Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

6. Hồng Ân Tận Độ (Phạm Văn Liêm)


Hà Nội: Nhà xuất bản TÔN GIÁO, 2016

SÁU
Bắt đầu ngày mồng 2 Tết Đinh Dậu (Thứ Sáu 01-02-1957) là năm hồng ân Khai Cơ Giáo Pháp, trong vòng một tháng Ơn Trên liên tục giáng đàn minh định cơ chế, huấn đạo về các cơ quan. Các chức sắc cốt cán của Hội Thánh cảm thấy có một thứ lửa trong khối linh sơn thật ấm áp đang nhen truyền. Đó là các bậc tiền bối hướng đạo buổi đầu của cơ đạo miền Trung quá vãng, sau khi đắc quả vị thiêng liêng đã trở về với trách nhiệm giáo hóa từng mỗi buớc đi cho “cơ đạo đại hành” trên lộ trình truyền giáo, đưa nhân sinh vào ơn tận độ.
Tuy nhiên thực lực về nhân sự đảm đương trách vụ trong guồng máy của cơ chế Hội Thánh còn chưa chặt chẽ, vai trò chủ trưởng chưa thực sự tại vị, vai trò đồng tử Thanh Long đã chuyển cho Tiếp Cơ Quân Liên Hoa rồi đến các bộ phận phò loan mới.
Về quyền pháp bốn cơ quan thì cơ quan Minh Tra chưa định hình rõ rệt. Trong hàng ngũ chức sắc, sự nhận thức thánh ý còn hạn chế, chưa đồng bộ, sinh ra ngờ vực, nhất là đối với Tiếp Cơ Quân Liên Hoa. Có nhiều lời ra tiếng vào, e ngại rằng việc thông công của Tiếp Cơ Quân Liên Hoa dắt dẫn Hội Thánh lệch ra ngoài khuôn khổ trung đạo. Về tướng pháp thì nhiếp theo sự canh cải của Tây Ninh với đạo luật Mậu Dần. Về tâm pháp thì ép mình vào việc tu tịnh, tuân thủ và hành trì pháp môn theo huớng Chiếu Minh. Như vậy là đi ngoài lập trường không chi phái của Trung Hưng.
Bao nhiêu ngờ vực, bao nhiêu vấn nạn đã trở thành những mong mỏi được Thiêng Liêng giải tỏa để quyền pháp Hội Thánh được sáng tỏ, thuyền đạo được đi đúng hướng.
Tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 07-02 Đinh Dậu (Thứ Sáu 08-3-1957), Đức Trần Nguyên Hiệp Lý giáng cơ minh giải:
Nếu tâm nguyện chưa đúng mức, lòng chưa vô tư thanh tịnh, thân chưa thể hiện bằng quyền pháp thì tất nhiên nội bộ vì đó mà ngờ nghi nhau, sanh lòng chia rẽ. Trường hợp những người cùng nhau một chí hướng có đôi lúc chống nhau, có khi bất bình xô xát, không phải ngờ ghét chi nhau mà vì chỗ thấy đôi bên mỗi người mỗi khác. Cái khác của hai phần, phần nào cũng có cái lý vững vàng. Tựu trung đều làm cho tỏ sáng mục đích. Hoặc người đi sâu, người mở rộng; kẻ giữ sớm, người lo chiều. Rộng nhờ sâu mà đuợc, sâu nhờ rộng mà bền. Không sớm sao có chiều? Muốn được buổi chiều, lo giải quyết những điều trong buổi sớm. Sớm không vì chiều cho nên việc, thì sớm có được gì! Vì vậy mà ta cần hiểu nhau để rồi an tâm mưu đồ công việc chung cho vạn đại.
Đức Tổng Lý Hưng Đạo thừa lệnh Đức Giáo Tông Vô Vi chưởng quyền hành chánh, lâm cơ giải quyết mấy vấn đề đang khúc mắc, nhất là việc đồng tử Liên Hoa xin nghỉ thủ cơ mà chuyển hẳn cho cặp phò loan Thanh, Thọ (Huệ Linh, Huệ Thành).
Đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 22-02 Đinh Dậu (Thứ Bảy 23-3-1957), Huệ Linh và Huệ Thành phò loan. Đức Tổng Lý dạy:
Đàn lệ hàng tháng thì Thanh, Thọ [Huệ Linh, Huệ Thành] thủ cơ. Đàn lý giải thì trách nhiệm nơi Liên Hoa. Năm nay là năm hoàn thành Chỉnh Cơ Lập Pháp. Điểm trọng yếu về phần cơ bút thì chuyển riêng về lý giải đạo pháp rất nhiều. Chư liệt đệ nên bình tĩnh, lần lần biểu Liên Hoa thủ cơ cho thánh ý tiếp các đàn đã dạy trong mấy năm qua (Bửu Chương Pháp Đạo).
Bản Thánh được Đông Phuơng Lão Tổ cho biết thì Liên Hoa hay thối thác trên công việc và xin nghỉ mãi. Thánh ý không biết giải quyết như thế nào, nhưng xét kỹ thì cũng có một duyên cớ trở ngại ở nơi đây là về phần nhơn sự. Các hiền chung chung chưa trọng danh đồng tử và giữa nhau chưa đắc nhơn tâm, nên nó buồn muốn lơ là việc đạo. Tuy biết rằng nó làm vậy là có lỗi với Hội Thánh thiêng liêng, hữu hình. Nhưng các đệ làm người đứng ra gây chuyện cũng phải chịu một phần khuyết điểm.
Đức Tổng Lý bảo rằng cơ đạo Trung Tông thiếu Liên Hoa thì không ai có thể thủ cơ chấp bút cho việc hoàn thành cơ lập pháp sang giáo pháp:
Tiện đây Bản Thánh cũng cho biết trước một phần về việc sắp tới đây. Năm giáo pháp khai cơ thành đạo sẽ có nhiều trắc trở về nội bộ, mà chúng ta không ngờ đó các đệ ạ! Tương lai của Đạo cần những tay dày công học hỏi nơi Thánh Chúa Ngôi Hai [Ngô Văn Chiêu] hay những người được truyền tâm pháp, am hiểu đạo pháp vô vi. Nhưng nơi đây nó là một, cũng nên tôn trọng và chú ý đến đôi phần, dù gì cũng một đệ tử Ngô Cao Tiên. Chúng ta nên dè dặt một lẽ nữa: Người Hiệp Thiên Đài [đồng tử] là cơ quan bí mật thì mỗi mỗi đều bí mật. Các hiền không nên đi vào chỗ ngôn ngữ, hành động mà làm trở ngại đường tu.
Đức Tổng Lý lại cho biết Hội Thánh chuẩn bị ngày 08-4 Đinh Dậu (Thứ Ba 07-5-1957) vào khóa tịnh.
