Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

12/ KHẢO ĐẢO / CƠ DUYÊN VÀ TUỔI TRẺ

KHẢO ĐẢO
Thời gian để vui câu đạo lý, nghiền ngẫm thánh giáo thánh ngôn không là bao nhiêu, thì chiến tranh Việt Pháp bùng nổ ác liệt. Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bắc Bộ ở Hà Nội phải di tản về vùng quê. Văn phòng Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bộ được thành lập vào ngày 19 tháng 12 năm 1946 sau đó phải dời vào thánh tịnh Thanh Quang (Điện Bàn, Quảng Nam) rồi dời lên Sở Nông Phước Hội (Quế Sơn, Quảng Nam). Ở đây cũng bị máy bay Pháp oanh tạc, chiến tranh càng khốc liệt hơn, văn phòng lại phải dời vào thánh thất Trung An ở vùng quê hẻo lánh, thuộc huyện Thăng Bình.
Tuy phải tránh bom, trốn đạn, rày đây mai đó trong cảnh nhà thiêu vườn trống, khói súng ngút mù, nhưng lòng người Cao Đài lại được thúc giục nhiều nhất:
Nghe ta dặn mấy lời tâm sự
Đấng tu mi nam tử trên đời
Hiên ngang đạp đất đội trời
Bút nghiên cung kiếm vẽ vời non sông
Ta cũng người đứng trong thổ võ
Ta cũng người máu đỏ đầu đen
Cũng thân, cũng mặc, cũng ăn
Cũng gan óc Thánh, cũng căn kiếp Thần
Bốn nghìn năm mấy lần đày đọa
Lửa lợi danh đốt cả tâm hồn
Không hồn còn có chi khôn
Không khôn tánh mệnh vùi chôn đã đành
Vạn dặm trường vắng tanh lạc ngựa
Bốn phương trời bùng lửa chiến tranh
Biết chăng tìm lối tu hành
Con đường hạnh phúc còn dành dân Nam.
Tiền bối Huỳnh Thanh chí chăm với nguyện lực của mình. Tiền bối luôn nghĩ rằng con đường cứu thế của Chí Tôn đang cần được những tâm trường gánh vác, xông pha, cho nên cùng hợp sức với Cơ Quan Truyền Giáo, cố gắng lăn lộn với gian nguy, kết nối tâm đồng cùng chư huynh đệ quyết lòng:

Đem đạo đức lại làm quốc túy

Giục tinh thần phấn chí dân tâm.
Những khóa phổ thông giáo lý được tổ chức khắp nơi. Các thánh thất có điều kiện đều mở trường văn hóa. Sở Nông Phước Hội, Sở Công nghệ Tứ Trung đã giúp nơi ăn ở và việc làm cho nhiều đạo hữu lánh cư ở Bắc Quảng Nam. Tại Tý Sé, một bệnh xá được thành lập. Để việc giáo dục phù hợp cho lớp trẻ, Tráng Anh Đoàn được thành hình. Nhất là đoàn giáo hữu phổ thông đã đi khắp hang cùng ngỏ hẻm, các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú để an ủi thăm viếng, củng cố tinh thần tiến tu, giữ vững niềm tin trước mọi cơn bão bùng mưa bom gió đạn.
Chính hoạt động sôi nổi này trong khoảng thời gian 1947- 1948 đã gây sự chú ý, nghi ngại của chính quyền Việt Minh. Nhất là khi nghe những câu trích đoạn thánh giáo có thể bị suy diễn như lời hiệu triệu tín đồ làm chính trị, chống nhà nước. Cho nên các giáo sở Cao Đài và các hàng phẩm chức sắc hướng đạo đều đặt dưới sự theo dõi của chính quyền.
Vào cuối năm 1948, Cơ Quan Truyền Giáo chuẩn bị triệu tập cuộc đại hội nhân sinh vào ngày rằm tháng Giêng Kỷ Sửu (1949) tại Trung An gồm có các chức sắc, chức việc từ cấp thánh thất, để hướng dẫn lề lối sinh hoạt giáo hội và ôn dưỡng đường hướng tu hành. Nhưng trước đó một tháng, quý chức sắc, chức việc lãnh đạo các tỉnh, thành và Cơ Quan Truyền Giáo đều bị bắt. Số người bị giam giữ lên đến 179 người.
Tiền bối Huỳnh Thanh được liệt vào hàng quan trọng nên dần dần được đưa lên nhà lao Tiên Hội, Phối Sở Tiên Lập, thời gian trải dài ngót ba năm. Thật là:

Kể sao hết nỗi thảm sầu

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.

