Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

02/ ÁNH SÁNG CỦA TRẦN GIAN

 ÁNH SÁNG CỦA TRẦN GIAN

Thế giới nhân loại ở thế kỷ 21 có một nền văn minh khoa học tân kỳ diệu ảo. Ban đêm, các thành phố lớn đều sáng choang ánh đèn điện với những bảng quảng cáo néon đủ màu xanh đỏ tím vàng… Thế nhưng, nhân loại vẫn còn mãi đắm chìm trong bóng đêm tăm tối của tội lỗi, của thù hận rẽ chia, của bạo lực khủng bố, của chiến tranh đau thương tang tóc, của bao nỗi bất hạnh khổ đau vây bủa kiếp người trên cõi thế gian này. Do đó, nhân loại rất cần đến một thứ ánh sáng đặc biệt, đó là ánh sáng đạo lý.
Thật vậy, nếu con người biết sống đúng theo đạo lý, theo luân lý tam cang ngũ thường thì trong xã hội làm gì có cảnh kẻ làm quan tham nhũng, nhận hối lộ, hà hiếp nhân dân, buôn dân bán nước, hay là con giết cha, vợ giết chồng, chồng giết vợ, anh em giết hại lẫn nhau để chiếm đoạt gia tài... (Trên thế giới, quốc gia nào biết quý trọng luân lý đạo đức thì xã hội rất an bình, trật tự, phồn vinh. Chẳng hạn như đất nước Singapore, Bộ Giáo Dục đưa luân lý Nho Giáo vào chương trình giảng dạy học đường,([1]) nhờ đó mà xã hội Singapore được ổn định, văn minh trật tự, các tội phạm hình sự được giảm thiểu, người dân biết tôn trọng kỷ cương pháp luật của quốc gia…).
Và nếu con người hiểu được đạo lý rằng tất cả nhân loại đều là anh em cùng một Đấng Cha chung (Thượng Đế) thì làm gì có cảnh phân biệt chủng tộc, kỳ thị rẽ chia gây nên những cuộc khủng bố, chiến tranh tang tóc khắp nơi trên thế giới.
Bởi vậy, ánh sáng đạo lý rất cần thiết cho xã hội nhân loại ngày nay đang chìm đắm trong màn đêm tăm tối đầy tội lỗi của buổi hạ nguơn.
Đức Thánh Trần Hưng Đạo dạy:
Hỡi chư hiền! Đời càng hỗn loạn, đạo càng phải trị.
Đời toan tách rời đạo, đạo bắt buộc phải đi vào đời. Đời đã xa đạo, đạo phải tha thiết kêu gọi người đời. Ngọn đuốc thiêng không bao giờ đốt lên khi trời quang đãng, mà chính phải dùng trong đêm tối âm u.([2])
Và một khi ánh sáng đạo lý soi rọi đến đâu thì màn đêm tội lỗi sẽ tan biến dần đến đó. Đức Minh Đức Đạo Nhơn dạy:
Hễ ánh sáng đạo đức chơn lý chiếu rọi đến đâu thì những màn đêm hắc ám và những muỗi mòng, ruồi nhặng tan biến dần đến đó.([3])
Thế nhưng, Đức Minh Đức Đạo Nhơn lưu ý:
Chỉ sợ e rằng mình không rọi được ánh sáng ấy cho quang minh chói lọi mà thôi.([4])
Lời dạy này nói lên vai trò của người tín hữu các tôn giáo. Mình đây chính là người đã giác ngộ trước, hiểu được đạo lý, có bổn phận phải sống đúng theo đạo lý, và có trách nhiệm cầm ngọn đuốc đạo lý soi đường cho nhân thế thoát khỏi cảnh tối tăm tội lỗi. Nói một cách khác, mỗi đạo hữu là một ngọn đuốc, là ánh sáng của thế gian.


