Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

4/ Khuyến tu / THÁNH THI TRÍCH LỤC

III. KHUYẾN TU
15. Chim khôn lựa nhánh chọn cành
Người khôn hãy sớm tu hành thân tâm.
Đức Hiển Thế Đạo Nhơn
Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10-5 Giáp Dần (29-6-1974)
16. Có căn mới được kiếp con người
Phải biết mà tu chớ dể ngươi
Kẻo trở lại đời trong thoái hóa
Khó mong gặp đặng phúc ân Trời.
Ân Trời khá giữ hộ thân
Tự tu tự giác, độ nhân độ quần ([1])
Mới là hưởng trọn mùa xuân
Xuân này xuân tới còn xuân mãi hoài.
Đức Quan Thánh Đế Quân
Thánh thất Tân Định, 03-01 Ất Tỵ (04-02-1965)
17. Một kiếp ráng tu giải nghiệp trần
Từ bao kiếp trước đã gieo nhân
Trong ngoài vẹn giữ cho tinh tấn ([2])
Nếu chẳng thành Tiên cũng Thánh Thần.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư
Minh Lý Thánh Hội, 12-8 Canh Tuất (12-9-1970)
18. Vào đời nào phải để nhàn du
Năm tháng ngày giờ ráng học tu
Tự độ, độ tha trong sứ mạng
Công trình, công quả, vẹn công phu.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư
Minh Lý Thánh Hội, 04-11 Nhâm Tý (09-12-1972)
19. Vào đời mượn giả để tu chân
Đừng mãi đam mê chốn bụi trần
Rồi phải loanh quanh vòng tục lụy
Nghìn đời muôn kiếp lạc kim thân.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư
Minh Lý Thánh Hội, 20-02 Tân Hợi (16-3-1971)
20. Ráng tu sẽ trở lộn về quê
Thoát tục là nơi quá não nề
Phật tánh Tiên căn tua ([3]) giữ mãi
Nguyên nhân ([4]) sớm muộn cũng quay về.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư
Minh Lý Thánh Hội, 19-9 Tân Hợi (06-11-1971)
21. Ráng lo tu tỉnh tập từng ngày
Đừng để buông lung phải trễ chầy
Một kiếp tu hành muôn kiếp hưởng
Phải lo công quả, hạnh cho dày.
Đức Quan Âm Bồ Tát
Minh Lý Thánh Hội, 01-9 Kỷ Dậu (11-10-1969)
22. Đời cùng thế loạn ráng lo tu
Sanh đặng làm người dễ lắm ru ([5])
Giải đãi ([6]) không lo tìm đạo lý
Ngày cùng thức tỉnh hận ngàn thu.
Đức Đô Thống Quản Địa Thần
Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 01-4 Kỷ Dậu (16-5-1969)
23. Nghiệp chướng ([7]) tiền khiên ([8]) vốn ái hà ([9])
Gây nên khổ hải vạn trùng ba ([10])
Ráng tu sớm khử trừ tam độc ([11])
Nhẹ gánh phi thăng đến Phổ Đà.([12])
Đức Quan Âm Bồ Tát
Minh Lý Thánh Hội, 01-9 Kỷ Dậu (11-10-1969)
24. Gội rửa oan khiên ([13]) để nhẹ mình
Về miền thượng giới rộng thinh thinh
Hồng trần nhìn lại bao đau khổ
Dốc độ ([14]) thành công khắp vạn linh.([15])
Đức Quan Âm Bồ Tát
Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự), 23-12 Ất Tỵ (14-01-1966)
25. Tai nàn cuộc thế chẳng xa đâu
Cố gắng chiều trưa học đạo mầu
Chớ để ngày qua cùng tháng lại
Rồi ra cũng chịu cảnh đau sầu.
Đức Quan Âm Bồ Tát
Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ (04-02-1965)
26. Công cao thì ngộ ân hồng ([16])
Phước dày thì gặp Hoa Long dự kỳ ([17])
Tu đi hãy gấp tu đi
Thế thời đã vậy còn gì hỏi han.
Đức Quan Âm Bồ Tát
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam
19-02 Ất Tỵ (21-3-1965)
27. Tu đi, ráng tu đi đệ muội
Để khỏi quên những chuỗi đời tàn
Phật Tiên đã đến thế gian
Gióng chuông cảnh tỉnh gọi hàng nguyên căn.([18])
Ai có lỗi ăn năn kíp kíp ([19])
Ráng tu hành còn kịp đò Trời
Ai người hướng đạo ([20]) giúp đời
Rung chuông cảnh tỉnh cho người tỉnh mê.