Ngày 14-3 Đinh Dậu (Thứ Bảy 13-4-1957), Đức Giáo Tông dạy:
Hôm nay bước đạo đã tiến sang giai đoạn thành hình. Giai đoạn quyền pháp ứng lập nơi nầy để tạo thế, khai thế. Nhưng phần đông chư chức sắc còn bị hoàn cảnh chuyển thiên, quyền pháp uốn mềm theo lòng ưa thích của phàm phu. Với quyền pháp cũng chưa đủ năng lực mà chuyển phàm phu ra thánh đức. Vì vậy mà cơ đạo nơi đây không khỏi một bước đảo điên.
Trời phải vậy, người thế cam đành. Phải chi lòng nhơn của mỗi người sớm giác ngộ, lấy công lấy của mà chuộc bớt tội tình, gắng học gắng tu để giữ yên thần khí. Bởi vậy nên Bần Đạo phải xin Thầy đình đãi ngày Khai Cơ để hoàn thành lập pháp.
Nhưng thời gian kỷ lục, máy Tạo không dời. Ôi phước ôi phần, phải ai nấy chịu! Cơ hoàn thành chỉnh pháp mà mấy kẻ biết lo, chỉ lo khoe sắc chọn tài, điểm đích còn trống rỗng. Phải chi Tòa Minh Tra được thành lập thì bước đạo ngày tới được tươi xinh. Các hiền đã làm cản trở cho cơ hội quá nhiều nên tạm thời xây dựng.
Bần Đạo xin Thầy cho nơi giáo hội Trung Hưng nhích nhứt hào dương quẻ Phục lên hào nhì cho đủ trungchính. Vì quẻ Phục còn là tượng mà phát hiện giai đoạn Trung Hưng, được chính mà thiếu trung, nên cơ đạo gặp nhiều bước biến thiên bất nhứt. Tỉnh nầy làm khác tỉnh kia, người nầy người kia không nhất trí. Hội Thánh không quyền, quyền pháp không tôn, mệnh lệnh trên nói dưới không nghe, hành động dưới làm trên cũng chẳng biết.
Mối loạn đã manh nha, nên không sớm chỉnh đốn thì dù có khai cơ giáo pháp cũng có nên gì! Vì là nền tảng còn mỏng manh, lầu đài có cao lớn, có ngày phải đổ. Vì vậy mà Nội Chánh phải chiếu y quẻ Sư ([1]) mà an bài trật tự.
Quẻ Sư là hào dương của quẻ Phục biến thành, để cho có trung được chính. Chư Thiên phong chức sắc lưỡng đài y tuân quẻ Địa Thủy Sư mà hành chánh trong giai đoạn Chỉnh Cơ Lập Pháp.
Sang giai đoạn Khai Cơ Giáo Pháp, áp dụng vào cuộc cầu phong cũng quẻ Phục. Bần Đạo mượn dương hào của Phục đem lên làm Địa Thủy Sư, mà cũng lấy hào dương cương ấy để trên làm quẻ Thủy Địa Tỷ ([2]) cho Phước Thiện, Phổ Tế gây mầm đạo hạnh.
Vậy các cơ quan áp dụng theo hai quẻ ấy mà thi hành. Còn Hội Thánh lưỡng đài nên tuân chiếu theo quẻ Phục mà hành pháp, bảo pháp. Bần Đạo nói việc hoàn thành Chỉnh Cơ Lập Pháp để chuẩn bị Khai Cơ phong quan định vị.
Việc nhập tịnh tu có đàn riêng trước đó ít hôm. Để Ngô Cao Tiên chỉ dẫn. Bần Đạo chào và ban ơn.
Theo lệnh Đức Tổng Lý, khóa tu tịnh sẽ tổ chức vào ngày 08-4 Đinh Dậu (Thứ Ba 07-5-1957). Thời gian còn hơn ba tuần lễ, Hội Thánh đã đưa bộ phận phò loan vào Phú Yên thăm thánh thất Minh Trung mới xây dựng, rồi trở ra Bình Định thăm tịnh thất Ngọc Linh Đài mới hoàn tất phần nhị đài. Ở mỗi nơi đều được Thầy và Đức Tổng Lý giáng cơ dạy đạo.
Đàn tại Minh Trung, Tý thời ngày 22-3 Đinh Dậu (Chủ Nhật 21-4-1957), Thầy dạy:
Ngọc quý con lo giữ lấy nhau
Hoàng môn chờ đợi pháp truyền trao
Thượng hòa hạ mục nương nhau bước
Đế Đạo ngày gần độ Ngũ Châu.
(…) Ngôi thánh đường các con tạo lập là do lòng ưng muốn mà có. Ưng thì dù khó cũng làm được, muốn thì dù nguy hiểm cũng thắng được. Muốn đạt được, không khó khăn; ưng thì làm đâu mệt nhọc. Các con nhờ đồng tâm cộng sức mà nên. Nếu thiếu chữ hòa và lòng tin thì đâu nên công đức. Các con gắng nhớ lời Thầy. Con đường hạnh phúc ngày mai cho các con và chung nhơn loại là con đường hòa thân yêu ái.
Tại Ngọc Linh Đài, Tý thời ngày 25-3 Đinh Dậu (Thứ Năm 24-4-1957), Thầy dạy:
Ngọc quý con thường bữa bữa trau
Hoàng cung ước đợi trẻ hòa nhau
Thượng thừa năng bước trên quyền pháp
Đế Đạo lần ba lắm nhiệm mầu.
(…) Con ôi! Cái gì cũng giả dối cả, chỉ có phương tu giải thoát là đi đến lẽ thật mà thôi. Dù cho Thầy có ban cho con một ông hoàng, là người bậc nhất trong thiên hạ rồi cũng là ảo vọng, mà còn kết cấu nghiệp quả kéo dài, sao sánh được phương tu mở mắt trông ngoài vạn vật, để tai nghe suốt càn khôn, chơi với Phật Tiên, sống liền cùng Tạo Hóa. Cái phương tu nó chắc chắn mà ít người làm theo. Vì thiếu căn duyên, hoặc không gặp Đạo.
Hôm nay Thầy đã đến cùng các con, lấy điển quang bao bọc, truyền thần trực xạ vào cõi tâm giới hư linh. Các con có chí, có tin và muốn là được. Nhưng các con phần đông lại tham vọng cái giả cảnh của đời.
Đừng tưởng cái ngai vàng nó vững chắc chắn đâu, bè đảng tin cậy đâu, sức mạnh tài khôn đủ bảo vệ được đâu, lời nói việc làm đủ cho người ta tin đâu. Tất cả cái giả cảnh, giả trá là đều bị tiêu diệt cả.