Hơn hai ngàn năm trước, Đức Giêsu dạy các tông đồ: Anh em là ánh sáng của trần gian.([5]) Ngày nay, Đức Mẹ dạy các bậc hướng đạo, người chơn tu phải là cây đuốc thần hay ngọn đèn huệ:
Đuốc thần cậy trẻ soi chơn lý
Đèn huệ nhờ con rọi niết bàn.([6])
Chơn lý hay đạo lý vẫn luôn hiện hữu, ẩn tàng trong thiên nhiên và trong cuộc sống của vạn loại, thế nhưng phải cậy đến đoàn người giác ngộ đi trước làm cây đuốc thần soi cho thế nhân nhìn thấy chơn lý, hiểu được chơn lý và thực hành chơn lý.
Niết bàn là cõi cực lạc hay thiên đàng vẫn luôn hiện hữu, thế nhưng muốn đến được niết bàn cần phải biết đường đi. Các hàng hướng đạo, bậc chơn tu chính là ngọn đèn huệ để soi rọi con đường cho nhơn sanh đi đến niết bàn.
Muốn làm ngọn đèn huệ hay cây đuốc thần soi đường cho thế nhân thì mỗi người hướng đạo, bậc chơn tu phải luôn khêu sáng ánh Đạo tự hữu (Phật tính hay Thượng Đế tính hay Linh Quang), đó là ánh sáng nội tâm hay ngọn tâm đăng không bao giờ tắt trong lòng mỗi người. Muốn thế, mỗi người tín hữu cần phải học hiểu đạo lý, phải tu tập và phải công phu thiền định để có được trí huệ thì mới có thể làm ngọn đèn sáng soi đường cho nhơn sanh.
Trong quyển Sa Thạch Tập của Thiền Sư Vô Trú (Muju, 1227-1312) có câu chuyện như sau:
Thời xưa bên Nhật, ban đêm người ta thường dùng đèn lồng bằng tre thắp ngọn nến bên trong. Một người mù đến thăm bạn, và khi ra về vào ban đêm được bạn tặng cho cái đèn lồng để soi đường đi. Người mù bảo: “Tôi không cần đèn. Đối với tôi, tối và sáng cũng như nhau.”
Người bạn đáp: “Tôi biết anh không cần đèn để soi đường nhưng nếu anh không mang đèn thì người khác có thể đâm sầm vào anh đó. Anh nên cầm một cái.”
Người mù nghe nói chí lý nên đồng ý cầm chiếc đèn lồng. Anh đi được một quãng khá xa thì bỗng đâu có người đang vội, chạy đâm sầm vào anh. Người mù la lên: “Coi kìa, đi đâu vậy! Không thấy đèn của tôi sao?”
Người kia đáp: “Đèn tắt từ đời tám hoánh rồi ông ơi!”
Dụ ngôn này ngụ ý rằng giá trị đích thực của sự sáng phải xuất phát từ bên trong mỗi người chứ không phải thứ gì vay mượn từ bên ngoài.


Nếu một tín hữu nhập môn vào Đạo lâu năm mà không ra sức tu sửa bản thân, khoát vén tảo trừ những lớp tham sân si, lục dục thất tình đang phủ mờ điểm Đạo tự hữu mà Thượng Đế đã ban cho mỗi người thì họ chỉ khoác bên ngoài chiếc áo đạo, còn bên trong vẫn cứ là một tâm hồn phàm phu, làm sao có thể trở thành ngọn đèn sáng để soi đường cho bản thân mình và cho nhơn sanh trở về bến khởi nguyên của vạn loại là Thượng Đế Chí Tôn.
