Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

7/ ĐỘ SANH ĐỘ TỬ HAI VAI CŨNG ĐỒNG / CÂU CHUYỆN ĐỨC TIN

Độ sanh độ tử hai vai cũng đồng
Thời Tam Kỳ Phổ Độ, với mục đích tận độ quần linh, Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ đã ban hành luật đại ân xá với nhiều ân phước đặc biệt. Ân phước này không chỉ dành riêng cho người còn sống tại thế gian mà kể cả các chơn linh quá vãng cũng được hạnh hưởng. Kinh Cao Đài có câu:
Nhờ ơn Thượng Đế Cao Đài,
Độ sanh độ tử hai vai cũng đồng.
Do đó, trong Kỳ Ba này các chơn linh nơi cõi vô hình cũng được phép nhờ các chức sắc trong Hội Thánh Cao Đài làm lễ nhập môn vô vi tại các thánh thất, thánh tịnh nếu như lúc sinh thời họ chưa được may duyên hạnh ngộ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Sau khi nhập môn, các chơn linh cũng có cơ hội làm công quả vô vi để lập vị.
Đức Chí Tôn dạy:
“Các con! Nguơn hội đáo kỳ, vạn vật đổi thay. Phật Tiên, Thánh Thần từ cõi hư vô đến trần gian giúp Thầy khai mối Đạo để cứu rỗi quần linh trở về nguồn gốc. Nơi cõi trung, hạ giới các đẳng âm hồn, ngạ quỷ cùng đến cõi thế gian tranh nhau lập công bồi đức để trở lại cõi trường tồn chánh giác…”
Theo truyền thống Cao Đài, bổn đạo tại các tịnh thất đều thành tâm cầu siêu cho các âm nhơn cùng cửu huyền thất tổ trong suốt tháng 7 âm lịch vì tương truyền tháng 7 là tháng xá tội vong nhân, địa ngục mở cửa cho các âm nhơn trở lại thế gian hội ngộ cùng thân quyến. Chơn linh nào đồng ý nhập môn vào Đạo với sự trợ duyên của thân nhân và các đạo hữu thì xem như không phải trở lại địa ngục mà sẽ được ở lại cõi thế gian tu học, công quả đúng như câu “Đóng địa ngục, mở tầng thiên” trong bài Kinh Nhập Môn của đạo Cao Đài.
Sau đây là trường hợp một âm nhơn được nhập môn vô vi vào đạo Cao Đài. Chuyện có thật, theo lời kể của chị Diệu Huyền, Trưởng Ban Nghi Lễ (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý).
*
Sáng hôm ấy, chị Tư đi hành đạo tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, vừa về đến nhà, đã thấy Thi vội chạy ra, kéo chị vào góc nói nhỏ: “Chị Tư à, mấy bữa nay con Thu lạ lắm! Miệng nó cứ nói lảm nhảm cái gì đó. Chị để ý thử xem.”
Thu và Thi là hai cô gái ở quê lên Sài Gòn giúp chị Tư trong việc hàng quán. Chồng Thu xấu số, sớm qua đời, để lại một bé gái nhỏ dại.
Trưa hôm đó ngồi vào bàn ăn, chị Tư bắt đầu để ý những cử chỉ khác thường của Thu. Tay bưng chén cơm, mắt nhìn lơ đãng, Thu như đang thầm thì với ai đó. Chị Tư gọi lớn:
- Thu! Em nói gì vậy?
Bất chợt khuôn mặt và đôi mắt Thu bừng đỏ lên. Nhìn thẳng chị Tư, Thu nói:
- Chào chị Tư. Chị chưa biết em. Xin tự giới thiệu, em là Phát, chồng của Thu. Chị Tư biết không, em bây giờ chết rồi, nhưng hồn chưa siêu thoát. Em buồn vợ em lắm vì từ ngày em chết, nó chẳng lo nuôi con em đàng hoàng. Trước kia em làm thợ hồ. Một hôm đến giờ nghỉ trưa, nhưng em còn nán lại công trường để ráng cho xong việc. Ai dè đói hoa cả mắt nên té từ lầu cao xuống đất. Ông thầu tốt bụng đứng ra lo tang ma và chôn cất em tử tế, còn cho vợ em một số tiền kha khá để có vốn làm ăn. Thế mà vợ em xài hoang hết béng số tiền ấy rồi bắt con em đi bán bánh cam để kiếm tiền gạo mỗi ngày.
 Kể đến đây, xác Thu (hồn Phát) giơ hai bàn tay tự tát vào mặt liên hồi.
Chị Tư từng nghe nhiều người kể chuyện các vong hồn nhập xác người sống nhưng đến nay mới thấy tận mắt. Chưa hết bàng hoàng nhưng chị cũng kịp can ngăn:
- Thôi, em bớt giận, đừng đánh vợ nữa. Để chị khuyên Thu cho.
- Dạ, em biết anh chị Tư đạo đức tốt bụng nên rất mừng khi vợ em làm việc ở đây. Trăm sự nhờ chị dạy khuyên vợ em siêng làm kiếm tiền nuôi con.
Từ hôm ấy, vong hồn Phát thường nhập vào xác vợ. Hễ Thu làm biếng, muốn đi chơi thì Phát liền “phạt” không cho ăn uống. Nhiều lần Thu gọi mua tô mì gõ, mới cầm đũa đảo qua vài cái thì bưng ra bỏ ngoài gốc cây trước nhà chứ không ăn. Miệng Thu (Phát) rầy rà: “Sao không ở nhà phụ anh chị Tư mà bỏ đi chơi?!” Vừa dứt lời thì Thu ngoe ngoảy quay vào, xách xô nước và bàn chải ra cật lực chà khoảnh sân trước nhà đến độ hai bàn tay rướm máu.
Hôm khác, Phát nói:
- Chị Tư à, sáng giờ em có chuyện muốn nói với chị nhưng chị đi đâu mà em kiếm cùng khắp không thấy?
- Chị đi Cơ Quan hành đạo.
Phát xuôi xị:
- Hèn gì. Nơi đó em không được phép vào.
Rồi như sực nhớ, Phát nói tiếp:
- À, chị Tư biết không, ông bà chủ tiệm cơm đối diện nhà chị Tư mới dụ dỗ vợ em qua bển làm. Ổng bả hứa trả lương cao gấp mấy lần. Không tốt lành gì đâu, chẳng qua muốn dụ em qua bển để hỏi số đề đánh cho trúng mà thôi. Chị Tư yên tâm, em không cho vợ em đi đâu hết. Em muốn nó làm ở đây vì anh chị hiền lành đạo đức.
Đến Cơ Quan, chị Tư kể mọi chuyện. Giáo sĩ Huệ Ý khuyên nên cho Phát nhập môn vô vi để Phát tu học, làm công quả ngõ hầu có thể siêu thoát.
Sau đó chị Tư về nhà, vừa gặp mặt chị, Thi nhanh nhảu hỏi:
- Chị Tư, nghe nói chị sắp đưa anh Phát đi nhập môn hả?
- Ủa, ai nói em biết?!
- Dạ, hồi nãy anh Phát nhập vô chị Thu khoe với em rằng ngày mai anh được theo chị Tư vô chùa tu rồi. Trông ảnh có vẻ phấn khởi lắm!
Hôm sau, anh chị Tư đưa Thu (Phát) đến thánh thất Bàu Sen làm lễ nhập môn. Từ đó Phát ở lại Bàu Sen tu học và làm công quả. Thỉnh thoảng, Phát trở về nhà anh chị Tư thăm vợ.