Ngày mai dương cương chánh pháp hiện, âm nhu tà thuyết đều tiêu. Dù cho các con ở trong đạo mà có cái niệm không lành, các ngũ quan tà ác cũng đều tiêu diệt cả. Thầy hứa chắc rằng nguơn tiêu diệt sẽ bước qua nguơn tái tạo. Tất cả cái gì không chơn thật đều bị sụp đổ. Cái gì chơn thật mới được tồn tại.
Vậy Thầy khuyên con giữ trật tự luật pháp mà tu học, nuôi đức tin mà theo Thầy. Đừng vì một lý do nào con chọn cái sống giả, bỏ cái sống thật; chuộng cái khỏe tạm, bỏ cái khỏe đời đời; sợ cái đau khổ chốc lát, quên cái vui hạnh phúc trường cửu.
Các con ạ! Đạo tạm ví như tấm gương trong. Thầy đặt trên đài, Thầy tráng thủy để thành sức sáng con soi, mọi người cùng soi. Gương ấy phải năng lau chùi bụi bặm. Nếu kẻ nào đem cả bẩn thỉu bôi vào cũng chẳng hại gì đến gương. Hễ có dơ, có ngày rửa sạch. Chỉ sợ tróc thủy nơi trong, trông vào không sáng, hay bị vỡ đi, khó thể ráp liền. Mà làm sao ai dám phạm đến? Chỉ có quyền làm được là quỷ vương. Mà Thầy chỉ cho phép chúng nó cạo thủy, bôi lem, chứ không quyền đánh vỡ. Thủy ở trong khó cạo, cạo được là tại con. Ngoài dễ bôi lem nhưng cũng dễ lau chùi mau sạch.
Các con ở tỉnh đạo Bình Định lòng tu được trổi hơn về điểm chơn thành, cũng đáng mừng. Cái mừng của Thầy ban cho hay của người khác tặng, con thấy thì có hại, không có lợi. Vì sao? Vì thấy nên sanh hữu tâm, vị hữu ngã, mà bị ngã chấp là bị vô minh.
Vậy các con muốn diệt vô minh là không thấy cái tốt đẹp của mình đem lòng kiêu ngạo. Mà nên tìm cái khuyết điểm để lo sửa chữa, xây dựng cho thành. Ấy là bước tu sẽ lần lần mở cơ tận độ được.
Đi thăm hai họ đạo ở Phú Yên và Bình Định vừa xây dựng nhà thánh, cũng là thăm hai tỉnh có tín đồ gốc Tây Ninh, Tiên Thiên, Cầu Kho, Minh Chơn Lý. Bổn đạo hai tỉnh nầy đã hiệp chung nguồn với cơ đạo miền Trung từ trước năm Ất Mùi (1955), do sự hướng dẫn của Ngọc Giáo Sư Nguyễn Khoa Trường và Bảo Cơ Quân Huỳnh Thanh. Dịp thăm viếng nầy cũng thúc đẩy các Lễ Sanh Đầu Họ Đạo về Trung Hưng Bửu Tòa tham dự khóa tu vào ngày 08-4 Đinh Dậu (Thứ Ba 07-5-1957).
*
Khóa tu được tổ chức đúng ngày 08-4 Đinh Dậu theo lời dạy của Đức Tổng Lý. Về Trung Hưng Bửu Tòa tham dự có bốn mươi mốt Lễ Sanh trong thời gian mười tám ngày. Phần hướng dẫn, hộ tịnh do hai mươi chức sắc, chức việc Hội Thánh đảm trách.
Giáng cơ dạy đạo trong khóa tu có Đức Ngô Cao Tiên, Đức Lý Giáo Tông, Đức Phổ Hiền Bồ Tát, Đức Hưng Đạo Vương, Đức Bạch Phụng và Đức Liên Hương.
Vào giờ Tý ngày 08-4 Đinh Dậu, Đức Ngô Cao Tiên giáng đàn ban lịnh khai khóa:
Ngô tâm hằng niệm độ quần dân
Cao thượng toan lo thoát dục trần
Tiên Phật muốn thành công quả vẹn
Giáng thăng đạo pháp tiếp hồng ân.
Giờ phút thiêng liêng trọng đại đã bắt đầu. Các vị Lễ Sanh Đầu Họ các thánh thất được lần lần vén tấm màn bí mật trong cõi đạo pháp vô biên.
Cơ bí mật đã trao ráng bước
Đường thiêng liêng ân phước lần đi
Ngàn năm có được mấy kỳ
Một phen ngộ Đạo quản gì khó khăn.
Đức Ngô Cao Tiên ban các quy định: Tu học trong khóa 108 giờ, khẩu khuyết 36 giờ, học thật thấu đáo về Tứ Bửu, hành pháp, cách làm phép, thiết lễ cầu nguyện. Ngoài ra phải đọc sách, học tập, an dưỡng và công phu cúng tế. Sau bảy ngày nhập khóa phải luyện Tam Bảo Hoàn Châu…
Đàn tái cầu, Đức Lý Giáo Tông dạy:
quả nhờ vun cội vững bền
Bạch tâm vô ngã được làm nên
Giáo truyền đạo pháp công tu dưỡng
Tông chỉ khai cơ vững móng nền.
Qua thánh giáo này Đức Lý cho biết ngày khai cơ giáo pháp không còn bao lâu nữa mà việc hoàn thành nhiệm vụ chỉnh pháp chưa xong, vì nội bộ còn ngổn ngang, trên dưới chia lìa. Chức sắc Hội Thánh giữa nhau chưa hòa, chưa thành một khối. Hàng ngũ chức sắc địa phương chưa thấy trọng trách lớn lao của cấp thừa hành, chưa thực sự đưa ơn cứu độ đến tận nhơn sanh. Trong khi xây dựng cơ sở mà cơ sở thiếu phương tiện, không được cứng chắc. Cũng như có cát, sạn, xi măng mà thiếu nước để làm cho liền nhau là một điều đáng tiếc. Nếu chỉnh cơ chưa rồi, lập pháp chưa được, thì quyền Hội Thánh không minh, tước Hội Thánh không trọng, người Hội Thánh chưa xứng, tâm Hội Thánh chưa yên. Đức Lý dạy Hội Thánh chỉnh đốn lại gấp, ai ai cũng phải quên thân vì nhiệm vụ, phải đồng nguyện thì quyền điều khiển của Đức Lý mới đến với Hội Thánh.
Vào Tý thời ngày 16-4 Đinh Dậu (Thứ Tư 15-5-1957) Hội Thánh lập đàn. Đức Phổ Hiền Bồ Tát giáng lâm điểm công hạnh và phủ dụ từng tịnh viên, chúc lành cho toàn khóa. Sau đó Đức Ngô giáng lâm ban trao khẩu khuyết, yếu ước pháp môn để cho các tịnh viên bảo toàn thân tâm tứ bửu. Đức Ngô còn dạy về nhiệm vụ người Đầu Họ:
Ngô khai tâm pháp độ quần mê
Cao hạ trần ai nguyện được về
Tiên Phật muốn thành công quả lập
Giáng thăng pháp đạo luyện đơn khuê.