Ánh sáng ấy có được là nhờ quá trình thực tu thực chứng của mỗi người. Đó là quá trình thực hành công quả phụng sự giúp ích cho tha nhân, công trình luyện kỷ trau giồi tâm hạnh, công phu tham thiền tịnh định để đạt được trí huệ minh triết. Đức Mẹ dạy:
(N)gọn đèn từ huệ, hay ánh sáng tâm đăng cũng thế. Đó là bí quyết tu hành của Kỳ Ba đại ân xá. Ánh sáng vị tha sẽ rọi sáng lòng ích kỷ, Ánh sáng bác ái sẽ rọi sáng bóng tối hẹp hòi. Ánh sáng tình thương sẽ phá tan màn đêm u tối. Ánh sáng từ bi sẽ dẫn lối cứu khổ của cuộc đời. Ánh sáng công phu sẽ phá tan màn lưới vô minh. Ánh sáng công quả sẽ chan hòa tánh hẹp hòi bon chen ích kỷ. Ánh sáng phúc đức sẽ tiêu rỗi nghiệp chướng tiền khiên. Ánh sáng nhơn hòa sẽ phá tan phái phe kỳ thị. Mà các con trong hàng Thiên ân hướng đạo cho đến các hàng tín hữu môn sanh, mỗi mỗi con đều có ánh sáng thiên lương, thiên phú; từ lâu vì bị nhơn dục lấp che, phàm ngã phủ mờ, làm cho các con tối tăm trên bước đời hoạn lộ. Nay Tam Kỳ Phổ Độ, Trời hé máy Thiên cơ vạch đường chỉ lối cho tu, ráng tập luyện công trình, công quả, công phu, thì chắc chắn một kiếp sẽ được thành công đắc quả.([7])
Các Đấng Thiêng Liêng còn nhắc nhở hàng môn đệ Cao Đài phải ý thức những điểm sau đây:
1. Ai ai cũng đều có điểm Đạo tự hữu trong nội tâm. Thế nên, tất cả mọi người, dù ở vị trí nào trong xã hội cũng đều có thể làm ánh sáng cho trần gian. Đừng nghĩ rằng chỉ có bậc xuất gia tu hành vào chùa nhập thất mới làm được sứ mạng cứu độ quần sanh.
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Hôm nay Bần Đạo nhìn thấy chư hiền đệ, hiền muội tất cả đều có một điểm đạo mầu sáng chói tận tâm linh. Hãy khêu lên cho tỏ rạng. Hãy trau dồi cho sáng suốt linh động.
Dầu mỗi người mỗi việc, hoàn cảnh có khác nhau nhưng điểm đạo mầu không khác. Chỉ có một điều đáng tiếc nếu chư hiền đệ, hiền muội lãng quên trong giây phút, ngày lại tháng qua để mờ tối lấp che, rất uổng một nguyên nhân ([8]) hạ thế.
Mỗi người mỗi sứ mạng. Từ xã hội cho đến đạo giáo ([9]) đều là sứ mạng Thiêng Liêng có đặt để. Không phải cần đến sắc phục hình tướng của người tu hành mới làm được sứ mạng cứu độ quần sanh nếu chưa cải tạo được hoàn cảnh. Cũng không cần vào chùa nhập thất mới cứu độ được quần sanh nếu thiếu điều kiện hoặc phương tiện.
Muốn cứu độ quần sanh, muốn tạo đời thái bình an lạc, muốn tạo Tiên tác Phật, làm quân tử trượng phu đều do nơi tâm linh và hành động của con người trong vị trí.([10]) Phải hiểu rõ ràng như vậy để mà tu.([11])
Như vậy, mỗi người trong xã hội, dù là một bác sĩ hay kỹ sư, một giáo viên hay doanh nhân, một nông phu hay công nhân vệ sinh, một người tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia, v.v… đều có thể làm ánh sáng cho trần gian.
Bác sĩ James C. Brown chuyên về chụp X quang trẻ em, giảng dạy tại khoa X Quang trường Y thuộc Viện Đại Học Creighton, thành phố Omaha, bang Nebraska (nước Mỹ). Khi còn hành nghề tư, trị bệnh trẻ em, bác sĩ bận rộn cả ngày lẫn đêm. Ông thường thức rất khuya trong phòng mạch, cặm cụi nghiên cứu bệnh án. Một tối nọ, khi ông đang nghiên cứu trường hợp một bệnh nhi thì có tiếng gõ cửa.
Đó là Brian, mười sáu tuổi, một bệnh nhân quen mặt từ mấy năm qua. Ông ôn tồn hỏi cớ sao cậu lại lang thang vào lúc 2 giờ sáng. Cậu nói vì muốn dạo mát và tĩnh tâm suy nghĩ.