Đừng dại dột vụng về rồi chết
Buổi hạ nguơn đã kết ([21]) là đây
Thương cho đệ tử lạc Thầy
Lìa Cha xa Mẹ, chơn tay đoạn lìa.
(. . .)
Đừng e chẳng huyền vi ([22]) tế độ ([23])
Chỉ e mình thiếu chỗ đức tin
Đừng lo chẳng có thần linh
Chỉ e mình thiếu hy sinh tu hành.
Đức Giáo Tông Đại Đạo
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam
22-4 Nhâm Tý (03-6-1972)
28. Nhân thế còn trong cảnh trược phàm
Thế nên ái ố ([24]) với sân tham
Nếu không tu tỉnh muôn đời cũng
Lên xuống, xuống lên vẫn tục phàm.
Đức Quan Âm Bồ Tát
Minh Lý Thánh Hội, 06-4 Giáp Dần (27-4-1974)
29. Vui chơi cõi tạm có bao hồi
Một kiếp bụi trần chỉ thế thôi
Mới thấy đầu xanh ra tóc bạc
Làm chi công nghiệp để cho đời.
Đức Quan Âm Bồ Tát
Minh Lý Thánh Hội, 08-12 Đinh Mùi (07-01-1968)
30. Người sanh trong kiếp tại trần gian
Là bậc tam tài ([25]) Thượng Đế ban
Người vốn Phật Tiên chưa đắc vị ([26])
Làm sao cho đáng kiếp vi nhân.([27])
Đức Quan Âm Bồ Tát
Minh Lý Thánh Hội, 06-4 Giáp Dần (27-4-1974)
31. Siêng lo hành đạo lập công phu
Bất cứ người nào cũng dễ tu
Sự sống hằng ngày chen đạo lý
Khỏi cần thạch động ([28]) với non Vu.([29])
Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh
Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-01 Kỷ Dậu (03-3-1969)
32. Tu tiến siêu sanh đến cõi Trời
Lẽ đâu đắm tục mãi muôn đời
Kiếp người là nấc thang gần nhất ([30])
Cố gắng bươn ([31]) về chốn cựu ngôi.([32])
Đức Quan Âm Bồ Tát
Minh Lý Thánh Hội, 17-3 Kỷ Dậu (03-5-1969)
33. Phật là đại giác siêu sanh
Người là chư Phật sẽ thành tương lai
Tu là học để làm Trời
Phải đâu muôn kiếp làm người thế gian.
Đức Lê Đại Tiên
Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10-5 Giáp Dần (29-6-1974)
34. Tiên Phật trước kia cũng thế trần
Dày công tu tập luyện tâm thân
Lưu thanh khử trược, hồi quang chiếu
Nhập Thánh siêu phàm trọn đức ân.
Đức Hưng Đạo Đại Vương
Minh Lý Thánh Hội, 17-6 Tân Hợi (07-8-1971)
35. Phật Tiên xưa cũng ở dương trần
Đạt đạo quay về cõi thiện chân
Nhờ biết tu tâm cùng luyện tánh
Hơn đời do chỗ diệt tham sân.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư
Minh Lý Thánh Hội, 14-7 Nhâm Tý (22-8-1972)
36. Tiên Phật trước cũng người thế tục
Nhờ biết lo tu đức tu công
Gian lao chẳng lúc sờn lòng
Khó nghèo, đạo hạnh mãi không xa mình.
Sống như kẻ thường tình bên ngoại
Nhưng bên trong mãi mãi trau giồi
Tâm đăng mỗi lúc sáng ngời
Nặng phần đạo đức, nhẹ đời lợi danh.
Lòng chí quyết tu hành sớm tối
Lỡ mảy may lầm lỗi điều chi
Ăn năn cải hối tức thì
Cho lòng an định, lương tri lố bày.
Nên học tập hằng ngày trau sửa
Tu với hành hằng bữa không lơi
Chung quy bỏ lốt người đời
Chơn linh về chốn cõi Trời Phật Tiên.
Đạo khó chỗ nhẫn kiên bền bỉ
Đạo khó nơi hữu thỉ hữu chung
Vui thì hăng hái gia công
Buồn thì phế phận giữa dòng buông trôi.
Chưa làm chủ sáu ngôi lục dục
Chưa điều hành lãnh vực thất tình
Buồn vui, giận ghét quanh mình
Mặc cho sai khiến, mặc tình kéo lôi.