Bần Đạo chào chư Thiên ân, chư hiền sĩ. Giờ nầy Bần Đạo đến đây điểm qua thời gian thất nhật tịnh cơ của chư hiền sĩ trong khóa mười tám ngày.
Chư hiền sĩ bước tu còn ngớ nghếch lắm, chưa dứt sạch lòng phàm tục, tâm còn xao động, công hạnh chưa viên. Bên cạnh số khá còn có một số ít thiếu cố gắng.
Lần nhập tịnh nầy là lần đầu tiên trong bước nhập môn, nên Bần Đạo cũng vui mà trao ban quyền pháp cho, để chư hiền sĩ độ mình, độ người trong kỳ mạt tận.
Chư hiền sĩ đã được vào tịnh đường tức là vào nơi cải tạo, ví như sắt vào lò để rèn đúc. Vào tịnh thất tức là vào nơi huyền cơ mật khuyết để được khải thị, thì Bần Đạo cũng nói qua cho chư tịnh chúng được biết.
Người tu học đã nhập môn cầu đạo mà không được khẩu khuyết trao truyền thì làm sao rõ thông đường siêu nẻo đọa. Vì vậy mỗi người vào mật thất được trao truyền khẩu khuyết để khải thị khai tâm. Truyền khẩu khuyết là truyền cái gì? Truyền cái yếu nhiệm then chốt của cơ Tạo Hóa để tạo Tiên tác Phật. Có làm được Tiên Phật mới độ dẫn được chúng sanh.
Các hiền đây là người Lễ Sanh Đầu Họ, người được Hội Thánh chia cắt coi giữ một địa hạt, trông nom một số đạo đồ, làm Đầu Họ nơi ấy. Người Đầu Họ là người rất quan trọng, được Thầy ban quyền ban pháp, chăm nom trực tiếp đàn chiên. Quyền hành ấy rất là trọng hệ, phải có pháp để độ mình, độ người. Pháp đó phải nương nơi quyền, quyền được tỏ sáng là bởi ở tâm hạnh mà ra. Tâm hạnh muốn được nở tươi xanh, phải lập trụ ở phần trúc cơ khẩu khuyết. Mà pháp đã trao là cơ bí mật tự nhiên hé lần, cũng như tấm màn được cuốn.
Vậy hôm nay Bần Đạo trao cho khẩu khuyết yếu ước pháp môn, để bảo toàn thân tâm tứ bửu. Sự trao truyền pháp không vì cá nhân, mà vì một số lớn nhơn sanh đang núp dưới quyền pháp. Người muốn đạt cơ mầu nhiệm là phải tâm hạnh viên dung.
Sự trao đây cũng như trao cái chìa khóa mở các kho tàng mầu nhiệm của Tạo Hóa. Nhưng trao cho, không phải trao cái chìa cho người tịnh viên nắm giữ, mà trao bằng khẩu khuyết chỉ để nhớ là đủ.
Nghĩa là khóa nầy không chìa mà khóa nầy bằng số, hay chữ. Khóa chữ thì truyền chữ để mở, khóa số thì mở bằng số. Người được truyền là người đã được tin cậy. Vậy nghĩa của sự trao khẩu khuyết là thế.
Nói vậy các hiền cũng chưa rõ. Để rõ hơn là yếu khuyết vào tịnh hôm nay có hai phần: tâm pháp và tướng pháp. Tướng mà tâm là Tứ Bửu; tâm mà tướng là Huyền Quan.
Vậy pháp Tứ Bửu đã trao cho người chức sắc có quyền từ Giáo Hữu trở lên mà đặc biệt là người làm đầu trong họ, coi một thánh thất.
Người Đầu Họ thánh thất có đủ bốn pháp. Bốn pháp đã nói rõ, đặt cái tên rất rõ. Tên ấy có hai phần công dụng: Một là pháp thể; hai là pháp dụng. Thể dụng như thế nào sẽ có khẩu truyền trong đợt tịnh.
Bây giờ Bần Đạo nói qua nhiệm vụ của người Đầu Họ có sứ mạng trong giai đoạn hoàn thành Chỉnh Cơ Lập Pháp để tiếp ân Khai Cơ Giáo Pháp.
Người Đầu Họ cầm giữ bộ đạo, bộ đời thì cái hồn nhơn sanh đã gởi vào tay quyền pháp của người chức sắc có sứ mạng. Người chức sắc ấy được hồng ân thiên tứ quyền pháp tối linh là Tứ Bửu.
Hội Thánh đã chia quyền chăm nom sửa trị nền đạo một nơi thì nhơn sanh còn mất, vui khổ bởi người. Toàn đạo đều núp dưới ân oai quyền pháp của người. Đạo hữu chết, người có quyền cầu xin siêu độ. Sanh, đau, già, khổ đều do người thay Thầy và Hội Thánh mà cứu. Đạo hữu trong họ thuộc trọn quyền người xin tha xin phạt. Nếu đau, người cho phép chữa bệnh; tai nạn nghiệp chướng, người cho phép giải oan; lầm lỗi, người tẩy tịnh; khờ dại, người khai đàn; biết tùy sự, tùy khả năng mà phân công an vị; giáo hóa giác ngộ là trấn thần; cứu đói trợ nghèo, chia đau sớt buồn, xây dựng quyền sống thế gian là chẩn bạt, chẩn bạt cho phần hồn mới liễu kiếp. Nên quyền pháp người Đầu Họ trở nên quan trọng.
Đầu Họ mới có quyền thay cho Hội Thánh mà quyền ấy lại có bốn pháp, nên hay độ được người. Nếu có pháp có quyền mà không lo an dưỡng tu học thì trái lại rất nguy hiểm. Đã đành hư thân phạm vào tam khổ, mà còn làm cho bao nhiêu người bị xa lìa pháp đạo, lạc đọa trầm luân.
Chuồng chiên đã giao cho chăn giữ không nên nhốt chiên mãi trong chuồng, bỏ tù, phạt đói (nỗi sợ mất đạo) hoặc thả đi rong cương, không theo coi chừng chăm sóc, hướng dẫn nơi ăn chỗ núp (phó mặc đạo hữu).
Cũng như các con chiên bị bịnh không đi ăn được mà không cỏ nuôi thân (chẩn tế) nhiều con bị ghẻ chốc lở lói không kiếm thuốc đắp dặt cho lành (trị bịnh), đám chiên nhơ bẩn bùn lầy không lo tắm rửa (tẩy tịnh) thì nào khác chi đạo hữu trong họ đạo nhiều kẻ nhơ bẩn phạm phải quy giới, đạo pháp mà không làm các pháp trên để cứu độ về phần hồn cũng như đời sống. Dù có làm các pháp ấy đi nữa cũng chỉ làm cái mộng mê tín chứ không làm được cái đức tin quyền pháp, cái lực cứu thế trong quyền pháp giữa mọi người cùng Thượng Đế.