Thay vì xem cậu là kẻ quấy rầy, ông gạt hết giấy tờ sang một bên, kéo ghế mời cậu ngồi chơi và bắc ấm nước pha chút sô-cô-la uống cho ấm trong lúc tán gẫu.
Như thể trò chuyện với người bạn ngang vai vế, cậu lần lượt bày tỏ những phiền muộn, âu lo, thất vọng trong cuộc sống. Cậu than thở về ước vọng muốn làm kiến trúc sư nhưng sức học của cậu kém quá. Hiện tại cậu cảm thấy mình giống như gánh nặng cho cha mẹ.
Bác sĩ chú ý lắng nghe, biểu lộ sự cảm thông và thấu hiểu. Ông hứa giúp cậu gặp vài kiến trúc sư ông quen biết để họ chỉ dẫn cậu. Ông vạch cho cậu thấy những chiều hướng tích cực và khuyên cậu tiếp tục nhẫn nại học tập. Sau hai giờ trò chuyện, ông ân cần lái xe đưa cậu về tận nhà.
Sau đó cậu năng trở lại hàn huyên với bác sĩ, nhưng không phải vào cái giờ oái oăm kia nữa. Dần dần cậu tỏ ra lạc quan hơn và thỉnh thoảng báo cho bác sĩ biết những chuyển biến tốt đẹp trong cuộc sống.
Sáu tháng sau cái đêm tâm sự nọ bác sĩ dọn nhà đến một nơi khác. Ông và cậu chia tay một năm, bặt dứt liên lạc. Thế rồi bất ngờ ông nhận được thiệp cậu mời đến dự lễ tốt nghiệp trung học. Kẹp trong tấm thiệp gấp đôi ấy là lá thư viết tay:
Cháu muốn cảm ơn bác sĩ đã săn sóc cháu cái đêm hôm ấy. Đêm ấy cháu đã toan tự tử. Khi lang thang dưới phố và nhìn thấy phòng mạch còn sáng đèn, chẳng hiểu cái gì xui khiến, cháu quyết định ghé vào. Lần trò chuyện ấy bác sĩ đã giúp cháu nhận ra những điều tốt đẹp mà đời cháu đang có. Những lời khuyên của bác sĩ có ích cho cháu biết bao nhiêu. Giờ đây cháu đã tốt nghiệp trung học và đã được nhận vào đại học kiến trúc. Cháu chẳng còn gì vui sướng hơn. Cháu biết sau này cháu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cháu biết cháu sẽ vượt qua tất cả. Cháu hết sức biết ơn ánh đèn đêm nao ở phòng mạch bác sĩ.
Năm 1997, trong một hồi ức về nghề nghiệp, khi nhắc đến trường hợp Brian, bác sĩ James C. Brown viết rằng:
Có một ánh sáng, hay là năng lượng, nó tỏa ngời trong ta và xuyên thấu qua ta, để soi lối dẫn đường và nâng đỡ bản thân ta cũng như anh em đồng loại của ta.
Phải chăng đấy là ánh sáng thiên lương mà chỉ những khi biết nghĩ tới người khác thì ánh sáng ấy mới lan tỏa ra khắp chung quanh? ([12])
2. Muôn việc làm ở thế gian muốn thành công đều cần có lòng kiên trì nhẫn nại vượt qua mọi nghịch cảnh (khó khăn, trở ngại). Bậc hướng đạo hay người chơn tu là những người đang cầm ngọn đèn đi trong đêm tối soi đường cho thế nhân cũng phải kiên nhẫn vượt qua mọi hoàn cảnh và giữ cho ngọn tâm đăng của chính mình luôn cháy sáng. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Chư hiền đệ, hiền muội đã ý thức được sự mầu nhiệm cao thâm của đạo lý, đã ý thức được trách vụ của mình trong cơ chấn hưng đạo đức, sửa thế lập đời thuần lương thánh đức, thì hãy thận trọng kiên trì với trách vụ để vượt qua lúc phong ba bão tố, nghịch cảnh quay cuồng trong thời thất điên bát đảo.