Khó là khó vô hồi vô tận
Chủ nhân ông ([33]) bị dẫn dắt đi
Bên này kéo, bên kia trì
Làm cho rối loạn lương tri chủ quyền.
Đạo cao thấp, thành Tiên thành Phật
Do tâm mình còn mất, tử sanh
Đừng rằng đã có duyên lành
Nguyên căn ([34]) tá thế rồi sanh kiêu kỳ.
Dầu Tiên Phật từ bi bác ái
Từ trên trời sanh lại thế gian
Nếu không tu tập mọi đàng
Trau giồi linh tánh huy hoàng vị ngôi
Thì vẫn bị luân hồi chuyển kiếp
Tùy căn duyên quả nghiệp ít nhiều
Thế nên người thế đừng kiêu
Ráng tu ráng sửa sớm chiều luôn luôn.
Dù trước việc vui buồn đắc thất
Dù khen chê, chớ phật ý ta
Rồi mình tách bước đi xa
Đó là mắc kế quỷ ma dẫn đường
Hỡi ai giữ mãi thiên lương! ([35])
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư
Minh Lý Thánh Hội, 01-11 Tân Hợi (18-12-1971)
37. Luật Trời mầu nhiệm lắm ai ơi
Một kiếp vi nhơn ([36]) quý một đời
Linh tánh khôn ngoan hơn vạn vật
Tu hành chắc thiệt sẽ thành Trời.
Đức Quan Âm Bồ Tát
Thánh tịnh An Tiên, 02-02 Đinh Mùi (12-3-1967)
38. Đạo có gì đâu, Đạo ấy Trời
Trời là Tiên Phật, cũng là người
Người hay giác ngộ, thành Tiên Phật
Tiên Phật vọng tâm ([37]) cũng xuống đời.
Đức Quan Âm Bồ Tát
Trúc Lâm Thiền Điện, 20-10 Quý Sửu (14-11-1973)
39. Thế gian nay đổi mai dời
Thạnh suy bĩ thới ([38]) ai người khéo khôn
Tu sao cứu rỗi linh hồn
Cửu huyền thất tổ, tử tôn nhiều đời.
Đức Giáo Tông Đại Đạo
Thiên Lý Đàn, 20-9 Kỷ Dậu (30-10-1969)
40. Đem đạo vào đời cứu chúng sanh
Hỡi ai giác ngộ ráng tu hành
Đạo không xa lánh người nghèo khó
Vì lớp trần ai ([39]) phủ tánh lành.
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam
30-3 Quý Sửu (02-5-1973)
41. Vào đạo để tu hành tác thiện ([40])
Tu trau giồi tinh tiến ([41]) chơn linh
Đó là tu kỷ ([42]) cho mình
Còn lo phổ độ chúng sinh nhơn loài.
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn
Vĩnh Nguyên Tự, 21-6 Kỷ Dậu (03-8-1969)
42. Hỡi sứ mạng nặng oằn đời đạo
Giữa thời cơ điên đảo khốn nguy
Càng nguy càng phải tu trì ([43])
Tu trì có thể cứu nguy cho đời.
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam
20-3 Canh Tuất (25-4-1970)
43. Người tu được thành Tiên tác Phật
Khổ công tu chẳng mất ai ơi
Tu đi một vốn mười lời
Nhà băng ([44]) thượng giới Cha Trời dành cho.
Đức Quan Âm Bồ Tát
Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức, 20-9 Đinh Mùi (23-10-1967)




([1]) độ nhân độ quần: Độ nhân quần; giúp mọi người tu hành.
([2]) tinh tấn: Siêng năng, chuyên cần tu tập.
([3]) tua: Nên, hãy nên.
([4]) nguyên nhân: Những linh căn có nguồn gốc từ cõi trời, xưa kia nhận lãnh sứ mạng nên đi xuống thế gian độ đời.
([5]) dễ lắm ru: Dễ lắm sao? Dễ lắm ư? (Tức là rất khó.)
([6]) giải đãi: Không siêng năng, biếng nhác.
([7]) nghiệp chướng: Chướng ngại, trở ngại phải nhận lãnh do trước kia đã tạo ra nghiệp xấu.
([8]) tiền khiên: Bị trì kéo, ràng buộc do nợ nần kiếp trước, sang kiếp này người mắc nợ phải trả. (Tiền là trước; khiên là lôi kéo, vướng vít, ràng buộc, liên lụy.)
([9]) ái hà: Sông tình ái. Tình yêu thương nam nữ làm người ta đắm chìm nên tình ái được ví như sông nước.