Thánh thất Bàu Sen

Một hôm chị Tư và Thu ghé Bàu Sen, Thu (Phát) nói với chị:
- Hôm rồi em bị quỳ hương vì về nhà chơi lâu quá, bỏ bê công việc thánh thất. Chị Tư biết không, việc ở đây nhiều lắm, lớp nào quét dọn sân trước cho sạch sẽ, lớp nào phụ may đồ tang cho cơ sở mai táng… Ôi thôi, làm mệt xỉu luôn!
Chị Tư hỏi:
- Ở đây, em học đạo với ai?
Thu (Phát) chỉ tấm hình một đạo tỷ ở Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý đặt trên bàn thờ chư vị tiền vãng nữ.
Đạo huynh trưởng ban cai quản thánh thất than phiền:
- Cậu Phát này tối nào cũng xin tôi đốt cho cậu điếu thuốc. Hút xong mới chịu để yên cho tôi ngủ.
Một thời gian dài, Phát vẫn tiếp tục nhập vào xác vợ và ngăn cản không cho Thu tiếp xúc người khác. Chị Tư khuyên Phát:
- Bây giờ em nhập môn rồi, đừng quấy rầy vợ em nữa. Mỗi người ai có duyên nghiệp nấy. Em cố gắng tu học để linh hồn tiến hóa.
Có lẽ Phát đã nghe lời chị Tư. Lâu lắm rồi, không thấy Phát trở lại…

DIỆU NGUYÊN



Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Và xin quý bạn hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)