Vậy các hiền trong khóa tịnh nầy nên ghi nhớ lời Bần Đạo để được cứu. Ngày gần đây các đệ cũng như mọi người cùng trong cảnh khổ. Nhưng cái khổ của thế gian nó kết quả trầm mê, chớ cái khổ của người trong quyền pháp nó vui tươi không thể ai thấy. Vậy danh lợi chi mà cầu xin, của cải chi mà ham muốn. Vợ con, nhà cửa, bạn bè đều là nghiệp oan dính dáng. Vui sướng cũng là mưu chước phỉnh phờ. Khổ đau cũng là phương châm hành phạt. Nhiều người chức sắc còn quá luyến mến gia đình; rủi con chết, vợ chết sinh lòng đảo điên, không làm chủ được tâm thanh tịnh nên không làm gương hướng đạo cho toàn thể tín đồ.
Các hiền đệ tịnh kỳ nầy gắng đạt lấy đầu đề mà Bần Đạo dặn dò. Nếu được thì lần hai sẽ trao khẩu khuyết bí pháp nữa.
Bây giờ đây đã sáng rồi, Bần Đạo chỉ ra lịnh Liên Hoa coi lại bài thánh giáo trước ([3]) để khẩu truyền Tam Bảo Hoàn Châu và coi lại pháp môn Tứ Bửu rồi có dịp sẽ dạy thêm. Tối nay Thanh [Huệ Linh] tiếp bài điểm danh các tịnh viên. Giờ nầy được nghỉ. Bần Đạo chào chư hiền.
Đàn Tý thời ngày 17-4 Đinh Dậu (Thứ Năm 16-5-1957) Đức Phổ Hiền Bồ Tát giáng cơ điểm danh tiếp các tịnh viên. Tổng cộng số được điểm danh cả hai kỳ đàn là bốn mươi mốt người. Sau cùng, Đức Phổ Hiền dạy:
Chư đệ từ đây phải giữ đúng theo lời chỉ bảo của ban giám thị. Luôn luôn bớt nói, bớt nghe, không được xúm nhau trò chuyện. Đi đứng cho đoan chính, ngồi tịnh phải tôn nghiêm, nhứt nhứt điều chi phải thi hành cho đúng. Bảy ngày qua, các đệ đã xao động nhiều lắm rồi. Vì hoàn cảnh chật hẹp một ít, các đệ gắng lên.
Đến đây phải lo học từ ấn, quyết, chú. Phải học cho đúng, cho tinh, không phải dễ gì. Sau đợt nầy chư đệ không còn làm sai nữa. Điều nầy phải học tận tường nơi kẻ được truyền.
Ban giám thị nên cố gắng giúp cho tròn đợt nầy. Trông ra thì tội lắm! Về tinh thần thì ít người giúp đỡ, về vật chất thì thiếu mọi điều, phần thì đông, khí hậu nóng. Vậy chư hiền khá chú ý một chút.
Khóa nầy chỉ chú trọng về khoa ôn dưỡng. Cao Tiên có dạy rồi. Coi mà làm theo.
Đàn Tý thời ngày 20-4 Đinh Dậu (Chủ Nhật 19-5-1957), Đức Trần Tổng Lý dạy:
Hưng khởi thời trung pháp đạo ban
Đạo ban quyền sống cứu trần hoàn
Đại công đại hạnh thông thời cuộc
Vương thổ huờn nguyên tiếp thánh ân.
Bản Thánh chào chư vị. Giờ nầy Bản Thánh đến cùng chư vị để nói qua đôi điều về thánh ý.
Chư hiền Thiên ân trong Hội Thánh còn thiếu tâm thanh tịnh nên chưa đón tiếp được cơ lưu hành của thời khai pháp, làm cho Hội Thánh thiếu phần uy nghi tôn kính.
Thời buổi Càn nguyên khai nhứt tự là lúc mà Khôn nhu đã biến thể, tượng nên dương hào của quẻ Phục, thì mầm sanh, chồi nứt. Vì dương cương phát động làm cho thân hình rung chuyển, cơ thể phải chịu đau thương. Vạn vật ban sơ cũng do đó mà tiến lên.
Vật đã biến hình thì hình thái của vật kia phải chịu khờ mệt ngây ngất đi để cho thể nầy biến sang thể khác. Vật ấy không còn mang theo cái lốt hình cũ kỹ mà trong thể chất cũng biến thay nhiều. Vì vậy mà vật đã vô tình tự khắc thấy mình trở nên khác lạ.
Vật đã biến đổi một phen, hay nhiều kiếp để trở thành bản nguyên sơ khởi. Ví như con tằm là do trứng bướm mà ra. Bướm đã nên tằm để làm bao nhiêu phận sự của nó là nhả tơ, cuốn kén để rồi trở lại con bướm.
Có một điều ta nên chú ý là tằm sống bằng dâu. Ngoài dâu ra tằm không hề ăn đến một vật gì khác nữa. Mất dâu thì tằm chết thôi. Dâu là sự sống của tằm, tằm nương lấy sự sống để kéo nên tơ chỉ. Lúc tằm đã ươm thì thân hình trong trắng như gương, các vật khác không hề sánh được. Vì tằm thỉ chung đều bám vào sự sống là dâu mà trở nên thân hình trong sạch.
Thử hỏi chư Thiên ân và chư đạo hữu đã tự sánh mình được chung thỉ như tằm không? Phải đạo không? Nghĩ đến người môn sanh có ai còn vơ vẩn quẩn quanh những mồi danh bả lợi tanh hôi không?
Nếu ta chưa làm được như thế thì không làm nên Tiên Phật. Sự sống còn của hàng môn sanh thánh đức là sống bằng nhơn nghĩa đạo lý, ngoài ra không lấy gì làm ưa thích. Vì vật ăn để nuôi thân sống, chỉ có nhân nghĩa đạo đức là vật rất trong sạch bổ khỏe mà thôi. Còn toàn bằng hôi tanh độc hại. Nên người quân tử rất thanh cao để cầu đạo lý.
Vật phi nghĩa bất thủ, nhơn phi nghĩa bất giao.([4]) Người xưa không hề đồng tâm danh lợi, thanh cao như Sào Phủ, Hứa Do. Đặc biệt hơn là khi cuốc đất gặp vàng, mà vàng ấy không phải của mình thì họ bèn lấp lại, bỏ đi. Ôi! Ước mong sao trong giáo quyền của ta, chư hướng đạo làm được cái người ấy để làm gương, đừng khuất phục trước oai quyền danh lợi, nuôi mộng thanh cao trung chính.