Là những người cầm ngọn đèn đi trong đêm tối, không vì lý do gì làm cản trở trì trệ bước đi của kẻ cầm đèn rọi đường cho nhơn loại.([13])
Đạo Cao Đài được Đức Chí Tôn chính thức khai mở vào ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần (1926), lúc đất nước Việt Nam đang bị ách đô hộ của thực dân Pháp. Chính quyền thực dân luôn có ý định triệt tiêu nền đạo mới vì nghi ngờ rằng đây là hội kín trá hình có âm mưu chống lại chính quyền thuộc địa. Do đó, chư vị Tiền Khai Đại Đạo có sứ mạng hoằng khai mối đạo lúc bấy giờ hầu hết đều phải chịu cảnh vào tù ra khám hoặc bị đày đi đảo xa. Sau khi thoát xác và trở lại thế gian qua ngọn linh cơ, Đức Thượng Trung Nhựt và Đức Ngọc Lịch Nguyệt có lần hồi tưởng:
Chúng Tiên Huynh đã trải qua biết bao lúc thăng trầm bĩ thới, trở ngại khó khăn, vào khám ra tù, lưu vong đất khách, hy sinh để tiếp nhận sứ mạng lập nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ từ năm Bính Dần cho đến ngày cổi bỏ xác phàm, rũ sạch những oan khiên nghiệp chướng.([14])
Đức Lê Kim Tỵ cũng bày tỏ ý chí kiêu hùng xem thường sự sống thác trước thế lực của ngoại bang muốn triệt tiêu mối Đạo nhà:
Một tay, một cánh chống Lang Sa
Họ quyết bóp tan mối Đạo nhà
Sống thác thường tình đâu có nệ
Cho người biết được khí hùng ta.([15])
Có nhiều vị đã chấp nhận hy sinh thân mạng để bảo toàn danh thể Đạo, trong đó có tiền bối Hoàng Ngọc Trác (đắc quả Liễu Tâm Chơn Nhơn). Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn bày tỏ:
Xác phàm tuy mất, khí thiêng còn
Nỗi Đạo, nỗi đời, nỗi nước non
Có gặp lửa hồng vàng biết giá
Tử sanh cũng giữ Đạo vuông tròn.([16])
Thế nên, Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn cảm thán:
Ôi nhắc đến mà lòng tha thiết
Bậc tiền khai tâm huyết trải trang
Biết bao gian khổ trần hoàn
Điểm tô xây đắp Việt bang Cao Đài.([17])
Thế mà, huynh tỷ đệ muội chúng ta ngày nay, có khi vì một lời chỉ trích của đồng đạo, vì một bất đồng ý kiến nhỏ, chúng ta bỏ đạo, bỏ tịnh thất, rời xa tập thể và đánh mất luôn cơ hội tu học hành đạo lập công bồi đức của mình.
Do đó, Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Đối với lòng người tu hành học đạo, không nên vướng mắc vào chỗ sáng tối của ngoại cảnh, mà hãy luôn luôn khêu tỏ ngọn tâm đăng để soi sáng cho chính mình trong thế cuộc, đó mới đúng lẽ Đạo của người tu.([18])
3. Không ai đốt đèn rồi để bên dưới cái chõng (cái giường) mà phải để trên cao để ánh sáng lan tỏa khắp không gian. Đức Giêsu dạy:
Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời. (Matthêu 5:13-16)
Lời dạy này có ý nói người tín hữu hãy mạnh dạn đem đạo vào đời để phụng sự nhơn sanh, đem ánh sáng đạo lý đến xua tan bóng đêm tội lỗi của cuộc đời chứ không phải chỉ tu cho riêng mình, chỉ thắp ánh sáng đạo cho riêng mình. Đức Cao Triều Phát Tiền bối dạy:
Tu không phải chán đời ẩn dật. Tu bắt buộc phải mạnh dạn đi vào đời.([19])
Đi vào đời chính là hội nhập vào cuộc sống nhân thế, hòa vào các hoạt động của xã hội, của cộng đồng.