([10]) khổ hải vạn trùng ba: Cuộc đời ví như biển khổ (khổ hải) với muôn lượn sóng (vạn trùng ba) làm con người chìm đắm.
([11]) tam độc: Ba món độc là tham, sân, si (tham lam; giận dữ; ngu si, mê muội).
([12]) Phổ Đà (sơn): Núi trên hòn đảo là nơi Bồ Tát Quán Âm cư trú.
([13]) oan khiên: Oan nghiệp, oan nghiệt, những nợ nần, thù oán từ kiếp trước, sang kiếp này chúng đòi người mắc nợ phải trả.
([14]) dốc độ: Dốc sức cứu độ.
([15]) vạn linh: Vô số linh hồn, tất cả các linh hồn; vô số sinh linh, vô số chúng sinh.
([16]) ngộ ân hồng: Gặp được ơn to tát Trời ban.
([17]) Hoa Long dự kỳ: Dự kỳ thi là Hội Long Hoa (do Đức Phật Di Lạc làm chánh chủ khảo) để tuyển chọn người chân tu đắc đạo.
([18]) nguyên căn: Nguyên nhân; những linh căn có nguồn gốc từ cõi Trời, xưa kia nhận lãnh sứ mạng nên đi xuống thế gian độ đời.
([19]) kíp kíp: Gấp gấp.
([20]) hướng đạo: Dẫn dắt đạo hữu.
([21]) đã kết: Đã kết thúc, đã chấm dứt.
([22]) huyền vi: Mầu nhiệm, tức là Trời Phật, Tiên Thánh...
([23]) tế độ: Cứu vớt con người khỏi bể khổ sông mê, giống như đưa thuyền đến vớt kẻ chết đuối chở sang bờ bên kia. (Tế là qua sông, đồng nghĩa với độ.)
([24]) ái ố: Yêu và ghét.
([25]) bậc tam tài: Con người đứng thứ ba trong tam tài (thiên, địa, nhân: trời, đất, người).
([26]) đắc vị: Đắc quả vị, được phong là Thần, Thánh, Tiên, v.v...
([27]) vi nhân: Kiếp làm người.
([28]) thạch động: Động nằm trong núi đá.
([29]) non Vu: Vu sơn, núi có Tiên ở.
([30]) Kiếp người là nấc thang gần nhất: Trong các nấc thang tiến hóa, thấp nhất là đất đá, kim loại; rồi tiến lên làm cây cỏ; kế tiếp làm thú vật; rồi được làm người (gọi là hóa nhân, khác với nguyên nhân là các hàng Thần Thánh, Tiên Phật xuống thế làm người). Con người có đầy đủ các điều kiện để tiến hóa lên hàng Thần Thánh, Tiên Phật nên được xem là nấc thang gần hàng Thần Thánh, Tiên Phật nhất.
([31]) bươn: Mau chân, vội vã, gấp rút.
([32]) cựu ngôi: Ngôi vị cũ trên trời của các nguyên nhân, trước khi xuống trần làm người.
([33]) chủ nhân ông: Ông chủ, người làm chủ. Chân tâm là chủ nhân ông, thắng được sự sai khiến, cám dỗ của thất tình lục dục. Nếu để thất tình lục dục sai khiến, không còn làm chủ được tâm, tức là mất quyền chủ nhân ông. Giống như chủ nhà bị người ngoài lọt vào khống chế.
([34]) nguyên căn: Nguyên nhân; những linh căn có nguồn gốc từ cõi trời, xưa kia nhận lãnh sứ mạng nên đi xuống thế gian độ đời.
([35]) thiên lương: Phần tốt đẹp của người do Trời ban; lương tâm.
([36]) vi nhơn: Làm người.
([37]) vọng tâm: Lòng mơ tưởng sái quấy; lòng dạ sái quấy, càn bậy.
([38]) bĩ thới (thái): Vận rủi, xấu () và vận may, tốt (thái). Khổ sướng, rủi may.
([39]) trần ai: Bụi bặm.
([40]) tác thiện: Làm lành.
([41]) tinh tiến: Tinh tấn, siêng năng, chuyên cần tu tập.
([42]) tu kỷ: Tu để tự cứu bản thân.
([43]) tu trì: Tu hành không lơi lỏng. (Trì: Gìn giữ, nắm giữ.)
([44]) nhà băng: Ngân hàng (banque). 

DIỆU NGUYÊN kết tập

HUỆ KHẢI chú thích



Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Và xin quý bạn hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)