Bản Thánh nói cũng dông dài. Nhắc lại hào dương trong quẻ Phục. Hào dương mới tượng là hào dương kết tụ nhiều thiện duyên được cấu thành trong Khôn quái biến phân hóa thành Phục. Phục là Địa Lôi Phục. Lôi là sấm sét, Địa là đất. Đất bị sấm sét, hay sấm sét ở nơi đất làm cho đất rung chuyển mà cây cỏ vạn vật trên đất phải rúng động. Vật bị rúng động, hoặc phải hoảng hốt mà lưu tán, hay phi tẩu đến một nơi, hay cùng đi bằng cách âm thầm không quyến rũ.
Tình trạng hiện nay trong Giáo Hội có khác gì. Hào dương cương là sức sống còn lờ mờ, kẻ không thánh tâm biết đâu mà tìm được. Đã lờ mờ trong tâm giới, thì làm sao thấy được lằn quang tuyến của nó trụ phát nơi đâu. Vì trong tâm giới là nơi trong, mà mắt người lại trông ra ngoài, sao thấy được. Muốn thấy được nó, bây giờ ta phải ngược lại, trông vào. Để tai lóng bên trong tâm khảm nghe được nó nói, thấy được nó làm. Nếu không chịu hồi quang phản chiếu vào trong, mong gì gặp được dương thần sơ động.
Dương thần là gì? Dương thần là chơn chưởng thuần nhiên vô niệm thanh tịnh, trái ngược với âm thần. Âm thần là hữu niệm, vọng tình tham sân ái dục. Nên cái chỗ lờ mờ mà Bản Thánh nói là nơi Hỗn Độn Tiên Thiên Đại Đạo, là chơn không thuần nhiên hạo hạo. Để cho Thiên ân làm đuốc đưa đường, gắng tu thân, lập hạnh để cầu thánh ân, phước huệ. Việc mà Đức Giáo Tông đòi hỏi đó là việc như thế cả.
Bây giờ cần xây dựng các bộ phận, như thánh thất tổ chức lại.
(…)
Còn việc cầu phong chưa đúng với thể lệ nội luật và xa thánh ý nên không được chấp nhận. Đã bảo y theo quẻ Sư thì phong người có công đức. Ai có công đức là được, không chấp khả năng. Mà người khôn ngoan ranh mãnh là người ít nhiệt tâm. Vả lại họ cũng mới mẻ chưa công cán bao nhiêu nên chưa dự vào được thánh ân.
Người chết sống với Đạo mười lăm, mười bảy năm qua, đường tu không gián đoạn, công trình khó nhọc với phận sự từ lâu, phụ trách mọi việc không bị khuy khuyết, thì nên phong vào hàng Thiên ân hàm vị. Còn từ năm Đại Đạo 29 [1954] về sau cũng tùy tâm nguyện khả năng. Định việc cho họ lập công để chờ ngày vào hàng Thiên tước, trừ ra Thầy giáng cơ phong thưởng.
Về cầu phong sắc hành chánh, dựa theo quẻ Phục. Nghĩa là dựa theo tâm đức. Sơ hào quẻ phát triển lần lần lên nhị hào, tam hào, lần lần lên đến thuần dương. Nghĩa là coi con người có thể gánh vác việc nặng những khi khó nhọc. Người có tài về ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật thì cử vào nhơn viên nội chánh. Lập bản đệ lên chuẩn phong, chờ khi nào tâm đức vững sẽ được đưa qua làm Lễ Sanh hay Giáo Hữu. Vì phải căn cứ bài thánh giáo trước dạy về Thiên phong là tài phải theo đức, đức phải nương tài. Các hiền coi đó mà xếp đặt. Nếu không được thì Bản Thánh sửa chữa.
Việc đi lập đàn cho khóa, để trái thánh ý thì hỏng cả mọi việc khác, nghĩa là không quá ngoài sự định của thánh ý.
Về Thiên phong thì cầu nguyện mà đón tiếp, không nên nôn nóng thành ra dục vọng, có hại cho cơ cuộc trung hưng. Bản Thánh chào.
Đàn ngày 22-4 Đinh Dậu (Thứ Ba 21-5-1957), Đức Liên Hương Đồng Tử ([5]) giáng cơ dạy:
Hôm nay tôi thừa lệnh Ngô Cao Tiên lâm đàn nói qua ít việc. Chư tịnh huynh đã cầu nguyện xin truyền pháp để tu. Được một số người còn một số chưa được. Cao Tiếp Quân có đến Cao Tiên xin thêm để kịp kỳ hồng ân tận cứu. Vậy tôi vâng lệnh nói rõ, chư tịnh huynh giờ nầy phải cầu nguyện xin keo thêm để tiện việc truyền đạo. Một số chưa được sẽ chờ ở lần sau.
Đàn đêm 24-4 Đinh Dậu (Thứ Năm 23-5-1957), Đức Bạch Phụng Đồng Tử giáng:
Bạch Ngọc chín từng cửa rộng khai
Phụng vâng Thiên lệnh độ trần ai
Đồng tâm hiệp sức xây nền Đạo
Tử đệ ráng tu luyện đảnh đài.
(…)
Nguồn đạo pháp chung tay xây đắp
Hòa hiệp nhau tạo lập thánh đường
Chung tay phổ độ mười phương
Chung nhau cất bước lên đường quang minh.
Đầu Họ Đạo cần tinh quyền pháp
Phải rõ đường đọa lạc siêu thăng
Vận hành huyền lực linh năng
Lãnh phần bày dạy khuyên răn tín đồ.
Lòng phải cho thanh cao hòa ái
Tâm phải luôn vô ngại não phiền
Trong người có đức Thần Tiên
Ngoài ra phải có căn duyên giúp đời.
Lãnh tín đồ một nơi khuyên nhắc
Làm người anh dìu dắt con Thầy
Chư hiền cả thảy nơi đây
Ráng lo học hỏi đủ đầy đức tin.
Thôi, Tiểu Thánh không được nói nhiều. Chư hiền thành tâm tiếp bạn của Tiểu Thánh đến.
TIẾP ĐIỂN
Liên hoa ướm nở đợi người Tiên
Hương vị Bồng Lai sạch não phiền
Đồng đạo an nhàn vui cảnh Thánh
Tử tôn tu tánh độ trần miền.
Tiểu Thánh chào chư vị. Mời chư vị an tọa.
Hôm nay nhắc lại công trình quá vãng của tôi và chư Thiên ân trong thời kỳ hưng Trung phổ độ. Từ khi tôi lãnh sứ mạng ra đây để giúp cho chư Thiên ân trên công tác cũng như tinh thần, để nơi đây lần đầu tiên có đủ người chung tay lo đạo, rồi đến khi Tôn Sư của tôi đến đem tôi về, tôi cũng mãi lo phần chư Thiên ân nơi đây thiếu tay gánh vác.