Bậc chơn tu khi nhập thế luôn mang lại sự bình an và lợi lạc cho chúng sanh. Chẳng hạn như Ngài Ngô Văn Chiêu, vị đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài, lúc làm quan luôn lấy đạo đức và lòng nhân ái để cai trị và chăm lo cho dân chúng. Khi có kiện tụng thì Ngài giảng giải cho hai đàng biết rõ phải quấy rồi khuyên họ làm hòa với nhau.
Khi Ngài làm chủ quận Phú Quốc, dân chúng thương mến, ngày tết thường đem quà bánh đến quận đường biếu. Ngài cảm ơn và bảo họ hãy mang hết qua khám đường tặng cho các tù nhân.
Ngài không chỉ yêu thương con người mà còn có lòng nhân từ với cả loài vật. Một hôm, Ngài cùng với mấy người lính lên núi Dương Đông dạo xem phong cảnh từ sáng sớm tinh mơ. Lũ chim rừng dạn dĩ, cứ ríu rít bay vờn quanh Ngài và mấy người đồng hành. Thấy vậy, có người lính toan ra tay túm lấy một cánh chim ở sát bên anh. Ngài Ngô liền cản, ôn tồn mà dứt khoát: “Ấy chớ! Nó có tổ cũng như mình có gia đình vậy. Bắt nó, hại chết nó, cả tổ nó đau buồn. Biết đâu nó còn phải nuôi chim non. Thất đức lắm!”
Đi thêm một đoạn đường thì gặp một con nai bị sập bẫy thợ săn trong đêm. Ngài liền bảo mấy người lính thận trọng gỡ bẫy giải thoát cho con nai và rồi Ngài móc túi lấy tiền và tìm đoạn dây rừng gần đó tự tay cột tiền vào bẫy và nói: “Đây là trả tiền đền con nai.” ([20])
4. Đừng nghĩ rằng ánh sáng của mình quá yếu ớt không đủ sức soi rọi cho cuộc đời. Nhiều ngọn đèn nhỏ hợp lại sẽ tỏa sáng khắp nơi. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Ngọn đèn dầu nhỏ đến đâu cũng đem ánh sáng đến cho đêm tối, từ đạo tâm cá nhân đến đạo tâm đại đồng, sẽ chuyển được thế cuộc hung tàn trở nên thánh thiện.([21])
Mặc Tử ở nước Lỗ qua nước Tề, đi ngang nhà người bạn cũ, ghé vào chơi. Người bạn nói với Mặc Tử: “Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc nghĩa, một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không?”
Mặc Tử nói: “Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không ngồi rồi thì nhiều, mà đứa đi cày lại ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!” ([22])
Một buổi tối tại sân vận động Los Angeles (bang California, nước Mỹ), diễn giả nổi tiếng John Keller được mời nói chuyện trước khoảng một trăm ngàn người. Đang diễn thuyết bỗng ông dừng lại và cho tắt hết đèn. Cả sân vận động chìm trong bóng tối. Ông nói: “Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Hễ ai nhìn thấy ánh lửa thì hãy hô to: Đã thấy!”
Một que diêm được bật lên, cả sân vận động đồng thanh nói lớn: “Đã thấy!”
Ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù nhỏ bé như một que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy.”
Một yêu cầu chợt vang to: “Tất cả những ai có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên!”
Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.
Ông John Keller kết luận:
“Tất cả chúng ta cùng hợp lực có thể chiến thắng bóng tối, chiến tranh, khủng bố, cái ác và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương, sự tha thứ và lòng tốt của chúng ta. Hòa bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng của chiến tranh. Hòa bình không chỉ là cuộc sống không tiếng súng. Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau mà không cần súng đạn, đôi khi con người làm khổ nhau, áp bức bóc lột nhau mà không cần chiến tranh.
Cách tốt nhất để xây dựng hòa bình là tăng thêm thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm với đồng loại. Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua tan bóng tối của những đau khổ và cái ác.([23])
*
Mỗi người môn đệ Cao Đài, từ người tín hữu bình thường cho đến bậc hướng đạo đều phải là ngọn đèn sáng soi đường cho chính mình và cho thế nhân vượt ra khỏi bóng đêm tăm tối của vô minh, của tội lỗi, của bất hạnh khổ đau để trở về với Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ.