Tiền bối Huỳnh Thanh đã kịch liệt chiến đấu với nội tâm, với hoàn cảnh, luôn luôn trụ tâm tinh tấn, một dạ chí thành, không bất bình, không oán hận, không than van. Tiền bối luôn nghĩ rằng đây là sự khảo đảo cần thiết cho những người con Cao Đài, là trường thi tuyển chọn. Tiền bối thường nói đùa với mấy người bạn đạo trong lao rằng: Phải ráng để đạt kỳ thi Hội này mới vào thi Đình được. Kỳ thứ nhất thi Hương là quân chủ lưỡng triều khảo hạch, đã được chấm đậu tú tài. Vậy kỳ này thì tú tài phải mang gói lên đường tài tú chứ sao? Đùa cho vui vậy, để vượt khó, để tâm người biết đạo không chỉ sống trong bình yên mà còn phải sống với nghịch cảnh.
Phải cơn đời đạo chinh nghiêng
Dãi dầu sương tuyết há phiền nhọc thân
Dầu gặp cảnh phú bần quý tiện
Dầu gặp cơn nguy hiểm cũng thường.
Ở tại lao xá này không phải thuần túy giam người Cao Đài, mà cũng tập trung một số khá đông tù chính trị, tù phạm pháp. Ban quản trị phạm nhân luôn theo sát từng người để cải huấn, theo dõi tư tưởng, hành động. Trong số cán bộ thường có vài ông thân cận với tiền bối Huỳnh Thanh, đem thuyết duy vật biện chứng bàn bạc, vì họ thấy tiền bối Huỳnh Thanh ham tìm hiểu học hỏi nhất là luôn biểu lộ tinh thần dung hòa tâm vật bình hành.
Thỉnh thoảng các ông cũng chất vấn về đường lối, mục đích Cao Đài muốn đưa nhân loại về đâu? Đến đâu là chỗ hoàn thành sứ mạng Cao Đài?
Gặp lúc sảng khoái tinh thần tiền bối Huỳnh Thanh cười hóm hỉnh bảo:
- Sứ mạng Cao Đài là đưa nhân loại đến ngày vô tôn giáo mới hoàn thành.
Hai ông cán bộ vặn lại:
- Nè, ông nói châm chủ nghĩa đấy phải không?
Tiền bối Huỳnh Thanh tươi cười bảo:
- Xin quý ngài đừng chấp lý mà hiểu lầm. Người Do Thái xưa hiểu lầm mà giết Chúa Giê Su đấy.
Quý vị là những con người cộng sản tất hiểu rằng sự phát triển của loài người đến chủ nghĩa cộng sản phải trải qua công việc xoá bỏ các giai cấp bóc lột. Lúc ấy chức năng của đấu tranh không còn nữa, nhà nước chuyên chính vô sản chuyển sang nhà nước toàn dân và quyền lực nhà nước sẽ tiêu vong trong quá trình ấy. Mọi người dân tự ý thức được quyền làm chủ của mình, tức là biết tự chủ, tự trị, tự giác.
Còn đối tượng của tôn giáo là người phàm phu tục tử bị ba độc sáu đường dắt dẫn vào nẻo lầm lạc vô minh dẫy đầy tội lỗi. Cao Đài có sứ mạng là phải giúp họ, cứu họ không sót một ai gọi là tận độ. Khi đã tận độ rồi, thì không còn tôn giáo nữa. Ngày đó là đại đồng tại thế.
Tiền bối Huỳnh Thanh lúc nào cũng lấy lòng thẳng thắn thành thật và bày tỏ ý hướng và tâm tu của mình, không ngại vàng thau lẫn lộn.
    Thiệt vàng nào phải đồng xuy
Nếu ai thét lửa (cũng) nhận y vàng mười!
PHẠM VĂN LIÊM