Thể lòng ưu tư của tôi nên chư Phật bố điển khai tâm, giác trần ngộ pháp, nên bây giờ có một số người hiểu được đôi phần pháp đạo. Đó là lý do.
Bây giờ chư Thiên ân hãy sắp xếp công việc nơi Trung Hưng để tiếp kỳ Thánh ân khai tâm tịnh định (mười tám ngày).
Chư hiền luôn luôn cầu nguyện đi, để có nhiều trợ duyên khi chư hiền hành công đạt đạo. Lâu nay tôi thường đến đây để trông nom giúp đỡ về tư tưởng của chư hiền, nhưng chư hiền nào biết được.
Khóa Lễ Sanh Đầu Họ sẽ được hồng ân của Cao Tiên vào một đàn xuất tịnh. Vậy ngày 26,([6]) ban giám thị lập một bản danh sách của các ban giúp công. Khóa Lễ Sanh tân phong sắp đến chư hiền phải lo chuẩn bị.
Thôi, tiếp hiền hữu Cao Tiếp n Pháp Quân. Tiểu Thánh chào.
TIẾP ĐIỂN
Cao thượng thậm thâm pháp đạo truyền
Tiếp thừa thiên điển chuyển huờn nguyên
Quân dân thấu hiệp lo nền đạo
Giáng hổ chờ cho hội đắc truyền.
Chào chư hiền hữu. Tiểu Thánh được lệnh Cao Tiên đến đàn viếng đợt tịnh và hầu thăm quý hiền hữu trong Hội Thánh Trung Hưng.
(…)
Giờ nầy Tiểu Thánh đến để ra lịnh cho khóa công phu của chư vị Lễ Sanh tân phong. Khóa nầy khai mạc vào ngày 8 tháng 5.([7]) Chư đệ ôm ấp chuẩn bị để khóa nầy được hoàn toàn hơn. Khóa của Đầu Họ còn một số chưa được truyền, chờ kỳ đàn xuất tịnh giải quyết.
Chư hiền hữu khỏi lo. Các công việc sau nầy sẽ chỉ. Trần Tổng Lý có chuyển lời nhờ Tiểu Thánh nói lại điều nầy và Giáo Tông sắc lịnh cho Hội Thánh. Hội Thánh phải nhận xét về các điều kiện của thánh thất nào mới thành lập để dâng lên Người chuẩn y. Chư hiền hữu chiếu y thánh ý thi hành. Thôi, mọi việc còn chờ lệnh, Tiểu Thánh chưa có thể nói.
Hiệp Thiên Đài, chư hiền lo phần bảo pháp. Các thánh giáo về nội vụ cũng như đàn nhập tịnh tuyệt đối không một ai được biên chép. Về mật pháp còn quan trọng hơn. Dù ai đó là Giáo Sư, Giáo Hữu cũng không được tự do.
Thôi, Bản Thánh chào chư hiền. Thăng.
Y theo lịnh, sau mười tám ngày khóa tu tịnh của Lễ Sanh Đầu Họ Đạo khép lại. Vào Tý thời ngày 27-4 Đinh Dậu (Chủ Nhật 26-5-1957) Hội Thánh lập đàn và được Đức Ngô Cao Tiên ban ân giáo đạo:
Đại thể càn khôn thị hiện rồi
Đức lành ngày một được sinh sôi
Cao ban ân phước kỳ khai pháp
Tiên Phật làm nên quả đắp bồi.
Giờ chư hiền đồ xuất tịnh, Bần Đạo đến có mấy lời khuyên. Mỗi cá nhân sau khi trở về với nhiệm vụ phải làm thế nào cho toàn đạo nơi địa hạt cai quản được vui sướng kính nể, tự thấy nơi địa phương mình đã đón được hồng ân, tin tưởng từ nay được sống dưới quyền pháp uy linh của Cha Lành, luôn luôn tươi tỉnh, không còn ngờ nghi lo sợ.
Các hiền đồ sống cùng Bần Đạo trong mười tám ngày dưới khoảnh khắc oai linh hồng từ Thượng Phụ, đã cùng tắm gội trong ao Thất Bửu Liên Trì, thì bao nhiêu nghiệp thức tội tình cũng được trôi chảy phần nào.
Mặc dù chưa hoàn toàn trong sạch, nhưng nó cũng là bước đầu của đường tu để tiến sâu vào phương siêu phàm nhập thánh. Nên trong lúc ra về cần gìn giữ cái thân tâm cho được trọn vẹn. Đừng vì một lợi nhỏ mà bỏ lợi lớn. Vì sự sống giả tạm mà quên cái sống vĩnh cửu miên trường, hay sống cá nhân mà quên sự sống cho toàn bộ.
Hôm nay chư hiền đồ được hồng ân đã thọ nơi Thầy một quyền pháp đưa bước cho mình và cho đời tiến sang nơi phước địa. Được tránh thoát cái họa hại ở cảnh địa phàm phu thì làm sao xứng mình, xứng người. Đừng có một cử chỉ tầm thường, gây cho nhơn sanh phạm phải Thiên điều, chạm nhầm luật pháp.
Chư hiền đồ ngày tới đây nếu được công phu thuần thục liên tiếp không ngừng, thì điển huệ gội nhuần, tâm linh sáng suốt, hồn phách nhẹ nhàng. Trong giờ phút thanh cao yên lặng có thể cùng Bần Đạo thường xuyên gặp gỡ, mà được đưa lên nhiều cõi cao thanh hơn để học tu pháp lạ.
Vậy sau giờ nầy các hiền phải làm gì để được xứng đáng cái ngày đã vào tịnh? Làm chi cũng không thiết cần bằng xây dựng lấy bản thân đạo hạnh. Từ lời nói, việc làm đều e dè, mực thước. Mọi cử chỉ, thái độ phải được khuôn mẫu, tươi vui.
Người anh trong lãnh vực đạo đức không phải dễ gì. Làm sao cho vui đẹp lòng người là vui đẹp ý Thầy. Mọi người biết kính mến tưởng tin, là những phẩm vật để cúng dường cho Thượng Đế. Nên người Đầu Họ ở một thánh thất là người khâm sai trấn lãnh để an toàn địa phận môn sanh. Kẻ đói người đau, phải cần lo liệu. Đứa ngang đứa dọc, lỗi ấy về mình. Sự nghịch lẫn chia xé nhau trong họ mà khuyên nhủ không nghe, dàn xếp không rồi, phải mau mau cầu nguyện. Đem mình đến trước điện để sám hối mà xin toàn đạo chỉ bàn để lo tròn phận sự.
