơ thế đổi thay, Dực Đức nghi lòng Quan Công vì vinh ba mà hàng Tào bỏ Hớn.
Cũng thế này mà áp dụng, thì ai lại không cho các đệ vào Chiếu Minh là bỏ sứ mạng trung hưng?
Nỗi lòng nầy, nếu trên không có Thiêng Liêng quyền pháp đưa đường, thì các đệ cũng ráng cổ ráng lời để thanh minh biện bạch, đặng gỡ xấu tranh hơn, thì công vụ sứ đồ cũng chưa xứng đáng.
Hễ vội vàng thì hỏng việc. Trễ một đời là trễ muôn đời. Bởi vậy, Thị Kính hàm oan, ngậm miệng im hơi, đến chết cũng không hề than thở. Nhờ vậy mà quả đạo mới tròn, gương trong mới sáng. Các đệ gắng lấy lòng mình. Còn khó khăn, còn lo sợ. Lo sợ thì được bình yên. Gắng lên hội nầy có phần tốt đẹp.
Nay bất kỳ ai đã có mắt xanh nhìn thấy lẽ thật là đâu, thì mạnh mẽ vứt cả danh vị lợi quyền, đem thân phụng sự lẽ phải. Đâu vì tình riêng lợi nhỏ, hay vì cái gì mà quên lời sứ mạng, chối phụ ơn Thầy.
Xét thấu đôi phần: Phần nào vì sứ mạng Thiêng Liêng. Phần nào vì ý người lòng tục, thì đâu có gì phải suy nghĩ.
Chỉ có gan hay thiếu gan, chứ quyền pháp rành rành. Lời Thiêng Liêng đã dẫn dạy từ lâu. Chỉ có tu là trọn.
Thôi, chào các hiền.


([1]) Phật Địa giải thích rằng đúng tên là Trường Sanh Phật Địa. Trường Sanh là pháp thân, và Trường Xuân là ứng thân của Ngài.
([2]) phở cồn cao: Vỡ đất hoang.
([3]) phở đất: Cuốc hoặc cày đất, vỡ đất.
([4]) phở lật: Cuốc hoặc cày lật mặt đất phía dưới ngửa lên trên.



PHẠM VĂN LIÊM