Chúng ta cùng ghi nhớ lời dạy của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư:
Hãy đem đạo lý tình thương, đem ngọn tâm đăng soi sáng cho mọi người và gia công hành đạo giúp đời bằng cách khêu ngọn tâm đăng cho tất cả mọi người. (…)
Là bực tín hữu hay hướng đạo cũng thế. Hãy chuẩn bị mọi điều kiện, mọi mặt cho ngọn tâm đăng soi rọi đêm trường đang dày đặc, cho mọi người sớm hưởng ánh sáng vinh quang, thanh bình, an lạc trong nếp sống đạo lý.
Tâm đăng soi sáng giúp cho mình
Tâm đạo trau dồi được tuệ minh
Cầm đuốc rọi đường cho đại chúng
Phổ truyền giáo lý độ nhơn sinh.([24])
DIỆU NGUYÊN




([1]) Tiến Sĩ Ngô Khánh Thụy, Phó Thủ Tướng thứ Nhất kiêm Bộ Trưởng Giáo Dục Singapore triển khai từ tháng 02-1982. Xem: Huệ Khải, Triết Lý Đền Thánh Cao Đài Tây Ninh. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 40-43. (Quyển 28-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([2]) Minh Lý Thánh Hội, 09-01 Mậu Thân (Thứ Tư 07-02-1968).
([3]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 19-02 Nhâm Tý (Thứ Sáu 24-3-1972).
([4]) Như chú thích (3).
([5]) You are the light of the world. (Matthêu, 5:14)
([6]) Vạn Quốc Tự (Chơn Lý Đàn), 15-8 Ất Tỵ (Thứ Sáu 10-9-1965).
([7]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 15-02 Đinh Tỵ (Chủ Nhật 03-4-1977).
([8]) Nguyên nhân: Những linh căn vốn ở cõi trời, nhận lãnh sứ mạng xuống thế gian độ đời; khác với hóa nhân là những ai từ kim thạch, thảo mộc, cầm thú tiến hóa lên làm người.
([9]) Đạo giáo: Tôn giáo.
([10]) Trong vị trí: Trong cương vị (position) của mình.
([11]) Chơn Lý Đàn, 01-4 nhuần Giáp Dần (Thứ Tư 22-5-1974).
([12]) Huệ Khải, “Lắng Nghe Và Thấu Hiểu”, in trong Sống Đẹp Là Sống Đạo. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2017, tr. 186-188. (Quyển 105-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([13]) Minh Lý Thánh Hội, 08-12 Đinh Mùi (Chủ Nhật 07-01-1968).
([14]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 14 rạng 15-02 Đinh Mùi (Thứ Sáu 24 rạng Thứ Bảy 25-3-1967).
([15]) Vĩnh Nguyên Tự, 01-01 Bính Ngọ (Thứ Sáu 21-01-1966).
([16]) Thánh thất Bình Hòa, 26-12 Đinh Mùi (Thứ Hai 15-01-1968).
([17]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 15-6 Quý Sửu (Thứ Bảy 14-7-1973).
([18]) Minh Đức Tu Viện, 13-01 Ất Mão (Thứ Ba 23-01-1975).
([19]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ (Thứ Tư 08-02-1967).
([20]) Theo Huệ Khải, “Vút Một Đường Mây”, in trong: Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Sống Đạo 2017-3. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo.
([21]) Minh Đức Tu Viện, 13-01 Ất Mão (Thứ Sáu 24-01-1975).
([22]) Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân, Cổ Học Tinh Hoa. Quyển I. Truyện số 5: “Khổ Thân Làm Việc Nghĩa”.
([23]) http://giaophanvinhlong.net/hay-thap-len-mot-que-diem.html.
([24]) Minh Lý Thánh Hội, 21-9 Kỷ Dậu (Thứ Sáu 31-10-1969).



Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)