Người Thiên ân là người gương mẫu, là hiện thân của Tiên Thánh, để làm cái hình cho mọi người trông vào, để đúc nắn cái thước để đo. Bởi vậy việc làm của đàn anh đâu phải dễ. Anh của nhơn sanh dưới thánh thất, mà em của chức sắc nơi Hội Thánh. Ở hạ tầng lại là gay go hơn hết. Người trên sai sử, kẻ dưới trách hờn. Được việc đời thì trái cùng lẽ đạo. Làm đúng phép lại bị đụng chạm đến quyền lợi, thân tình. Vậy tùy thuận mà lo chiết trung để điều hòa cho Thiên nhơn tương tựu.
Đôi khi phàm phu không phải nghịch hẳn với thánh ý nhưng quá chìu chuộng theo lòng người thì lại trái với lẽ đạo. Mà hùa theo người thì vô tình để cho nghiệp thức che án lẽ phải, mở rộng cửa đời. Vậy muốn làm đúng, nghĩ đúng, nói đúng, trông vào được đúng, nghe đến rõ ràng, chỉ có cách là thanh tịnh vô tư, không còn để một màu sắc gì án che mà giả chơn khó phân biệt. Nghĩa là không nên thấy người ngoài hình tướng, mà thấy người tận chơn tâm.
Vậy khi trở về với nhiệm vụ:
1. Dọn mình công phu, để chế luyện tâm thân cho trọn vẹn mà cúng dường.
2. Đem cả thân tâm làm bao nhiêu công việc của sứ mạng đã giao phó.
3. Lấy sứ mạng và công phu để xây dựng thánh hình, hầu trấn ngự tà quyền xâm lăng vào lĩnh vực Thánh Hội.
Nghĩa là ôn dưỡng pháp môn rèn luyện thân tâm thuần khiết, nhóm khởi chủng duyên làm cơ sở truyền đạo, giữ đạo. Nghĩa là hợp đồng bốn cơ quan cùng Chánh Phó Trị Sự, Thông Sự để liệu phương giải quyết mọi việc cần cấp trong họ đạo, làm cho chánh pháp trôi chảy khắp lòng đạo hữu.
Trong lúc chỉnh cơ là lúc làm được đúng pháp dưới quyền Đầu Họ. Về phần trong có Ban Cai Quản hành chánh, phần ngoài có Ban Trị Sự bảo vệ nhơn sanh. Trong ngoài ứng dụng lưu hành là Phước Thiện, Phổ Tế để đẩy mạnh bước tu, gội lòng đen tối. Gần bên cạnh thì Minh Tra nắm vững tình hình làm cây gậy để mọi người nương bước nhẹ trên đường chông chênh khỏi nghiêng ngả. Vậy chư hiền đồ theo y.
Từ nay cho đến ngày gặp lại, thời gian ấy còn lâu. Phải trì chí mà tu. Bước càng cao thì càng mệt nhọc. Người có quyền thì gặp thế, có pháp thì gặp tài, nên cây cao chịu gió. Tề Thiên là người có pháp thất thập nhị huyền công, ma quỷ nghe danh, bọn ấy cố tìm gặp Tề Thiên đặng đấu tài đấu phép.
Các hiền cẩn thận mà phải tin tưởng sức mình. Đã xăn tay áo nhảy lên võ đài, thì dù hơn thua cũng không thể chối từ trước khán giả, trong lúc đôi bên địch thủ. Đã là võ sĩ thì sao ngơ được trong lúc một hùm nghinh ngang giữa đàn chiên hiền hậu. Là hướng đạo thì làm sao không đương đầu dẫn bước cho kẻ đi lạc loài. Vậy trong tay có phép đổi dữ ra lành, trong tâm có Thầy hằng thúc giục làm những việc độ nhơn cứu thế trị nhân. Lấy quyền pháp mà học lời Y Doãn ([8]): Chỉ có ta mới làm được dân nầy trở nên đạo đức, vua nầy trở nên Nghiêu Thuấn.
Phần sau bài thánh giáo là kiểm pháp và kiểm tu.



([1]) Địa Thủy Sư  gồm trên Khôn (đất, nhu thuận), dưới Khảm (nước, hiểm trở, gian nan). Nước tụ lại trong đất: nhân sinh tụ về Giáo Hội. Lấy nhu thuận giải trừ hiểm trở gian nan. Hào hai dương cương đắc trung ở nội quái là chủ quyền. Năm hào âm nhu thuận tùng quyền. Vai trò nắm quyền phải xứng đáng, đừng để cho kẻ thiếu tài đức dự vào.
([2]) Thủy Địa Tỷ  gồm trên Khảm (nước), dưới Khôn (đất). Nước trên đất sẽ thấm xuống, đất hút lấy nước. Nước hợp với đất gầy dựng sự sống. Hào năm dương cương đắc trung ở ngoại quái, đó là vị trí thủ lãnh. Đạo đồ tìm thầy cần thành tín, trung chính, vì đạo pháp không cần danh lợi. Phải tự nguyện. Quẻ nầy mang đạo lý của mối liên hệ: lãnh đạo trung ương phải hòa thân với cấp tỉnh, cấp tỉnh phải thân ái với chúng sinh.
([3]) Thánh giáo ngày 23-01 Bính Thân (Thứ Hai 05-3-1956).
([4]) Vật phi nghĩa bất thủ, nhơn phi nghĩa bất giao. 物非義不取, 人非義不交: Vật trái đạo lý không lấy, người trái đạo lý không giao du.
([5]) Liên Hương là đạo hiệu của tiền bối Bảo Pháp Trần Thảnh Thơi (chức sắc Hiệp Thiên Đài thuộc Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên). Tiền bối là một nhà tu chơn, trì thủ ở thánh tịnh Bát Bửu Điện, đã chăm lo việc khai khiếu cho Tứ Linh Đồng Tử năm 1934. Năm 1937 tiền bối cùng với đồng tử Huỳnh Cần Kiệm phụng mạng Thiêng Liêng chuyển ra Quảng Nam thánh lệnh “Nội Luật Thánh Tòa khai giáo Bắc Trung”.
([6]) Thứ Bảy 25-5-1957.
([7]) Thứ Tư 05-6-1957.
([8]) Y Doãn 伊尹: Một vị hiền tướng, khai quốc công thần của triều đại nhà Thương, Trung Hoa. Lúc hàn vi ông cày ruộng ở đất Sằn . Về sau Y Doãn có công giúp Thành Thang 成湯 tiêu diệt vua Kiệt bạo ngược của nhà Hạ , thành lập nhà Thương (1711-1066 trước Công Nguyên) và phò nhà Thương (cũng gọi nhà Ân, hay Ân Thương 殷商) ổn định trong thời gian đầu.



PHẠM VĂN LIÊM